Bản án 142/2018/HC-PT ngày 18/04/2018 về khiếu kiện quyết định hành chính

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 142/2018/HC-PT NGÀY 18/04/2018 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Trong ngày 18 tháng 4năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 223/2017/TLPT-HC ngày 15 tháng 11 năm 2017 về việc khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai.

Do bản án hành chính sơ thẩm số 20/2017/HC-ST ngày 24 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1918/2018/QĐ-PT ngày 03 tháng 4năm 2018 giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Ông Tiêu Văn Đ, sinh năm 1960;

Địa chỉ: Số nhà 530, đường 391 thị trấn TK, huyện TK, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

2. Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện TK, tỉnh Hải Dương ông Nguyễn Ngọc S.

Địa chỉ: Thị trấn TK, huyện TK, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Văn H – Chức vụ: Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện TK, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3. Người kháng cáo:Người khởi kiện ông Tiêu Văn Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án, ông Tiêu Văn Đ trình bày:

Thực hiện chủ trương ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trình diễn lò liên tục kiểu đứng, hiệu suất cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Ủy ban nhân dân (viết tắt UBND) tỉnh Hải Dương và sự đồng thuận của UBND huyện TK, ông Đ đã xây dựng dự án lò gạch liên tục kiểu đứng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định và vận hành sản xuất từ 01/01/2007.

Ngày 22/12/2016, ông Đ nhận được Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện TK về việc áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công có xử lý bằng nước vôi trong và lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn huyện TK trong đó có lò gạch của ông.

Ngày 26/12/2016, UBND huyện TK đã thành lập Đoàn cưỡng chế liên ngành cùng UBND xã ĐK, TK, tiến hành cắt dốc đường xuống lò gạch, không cho xe và người dân đi lại. Ông có đơn kiến nghị gửi UBND huyện TK nhưng không được xem xét.

Ngày 19/01/2017, thực hiện kế hoạch số 08/KH-UBND của UBND huyện TK, xã ĐK và xã TXthành lập Tổ công tác tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế khóa balăng tời và lấp các cửa lò gạch.

Ngày 22/3/2017,UBND huyện TK ban hành Thông báo số 23/TB-UBND về việc tháo dỡ lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn huyện đồng thời yêu cầu các lò tự tháo dỡ.

Ngày 18/4/2017, ông có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, yêu cầu hủy một phần Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND huyện TK đối với phần của ông và buộc UBND huyện TK bồi thường toàn bộ thiệt hại do Quyết định đó gây ra.

Người khởi kiện do ông Vũ Văn H đại diện giải trình như sau:

- Căn cứ Quyết định 1469 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của các lò gạch, cụ thể với lò gạch liên tục kiểu đứng nếu đủ điều kiện thì sẽ hoạt động đến hết ngày 31/12/2015 và Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 661 của UBND tỉnh Hải Dương quy định: Cho phép các cơ sở sản xuất gạch bằng lò liên tục kiểu đứng hoạt động đến hết ngày 31/12/2015.

- Qua kiểm tra, rà soát, lò gạch của ông Đ có những vi phạm sau:

+ Năm 2013 sau khi thanh tra rà soát tất cả các lò gạch trên địa bàn huyện TK, Thanh tra huyện TK kết luận hợp đồng cho thuê đất bãi không phù hợp quy định của pháp luật, lò gạch của ông Đ sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất kinh doanh nên yêu cầu thanh lý hợp đồng.

+Vi phạm luật xây dựng vì không có Giấy phép xây dựng lò gạch.

- Theo lộ trình của tỉnh, đến ngày 01/01/2016, ông Đ phải chấm dứt hoạt động sản xuất gạch. Năm 2015 và năm 2016, UBND huyện xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn, tổ tuyên truyền, vận động, đôn đốc các chủ lò gạch chấm dứt hoạt động, tuy nhiên đến ngày 19/01/2017, ông Đ mới dừng hoạt động sản xuất gạch, như vậy ông Đ vi phạm quy định của UBND tỉnh Hải Dương.

- Việc Hạt quản lý đê TK thực hiện cắt dốc qua đê, không cho phương tiện vận chuyển vật liệu đi qua đê Hữu sông Thái Bình tại dốc Đông Kỳ (K37 + 138) vào ngày 27/12/2016 (vị trí dốc có lò gạch của ông Đ hoạt động) được thực hiện sau khi ông Đ vi phạm quy định của UBND tỉnh Hải Dương.

- Việc điện lực TK cắt điện ở lò gạch của ông Đ từ ngày 02/4/2017 (sau khi điện lực TK có văn bản thỏa thuận với ông Đ) được thực hiện sau khi ông Đ vi phạm quy định của UBND tỉnh Hải Dương và dừng hoạt động sản xuất gạch. Do vậy, không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông Đ về việc hủy Quyết định 4434 và bồi thường thiệt hại.

