Bản án 14/2020/HS-PT ngày 14/01/2020 về tội tham ô tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 14/2020/HS-PT NGÀY 14/01/2020 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 01 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 354/2019/TLPT-HS ngày 04 tháng 07 năm 2019 đối với bị cáo Phạm Hồng T:

Do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS-ST ngày 25/04/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

Bị cáo có kháng cáo:

Phạm Hồng T, sinh năm 1979, tại tỉnh Nghệ An; thường trú: số 93, đường Phú Lợi, khu phố 2, phường PL, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: cán bộ; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh, tôn giáo: không, quốc tịch: Việt Nam; giới tính: nam; con của ông Phạm Công C, sinh năm 1950 và bà Bùi Thị D, sinh năm 1953; vợ: bà Vũ Thị P, sinh năm 1991; bị cáo có 01 người con sinh năm 2018:

Tiền án, tiền sự: không:

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 24/11/2016 đến ngày 21/7/2017 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng T:

Luật sư Bùi Nguyên Th, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội (có mặt).

 Nguyên đơn dân sự:

1.Ủy ban nhân dân thành phố TDM do bà Bùi Thị Kim X, là Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch thành phố TDM, làm đại diện (có mặt):

2.Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương do ông Nguyễn Văn H, là Đội phó Đội thanh niên xung phong, làm đại diện (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1.Công an thành phố TDM, tỉnh Bình Dương do ông Nguyễn Hoài Vũ, Phó Đội trưởng Đội Chính trị Hậu cần, làm đại diện (có mặt):

2. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương do ông Trần Bảo L, Phó Bí thư tỉnh đoàn Bình Dương, làm đại diện (có mặt):

3.Bà Nguyễn Phạm Duy T, sinh năm 1982 (vắng mặt):

Nơi thường trú: số 62/3, đường 30/4, phường PH, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương, nguyên là Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương.

4. Bà Nguyễn Thị Thanh M, sinh năm 1987 (vắng mặt):

Nơi thường trú: số 7/3, khu phố 2, phường PM, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương, nguyên Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương.

5. Ông Tống Xuân G, sinh năm 1983 (vắng mặt):

Nơi thường trú: số 517/44, đường Phạm Ngũ Lão, tổ 95, khu phố 7, phường HT, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

6. Bà Nguyễn Thị Lê A, sinh năm 1982 (vắng mặt):

Nơi thường trú: số 7, đường N, khu dân cư Chánh Nghĩa, phường CN, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương; chỗ ở: Nhà ở xã hội Phú Hòa, phường PH, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

7. Ông Nguyễn Tấn L, sinh năm 1975 (vắng mặt):

Nơi thường trú: khu phố 3, phường TH, thị xã BC, tỉnh Bình Dương; chỗ ở: Số 34A2, khu dân cư Hiệp Thành 2, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

8. Ông Lý Thuật Hùng, sinh năm 1979 (vắng mặt):

Thường trú: Số 378, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường PC, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

9. Ông Nguyễn Trung L, sinh năm 1978 (vắng mặt):

Thường trú: Số 710, đường Hưng Phú, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.

10. Bà Nguyễn Ngọc Tuấn A, sinh năm 1982 (vắng mặt):

 Thường trú: số 3/12, đường Văn Cao, phường PT, quận TP, thành phố Hồ Chí Minh.

11. Ông Lương Phạm Duy A, sinh năm 1985 (vắng mặt):

Thường trú: số 453/30, đường Lê Hồng Phong, phường PH, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

12. Ông Lê Quang N, sinh năm 1981 (vắng mặt):

Thường trú: 21/23 Khu phố 2, đường số 1, phường Linh X, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

13. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1988 (vắng mặt):

Thường trú: xóm 4, xã TH, huyện Thanh C, tỉnh Nghệ An; chỗ ở: tổ 53, khu phố 6, phường PL, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

14. Bà Nguyễn Thị Diễm L, sinh năm 1985 (vắng mặt):

Thường trú: số 317, nhà ở xã hội Phú Hòa, phường PH, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

