Bản án 14/2021/DS-PT ngày 02/02/2021 về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 14/2021/DS-PT NGÀY 02/02/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 02 tháng 02 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 178/2020/TLPT-DS ngày 10 tháng 12 năm 2020 về việc “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 37/2020/DS-ST ngày 04/11/2020 của Tòa án nhân dân thị xã X, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 242/2020/QĐ-PT ngày 28/12/2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông , sinh năm 1952 (Có mặt) Địa chỉ cư trú: số 450, khóm V, phường B, thị xã X, tỉnh Sóc Trăng.

- Bị đơn:

1. Ông BĐ, sinh năm 1969 (Có mặt)

2. Bà BĐ1, sinh năm 1968 (Có mặt) Cùng địa chỉ: khóm V, phường B, thị xã X, tỉnh Sóc Trăng.

3. Ông BĐ2, sinh năm 1958 (Có mặt)

4. Bà BĐ3, sinh năm 1955 (vắng mặt) Cùng địa chỉ: số nhà 385 khóm V, phường B, thị xã X, tỉnh Sóc Trăng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà NLQ, sinh năm 1954 (Vắng mặt) Địa chỉ: số nhà 450, khóm V, phường B, thị xã X, tỉnh Sóc Trăng.

2. Ông NLQ1, sinh năm 1957 (vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền của NLQ1: Bà NLQ2 (theo văn bản ủy quyền ngày 01/02/2021, NLQ2 có mặt.

3. Bà NLQ2, sinh năm 1960 (Có mặt) Cùng địa chỉ: khóm V, phường B, thị xã X, tỉnh Sóc Trăng.

- Người làm chứng:

1. Ông NLC, sinh năm 1965 2. Anh NLC1, sinh năm 1978 3. Anh NLC2, sinh năm 1983 4. Ông NLC3, sinh năm 1963 5. Ông NLC4, sinh năm 1977 6. Ông NLC5, sinh năm 1976 7. Ông NLC6, sinh năm 1978 8. Ông NLC7, sinh năm 1973 Cùng địa chỉ: Khóm V, phường B, thị xã X, tỉnh Sóc Trăng. Các người làm chứng đều vắng mặt.

Người kháng cáo: Nguyên đơn ông NĐ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các đơn khởi kiện và tại phiên tòa nguyên đơn ông NĐ trình bày:

Căn cứ vào bản án dân sự phúc thẩm số 208/2015/DS-PT ngày 17/9/2015 của TAND tỉnh Sóc Trăng. Các đồng thừa kế gồm ông, bà VTT, ông NVA, bà NTD, bà LTMC, ông NVH, ông NVT, bà NTC, và ông NLQ1 đã có đơn yêu cầu thi hành án nhận giá trị được hưởng thừa kế theo pháp luật của bản án trên. Quá trình thi hành án các đồng thừa kế nêu trên đều ủy quyền cho ông được đại diện nhận đất và thi hành án đến khi ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi mới phân chia phần được hưởng thừa kế lại cho các đồng thừa kế đã ủy quyền.

Đến ngày 13/12/2018 Chi cục Thi hành án dân sự thị xã X, tỉnh Sóc Trăng cưỡng chế giao phần đất thửa số 748, thửa số 723, tờ bản đồ số 7, đất tọa lạc khóm V, phường B, thị xã X, tỉnh Sóc Trăng cho ông đại diện các đồng thừa kế bà VTT, ông NVA, bà NTD, bà LTMC, ông NVH, ông NVT, bà NTC, và ông NLQ1 nhận đất thi hành án theo diện ông xin nhận phần tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án. Chi cục Thi hành án dân sự thị xã X đã kê biên, cưỡng chế phần đất của ông BĐ đang quản lý canh tác giao lại cho ông đại diện nhận hai phần đất, một phần đất có diện tích 6.200m2 và một phần đất có diện tích 2.500m2, tổng cộng hai miếng đất có diện tích 8.700m2.

Đồng thời, cùng ngày 13/12/2018 Chi cục Thi hành án dân sự thị xã X đã kê biên, cưỡng chế phần đất của ông BĐ2 đang quản lý giao lại cho ông phần đất diện tích 500m2, nằm cặp với phần đất của BĐ . Khi cưỡng chế giao đất thì phía vợ chồng BĐ , BĐ2 không đồng ý giao đất cho ông nhưng đoàn vẫn tiến hành cậm trụ đá các phần đất giao cho ông. Đến thời điểm này thì ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (QSD) đất, phần đất được giao này ông và các đồng thừa kế vẫn chưa có thực hiện phân chia giá trị thừa kế hay phân chia đất được nhận thừa kế, vì khi ủy quyền thì các đồng thừa kế được nhận đất và ông thỏa thuận khi nào ông làm giấy chứng nhận QSD đất xong thì ông mới chia phần lại cho các đồng thừa kế. Sau khi ông nhận đất thì ông có giao các phần đất này lại cho vợ chồng ông NLQ1 là em ruột của ông canh tác dùm ông vì nhà NLQ1 gần đất ruộng. Khi thi hành án giao đất cho ông thì hiện trạng đất đã được trang xới, bơm nước lên chuẩn bị cho sạ lúa.

