TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 145/2020/HS-PT NGÀY 10/06/2020 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 384/2019/TLPT-HS ngày 27 tháng 11 năm 2019 đối với bị cáo Phạm Anh Q và đồng phạm về tội “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng”. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HS-ST ngày 16-10-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.
- Bị cáo có kháng cáo:
1. Phạm Anh Q (tên gọi khác: C), sinh ngày 23 tháng 01 năm 2001 tại Q, tỉnh Quảng Bình. Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở trước khi bị bắt: huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Đánh cá biển; trình độ văn hóa: Lớp 7/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Phạm Quang H và bà: Lê Thị T; vợ, con: Chưa có; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ ngày 25 tháng 9 năm 2018, sau đó bị tạm giam, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình; có mặt.
2. Nguyễn Tấn T (tên gọi khác: C), sinh ngày 23 tháng 8 năm 2001, tại xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện tại: Thôn C, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Đánh cá biển; trình độ văn hóa: Lớp 9/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Đức H và bà Phạm Thị H; vợ, con: Chưa có; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ từ ngày 25 tháng 9 năm 2018 đến ngày 04 tháng 10 năm 2018 được Viện kiểm sát nhân dân huyện Q thay thế Biện pháp ngăn chặn; hiện đang tại ngoại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.
3. Phạm Đình Thăng L, sinh ngày 03 tháng 10 năm 2000, tại xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện tại: Thôn T, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Đánh cá biển; trình độ văn hóa: Lớp 9/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Phạm Đình T và bà Ngô Thị T; vợ, con: Chưa có; tiền án: Không; tiền sự: Không; không bị tạm giữ, không bị tạm giam, hiện đang tại ngoại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.
4. Phạm Ngọc P (tên gọi khác: Cu L, Cu P), sinh ngày 15 tháng 8 năm 2000, tại huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện tại: Thôn Y, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Đánh cá biển; trình độ văn hóa: Lớp 9/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Phạm Ngọc L và bà Trương Thị Ánh H; vợ, con: Chưa có; tiền án: không; tiền sự: Không; không bị tạm giữ, không bị tạm giam, hiện đang tại ngoại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.
5. Đồng Anh D (tên gọi khác: S), sinh ngày 29 tháng 4 năm 2000, tại xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện tại: Thôn Y, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Đánh cá biển; trình độ văn hóa: Lớp 9/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Đồng Thanh T (đã chết) và bà Phạm Thị N; vợ, con: Chưa có; tiền án: Không, tiền sự: Không; không bị tạm giữ, không bị tạm giam, hiện đang tại ngoại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.
6. Nguyễn Duy N (tên gọi khác: T), sinh ngày 20 tháng 6 năm 2000, tại huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện tại: Thôn DD, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Đánh cá biển; trình độ văn hóa: Lớp 9/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Ngọc L và bà Nguyễn Thị X; vợ, con: Chưa có; tiền án: Không; tiền sự: Không; không bị tạm giữ, không bị tạm giam, hiện đang tại ngoại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.
- Người bào chữa cho các bị cáo Phạm Đình Thăng L, Đồng Anh D: Bà Nguyễn Thị Hương T, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình; có mặt.
- Người bị hại: Phạm Ngọc P, sinh ngày 15 tháng 8 năm 2000, cư trú tại: Thôn Y, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình (cũng là bị cáo trong vụ án); có mặt.
Ngoài ra trong vụ án còn có một số bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 20 giờ, ngày 23 tháng 9 năm 2018, Phạm Đình Thăng L; Nguyễn Trung N; Đồng Xuân H; Phạm Quốc T; Nguyễn Thanh T; Nguyễn Duy N; Đồng Anh D; Nguyễn Minh H2; Phạm Ngọc P; Trần Duy T1; Phạm Duy T; Phạm Ngọc S cùng trú tại xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình tổ chức uống bia tại nhà của Phạm Ngọc S, ở thôn T, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Cả nhóm uống bia đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày thì Phạm Đình Thăng L nói với cả nhóm trước đây Đậu Đức D, ở thôn L, xã C có đánh Nguyễn Minh H2, nên L rủ cả nhóm đi tìm D để cho H2 đánh, nếu nhóm D đánh lại H2, thì cả nhóm L sẽ vào đánh lại nhóm D. Sau khi nghe Phạm Đình Thăng L rủ thì cả nhóm gồm 12 người cùng đi bộ từ nhà của Phạm Ngọc S đến nhà của Đậu Đức D để tìm D. Khi đến nhà D, nghe bà Nguyễn Thị Quỳnh H là mẹ của D nói D không có ở nhà thì cả nhóm đi tiếp đến nhà của Nguyễn Tấn T để tìm Đậu Đức D.
