Bản án 14/2021/DS-PT ngày 14/01/2021 về tranh chấp dân sự thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 14/2021/DS-PT NGÀY 14/01/2021 VỀ TRANH CHẤP DÂN SỰ THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 07 và 14 tháng 01 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 275/2020/TLPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2020 về việc tranh chấp “Tranh chấp dân sự về thừa kế tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 50/2020/DS-ST ngày 24/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện GD, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 334/2020/QĐ-PT ngày 09 tháng 12 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Hồ Thị S, sinh năm 1954; có mặt.

Địa chỉ: khu phố TB, thị trấn GD, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Đặng Tấn L, sinh năm 1975; địa chỉ: ấp BM, xã TĐ, huyện GD, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

- Bị đơn:

1. Ông Hồ Văn Th, sinh năm 1960; địa chỉ: ấp TV1, xã TP, huyện GD, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Th: Anh Hồ Thuận H2, sinh năm 1989; địa chỉ: ấp TV 1, xã TP, huyện GD, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

2. Bà Hồ Thị L, sinh năm 1961; địa chỉ: Phường O, thành phố TP, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Hồ Thị X, sinh năm 1952; địa chỉ: khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh; vắng mặt.

2. Ông Hồ Văn B1, sinh năm 1958 (chết năm 2020);

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông B1:

- Bà Đinh Thị B, sinh năm 1959; vắng mặt.

- Chị Hồ Thị Hồng S1, sinh năm 1983; vắng mặt.

- Anh Hồ Văn Kh, sinh năm 1981; vắng mặt.

- Anh Hồ Tấn L1, sinh năm 1987; vắng mặt.

- Anh Hồ Tấn Ph, sinh năm 1988; vắng mặt.

- Anh Hồ Tấn T1, sinh năm 1992; vắng mặt.

- Chị Hồ Thị Hồng Nh, sinh năm 1993; vắng mặt.

Cùng địa chỉ: khu phố BN 1, phường GB, thị xã TB, tỉnh Tây Ninh.

Bà B, chị Nh, anh Ph, anh L1, anh Kh, chị S1 đã ủy quyền cho anh T1 tham gia tố tụng (Theo các văn bản ủy quyền ngày 20-8-2020).

3. Bà Hồ Thị Đ1, sinh năm 1965; địa chỉ: khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

4. Bà Hồ Thị M, sinh năm 1966; địa chỉ: Quận TB1, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

5. Bà Hồ Thị L2, sinh năm 1974; địa chỉ: Phường H, thành phố TN, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

6. Bà Hồ Thị D, sinh năm 1971; địa chỉ: khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

Bà X, bà Đ1, bà M, bà L2 đã ủy quyền cho bà D tham gia tố tụng (Theo các văn bản ủy quyền ngày 27-8-2019).

Người kháng cáo: Bà Hồ Thị S- Nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 24-6-2019, nguyên đơn bà Hồ Thị S và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, ông Đặng Tấn L trình bày:

Cụ Hồ Lai H2 (chết năm 2014), cụ Nguyễn Thị Đ2 (chết năm 2020). Cụ H2, cụ Đ2 có 09 người con gồm: Bà Hồ Thị S; ông Hồ Văn Th; bà Hồ Thị L; bà Hồ Thị X; bà Hồ Thị Đ1; bà Hồ Thị M; bà Hồ Thị L2; bà Hồ Thị D; ông Hồ Văn B1 (chết năm 2020), ông B1 có vợ là Đinh Thị B và các con: Hồ Thị Hồng S1, Hồ Văn Kh, Hồ Tấn L1, Hồ Tấn T1, Hồ Tấn Ph, Hồ Thị Hồng Nh. Ngoài ra, cụ H2, cụ Đ2 không còn người con nào khác.

Trong quá trình chung sống, cụ H2, cụ Đ2 tạo lập được các tài sản sau:

- Phần đất có diện tích 469,7 m2, thuộc thửa 74, tờ bản đồ 31, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, do cụ Hồ Lai H2, cụ Nguyễn Thị Đ2 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Phần đất có diện tích 265,47 m2, thuộc thửa 97, tờ bản đồ 40, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, do cụ Hồ Lai H2 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên đất có 02 căn nhà. Phần giải tỏa đền bù đối với phần đất có diện tích 41,0 m2 nằm trong tổng diện tích 265,47 m2 đã lâu, khi đền bù cụ H2, cụ Đ2 còn sống nên bà S không yêu cầu chia phần này. Diện tích đền bù 41,0 m2 là đất thổ cư. Phần đất này còn lại diện tích 224,4 m2.

- Phần đất có diện tích 511,87 m2, thuộc thửa 3873, tờ bản đồ 01, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, do cụ Hồ Lai H2 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ H2, cụ Đ2 chết có để lại tờ di chúc tương phân tài sản thừa kế ngày 15-8-2012 (âm lịch), khi lập di chúc, cụ H2, cụ Đ2 còn minh mẫn và chính cụ H2 là người viết di chúc, tờ di chúc có nội dung: Chia đều 02 phần đất, mỗi phần ngang 10 m x dài 60 m cho các anh chị em. Phần đất có căn nhà thờ không được quyền chuyển nhượng, để làm nhà thờ cúng. Bà S yêu cầu chia phần đất có căn nhà cho các con của cụ H2, cụ Đ2.

