Bản án 144/2018/HS-PT ngày 13/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 144/2018/HS-PT NGÀY 13/11/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 13 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 120/2018/TLPT- HS ngày 24 tháng 9 năm 2018 đối với bị cáo B do có kháng cáo của người bị hại H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HSST ngày 17/08/2018 của Tòa án nhân dân huyện X.

- Bị cáo bị kháng cáo:

B (tên gọi khác: Hổ) - sinh ngày 10 tháng 11 năm 1987 tại Bình Định; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Tổ dân phố Y, thị trấn A, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Giáo viên; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: T – sinh năm 1969 và bà I – sinh năm 1967; vợ: K – sinh năm: 1990, con: có 01 con sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoản xuất cảnh. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người tham gia tố tụng khác có kháng cáo :

Bà H; sinh năm 1975 (có mặt)

Địa chỉ: Thôn L, xã Q, huyện X, Bình Định.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do bức xúc việc vợ chồng bà H và ông U trước đây đánh mẹ mình là bà I, nên vào khoảng 15 giờ 00 phút ngày 11/02/2018, nhân dịp về quê nghĩ Tết nguyên đán 2018, B một mình mang theo một cái rựa đi bộ từ nhà mẹ ruột là bà I ở Thôn L, xã Q, huyện X, tỉnh Bình Định đến nhà bà H ở cùng thôn để hỏi vợ chồng bà H vì sao lúc trước đánh mẹ của B là bà I. Khi đến trước cổng nhà thì thấy ông U đang ngồi ghế đá trước hiên nhà, còn bà H đang đứng cạnh đó, lúc đó ông U đứng dậy và bỏ đi còn bà H đi thẳng đến chỗ B, B nói: “Tại sao lúc trước đánh mẹ tôi”, bà H không nói gì và tiếp tục tiến sát gần hơn người B khoảng 2m. Thấy vậy, B dùng tay phải cầm rựa quay phần lưỡi rựa lên trên, phần sống rựa quay xuống đất, quơ qua quơ lại theo hướng từ trên xuống dưới, từ phải qua trái và ngược lại nhằm mục đích không cho bà H tiến sát vào người B. Trong lúc quơ phần sống của lưỡi rựa đã trúng một cái vào vùng trán giữa hai đầu chân mày của bà H (vùng trán cạnh đầu trong cung mày phải) thì B không quơ rựa nữa. Khi đó bà H dùng hai tay nắm cái rựa giành giật với B, trong lúc giành giật bà H dùng một tay nắm cán rựa ở phần cuối cán, một tay nắm cán rực ở gần lưỡi, còn B thì dùng tay phải nắm ở phần giữa cán rựa, lúc giành giất cái rựa bị tuột khỏi tay B nên bà H ngã xuống đất, sau đó B tiếp tục nắm phần giữa cán rựa giật lại thì hai tay bà H cũng nắm lấy phần cán rựa như lúc ban đầu và đứng dậy, lúc này B nói với bà H: “Thả cái rựa ra”, nhưng bà H không thả thì B dùng tay trái nắm cán rựa, tay phải cầm cú đấm vào người bà H hai cái, một cái trúng vào vùng mặt phía bên phải, một cái trúng vào vùng nào B không xác định được nhưng bà H vẫn không thả cái rựa ra. B tiếp tục dùng hai tay nắm phần giữa cán rựa giất mạnh, làm cho tay của bà H đang nắm phần cuối cái rựa tuột khỏi cán rựa. Bà H tiếp tục dùng hai tay nắm vào phần cán gần lưỡi rựa, hai bên giành giất cái rựa, sau đó B giất mạnh thì bà H bị tuột tay, dẫn đến lưỡi rựa trúng vào ngón tay trỏ, giữa, kề út của lòng bàn tay phải bị thương chảy máu. Thấy tay bà H bị thương, chảy máu, B cầm cái rựa bỏ đi, ra đến đoạn đường bê tông rẽ vào nhà ông U, gặp bà I là mẹ ruột, B đưa cái rựa và nói với bà I: “Con lỡ gây thương tích cho bà H, má đưa bà H đi lên bệnh viện và lo tiền cơm thuốc giúp con”, rồi B đi bộ về nhà bà I lấy xe máy điều khiển về nhà vợ của B ở thôn M, xã R, sau đó B đến trình báo tại Công an xã Q, huyện X, tỉnh Bình Định.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 54/2018/PY-TgT ngày 04/4/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Bình Định kết luận tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên cho bà H là 10% (Mười phần trăm), cụ thể:

- Chấn thương gây sưng bầm vùng trán, đỉnh, đau đầu đã điều trị. Hiện vùng trán cạnh đầu trong cung mày phải để sẹo kích thước (1x0,2)cm, vùng đỉnh không có dấu vết. Tỷ lệ: 05% (Năm phần trăm).

- Vết thương lòng bàn tay ngón II, III, IV tay phải gây đứt gân gấp đã phẫu thuật nối gân gấp vùng cấm vùng 2. Hiện tại:

+ Ngón II vết thương để sẹo liên đốt 2, 3 kích thước (2x0,3)cm, hạn chế gấp đốt 2. Tỷ lệ: 01% (Một phần trăm).

Ngón III vết thương để sẹo đốt 2 kích thước (2x0,3)cm, hạn chế gấp đốt 2. Tỷ lệ: 01% (Một phần trăm).

+ Ngón IV vết thương để sẹo liên đốt 2, 3 kích thước (2,5x0,3)cm, hạn chế gấp đốt 2, 3. Tỷ lệ: 01% (Một phần trăm).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HS-ST ngày 17/8/2018, Tòa án nhân dân huyện X đã quyết định:

- Tuyên bố: Bị cáo B phạm tội “Cố ý gây thương tích”

- Áp dụng: điểm a Khoản 1 Điều 134; các điểm b, i, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51, Điều 65, Điều 47, Điều 48 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo B 09 (Chín) tháng thù nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án.

- Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Căn cứ các Điều 584, 585, 586, 590 của Bộ luật dân sự:

Buộc bị cáo B có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông U (do bà H đại diện nhận) tổng số tiền 49.367.542 đồng; được khấu trừ số tiền 14.000.000 đồng đã tạm nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện X, còn phải bồi thường tiếp 35.367.542 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về phần xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

*/- Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28/8/2018, người bị hại là bà H có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm không cho bị cáo được hưởng án treo và xem xét tăng bồi thường thiệt hại.

*/- Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu quan điểm giải quyết vụ án đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm; tăng thêm 11 ngày công lao động của người nuôi là 2.200.000 đồng.

*/- Tại phiên tòa, người bị hại bà H vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm không cho bị cáo được hưởng án treo và tăng bồi thường thiệt hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Định, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến và khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo B khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, thể hiện: Giữa gia đình bị cáo B và gia đình bà H có quan hệ bà con với nhau. Do bức xúc việc trước đây ông U cùng vợ là bà H đánh mẹ của bị cáo là bà I, nên khoảng 15 giờ 00 phút ngày 11/02/2018 bị cáo cầm một cái rựa đi từ nhà mẹ ruột là bà I ở thôn L, xã Q, huyện X đến nhà bà H với mục đích hỏi rõ chuyện mâu thuẫn trước đây. Tại nhà của bà H, bị cáo đã có hành vi dùng rựa và tay gậy thương tích cho bà H với tổng tỷ lệ thương tật là 10%.

Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HS-ST ngày 17/8/2018 của TAND huyện X, tỉnh Bình Định đã xét xử bị cáo B về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 134 của BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.

Đơn kháng cáo của người bị hại H làm trong hạn luật định nên được chấp nhận.

Xét kháng cáo của người bị hại H yêu cầu cấp phúc thẩm không cho bị cáo được hưởng án treo và tăng tiền bồi thường thiệt hại. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy:

Đối với kháng cáo của người bị hại yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét không cho bị cáo được hưởng án treo: Trong quá trình xét xử, cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ: Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp tiền bồi thường khắc phục hậu quả để áp dụng các điểm b, i, s Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Ngoài ra sau khi phạm tội bị cáo đã tự nguyện đến cơ quan chức năng để khai báo nên áp dụng thêm cho bị cáo tình tiết đầu thú quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Cấp sơ thẩm còn xem xét về nhân thân bị cáo có nhân thân tốt; có nơi cư trú rõ ràng; việc làm ổn định để xử phạt bị cáo 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tại cấp phúc thẩm gia đình bị cáo đã tự nguyện nộp thêm 24.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, nên không chấp nhận kháng cáo của bị hại về phần hình phạt, giữ nguyên mức hình phạt như cấp sơ thẩm đã tuyên cũng đủ giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt cho xã hội.

