Bản án 143/2017/DS-PT ngày 29/11/2017 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 143/2017/DS-PT NGÀY 29/11/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN TÀI SẢN

Ngày 29/11/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự Thụ lý số: 152/2017/TLPT-DS về việc: “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản”. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 18/2017/DS-ST ngày 08/9/2017 của Toà án nhân dân huyện Ea H’leo bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 193/2017/QĐ-PT ngày 20/11/2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Chu Văn K, sinh năm 1968 và bà Trương Thị T, sinh năm 1971, đều có mặt;

Địa chỉ: Thôn E, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Đức D – Chi nhánh công ty Luật T thuộc đoàn Luật sư thành phố H, có mặt.

2. Bị đơn: Ông Đào Quang D, sinh năm 1957 và bà Lê Thị Th, sinh năm 1959, đều có mặt;

Địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Phan Ngọc N – Luật sư văn phòng Luật sư N thuộc đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Chị Đào Thị H, sinh năm 1981; địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

3.2. Chị Đào Thị D, sinh năm 1984; địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

3.3. Chị Đào Thị H1, sinh năm 1987; địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

3.4. Chị Đào Thị Tr, sinh năm 1989; địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

3.5. Anh Đào Quang T, sinh năm 1994; địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

4. Người kháng cáo: Ông Đào Quang D là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn ông Chu Văn K, bà Trương Thị T và người bảo vệ hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngày 06/3/2016 ông Chu Văn K, bà Trương Thị T có ký hợp đồng nhận khoán rẫy cà phê với ông Đào Quang D, bà Lê Thị Th, nội dung hợp đồng là nhận khoán diện tích 1,8 ha (18.000 m2) đất rẫy cà phê, thời hạn nhận giao khoán là 05 năm; mỗi năm ông K bà T phải trả cho ông D, bà Th 2.500 kg cà phê nhân xô và ông K, bà T có trách nhiệm chăm sóc vườn cây, tự đầu tư toàn bộ chi phí như dầu tưới nước, mua phân bón, làm cỏ, cắt cành cà phê, phun thuốc...Sau khi nhận vườn cây, vào mùa vụ năm 2016 ông K bà T bón thêm 2 đợt phân (trước đó gia đình ông D đã bón phân 1 đợt nhưng sau đó ông K đã trả lại tiền mua phân 6.500.000đ cho ông D), tưới thêm nước hai đợt (trước đó gia đình ông D đã tưới hai đợt), phun thuốc 1 đợt và cắt cành, làm cỏ. Cuối mùa vụ cà phê năm 2016 ông K bà T đã giao đủ sản lượng cà phê cho ông D, bà Th 2.500 kg cà phê nhân xô nhưng đến ngày 07/ 01/2017 ông D, bà Th không cho ông K bà T canh tác nữa, yêu cầu hủy hợp đồng thuê khoán và trả lại vườn cây. Việc ông D, bà Th đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không báo trước và tự ý lấy lại vườn cây là gây thiệt hại cho vợ chồng ông K bà T, vì ông bà sinh sống bằng nghề làm thuê nên ông K, bà T yêu cầu ông D, bà Th phải bồi thường thiệt hại cho ông bà với lợi nhuận thu được trong 4 năm còn lại của hợp đồng sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư là 1.000kg/năm x giá cà phê 43.000 đồng/kg x 04 năm = 172.000.000 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm ông K bà T còn trình bày: Ông D, bà Th đã lấy lại vườn cây cà phê từ ngày 07/01/2017 và sản lượng cà phê mùa vụ năm 2016 thì ông K bà T đã thu hoạch xong. Lợi nhuận thu được năm 2016 khoảng hơn 1.000 kg cà phê nhân xô. Vào niên vụ cà phê năm 2017 (năm thứ hai của hợp đồng), trước khi ông D, bà Th lấy lại vườn cây thì ông K bà T chưa cắt cành, làm cỏ, chưa bón phân hay tưới nước.

Ngoài ra ông K bà T không có yêu cầu nào khác.

