Bản án 146/2019/DS-ST ngày 27/11/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K - TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 146/2019/DS-ST NGÀY 27/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 11 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện K xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 201/2019/TLST-DS ngày 16 tháng 8 năm 2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 133/2019/QĐXXST-DS, ngày 06 tháng 11 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

- Ông Nguyễn Văn D, sinh năm: 1965. (có mặt)

- Ông Trần Minh V, sinh năm: 1970. (có mặt)

Cùng địa chỉ: Ấp Đồng Cơ, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

2. Bị đơn:

- Ông Phạm Văn C, sinh năm: 1977. (có đơn xin vắng mặt)

- Bà Nguyễn Thanh H, sinh năm: 1979. (có mặt)

Cùng địa chỉ: Tổ 6, ấp Kênh 9, xã K, huyện K, tỉnh Kiên Giang.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Huỳnh Văn M, sinh năm: 1966.

Địa chỉ: Ấp Đồng Cơ, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang. (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ông Nguyễn Văn D và ông Trần Minh V trình bày và yêu cầu như sau:

Vào ngày 02/11/2018, ông D và ông V có cho vợ chồng ông Phạm Văn C và bà Nguyễn Thanh H vay số tiền 800.000.000 đồng để kinh doanh mua đất nông nghiệp thông qua ông Huỳnh Văn M. Cụ thể ông D đưa 400.000.000 đồng và ông V đưa 400.000.000 đồng cho ông M, sau đó ông M đưa tiền cho ông C, bà H vay và có làm tờ cam kết vay tiền với nội dung là ông D, ông V là người cho ông C, bà H vay tiền, có sự chứng kiến của ông M, thời hạn vay là từ ngày 02/11/2018 đến ngày 02/12/2018 sẽ trả cả gốc và lãi.

Việc ông M thỏa thuận lãi như thế nào với vợ chồng ông C, bà H thì 02 ông không biết. Giữa 02 ông với ông C, bà H không có thỏa thuận lãi suất, việc này là do ông M quyết định. Sau đó 02 ông có nhận được tổng cộng 05 lần tiền lãi do ông M đưa với số tiền mỗi người là 64.000.000 đồng. Ông M có đưa cho ông V được số tiền gốc 50.000.000 đồng, ngoài ra thì 02 ông không còn nhận được khoản tiền nào khác từ ông M, ông C, bà H.

Do không tiếp tục trả nữa nên ông D và ông V khởi kiện yêu cầu ông C và bà H trả số tiền gốc còn lại là 700.000.000 đồng, cụ thể ông D yêu cầu trả số tiền 400.000.000 đồng, ông V yêu cầu trả số tiền 300.000.000 đồng, 02 ông không yêu cầu tính lãi. Trong quá trình giải quyết vụ án ông V có yêu cầu ông M phải trả số tiền mà ông M còn giữ lại của ông C, bà H trả cho ông V là 50.000.000 đồng, nhưng sau đó xin rút lại yêu cầu này. Tại phiên tòa ngoài yêu cầu trả số tiền 300.000.000 đồng, ông V còn yêu cầu vợ chồng ông C, bà H phải trả thêm cho ông số tiền còn nợ là 50.000.000 đồng.

Tại bản tự khai và biên bản hòa giải bà Nguyễn Thanh H và ông Phạm Văn C trình bày:

Vợ chồng bà H thừa nhận có vay của ông Nguyễn Văn D và ông Trần Minh V số tiền 800.000.000 đồng và có làm tờ cam kết vay nợ ngày 02/11/2018 là đúng sự thật. Nhưng khi vay tiền thì không có mặt ông D và ông V, tờ cam kết vay tiền là do ông Huỳnh Văn M mang lại đã có sẵn chữ ký và tên họ của ông D và ông V nên vợ chồng ông, bà chưa gặp mặt ông D và ông V, mà người giao tiền cho vợ chồng ông, bà là ông M. Khi giao tiền ông M thỏa thuận riêng lãi suất với vợ chồng ông, bà bên ngoài là 9%/tháng, không ghi vào tờ cam kết. Sau khi vay tiền vợ chồng ông, bà có trả cho ông M tiền gốc và lãi nhiều lần với tổng số tiền 387.000.000 đồng, trong đó tiền gốc là 100.000.000 đồng, tiền lãi là 287.000.000 đồng. Cụ thể lần 1 trả 72.000.000 đồng, lần 2 trả 52.000.000 đồng, lần 3 trả 25.000.000 đồng, lần 4 trả 39.000.000 đồng, lần 5 trả 33.000.000 đồng, lần 6 trả 30.000.000 đồng, lần 7 trả 24.000.000 đồng, lần 8 trả 48.000.000 đồng (Trả tiền gốc), lần 9 trả 52.000.000 đồng (Trả tiền gốc), lần 10 trả 12.000.000 đồng (Hỗ trợ trả tiền lãi ngân hàng cho ông D, ông V nên không tính vào tiền lãi đã trả). Vì vậy chỉ còn nợ lại số tiền là 700.000.000 đồng, việc trả tiền gốc và lãi thì giao trực tiếp cho ông M chứ không có làm giấy tờ hay biên nhận gì. Nay ông D, ông V thưa kiện thì vợ chồng ông, bà M biết ông M là người lấy tiền của họ cho ông, bà vay lại để lấy tiền lãi chênh lệch. Do hoàn cảnh khó khăn, làm ăn thua lỗ nên vợ chồng ông, bà đồng ý trả cho ông D và ông V số tiền nợ gốc 700.000.000 đồng như sau: Mỗi năm kể từ năm 2020, vợ chồng ông, bà đồng ý trả cho ông D và ông V mỗi người là 100.000.000 đồng cho đến khi hết số tiền nợ là 700.000.000 đồng, nếu có nhiều thì ông, bà đồng ý trả nhiều hơn. Ngoài ra thì vợ chồng ông, bà không có ý kiến hay yêu cầu gì khác.

