TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
BẢN ÁN 148/2018/HS-PT NGÀY 27/11/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong các ngày 26 và 27 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 159/2018/TLPT-HS ngày 05 tháng 10 năm 2018 đối với bị cáo Vũ Viết G do có kháng cáo của bị cáo, người bị hại và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện D đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018/HS-ST ngày 06/08/2018 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Khánh Hòa.
Bị cáo có kháng cáo và bị kháng nghị:
Vũ Viết G sinh năm 1948 tại Thái Bình; Trú tại: Thôn D2, xã D1, huyện D, tỉnh Khánh Hòa; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Phật giáo; ; giới tính: Nam; nghề nghiệp: kinh doanh lưu trú; trình độ học vấn: 01/12; con ông Vũ G1 ( chết và bà Nguyễn Thị G2 (chết); Vợ: Đặng Thị G3 (sinh năm 1953) và 02 người con lớn nhất sinh năm 1973, nhỏ nhất sinh năm 1981; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa: Luật sư Nguyễn Đ, Văn phòng Luật sư Nguyễn Đ thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa bào chữa cho bị cáo. Có mặt.
Người tham gia tố tụng khác có kháng cáo:
- Người bị hại: Ông Nguyễn Khánh Q
Trú tại: Thôn D3, xã D1, huyện D, tỉnh Khánh Hòa.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại:
Luật sư Đinh Thị B, Văn phòng Luật sư sài Gòn trẻ thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 13 giờ ngày 16/01/2018, Vũ Viết G đến nhà ông Nguyễn Khánh Q để nói chuyện với ông Q về việc trước đó con ông Q làm hư hỏng tài sản của nhà bị cáo G. Sau khi nói chuyện qua lại, hai bên xảy ra mâu thuẫn, ông Q cầm một cây búa và một cái kéo cắt cây cảnh xông tới chỗ bị cáo G. Bị cáo G nhặt một cây củi khô dài khoảng 50 cm trước nhà ông Q để làm vũ khí. Nhưng do cây củi khô quá nhỏ nên bị cáo G ném đi rồi nhặt một viên gạch ở gần đó đến ném trước mặt ông Q để đe dọa ông Q nhưng ông Q vẫn tiếp tục dùng dùng búa và kéo cắt cây tiến về phía bị cáo G, bị cáo G xông đến dùng hai tay chụp cây búa và kéo trên tay ông Q. Hai bên giằng co qua lại, bị cáo G dùng sức giật mạnh làm ông Q ngã xuống nền nhà. Bị cáo G lấy được kéo và búa của ông Q mang về nhà, sau đó giao nộp cho Công an xã D1. Cùng ngày, ông Nguyễn Khánh Q có đơn yêu cầu khởi tố.
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện D, bị cáo Vũ Viết G đã khai nhận do nóng giận, không kiềm chế được nên đã giằng co với ông Q dẫn đến việc ông Q bị ngã xuống nền nhà.
Tại bản kết luận giám định pháp y số 42/Tgt ngày 13/02/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Khánh Hòa kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của ông Nguyễn Khánh Q là 03%.
Công văn số 132/TTPY ngày 20/4/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Khánh Hòa thể hiện: “Qua nghiên cứu hồ sơ bệnh án của ông Nguyễn Khánh Q không thể hiện điểm đau cố định trên ngực. Nên không xác định đươc vị trí tác động trên thành ngực gây gãy xương sườn số 6. Cơ chế hình thành gãy xương sườn số 6 bên trái của ông Q do vật tày tác động”.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018/HSST ngày 06/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện D đã căn cứ điểm c khoản 1 Điều 134; khoản 2 Điều 51 và điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Vũ Viết G 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra, bản án hình sự sơ thẩm còn quyết định về vật chứng, án phí, trách nhiệm dân sự và quyền kháng cáo.
- Ngày 17/8/2018, bị cáo Vũ Viết G có đơn kháng cáo kêu oan.
- Ngày 20/8/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện D có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ/QĐ-VKS, kháng nghị một phần bản án sơ thẩm với nộ i dung: Bản án sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo “tái phạm” theo điểm h hoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là không đúng; đề nghị cấp phúc thẩm không áp dụng tình tiết này và giảm nhẹ hình phạt tù đối với bị cáo Vũ Viết G.