Lúc này tại nhà Nguyễn Tấn T có Đậu Đức D; Phạm Anh Q; Đồng Thanh T1; Phạm Quyết T3; Nguyễn Tấn T đều trú tại xã C, huyện Q và Phan Văn H2, trú tại xã Quảng Kim, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Thấy nhóm Phạm Đình Thăng L kéo nhau đi tìm Đậu Đức D nên bà Nguyễn Thị Quỳnh H gọi điện thoại báo cho D biết thì Nguyễn Tấn T nghe điện thoại, biết có người đến tìm D, Nguyễn Tấn T nghĩ là nhóm của Phạm Đình Thăng L tìm D để đánh nên đã đi vào phòng ngủ lấy 02 cây dao (loại dao đôi, có thể ghép vào với nhau), mỗi cây dao dài 21 cm, mũi dao nhọn, lưỡi dao bằng kim loại màu trắng dài 10 cm, rồi dắt vào hông trái và lấy 01 cây dao xếp, bấm dài 16 cm, lưỡi dao bằng kim loại màu trắng dài 6,5 cm, mũi dao nhọn; cán dao bằng nhựa màu đen (phần cán dao có thể sử dụng chức năng làm bật lửa) dắt vào hông bên phải rồi rủ Phan Văn H2, Phạm Quyết T3 và Đồng Thanh T1 đi hai xe mô tô đến nhà của Đậu Đức D nhưng không thấy ai đến tìm D nên cả nhóm đi dọc theo đường bờ biển rồi quay về nhà của Nguyễn Tấn T. Khi đi Đậu Đức D và Phạm Anh Q đang ngủ ở nhà Nguyễn Tấn T.
Nhóm của Phạm Đình Thăng L sau khi biết Đậu Đức D không có ở nhà, thì cả nhóm đi bộ đến nhà của Nguyễn Tấn T để tìm nhưng cũng không thấy ai, nên cả nhóm ngồi trước nhà của Nguyễn Tấn T đợi đến khoảng 00 giờ ngày 24 tháng 9 năm 2018 thì thấy nhóm Nguyễn Tấn T, Phan Văn H2, Phạm Quyết T3 và Đồng Thanh T1 đi xe máy về nhà T. Thấy nhóm Nguyễn Tấn T, nhóm Phạm Đình Thăng L yêu cầu gọi Đậu Đức D ra nói chuyện, Phan Văn H2 và Đồng Thanh T1 vào gọi Đậu Đức D và Phạm Anh Q đang ngủ trong phòng ngủ của T ở tầng hai dậy và nói có người đến tìm D. T1 và D đi xuống trước gặp nhóm của Phạm Đình Thăng L, còn Phạm Anh Q nghe T1 gọi dậy, thì Q đi ra lan can tầng hai nhìn xuống đường thấy có nhiều người nên Phạm Anh Q vào lại phòng ngủ của Nguyễn Tấn T lấy 01 cây dao xếp dài 22 cm, lưỡi dao bằng kim loại màu đen dài 09 cm, đầu mũi nhọn, cán dao ở thân bên trái ốp nhựa màu nâu có chữ “KK-5333” đang để trên tủ nhựa đựng quần áo của Nguyễn Tấn T mà trước đó Q đã nhìn thấy, rồi cất dao ở túi quần dài phía sau bên phải và đi xuống vị trí hai nhóm đang đứng ở đường trước cổng nhà T. Sau khi nghe Phạm Đình Thăng L nói muốn gặp Đậu Đức D, Nguyễn Tấn T hỏi L gặp D để làm gì rồi T rút ba cây dao đang dắt ở hai bên hông ra cầm trên tay để dọa nhóm của L và cất dao. Khi Đậu Đức D từ trong nhà Nguyễn Tấn T đi ra thì T nói với D “Mày ra nói chuyện đi, không thằng nào dám đánh mày đâu”, nên D đi một mình đến nói chuyện với Nguyễn Minh H2.
