Bản án 14/2020/HS-ST ngày 30/12/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐĂK GLEI, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 14/2020/HS-ST NGÀY 30/12/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 30 tháng 12 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số:14/2020/TLST – HS ngày 19 tháng 11 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số: 13/2020/QĐXXST – HS ngày 17 tháng 12 năm 2020 đối với các bị cáo:

1. A C; tên gọi khác: Không; sinh ngày 13/5/1999 tại Kon Tum, nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn D, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Dẻ; giới tính: Nam; tôn giáo: Tinh Lành; quốc tịch: Việt Nam, con ông A M và bà Y M1, bị cáo có vợ là Y M2 và 01 con sinh năm 2019.

Tiền án, tiền sự: Không, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28/9/2020 đến nay (Có mặt).

2. A Giu S; tên gọi khác: Không; sinh ngày 27/01/2000 tại Kon Tum, nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn D, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 10/12; dân tộc: Dẻ; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin lành; quốc tịch: Việt Nam, con ông A T và bà Y H.

Tiền án, tiền sự: Không, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28/9/2020 đến nay (Có mặt).

3. A N; tên gọi khác: Không; sinh ngày 10/6/1999 tại Kon Tum, nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn D, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum;

nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 10/12; dân tộc: Dẻ; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin Lành; quốc tịch: Việt Nam, con ông A N và bà Y Đ.

Tiền án, tiền sự: Không, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28/9/2020 đến nay (Có mặt).

4. A P; tên gọi khác: Không; sinh ngày 11/8/1999 tại Kon Tum, nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn D, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 10/12; dân tộc: Dẻ; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin Lành; quốc tịch: Việt Nam, con ông A N và bà Y D.

Tiền án, tiền sự: Không, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28/9/2020 đến nay (Có mặt).

5. A T; tên gọi khác: Không; sinh ngày 14/4/1997 tại Kon Tum, nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn D, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 11/12; dân tộc: Dẻ; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin Lành; quốc tịch: Việt Nam, con ông A T và bà Y M.

Tiền án, tiền sự: Không, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28/9/2020 đến nay (Có mặt).

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ A N; sinh năm 1972; nơi cư trú: Thôn D, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

+ A T; sinh năm 1974; nơi cư trú: Thôn D, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

+ A M; sinh năm 1970; nơi cư trú: Thôn D, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

+ Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh – Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Mạnh T; sinh năm 1963; chức vụ: Phó Giám đốc (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Vào chiều ngày 16/8/2020 A C cùng với A Giu S, A N, A P và A T ngồi uống rượu tại nhà A N. Trong lúc ngồi uống rượu A C rủ A Giu S, A N, A P và A T đi lên lô 1 khoảnh 11, Tiểu khu 20 rừng đặc dụng – Lâm phần BQL khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Man, huyện Đăk Glei để khai thác cây gỗ Giổi mà các bị cáo đã phát hiện trước đó để về sử dụng thì tất cả đồng ý. Đến ngày 17/8/2020 các bị cáo A C, A Giu S, A N, A P và A T gặp nhau tại cây xăng Tiến Sỹ thuộc thôn Đăk Xanh, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Mỗi người góp số tiền là 150.000 đồng rồi đưa cho A C đi mua xăng, nhớt và lương thực thực phẩm cần thiết phục vụ cho việc khai thác gỗ. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, các bị cáo mỗi người điều khiển một xe máy độ chế và mang theo 02 chiếc cưa xăng (cưa lốc), trong đó 01 cái của A C và 01 cái của A Giu S đi từ thôn D, xã Đ, huyện Đ lên lô 1 khoảnh 11, Tiểu khu 20 để khai thác gỗ trái phép. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, các bị cáo đi đến khu vực bờ suối cách hiện trường khai thác gỗ khoảng 800 mét thì dừng lại để làm lán trại nghỉ ngơi, nấu ăn. Khi đó A P, A T ở lại dựng lán trại và nấu ăn, còn A C, A Giu S và A N mang theo hai cưa xăng đi lên vị trí cây gỗ Giổi. Tại đây A C dùng máy cưa của mình cắt hạ 01 cây gỗ Giổi, sau đó A Giu S cắt cây gỗ Giổi thành 05 (năm) lóng gỗ tròn, mỗi lóng dài 1,6 mét, phần còn lại dài 11 mét. A Giu S, A C thay nhau cưa xẻ 05 lóng gỗ thành 05 hộp gỗ xẻ và lóng gỗ tròn dài 11 mét còn lại tại hiện trường chưa cưa xẻ. Trong khi A C và A Giu S cưa xẻ gỗ thì A N phụ giúp bắn mực, lật bìa. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày thì xẻ xong 05 hộp gỗ, A C, A Giu S và A N quay về lán trại ăn cơm nghỉ ngơi. Đến khoảng 9 giờ ngày 18/8/2020 các bị cáo điều khiển xe máy độ chế lên vị trí khai thác gỗ để chở gỗ, khi đang bốc xếp gỗ lên xe thì bị lực lượng của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh phát hiện, bắt giữ.