- Ngày 21/8/2018, người bị hại ông Nguyễn Khánh Q có đơn kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Vũ Viết G.
+ Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và người bị hại giữ nguyên nội dung kháng cáo; đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên nội dung kháng nghị.
+ Ý kiến của đại diện Viện kiếm sát: Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vì lý do: Tại phiên tòa bị cáo G thừa nhận có giằng kéo và búa từ tay ông Q làm ông Q ngã xuống.
Tuy nhiên, theo tài liệu thực nghiệm điều tra và lời khai ông Q tại phiên tòa thì sau khi bị cáo giằng được kéo và búa thì ông Q bị ngã chúi người về phía trước, cơ thể chưa tiếp đất, không ngã trúng vật cứng nào. Bản thân ông Q cũng không xác định được việc bị cáo gây thương tích như thế nào đối với ông. Theo kết luận giám định thương tích số 42/TgT ngày 13/02/2018 của Trung tâm pháp y
- Sở y tế Khánh Hòa, dấu hiệu chính qua giám định thương tích của ông Q là “chấn thương vùng ngực gây gẫy kín xương sườn số 6 bên trái” và tại Công văn số 132/TTPY ngày 20/4/2018 của Trung tâm pháp y trả lời Công văn của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện D: “không xác định được vị trí tác động trên thành ngực gây gẫy xương sườn số 6. Cơ chế hình thành gẫy xương sườn số 06 bên trái của ông Q do vật tày tác động”. Do việc điều tra, chứng minh tội phạm ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ; chưa làm rõ được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; chưa làm rõ cơ chế hình thành thương tích; còn có sự mâu thuẫn giữa lời khai bị cáo, người bị hại, nhân chứng và kết luận giám định, nên cấp phúc thẩm không thể bổ sung được; cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại để đảm bảo giải quyết vụ án khách quan và đúng pháp luật.
+ Người bào chữa cho bị cáo trình bày: Theo như nội dung bản cáo trạng và bản án sơ thẩm thì bị cáo Vũ Viết G không phạm tội. Vì cáo trạng và bản án không nêu rõ hành vi, không có hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nên không đủ cơ sở để kết tội bị cáo. Bút ký phiên tòa sơ thẩm cũng thể hiện người bị hại bị gãy xương sườn không phải do bị cáo gây ra. Đây là vết thương cũ theo giám định viên, phải 3 – 4 tháng mới lành, nên không phải là vết thương mới do bị cáo gây ra. Hành vi của bị cáo thực hiện đúng như nội dung bản cáo trạng đã nêu, thì hành vi của bị cáo là phòng vệ chính đáng theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bị cáo là người không biết chữ, có trình độ học vấn 1/12, nhưng khi Cơ quan điều tra lấy lời khai của bị cáo, đều không có người làm chứng. Như vậy, có đảm bảo sự khách quan khi bị cáo khai báo không, có đúng với những gì bị cáo đã trình bày hay không theo như quy định khoản 2 Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vây, không thể dựa vài các tài liệu này để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Trường hợp, nếu Tòa thấy cần thiết phải làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, đề nghị Tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại trình bày:
- Không cần thiết phải hủy vụ án, trả hồ sơ điều tra bổ sung vì: Việc xác định vật chứng trong vụ án có mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và người bị hại là cây sắt hay cây gỗ. Cơ quan điều tra không tiến hành thu thập được vật chứng, hiện tại vật chứng không còn, nên Cơ quan điều tra không thể xác định được vật chứng; Người bị hại đã phục hồi sức khỏe, cơ chế hình thành vết thương của người bị hại xác định là vật tày không chỉ là gãy xương sườn số 6 mà là đa chấn thương. Đề nghị Tòa cứ căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa để ra quyết định.
- Phản bác ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm bị hại khai “thương tích gãy xương sườn không phải do bị cáo gây ra”. Lời khai của người làm chứng tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa khác nhau, không đúng sự thật khách quan.
