Bản án 14/2020/KDTM-PT ngày 29/09/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 14/2020/KDTM-PT NGÀY 29/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá xét xử phúc thẩm công khai vụ án KDTM phúc thẩm thụ lý số 10/2020/KDTM-PT ngày 19/8/2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”. Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 13/07/2020 của Toà án nhân dân Thành phố Thanh Hóa bị kháng cáo và kháng nghị. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 13/2020/QĐ-PT ngày 28/8/2020, giữa các đương sự:

I. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đ. V., sinh năm 1961. Có mặt. Địa chỉ: Thôn Th., xã Q.Nh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

II. Bị đơn: Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ.

Địa chỉ: Số 19 P.K.K, phường Đ.K, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

- Người đại diện theo ủy quyền: Bà Đỗ Thị Song Kiêm, sinh 1974. Có mặt. Địa chỉ: Số 19 P.K.K, phường Đ.K, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

III. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Ngô Thị C., sinh 1963. Có mặt.

2. Ông Phạm Văn Đ., sinh 1963. Có mặt.

Cùng địa chỉ: Thôn Đ, xã Q.Nh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

3. Ông Trần Văn Đ1. – sinh 1977. Vắng mặt.

Địa chỉ: Thôn Hải, xã Q.Nh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

4. Công ty Bảo hiểm V.Đ. – Chi nhánh Thanh Hóa.

Địa chỉ: Số 37, Nơ…, phường Đ.T, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

- Người đại diện theo ủy quyền : Bà Đỗ Thị S.K. Có mặt. Địa chỉ: Số 19 P.K.K, phường Đ.K, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

5. Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam - Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Đ.T. Tổng Giám đốc - Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng C. H. Phó trưởng phòng quản lý rủi ro – BIDV Thanh Hóa. Có đơn xin xử vắng mặt. Vắng mặt.

Địa chỉ: 26 Đại lộ Lê Lợi, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa;

* Người kháng cáo: Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. (VASS) * Kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Thanh hóa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

I. Theo nguyên đơn trình bày:

Năm 2015, ông Nguyễn Đ. V. cùng với anh Phạm Văn Đ. và bà Ngô Thị C. đã chung vốn đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ công suất máy 520CV. Tàu mang BKS: TH-91451-TS, việc chung nhau góp vốn đóng tàu chỉ thỏa thuận miệng với nhau chứ không có văn bản vì là chị em với nhau. Ông V. được ông Đ. và bà C. giao đứng tên chủ tàu.

Ngày 02/12/2015 để thực hiện việc vay vốn và làm bảo hiểm cho tàu cá TH- 91451-TS, ông V. được ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Thanh Hoá mời lên giới thiệu với cán bộ thuộc Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ.- Chi nhánh Thanh Hóa, sau đó ông V. được hướng dẫn ký vào “biên bản xác nhận thụ hưởng bồi thường bảo hiểm” và được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 15/11/AD/GD/P1/0010 có hiệu lực từ ngày 02/12/2015 đến ngày 02/12/2016 với giá trị bảo hiểm là 2.600.000.000đ, trong khi giá tàu thực tế thẩm định là 3.700.000.000đ.

Ngày 04/12/2015 ông V. đã thế chấp tàu cá TH-91451-TS cho ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa cho ông Phạm Văn Đ. và bà Ngô Thị C. vay tiền theo HĐTC tài sản số 01/2015/1774052/HĐBĐ. Mục đích vay bổ sung vốn lưu động thu mua hải sản.

Ngày 03/12/2015 ông Nguyễn Đ. V. được phía Công ty bảo hiểm hướng dẫn ký vào “Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm tàu cá” số 15/11/AD/GD/P1/0010. Tất cả các việc thực hiện mua bảo hiểm đều do cán bộ của VASS làm sẵn và ông V. hoàn toàn không nhận được bất cứ hướng dẫn hay tài liệu nào liên quan đến công việc bảo hiểm thân tàu cá của ông.

Ngày 09/12/2015 ông V. đã thanh toán phí bảo hiểm với số tiền 13.708.000đ (bao gồm cả thuế VAT).

Vào khoảng tháng 3/2016 ông V. có thuê anh Trần Văn Đ1. là thợ lái thuyền trưởng lái con tàu TH-91451-TS để đi thu mua hải sản. Anh Đ1. chỉ có chứng chỉ máy trưởng hạng 5 và chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng 5.

Ngày 23/10/2016 tàu TH-91451-TS xuất bến Q.Nh đi mua hải sản trên vùng biển xa dài ngày. Đến ngày 05/11/2016 vào khoảng 03h30 phút khi tàu đang hành trình từ khu vực đảo Bạch Long Vĩ trở về nhà thì tàu bị tàu lạ đâm vào rồi bỏ chạy. Do trời tối tàu bị chìm nhanh và bất ngờ nên thuyền viên trên tàu sau khi tự cứu mình đã không kịp quan sát xem tàu lạ đâm phải là tàu nào. Thiệt hại vô cùng lớn, ngoài giá trị tàu 3,7 tỉ đồng còn thiệt hại gần 01 tỉ đồng tiền thu mua hải sản và các loại tài sản khác trên tàu.