Đối với bị đơn ông BĐ, bà BĐ1: Sau khi thi hành án giao đất thì em ông là NLQ1 có đem giống đến sạ lúa trên phần đất cưỡng chế của BĐ diện tích 2.500m2, phần đất còn lại ông dự định sáng hôm sau sạ lúa, nhưng sáng hôm sau đem giống ra ruộng để sạ lúa thì đã thấy BĐ sạ lúa trên phần đất này rồi, ông có báo đến UBND Phường B thì phường cho rằng đất Thi hành án đã giao thì ông sử dụng không có lập biên bản gì. Quá trình chăm sóc lúa như: Dặm lúa, xịt thuốc, bón phân chăm sóc lúa đối với hai phần đất ông đã được thi hành án giao (kể cả phần đất BĐ sạ, diện tích hơn 6.200m2),vợ chồng BĐ không có chăm sóc, bón phân, xịt thuốc gì hết, đến khi lúa chín, lúa chưa chín đều, lúa vẫn còn xanh hạt nhưng BĐ đã lén cắt lúa của ông rồi. BĐ kêu máy cắt lúa ban đêm, khi cắt lúa xong, BĐ vừa đem lúa về tới nhà BĐ thì ông đã đến nhà BĐ và trình với công an Phường B lập biên bản, BĐ cắt lúa hết hai phần đất ông được thi hành án giao của thửa đất số 748.

Nguyên đơn NĐ yêu cầu vợ chồng BĐ , BĐ1 bồi thường tiền đã gặt lúa trên đất ông được giao thi hành án, mỗi công tầm điền là 4.000.000 đồng, tính diện tích bồi thường là 8.500m2, tổng tiền bồi thường là 34.000.000đ (Ba mươi bốn triệu đồng). Do BĐ cũng là chỗ bà con, ông đồng ý hỗ trợ lại cho vợ chồng BĐ số tiền xới đất, tiền giống khi sạ lúa là 5.000.000 đồng, ông chỉ yêu cầu vợ chồng BĐ trả cho ông số tiền 29 triệu đồng.

Đối với bị đơn BĐ2, BĐ3 : Sau khi thi hành án giao đất cho ông thì BĐ2 cũng đã lén sạ lúa trên phần đất bị cưỡng chế giao cho ông. Vì diện tích đất của BĐ2 nhỏ nên ông không có sạ lúa lại mà chăm sóc lúa luôn. Đến khi dặm lúa thì BĐ2 nhìn thấy bên gia đình ông dặm lúa trên phần đất của BĐ cặp bên, con gái và con rể của BĐ2 đã tự nhổ hết 70% phần mạ để cấy qua đất của BĐ2, chỉ còn khoảng 30% phần mạ còn lại, thấy vậy gia đình ông mới nhổ phần mạ loại lúa 5451 bên đất liền kề để cấy vào khoảng trống mà BĐ2 đã nhổ mạ rồi chăm sóc, bón phân lúa đến khi lúa chín. Khi con gái và con rể của BĐ2 nhổ mạ đem đi dặm trên đất của BĐ2 thì chỉ có em ruột ông là NLQ1 nhìn thấy chứ không có ai thấy nữa. BĐ2 không có chăm sóc, bón phân, xịt thuốc gì trên phần đất này. Đến khi lúa chín nhưng còn xanh hạt thì vợ chồng BĐ2 đã lén cắt lúa.

Nguyên đơn NĐ yêu cầu Tòa án buộc ông BĐ2 và vợ BĐ3 có trách nhiệm phải bồi thường cho ông giá trị phần lúa đã gặt của ông trên diện 500m2 là 1.000.000 đồng (Một triệu đồng).

Các bị đơn ông BĐ và BĐ1 trình bày:

Ngày 13/12/2018 Chi cục Thi hành án dân sự thị xã X đã cưỡng chế hai phần đất ông, bà đang quản lý, canh tác gồm một phần đất sang của ông Hùng là 2.600m2 và một phần đất cố của ông UE là 3,5 công tầm cấy. Ông, bà không đồng ý giao đất. Bởi các lý do sau: Ông, bà đã canh tác phần đất này từ khoảng năm 1997 đến nay, vợ chồng ông đã sang nhượng và cầm cố đất của ông NVH và ông NVUE. Khi thi hành án thực hiện việc giao đất thì ông, bà không được biết nên ông cũng không biết thi hành án đã lấy diện tích đất của ông, bà bao nhiêu để giao cho NĐ , việc thi hành án giao đất như vậy là chưa đúng quy định của pháp luật nên ông, bà không đồng ý. Nếu lấy đất ông, bà giao cho NĐ thì phải trả lại số vàng và tiền của ông, bà đã sang nhượng đất, cầm cố đất. Ngay sau khi thi hành án giao đất xong kéo về thì ông, bà sạ lúa phần diện tích đất 2.600m2 còn miếng 3,5 công thì chiều hôm sau con cháu NĐ đem lúa giống ra sạ thì có ấu đả với gia đình ông UE nên không có sạ lúa rồi chiều đó ông, bà đem giống lên sạ lúa trên phần đất 3,5 công. Phía NĐ , NLQ1 không có sạ lúa trên hai phần đất này, cũng không có chăm sóc lúa, chỉ có vợ chồng ông chăm sóc lúa từ khi sạ đến khi lúa chín nên vợ chồng ông gặt lúa. Khi vợ chồng ông dặm lúa gần xong thì phía ông B phó chủ tịch Phường B, thị xã X và ông C trưởng khóm Vĩnh Tiền, Phường B có lên ruộng thấy vợ chồng ông dặm lúa, kêu vợ chồng ông trả đất lại cho NĐ nhưng vợ chồng ông không đồng ý nên họ đi về. Quá trình canh tác thì NĐ xịt thuốc một lần vô ruộng nên vợ chồng ông đồng ý trả lại tiền xịt thuốc cho NĐ . Ông cũng không biết xịt thuốc gì vô lúa, thuốc có nhiều giá tiền nhưng bình quân trung mỗi bình thuốc là 40.000 đồng đến 50.000 đồng, mỗi công tầm cấy thì xịt 02 bình thuốc. Ông cắt lúa vào buổi sáng khoảng 08 giờ sáng, khi cắt lúa thì có công an Phường B đến lập biên bản, do phần lúa cắt chung với diện tích đất của ông nên sau khi ủy ban và công an Phường B kiểm tra lúa và tính trên diện tích ông bị cưỡng chế có số lượng lúa là 24 bao lúa và lập biên bản giao cho vợ chồng ông quản lý lúa luôn. Gia đình NĐ , NLQ1 không canh tác cũng không có chăm sóc từ lúc xuống giống đến thu hoạch nên không đồng ý bồi thương theo yêu cầu của NĐ .

các bị đơn ông BĐ2 và BĐ3 trình bày:

Ngày 13/12/2018 chi cục Thi hành án dân sự thị xã X đã cưỡng chế phần đất ông, bà đang quản lý, canh tác diện tích khoảng 500m2 thì ông, bà không đồng ý. theo bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thì phải kê biên phần đất của ông NVH và ông NVUE giao trước, nếu phần đất của hai ông này không đủ thì lấy phần đất ông, bà canh tác thì ông, bà cũng đồng ý giao đất lại không yêu cầu trả tiền luôn, nhưng Thi hành án đã không lấy phần đất của ông NVH, ông UE canh tác mà cắt phần đất ông đang canh tác giao cho NĐ là không hợp lý. Còn việc canh tác lúa đối với phần đất này thì vợ chồng ông sạ lúa, chăm sóc, bón phân, canh tác từ đầu vụ đến cuối vụ nên vợ chồng ông cắt lúa là phù hợp nên ông không đồng ý bồi thường tiền cắt lúa cho NĐ là 1.000.000 đồng. NĐ cho rằng lúa đến giai đoạn dặm lúa mà con gái và con rể ông nhổ mạ trên diện tích này hết 70% để đem lên ruộng ông dặm là không có.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông NLQ1 và NLQ2 trình bày:

Ông là em ruột của ông NĐ. Sau khi Chi cục Thi hành án dân sự thị xã X cưỡng chế giao đất cho NĐ thì NĐ có giao các phần đất được giao cưỡng chế ngày 13/12/2018 cho vợ chồng ông canh tác. Trước khi thi hành án giao đất cho NĐ thì trên đất BĐ , BĐ2 đã xới đất rồi. Xới đất thì một công tầm cấy là 100.000 đồng, xới một lần rồi trang (phả) cho đất bằng lại. Đến ngày thi hành án giao đất thì BĐ có đem giống ra chuẩn bị sạ lúa, sau khi thi hành án giao đất thì BĐ sạ phần đất khoảng 06 (sáu) công tầm cấy, còn phần đất khoảng 02 công tầm cấy thì BĐ không có sạ lúa. Ông cũng có sạ lúa trên phần đất BĐ sạ, do BĐ đã sạ lúa rồi nên ông có sạ 06 công đó chỉ 15 ký giống mỗi công, còn hai công còn lại thì ông sạ 20 ký giống mỗi công. Giống lúa ST24. Mỗi ký giống giá 14.000 đồng. Sau khi xạ lúa thì ông là người trực tiếp canh tác đất như bơm nước, bón phân , xịt thuốc…, Xịt thuốc thì ông mướn ông NLC (tên thậtTVE, ngụ cùng khóm V) xịt thuốc từ đầu vụ đến cuối vụ. Bón phân có lúc mướn ông NLC, có lúc ông tự bón phân. Dặm lúa thì ông dặm và bốn người cháu ruột của ông gồm NLQ1, C, T, NLC1 ngụ khóm V xuống dặm lúa tiếp. Vợ chồng ông là người trực tiếp chăm sóc lúa từ khi sạ đến lúa chín. Bón 04 bao phân con cò vàng; tiền thuốc khoảng 700.000-800.000 đồng, tiền công xịt mỗi bình 17.000 đồng/bình, xịt 22 bình; bơm nước bao gồm đất riêng của ông (09 công tầm cấy) luôn khoảng 100 lít dầu, mỗi lít dầu 16.000 đồng. Đất cưỡng chế giao thì BĐ2 sạ lúa, vợ chồng ông chăm sóc bón phân đến giai đoạn dặm lúa thì con gái và con rể của BĐ2 đã nhổ hết 70% phần mạ đem lên miếng đất của BĐ2 để dặm, nên ông mới nhổ mạ ở miếng đất của BĐ đem qua dặm. đến khi lúa chín chưa đều thì phía BĐ2 đã lén gặt lúa. Đối với phần đất của BĐ thì quá trình ông canh tác lúa thì vợ chồng BĐ có nhiều lần có hành vi chiếm đất, ông có đến báo với công an Phường B có lập biên bản. Khi gặt lúa thì vợ chồng BĐ đã lén gặt lúa vào ban đêm. Đất của NĐ để NĐ yêu cầu bồi thường chứ vợ chồng ông không có yêu cầu gì.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 29/5/2019 và ngày 12/5/2020 người làm chứng ông NLC trình bày:

Ông có tên thường gọi là NLC, ông không có bà con hay mâu thuẫn gì với các đương sự, chỉ là hàng xóm. Vụ lúa đông xuân năm 2019 thì ông có xịt thuốc mướn cho NLQ1. Ông Xịt thuốc mướn cho NLQ1 hai mẫu đất khoảng 10 công tầm cấy, mmẫu lớn khoảng 06 công, mẫu nhỏ khoảng 04 công. Ông chỉ xịt thuốc cho NLQ1, còn bón phân thì NLQ1 tự bón. Ông có xịt thuốc cho NLQ1 04 lần. Ông xịt thuốc cho loại lúa ST24 và RVT. Ông có thấy NLQ1 là người canh tác lúa.

Người làm chứng ông NLC7, trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 06/5/2020:

Ông là cháu bà con của NĐ , NLQ1 và BĐ2, ông không có mâu thuẫn gì với hai bên. Ông có làm ruộng giáp ranh đất với NĐ , BĐ2. Thời điểm vụ lúa đông xuân năm 2018-2019 thì ông có thấy NĐ , BĐ2 đều có canh tác, lúc sạ lúa thì ông thấy BĐ2 sạ trước, sau đó NĐ có sạ dặm thêm, còn bón phân, xịt thuốc thì thấy BĐ2 làm, bơm nước thì ông bơm luôn cho BĐ2 vì đất ông nằm trong đất BĐ2 nên BĐ2 cho bơm nước nhờ rồi ông bơm nước dùm BĐ2 luôn. Ngoài sạ lúa thì ông không thấy NĐ có canh tác trên phần đất có xảy ra tranh chấp với BĐ2. Ông yêu cầu xét xử vắng mặt.

Người làm chứng ông NLC1 trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 04/5/2020:

Ông là con ruột của NĐ . Vào thời điểm sau khi thi hành án giao đất cho cha ông thì chú ông là ông NLQ1 mượn làm hai phần đất này. Ông có sạ lúa tiếp NLQ1 phần đất 2,5 công và ông có xịt thuốc tiếp NLQ1 01 lần tổng cộng là 9,2 công là 12 bình thuốc và bón 03 bao phân, ngoài ra các lần khác thì NLQ1 tự làm nên ông không rành. Từ khi sạ lúa đến lúa chín chỉ có NLQ1 trực tiếp chăm sóc, xịt thuốc, bón phân, bơm nước còn phía vợ chồng BĐ , vợ cồng BĐ2 không có chăm sóc lúa. Ông yêu cầu xét xử vắng mặt.

Người làm chứng ông NLC2 trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 29/4/2020:

Ông không có bà con hay mâu thuẫn gì với các đương sự, chỉ là hàng xóm. Ông có đất cập ranh đất của NĐ và BĐ2. Thời điểm vụ lúa đông xuân năm 2018-2019 thì ông có thấy BĐ2 là người trực tiếp canh tác lúa. Ông yêu cầu xét xử vắng mặt ông.