- Khi sang nhà người bị hại, bị cáo đã mang theo 1 cây gỗ, tức đã hình thành ý định tấn công bị hại ngay từ đầu, việc bị cáo nêu ra sự việc năm 2017 chỉ là mượn cớ, mà hành vi của bị cáo mang tính chất côn đồ, hung hãn. Với tình tiết như bị cáo khai “thấy ông Q cầm búa và kéo tấn công bị cáo nên bị cáo sợ…”, vậy lúc này bị cáo hoàn toàn có thể lựa chọn việc đi về nhà hoặc bỏ đi, nhưng bị cáo lại nhặt cục gạch đe dọa người già yếu không có sức khỏe. Thực tế, bị hại không hề có sự tấn công bị cáo mà do bị cáo xông vào đánh người bị hại. Nếu bị cáo không đánh bị hại và chỉ có việc bị hại ngã thì tại sao lại có đa chấn thương trên vùng mắt, tay và chân của người bị hại. Việc gãy xương sườn số 6 chỉ là tình tiết để định khung hình phạt. Cơ chế hình thành vết thương trên cơ thể người bị hại không thể do bị hại tự gây ra.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo và người bị hại; kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện D còn trong thời hạn luật định nên xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Về nội dung:
[2.1] Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo trình bày: Bị cáo không có hành vi gây thương tích cho ông Q, bị cáo chỉ cầm cây củi nhỏ qua nhà ông Q để yêu cầu ông Q đền bù cái tủ cho bị cáo, bị cáo không dùng cây đánh ông Q. Việc ông Q bị ngã là do ông Q cầm cây búa và cây kéo nhào vào định đánh bị cáo, bị cáo sợ bị đánh trúng nên đã lao vào giằng lấy cây búa và kéo trên tay ông Q, ông Q bị ngã xuống đất nhưng bình thường, không bị thương tích gì.
- Người bị hại trình bày: Khi bị cáo qua nhà bị hại trên tay có cầm 1 cái bay xây dựng và nói gì đó, nên bị hại mới lấy búa để tự vệ. Sau đó, bị cáo đi về nhà cầm 01 cây sắt đi qua nhà người bị hại thì bị hại mới lấy thêm cây kéo, bị cáo đã dùng cây sắt đánh vào bị hại, bị hại giơ búa và kéo lên đỡ, nên bị cáo đánh trượt trúng vào đuôi mắt trái và cẳng tay phải của bị hại bị thương tích. Sau đó, bị cáo giằng co qua lại và lấy cây búa và cây kéo của bị hại, làm bị hại ngã xuống đất.
[2.2] Hội đồng xét xử xét thấy:
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, cấp sơ thẩm chưa xác định rõ thương tích của người bị hại do nguyên nhân nào gây ra, do yếu tố nào tác động, cơ chế hình thành thương tích, mối quan hệ nhận quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm để làm cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Về thương tích của người bị hại: Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, người bị hại không xác định được vết thương bị gãy ở xương sườn số 6 do đâu mà có và cơ chế hình thành vết thương (bút lục 71 và 143’). Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại trình bày vết thương bị gãy xương sườn số 6 bị hại “không biết bị từ lúc nào nhưng chắc là do bị cáo dùng cây sắt đánh”.
Theo giải thích của giám định viên của Trung tâm pháp y – Sở y tế tỉnh Khánh Hòa tại phiên tòa phúc thẩm: Khi giám định thương tích của ông Nguyễn Khánh Q, bản ảnh không thể hiện điểm đau cố định, về cơ chế hình thành phải có vật tày tác động ngoại lực làm cho xương bị gãy và “vật tày” ở đây có thể hiểu là nắm tay, cây, thanh sắt, thềm nền nhà…
Về tư thế ngã: Tại phiên phiên tòa sơ thẩm ông Q khai khi bị cáo G giằng được cây kéo và cây búa khỏi tay ông thì ông bị ngã quỵ xuống, té nghiêng nửa người, không chà mặt xuống nền nhà. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Q xác định tư thế ông ngã như bản ảnh thực nghiệm điều tra, tức là tư thế ngã hai tay chống xuống đất.
Tuy nhiên, Cáo trạng và Bản án đều mô tả bị cáo Vũ Viết G có hành vi qua nhà người bị hại giằng co và giật cây búa và cây kéo trên tay người bị hại làm cho người bị hại bị té ngã, nhưng không đề cập đến hậu quả việc người bị hại bị té ngã bị hậu quả gì, thương tích như thế nào, do yếu tố nào tác động, đây có phải là nguyên nhân gây ra thương tích cho người bị hại hay không. Cáo trạng chỉ nêu kết luận giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 03%, nhưng không rõ thương tích nào. Bản án cũng không phân tích và nhận định để làm rõ hành vi và hậu quả tội phạm để làm căn cứ kết tội bị cáo. Trong khi bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình là chưa đúng với quy định tại Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự.