Trong lúc nói chuyện thì Nguyễn Minh H2 dùng tay phải tát một cái vào mặt của D, thấy Đậu Đức D và Nguyễn Minh H2 lao vào đánh nhau thì Đồng Anh D, Phạm Ngọc P, Phạm Đình Thăng L và Phạm Quốc T vào dùng chân, tay đánh Đậu Đức D. Đồng Thanh T1, Phạm Quyết T3, Phạm Anh Q và Nguyễn Tấn T cũng xông vào đánh lại nhóm của Phạm Đình Thăng L. Phạm Ngọc P, Phạm Đình Thăng L xông vào đánh Phạm Quyết T3. Phạm Quốc T xông vào đánh nhau với Đồng Thanh T1. Phạm Anh Q và Phạm Quyết T3 xông vào dùng tay chân đánh vào đầu và mặt của Nguyễn Trung N. Phạm Ngọc P xông vào đánh Đồng Thanh T1 và Phạm Quyết T3 thì bị Đồng Thanh T1 và Phạm Anh Q dùng tay đánh lại. Khi Phạm Đình Thăng L đang dùng tay đánh vào mặt Phạm Quyết T3 thì Nguyễn Tấn T lấy hai cây dao ghép, mở ra cầm trên hai tay rồi đến vị trí hai nhóm đang có Phạm Đình Thăng L và Đồng Anh D đang đánh nhau với Phạm Quyết T3 và Đậu Đức D. Khi thấy Phạm Đình Thăng L đang đứng quay lưng về phía Nguyễn Tấn T thì T dùng dao cầm ở tay trái đâm một nhát trúng vào vùng lưng trái của Phạm Đình Thăng L. Phạm Duy T chạy đến thì bị Nguyễn Tấn T dùng dao đâm một nhát trúng vào vùng vai phải của Phạm Duy T. Khi Phạm Quốc T đang đánh nhau với Đồng Thanh T1 thì Nguyễn Tấn T vào dùng dao đâm liên tiếp hai nhát trúng vào ngực trái và ngực phải của Phạm Quốc T. Đồng Anh D thấy Phạm Đình Thăng L và Phạm Duy T bị Nguyễn Tấn T dùng dao đâm bị thương nên D đến ôm hai tay vào người Nguyễn Tấn T từ phía sau thì bị Nguyễn Tấn T vùng ra nên dao trúng tay trái của Đồng Anh D, khi Đồng Anh D thả Nguyễn Tiến T ra thì T cầm dao tay trái đâm một nhát trúng lưng phải của Đồng Anh D. Lúc này Phạm Ngọc S, Nguyễn Duy N đến gần vị trí Phạm Đình Thăng L, Phạm Quốc T và Đồng Anh D để tham gia giúp sức đánh nhau thì Nguyễn Tấn T hét “Tao cầm dao đây này” nên Phạm Ngọc S, Nguyễn Duy N, Trần Duy T1, Đồng Xuân H và Nguyễn Thanh T bỏ chạy theo hướng xuống biển, Nguyễn Tấn T đuổi theo dùng dao đâm một nhát trúng vào cổ của Nguyễn Duy N, rồi tiếp tục đuổi và dùng dao đâm một nhát trúng vào vùng vai phải của Trần Duy T1. Sau khi bị đánh, Nguyễn Trung N đi theo đường xuống biển, thấy Phạm Quyết T3 đang đứng ở bên đường thì N đến ôm giữ T3 lại khoảng 3 - 4 phút, thấy Đồng Thanh T1 chạy đến nên Nguyễn Trung N thả Phạm Quyết T3 ra. Nguyễn Trung N thấy Nguyễn Minh H2 vẫn đang đánh nhau với Đậu Đức D nên N đến ôm giữ D lại để H2 bỏ chạy rồi N đi bộ theo hướng xuống biển thấy Đồng Anh D và Phạm Đình Thăng L bị thương thì N đến dìu L và D để nhờ người khác đưa đi cấp cứu, còn N chạy bộ lên Trạm y tế.