Sau khi tàu bị chìm đắm, ông Nguyễn Đ. V. đã hướng dẫn thuyền trưởng vào trạm biên phòng gần nhất là đồn biên phòng Bạch Long Vĩ để báo cáo thực tế nhằm truy tìm tàu lạ đâm chìm tàu TH-91451-TS và đã thông báo cho phía VASS đến giám định, ông V. đã làm các thủ tục hành chính xác nhận tàu TH- 91451-TS bị đâm.

Sau khi sự việc sảy ra ông V. đã gửi đầy đủ các thủ tục để yêu cầu VASS bồi thường số tiền bảo hiểm. Nhưng ngày 20/12/2016 VASS đã có văn bản từ chối bồi thường với lý do tổn thất về thân tàu TH-91451-TS thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm (Thuyền trưởng, máy trưởng không có bằng theo quy định) được quy định trong quy tắc bảo hiểm.

Ông V. không đồng ý với việc VASS từ chối bồi thường vì ông cho rằng:

Thứ nhất: Trong HĐ nguyên tắc bảo hiểm tàu cá số 15/11/AD/GD/P1/0010 cũng như giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số15/11/AD/GD/P1/0010 cũng không nhắc tới những điều khoản loại trừ bảo hiểm được quy định trong quy tắc bảo hiểm và ông cũng không nhận hoặc được giải thích về bất cứ quy tắc loại trừ bảo hiểm nào. Do đó không thể áp dụng quy tắc loại trừ bảo hiểm đối với tàu cá TH- 91451-TS và ông V. cũng không đồng ý khấu trừ 5% số tiền bồi thường/vụ tổn thất, nhưng không dưới 10.000.000đ ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số15/11/AD/GD/P1/0010.

Ngày 24/5/2019 ông V. gửi đơn khởi kiện đến Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết buộc VASS phải bồi thường số tiền bảo hiểm là 2,6 tỉ đồng + 10% tương ứng giá trị tàu là 260.000.000đ + tiền lãi do chậm trễ thực hiện việc bồi thường tạm tính đến 06/10/2017 là 286.000.000đ. Tổng số tiền ông V. yêu cầu bồi thường là : 3.146.000.000đ và đề nghị Tòa án tính lãi tiếp theo cho đến ngày giải quyết xong vụ án.

Quá trình giải quyết vụ án ngày 18/6/2010 ông Nguyễn Đ. V. đã có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện gồm: Rút yêu cầu về khoản tiền 10% tương ứng giá trị tàu là 260.000.000đ + tiền lãi do chậm trễ thực hiện việc bồi thường tạm tính đến 06/10/2017 là 286.000.000đ và không đề nghị Tòa án tính lãi tiếp theo cho đến ngày giải quyết xong vụ án. Nay ông chỉ yêu cầu Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. bồi thường tổng số tiền bảo hiểm là 2,6 tỉ đồng.

II. Theo bị đơn trình bày:

Tàu cá TH-91451-TS chủ tàu là ông Nguyễn Đ. V. tham gia bảo hiểm thân tàu cá tại VASS - chi nhánh Thanh Hóa theo giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 15/11/AD/GD/P1/0010 có hiệu lực từ ngày 02/12/2015 đến 02/12/2016 điều kiện bảo hiểm thân tàu là điều kiện B theo quy tắc bảo hiểm thân tàu cá, quy tắc bảo hiểm tai nạn thuyền viên tàu cá.

Ngày 26/11/2016 ông Nguyễn Đ. V. có thông báo tổn thất và yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh do tai nạn ngày 05/11/2016 của tàu cá TH-91451-TS theo tờ khai tai nạn tàu của chủ tàu thì tại thời điểm xảy ra tổn thất, thuyền trưởng kiêm máy trưởng của tàu TH 91451 - TS là anh Trần Văn Đ1..

Tàu cá TH-91451-TS được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá số 035/15 ngày 27/01/2015, công suất máy chính là 520 CV (sức ngựa). Anh Trần Văn Đ1. được cấp giấy chứng chỉ thuyền trưởng hạng 5 mà theo quy định tại khoản 3 Điều 4 quy chế bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá ban hành kèm theo Quyết định số 77/2008/QĐ- BNN ngày 30/6/2008 của Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn thì khi tham gia các hoạt động thủy sản trên tàu cá, thuyền trưởng máy trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tương ứng với loại tàu cá và công suất máy. Tàu cá của ông V. có công suất máy 520CV thì chứng chỉ thuyền trưởng theo quy định là hạng 4, nhưng thời điểm sảy ra tổn thất thuyền trưởng kiêm máy trưởng của tàu cá TH-91451-TS là anh Trần Văn Đ1. chỉ có chứng chỉ hạng 5 là không đáp ứng được quy định của pháp luật.

Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 15/11/AD/GD/P1/0010 ngày 02/12/2015 của tàu TH-91451-TS: Điều kiện bảo hiểm thân tàu: Điều kiện B. Theo quy định tại Điểm 5.1.4 khoản 5.1 Điều 5 về những trường hợp loại trừ bảo hiểm thân tàu cá ban hành kèm theo quyết định số 145/2015/QĐ-VASS/TGĐ ngày 08/6/2015 thì “Bảo hiểm V.Đ. không chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất xảy ra bởi mọi nguyên nhân kể cả những hiểm họa được bảo hiểm. Đồng thời tại biên bản giám định hiện trường, biên bản thu thập thông tin do công ty TNHH giám định và dịch vụ Hải Đăng thực hiện ngày 09/11/2016 trực tiếp đối với thuyền trưởng là anh Đ1. thì anh Đ1. có xác nhận tại thời điểm sảy ra sự cố của tàu TH-91451-TS thì anh Đ1. đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng là do chủ tàu không bố trí máy trưởng trên tàu. Theo khai báo của thuyền trưởng thì vào lúc 03h15 phút ngày 05/11/2016 thuyền trưởng đang lái tàu còn 06 thuyền viên của tàu đang ngủ thì bơm nước la canh hỏng, thuyền trưởng không thấy nước la canh sảy ra nên đã dừng máy tàu để đi sữa chữa bơm nước thì có đâm va vào tàu khác.

Từ những căn cứ nêu trên ngày 20/12/2016 VASS đã có văn bản số 245/2016/TB-VASS/BT gửi tới ông V. về việc từ chối bồi thường đối với tổn thất xảy ra ngày 05/11/2016 của tàu TH-91451-TS do tổn thất thuộc điểm loại trừ bảo hiểm 5.1.4 tại Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá của Bảo hiểm V.Đ.. Sau đó ông V. có khiếu nại đối với kết quả giải quyết bồi thường và VASS đã có văn bản phúc đáp và giải thích các quy định của pháp luật có liên quan. Nay ông V. khởi kiện yêu cầu VASS phải bồi thường thì VASS có ý kiến như sau:

Thứ nhất: Ông V. cho rằng khi ký HĐ nguyên tắc bảo hiểm tàu cá số 15/11/AD/TGĐ/P1/0010 và giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 15/11/AD/GD/P1/0010 đều không nhắc tới quy tắc bảo hiểm tàu cá nào là không chính xác và nhằm đùn đẩy trách nhiệm cho Bảo hiểm V.Đ. vì:

Trong giấy chứng nhận bảo hiểm đã nêu rõ: Điều kiện bảo hiểm là điều kiện B và quy tắc bảo hiểm là quy tắc bảo hiểm thân tàu cá. Theo đó quy tắc bảo hiểm thân tàu cá của Cty bảo hiểm V.Đ. xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và khi ông V. đã tìm hiểu cũng như được bảo hiểm V.Đ. giải thích đầy đủ là cơ sở để ông V. tự nguyện tham gia bảo hiểm tàu TH-91451-TS theo giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 15/11/AD/GD/P1/0010.

Thứ 2: Việc ông V. cho rằng tàu bị đâm chìm không liên quan đến vấn đề của Bằng cấp hay chứng chỉ thuyền trưởng nào cả và ông không được biết về quy định của bằng cấp thuyền máy trưởng trên tàu, nhưng ông V. luôn khẳng định chấp hành đúng các quy định của pháp luật, như vậy chứng tỏ ông V. trình bày không hợp lý.

Do đó yêu cầu khởi kiện của ông V. là không có căn cứ pháp lý nên Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. từ chối bồi thường đối với thiệt hại ngày 05/11/2016 của tàu cá TH-91451-TS là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật có liên quan. Đề nghị Tòa án tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

III. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày:

1. Ông Phạm văn Đ. và bà Ngô Thị C. trình bày: Giữa ông Đ. và bà C. với ông V. có quan hệ anh em, ông Đ., bà C. có chung tiền đóng con tàu TH-91451- TS, việc chung tiền mua tàu chỉ nói miệng với nhau chứ không có văn bản và giao cho ông V. đứng chủ tàu. Ngày 04/12/2015 các bên đã ký Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3 số 01/2015/1774052/HĐBĐ. Việc mua bảo hiểm giữa ông V. với Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. và quá trình về việc con tàu bị đâm chìm như phần trình bày của ông V. là đúng.

Sau khi tàu TH-91451-TS gặp nạn bị đâm va chìm xuống biển, được ti vi đưa tin thì có rất nhiều các tổ chức, cá nhân đem tiền quà đến thăm hỏi động viên chia sẻ với gia đình những mất mát. Riêng công ty cổ phần Bảo Hiểm V.Đ. rất vô trách nhiệm, mặc dù biết tàu TH-91451-TS gặp nạn nhưng không một lời động viên, hỏi thăm đối với gia đình.