15. Bà Trần Thị Thanh L, sinh năm 1988 (vắng mặt):

Thường trú: số 67, tổ 4, ấp Núi Đất, xã ĐT, huyện DT, tỉnh Bình Dương; chỗ ở: K110/70, đường Nguyễn Tri Phương, khu phố 8, phường CN, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

Người làm chứng:

1.Ông Nguyễn Hoàng S, sinh năm 1986 (vắng mặt):

Thường trú: số 181, ĐX 63, tổ 4, khu phố 8, phường Đinh Hòa, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

2.Ông Bùi Nguyễn Thanh Y, sinh năm 1986 (vắng mặt):

Thường trú: số 1101/82/29A, tổ 56, khu phố 8, phường Phú T, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

3. Bà Trần Thị Yến P, sinh năm 1989 (có mặt):

Thường trú: số 188/8/27, đường Hồ Văn Cống, phường Tương Bình Hiệp, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương; chỗ ở: Số 501, nhà ở xã hội Phú Hòa 1, phường PH, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

4. Bà Nguyễn Thị Kim H, sinh năm 1985 (vắng mặt):

Thường trú: số 70/25, khu 5, đường Võ Thành Long, phường PC, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương; chỗ ở: Số 45, đường N7, khu dân cư Phú Hòa 1, phường PH, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đội Thanh niên xung phong (viết tắt là đội TNXP) thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương (viết tắt là tỉnh Đoàn Bình Dương) được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương thành lập theo Quyết định số 13/2004/QĐ-UBND ngày 10/02/2004 và Quyết định số 5359/QĐ-UBND ngày 22/11/2006 về việc bổ sung nhiệm vụ cho đội TNXP. Theo đó, đội TNXP là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc tỉnh Đoàn Bình Dương, có chức năng tập hợp lao động trẻ tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương và tổ chức sự kiện truyền thông dịch vụ quảng cáo. Cơ chế tài chính của đội TNXP từ năm 2004 đến năm 2012 là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, từ năm 2013 đến nay là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.

Ngày 01/6/2009, tỉnh Đoàn Bình Dương ban hành Quyết định số 200/QĐ/TĐ về việc bổ nhiệm Phạm Hồng T giữ chức vụ Đội trưởng đội TNXP:

ngày 23/5/2014, tỉnh Đoàn Bình Dương ban hành Quyết định số 292/QĐ/TĐTN-VP bổ nhiệm T – Phó Bí thư tỉnh Đoàn Bình Dương kiêm nhiệm chức vụ Đội trưởng đội TNXP. Đến ngày 09/9/2015, tỉnh Đoàn Bình Dương ban hành Quyết định số 499A/QĐ/TĐTN-VP cho T thôi giữ chức Đội trưởng đội TNXP kể từ ngày 14/9/2015.

Ngày 02/3/2016, Ủy ban kiểm tra thuộc Tỉnh ủy Bình Dương chuyển Công văn số 59/CV/UBKTTU kèm theo hồ sơ vụ việc về kết quả kiểm tra bước đầu tại đội TNXP đến Công an tỉnh Bình Dương để tiến hành xác minh, điều tra làm rõ những sai phạm xảy ra tại đội TNXP thuộc tỉnh Đoàn Bình Dương. Theo đó, xác định trong quá trình giữ chức vụ Đội trưởng đội TNXP (từ ngày 01/6/2009 đến ngày 14/9/2015) Phạm Hồng T đã thực hiện những hành vi vụ thể như sau:

I. Hành vi trong thực hiện đề án “Thanh niên xung phong Bình Dương tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông” (gọi tắt là Đề án an toàn giao thông):

Ngày 25/02/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 508/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án an toàn giao thông, về lực lượng tham gia đề án có 05 tổ gồm: Tuyến tỉnh 1, Tuyến tỉnh 2, TDM, DA và TA. Đề án được thực hiện qua 02 giai đoạn - Giai đoạn 1 từ năm 2008 đến hết năm 2013, giai đoạn này thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt theo Quyết định số 508/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