Ngày 28/8/2020, Hạt kiểm lâm chủ trì phối hợp với Công an, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei và các đơn vị có liên quan khám nghiệm hiện trường xác định: Vị trí cây gỗ bị khai thác trái phép thuộc rừng đặc dụng là rừng tự nhiên tại lô 1 khoảnh 11, Tiểu khu 20, lâm phần BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, khối lượng gỗ bị khai thác trái phép là 3,911 m3 gỗ quy tròn, chủng loại gỗ Giổi, nhóm III, gỗ không thuộc loài nguy cấp quý hiếm. Tại hiện trường phát hiện 05 hộp gỗ xẻ khối lượng 0,871 m3 (quy tròn 1,393 m3) và 01 lóng gỗ tròn dài 11 mét có khối lượng 2,518 m3 .

Ngày 18/9/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glei ra yêu cầu định giá số 10, đề nghị Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Đăk Glei định giá tài sản đối với 3,911 m3 gỗ quy tròn bị khai thác trái phép.

Kết luận định giá tài sản số: 09/KL – HĐĐGTS ngày 28/10/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Đăk Glei kết luận 3,911 m3 gỗ quy tròn, chủng loại gỗ Giổi, nhóm III có giá trị 63.447.676 đồng (Sáu mươi bA T bốn trăm bốn mươi bảy nghìn sáu trăm bảy mươi sáu đồng).

Ngày 24/9/2020 các cơ quan chức năng tiến hành nghiệm thu số gỗ vật chứng đã thu giữ được 1,713 m3 gỗ xẻ và tiêu hủy 0,487 m3 gỗ tròn bị bọng hư không có giá trị sử dụng. Theo biên bản khám nghiệm hiện trường khối lượng gỗ bị khai thác trái phép là 3,911 m3, nhưng trong quá trình thu gỗ vật chứng, gỗ bị bọng 0,487 m3. Như vậy khi xác định khối lượng gỗ mà các bị cáo khai thác trái phép được trừ đi phần bọng hư đó, khối lượng gỗ thực tế mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm là 3,424 m3 quy tròn.

Cáo trạng số: 12/CT - VKS ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei truy tố các bị cáo A C, A Giu S, A N, A P, A T về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 232 của Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm e khoản 1 Điều 232, các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điều 17 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo A C mức án từ 12 (Mười hai) đến 14 (Mười bốn) tháng tù; xử phạt bị cáo A Giu S mức án từ 10 (Mười) đến 12 (Mười hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án. Áp dụng điểm e khoản 1 Điều 232, các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 65 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo A N, A P, A T mỗi bị cáo mức án từ 09 (Chín) đến 12 (Mười hai) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18 (Mười tám) đến 24 (Hai mươi bốn) tháng, tính từ ngày tuyên án.