Bà S là người bỏ tiền ra chăm sóc, nuôi dưỡng cụ H2, cụ Đ2 từ năm 2002 đến khi cụ H2, cụ Đ2 chết. Cụ thể, tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Đ2 4.115.000.000 đồng, đầu năm 2017, do bà không còn tiền nên có chuyển nhượng phần đất cho anh Hồ Tấn T1 (con ông B1) được 800.000.000 đồng để chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Đ2, hiện tại phần đất này có trị giá 5.000.000.000 đồng, chênh lệch giá là 4.200.000.000 đồng. Tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cụ H2 720.000.000 đồng, tổng cộng tiền chăm sóc nuôi dưỡng cụ H2, cụ Đ2, tiền chênh lệch giá đất là 9.035.000.000 đồng. Do là người trong gia đình nên việc bà S bỏ tiền ra chăm sóc, nuôi dưỡng cụ H2, cụ Đ2 không có ghi lại giấy tờ nên không có chứng cứ chứng minh nhưng tất cả các anh chị em đều biết.

Ngày 02-01-2018, bà Hồ Thị X, bà Hồ Thị M, bà Hồ Thị Đ1, ông Hồ Văn B1, bà Hồ Thị D, bà Hồ Thị L2 có ký vào giấy thỏa thuận, nội dung: Trường hợp được chia thừa kế tài sản, thì phần của bà X, bà M, bà Đ1, ông B1, bà D, bà L2 được nhận sẽ tự nguyện giao cho bà Hồ Thị S được hưởng, không đặt ra bất cứ điều kiện gì với bà S. Năm 2015, khi cụ Đ2 bị bệnh, cụ Đ2 có để lại số tiền 650.000.000 đồng, số tiền này do bà S giữ dùng làm chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng cho cụ Đ2, đến tháng 08-2017 thì hết. Từ khi sử dụng hết số tiền 650.000.000 đồng đến khi cụ Đ2 mất, tiền chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức đám tang, làm mồ cho cụ Đ2 hết 766.000.000 đồng, bà S có ghi sổ lại số tiền này.

Nay bà S khởi kiện yêu cầu chia tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại theo pháp luật. Cụ thể như sau: Sau khi khấu trừ 9.035.000.000 đồng tiền bà S chăm sóc, nuôi dưỡng cụ H2, cụ Đ2 từ khi bị bệnh đến khi chết, tiền chênh lệch do bà bán đất vào tổng tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại, phần còn lại yêu cầu chia theo quy định của pháp luật. Bà yêu cầu bà X, ông B1, bà Đ1, bà L2, bà M, bà D thực hiện theo tờ thỏa thuận ngày 02-01-2018. Bà S yêu cầu được nhận đất, đồng ý thanh toán lại giá trị cho các thừa kế còn lại.

Tại tòa án cấp sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bà S (Ông L) thống nhất tài sản tranh chấp có tổng trị giá 12.148.928.983 đồng, theo biên bản định giá tài sản ngày 25-10-2019. Bà không yêu cầu định giá lại tài sản. Hiện tại, bà S đang giữ 03 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ H2, cụ Đ2, không có cầm cố, thế chấp cho tổ chức, cá nhân nào khác.

Bị đơn ông Hồ Văn Th và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, anh Hồ Thuận H2 trình bày:

Ông Th thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về năm mất, các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2, tài sản chung của cụ H2, cụ Đ2 chết để lại. Phần giải tỏa đền bù đối với phần đất có diện tích 41,0 m2 nằm trong tổng diện tích 265,47 m2 đã lâu, khi đền bù cụ H2, cụ Đ2 còn sống nên anh không yêu cầu giải quyết phần này.

Cụ H2, cụ Đ2 chết có để lại tờ di chúc tương phân tài sản thừa kế ngày 15-8-2012 (âm lịch), khi lập di chúc, cụ H2, cụ Đ2 còn minh mẫn và chính cụ H2 là người viết di chúc, tờ di chúc có nội dung: Chia đều 02 phần đất, mỗi phần ngang 10 m x dài 60 m cho các anh chị em. Phần đất có căn nhà thờ không được quyền sang nhượng, để làm nhà thờ cứng. Nay anh thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn về việc chia phần đất và căn nhà cho các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2.

Nguyện vọng của anh là yêu cầu Tòa án chia tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại theo pháp luật, chia đều cho các con của cụ H2, cụ Đ2. Anh không đồng ý khấu trừ số tiền 9.035.000.000 đồng vào tài sản của cụ H2, cụ Đ2 như yêu cầu khởi kiện của bà S. Anh đồng ý khấu trừ cho bà S số tiền 766.000.000 đồng vào tổng tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại, phần còn lại chia đều cho các con của cụ H2 cụ Đ2. Anh yêu cầu được nhận đất, đồng ý thanh toán lại giá trị cho các thừa kế còn lại.

Anh thống nhất tài sản tranh chấp có tổng trị giá 12.148.928.983 đồng theo biên bản định giá tài sản ngày 25-10-2019.

Ông Hồ Văn Th trình bày: Thống nhất theo lời trình bày của anh Hồ Thuận H2, không trình bày gì thêm.

Bị đơn bà Hồ Thị L trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về năm mất, các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2, tài sản chung của cụ H2, cụ Đ2 chết để lại. Phần giải tỏa đền bù đối với phần đất có diện tích 41,0 m2 nằm trong tổng diện tích 265,47 m2 đã lâu, khi đền bù cụ H2, cụ Đ2 còn sống nên bà không yêu cầu giải quyết phần này.

Cụ H2, cụ Đ2 chết có để lại tờ di chúc tương phân tài sản thừa kế ngày 15-8-2012 (âm lịch), khi lập di chúc, cụ H2, cụ Đ2 còn minh mẫn và chính cụ H2 là người viết di chúc, tờ di chúc có nội dung: Chia đều 02 phần đất, mỗi phần ngang 10 m x dài 60 m cho các anh chị em. Phần đất có căn nhà thờ không được quyền sang nhượng, để làm nhà thờ cúng. Nay bà thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn về việc chia phần đất và căn nhà cho các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2.

