Bản án 147/2018/DS-PT ngày 14/11/2018 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN 147/2018/DS-PT NGÀY 14/11/2018 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 90/2018/TLPT-DS ngày 17/10/2018 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 34/2018/DS-ST ngày 11 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện TL bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 238/2018/QĐ-PT ngày 29 tháng 10 năm 2018; Quyết định hoãn phiên tòa số 124/2018/QĐPT-DS ngày 07 tháng 11 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông A, sinh năm 1973

Nơi cư trú: Xóm 4, thôn 06, xã P, huyện M, tỉnh Bình Thuận

Bị đơn: Ông B, sinh năm 1961

Bà C, sinh năm 1962

Cùng cư trú: thôn 02, xã P, huyện TL, tỉnh Bình Thuận

Người đại diện theo ủy quyền của ông B, Bà C: Ông H, sinh năm 1990; Nơi cư trú: thôn 02, xã H, huyện TL, tỉnh Bình Thuận. Theo văn bản ủy quyền ngày 26/10/2018 và ngày 08/11/2018.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà X, sinh năm 1977

Nơi cư trú: Xóm 04, thôn 06, xã H, huyện TL, tỉnh Bình Thuận. Tại phiên tòa có mặt những người tham gia tố tụng: Ông A, bà C, ông H.

Theo án sơ thẩm:

NỘI DUNG VỤ ÁN

Đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng nguyên đơn ông A trình bày: Khoảng 12 giờ, ngày 14/3/2018 vợ chồng ông A, Bà X nhận được tin báokhu vực rẫy cao su của gia đình ở thôn 6, xã H, huyện TL, tỉnh Bình Thuận bị cháy. Do đám cháy phát lên cao nên vợ chồng ông H cùng một số người chỉ chữa cháy được ½ diện tích đất rẫy, ½ diện tích đất còn lại cây cao su trồng trên đất đã bị cháy. Qua tìm hiểu, ông H cho rằng nguyên nhân rẫy cao su của ông bị cháy là do ông B phát dọn rẫy điều và đốt lửa tại khu vực giáp ranh diện tích rẫy nhà ông H nên làm cháy một số cây cao su thuộc khu vực rẫy của vợ chồng ông. Ông khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông B và Bà C phải bồi thường cho ông 107 cây cao su trị giá 500.000đ/01 cây = 53.500.000đ. Tuy nhiên, sau khi xác định lại chính xác số cây bị thiệt hại và căn cứ vào Biên bản định giá tài sản bị thiệt hại thì ông H xác định số cây cao su bị cháy là 113, giá trị thiệt hại là 33.900.000đ. Do đó ông H yêu cầu vợ chồng ông B và Bà C phải bồi thường cho vợ chồng ông 33.900.000đ. Ngoài ra ông không yêu cầu gì thêm.

Bà X trình bày: Bà P thống nhất theo ý kiến trình bày của ông A, yêu cầu vợ chồng ông B và Bà C phải bồi thường cho vợ chồng ông, bà 33.900.000đ giá trị của 113 cây cao su bị ông V gây thiệt hại. Ngoài ra bà không yêu cầu gì thêm.

Bị đơn ông B, trình bày:

Ông B thừa nhận: Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 14/3/2018, ông V tiến hành phát dọn và đốt lửa tại diện tích đất rẫy của gia đình ở khu vực thôn 6, xã H, huyện TL, tỉnh Bình Thuận, khu vực rẫy của ông giáp ranh với rẫy của vợ chồng ông H, bà Phượng. Do trời nắng và gió mạnh nên có một số vật bị cháy bay sang khu vực rẫy của ông H, làm khu vực rẫy trồng cây cao su của vợ chồng ông H phát cháy. Ông V đã cố gắng dập lửa nhưng vì mùa nắng, lá cây cao su bị rụng nhiều nên không thể nào dập tắt lửa. Ông V thừa nhận hành vi đốt rẫy làm cháy lan sang rẫy của vợ chồng ông H gây thiệt hại 113 cây cao su, trị giá 33.900.000đ. Nay ông đồng ý bồi thường 33.900.000đ theo yêu cầu khởi kiện của ông H .