Ông Huỳnh Văn M trình bày:

vợ chồng ông C, bà H có hỏi ông M vay số tiền 800.000.000 đồng, do không có tiền nên ông đến hỏi vay ông V số tiền 400.000.000 đồng và ông D 400.000.000 đồng, các lần vay tiền đều có làm biên nhận thể hiện ông M ký tên là người nhận tiền, ông D, ông V ký tên là người giao tiền, với lãi suất thỏa thuận bên ngoài 4%/tháng (Không ghi vào biên nhận). Sau khi làm biên nhận và nhận tiền từ ông D và ông V thì ông M về cho ông C, bà H vay lại với lãi suất thỏa thuận bên ngoài là 9%/tháng. Khi cho ông C, bà H vay thì ông M có đưa tờ cam kết có sẵn chữ ký của ông D và ông V ký tên là người cho vay nên ông C, bà H đồng ý ký tên là người vay tiền và ông M ký tên là người chứng kiến. Liên qua đến số tiền 800.000.000 đồng thì khi ông D và ông V cho vay có lập tới 03 tờ biên nhận vay tiền, 02 tờ lập giữa ông D, ông V với ông M, 01 tờ lập giữa ông D, ông V với vợ chồng ông C, bà H và ông M là người ký chứng kiến.

Lãi suất ông M nhận được của vợ chồng ông C, bà H tổng cộng chỉ có 97.000.000 đồng, còn 12.000.000 đồng là số tiền ông C, bà H hỗ trợ cho ông D trả lãi ngân hàng chứ không liên quan đến số tiền trên. Về số tiền gốc 100.000.000 đồng, do ông C, bà H chậm trả tiền lãi và trả lãi không đầy đủ nên tính ra thì số tiền này ông C, bà H chỉ trả được 50.000.000 đồng tiền gốc và 50.000.000 đồng còn lại là trả lãi cho ông. Sau đó ông M có giao lại cho ông V số tiền gốc là 50.000.000 đồng. Còn việc ông C, bà H trình bày ông đã nhận tổng cộng 287.000.000 đồng tiền lãi là hoàn toàn không có. Hiện nay vợ chồng ông C, bà H còn nợ lại ông số tiền gốc là 700.000.000 đồng và tiền lãi là 495.000.000 đồng. Số tiền lãi thì ông có đóng cho ông D, ông V được 08 tháng lãi với số tiền đưa cho mỗi ông là 128.000.000 đồng.

Tại phiên tòa ông M trình bày: Do việc ông C, bà H nói là vay tiền đi mua đất thì ông yêu cầu họ phải bán đất trả số tiền nợ 700.000.000 đồng cho ông D và ông V. Do ông C, bà H còn nợ lại ông số tiền lãi là 495.000.000 đồng nên ông yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về số lãi này.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đều đúng trình tự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc ông C, bà H phải trả cho ông D và ông V số tiền 700.000.000 đồng. Ông V yêu cầu ông C, bà H phải trả số tiền 50.000.000 đồng là không có cơ sở chấp nhận, do vượt quá yêu cầu khởi kiện. Ông M yêu cầu ông C, bà H trả số tiền lãi 495.000.000 đồng là không có cơ sở xem xét, vì ông không có yêu cầu độc lập. Ông C, bà H xin trả dần mỗi năm là 200.000.000 đồng là không có cơ sở xem xét, vì nguyên đơn không chấp nhận và pháp luật cũng không có quy định. Buộc ông V phải chịu án phí theo quy định. Buộc ông C, bà H phải chịu án phí theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án và quan hệ pháp luật tranh chấp: Bị đơn bà Nguyễn Thanh H và ông Phạm Văn C có nơi cư trú tại ấp Kênh 9, xã K, huyện K, tỉnh Kiên Giang. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện K. Đây là vụ án "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản" quy định tại khoản 3 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về sự vắng mặt của đương sự: Đối với bị đơn ông Phạm Văn C vắng mặt nhưng có đơn xin vắng mặt nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 227 và Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa: Ông D, ông V cho ông M vay mỗi người là 400.000.000 đồng và có lập 02 hợp đồng vay với ông M, sau khi vay ông M đem số tiền 800.000.000 đồng này cho ông C, bà H vay lại để lấy tiền lãi chênh lệch và có lập 01 hợp đồng vay đã ghi sẵn tên và chữ ký của ông D và ông V là người cho vay tiền, còn ông M chỉ là người ký chứng kiến. Nhận thấy việc giao kết hợp đồng giữa ông D, ông V với ông M và hợp đồng giữa ông D, ông V với ông C, bà H là cùng một số tiền và cùng một đối tượng cho vay, vì vậy số nợ 800.000.000 đồng ông M vay của ông D, ông V và có làm 02 hợp đồng vay C là số nợ của ông C, bà H vay của D và ông V. Các bên đều thừa nhận sự việc như trên nên ông D, ông V chỉ yêu cầu ông C, bà H trả lại số tiền gốc còn nợ là 700.000.000 đồng, không yêu cầu ông M trả nợ. Cụ thể là ông C, bà H đồng ý trả cho ông D số tiền 400.000.000 đồng và đồng ý trả cho ông V số tiền 300.000.000 đồng, tuy nhiên do hoàn cảnh khó khăn nên ông C, bà H xin trả mỗi năm là 200.000.000 đồng cho đến khi hết nợ, ông D và ông V không đồng ý và yêu cầu trả một lần. Xét yêu cầu của ông D và ông V là phù hợp nên chấp nhận. 02 ông không yêu cầu tính lãi nên không xem xét. Yêu cầu của ông V về việc buộc bà H, ông C phải trả thêm số tiền 50.000.000 đồng là không có cơ sở chấp nhận do vượt quá yêu cầu khởi kiện.