Người làm chứng ông NLC8 trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 11/5/2020 và ngày 09/7/2020:

Ông là trưởng ban nhân dân khóm V từ năm 1996 đến nay. Ông không có mâu thuẫn gì với các đương sự, chỉ là hàng xóm. Thời điểm vụ lúa đông xuân năm 2018- 2019 khi thời điểm đang dặm lúa thì NĐ có báo là hiện nay BĐ đang dặm lúa trên đất của ông yêu cầu ủy ban giải quyết nên ông và NLC9 có đến để động viên BĐ giao đất lại cho NĐ canh tác nhưng BĐ không đồng ý vì cho rằng chưa trả tiền cầm cố có liên quan trong vụ án trước. Theo ông thì vụ lúa đông xuân 2018-2019 thì cả ba người là NĐ , BĐ và BĐ2 đều cùng canh tác nhưng chỗ BĐ và BĐ2 thì trực tiếp chăm sóc nhiều hơn. Thời điểm BĐ gặt lúa, NĐ có báo với ủy ban Phường B thì đại diện ủy ban Phường B là ông Bôi- phó chủ tịch, ông và ông Hiền có đến nhà BĐ để lập biên bản về việc BĐ gặt lúa trên phần đất thi hành án giao cho NĐ , ông là người ghi biên bản, số lúa 24 bao lúa là trên diện tích 05 công tầm cấy là độ khoảng chứ khBĐ2 xác. Khi đến nhà BĐ thì BĐ đã cắt lúa xong và chuyển lúa về nhà BĐ . Ông yêu cầu xét xử vắng mặt ông Người làm chứng ông NLC9 trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 11/5/2020 và ngày 09/7/2020:

Ông là Phó Chủ tịch UBND Phường B, thị xã X từ năm 2012 đến nay. Thời điểm năm 2018-2019 khi vào sạ lúa thì NĐ có đến yêu cầu ủy ban giải quyết buộc BĐ trả lại lúa vì BĐ đang dặm lúa của ông nên ông và NLC8 là Trưởng ban nhân dân khóm V cùng một số người khác đến lập biên bản và động viên BĐ trả lại đất nhưng BĐ không đồng ý vì cho rằng NĐ chưa trả lại tiền cố đất nằm trong vụ án trước. Việc canh tác lúa thì địa phương là NLC8 nắm rõ. Ông yêu cầu được vắng mặt khi xét xử.

Người làm chứng ông NLC3 trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 27/5/2020:

Ông không có bà con hay mâu thuẫn gì với các đương sự, chỉ là hàng xóm. Ông có xịt thuốc mướn cho BĐ 02 lần, mẫu thứ nhất có diện tích khoảng 4,5 công giáp đất ông NLQ1, ông 9 Phì, đất ông và phần đất khác của BĐ , mẫu thứ 2 có diện tích khoảng 05 công giáp đất ông 9 phì, đất ông, NLQ4 và giáp với mẫu thứ nhất. Ông chỉ có xịt thuốc cho BĐ , ông không biết đất của ai nhưng ông thấy BĐ canh tác đất khoảng 15 năm nay, từ khi biết tranh chấp cho đến nay ông không xịt thuốc cho BĐ nữa. Ông yêu cầu được vắng mặt khi xét xử.

Người làm chứng ông NLQ4 trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 10/6/2020:

Ông không có bà con hay mâu thuẫn gì với các đương sự, chỉ là hàng xóm. Thời điểm vụ lúa đông xuân 2019 thì ông có hỏi xin BĐ bốn sườn mạ. Thời điểm ông xin mạ của BĐ thì ông thấy BĐ canh tác lúa, nguồn gốc đất của ông UE nghe nói cố đất lại cho BĐ . Ông yêu cầu được vắng mặt khi xét xử.

Người làm chứng ông NLQ5 trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 27/5/2020:

Ông là em rể của BĐ . Ông cũng không có mâu thuẫn gì với NĐ . Ông có sạ lúa cho BĐ hai mẫu đất, ông cũng không biết là bao nhiêu công nhưng mẫu đất giáp với ông NLQ1, ông Thoảng, BĐ2 và giáp với mẫu đất khác còn lại của BĐ . Khi sạ lúa thì có ông, BĐ và ông Lực cùng sạ. Ông không rành đất của ai. Ông Xin được vắng mặt khi xử.

Người làm chứng ông NLQ6 trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 28/5/2020:

BĐ là anh rể của ông, NĐ thì chỗ hàng xóm không có mâu thuẫn gì. Vụ lúa đông xuân 2019 thì ông có sạ lúa tiếp cho BĐ hai mẫu đất gồm mẫu lớn 4,5 công giáp với đất BĐ2 phì, ông NLQ1, ông UE và mẫu đất còn lại khoảng hơn ba công giáp đất ông Thoảng, BĐ . Tổng hia mẫu đất hơn 07 công tầm cấy. Hai phần đất ông sạ tiếp BĐ theo ông biết là của BĐ mua lại của ông NVH và cố lại của ông UE, ông yêu cầu xét xử vắng mặt ông.

