Bản án 151/2020/HS-PT ngày 16/03/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 151/2020/HS-PT NGÀY 16/03/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 16 tháng 03 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 731/2019/TLPT-HS ngày 22 tháng 11 năm 2019 đối với bị cáo Võ Bạch H:

Do có kháng cáo của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 59/2019/HS-ST ngày 17/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.

- Bị cáo bị kháng cáo:

Võ Bạch H, sinh năm: 1965. Nơi ĐKTT: Số 559 Ngô Quyền, phường VL, thành phố RG, tỉnh Kiên Giang; chỗ ở: tổ 4, khu phố 7, thị trấn DĐ, huyện PQ, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: làm thuê, trình độ văn hóa: 01/12, dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ, tôn giáo: không, quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ Thanh Tâm và bà Nguyễn Thị Lượng; chồng: Nguyễn Văn Vấn; tiền án, tiền sự: không:

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 29/11/2018 (có mặt).

Người bào chữa chỉ định cho bị cáo Võ Bạch H:

Luật sư Nguyễn Văn B, Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang (có mặt).

Người bị hại:

Bà Trương Thị Bích K, sinh năm: 1977 (vắng mặt):

 Nơi cư trú: tổ 3, khu phố 1, đường 30/4, thị trấn DĐ, huyện PQ, tỉnh Kiên Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào năm 2015-2016 chị Trương Thị Bích K (địa chỉ: đường 30/4, tổ 3, khu phố 3, thị trấn DĐ, huyện PQ, tỉnh Kiên Giang) thường đến nhà trọ của bà Võ Bạch H (tại hẻm Bảo Việt, đường Trần Hưng Đạo, tổ 4, khu phố 7, thị trấn DĐ, huyện PQ, tỉnh Kiên Giang) để xem bói; chị K đã kể cho bà H nghe hoàn cảnh gia đình (chị K sống chung với anh H1 như vợ chồng nhưng không có hạnh phúc). Võ Bạch H nói chị K đưa tiền nhiều lần để cúng sao giải hạn cho anh H1.

Đến đầu 2017 chị K tiếp tục đến xem bói và kể cho Võ Bạch H biết rằng anh H1 tính tình nóng nảy, đến khi về nhà thường kiếm chuyện cãi nhau với chị K. H biết chị K ghen nói chị K đưa ngày, tháng, năm sinh của anh H1 để xem bói. Sau khi xem xong, H nói với chị K rằng anh H1 đã bị người phụ nữ khác bỏ bùa, thấm vào người H1 đã lâu, nếu không làm bùa để giải thì anh H1 sẽ chết bất cứ lúc nào. Chị K tin là thật nên đã nhiều lần đưa tiền cho H để làm bùa giải, cụ thể như sau:

Vụ thứ nhất:

Vào tháng 03/2017, Võ Bạch H nói với chị K làm bùa bằng nước hoa (dầu thơm). Chị K đưa cho H 50.000.000 đồng (30.000.000 đồng đưa làm 02 lần:

20.000.000 đồng đưa làm 01 lần). Sau khi nhận tiền, H đến Rạch Giá mua 06 chai nước H hiệu Cindy, mỗi chai giá 100.000 đồng, đem về Phú Quốc đưa cho chị K, nói rằng đã làm bùa trong nước hoa rồi; H nói chị K xịt nước hoa vào người anh H1 thì sẽ trị được bệnh và giải được bùa; số tiền còn lại là 49.400.000 đồng, H dùng để tiêu xài cá nhân.

Vụ thứ hai:

Võ Bạch H nói với chị K rằng cần phải làm bùa mạnh hơn vì anh H1 đã bị bỏ bùa rất nặng, pH1 uống trong thời gian dài. H nói cho chị K biết cách thức làm bùa như sau: -lấy lông chó mực và ván quan tài (ván hòm được chôn dưới đất lâu năm) đốt thành tro, pha với nước lấy từ dưới đáy ngôi mộ đã lấy cốt, rồi lắng trong cho anh H1 uống; chị K đồng ý.

Đến tháng 4/2017 H nói với chị K rằng có người bán 01 tấm ván quan tài dài 7 gang tay giá 1.050.000.000 đồng (mỗi gang tay giá 150.000.000 đồng). Chị K đồng ý mua, nhiều lần đưa cho H số tiền 650.000.000 đồng. Sau đó, H dùng số tiền này để tiêu xài cá nhân. Tiếp sau đó, H nói chị K mua 07 bịch lông chó mực để làm bùa, chị K đồng ý. H đưa cho chị K 07 bịch lông màu đen (nói là lông chó mực); chị K đưa cho H số tiền 210.000.000 đồng; H lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Đến khoảng tháng 5/2017 H nói với chị K rằng có người bán 06 miếng ván quan tài, chị K đồng ý mua nên đã đưa cho H 02 lần, tổng số tiền là 65.000.000 đồng; H dùng để tiêu xài cá nhân.