Nguyện vọng của bà là yêu cầu Tòa án chia tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại theo pháp luật, chia đều cho các con của cụ H2, cụ Đ2. Không đồng ý khấu trừ số tiền 9.035.000.000 đồng vào tài sản của cụ H2, cụ Đ2 như yêu cầu khởi kiện của bà S. Bà chỉ đồng ý khấu trừ cho bà S số tiền 766.000.000 đồng vào tổng tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại, phần còn lại chia đều cho các anh em. Bà yêu cầu được nhận đất, đồng ý thanh toán lại giá trị cho những thừa kế còn lại.

Bà thống nhất tài sản tranh chấp có tổng trị giá 12.148.928.983 đồng theo biên bản định giá tài sản ngày 25-10-2019.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Bà Hồ Thị D trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về năm mất, các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2, tài sản chung của cụ H2, cụ Đ2 chết để lại. Phần giải tỏa đền bù đối với phần đất có diện tích 41,0 m2 nằm trong tổng diện tích 265,47 m2 đã lâu, khi đền bù cụ H2, cụ Đ2 còn sống nên bà không yêu cầu giải quyết phần này. Bà là người trực tiếp ghi sổ cho bà S về số tiền bà S bỏ ra để chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Đ2 từ cuối năm 2017 đến khi cụ Đ2 chết, làm đám tang, làm mồ cho cụ Đ2 hết 766.000.000 đồng. Bà S là người trực tiếp bỏ tiền ra chăm sóc, nuôi dưỡng cụ H2, cụ Đ2 từ năm 2002 khi cụ H2, cụ Đ2 bị bệnh, bà là người trực tiếp quản lý tài sản do cụ H2, cụ Đ2 để lại.

Cụ H2, cụ Đ2 chết có để lại tờ di chúc tương phân tài sản thừa kế ngày 15-8-2012 (âm lịch), khi lập di chúc, cụ H2, cụ Đ2 còn minh mẫn và chính cụ H2 là người viết di chúc, tờ di chúc có nội dung: Chia đều 02 phần đất, mỗi phần ngang 10 m x dài 60 m cho các anh chị em. Phần đất có căn nhà thờ không được quyền sang nhượng, để làm nhà thờ cúng. Bà là người được quyền ưu tiên quản lý, sử dụng căn nhà và đất để làm thờ cúng. Nay bà thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn về việc chia phần đất và căn nhà cho các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2.

Nguyện vọng của bà là yêu cầu Tòa án chia tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại theo pháp luật. Bà đồng ý khấu trừ số tiền 9.035.000.000 đồng vào tài sản của cụ H2, cụ Đ2, còn lại chia cho các anh em theo quy định của pháp luật như yêu cầu khởi kiện của bà S. Chữ ký trong biên bản thỏa thuận ngày 02-01-2018 là của bà, bà đồng ý thực hiện theo thỏa thuận, bà giao hết phần tài sản của bà được nhận cho bà S.

Tôi thống nhất tài sản tranh chấp có tổng trị giá 12.148.928.983 đồng theo biên bản định giá tài sản ngày 25-10-2019.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Hồ Thị X - Bà Hồ Thị D trình bày: Bà X thống nhất lời trình bày của D, không trình bày gì thêm.

Bà Hồ Thị L2 trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về năm mất, các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2, tài sản chung của cụ H2, cụ Đ2 chết để lại. Phần giải tỏa đền bù đối với phần đất có diện tích 41,0 m2 nằm trong tổng diện tích 265,47 m2 đã lâu, khi đền bù cụ H2, cụ Đ2 còn sống nên bà không yêu cầu giải quyết phần này. Bà S là người trực tiếp bỏ tiền ra chăm sóc, nuôi dưỡng cụ H2, cụ Đ2 từ năm 2002 khi cụ H2, cụ Đ2 bị bệnh, bà D là người trực tiếp quản lý tài sản do cụ H2, cụ Đ2 để lại.

Cụ H2, cụ Đ2 chết có để lại tờ di chúc tương phân tài sản thừa kế ngày 15-8-2012 (âm lịch), khi lập di chúc, cụ H2, cụ Đ2 còn minh mẫn và chính cụ H2 là người viết di chúc, tờ di chúc có nội dung: Chia đều 02 phần đất, mỗi phần ngang 10 m x dài 60 m cho các anh chị em. Phần đất có căn nhà thờ không được quyền sang nhương, để làm nhà thờ cúng. Nay bà thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn về việc chia phần đất và căn nhà cho các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2.

Nguyện vọng của bà là yêu cầu Tòa án chia tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại theo pháp luật. Bà đồng ý khấu trừ số tiền 9.035.000.000 đồng vào tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại, còn lại chia cho các anh em theo như yêu cầu khởi kiện của bà S. Chữ ký trong biên bản thỏa thuận ngày 02-01-2018 là của bà, bà đồng ý thực hiện theo thỏa thuận, bà giao hết phần tài sản của bà được nhận cho bà S.

Bà thống nhất tài sản tranh chấp có tổng trị giá 12.148.928.983 đồng theo biên bản định giá tài sản ngày 25-10-2019.

Bà Hồ Thị Đ1 trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về năm mất, các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2, tài sản chung của cụ H2, cụ Đ2 chết để lại. Phần giải tỏa đền bù đối với phần đất có diện tích 41,0 m2 nằm trong tổng diện tích 265,47 m2 đã lâu, khi đền bù cụ H2, cụ Đ2 còn sống nên bà không yêu cầu giải quyết phần này.

Cụ H2, cụ Đ2 chết có để lại tờ di chúc tương phân tài sản thừa kế ngày 15-8-2012 (âm lịch), khi lập di chúc, cụ H2, cụ Đ2 còn minh mẫn và chính cụ H2 là người viết di chúc, tờ di chúc có nội dung: Chia đều 02 phần đất, mỗi phần ngang 10 m x dài 60 m cho các anh chị em. Phần đất có căn nhà thờ không được quyền sang nhượng, để làm nhà thờ cúng. Bà là người được quyền ưu tiên quản lý, sử dụng căn nhà và đất để làm thờ cúng. Nay bà thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn về việc chia phần đất và căn nhà cho các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2.