* Sự việc được Tòa án nhân dân thị xã X, tỉnh Sóc Trăng, thụ lý giải quyết. Tại bản án sơ thẩm số: 37/2020/DS-ST ngày 04 tháng 11 năm 2020, đã quyết định: Căn cứ khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 244; điểm b khoản 1 Điều 227, khoản 3 Điều 228, khoản 2 Điều 229, Điều 266; Điều 271; Điều 273; Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng các Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

* Tuyên xử:

[1] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông NĐ về việc yêu cầu ông BĐ, bà BĐ1 bồi thường thiệt hại về tài sản.

Buộc ông BĐ, bà BĐ1 bồi thường thiệt hại cho ông NĐ số tiền 819.000 đồng (Tám trăm mười chín nghìn đồng).

[2] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông NĐ về việc yêu cầu ông BĐ2, bà BĐ3 bồi thường thiệt hại về tài sản. Cụ thể yêu cầu bồi thường tiền thiệt hại mà BĐ2, BĐ3, đã cắt lúa ông đối với vụ lúa đông xuân năm 2018-2019.

* Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và thông báo quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

* Ngày 13/11/2020 nguyên đơn ông NĐ có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc vợ chồng ông BĐ2 và BĐ3 bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn 1.000.000 đồng, buộc vợ chồng ông BĐ và bà BĐ1 bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn 29.000.000 đồng.

* Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn giữ nguyên nội dung khởi kiện và giữ nguyên nội dung kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

* Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo, về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm. Đồng thời, phát biểu quan điểm về nội dung kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn NĐ và áp dụng Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Người có quyền kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo của nguyên đơn NĐ là đúng theo quy định tại Điều 271, Điều 272 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, nên kháng cáo là hợp lệ và đúng luật định.

[2] Xết kháng cáo của nguyên đơn NĐ, Hội đồng xét xử xét thấy: Bản án dân sự phúc thẩm số 208/2015/DS-PT ngày 17/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng có hiệu lực pháp luật. Ngày 17/11/2015 các ông (bà) NĐ, bà VTT, ông NVA, , NTD, bà LTMC, ông NVH, ông NVT, bà NTC, và ông NLQ1 đã có đơn yêu cầu thi hành án theo bản án nêu trên. Quá trình thi hành án đến ngày 13/12/2018 Chi cục Thi hành án dân sự thị xã X cưỡng chế các phần đất vợ chồng ông BĐ2 đang quản lý sử dụng (diện tích 501m2) và cưỡng chế phần đất của vợ chồng ông BĐ đang quản lý sử dụng trồng lúa, gồm hai phần đất: Một phần đất có diện tích 2.508,1m2 và một phần đất có diện tích 5.740m2) giao cho những người được thi hành án gồm NĐ , bà VTT, ông NVA, , NTD, bà LTMC, ông NVH, ông NVT, bà NTC, và ông NLQ1. Ông NĐ là người được ủy quyền đứng ra đại diện nhận đất thi hành án. Việc NĐ khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, cụ thể là yêu cầu phía bị đơn bồi thường giá trị lúa đã gặt của ông trên diện tích ông được Chi cục Thi hành án dân sự thị xã X giao đất ngày 13/12/2018 là riêng cá nhân ông yêu cầu.

[2.1] Xét yêu cầu của NĐ khởi kiện vợ chồng ông BĐ2, bà BĐ3 : NĐ yêu cầu vợ chồng BĐ2 trả lại tiền gặt lúa của ông trên diện tích 500m2 là 1.000.000 đồng, nhận thấy: Tại phiên tòa, các đương sự đều thống nhất sau khi thi hành án cưỡng chế lấy phần diện tích đất vợ chồng BĐ2 đang canh tác hơn 500m2 giao cho NĐ đại diện cho các đồng thừa kế nhận đất thì BĐ2 vẫn tiếp tục sạ lúa trên diện tích này, NĐ cho rằng sau khi thi hành án giao đất cho ông đại diện nhận thì phần đất này ông giao lại cho vợ chồng NLQ1, NLQ2 canh tác lúa từ sau khi sạ lúa đến khi lúa gần chín thì vợ chồng BĐ2 nhảy vô cắt lúa của ông. Vợ chồng NLQ1, NLQ2 cho rằng đã canh tác lúa, vào giai đoạn dặm lúa thì con rể và con gái BĐ2 nhổ hết 70% mạ trong diện tích này, gia đình NLQ1 phải nhổ mạ nơi khác để cấy vào phần đất trống. Việc con gái và con rể BĐ2 nhổ 70% số mạ thì chỉ có một mình NLQ1 nhìn thấy, ngoài ra không ai nhìn thấy, cũng không có chứng cứ gì để chứng minh các con của BĐ2 nhổ hết 70% số mạ và gia đình NLQ1 đã nhổ mạ từ nơi khác dặm vào phần đất trống; đồng thời quá trình vợ chồng NLQ1, NLQ2 trực tiếp chăm, bón phân từ sau khi BĐ2 sạ lúa đến giai đoạn lúa chín cũng không có gì để chứng minh. Ngược lại, theo lời khai của những người làm chứng ông NLC8 xác định BĐ2 canh tác nhiều hơn, lời khai của ông NLC7, ông NLC2 cũng như xác định BĐ2 là người trực tiếp canh tác lúa trên phần đất này. Còn phía bên NĐ , NLQ1, NLQ2 không có gì để chứng minh họ có canh tác lúa. Căn cứ vào khoản 1 Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.” Tức là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường khi tài sản của mình mà bị người khác xâm hại. Tuy nhiên, nguyên đơn NĐ không có chứng cứ nào chứng minh phần lúa trên diện tích khoảng 500m2 mà BĐ2 đã sạ vào ngày 13/12/2018 là của nguyên đơn để buộc vợ chồng BĐ2 có trách nhiệm bồi thường. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ.