Trong lúc đánh nhau, Phạm Anh Q thấy Đậu Đức D đang bị nhóm của Phạm Đình Thăng L dùng tay chân đánh thì Phạm Anh Q và Đồng Thanh T1 vào dùng tay chân đánh Phạm Ngọc P. Phạm Anh Q dùng chân đạp vào hông và dùng tay đấm 2 - 3 cái vào đầu Phạm Ngọc P nên P dùng tay đấm lại Q hai cái vào vùng đầu. Lúc đứng đối diện với Phạm Ngọc P thì Phạm Anh Q dùng tay phải rút dao ở túi quần sau bên phải rồi nghiêng người về bên trái, tay phải cầm dao hướng mũi dao về phía trước (lưỡi dao gần ngón cái và ngón trỏ tay phải) đứng theo hướng đối diện với P, đâm một nhát theo đường vòng cung, hướng từ sau tới trước, từ phải qua trái của Phạm Anh Q, mũi dao đâm trúng vào ngực của Phạm Ngọc P, khi P nghiêng người về phía trước thì Phạm Anh Q dùng dao đâm tiếp một nhát trúng vào lưng phải của Phạm Ngọc P.
Phạm Anh Q sau khi dùng dao đâm Phạm Ngọc P, thấy Đồng Anh D đứng gần vị trí Đậu Đức D đang bị đánh và D đang đứng quay lưng lại với Q thì Q tiến đến phía sau D và dùng tay phải cầm dao đâm ngang, hướng từ sau tới trước, từ phải qua trái trúng vào phần hông phải của Đồng Anh D. Khi Phạm Anh Q thấy ông Nguyễn Đức Hùng bố của Nguyễn Tấn T đi từ trong nhà ra thì Q giấu dao trong lòng bàn tay và khi đó Q mới biết ngón trỏ tay phải của mình đã bị lưỡi dao cứa vào làm chảy máu. Sau đó Phạm Anh Q chạy đến nói với Nguyễn Tấn T “Ba mày xuống rồi đừng đánh nhau nữa, đưa dao đây để tao cất” nên T đưa dao cho Q. Q cất 03 cây dao của T đưa và 01 cây dao Q đã sử dụng trong lúc đánh nhau vào trong túi quần phía sau bên phải của Q. Khi Nguyễn Tấn T đi bộ về phía nhà mình, thấy Nguyễn Minh H2 thì T lao vào dùng tay chân cùng với Đậu Đức D đánh vào người Nguyễn Minh H2 rồi tiếp tục đi theo hướng về nhà mình.
Sau khi bị đâm, Phạm Ngọc P ngồi dựa sát tường, trước ngực chảy nhiều máu, Phạm Anh Q cùng cả nhóm đưa Phạm Ngọc P đi cấp cứu tại Trạm y tế xã C. Sau khi sơ cứu thì Phạm Ngọc P, Đồng Anh D, Phạm Đình Thăng L, Nguyễn Duy N, Phạm Duy T, Phạm Quốc T và Trần Duy T1 được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình để cấp cứu. Sau đó Phạm Ngọc P, Đồng Anh D, Phạm Đình Thăng L, Nguyễn Duy N và Phạm Duy T được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q Quyết định trưng cầu giám định thương tích số 136 ngày 25 tháng 9 năm 2018 đối với Phạm Ngọc P.
Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Bản Kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 296 - 18/TgT ngày 26 tháng 9 năm 2018, đối với Phạm Ngọc P, kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: vết thương thấu tim đã được phẫu thuật khâu tim cầm máu, chưa đánh giá được di chứng. Tỷ lệ tổn thương chung cơ thể hiện tại là: 32% (Ba mươi hai phần trăm). Cơ chế hình thành vết thương: Vật sắc nhọn gây ra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q ban hành Quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 147/CSĐT Ngày 10 tháng 10 năm 2018, trưng cầu Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế giám định bổ sung tính chất thương tích và mức độ tổn hại sức khỏe của Phạm Ngọc P.
Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Bản kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 330 - 18/TgT Ngày 12 tháng 10 năm 2018, kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: Kết quả kết luận pháp y số 296 - 18/TgT ngày 26 tháng 9 năm 2018: vết thương thấu tim đã được phẫu thuật khâu tim cầm máu, chưa đánh giá được di chứng 32%. Kết luận giám định bổ sung: vết thương phần mềm lưng phải để lại sẹo không ảnh hưởng chức năng 01%. Tổn thương tim còn điều trị chưa ổn định nên chưa đánh giá di chứng chức năng. Tỷ lệ tổn thương chung cơ thể hiện tại (cho cả hai lần giám định) là 33% (Ba mươi ba phần trăm).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q ban hành Quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 159/CSĐT ngày 29 tháng 10 năm 2018, trưng cầu Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế giám định bổ sung tính chất thương tích và mức độ tổn hại sức khỏe của Phạm Ngọc P. Ngày 01 tháng 11 năm 2018, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Bản kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 370 - 18/TgT, kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: Kết quả kết luận pháp y số 296 - 18/TgT ngày 26 tháng 9 năm 2018 và 330 - 18/TgT ngày 12 tháng 10 năm 2018: vết thương thấu tim đã phẫu thuật khâu tim cầm máu, chưa đánh giá được di chứng 32%. Vết thương phần mềm lưng phải để lại sẹo không ảnh hưởng chức năng 01%. Kết quả giám định bổ sung: vết thương thấu tim thủng phễu động mạch phổi đã được phẫu thuật khâu tim cầm máu, hiện chức năng tim ổn định 35%. Tỷ lệ tổn thương chung cơ thể hiện tại (cho cả ba lần giám định) là: 36% (Ba mươi sáu phần trăm).
Ngày 16 tháng 3 năm 2019, Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Công văn số 04/CV-GĐPY nêu rõ:
- Đối với thương tích trên cơ thể của Phạm Ngọc P:
+ Vết thương vùng ngực là vết thương thấu tim, nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, có thể gây tử vong nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời (hiện tại nạn nhân sống và chức năng tim ổn định, tỷ lệ Tổn hại sức khỏe là 35%).
+ Vết thương vùng lưng phải là vết thương phần mềm không gây nguy hiểm đến tính mạng nên không gây chết (hiện đã lành không ảnh hưởng chức năng, tỷ lệ Tổn hại sức khỏe là 1%).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q Quyết định trưng cầu giám định thương tích số 132 ngày 25 tháng 9 năm 2018 đối với Đồng Anh D.
Ngày 26 tháng 9 năm 2018, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Bản kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 292 - 18/TgT đối với Đồng Anh D, kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: vết thương phần mềm vùng cẳng tay trái, hông phải, lưng phải. Tỷ lệ tổn thương chung cơ thể hiện tại là 3%. Tỷ lệ tổn hại sức khỏe của Đồng Anh D do mỗi vết gây ra như sau: vết thương phần mềm vùng hông phải: 1%; vết thương phần mềm vùng lưng phải: 1%; vết thương phần mềm cẳng tay trái: 1%.
Cơ chế hình thành vết thương: Vật sắc nhọn gây ra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q Quyết định trưng cầu giám định thương tích số 133 ngày 25 tháng 9 năm 2018 đối với Phạm Đình Thăng L.
Ngày 26 tháng 9 năm 2018, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Bản kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 293 - 18/TgT đối với Phạm Đình Thăng L, kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: vết thương phần mềm vùng lưng trái. Tỷ lệ tổn thương chung cơ thể hiện tại là 1%. Cơ chế hình thành vết thương: Vật sắc nhọn gây ra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q Quyết định trưng cầu giám định thương tích số 134 ngày 25 tháng 9 năm 2018 đối với Phạm Duy T.
Ngày 26 tháng 9 năm 2018, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Bản kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 294 - 18/TgT đối với Phạm Duy T, kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: Vết thương phần mềm vùng vai phải. Tỷ lệ tổn thương chung cơ thể hiện tại là 1%. Vật gây: Vật sắc nhọn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q Quyết định trưng cầu giám định thương tích số 135 ngày 25 tháng 9 năm 2018 đối với Nguyễn Duy N.
Ngày 26 tháng 9 năm 2018, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Bản kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 295 - 18/TgT đối với Nguyễn Duy N, kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: vết thương phần mềm vùng cổ. Tỷ lệ tổn thương chung cơ thể hiện tại là 1%. Cơ chế hình thành vết thương: Vật sắc nhọn gây ra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q Quyết định trưng cầu giám định thương tích số 136 ngày 10 tháng 10 năm 2018 đối với Trần Duy T1.
Ngày 25 tháng 10 năm 2018, Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình ban hành Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 94/TgT đối với Trần Duy T1, kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: vết thương sau vai phải để lại sẹo kích thước 1,0cmx1,0cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 03% (không ba phần trăm). Tính chất thương tích: Thương tích trên không gây nguy hiểm cho tính mạng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q Quyết định trưng cầu giám định thương tích số 145 ngày 10 tháng 10 năm 2018 đối với Phạm Quốc T.