Bị đơn Bà C trình bày: Thời điểm ông V dọn rẫy làm cháy san khu vực rẫy của vợ chồng ông H thì bà không biết. Hiện nay ông H khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông, bà có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với 113 cây cao su bị cháy trị giá 33.900.000đ thì bà đồng ý cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường với ông V.

Tại biên bản thẩm định tại chỗ ngày 24/5/2018 xác định: Trên diện tích rẫy của ông A ở thôn 6, xã H, huyện TL có 113 cây cao su 06 năm tuổi, chưa khai thác bị đốt cháy.

Tại biên bản định giá tài sản ngày 14/6/2018 xác định: 113 cây cao su bị cháy có giá 300.000đ/01 cây = 33.900.000đ.

Sau khi hòa giải không thành, Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 34/2018/DS-ST ngày 11 tháng 9 năm 2018, Tòa án nhân dân huyện TL đã quyết định:

Áp dụng:

- Khoản 6 Điều 26; khoản 1 Điều 35; Các Điều 147, 157, 165, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Các Điều 584, 585, 586, 589 của Bộ luật dân sự năm 2015.

- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Công nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa ông A, Bà X và ông B như sau:

- Ông B, Bà C có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản cho vợ chồng ông A, Bà X số tiền 33.900.000đ (ba mươi ba triệu, chín trăm nghìn đồng).

Chia phần:

Ông B phải bồi thường cho ông A, Bà X số tiền là 16.950.000đ (mười sáu triệu, chín trăm năm mươi nghìn đồng).

Bà C phải bồi thường cho ông A, Bà X số tiền là 16.950.000đ (mười sáu triệu, chín trăm năm mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm trả số tiền nêu trên thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi như sau:

+ Trường hợp các bên có thỏa thuận thì mức lãi suất không được vượt quá20%/năm.

+ Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì mức lãi suất là 10%/năm. Buộc ông B, Bà C phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền chi phí thẩm địnhtại chỗ là 500.000đ và chi phí định giá tài sản là 900.000đ cho ông A, Bà X.

- Về án phí: Buộc ông B, Bà C phải nộp 1.765.00đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn trả lại cho ông A số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.337.500đ tại biênlai thu tiền số No.0012544, ngày 23/4/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyệnTL.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên quyền và nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 19/9/2018 ông B kháng cáo Bản án sơ thẩm, ông V cho rằng:

- Sau khi đền bù thiệt hại đối với số cây cao su bị cháy thì ông muốn được tận thu số cây cao su bị cháy nhưng Tòa án cấp sơ không đề cập đến việc giao số cây này cho ai.

- Việc phân chia số tiền bồi thường cho Bà C là chưa hợp lý vì bà Phương không có lỗi trong việc gây cháy cây cao su, bà Phương chỉ cùng chồng bồi thường thiệt hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm ông H tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông B.

- Ông H, bà P không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận phát biểu:

+ Về tố tụng: Về việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đảm bảo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

+ Về nội dung kháng cáo của ông V:

Ông V kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm yêu cầu được giao 113 cây cao su để ông tận thu. Bị đơn không có yêu cầu phản tố, quá trình tham gia tố tụng hai bên thỏa thuận bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn trị giá 113 cây cao su, không đề cập đến việc tận thu nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét. Như vậy nội dung kháng cáo của bị đơn không thuộc phạm vi xem xét của Tòa án cấp phúc thẩm. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xác minh tại phiên tòa, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Ông A khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông B và Bà C phải bồi thường thiệt hại về tài sản đối với 113 cây cao su bị cháy trị giá 33.900.000đ do hành vi đốt rẫy của ông B làm cháy lan sang rẫy cao su của vợ chồng ông A, Bà X. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 6 Điều 26; khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án; Các Điều 584, 585, 586, 589 của Bộ luật dân sự năm 2015 xác định quan hệ tranh chấp “Yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản” là xác định đúng quan hệ tranh chấp và đúng thẩm quyền giải quyết.