Năm 2015, khi cụ Đ2 bị bệnh, cụ Đ2 có để lại số tiền 650.000.000 đồng, đến cuối năm 2017, bà S có yêu cầu họp mặt anh em lại thông báo số tiền đã hết, ông Th không có mặt. Từ đầu năm 2018 đến khi cụ Đ2 mất, bà S là người bỏ tiền ra chăm sóc, nuôi dưỡng, làm đám tang, xây mồ cho cụ Đ2, tổng chi phí hết 766.000.000 đồng, việc này có bà D ghi sổ lại cho bà S. Bà S trình bày chuyển nhượng đất để lấy tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cụ H2, cụ Đ2 là không đúng, vì khi cụ H2, cụ Đ2 còn khỏe thì có tiền, không cần ai bỏ tiền ra chăm sóc, nuôi dưỡng. Bằng chứng là khi cụ Đ2 bị bệnh năm 2015, cụ Đ2 còn để lại số tiền 650.000.000 đồng, anh em bà sử dụng để chăm sóc cụ Đ2 đến cuối năm 2017 mới hết số tiền này.

Nguyện vọng của bà là yêu cầu Tòa án chia tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại theo pháp luật, chia đều cho các con của cụ H2, cụ Đ2. Bà không đồng ý khấu trừ số tiền 9.035.000.000 đồng vào tài sản của cụ H2, cụ Đ2 như yêu cầu khởi kiện của bà S. Bà chỉ đồng ý khấu trừ số tiền 766.000.000 đồng mà bà S bỏ ra để chăm sóc, nuôi dưỡng, làm đám tang, xây mồ cho cụ Đ2 vào tổng tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại, còn lại chia đều cho các anh chị em. Bà yêu cầu nhận giá trị, không nhận đất.

Chữ ký trong biên bản thỏa thuận ngày 02-01-2018 là của bà, nhưng khi ký bà không có đọc nội dung. Nay bà thay đổi ý kiến, không đồng ý thực hiện theo thỏa thuận ngày 02-01-2018, bà xin được hưởng phần thừa kế của bà được nhận, không đồng ý giao lại cho bà S.

Bà Đ1 thống nhất tài sản tranh chấp có tổng trị giá 12.148.928.983 đồng theo biên bản định giá tài sản ngày 25-10-2019.

Bà Hồ Thị M trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về năm mất, các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2, tài sản chung của cụ H2, cụ Đ2 chết để lại. Phần giải tỏa đền bù đối với phần đất có diện tích 41,0 m2 nằm trong tổng diện tích 265,47 m2 đã lâu, khi đền bù cụ H2, cụ Đ2 còn sống nên bà không yêu cầu giải quyết phần này.

Cụ H2, cụ Đ2 chết có để lại tờ di chúc tương phân tài sản thừa kế ngày 15-8-2012 (âm lịch), khi lập di chúc, cụ H2, cụ Đ2 còn minh mẫn và chính cụ H2 là người viết di chúc, tờ di chúc có nội dung: Chia đều 02 phần đất, mỗi phần ngang 10 m x dài 60 m cho các anh chị em. Phần đất có căn nhà thờ không được quyền sang nhượng, để làm nhà thờ cúng. Nay bà thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn về việc chia phần đất và căn nhà cho các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2.

Bà thống nhất theo lời trình bày của bà Hồ Thị Đ1, nguyện vọng của bà là yêu cầu Tòa án chia tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại theo pháp luật, chia đều cho các con của cụ H2, cụ Đ2. Bà không đồng ý khấu trừ số tiền 9.035.000.000 đồng vào tài sản của cụ H2, cụ Đ2 như yêu cầu khởi kiện của bà S. Bà chỉ đồng ý khấu trừ số tiền 766.000.000 đồng mà bà S bỏ ra để chăm sóc, nuôi dưỡng, làm đám tang, xây mồ cho cụ Đ2 vào tổng tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại, còn lại chia đều cho các anh chị em. Bà yêu cầu nhận giá trị, không nhận đất.

Chữ ký trong biên bản thỏa thuận ngày 02-01-2018 là của bà, nhưng khi ký bà không có đọc nội dung. Nay bà thay đổi ý kiến, không đồng ý thực hiện theo thỏa thuận ngày 02-01-2018, bà xin được hưởng phần thừa kế của bà được nhận, không đồng ý giao lại cho bà S.

Bà thống nhất tài sản tranh chấp có tổng trị giá 12.148.928.983 đồng theo biên bản định giá tài sản ngày 25-10-2019.

Người đại diện theo ủy quyền của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông B1, anh Hồ Tấn T1 trình bày: Anh là con của ông Hồ Văn B1 (chết ngày 02-8-2020). Anh thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về năm mất, các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2, tài sản chung của cụ H2, cụ Đ2 chết để lại. Phần giải tỏa đền bù đối với phần đất có diện tích 41,0 m2 nằm trong tổng diện tích 265,47 m2 đã lâu, khi đền bù cụ H2, cụ Đ2 còn sống nên anh không yêu cầu giải quyết phần này.

Cụ H2, cụ Đ2 chết có để lại tờ di chúc tương phân tài sản thừa kế ngày 15-8-2012 (âm lịch), khi lập di chúc, cụ H2, cụ Đ2 còn minh mẫn và chính cụ H2 là người viết di chúc, tờ di chúc có nội dung: Chia đều 02 phần đất, mỗi phần ngang 10 m x dài 60 m cho các anh chị em. Phần đất có căn nhà thờ không được quyền sang nhượng, để làm nhà thờ cúng. Nay anh thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn về việc chia phần đất và căn nhà cho các thừa kế của cụ H2, cụ Đ2.