Về hình phạt bổ sung: Xét các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy các bị cáo là người dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn, do đó đề nghị Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 232 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự, điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu sung ngân sách Nhà nước: 21 (Hai mươi mốt) hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, nhóm III có khối lượng 1,713 m3; 05 (Năm) xe máy độ chế không rõ số khung, số máy, không có biển kiểm soát; 02 (hai) máy cưa không rõ nhãn hiệu. Trong đó: 01 cưa có đầy đủ máy, lam cắt, sên cắt; 01 máy cưa chỉ có phần thân máy, không có lam cắt, sên cắt.

Về trách nhiệm dân sự: Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông A T, A M, A N không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường nên không đề cập.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glei, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến, khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định: Ngày 17/8/2020, A C cùng với A Giu S, A N, A P và A T đi vào rừng tại lô 1 khoảnh 11, Tiểu khu 20 rừng đặc dụng – Lâm phần BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum sử dụng cưa xăng cắt hạ trái phép 01 (một) cây gỗ Giổi, nhóm III với khối lượng là 3,424 m3 gỗ quy tròn, trị giá 54.681.676 đồng (Năm mươi bốn triệu sáu trăm tám mươi mốt nghìn sáu trăm bảy mươi sáu đồng) khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Như vậy, có đủ cơ sở kết luận hành vi của các bị cáo A C, A Giu S, A N, A P và A T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 232 của Bộ luật hình sự. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei truy tố các bị cáo về tội danh và điều khoản nêu trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[3]. Xét về hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, các bị cáo biết rằng việc khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng các bị cáo vẫn cố ý tổ chức thực hiện. Trong khi toàn Đảng, toàn dân phát động phong trào trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống sói mòn sạt lở. Huyện Đăk Glei đã có nhiều giải pháp quyết liệt để bảo vệ rừng, nhưng tình hình khai thác gỗ trái phép trên địa bàn huyện vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Hành vi của các bị cáo là gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường rừng. Các bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi khai thác gỗ không có giấy phép là vi phạm pháp luật mà vẫn cố tình thực hiện. Do vậy, cần xứ lý các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra.

[4]. Đây là vụ án đồng phạm nhưng mang tính chất giản đơn, tuy các bị cáo có sự thống nhất ý chí từ trước, có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội nhưng không có sự bàn bạc, phân công trách nhiệm từng đồng phạm.

[5]. Đối A C: Là người nảy sinh ý định tiến hành việc khai thác gỗ trái phép, chuẩn bị máy cưa, lam cưa, xe tự chế, góp tiền để mua xăng, nhớt và lương thực, thực phẩm để thực hiện hành vi khai thác gỗ và trực tiếp cầm cưa máy cắt xẻ cây gỗ. Do đó, A C phải chịu trách nhiệm với vai trò vừa là người chủ mưu, vừa là người thực hành tích cực trong vụ án này. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ để cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

[6]. Đối A Giu S: Là người biết rõ mục đích khai thác gỗ trái phép của A C nhưng vẫn tham gia, chuẩn bị máy cưa, xe tự chế, góp tiền và trực tiếp cầm cưa máy cắt xẻ cây gỗ. Do đó, A Giu S phải chịu trách nhiệm với vai trò là người thực hành trong vụ án này. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ để cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

[7]. Đối A N, A P, A T: Là người biết rõ mục đích khai thác gỗ trái phép của A C nhưng vẫn tham gia, chuẩn bị xe tự chế, góp tiền và tham gia phụ giúp bắn mực, lật bìa, dựng lán trại và nấu ăn cho A C và A Giu S xẻ gỗ. Do đó, A N, A P, A T phải chịu trách nhiệm với vai trò là người giúp sức trong vụ án này. Xét thấy các bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, ổn định, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, giao các bị cáo cho chính quyền địA P giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án vẫn đảm bảo việc giáo dục, cải tạo riêng đối với các bị cáo cũng như phòng ngừa chung.