- Giai đoạn 2 từ năm 2014 đến tháng 01/2016, giai đoạn này đề án chưa được phê duyệt nhưng thực tế đội TNXP vẫn duy trì hoạt động. Để trả lương, phụ cấp cho đội viên, đội TNXP tạm ứng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 của đề án này, T có những sai phạm như sau:

Quá trình thực hiện đề án tại Tổ TDM từ tháng 01/2014 đến tháng 02/2015, ông Nguyễn Hoàng S và ông Bùi Nguyễn Thanh Y là Tổ trưởng và Tổ phó Tổ TDM trực tiếp thực hiện việc chấm công cho các tổ viên Tổ TDM và cung cấp cho Công an thành phố TDM để nhận tiền từ nguồn ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố TDM sau đó chuyển cho đội TNXP để trả tiền phụ cấp cho các đội viên. Sau mỗi kỳ quyết toán (khoảng từ 01 – 03 tháng), theo chỉ đạo của T, ông Sơn nhận tiền mặt do Công an thành phố TDM chi trả cho các đội viên tổng số tiền là 502.000.000 đồng rồi nộp vào quỹ đội TNXP qua bộ phận kế toán để chi phụ cấp cho các đội viên làm việc trong giai đoạn này.

Vào tháng 10/2014 và tháng 02/2015, T chỉ đạo nhân viên của đội TNXP lập chứng từ, làm thủ tục tạm ứng kinh phí từ ngân sách tỉnh Bình Dương là 3.413.600.000 đồng để trả lương, phụ cấp cho 04 Tổ an toàn giao thông gồm: Tổ TA, Tổ TDM, Tổ Tuyết tỉnh 1, Tổ Tuyến tỉnh 2. Số tiền này được tạm ứng 02 đợt:

- Tháng 10/2014 ứng 2.188.900.000 đồng.

- Tháng 02/2015 ứng 1.224.700.000 đồng.

Hồ sơ tạm ứng gồm có: Bảng chấm công của các Tổ trưởng từng tổ lập nên và được Công an thị xã TA, Công an thành phố TDM và Phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Bình Dương xác nhận; bảng tổng hợp chi ứng lương; bảng tạm ứng tiền lương và phụ cấp từng tháng và các giấy tờ, tài liệu khác.

Đến khoảng tháng 12/2015, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đề nghị tỉnh Đoàn quyết toán số tiền tạm ứng từ ngân sách cho Đề án an toàn giao thông. Ngày 31/12/2015, bà Nguyễn Thị Lê A là quyền Đội trưởng đội TNXP (do thời điểm này T đã thôi giữ chức vụ Đội trưởng đội TNXP), ông Nguyễn Tấn L là Phó Đội trưởng đội TNXP phục trách Đề án an toàn giao thông, ông Lý Thuật Hùng là phụ trách kế toán đội TNXP từ ngày 21/9/2015 cùng tiến hành bàn giao toàn bộ chứng từ kế toán về khoản chi lương và phụ cấp cho các đội viên Đề án an toàn giao thông giao đoạn từ 01/01/2014 đến 28/02/2015 cho T (thời điểm này T là Phó Bí thư tỉnh Đoàn Bình Dương), ông Tống Xuân G là Chánh Văn phòng tỉnh Đoàn Bình Dương và ông Lê Quang N là kế toán tỉnh Đoàn Bình Dương. Theo các chứng từ này, tổng số tiền chỉ là 1.901.445.000 đồng, như vậy nếu quyết toàn thì đội TNXP phải hoàn ứng ngân sách số tiền 1.512.155.000 đồng nên T đề nghị đội TNXP bổ sung đầy đủ chứng từ quyết toàn để không phải hoàn ứng.