Nguyện vọng của anh là yêu cầu Tòa án chia tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại theo pháp luật, chia đều cho các con của cụ H2, cụ Đ2. Không đồng ý khấu trừ số tiền 9.035.000.000 đồng vào tài sản của cụ H2, cụ Đ2 như yêu cầu khởi kiện của bà S. Anh chỉ đồng ý khấu trừ số tiền 766.000.000 đồng mà bà S bỏ ra để chăm sóc, nuôi dưỡng, làm đám tang, xây mồ cho cụ Đ2 vào tổng tài sản của cụ H2, cụ Đ2 để lại, còn lại chia đều cho các anh chị em của bà S. Anh yêu cầu được nhận đất, đồng ý thanh toán lại giá trị cho các thừa kế còn lại.

Chữ ký trong biên bản thỏa thuận ngày 02-01-2018 anh không biết có phải chữ ký của ông B1 hay không. Nay anh không đồng ý với nội dung trong tờ thỏa thuận, anh xin được hưởng phần thừa kế của cha anh được nhận, không đồng ý giao lại cho bà S.

Anh thống nhất tài sản tranh chấp có tổng trị giá 12.148.928.983 đồng theo biên bản định giá tài sản ngày 25-10-2019.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 50/2020/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện GD, tỉnh Tây Ninh đã quyết định:

Căn cứ khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, điểm h khoản 1 Điều 40, Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 652, 653, 655, 668 Bộ luật dân sự 2005; khoản 2 Điều 70 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hồ Thị S về việc “Tranh chấp dân sự về thừa kế tài sản” đối với bị đơn là ông Hồ Văn Th, bà Hồ Thị L.

1.1. Giao cho bà Hồ Thị S được quyền quản lý, sử dụng 03 phần đất:

- Phần đất thứ nhất: diện tích 224,4 m2, thuộc thửa 97, tờ bản đồ số 40, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, đất có tứ cận:

Đông giáp thửa 98 dài 13,89m + 3,90 m + 3,04 m + 6,27 m, giáp thửa 127 dài 8,15m;

Tây giáp thửa 96 dài 29,45 m;

Nam giáp thửa 124 dài 5,20 m, giáp thửa 123 dài 1,89 m;

Bắc giáp đường Xuyên Á nhựa dài 7,10m.

Trên đất có 02 căn nhà: Nhà thứ nhất: Tầng 1 diện tích 94,5 m2, tầng 2 diện tích 33 m2, cấp 3A, khung cột đá kiềng, cột bê tông cốt thép, nền gạch men, tường gạch, có tô, mái lợp tôn, cửa sắt; nhà thứ hai: diện tích 87,4 m2 (xây dựng năm 1992), cấp 4A, nền gạch men, tường gạch, mái tôn, cửa kính, cột bê tông cốt thép.

- Phần đất thứ hai: diện tích 511,87 m2, thuộc thửa 3873, tờ bản đồ số 01, đất tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, đất có tứ cận:

Đông giá đất cụ Hồ Lai H2;

Tây giáp đất bà Trần Thị Hồng Nguyên;

Nam giáp đường Dương Văn Nốt;

Bắc giáp đất bà Vương Kim Nga.

Trên đất mộ gia đình ngang 3,50 m x dài 4,65 m.

- Phần đất thứ ba: diện tích 469,7 m2, thuộc thửa 74, tờ bản đồ số 06, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, đất có tứ cận:

Đông giáp thửa 75 dài 46,66m;

Tây giáp thửa 73 dài 48,24m;

Nam giáp đường Dương Văn Nốt dài 10m;

Bắc giáp thửa 52 dài 10,30m.

Trên đất mộ gia đình ngang 2,1 m x dài 3,50 m.

(Có sơ đồ, bản vẽ kèm theo)

1.2. Buộc bà Hồ Thị S có trách nhiệm giao cho ông Hồ Văn Th, bà Hồ Thị L, bà Hồ Thị Đ1, bà Hồ Thị M mỗi người số tiền 1.196.342.358 đồng.

1.3. Buộc bà Hồ Thị S có trách nhiệm giao cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông B1 gồm: bà Đinh Thị B, chị Hồ Thị Hồng S1, anh Hồ Văn Kh, anh Hồ Tấn L1, anh Hồ Tấn T1, anh Hồ Tấn Ph, chị Hồ Thị Hồng Nh số tiền 1.196.342.358 đồng.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hồ Thị S về việc buộc ông Hồ Văn Th; bà Hồ Thị L; bà Hồ Thị X; bà Hồ Thị Đ1; bà Hồ Thị M; bà Hồ Thị L2; bà Hồ Thị D; ông Hồ Văn B1 trả cho bà số tiền 334.000.000 (ba trăm ba mươi bốn triệu) đồng.

Ngày 02 tháng 10 năm 2020, bà Hồ Thị S có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với các nội dung:

- Thanh toán tiền nuôi cụ Đ2 4.115.000.000 đồng và tiền chuyển nhượng đất chênh lệch 4.200.000.000, tổng cộng 8.315.000.000 đồng.

- Thanh toán tiền nuôi cụ H2 là 720.000.000 đồng bằng tài sản của cụ H2, còn lại bao nhiêu thì chia theo

- Yêu cầu bà Hồ Thị X, ông Hồ Văn B1, bà Hồ Thị Đ1, bà Hồ Thị M, bà Hồ Thị D, bà Hồ Thị L2 phải thực hiện theo Giấy thỏa thuận ngày 02-01-2018 theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu định giá lại tài sản tranh chấp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Hồ Thị S và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, ông Đặng Tấn L giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:

- Về tố tụng: Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ giai đoạn thụ lý đến khi giải quyết vụ án. Các đương sự chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Hồ Thị S; sửa bản án sơ thẩm theo hướng chia cho bà S phần di sản nhiều hơn các đồng thừa kế khác và sửa bản án về án phí sơ thẩm, vì bà S được miễn án phí đối với di sản được chia, còn phần di sản của bà X, bà D, bà L2 giao cho bà S thì bà S phải chịu án phí đối với phần thừa kế hưởng của những người này.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Hồ Thị S giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo.