[2.3] Hội đồng xét xử thấy rằng: Ngay sau khi sự việc xảy, khi người bị hại lên Công an xã để giải quyết sự việc, công an xã đã không lập biên bản xem xét, dấu vết, thương tích trên cơ thể người bị hại, mà chỉ chụp ảnh về tình trạng của người bị hại (chị Võ Thị L công an viên xã D1, huyện D chụp), bản ảnh thể hiện các vết thương trên người ông Q: Vùng mắt trái bị sưng và cẳng tay trái có vết thương chảy máu. Trong Biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm do Cơ quan cảnh sát điều tra huyện D lập ngày 18/01/2018 đối với người tố giác là bà Nguyễn Thị Q2 (vợ ông Q), ngoài việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm là ông Vũ Viết G đánh chồng và con trai bà bị thương tích vào ngày 16/01/2018, bà Q2 còn nộp kèm theo 02 tấm ảnh thể hiện thương tích của ông Nguyễn Khánh Q vào ngày xảy ra sự việc.
Tuy nhiên, qua xem xét các tài liệu có trong hồ sơ không có 2 tấm ảnh này.
Tại phiên tòa, người nhà của ông Q đã giao nộp 02 tấm ảnh chứng minh về thương tích của ông Q ở vùng mắt trái và cẳng chân trái mà bà Kim đã giao nộp kèm theo yêu cầu tố giác nêu trên vào ngày 18/01/2018.
Xét thấy, sau khi xảy ra việc giằng co cây búa và cây kéo giữa bị cáo và người bị hại, người bị hại có những vết thương như bản ảnh chị L đã chụp. Sau khi bị cáo bị thương tích đã nhập viện điều trị và có hồ sơ bệnh án; Giấy chứng nhận thương tích số 13/CN ngày 05/02/2018 của Trung tâm y tế huyện D cũng xác định: Lý do vào viện là “đau vùng mắt (T)”, tình trạng thương tích lúc vào viện “sưng đau vùng mắt (T), van đau ngực, trầy sước da cẳng tay (P) + cẳng chân; Ngực thẳng: Hình ảnh gãy xương sườn số 06 bên (T)”. Nhưng đến ngày 13/02/2018 mới có Kết luận giám định pháp y về thương tích của ông Q.
Hơn nữa, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm người bị hại vẫn khẳng định: Các vết thương ở vùng mắt, cẳng tay phải và cẳng chân trái là do bị cáo G dùng cây sắt đánh, nhưng bị cáo và người làm chứng bà Nguyễn Thị N lại cho rằng bị cáo chỉ cầm 01 cây củi nhỏ dài khoảng 40 - 50cm.
[2.4] Như vậy, có việc bị cáo cầm cây qua nhà người bị hại gây sự và có việc bị cáo lao vào giằng co cây kéo và cây búa trên tay người bị hại. Vậy thương tích trên người bị hại với việc bị cáo cầm cây qua nhà người bị hại gây sự và việc bị cáo giằng co cây búa và cây kéo có mối liên quan như thế nào, hậu quả người bị hại bị thương tích là do đâu, do ai gây ra, do vật gì tác động. Vấn đề này cấp sơ thẩm chưa làm rõ và trong Bản án cũng không nhận định và phân tích các căn cứ pháp lý để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Vì vậy, cần phải điều tra lại vụ án để xác định nguyên nhân gây nên những vết thương trên cơ thể người bị hại, từ đó có cơ sở vững chắc xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Do việc điều tra và chứng minh tội phạm ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ; chưa làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cũng như cơ chế hình thành
thương tích; có sự mâu thuẫn giữa lời khai bị cáo, người bị hại, nhân chứng và kết luận giám định. Vì vậy, cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại để đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự.
QUYẾT ĐỊNH
Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018/HSST ngày 06/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện D. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện D để điều tra lại.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 148/2018/HS-PT ngày 27/11/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 148/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Khánh Hoà |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về