Để có chứng từ bổ sung quyết toàn, T yêu cầu ông Lương Phạm Duy A là nhân viên văn phòng đội TNXP và Nguyễn Thị H là kế toán đề án an toàn giao thông cung cấp bảng tổng hợp chi ứng lương từ tháng 01/2014 đến tháng 02/2015 và bảng chi ứng lương từng tháng có ký nhận của đội viên (các chứng từ ngày đã được dùng để tạm ứng ngân sách vào tháng 10/2014 và tháng 02/2015 trước đó với Công an thành phố TDM) để T thực hiện việc quyết toán.

Ngày 22/01/2016, đại diện tỉnh Đoàn Bình Dương gồm bà Nguyễn Phạm Duy T là Bí thư tỉnh Đoàn, bà Nguyễn Thị Thanh M là Phó Bí thư, ông Tống Xuân G, ông Lê Quang N và đại diện đội TNXP gồm bà Nguyên Thị Lê An, Phạm Hồng T, ông Nguyễn Tấn L, ông Lý Thuật Hùng tiến hành họp lập Biên bản số 02BB/TĐTN-VP về việc xét duyệt quyết toán kinh phí Đề án an toàn giao thông từ tháng 01/2014 đến tháng 02/1015, theo đó tỉnh Đoàn Bình Dương thống nhất cho đội TNXP được quyết toán số tiền 3.400.800.000 đồng và chuyển cho Sở Tài chính đề nghị quyết toán. Căn cứ Biên bản số 02/BB/TĐTN- VP của tỉnh Đoàn, Sở Tài chính thống nhất và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho đội TNXP quyết toán số tiền 3.400.800.000 đồng.

Ngày 29/01/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương duyệt chi theo Văn bản số 252/UBND-VX (“... 2. Về kinh phí hỗ trợ cho các đội viên tham gia đề án (với số tiền 3.414.600.000 đồng) đã tạm ứng trong giai đoạn từ tháng 01/2014 đến 02/2015: Thống nhất cho tỉnh Đoàn được chuyển từ tạm ứng sang hình thức cấp phát với số tiền 3.400.800.000 đồng, kinh phí hoàn trả tạm ứng ngân sách là 12.800.000 đồng”).

Như vậy, T biết rõ số tiền phụ cấp chi trả cho các đội viên thuộc Tổ TDM từ tháng 01/2014 đến tháng 02/2015 với tổng số tiền là 502.000.000 đồng đã được Công an thành phố TDM quyết toán, số tiền này đã được nhập vào quỹ của đội TNXP và đã chi trả cho các đội viên nhưng T vẫn chỉ đạo nhân viên đội TNXP lập chứng từ quyết toán khống số tiền 502.000.000 đồng trong số tiền 3.413.600.000 đồng đã tạm ứng từ nguồn ngân sách Ủy bản nhân dân tỉnh Bình Dương vào tháng 10/2014 và tháng 02/2015.

II. Hành vi trong thực hiện dự án “Nuôi bò”:

Dự án nuôi bò được đội TNXP triển khai thực hiện từ đầu tháng 12/2013, theo dự án thì tổng số vốn sẽ đầu tư là 8.633.430.000 đồng, trong đó vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương là 4.500.000 đồng, vốn tự có của đội TNXP là 4.133.430.000 đồng.

Trong quá trình thực hiện dự án nuôi bò, ngày 02/4/2015, T đại diện đội TNXP ký hợp đồng hợp tác kinh doanh nuôi bò với ông Nguyễn Trung L nội dung của hợp đồng là ông Lưu góp vốn để mua bò giống, đội TNXP chịu trách nhiệm nuôi và lợi nhuận thu được từ việc bán bò sẽ được chia theo tỉ lệ là ông Lưu được hưởng 45% còn đội TNXP hưởng 55%.

Ngày 08/4/2015, ông Lưu chuyển cho đội TNXP số tiền 500.000.000 đồng để góp vốn mua bò. Sau khi nhận tiền, đội TNXP đã mua 19 con bò với tổng số tiền là 469.970.000 đồng để nuôi tại nông trường của đội TNXP.