Nay chúng tôi đã giải quyết việc vay nợ với ngân hàng BIDV, nên ngân hàng đã trả lại tài sản thế chấp và chuyển quyền thụ hưởng bồi thường vật chất tàu cá TH-91451-TS cho ông V..

Nay ông V. khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc VASS phải bồi thường số tiền bảo hiểm là 2,6 tỉ đồng thì chúng tôi đã có văn bản chuyển quyền thụ hưởng cho ông V., do đó chúng tôi đề nghị Tòa án buộc Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. bồi thường cho ông V. tổng số tiền theo yêu cầu của ông V..

2. Anh Trần Văn Đ1. trình bày: Anh được nhà nước cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng hạng 5 năm 2013 kể từ đó anh đã lái nhiều tàu có công suất lớn. Đến năm 2015 ông V. có thuê anh lái tàu TH-91451-TS có công suất 520CV, hai bên chỉ hợp đồng miệng không có văn bản, sau khi hợp đồng xong anh và 06 thuyền viên làm thủ tục xuất bến và đã trình giấy tờ qua các đồn biên phòng và họ đồng ý cho xuất bến ra Bạch Long Vĩ thu mua hải sản. Đến ngày 05/11/2016 trên đường về thì bị 01 con tàu lạ đâm làm chìm tàu TH-9145-TS vào lúc 03h 30 phút. Sau khi bị đâm anh Đ1. đã phát tín hiệu kêu cứu và được 01 tàu đến cứu vớt chúng tôi và anh cũng đã báo cáo các đồn biên phòng xác minh làm rõ sự việc. Do trời tối nên không nhìn thấy tàu nào đâm.

3. Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam trình bày: Ngày 04//12/2015 các bên đã ký hợp đồng thế chấp số 01/2015/1774052/HĐBĐ bằng tài sản của bên thứ 3 để bảo đảm cho khoản vay của ông Đ. và bà C. tại ngân hàng. Các bên gồm Công ty bảo hiểm V.Đ. chi nhánh Thanh Hóa, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển chi nhánh Thanh Hóa và ông V. đã ký biên bản xác nhận quyền hưởng thụ bồi thường bảo hiểm tàu TH-91451-TS.

Ngày 06/11/2016 Tàu TH-91451-TS trên đường ra khơi về gặp nạn, do việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm giữa ông V. với công ty bảo hiểm kéo dài, nên để đảm bảo quyền lợi của mình, ngân hàng đã đề nghị bên vay là ông Đ. bà C. bổ sung thay thế bằng tài sản khác và đến ngày 06/7/2017 ngân hàng có công văn 340/CV về việc chuyển quyền bảo hiểm. Nội dung Công văn nêu rõ kể từ ngày 07/7/1017 quyền hưởng thụ bồi thường vật chất tàu cá vỏ gỗ mang số hiệu TH- 91451-TS thuộc về chủ tàu ông Nguyễn Đ. V.. Ngày 22/01/2018 Ngân hàng đã hoàn thiện thủ tục xuất kho giao trả tài sản thế chấp là giấy chứng nhận đăng ký tàu cá TH-91451-TS cho ông V. và ngân hàng chấm dứt các quyền và nghĩa vụ liên quan đến con tàu TH-91451-TS. Nay ông V. khởi kiện yêu cầu công ty bảo hiểm V.Đ. bồi thường thì ngân hàng đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, ngân hàng không có yêu cầu gì.

* Tại bản án KDTM sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 13/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa đã quyết định:

Áp dụng: Điểm n Khoản 1 Điều 30; Khoản 1 Điều 35; Khoản 1 Điều 40; Khoản 4 Điều 68; Điều 227 và Điều 228; Khoản 2 Điều 244; 271; 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 1 Điều 13; Điều 14; Điều 15; khoản 2 Điều 16; Điều 21; Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm; Điều 74; 84 Bộ luật dân sự; Khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bồi thường.

Buộc Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. ( VASS) phải bồi thường cho ông Nguyễn Đ. V. số tiền 1.729.000.000 đ (một tỉ bảy trăm hai mươi chín triệu đồng).

Đình chỉ xét xử đối với với những yêu cầu mà nguyên đơn đã rút gồm: khoản tiền 10% tương ứng giá trị tàu là 260.000.000đ + tiền lãi do chậm trễ thực hiện việc bồi thường tạm tính đến 06/10/2017 là 286.000.000đ và không đề nghị Tòa án tính lãi tiếp theo cho đến ngày giải quyết xong vụ án.