[8]. Để có căn cứ quyết định hình phạt, ngoài việc xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo, cần xem xét đến nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo.

Về nhân thân: Các bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự.

Về tình tiết tăng nặng: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng.

Về tình tiết giảm nhẹ: Các bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, sau khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, các bị cáo không có tình tiết tăng nặng nên cần cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự để làm giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

[9]. Về hình phạt bổ sung: Xét các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy các bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, do đó Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 232 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo.

[10]. Về vật chứng của vụ án: Hội đồng xét xử xét thấy cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự, điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu sung ngân sách Nhà nước: 21 (Hai mươi mốt) hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, nhóm III có khối lượng 1,713 m3; 05 (Năm) xe máy độ chế không rõ số khung, số máy, không có biển kiểm soát; 02 (hai) máy cưa không rõ nhãn hiệu. Trong đó: 01 cưa có đầy đủ máy, lam cắt, sên cắt; 01 máy cưa chỉ có phần thân máy, không có lam cắt, sên cắt.

Sung ngân sách Nhà nước đối với số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) mà các bị cáo tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả (mỗi bị cáo 2.000.000 đồng) theo giấy nộp tiền vào tài khoản của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum ngày 19/11/2020.

[11]. Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan A T, A M, A N không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường nên Hội đồng xét xử không đề cập.

[12]. Đối với ông A M có chiếc xe độ chế mà A C sử dụng, ông A T có cái cưa xăng mà A Giu S sử dụng và ông A N có chiếc xe độ chế mà A N sử dụng. Ông A M, A N, A T không biết các bị cáo sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội nên không có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

[13]. Đối với anh Nông Văn T và A H là cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei được giao quản lý, bảo vệ tại lô 1 khoảnh 11, Tiểu khu 20 rừng đặc dụng – Lâm phần BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thuộc địa giới hành chính xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum để cho các bị cáo khai thác rừng trái phép với khối lượng 3,424 m3 gỗ quy tròn theo kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 của Bộ luật hình sự, cơ quan có thẩm đã xử lý kỷ luật theo quy định.

[14]. Về án phí: Các bị cáo bị kết án nên phải nộp tiền án phí hình sự theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Các bị cáo A C, A Giu S, A N, A P, A T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” Áp dụng: Điểm e khoản 1 Điều 232, các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 38 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo A C 12 (Mười hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

Xử phạt: Bị cáo A Giu S 10 (Mười) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

Áp dụng: Điểm e khoản 1 Điều 232, các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 65 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo A N 09 (Chín) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Xử phạt: Bị cáo A P 09 (Chín) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Xử phạt: Bị cáo A T 09 (Chín) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao các bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về vật chứng của vụ án: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự, điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu sung ngân sách Nhà nước: 21 (Hai mươi mốt) hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, nhóm III có khối lượng 1,713 m3; 05 (Năm) xe máy độ chế không rõ số khung, số máy, không có biển kiểm soát; 02 (hai) máy cưa không rõ nhãn hiệu. Trong đó: 01 cưa có đầy đủ máy, lam cắt, sên cắt; 01 máy cưa chỉ có phần thân máy, không có lam cắt, sên cắt.

(Vật chứng có đặc điểm nhận dạng như tại Biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glei và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Glei ngày 20/11/2020).

Sung ngân sách Nhà nước đối với số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) mà các bị cáo tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả (mỗi bị cáo 2.000.000 đồng) theo giấy nộp tiền vào tài khoản của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum ngày 19/11/2020.

Về án phí:

Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc các bị cáo A C, A Giu S, A N, A T, A P mỗi bị cáo phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm để nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Căn cứ các Điều 331, 333 của Bộ luật tố tụng hình sự; các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 30/12/2020).

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

285
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2020/HS-ST ngày 30/12/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:14/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đắk Glei - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về