Ngày 25 tháng 10 năm 2018, Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình ban hành Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 95/TgT đối với Phạm Quốc T, kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định: vết thương quầng vú phải để lại sẹo, kích thước 1,0cmx1,0cm; vết thương ở khoảng gian sườn 6-7 cạnh đường nách trước trái để lại sẹo kích thước 1,2cmx0,2cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 02% (không hai phần trăm) theo nguyên tắc cộng lùi. Tính chất thương tích: Các thương tích trên không gây nguy hiểm cho tính mạng.
Với các nội dung trên,
Tại Bản án Hình sự sơ thẩm số 29/2019/HS-ST ngày 16/10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Phạm Anh Q phạm tội “Giết người”;
Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Tấn T, Phạm Đình Thăng L, Đồng Anh D, Nguyễn Duy N, Phạm Ngọc P phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Về hình phạt:
- Áp dụng khoản 2 Điều 123; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 90, 91, Điều 15, khoản 3 Điều 57, khoản 1 Điều 101, khoản 3 Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Phạm Anh Q, xử phạt bị cáo Phạm Anh Q 07 (bảy) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ 25 tháng 9 năm 2018, sau đó bị tạm giam.
Quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo Phạm Anh Q với thời hạn tạm giam 45 ngày kể từ ngày tuyên Bản án sơ thẩm (16 tháng 10 năm 2019) để bảo đảm thi hành án.
- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 90, 91, khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sụ năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Tấn T, xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn T 30 (ba mươi) tháng tù, được khấu trừ thời gian bị bắt tạm giữ từ ngày 25 tháng 9 năm 2018 đến ngày 04 tháng 10 năm 2018. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51; các Điều 90, 91, khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Phạm Đình Thăng L, xử phạt bị cáo Phạm Đình Thăng L 30 (ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
- Áp dụng khoản 1 Điều 318; các điểm i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo Đồng Anh D, Nguyễn Duy N, Phạm Ngọc P; áp dụng thêm Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với các bị cáo Phạm Ngọc P, Đồng Anh D, Nguyễn Duy N;
Xử phạt bị cáo Phạm Ngọc P 12 (mười hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án;
Xử phạt bị cáo Đồng Anh D 12 (mười hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án;
Xử phạt bị cáo Nguyễn Duy N 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án;
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn luật định,
Ngày 21 tháng 10 năm 2019, các bị cáo Nguyễn Tấn T, Phạm Đình Thăng L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo;
Ngày 21 tháng 10 năm 2019, các bị cáo Nguyễn Duy N, Phạm Ngọc P kháng cáo xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 23 tháng 10 năm 2019, bị cáo Phạm Anh Q kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 25 tháng 10 năm 2019, bị cáo Đồng Anh D kháng cáo xin được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Tại phiên tòa phúc thẩm, lời khai nhận hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Anh Q phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận:
Đêm ngày 23/9/2018, bị cáo Q là người thuộc nhóm Nguyễn Tấn T, đang ở tại nhà T thì bị nhóm Phạm Đình Thăng L tìm đến nhà Nguyễn Tấn T để kiếm chuyện gây sự đánh Đậu Đức D do mâu thuẫn trước đó giữa D (nhóm T) với Nguyễn Minh H2 (nhóm Phạm Đình Thăng L). Trong khi số thanh niên 2 nhóm đánh nhau thì Phạm Anh Q xông vào đánh với nhóm của Phạm Đình Thăng L, dùng dao đâm 1 nhát vào ngực, 1 nhát vào lưng Phạm Ngọc P gây vết thương thấu tim, tiếp đến dùng dao đâm 1 nhát vào hông Đồng Anh T1.
Hậu quả Phạm Ngọc P không chết, cơ quan chuyên môn giám định kết luận chỉ bị tổn hại sức khỏe 35% là do được cấp cứu, chữa trị kịp thời.
Xét hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người chưa đạt”, tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự.
Án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội; Áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo 07 (bảy) năm tù là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, có căn cứ, đúng pháp luật.
Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không có tình tiết nào mới, khác so với bản án sơ thẩm. Nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cần giữ nguyên án sơ thẩm.