[2.2] Xét yêu cầu của NĐ khởi kiện vợ chồng ông BĐ, bà BĐ1: NĐ yêu cầu vợ chồng BĐ trả lại tiền gặt lúa của ông trên diện tích 8.700m2 là 29.000.000 đồng. Bị đơn BĐ , BĐ1 không đồng ý bồi thường tiền lúa cho NĐ vì cho rằng phần lúa này do vợ chồng ông gieo sạ, canh tác đến khi lúa chín; vợ chồng ông chỉ đồng ý bồi thường số tiền mà NĐ đã bỏ ra xịt thuốc một lần vô lúa của vợ chồng ông canh tác, nhận thấy: thứ nhất: Theo lời trình bày của NĐ thì gia đình ông chỉ có sạ lúa trên phần diện tích đất là 2.500m2, còn vợ chồng BĐ thì sạ lúa trên diện tích đất là 6.200m2; còn theo lời trình bày của NLQ1 (người trực tiếp canh tác lúa) thì BĐ có sạ lúa trên diện tích 6.200m2 nhưng ông cũng có sạ chồng lên diện tích này, còn diện tích 2.500m2 thì do ông sạ lúa ngay sau khi Thi hành án giao đất; còn vợ chồng BĐ thì cho rằng vợ chồng ông sạ lúa ngay sau khi Thi hành án giao đất kéo về, còn phần đất diện tích 3,5 công tầm cấy là sạ lúa vào lúc chiều ngày thi hành án, khi sạ lúa thì có ông Trong và ông Lực cùng sạ lúa. Thứ hai, sau khi sạ lúa đến giai đoạn dặm lúa thì NĐ (NLQ1) có đến báo với chính quyền địa phương cụ thể là NLC9 – phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Phường B về việc vợ chồng BĐ là người đứng ra dặm lúa của ông, vợ chồng BĐ thì cũng cho rằng khi vợ chồng ông đang dặm lúa gần xong thì có địa phương đến động viên vợ chồng ông trả đất và nhìn thấy vợ chồng ông dặm lúa. Sự việc này được NLC9 - phó chủ tịch UBND Phường B và NLC8 – Trưởng ban nhân dân khóm V xác nhận, NLC9 và NLC8 cùng với một số người khác đến chỗ vợ chồng BĐ đang dặm lúa động viên BĐ giao đất lại cho NĐ nhưng BĐ không đồng ý. Chứng tỏ vợ chồng BĐ vẫn canh tác liên tục từ khi sạ lúa đến khi dặm lúa. Việc NLQ1 cho rằng vợ chồng ông cùng với những người cháu của ông ra dặm lúa trên những phần đất này nhưng lại không có gì để chứng minh cho lời trình bày của mình là có căn cứ. Tại phiên tòa thì phía NLQ1 cũng trình bày là quá trình canh tác lúa vợ chồng BĐ liên tục vào chiếm canh tác, ông rất nhiều lần đến báo với công an Phường B lập biên bản, ông ký không biết bao nhiêu biên bản và ông cũng không nhớ là BĐ là chiếm đất cụ thể là làm gì. Đồng thời, qua lời khai của những người làm chứng NLC8 xác định BĐ canh tác lúa nhiều hơn bên NĐ , còn ông Để, ông Thoảng, ông Trong, ông Lực đều xác định việc canh tác lúa vụ lúa đông xuân năm 2019 là do vợ chồng BĐ canh tác như bón phân, xịt thuốc, xin mạ để dặm lúa. Từ những phân tích nêu trên xác định vợ chồng BĐ chính là người canh tác lúa. NĐ cho rằng vợ chồng BĐ cắt lúa của ông nên mới yêu cầu vợ chồng BĐ bồi thường tiền thiệt hại về lúa nhưng NĐ lại không có chứng cứ chứng minh vụ lúa đông xuân năm 2019 là do vợ chồng NLQ1, NLQ2 trực tiếp canh tác lúa, cũng như chứng minh phần lúa bị vợ chồng BĐ cắt là lúa của ông nên căn cứ vào khoản 1 Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015 khoản 1 Điều 91 và khoản 1 Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015 nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình còn các bị đơn không thừa nhận. Do đó, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ.