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Nguyễn Đ. V. có đơn yêu cầu thi hành án. Nếu Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. (VASS) không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ khoản tiền phải thi hành thì hàng tháng Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. (VASS) còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Công ty cổ phần Bảo hiểm V.Đ. - Chi nhánh Thanh Hóa và Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Án sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

* Sau khi xét xử:

- Công ty Cổ phần Bảo hiểm V.Đ. (bị đơn) kháng cáo với nội dung; Đề nghị sửa Bản án sơ thẩm và tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

- Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thanh Hóa có Quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 27/7/2020, với những nội dung:

1. Vi phạm tố tụng; Phần Quyết định của Bản án tuyên Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển không phải là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” nhưng lại tuyên có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày là không đúng khoản 22 Điều 70 BLTTDS.

2. Buộc Cty CP bảo hiểm V.Đ. bồi thường “1.729.000đ”, tương ứng với 70% mức trách nhiệm bồi thường “2.600.000đ”, bản án nhận định ông V. cũng có một phần lỗi = 30% là không hợp lý theo khoản 1 Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Tòa án áp dụng điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm để giải thích HĐ theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm là không đúng theo quy định tại Điều 21.

3. Về án phí: Từ những vi phạm nêu trên dẫn đến ông V. phải chịu 100% án phí theo khoản 3 NQ 326 của Quốc Hội.

Đề nghị xem xét phúc thẩm theo hướng sửa bản án như đã nêu trên.

* Tại phiên toà phúc thẩm: Nguyên đơn vẫn giữ nguyên đơn khởi kiện; Bị đơn vẫn giữ nguyên kháng cáo; Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên kháng nghị. Các bên không có thỏa Th. được nội dung nào đang tranh chấp và đề nghị xét xử theo quy định của pháp luật.

1. Quan điểm trình bày và tranh luận của Nguyên đơn;

Ngày 23/10/2016 tàu TH-91451-TS xuất bến đi mua hải sản trên vùng biển, khoảng 03 giờ 30 phút ngày 05/11/2016 khi tàu đang hành trình từ khu vực Đ1. Bạch Long Vĩ trở về nhà thì tàu bị tàu lạ đâm vào rồi bỏ chạy. Do trời tối, tàu bị chìm nhanh và bất ngờ nên thuyền viên trên tàu lo cứu người nên không kịp quan sát là tàu nào đâm vào. Thiệt hại giá trị tàu 3,7 tỉ đồng, gần 01 tỉ đồng tiền thu mua hải sản và các loại tài sản khác trên tàu.

Sau khi tàu bị chìm đắm, thuyền trưởng vào đồn biên phòng Bạch Long Vĩ để báo cáo thực tế nhằm truy tìm tàu lạ đâm chìm và đã thông báo cho phía Cty Bảo hiểm đến giám định thiệt hại, chủ tàu đã làm các thủ tục hành chính xác nhận tàu TH- 91451-TS bị đâm theo quy định.

Trong HĐ bảo hiểm tàu cá và giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 15/11/AD/GĐ/P1/0010 không nhắc tới những điều khoản loại trừ bảo hiểm và cũng không được phía Cty Bảo hiểm giải thích về bất cứ quy tắc loại trừ bảo hiểm nào nên không thể áp dụng quy tắc loại trừ bảo hiểm đối với tàu cá của gia đình. Trước khi xuất bến, chủ tàu đã được các cơ quan chức năng như Bộ đội biên phòng và cảng vụ xác nhận đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì tàu cá mới được rời bến nên không biết được những thủ tục của cơ quan chức năng.

Sau khi sự việc sảy ra, chủ tàu đã gửi đầy đủ các thủ tục pháp lý để yêu cầu bồi thường số tiền bảo hiểm theo HĐ đã ký nhưng bị từ chối. Đề nghị HĐXX xem xét buộc Cty Bảo hiểm V.Đ. phải bồi thường cho gia đình đỡ bớt thiệt hại, có điều kiện phục hồi sản xuất để tiếp tục vươn khơi bám biển.

2. Quan điểm trình bày và tranh luận của Bị đơn;

Trong giấy chứng nhận bảo hiểm đã nêu rõ: Điều kiện bảo hiểm là điều kiện B và quy tắc bảo hiểm là quy tắc bảo hiểm thân tàu cá. Theo đó quy tắc bảo hiểm thân tàu cá của Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật, ông V. đã tìm hiểu và được bảo hiểm V.Đ. giải thích đầy đủ nên đã tự nguyện tham gia bảo hiểm tàu TH-91451-TS theo giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 15/11/AD/GD/P1/0010.

Việc ông V. cho rằng tàu bị đâm chìm không liên quan đến chứng chỉ thuyền trưởng và ông không được biết về quy định của bằng cấp thuyền máy trưởng trên tàu, nhưng khẳng định chấp hành đúng các quy định của pháp luật, như vậy chứng tỏ ông V. trình bày không hợp lý.