Đối với yêu cầu tăng tiền bồi thường thiệt hại, xét thấy: Người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường tổng cộng 99.717.542 đồng, cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường tổng cộng 49.367.542 đồng gồm các khoảng:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, điều trị; chi phí tiền xe đi lại cấp cứu, điều trị; chi phí bồi dưỡng: 21.817.542 đồng.

- Tiền mất thu nhập của người bị hại 60 ngày x 180.000 đồng/ngày = 10.800.000 đồng.

- Thu nhập thực tế của người nuôi 49 ngày x 200.000 đồng/ngày = 9.800.000 đồng.

- Tiền bù đắp tổn thất tinh thần 05 lần x 1.390.000 đồng = 6.950.000 đồng

Bị hại kháng cáo yêu cầu ngoài số tiền trên còn phải bồi thường 11 ngày tiền mất thu nhập của người nuôi (tổng cộng 60 ngày) là 2.200.000 đồng; tiền thuê người giữa nhà và giữ con nhỏ 4.000.000 đồng; tăng bồi thường tiền tổn thất tinh thần thêm 10 lần mức lương cơ sở. Xét thấy: Cấp sơ thẩm đã xem xét tất cả các khoản chi phí và buộc bị cáo phải bồi thường các chi phí cho việc cứu chữa, điều trị và các khoản chi phí khác với số tiền 49.367.542 đồng là hợp lý. Tuy nhiên, việc cấp sơ thẩm chấp nhận bồi thường tiền công lao động cho người nuôi 49 ngày là chưa thỏa đáng nên cấp phúc thẩm sửa án chấp nhận yêu cầu này của người bị hại tăng thêm 11 ngày với số tiền 2.200.000 đồng, còn lại các yêu cầu khác của người bị hại không được chấp nhận.

Như vậy, tổng số tiền bị cáo phải bồi thường cho người bị hại là 51.567.542 đồng; bị cáo đã tạm nộp 38.000.000 đồng nên còn phải bồi thường 13.567.542 đồng.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại H tăng phần bồi thường thiệt hại và giữ nguyên mức hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên.

Tiếp tục tạm giữ số tiền 14.000.000 đồng và 24.000.000 đồng gia đình bị cáo B đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện X, tỉnh Bình Định theo Biên lai thu tiền số 05203 ngày 02/7/2018 và 05211 ngày 16/10/2018.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị được giữ nguyên.

[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo B không phải chịu.

[5] Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại H tăng bồi thường thiệt hại. Sửa bản án sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại; giữ nguyên phần hình phạt.

1. Áp dụng khoản 1 Điều 134; các điểm b, i, s khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 65; Điều 47; Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 2015;

Xử phạt: Bị cáo B 09 (Chín) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách là 18 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo B cho UBND thị trấn A, huyện M, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách; trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 586, 590 của Bộ luật dân sự

Buộc bị cáo B có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại H tổng số tiền 51.567.542 đồng; bị cáo đã tạm nộp để bồi thường 38.000.000 đồng nên còn phải bồi thường 13.567.542 đồng.

Tiếp tục tạm giữ số tiền 14.000.000 đồng và 24.000.000 đồng gia đình bị cáo B đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện X, tỉnh Bình Định theo Biên lai thu tiền số 05203 ngày 02/7/2018 và 05211 ngày 16/10/2018 để đảm B thai hành án.

3. Về án phí hình sự phúc thẩm:

- Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo B không phải chịu.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Bị cáo B phải chịu 678.400 đồng

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Hiệu lực Bản án phúc thẩm: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) nếu người phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự (2015) tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

255
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 144/2018/HS-PT ngày 13/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:144/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 13/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về