[2]. Xét kháng cáo của Phạm Đình Thăng L xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo; Kháng cáo của bị cáo Nguyễn Duy N, Phạm Ngọc P xin giảm nhẹ hình phạt; Kháng cáo của bị cáo Đồng Anh D xin được hưởng án treo; Thì thấy:
Án sơ thẩm tuyên bố các bị cáo Phạm Đình Thăng L, Nguyễn Duy N, Phạm Ngọc P, Đồng Anh D phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”. Áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo L 30 (ba mươi) tháng tù, bị cáo Nam chín (09) chín tháng tù, bị cáo P và bị cáo D mỗi bị cáo 12 (mười hai) tháng tù; Mức hình phạt này là tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo, có căn cứ, đúng pháp luật.
Các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Phạm Đình Thăng L, Đồng Anh D còn kháng cáo xin được hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo kháng cáo không có tình tiết nào mới, khác so với bản án sơ thẩm. Nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3]. Xét kháng cáo của Nguyễn Tấn T xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo, thì thấy:
Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Nguyễn Tấn T phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có tình tiết mới là gia đình bị cáo là gia đình có công với cách mạng, có ông bà nội, bà ngoại là thương binh được Nhà nước công nhận và hưởng chế độ hàng tháng do Nhà nước cấp. Có anh trai đang tại ngũ, làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo đang ở nhà giàn DK1, thuộc Lữ đoàn 171 Vùng 2 H quân. Được Ủy ban nhân dân xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình chứng nhận ngày 14/11/2019. Nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, tạo điều kiện cho bị cáo an tâm cải tạo.
[4]. Tại phiên tòa Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Q, L, P, Nam, D, giữ nguyên bản án sơ thẩm;
Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Tấn T, do có tình tiết mới, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét.
Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử, có căn cứ, đúng pháp luật. Nên chấp nhận.
Người bào chữa cho bị cáo Phạm Đình Thăng L, Đồng Anh D là bà Nguyễn Thị Hương Thủy: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đề nghị này không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử, không có căn cứ. Nên không chấp nhận.
[5]. Về án phí hình sự phúc thẩm:
Kháng cáo của các bị cáo Phạm Anh Q, Phạm Đình Thăng L, Phạm Ngọc P, Đồng Anh D, Nguyễn Duy N không được chấp nhận nên các bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Kháng cáo của bị cáo Nguyễn Tấn T được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm
[6]. Các quyết định khác còn lại của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự;
Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Anh Q, Phạm Đình Thăng L, Phạm Ngọc P, Đồng Anh D, Nguyễn Duy N. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HS-ST ngày 16/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đối với các bị cáo.
Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Tấn T, sửa bản án sơ thẩm số 29/2019/HS-ST ngày 16/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Xử phạt:
- Áp dụng khoản 2 Điều 123; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 90, 91, Điều 15, khoản 3 Điều 57, khoản 1 Điều 101, khoản 3 Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
1. Xử phạt bị cáo Phạm Anh Q 07 (Bảy) năm tù. Về tội “Giết người”. Thời hạn tù tính từ ngày 25/9/2018;
- Áp dụng: điểm d khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51; các Điều 90, 91, khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
2. Xử phạt bị cáo Phạm Đình Thăng L 30 (ba mươi) tháng tù. Về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
- Áp dụng khoản 1 Điều 318; các điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
3. Xử phạt bị cáo Phạm Ngọc P 12 (mười hai) tháng tù. về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
- Áp dụng khoản 1 Điều 318; các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
4. Xử phạt bị cáo Đồng Anh D 12 (Mười hai) tháng tù. về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
- Áp dụng khoản 1 Điều 318; các điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
5. Xử phạt bị cáo Nguyễn Duy N 09 (Chín) tháng tù. Về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
- Áp dụng: điểm b khoản 2 Điều 318; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 90, 91, khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
6. Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn T 24 (Hai mươi bốn) tháng tù. Về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án. Được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 25/9/2018 đến ngày 04/10/2018.
7. Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Phạm Anh Q, Phạm Đình Thăng L, Phạm Ngọc P, Nguyễn Duy N, Đồng Anh D mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
Bị cáo Nguyễn Tấn T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
8. Các quyết định khác còn lại của Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HS-ST ngày 16/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 145/2020/HS-PT ngày 10/06/2020 về tội gây rối trật tự công cộng
Số hiệu: | 145/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 10/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về