Tại bản án hành chính sơ thẩm số 20/2017/HC-ST ngày 24/8/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 4 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 116, khoản 1 Điều 173, điểm a khoản 2 Điều 193, khoản 1 Điều 348 Luật Tố tụng hành chính;Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015;Căn cứ Quyết định số 1469/QĐ-TTG ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tiêu Văn Đ về việc hủy một phần Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện TK đối với phần của ông Đ.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo về quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử, người khởi kiện là ông Tiêu Văn Đ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa, ông Tiêu Văn Đ giữ nguyên yêu cầu hủy một phần Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND huyện TK.Đại diện UBND huyện TK không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Đ về việc hủy Quyết định 4434/QĐ-UBND, giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau: Về thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng, các đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật và đơn kháng cáo của các đương sự là hợp lệ. Về nội dung:không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Đ về việc hủy Quyết định 4434/QĐ-UBND, giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào quá trình thẩm tra các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cũng như tại phiên tòa, ý kiến của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Xét đơn kháng cáo của ông Tiêu Văn Đ đề nghị hủy một phần Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND huyện TK:

[1]. Tại Quyết định 282/QĐ-UB ngày 17-3-2006, UBND huyện TK “phê duyệt quy hoạch sản xuất gạch thủ công tại xã Đồng Kỳ, huyện TK” đối với chủ dự án là ông Tiêu Văn Đ, hai cặp lò gạch, có diện tích 126.000 m2. Tại Quyết định 4071/QĐ-UBND ngày 21-11-2007, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt đối với các chủ dự án lò gạch mà đã được UBND huyện TK phê duyệt. Như vậy, các lò gạch của ông Đ được UBND huyện TK và Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt. Các quyết định này đang tồn tại, chưa có văn bản pháp luật thay thế, hủy bỏ. Vì vậy, đến thời điểm này vẫn đang có hiệu lực thi hành.

Đại diện UBND huyện TK xác định quá trình sản xuất gạch ông Đ có vi phạm về sử dụng sai mục đích đất, khi xây dựng lò gạch không có giấy phép. Ông Đ cho rằng, việc xây dựng lò gạch thời điểm 2007 không có giấy phép, tất cả các hộ đều xây mô hình theo hướng dẫn của Sở khoa học và công nghệ. Trong hồ sơ có hợp đồng ký kết giữa ông Đ và Sở khoa học và công nghệ, đại diện UBND huyện xác định từ năm 2007 đến trước thời điểm ban hành Quyết định 4434/QĐ-UBND thì UBND huyện TK không ban hành văn bản pháp luật xử phạt hành chính hay đình chỉ hoạt động lò gạch của ông Đ. Như vậy, không có cơ sở xác định quá trình xây dựng và vận hành lò gạch của ông Đ có vi phạm pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm ông Tiêu Văn Đ xác định ông có 02 lò gạch, có 08 cửa, đại diện người bị kiện cho rằng, ông Đ có 03 lò gạch, vì ông Đ có xây thêm 01 lò gạch. Tuy nhiên, đại diện UBND không đưa ra được chứng cứ chứng minh ông Đ có xây thêm 01 lò gạch. Như vậy, chưa có cơ sở xác định ông Đ có 02 lò gạch hay 03 lò gạch. UBND huyện TK ban hành Quyết định 4434/QĐ-UBND áp dụng biện pháp hành chính để chấp dứt 13 lò gạch (trong đó có 03 lò gạch của ông Tiêu Văn Đ) là chưa có cơ sở vững chắc.

[2]. Ngày 20-12-2016, UBND huyện TK căn cứ quyết định 661/QĐ-UBND ngày 19-6-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch sét nung và thực hiện chỉ đạo của Ủy ban thường vụ tỉnh ủy tỉnh Hải Dương, UBND huyện TKban hành Quyết định 4434/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp hành chính để chấp dứt 13 lò gạch (trong đó có 03 lò gạch của ông Tiêu Văn Đ)... Như vậy, các lò gạch của ông Tiêu Văn Đ đang tồn tại 03 quyết định hành chính cá biệt là: Quyết định 282/QĐ-UB,Quyết định 4071/QĐ-UBND ngày 21-11-2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và Quyết định 4434/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp hành chính để chấp dứt hoạt động các lò gạch, các quyết định đều đang tồn tại nhưng mâu thuẫn với nhau.