[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Hồ Thị S:

[2.1] Về yêu cầu thanh toán số tiền 4.115.000.000 đồng nuôi cụ H2, cụ Đ2; thấy rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều trình bày: Năm 2015, cụ Đ2 phát bệnh, nằm một chỗ, không đi lại được và tại thời điểm này cụ Đ2 còn có số tiền 650.000.000 đồng, do bà S giữ để chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Đ2, đến cuối năm 2017 mới sử dụng hết số tiền này. Từ khi sử dụng hết tiền của cụ Đ2, khi chi tiền bà S có ghi lại sổ sách về số tiền bỏ ra để chăm sóc, nuôi dưỡng, đến khi làm đám tang, xây mồ mả cho cụ Đ2; tổng cộng bà S chi phí số tiền 766.000.000 đồng; các đồng thừa kế khác thừa nhận và đồng ý thanh toán lại cho bà S. Bà S cho rằng bà đã bỏ ra số tiền 4.115.000.000 đồng để lo cho cụ H2, cụ Đ2 nhưng bà S không cung cấp được chứng cứ, chứng minh nên không có căn cứ chấp nhận.

[2.2] Bà S cho rằng do hết tiền lo cho cụ Đ2, nên vào đầu năm 2017 bà S có chuyển nhượng cho anh Hồ Tấn T1 01 phần đất với giá 800.000.000 đồng. Phần đất mà bà S chuyển nhượng cho anh T1 giống như phần đất của cụ Đ2 để lại, hiện nay giá trị phần đất là 5.000.000.000 đồng. Do đó bà S yêu cầu các thừa kế của cụ Đ2, cụ H2 trả lại cho bà số tiền chênh lệch 4.200.000.000 đồng (5.000.000.000 đồng - 800.000.000 đồng); thấy rằng: Việc bà S chuyển nhượng 01 phần đất cho T1 là có thật, anh T1 thừa nhận. Nhưng thời gian chuyển nhượng là vào tháng 03-2017, được anh L là người đại diện theo ủy quyền của bà S và bà S thừa nhận. Thời điểm chuyển nhượng (tháng 3-2017) thì số tiền của cụ Đ2 vẫn còn (đến tháng 12-2017) và việc bà S chuyển nhượng đất để có tiền chăm sóc cụ Đ2 cũng không được tất cả các đồng thừa kế khác thừa nhận hay có chứng cứ chứng minh nào khác. Do vậy, yêu cầu thanh toán lại tiền chênh lệch giá đất vào khối di sản của bà S là không phù hợp, nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là có căn cứ.

[2.3] Về yêu cầu buộc bà Hồ Thị X, ông Hồ Văn B1, bà Hồ Thị Đ1, bà Hồ Thị M, bà Hồ Thị D, bà Hồ Thị L2 phải thực hiện theo Giấy thỏa thuận ngày 02-01-2018; thấy rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án bà Hồ Thị X, ông Hồ Văn B1, bà Hồ Thị Đ1, bà Hồ Thị M, bà Hồ Thị D, bà Hồ Thị L2 đều thừa nhận có ký tên vào Giấy thỏa thuận ngày 02-01-2018; nhưng đến thời điểm bà S khởi kiện thì ông B1, bà Đ1, bà M không đồng ý; chỉ có bà X, bà D, bà L2 đồng ý theo thỏa thuận là giao phần thừa kế được hưởng cho bà S. Hội đồng xét xử xét thấy: Giấy thỏa thuận không có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, nên không có căn cứ ràng buộc các đương sự phải thực hiện theo giấy thỏa thuận và ý kiến trong văn bản cũng không phải là ý kiến sau cùng của họ (Ông B1, bà Đ1, bà M). Do đó cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà S là có cơ sở. Tại tòa, bà X, bà D, bà L2 tự nguyện giao phần thừa kế mà các bà được hưởng cho bà S, nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

[2.5] Về yêu cầu định giá lại tài sản tranh chấp; thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện việc định đúng quy định tại khoản 4 Điều 104 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại Biên bản định giá ngày 25-10-2019 có sự có mặt của ông Đặng Tấn L là người đại diện theo ủy quyền của bà S, không có ý kiến và đồng ý ký tên vào biên bản. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà S và người đại diện theo ủy quyền của bà S thống nhất với kết quả định giá. Do đó, bà S kháng cáo yêu cầu định giá lại nhưng không cung cấp chứng cứ minh kết quả định giá tại cấp sơ thẩm quá cao hay quá thấp so với giá thị trường tại thời điểm định giá, nên Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét chấp nhận yêu cầu định giá lại của bà S.

[3] Xét yêu cầu chia di sản của bà Hồ Thị S, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[3.1] Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp, các đương sự đều thống nhất: Cụ Hồ Lai H2 (chết năm 2014), cụ Nguyễn Thị Đ2 (chết năm 2020). Cụ H2, cụ Đ2 chung sống có tất cả 09 người con và tạo lập được các tài sản, gồm:

- Phần đất có diện tích 469,7 m2, thuộc thửa 74, tờ bản đồ 31, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, có giá trị theo thẩm định giá 2.499.999.856 đồng.

- Phần đất có diện tích 265,47 m2, thuộc thửa 97, tờ bản đồ 40, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh. Trên đất có 02 căn nhà. Phần giải tỏa đền bù đối với phần đất có diện tích 41,0 m2 nằm trong tổng diện tích 265,47 m2 đã lâu, khi đền bù cụ H2, cụ Đ2 còn sống nên các đương sự không yêu cầu giải quyết phần này. Phần đất này còn lại diện tích 224,4 m2. Nhà và đất có giá trị theo thẩm định giá 6.924.477.506 đồng.