* Bị đơn ông Đào Quang D, bà Lê Thị Th và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày:

Ông Đào Quang D, bà Lê Thị Th công nhận là vào ngày 06/3/2016 ông bà có ký hợp đồng giao khoán rẫy cà phê với ông K, bà T, nội dung hợp đồng giao khoán như sau: Ông D, bà Th giao khoán diện tích 1,8 ha (18.000 m2) đất rẫy cà phê, thời hạn giao khoán là 05 năm, mỗi năm ông K bà T phải trả cho ông D, bà Th 2.500 kg cà phê nhân xô và và ông K, bà T có trách nhiệm chăm sóc vườn cây, tự đầu tư toàn bộ chi phí như dầu tưới nước, mua phân bón, làm cỏ, cắt cành cà phê, phun thuốc. Mùa vụ năm 2016 ông D, bà Th đã nhận đủ sản lượng cà phê do ông K bà T giao là 2.500 kg cà phê nhân xô. Trong thời gian ông K bà T nhận khoán canh tác, ông K bà T trả sản lượng cà phê giao khoán chậm, chăm sóc vườn cây không tốt như ít cắt cành, không làm cỏ. Đồng thời, hiện nay ông D bà Th cho rằng mình đã già yếu nên muốn hủy hợp đồng trước thời hạn để giao cho các con lô đất rẫy này. Do vậy, vào ngày 15/11/2016 ông D, bà Th đã thông báo cho ông K bà T biết trước và đến ngày 08/01/2017 lấy lại vườn cây, không cho ông K bà T canh tác nữa và yêu cầu hủy hợp đồng giao khoán với ông K bà T.

Ông K, bà T cũng đồng ý hủy hợp đồng giao khoán, nhưng ông K bà T yêu cầu ông D bà Th phải bồi thường thiệt hại với số tiền 172.000.000 đồng, ông D, bà Th không chấp nhận, vì chưa gây thiệt hại gì cho ông K bà T và đây là tài sản chung của hộ gia đình (đất là của ông D, bà Th nhưng tài sản trên đất là tài sản chung của các con) nên hợp đồng giao khoán này vô hiệu.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Đào Thị H, chị Đào Thị D, chị Đào Thị H1, chị Đào Thị T, chị Đào Quang T cùng trình bày:

Chúng tôi đồng ý với ý kiến trình bày của bố mẹ là ông D, bà Th. Lô rẫy cà phê mà bố mẹ chúng tôi cho ông K, bà T nhận khoán là tài sản chung của hộ gia đình, nhưng khi ông D, bà Th cho ông K bà T nhận khoán thì không được sự đồng ý của anh chị em chúng tôi. Nên chúng tôi đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng này vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 18/2017/DS-ST ngày 08/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Áp dụng khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự. Áp dụng các Điều 122; 125; 127; 134; 388; 401; 501; 502; 503; 504; khoản 4 Điều 506; 510 Bộ luật dân sự năm 2005.

Tuyên bố: Hợp đồng thuê khoán tài sản giữa ông Chu Văn K, bà Trương Thị T và ông Đào Quang D, bà Lê Thị Th ký kết vào ngày 06/3/2016 vô hiệu.

Buộc ông D bà Th phải bồi thường cho ông K, bà T 172.000.000 đồng (Một trăm bảy mươi hai triệu đồng).

- Về án phí: Áp dụng khoản 3 Điều 144; khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự. Áp dụng khoản 6 Điều 19; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Toà án.

Buộc ông Đào Quang D và bà Lê Thị Th phải chịu 8.600.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Trả lại cho ông Đào Quang D và bà Lê Thị Th 261.500 tiền tạm ứng án phí phản tố đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea H’leo theo biên lai thu số 0043089 ngày 06/6/2017.

Trả lại cho ông Chu Văn K và bà Trương Thị T 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea H’leo theo biên lai thu số 0039598 ngày 16/01/2017.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của ông K, bà T và yêu cầu phản tố của ông D, bà Th; về chi phí thẩm định, định giá; quyền kháng cáo, về trình tự thủ tục thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/9/2017 ông Đào Quang D kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chu Văn K, bà Trương Thị T về việc buộc vợ chồng ông phải bồi thường thiệt hại số tiền 172.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông Chu Văn K, bà Trương Thị T giữ nguyên đơn khởi kiện. Bị đơn ông Đào Quang D giữ nguyên nội dung kháng cáo; các đương sự không tự hòa giải được với nhau về việc giải quyết vụ án và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.

- Ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị không chấp nhận kháng cáo của ông D, giữ nguyên bản án sơ thẩm và buộc vợ chồng ông D, bà Th phải bồi thường thiệt hại cho vợ chồng ông K, bà T là 172.000.000 đồng.

- Ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đề nghị chấp nhận kháng cáo của ông D, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn và sửa bản án sơ thẩm theo hướng vợ chồng ông D, bà Th không phải bồi thường thiệt hại cho vợ chồng ông K, bà T. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm nguyên đơn có thay đổi nội dung đơn khởi kiện nhưng cấp sơ thẩm không thông báo thụ lý bổ sung và không thông báo cho nguyên đơn nộp bổ sung tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là thiếu sót.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên toà phúc thẩm: Về thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; Về nội dung, sau khi phân tích, đánh giá các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và căn cứ vào ý kiến trình bày của các bên đương sự, quan điểm tranh luận và đối đáp của các Luật sư thì đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận một phần đơn kháng cáo của ông Đào Quang D, sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng buộc ông Đào Quang D, Lê Thị Th phải bồi thường thiệt hại cho ông Chu Văn K, bà Trương Thị T 500kg cà phê nhân xô.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của các Luật sư và quan điểm của kiểm sát viên và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, hội đồng xét xử xét nhận định:

 [1] Ngày 06/3/2016 vợ chồng ông D, bà Th ký kết hợp đồng cho vợ chồng ông K, bà T thuê khoán 1,8ha đất rẫy cà phê, thời hạn thuê khoán là 05 năm, hàng năm ông K, bà T phải tự đầu tư chi phí chăm sóc vườn cây như bón phân, tưới nước, làm cỏ, cắt cành, phun thuốc và hàng năm phải trả cho ông D, bà Th 2.500kg cà phê nhân xô (quy chuẩn). Khi ký hợp đồng hai bên chỉ viết giấy tờ tay với nhau. Sau khi nhận vườn cây, vào mùa vụ năm 2016 ông K bà T đã bón thêm 2 đợt phân và trả lại cho ông D bà Th 6.500.000đ là tiền phân mà ông D, bà Th đã bón trước đó, tưới thêm nước hai đợt (trước đó gia đình ông D đã tưới hai đợt), phun thuốc 1 đợt và cắt cành, làm cỏ và cuối niên vụ năm 2016 ông K, bà T đã trả cho ông D, bà Th2.500kg cà phê nhân xô theo thỏa thuận.

Đến ngày 07/01/2017 ông D, bà Th lấy lại toàn bộ vườn cây cà phê nêu trên. Xét hợp đồng thuê khoán đất rẫy cà phê giữa hai bên thì thấy, đối tượng của hợp đồng thuê khoán được ký kết ngày 06/3/2016 là tài sản của hộ gia đình, vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình ông D. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, gia đình ông D, bà Th có 05 người con, đều trên 15 tuổi. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng ông D, bà Th là người đứng ra ký kết, các con không tham gia và cũng không có văn bản thể hiện việc đồng ý của các con và thực tế hiện nay các con cũng không đồng ý. Như vậy, hợp đồng thuê khoán tài sản giữa các bên là không đúng với quy định tại Điều 108, Điều 109 Bộ luật dân sự năm 2005. Mặt khác, quá trình giải quyết tranh chấp, bị đơn ông D, bà Th yêu cầu hủy hợp đồng thuê khoán tài sản và được nguyên đơn ông K, bà T đồng ý. Do đó, cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng nêu trên bị vô hiệu là có căn cứ, đúng pháp luật.

 [2] Xét về lỗi dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu: Đây là tài sản chung của hộ gia đình nhưng ông D, bà Th tự ý ký hợp đồng thuê khoán mà không có ý kiến của các con. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông D bà Th đã tự ý lấy lại vườn cây đã thuê khoán, yêu cầu hủy hợp đồng vì cho rằng ông K bà T đầu tư, chăm sóc vườn cây không tốt nhưng không có cở sở để chứng minh và ông D, bà Th có thông báo cho ông K bà T lấy lại vườn cây nhưng thông báo với thời gian không hợp lý là không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 510 Bộ luật dân sự năm 2005. Như vậy, hợp đồng thuê khoán tài sản bị vô hiệu là hoàn toàn do lỗi của ông D, bà Th.