 [2] Xét yêu cầu kháng cáo của ông B, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Khoảng 11 giờ 30 phút, ngày 14/3/2018 ông V có đốt một số cây cỏ khô, bụi rậm để phát dọn tại khu vực rẫy của gia đình ông V tại thôn 6, xã H, huyện TL, tỉnh Bình Thuận là khu vực giáp ranh với rẫy của ông H. Trong lúc đốt do sơ suất, ông V để lửa cháy lan sang rẫy cao su của ông H làm cháy 113 cây cao su trị giá 33.900.000đ (đã được định giá). Quá trình giải quyết vụ án, ông V không đồng ý bồi thường. Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng ông V, bà Phương đồng ý thỏa thuận bồi thường cho vợ chồng ông H, bà Phượng. Xét thấy sự thỏa thuận giữa các đương sự là hoàn toàn tự nguyện, không trái đạo đức xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật nên Tòa án cấp sơ thẩm đã công nhận sự tự nguyện thỏa thuận này là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông V kháng cáo cho rằng: Sau khi đền bù thiệt hại đối với số cây cao su bị cháy thì ông muốn được tận thu số cây cao su bị cháy nhưng Tòa án cấp sơ không đề cập đến việc giao số cây này cho ai. Hội đồng xét xử xét thấy: Trong suốt quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn ông B không yêu cầu được tận thu số cây cao su bị cháy, ông V cũng không có yêu cầu phản tố đối với yêu cầu này. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét yêu cầu này của ông V là có căn cứ và đúng pháp luật. Trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa, bị đơn và người đại diện yêu cầu được tận thu số cây cao su bị cháy nhưng lại không nêu ra được các chứng cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình. Hơn nữa theo quy định của pháp luật thì 113 cây cao su bị thiệt hại này vẫn là tài sản của vợ chồng ông H, bà Phượng. Do đó không có căn cứ để xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông V.

Ngoài ra, ông V còn cho rằng việc phân chia số tiền bồi thường cho Bà C là chưa hợp lý vì bà Phương không có lỗi trong việc gây cháy cây cao su, bà Phương chỉ cùng chồng bồi thường thiệt hại. Hội đồng xét xử xét thấy: Ông V và bà Phương là vợ chồng, đang cùng sinh sống trong thời kỳ hôn nhân, do đó bà Phương phải có trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường thiệt hại do hành vi đốt rẫy làm cháy 113 cây cao su của ông H . Do vậy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của ông V.

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông V. Bản án sơ thẩm vì vậy được giữ nguyên như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

 [3] Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét.

 [4] Do Bản án dân sự sơ thẩm được giữ nguyên nên ông V phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 148; khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông B; Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 34/2018/DS-ST ngày 11 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện TL.

Áp dụng:

- Khoản 6 Điều 26; khoản 1 Điều 35; Các Điều 147, 157, 165, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Các Điều 584, 585, 586, 589 của Bộ luật dân sự năm 2015.

- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Công nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa ông A, Bà X và ông B như sau:

- Ông B, Bà C có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản cho vợ chồng ông A, Bà X số tiền 33.900.000đ (ba mươi ba triệu, chín trăm nghìn đồng).

Chia phần:

Ông B phải bồi thường cho ông A, Bà X số tiền là 16.950.000đ (mười sáu triệu, chín trăm năm mươi nghìn đồng). Bà C phải bồi thường cho ông A, Bà X số tiền là 16.950.000đ (mười sáu triệu, chín trăm năm mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm trả số tiền nêu trên thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi như sau:

+ Trường hợp các bên có thỏa thuận thì mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm.

+ Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì mức lãi suất là 10%/năm.

2. Buộc ông B, Bà C phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền chi phí thẩm định tại chỗ là 500.000đ và chi phí định giá tài sản là 900.000đ cho ông A, Bà X.

3. Về án phí: Buộc ông B, Bà C phải nộp 1.765.00đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn trả lại cho ông A số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.337.500đ tại biên lai thu tiền số No.0012544, ngày 23/4/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện TL.

Ông B phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm nhưng được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí mà ông B đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số0012883 ngày 03/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện TL. Ông B đã nộp đủ tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

744
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 147/2018/DS-PT ngày 14/11/2018 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:147/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Thuận
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:14/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về