Vào tháng 8/2017, H lấy của chị K số tiền 20.000.000 đồng, đi mua 01 viên đá, đưa cho Kiều, nói là đá Thạch Anh Ngọc Như Ý; số tiền còn lại, H dùng tiêu xài cá nhân.

Sau khi nhận tiền của chị K, Võ Bạch H đi đến Rạch Giá, vài ngày sau trở lại Phú Quốc, đưa cho chị K 03 chai nước (loại 1,5 lít) bên trong chứa nước màu đen. H nói rằng ván hòm, lông chó mực đã đốt thành tro và đã pha với nước lấy từ dưới ngôi mộ mới lấy cốt. H dặn chị K lắng trong nước rồi cho anh H1 uống. Võ Bạch H đã lừa đảo chiếm đoạt của Trương Thị Bích K số tiền 994.400.000 đồng.

Ngoài ra, chị Trương Thị Bích K còn chuyển tiền cho Võ Bạch H để làm bùa, thông qua đường bưu điện 01 lần là 1.000.000 đồng. H cũng mượn các tài khoản số 7717205109730 của em ruột Võ Bạch Nhị (mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng) để chị K chuyển tiền 10 lần, số tiền 158.000.000 đồng, tài khoản số 7790205157935 tại Ngân hàng AGRIBANK huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, số tiền 2.000.000 đồng. H cũng mượn giấy chứng minh nhân dân của Võ Thanh Hiền (là người em ruột) để cho chị K chuyển tiền 01 lần số tiền 700.000 đồng; tổng cộng 161.700.000 đồng.

Đến 8 giờ 30 phút ngày 29/11/2018, Võ Bạch H hẹn chị Trương Thị Bích K đến quán cà phê “Khoảng Riêng” trên đường 30/4 khu phố 1, thị trấn DĐ, huyện PQ, tỉnh Kiên Giang để giao 05 lít nước lấy từ mộ mới lấy cốt, 06 bịch lông chó mực để chị K đưa cho H số tiền 100.000.000 đồng, thì bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Kiên Giang bắt quả tang.

Vật chứng trong vụ án thu giữ gồm có:

- Một cục đá màu vàng:

- Một chai nước H (hết nước) hiệu Cindy:

- Năm chai nhựa loại 1,5 lít bên trong có chứa nước màu đen:

- Bốn khúc gỗ dài 18cm x 05cm xung quanh có quấn 01 giấy màu vàng:

- Một khúc gỗ dài 27cm x 04cm:

- Sáu tờ giấy màu vàng được bọc trong ny lon trắng:

- Hai cây đũa dài 50cm:

- Hai khúc gỗ dài 17cm x 03cm:

 - Một USB màu trắng:

- Một quyển sách Thái ất tử vi màu đỏ dày 312 trang:

- Một quyển sách cao ly đầu hình 96 trang:

- Một bộ bài tây có 32 lá:

- Sáu khúc gỗ dài 60cm x 18cm:

- Một can nhựa loại 5 lít bên trong có chứa nước:

- Sáu bịch lông màu đen:

- Ba chai nước H (Hết nước) hiệu Cindy:

- Một vỏ (Hộp) nước H Cindy.

Tại bản cáo trạng số 53/CT-VKSTKG –P2 ngày 29/8/2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đã truy tố bị cáo Võ Bạch H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 59/2019/HS-ST ngày 17/10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã quyết định như sau:

Tuyên bố: bị cáo Võ Bạch H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng: Điểm a Khoản 4 Điều 174; Điểm s Khoản 1 Điều 51; Điểm g Khoản 1 Điều 52; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Xử phạt bị cáo Võ Bạch H 14 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 29/11/2018.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, về xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo, kháng nghị theo luật định.

Ngày 30/10/2019, người bị hại là chị Trương Thị Bích K kháng cáo, yêu cầu như sau:

-Về phần hình sự: -yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo, từ 14 năm tù lên thành 18 năm tù:

-Về phần dân sự: -yêu cầu bị cáo trả lại 2.700.000.000 đồng vì cho rằng bị cáo đã chiếm đoạt số tiền là 2.700.000.000 đồng, không pH1 là 1.256.100.000 đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại có kháng cáo, vắng mặt. Tòa án cấp phúc thẩm đã công bố công khai nội dung của đơn kháng cáo của người bị hại tại phiên tòa.

 Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau:

-Về thủ tục tố tụng:

Đơn kháng cáo của người bị hại làm trong trong thời hạn luật định, là hợp lệ. Tại phiên tòa hôm nay, người bị hại vắng mặt không vì lý do bất khả kháng, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

-Về nội dung giải quyết vụ án:

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ kết luận rằng trong năm 2017, lợi dung sự tin tưởng của chị Trương Thị Bích K vào việc bị cáo có thể giải hạn, giúp cho gia đình chị K có cuộc sống hạnh phúc, bị cáo Võ Bạch H đã lừa đảo, chiếm đoạt của chị K số tiền là 1.256.100.000 đồng.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử phạt bị cáo 14 năm tù. Hình phạt này là tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, việc người bị hại kháng cáo, yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo, là không có căn cứ pháp luật, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận.