- Phần đất có diện tích 511,87 m2, thuộc thửa 3873, tờ bản đồ 01, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, có giá trị theo thẩm định giá 2.724.451.621 đồng.

Tổng tài sản tranh chấp có giá trị 12.148.928.983 đồng.

[3.2] Ngày 15-8-2012 cụ H2 và cụ Đ2 lập di chúc với nội dung: “Chia đều 02 phần đất, mỗi phần ngang 10 m x dài 60 m cho các anh chị em. Phần đất có căn nhà thờ không được quyền sang nhượng, để làm nhà thờ cúng”. Mặc dù di chúc không có người làm chứng, không có công chứng, chứng thực, nhưng tại thời điểm lập di chúc cả hai cụ đều minh mẫn, sáng suốt và tự nguyện. Do đó, căn cứ vào các Điều 652, 653, 655, 668 Bộ luật Dân sự năm 2005, tờ di chúc tương phân tài sản thừa kế nêu trên của cụ Hồ Lại H2 và cụ Nguyễn Thị Đ2 là hợp pháp và có hiệu lực. Đối với phần đất có nhà thờ (diện tích 224,4 m2), theo di chúc dùng vào việc thờ cúng, giao cho bà Hồ Thị Đ1 và Hồ Thị D được quyền ưu tiên quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, tại Tòa tất cả các đồng thừa kế đều có nguyện vọng chia di sản này nên Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế là có cơ sở; khi chia thừa kế cấp sơ thẩm có xem xét đến công sức gìn giữ, bảo quản tài sản và có công chăm sóc cụ Đ2, nên chia cho bà D phần di sản nhiều hơn các thừa kế khác là phù hợp. Tuy nhiên, các đồng thừa kế cũng thừa nhận bà S là người đã bỏ tiền ra để lo chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Đ2 cho đến khi cụ Đ2 chết và lo đám tang, xây mồ mả cho cụ Đ2, nhưng cấp sơ thẩm không xem xét chia phần thừa kế cho bà S nhiều hơn là chưa phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà L, bà M, bà Đ1, bà D, bà L2 đều đồng ý chia cho bà S phần thừa kế nhiều hơn các thừa kế khác. Ngoài ra, bà X, bà D, bà L2 tự nguyện giao toàn bộ kỷ phần thừa kế được hưởng cho bà S, nên Hội đồng xét xử ghi nhận và xem xét khi chia thừa kế.

[4] Phương thức phân chia thừa kế:

[4.1] Đối với 02 phần đất: Diện tích 469,7 m2, thuộc thửa 74, tờ bản đồ 31 và diện tích 511,87 m2, thuộc thửa 3873, tờ bản đồ 01; cả 02 phần đất trên cùng tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, trị giá 5.224.451.477 đồng; theo di chúc được chia đều cho 09 người con, mỗi người con đều được nhận một kỷ phần thừa kế, tương đương với số tiền 5.224.451.477 đồng/9 kỷ phần = 580.494.608 đồng. Kỷ phần của bà X, bà D, bà L2 tự nguyện giao cho bà S, nên phần di sản này bà S nhận được nhận tổng cộng 04 kỷ phần thừa kế.

[4.2] Đối với phần đất có diện tích 224,4 m2, thuộc thửa 97, tờ bản đồ 40, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, trên đất có 02 căn nhà, trị giá 6.924.477.506 đồng, các đương sự đồng ý khấu trừ số tiền bà S bỏ ra để lo chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc và lo đám tang, xây mồ mả cho cụ Đ2 là 766.000.000 đồng; nên giá trị tài sản còn lại là 6.158.477.506 đồng. Các đồng thừa kế đều xác nhận bà D có công chăm sóc cụ Đ2, bà S là người bỏ tiền lo chi phí chăm sóc cụ Đ2, lo đám tang và xây mồ mả cho cụ Đ2, nên Hội đồng xét xử xét thấy nên chia cho bà S 03 phần, bà D 02 phần, các đồng thừa kế còn lại mỗi người 01 phần là có căn cứ. Do đó, di sản này được chia thành 12 kỷ phần thừa kế, mỗi kỷ phần trị giá 513.206.458 đồng (6.158.477.506 đồng/ 12 kỷ phần); bà S hưởng 03 kỷ phần trị giá 1.539.619.376 đồng; bà D hưởng 02 kỷ phần trị giá 1.026.412.916 đồng; các đồng thừa kế còn lại mỗi người hưởng 01 kỷ phần trị giá 513.206.458 đồng. Phần di sản này bà X, bà D, bà L2 tự nguyện giao cho bà S, nên bà S được nhận tổng cộng 07 kỷ phần thừa kế.

[5] Như vậy, tổng giá trị di sản được chia cho các đồng thừa kế, cụ thể như sau:

[5.1] Bà Hồ Thị S được hưởng di sản tổng trị giá: 766.000.000 đồng + (580.494.608 đồng x 4) + (513.206.458 đồng x 7) = 6.680.423.638 đồng.

[5.2] Ông Th, bà L, Bà M, bà Đ1 và những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của ông B1 (Bà B, anh Kh, chị S1, anh L1, anh Ph, anh T1, chị Nh); được nhận mỗi người tổng kỷ phần thừa kế là: 580.494.608 đồng + 513.206.458 đồng = 1.093.701.066 đồng.

[6] Chia di sản bằng hiện vật: Do bà S được nhận giá trị di sản nhiều hơn các đồng thừa kế khác và có nguyện vọng được nhận nhà, đất; mặt khác bà S là người có điều kiện về kinh tế nhất trong các đồng thừa kế, nên giao toàn bộ nhà và đất cho bà S quản lý, sử dụng. Bà S có trách nhiệm thanh toán lại cho ông Th, bà L, bà Đ1, bà M và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông B1 mỗi người số tiền là 1.093.701.066 đồng.