Do đó yêu cầu khởi kiện của ông V. là không có căn cứ nên Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. từ chối bồi thường đối với thiệt hại ngày 05/11/2016 của tàu cá TH-9145-TS là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

3. Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá tham gia phiên tòa: Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm, Thẩm phán, thư ký và Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

- Về nội dung kháng cáo và kháng nghị:

+ Kháng cáo và kháng nghị đề nghị không chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn có cùng nội dung nên được xem xét chung như sau: Cấp sơ thẩm căn cứ vào khoản 3 Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm để buộc Cty Bảo hiểm V.Đ. phải bồi thường là không đúng quy định vì trường hợp ông V. vi phạm không thuộc trường hợp được áp dụng loại trừ bảo hiểm, bởi vì: Điều kiện bảo hiểm là điều kiện B và quy tắc bảo hiểm là quy tắc bảo hiểm thân tàu cá, Công ty bảo hiểm V.Đ. xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và khi tham gia bảo hiểm ông V. đã được giải thích đầy đủ nên ông V. tự nguyện tham gia bảo hiểm tàu cá. Ngoài ra ông V. đã thuê thuyền trưởng lái tàu chỉ có chứng chỉ hạng 5 không đủ điều kiện để điều khiển tàu cá 520CV. Nên việc tàu bị đắm là lỗi của chủ tàu, không thuộc trách nhiệm bồi thường của Cty CP bảo hiếm V.Đ. theo quy định luật kinh doanh bảo hiểm. Do đó tòa án cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là không đúng pháp luật.

+ Về kháng nghị án phí: Nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận là đúng quy định theo NQ 326 ngày 30/12/2016 của UBNV Quốc Hội.

+ Về kháng nghị quyền kháng cáo của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam. Trong quá trình thụ lý, giải quyết và xét xử Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng khi quyết định cấp sơ thẩm xác định không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên và tuyên quyền kháng cáo là đúng theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự.

Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử, căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS: Chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND Thành phố Thanh Hóa, chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần bản hiểm V.Đ., sửa án sơ thẩm theo hướng: Không chấp nhận đơn khởi kiện của Nguyên đơn và buộc Nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm có giá ngạch đối với yêu cầu khởi kiện.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên toà, ý kiến, tranh luận của các đương sự và quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về thủ tục tố tụng: Tại phiên toà Nguyên đơn vẫn giữ nguyên đơn khởi kiện; Bị đơn vẫn giữ nguyên kháng cáo; Đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên kháng nghị. Các bên không có thỏa Th. được nội dung nào đang tranh chấp và đề nghị xét xử theo quy định của pháp luật.

[2]. Xét nội dung kháng cáo và kháng nghị:

Do kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Thanh Hóa có cùng nội dung: Đề nghị không chấp nhận đơn khởi kiện của Nguyên đơn, nên Hội đồng xét xử nhận định, đánh giá và xem xét chung như sau:

Tàu cá có số hiệu đăng ký TH-91451-TS, chủ tàu là ông Nguyễn Đ. V. tham gia bảo hiểm thân tàu cá tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm V.Đ. - Chi nhánh tại Thanh Hóa theo Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá cùng số 15/11/AD/GD/P1/0010 có hiệu lực từ ngày 02/12/2015 đến 02/12/2016, điều kiện bảo hiểm thân tàu là điều kiện B theo quy tắc bảo hiểm thân tàu cá, quy tắc bảo hiểm tai nạn thuyền viên tàu cá.

Ngày 23/10/2016 tàu cá TH-91451-TS xuất bến đi thu mua hải sản trên vùng biển Việt Nam, khoảng 03 giờ 30 phút ngày 05/11/2016 khi tàu đang hành trình từ khu vực đảo Bạch Long Vĩ trở về nhà thì bị tàu lạ đâm vào rồi bỏ chạy. Do trời tối, tàu bị chìm nhanh và bất ngờ nên thuyền viên trên tàu lo cứu người không kịp quan sát là tàu nào đâm vào. Thiệt hại giá trị tàu 3,7 tỉ đồng, gần 01 tỉ đồng tiền thu mua hải sản và các loại tài sản khác trên tàu.

Sau khi tàu bị chìm, thuyền trưởng đã vào Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ để báo cáo vụ việc và đề nghị truy tìm tàu lạ đâm chìm, đồng thời ông V. (chủ tàu) đã thông báo cho phía Công ty Bảo hiểm V.Đ. đến giám định thiệt hại và làm các thủ tục hành chính xác nhận tàu TH-91451-TS bị đâm theo quy định.

Ngày 26/11/2016 ông Nguyễn Đ. V. có thông báo tổn thất và yêu cầu Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. bồi thường thiệt hại phát sinh do tai nạn chìm tàu ngày 05/11/2016 của tàu cá TH-91451-TS.

Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. không đồng ý bồi thường vì cho rằng: Tàu TH-91451-TS có công suất 520CV, theo quy định thuyền trưởng phải có chứng chỉ hạng 4, nhưng anh Đ1. chỉ có chứng chỉ hạng 5 là không đúng quy định. Ông V. (chủ tàu) cho rằng: Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm không ghi rõ những điều khoản loại trừ bảo hiểm và cán bộ bán bảo hiểm cũng không giải thích cho ông về việc này, nên ông không biết đến những điều khoản loại trừ bảo hiểm. Trước khi xuất bến tàu cá TH-91451-TS đã được các cơ quan chức năng ký xác nhận đủ điều kiện ra khơi, do đó không thể áp dụng điều khoản loại trừ bảo hiểm để từ chối bồi thường.

Hội đồng xét xử xét thấy:

- Về thủ tục ký Hợp đồng bảo hiểm: Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá cùng số 15/11/AD/GD/P1/0010 có hiệu lực từ ngày 02/12/2015 đến 02/12/2016 do Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. và ông Nguyễn Đ. V. cùng ký, được các bên xác nhận là đúng.

Tuy nhiên, Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010 quy định “Những điều khoản về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng” để bên mua bảo hiểm biết nhằm bảo V. được quyền và lợi ích của mình. Nhưng nội dung hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm số 15/11/AD/GD/P1/0010 ngày 02/12/2015 được ký giữa hai bên không được thể hiện những trường hợp loại trừ bảo hiểm trong hợp đồng theo Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm. Chủ tàu là ông Nguyễn Đ. V. khai khi mua bảo hiểm không được Doanh nghiệp bảo hiểm giải thích về những trường hợp loại trừ bảo hiểm, Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. cũng không chứng minh được việc đã giải thích cho ông V. biết về những trường hợp loại trừ bảo hiểm trong quy tắc bảo hiểm. Do đó đã vi phạm Khoản 1 Điều 13; Khoản 2 Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm, lỗi này thuộc về Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. đối với người mua bảo hiểm.

Về nguyên nhân tàu bị đắm: Việc đắm tàu này nếu do thuyền trưởng không đủ bằng cấp tương đương trong quá trình điều khiển dẫn đến tàu bị đắm hoặc do bên mua bảo hiểm cố ý làm đắm tàu để trục lợi bảo hiểm thì đó là trường hợp được từ chối bồi thường bảo hiểm. Nhưng tàu cá TH-91451-TS bị đắm do tàu lạ vỏ sắt đâm chìm và bỏ chạy vào 03 giờ 30 phút ngày 05/11/2016 khi tàu đang hành trình từ khu vực Đ1. Bạch Long Vĩ trở về nhà. Trường hợp bị đắm này thuộc trường hợp bất khả kháng, không phụ thuộc vào chứng chỉ thuyền trưởng hạng 4 hoặc hạng 5 mà sẽ bị xử lý hành chính khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện.

Sau khi tàu bị đắm, thuyền trưởng đã vào Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ để báo cáo vụ việc và đề nghị truy tìm tàu lạ đâm chìm, đồng thời chủ tàu đã thông báo cho phía Công ty Bảo hiểm V.Đ. đến giám định thiệt hại và làm các thủ tục hành chính xác nhận tàu cá TH-91451-TS bị đâm theo quy định để yêu cầu Bảo hiểm bồi thường.

Đối với tàu cá TH-91451-TS sau khi tàu bị đắm, các đơn vị cứu hộ và tàu cá của nhân dân đã cứu sống được các thuyền viên, còn con tàu đóng mới năm 2014 cùng với hàng hóa, hải sản thu mua giá trị bị thiệt hại lớn hơn nhiều so với giá trị được bảo hiểm 2,6 tỷ đồng. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh cùng với nhân dân địa phương đã đến động viên, chia sẻ và ủng hộ, giúp đỡ chủ tàu giảm bớt khó khăn do thiệt hại. Thể hiện được chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích đối với ngư dân trong việc ra khơi bám biển khai thác thủy hải sản nhằm bảo V. chủ quyền biển đảo trong tình hình hiện nay. Nhưng phía Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. sau khi tàu cá xảy ra tai nạn đắm tàu, không thể hiện được trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ khách hàng mà chỉ tìm căn cứ để từ chối bảo hiểm.

Do đó, những điều khoản về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm không được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Doanh nghiệp bảo hiểm không giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng nên cần được áp dụng Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm để giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm. Thực tế có thiệt hại xảy ra là trong thời hạn đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm theo Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá cùng số 15/11/AD/GD/P1/0010 có hiệu lực từ ngày 02/12/2015 phù hợp với Điều 14, Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. là người có lỗi chính và phải chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho ông Nguyễn Đ. V. theo Hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên trong vụ đắm tàu này, cấp sơ thẩm đã đánh giá phía Nguyên đơn cũng có một phần lỗi là 30%, tương ứng với số tiền là 780.000.000đ và 91.000.000đ tiền khấu trừ 5% số tiền bồi thường/vụ tổn thất mà các bên đã thỏa Th. trong giấy chứng nhận bảo hiểm, tổng cộng 871.000.000đ. Ông Nguyễn Đ. V. không kháng cáo và Viện kiểm sát không có kháng nghị phần này nên được giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm và buộc Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Đ. V. 1.729.000.000đ.