Đối với yêu cầu kháng cáo về phần dân sự của người bị hại: tài liệu, chứng cứ của vụ án thể hiện rằng số tiền của người bị hại mà bị cáo đã chiếm đoạt, là 1.256.100.000 đồng, không có căn cứ xác định là 2.700.000.000 đồng. Do đó đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo về dân sự của người bị hại.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng bị cáo chỉ chiếm đoạt của người bị hại số tiền là 1.256.100.000 đồng. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và xử phạt bị cáo 14 năm tù, là có căn cứ pháp luật. Vì vậy, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]Về thủ tục tố tụng:

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo không kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng người bị hại kháng cáo bản án sơ thẩm về hình sự và dân sự. Đơn kháng cáo của người bị hại làm trong thời hạn luật định.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, người bị hại là chị Trương Thị Bích K vắng mặt không có lý do, mặc dù đã được triệu tập hợp lệ.

 Điều 351 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về sự có mặt của người bị hại có kháng cáo, như sau:

“1. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị được triệu tập đến phiên tòa thì phải có mặt tại phiên tòa. Nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử giải quyết:

……b)Trường hợp người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương sự ”.

Xét thấy không có chứng cứ xác định rằng chị Trương Thị Bích K vắng mặt tại phiên tòa hôm nay là do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng Hình sự và theo đơn kháng cáo của chị Trương Thị Bích K.

[2]Về nội dung giải quyết vụ án:

[2.1]Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời thừa nhận của bị cáo Võ Bạch H tại phiên tòa, có đủ căn cứ để kết luận như sau:

Chị Trương Thị Bích K quen biết với bị cáo Võ Bạch H qua việc xem bói trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018. Trong khoảng thời gian này, chị Trương Thị Bích K đã cho Võ Bạch H biết cuộc sống gia đình của đương sự không được hạnh phúc (do người đàn ông mà chị Trương Thị Bích K đang chung sống, thường bỏ nhà đi vắng không rõ lý do).

Thông qua sự việc nói trên, Võ Bạch H đoán rằng chị Trương Thị Bích K có ý ghen tuông, nên đã tìm cách lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Võ Bạch H nói với chị Trương Thị Bích K rằng anh H1 (là người đàn ông mà chị Trương Thị Bích K đang chung sống) đã bị một người phụ nữ khác bỏ bùa, ảnh hưởng đến tính mạng; muốn được bình yên thì pH1 đưa tiền cho Võ Bạch H để mua vật liệu, làm bùa giải trừ; bùa giải sẽ được làm bằng cách dùng dầu thơm (nước H), ván hòm (ván quan tài) mới lấy cốt và lông chó mực, rồi đốt thành tro, pha trộn với nước lấy từ dưới ngôi mộ mới lấy cốt, lắng cho trong rồi sau đó đưa cho nạn nhân uống.

Bằng cách thức nói trên, Võ Bạch H đã lừa đảo, chiếm đoạt của chị Trương Thị Bích K số tiền 1.256.100.000 đồng.

[2.2]Bị cáo Võ Bạch H thừa nhận hành vi phạm tội nói trên. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra cùng các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở để kết luận rằng bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điểm a Khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 với một tình tiết định khung hình phạt (Điểm a Khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hình phạt đối với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên).

Hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện là đặc biệt nghiêm trọng, lợi dụng sự mê tín của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ; tài sản mà bị cáo đã chiếm đoạt là rất lớn (số tiền là 1.256.100.000 đồng).

[2.3] Xét về tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

-Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

Bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo người bị hại nhiều lần, pH1 chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điểm g Khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015:

-Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nên được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điểm s Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

[2.4]Xét kháng cáo của người bị hại:

-Xét kháng cáo về hình sự:

Như đã phân tích nói trên, khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử phạt bị cáo 14 năm tù; hình phạt này là tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ để tăng hình phạt theo yêu cầu kháng cáo của người bị hại:

-Xét kháng cáo về dân sự:

Xét thấy trong quá trình điều tra và giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, kết quả cho thấy số tiền mà bị cáo chiếm đoạt của người bị hại là 1.256.100.000 đồng; không có căn cứ để xác định rằng bị cáo chiếm đoạt số tiền là 2.700.000.000 đồng. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo dân sự của người bị hại.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 345 và Điều 355 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 1/Không chấp nhận kháng cáo của người bị hại Trương Thị Bích K; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 59/2019/HS-ST ngày 17/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, như sau:

- Tuyên bố bị cáo Võ Bạch H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 174; Điểm s Khoản 1 Điều 51; Điểm g Khoản 1 Điều 52; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Xử phạt bị cáo Võ Bạch H 14 (mười bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 29/11/2018.

Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

2/Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3/Về án phí phúc thẩm: không ai phải chịu.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

326
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 151/2020/HS-PT ngày 16/03/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:151/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về