[7] Từ những nhận định và phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử thấy có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà S; sửa bản án sơ thẩm.

[8] Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn có sự thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không ra thông báo thụ lý bổ sung là thiếu sót cần rút kinh nghiệm.

[9] Án phí dân sự sơ thẩm: Bà S, bà X là người cao tuổi được miễn án phí theo quy định, nhưng bà S được hưởng phần thừa kế của bà D, bà L2 thì bà S vẫn phải chịu án phí đối với phần được hưởng này; Tòa án cấp sơ thẩm không buộc bà S chịu án phí là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm. Do sửa bản án sơ thẩm về phân chia giá trị thừa kế nên sửa lại phần án phí theo đúng quy định của pháp luật.

[10] Án phí dân sự phúc thẩm: Bà S là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Hồ Thị S

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 50/2020/DS-ST, ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện GD, tỉnh Tây Ninh.

Căn cứ vào các Điều 652, 653, 655, 668 Bộ luật dân sự 2005; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hồ Thị S về việc “Tranh chấp dân sự về thừa kế tài sản” đối với ông Hồ Văn Th, bà Hồ Thị L.

1.1. Giao cho bà Hồ Thị S được quyền quản lý, sử dụng 03 phần đất:

- Phần đất thứ nhất: diện tích 224,4 m2, thuộc thửa 97, tờ bản đồ số 40, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, đất có tứ cận:

Đông giáp thửa 98 dài 13,89m + 3,90 m + 3,04 m + 6,27 m, giáp thửa 127 dài 8,15m;

Tây giáp thửa 96 dài 29,45 m;

Nam giáp thửa 124 dài 5,20 m, giáp thửa 123 dài 1,89 m;

Bắc giáp đường Xuyên Á nhựa dài 7,10m.

Trên đất có 02 căn nhà: Nhà thứ nhất: Tầng 1 diện tích 94,5 m2, tầng 2 diện tích 33 m2, cấp 3A, khung cột đá kiềng, cột bê tông cốt thép, nền gạch men, tường gạch, có tô, mái lợp tôn, cửa sắt; nhà thứ hai: diện tích 87,4 m2 (xây dựng năm 1992), cấp 4A, nền gạch men, tường gạch, mái tôn, cửa kính, cột bê tông cốt thép.

- Phần đất thứ hai: Diện tích 511,87 m2, thuộc thửa 3873, tờ bản đồ số 01, đất tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, đất có tứ cận:

Đông giáp đất cụ Hồ Lai H2;

Tây giáp đất bà Trần Thị Hồng Nguyên;

Nam giáp đường Dương Văn Nốt;

Bắc giáp đất bà Vương Kim Nga.

Trên đất mộ gia đình ngang 3,50 m x dài 4,65 m.

- Phần đất thứ ba: diện tích 469,7 m2, thuộc thửa 74, tờ bản đồ số 06, tọa lạc tại khu phố TB, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh, đất có tứ cận:

Đông giáp thửa 75 dài 46,66m;

Tây giáp thửa 73 dài 48,24m;

Nam giáp đường Dương Văn Nốt dài 10m;

Bắc giáp thửa 52 dài 10,30m.

Trên đất mộ gia đình ngang 2,1 m x dài 3,50 m.

(Có sơ đồ, bản vẽ kèm theo)

1.2. Ghi nhận bà Hồ Thị L2, bà Hồ Thị D, bà Hồ Thị X tự nguyện giao kỷ phần di sản được nhận cho bà Hồ Thị S.

1.3. Buộc bà Hồ Thị S có trách nhiệm thanh toán lại cho ông Hồ Văn Th, bà Hồ Thị L, bà Hồ Thị Đ1, bà Hồ Thị M mỗi người số tiền 1.093.701.066 đồng.

1.4. Buộc bà Hồ Thị S có trách nhiệm thanh toán lại cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông B1 gồm: Bà Đinh Thị B, chị Hồ Thị Hồng S1, anh Hồ Văn Kh, anh Hồ Tấn L1, anh Hồ Tấn T1, anh Hồ Tấn Ph, chị Hồ Thị Hồng Nh, hưởng chung số tiền 1.093.701.066 đồng.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hồ Thị S về việc yêu cầu ông Hồ Văn Th; bà Hồ Thị L; bà Hồ Thị X; bà Hồ Thị Đ1; bà Hồ Thị M; bà Hồ Thị L2; bà Hồ Thị D; ông Hồ Văn B1 trả cho bà số tiền 334.000.000 (ba trăm ba mươi bốn triệu) đồng.

3. Về chi phí đo đạc, định giá: Các đương sự phải chịu 7.000.000 đồng. Buộc ông Th, bà L, bà Đ1, bà M và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông B1 (bà Đinh Thị B, chị Hồ Thị Hồng S1, anh Hồ Văn Kh, anh Hồ Tấn L1, anh Hồ Tấn T1, anh Hồ Tấn Ph, chị Hồ Thị Hồng Nh) mỗi người trả cho bà S số tiền 778.000 đồng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Hồ Thị L, bà Hồ Thị M, bà Hồ Thị Đ1, mỗi người phải chịu 44.811.031 đồng.

- Bà Hồ Thị S, ông Hồ Văn Th, bà Hồ Thị X và người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông Hồ Văn B1 được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

- Bà Hồ Thị S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần di sản được hưởng từ bà X, bà D và bà L2, với số tiền là 86.008.171 đồng.

5. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà S được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án dân sự hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

364
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2021/DS-PT ngày 14/01/2021 về tranh chấp dân sự thừa kế tài sản

Số hiệu:14/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về