[3]. Theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Chính phủ quy định: các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc trung ương thì phải chấm dứt hoạt động năm 2016 đối với lò thủ công, thủ công cải tiến; chấm dứt năm 2018 đối với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

- Tại Công văn 969/BXD-TTr ngày 03-5-2017 của Bộ Xây Dựng gửi UBND tỉnh Hải Dương thì:

Đối với cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh và đáp ứng quy định khác của pháp luật có liên quan, đủ điều kiện và có nhu cầu chuyển đổi sang công nghệ sản xuất vật liệu không nung thì xem xét, hướng dẫn tạo điều kiện cho các cơ sở này chuyển đổi theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ sở có đủ điều kiện, dự án còn thời gian hoạt động theo giấy phép được duyệt và không vi phạm quy định về an toàn sản xuất, môi trường, không có nhu cầu chuyển đổi thì cho tiếp tục hoạt động theo lộ trình được UBND tỉnh, Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho các cơ sở giải quyết tối đa số nguyên, nhiên liệu và gạch mộc tồn đọng.

Đối với các cơ sở đủ điều kiện hoạt động theo quy định nhưng không có nhu cầu hoạt động và tự nguyên tháo dỡ trước năm 2018 cần xem xét có chính sách khuyến khích hỗ trợ.

- Tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 661 QĐ-UBND ngày 15-3-2011, UBND tỉnh Hải Dương quy định: Cho phép các cơ sở sản xuất gạch bằng lò liên tục kiểu đứng hoạt động đến hết ngày 31/12/2015.

Như vậy, Quyết định số 661 QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương không thực hiện đúng theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Chính phủ và Công văn 969/BXD-TTr hướng dẫn của Bộ xây dựng.

Quyết định 4434/QĐ-UBND ngày 20-12-2016 của UBND huyện TK, tỉnh Hải Dương về việc áp dụng biện pháp hành chính để chấp dứt hoạt động 03 lò gạch của ông Tiêu Văn Đ, vào ngày 20-12-2016 là không đúng vớiQuyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Chính phủ và Công văn 969/BXD-TTr hướng dẫn của Bộ xây dựngvà không xem xét nhu cầu của các Chủ lò gạch và chính sách khuyến khích hỗ trợ là không đúng.

Tại Thông báo số 23/TB-UBND ngày 22-3-2017 của UBND huyện TK “Về việc tháo dỡ lò gạch thủ công có xử lý bằng nước vôi, lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn huyện TK” và giao cho UBND xã ĐĐ, xã ĐK, xã TXthuộc huyện TK thông báo công khai và tổ chức cưỡng chế đối với các lò gạch của ông Tiêu Văn Đ là sai.

Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tiêu Văn Đ về việc hủy một phần Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện TK đối với phần của ông Đ là sai. Vì vậy, cần chấp nhận đơn kháng cáo của ông Tiêu Văn Đ sửa bản án sơ thẩm, hủy một phần Quyết định 4434/QĐ-UBND ngày 20-12-2016 của UBND huyện TK, tỉnh Hải Dương và phần Thông báo số 23/TB-UBND ngày 22-3-2017 của UBND huyện TK “Về việc tháo dỡ lò gạch thủ công có xử lý bằng nước vôi, lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn huyện TK” và giao cho UBND xã ĐĐ, xã ĐK, xã TXthuộc huyện TK thông báo công khai và tổ chức cưỡng chế đối với các lò gạch của ông Tiêu Văn Đ.Buộc UBND huyện TK, tỉnh Hải Dương thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật

[4]. Về án phí: Do các yêu cầu của người khởi kiện được chấp nhận nênkhông phải chịu án phí hành chính sơ thẩm và phúc thẩm.

Ngoài ra, các quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 241 Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

[1]. Chấp nhận đơn kháng cáo của ông Tiêu Văn Đ, sửa bản án sơ thẩm.

[2]. Hủy một phần Quyết định 4434/QĐ-UBND ngày 20-12-2016 của UBND huyện TK, tỉnh Hải Dương về việc áp dụng biện pháp hành chính để chấm dứt đối với 03 lò gạch của ông Tiêu Văn Đ và phần Thông báo số 23/TB-UBND ngày 22-3-2017 của Uỷ ban nhân dân huyện TK “Về việc tháo dỡ lò gạch thủ công có xử lý bằng nước vôi, lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn huyện TK” và giao cho Ủy ban nhân dân xã ĐĐ, xã ĐK, xã TX thuộc huyện TK thông báo công khai và tổ chức cưỡng chế đối với các lò gạch của ông Tiêu Văn Đ.

Buộc UBND huyện TK, tỉnh Hải Dương thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4]. Án phí: Do các yêu cầu của người khởi kiện được chấp nhận nên không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm và phúc thẩm; ông Tiêu Văn Đ được hoàn lại số tiền 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) tạm ứng án phí sơ thẩm theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AB/2014/0004414của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương và 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu tạm ứng án phí phúc thẩm số AA/2016/0001098 ngày 06/9/2017của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

702
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 142/2018/HC-PT ngày 18/04/2018 về khiếu kiện quyết định hành chính

Số hiệu:142/2018/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:18/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về