[4] Bà H, ông C cho rằng ông M có nhận số tiền 387.000.000 đồng, trong đó có 100.000.000 đồng tiền gốc và 287.000.000 đồng tiền lãi nhưng ông M chỉ thừa nhận có nhận số tiền gốc 100.000.000 đồng và số tiền lãi 97.000.000 đồng. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án không ai có ý kiến hay yêu cầu về số tiền lãi này nên không xem xét. Đối với số tiền gốc 100.000.000 đồng ông M chỉ giao lại cho ông V 50.000.000 đồng, nên ông V yêu cầu ông M phải trả lại số tiền 50.000.000 đồng nhưng sau đó ông V xin rút lại không yêu cầu nên không xem xét. Tại phiên tòa bà H yêu cầu ông M phải trả lại số tiền gốc là 50.000.000 đồng này cho bà để bà trả cho ông V, xét yêu cầu này phát sinh khi vụ án đã đưa ra xét xử và tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ông C, bà H không có yêu cầu nên không xem xét. Nếu có yêu cầu ông C, bà H có thể khởi kiện thành 01 vụ kiên khác.

[5] Ông M trình bày ông C, bà H còn nợ ông M số tiền lãi 495.000.000 đồng nên yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Thực tế ông M cũng đã thừa nhận đây là số nợ ông C, bà H nợ ông D và ông V chứ không phải nợ ông, vì vậy yêu cầu xem xét số tiền lãi của ông M là không có cơ sở chấp nhận. Ông M cho rằng đã giao cho ông D, ông V mỗi người là 128.000.000 đồng tiền lãi, nhưng ông D, ông V thừa nhận chỉ nhận mỗi người có 64.000.000 đồng tiền lãi, ông M không có chứng cứ chứng minh, không ai có yêu cầu đối với số tiền lãi này nên không xem xét.

[6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do ông C, bà H bị buộc trả nợ nên phải chịu án phí trên số tiền phải trả. Ông V phải chịu án phí trên số tiền yêu cầu không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Các Điều 463, 465, 466 của Bộ luật Dân sự;

- Các Điều 26, 35, 39, 91, 144, 145, 147, 227, 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn D và ông Trần Minh V. Buộc bà Nguyễn Thanh H và ông Phạm Văn C phải trả cho ông D số tiền 400.000.000 đồng, phải trả cho ông V số tiền là 300.000.000 đồng. Ông D, ông V không yêu cầu tính lãi nên miễn xét.

Không chấp nhận yêu cầu của ông V về việc yêu cầu ông C, bà H phải trả số tiền 50.000.000 đồng.

Kể từ ngày ông D, ông V có đơn yêu cầu thi hành án nếu ông C, bà H không thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì ông C, bà H còn phải chịu thêm một khoản lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

2. Về án phí:

- Buộc bà Nguyễn Thanh H và ông Phạm Văn C phải chịu số tiền án phí là 32.000.000 đồng.

- Ông Nguyễn Văn D được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 8.000.000 đồng theo lai thu số 0004401 ngày 16/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Kiên Giang.

- Buộc ông Trần Minh V phải chịu số tiền án phí là 2.500.000 đồng, sau khi khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp, ông V được nhận lại số tiền là 5.500.000 đồng theo lai thu số 0004401 ngày 16/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Kiên Giang.

3. Quyền kháng cáo: Ông Nguyễn Văn D, ông Trần Minh V, bà Nguyễn Thanh H, ông Huỳnh Văn M có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (27/11/2019). Ông Phạm Văn C có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết theo quy định.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7a, b và 9 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

160
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 146/2019/DS-ST ngày 27/11/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:146/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kiên Lương - Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về