 [3] Về yêu cầu bồi thường thiệt hại: Xét kháng cáo của bị đơn ông Đào Quang D cho rằng cấp sơ thẩm buộc vợ chồng ông phải bồi thường thiệt hại số tiền 172.000.000 đồng cho ông K, bà T là không đúng, thì Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại Điều 137 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập,… các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận,…bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. Niên vụ cà phê năm 2016 thì ông K bà T trình bày đã thu hoạch xong sản phẩm và ông D bà Th cũng xác định ông K bà T đã thực hiện xong nghĩa vụ trả 2.500kg cà phê nhân xô theo thỏa thuận. Vào niên vụ cà phê năm 2017, trước thời điểm ông D, bà Th lấy lại vườn cây, ông K, bà T trình bày vào vụ sản xuất của năm 2017 thì ông bà chưa bỏ ra chi phí đầu tư, chưa bón phân, tưới nước và cũng chưa chăm sóc vườn cây như cắt cành, làm cỏ. Như vậy, việc ông D, bà Th lấy lại vườn cây là thực tế chưa gây thiệt hại gì cho ông K, bà T. Do vậy, cấp sơ thẩm buộc ông D, bà Th phải bồi thường thiệt hại cho ông K, bà T số tiền 172.000.000 đồng, là lợi nhuận thu được trong 4 năm còn lại của hợp đồng thuê khoán nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng và sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, chăm sóc là không có căn cứ.

Trước khi lấy lại vườn cây, ngày 15/11/2016 ông D có nói với ông K là sẽ chấm dứt hợp đồng (có chính quyền địa phương xác nhận), nhưng thời gian ông D thông báo cho ông K là quá ngắn, không hợp lý, không đủ thời gian để ông K tìm kiếm việc làm mới, nên cũng phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của ông K, bà T, vì đây là nguồn thu nhập chính. Mặt khác, cây cà phê là loại cây lâu năm nên việc đầu tư chăm sóc cây cà phê của năm này, tùy vào kết quả đầu tư chăm sóc vườn cây, nếu đầu tư chăm sóc tốt thì sẽ là một phần kết quả thu được vào năm kế tiếp. Thực tế, trong niên vụ cà phê năm 2016 vợ chồng ông K, bà T đã đầu tư chăm sóc như bón phân, phun thuốc, cắt cành, làm cỏ được các bên thừa nhận. Do đó, niên vụ cà phê năm 2017 của gia đình ông D, bà Th đã có một phần công sức đầu tư, chăm sóc của vợ chồng ông K, bà T, cho nên cần buộc vợ chồng ông D, bà Th phải bồi thường ½ lợi nhuận thu được của niên vụ cà phê năm 2017, sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư, chăm sóc và tại phiên tòa ông K cũng xác nhận vào niên vụ cà phê 2016 vợ chồng ông thu được khoảng 1 tấn cà phê nhân xô. Do vậy, buộc vợ chồng ông D, bà Th phải bồi thường cho vợ chồng ông K, bà T là 500kg cà phê nhân xô quy chuẩn là phù hợp, nên cần chấp nhận một phần kháng cáo của ông D, sửa bản án dân sự sơ thẩm. Đối với 3 năm (năm 2018, 2019 2020) còn lại của hợp đồng do không có thiệt hại nên không có căn cử để bồi thường.

 [4] Về án phí: Do sửa bản án dân sự sơ thẩm về số tiền bồi thường thiệt hại nên điều chỉnh lại phần án phí dân sự sơ thẩm cho phù hợp và ông Đào Quang D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 308 và khoản 2 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Chấp nhận một phần kháng cáo bị đơn ông Đào Quang D.

Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn ông Chu Văn K, bà Trương Thị T.

Tuyên x ử:

- Tuyên bố hợp đồng thuê khoán tài sản giữa ông Chu Văn K, bà Trương Thị T và ông Đào Quang D, bà Lê Thị Th ký kết vào ngày 06/3/2016 vô hiệu.

- Buộc ông Đào Quang D, bà Lê Thị Th phải bồi thường cho ông Chu Văn K, bà Trương Thị T 500kg (Năm trăm ký) cà phê nhân xô quy chuẩn.

Về án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm:

- Ông Đào Quang D, bà Lê Thị Th phải chịu 1.075.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ số tiền 261.500 đồng tiền tạm ứng án phí phản tố đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea H’leo theo biên lai thu số 0043089 ngày 06/6/2017 và số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea H’leo theo biên lai thu số 0002033 ngày 19/9/2017. Như vậy, ông D, bà Th còn phải nộp là 513.500 đồng (Năm trăm mười ba ngàn năm trăm đồng).

- Hoàn trả lại cho ông Chu Văn K và bà Trương Thị T 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea H’leo theo biên lai thu số 0039598 ngày 16/01/2017.

- Ông Đào Quang D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

 “Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

770
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 143/2017/DS-PT ngày 29/11/2017 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản

Số hiệu:143/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:29/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về