Tuy nhiên, tại phiên tòa vợ chồng BĐ thừa nhận NLQ1 có xịt thuốc vào lúa vợ chồng ông canh tác một lần nên vợ chồng ông đồng ý bồi thường tiền thuốc xịt một lần cho NĐ . Tiền thuốc mỗi bình xịt quân bình là 40.000 đồng đến 50.000 đồng, mỗi công tầm cấy xịt bình quân 02 bình thuốc. Tại phiên tòa thì NLQ1 cũng thống nhất với tiền thuốc, số lượng xịt thuốc mỗi công hai bình như BĐ trình bày. Việc thừa nhận này của vợ chồng BĐ phù hợp với lời khai của người làm chứng ông NLC là có xịt thuốc mướn cho NLQ1 nên buộc vợ chồng BĐ phải bồi thường tiền thuốc xịt một lần cho NĐ . Diện tích NĐ yêu cầu vợ chồng BĐ có trách nhiệm bồi thường theo diện tích đã thi hành án ngày 13/12/2018 tổng cộng 8.240m2 (tương đương 6,5 công tầm cấy). Như vậy, tiền bồi thường một lần xịt thuốc cụ thể được xác định như sau: tiền một bình thuốc 50.000 đồng x 6,5 công (diện tích đất) x 02 bình = 650.000 đồng. Cộng với tiền công xịt thuốc mỗi bình là 13.000 đồng x 13 bình = 169.000 đồng. Tổng số tiền vợ chồng BĐ phải bồi thường cho NĐ là 650.000 đồng + 169.000 đồng = 819.000 đồng.

[3] Từ những căn cứ nêu trên, xét thấy toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn NĐ là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, tại mục [2] trong phần quyết định của bản án tuyên: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông NĐ về việc yêu cầu ông BĐ2, bà BĐ3 bồi thường thiệt hại về tài sản. Cụ thể yêu cầu bồi thường tiền thiệt hại mà BĐ2, BĐ3, đã cắt lúa ông đối với vụ lúa đông xuân năm 2018-2019” là tuyên chưa rõ ràng, theo hồ sơ thể hiện nguyên đơn NĐ yêu cầu vợ chồng BĐ2, bà BĐ3 bồi thường thiệt hại về tài sản là 1.000.000 đồng, nên cấp phúc thẩm tuyên lại cho phù hợp. Ngoài ra, theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn NĐ yêu cầu các bị đơn BĐ và BĐ1 bồi thường thiệt hại tổng cộng là 29.000.000 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc các bị đơn bồi thường cho nguyên đơn 819.000 đồng, nhưng không tuyên phần yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận 28.181.000 đồng là chưa đầy đủ, nên cấp phúc thẩm bổ sung cho đầy đủ.

[4] Đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ phù hợp với qui định pháp luật, nên Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận.

[5] Án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, nhưng NĐ là người cao tuổi có đơn yêu cầu được miễn án phí, nên căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội NĐ được miễn án phí phúc thẩm.

[6] Các phần khác được nêu trong phần quyết định của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 308, Khoản 1 Điều 148, Khoản 6 Điều 313 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 31 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn NĐ.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 37/2020/DS-ST ngày 04-11-2020 của Tòa án nhân dân thị xã X, tỉnh Sóc Trăng như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39;

khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 244; điểm b khoản 1 Điều 227, khoản 3 Điều 228, khoản 2 Điều 229, Điều 266; Điều 271; Điều 273; Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

* Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông NĐ về việc yêu cầu ông BĐ, bà BĐ1 bồi thường thiệt hại về tài sản.

Buộc ông BĐ, bà BĐ1 bồi thường thiệt hại cho ông NĐ số tiền 819.000 đồng (Tám trăm mười chín nghìn đồng). Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo qui định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông NĐ về việc yêu cầu ông BĐ, bà BĐ1 bồi thường thiệt hại về tài sản 28.181.000 đồng.

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông NĐ về việc yêu cầu ông BĐ2, bà BĐ3 bồi thường thiệt hại về tài sản 1.000.000 đồng 4. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông BĐ, bà BĐ1 phải chịu án phí là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng).

Ông NĐ và ông BĐ2, bà BĐ3 không phải chịu án phí.

5. Về án phí phúc thẩm: Nguyên đơn NĐ được miễn, không phải nộp.

6. Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

611
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2021/DS-PT ngày 02/02/2021 về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:14/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:02/02/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về