- Đối với các nội dụng kháng nghị còn lại:

+ Kháng nghị về vi phạm tố tụng; Trong quá trình thụ lý, giải quyết và xét xử tại cấp sơ thẩm xác định Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt nam và Công ty Cổ phần Bảo hiểm V.Đ. – Chi nhánh Thanh Hóa tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi xem xét Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt nam và Công ty và Cổ phần Bảo hiểm V.Đ. – Chi nhánh Thanh Hóa không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gì trong vụ án do đó HĐXX đã quyết định: Không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng vẫn được quyền kháng cáo về những quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của mình nếu chưa được xem xét là đúng theo quy định tại khoản 22 Điều 70 và các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

+ Kháng nghị về án phí: Trong vụ án này, nếu ông Nguyễn Đ. V. nguyên đơn không được chấp nhận đơn khởi kiện thì đương nhiên phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận đã được quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Nguyên đơn nên buộc nguyên đơn phải chịu án phí phần không được chấp nhận và buộc bị đơn phải chịu án phí về phần phải bồi thường là đúng theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Do đó, kháng nghị 02 nội dung này của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Thanh Hóa là không phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, nên không được chấp nhận.

+ Ngoài ra, tại phần “Xét thấy” của quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT- VKS-KDTM ngày 27/7/2020 của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Thanh Hóa đều ghi số tiền bồi thường “1.729.000đ” “2.600.000đ” là không đúng về “số học” thiếu 03 con số 0, các nội dung kháng nghị lập luận khó hiểu dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy, đề nghị khi kháng nghị những sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm thì Viện Kiểm sát nhân dân cấp sơ thẩm cũng cần ghi đúng, đủ, chính xác các số liệu cũng như các thông tin của vụ án để làm cơ sở cho việc xem xét tại cấp phúc thẩm.

Từ những căn cứ và phân tích trên, xét thấy tại giai đoạn phúc thẩm bị đơn kháng cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát không có tình tiết gì mới sơ với cấp sơ thẩm đã đánh giá. Cấp sơ thẩm xét xử và quyết định là phù hợp với tính chất vụ án, do đó không chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần bảo hiểm V.Đ. và Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Thanh Hóa. Giữ nguyên quyết định của Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 13/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa.

[3]. Về án phí phúc thẩm: Công ty Cổ phần bảo hiểm V.Đ. kháng cáo nhưng không được chấp nhận nên phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội.

[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

* Căn cứ: Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Không chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần bảo hiểm V.Đ. và Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Thanh Hóa. Giữ nguyên quyết định của Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 13/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa.

* Áp dụng: - Khoản 1 Điều 13; Điều 14; Điều 15; khoản 2 Điều 16; Điều 21; Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010, được sửa đổi năm 2019; Các Điều 74; 84; 357 Bộ luật dân sự.

- Khoản 4 Điều 26; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

* Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đ. V. (nguyên đơn) về việc yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

- Buộc Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. (VASS) phải bồi thường cho ông Nguyễn Đ. V. số tiền 1.729.000.000đ (Một tỷ, bảy trăm hai mươi chín triệu đồng).

- Công ty cổ phần Bảo hiểm V.Đ. - Chi nhánh Thanh Hóa và Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

- Án phí sơ thẩm:

+ Công ty Cổ phần Bảo hiểm V.Đ. phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm là 63.870.000đ (Sáu mươi ba triệu, tám trăm bảy mươi nghìn đồng chẵn).

+ Ông Nguyễn Đ. V. phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm là 38.130.000đ (Ba mươi tám triệu, một trăm ba mươi nghìn đồng chẵn), nhưng được trừ đi trong số tiền tạm ứng án phí ông V. đã nộp là 46.600.000đ theo các biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000045 ngày 03/6/2019; 0000445 ngày 01/10/2019 và số 0000436 ngày 30/9/2019. Trả lại cho ông Nguyễn Đ. V.

8.470.000đ (Tám triệu, bốn trăm bảy mươi nghìn đồng chẵn) tiền tạm ứng án phí.

- Án phí phúc thẩm:

Công ty Cổ phần bảo hiểm V.Đ. phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000đ (Hai triệu đồng), được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0001340 ngày 05/8/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Thanh Hóa.

- Nghĩa vụ thi hành án: Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Nguyễn Đ. V. có đơn yêu cầu thi hành án. Nếu Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. (VASS) không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ khoản tiền phải thi hành thì hàng tháng Công ty cổ phần bảo hiểm V.Đ. (VASS) còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chậm trả.

Người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7,7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

* Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

709
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2020/KDTM-PT ngày 29/09/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

Số hiệu:14/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:29/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về