Đến tháng 08/2015, T nhờ bà Nguyễn Ngọc Tuấn A là đối tác của đội TNXP bán 06 con bò trong số 19 con nêu trên với số tiền là 211.665.000 đồng. Số tiền này được bà Tuấn Anh cấn trừ nợ của đội TNXP gồm các khoản: Tiền mua sinh khối trùng quế có giá trị là 100.000.000 đồng; tiền mua bạt nuôi trùng, phân bón và 02 tủ đông lạnh trùng quế có tổng giá trị là 28.665.000 đồng. Số tiền 83.000.000 đồng còn lại, theo đề nghị của T thì bà Tuấn Anh đã chuyển vào tài khoản của T mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Bình Dương vào ngày 24/8/2015.

Quá trình điều tra, T khai đã rút 83.000.000 đồng để đưa vào quỹ đội TNXP tuy nhiên căn cứ vào sao kê tài khoản của T tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Bình Dương và sổ quỹ tiền mặt của đội TNXP không có ghi nhận số tiền trên được T rút và nhập vào quỹ đội TNXP kể từ sau khi bà Tuấn Anh chuyển tiền vào tài khoản của T.

Đối với việc thanh toán tiền bán 06 con bò nêu trên, như thỏa thuận trong hợp đồng, vào các ngày 09/9/2015 và 23/5/2015, đội TNXP đã chuyển trả số tiền 198.424.000 đồng cho ông Lưu, trong đó tiền vốn mua 06 con bò là 187.590.000 đồng và số tiền lợi nhuận ông Lưu được chia từ việc bán bò là 10.834.000 đồng Như vậy, T tự ý chiếm đoạt số tiền 83.000.000 đồng từ việc bán bò trong số bò hợp tác nuôi giữa đội TNXP với ông Lưu.

Ngoài ra, qua quá trình điều tra xác định Phạm Hồng T trong thời gian giữ chức Đội trưởng đội TNXP đã chỉ đạo cho nhân viên của đội TNXP lập khống các hợp đồng cung cấp phân bón, cây con giống,… cho đội TNXP để thực hiện các dự án “Trồng cây kiểng”, “Nuôi ba ba”, và “Nuôi bò” làm phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh để vay tiền ngân hàng. Sau khi T đại diện đội TNXP ký hợp đồng vay và nhận tiền sử dụng vào việc khác dẫn đến gây thiệt hại cho đội TNXP trong việc trả lãi cho các khoản vay, hành vi của T phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, các tài sản dùng đảm bảo các khoản vay là tài sản của cá nhân, gia đình và bạn bè của T, trước khi bị khởi tố, bản thân T và gia đình T đã chủ động, tích cực khắc phục hậu quả cùng đội TNXP tất toán trong các hợp đồng vay, xét thấy hành vi này của T không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Do đó, ngày 29/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và đình chỉ điều tra bị can đối với Phạm Hồng T về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 28/8/2018, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương có Công văn số 2437/STC- HCSN xác định: Do thời gian đề án kéo dài và được UBND tỉnh cho chủ trương tạm ứng ngân sách tỉnh để chi lương và bồi dưỡng phụ cấp cho các đội viên TNXP tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông từ tháng 01/2014 đến hết tháng 02/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giao tỉnh Đoàn phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn đơn vị sử dụng nguồn kinh phí tạm ứng tại Công văn số 485/UBND-VX, từ đó xác định nguồn tạm ứng là ngân sách tỉnh và cơ sở pháp lý là chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh nên việc tạm ứng số tiền trên đã gây thiệt hại cho ngân sách thành phố TDM. Ủy ban nhân dân thành phố TDM và đội TNXP tỉnh Bình Dương yêu cầu xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại bản cáo trạng số 20/CT-VKSBD – P1 ngày 08/10/2018, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định truy tố bị can Phạm Hồng T về tội “Tham ô tài sản” theo Điểm a Khoản 3 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS-ST ngày 25/04/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định như sau:

 1/ Về trách nhiệm hình sự:

Tuyên bố bị cáo Phạm Hồng T phạm tội “Tham ô tài sản”.

Áp dụng Điểm a Khoản 3 Điều 353; Điểm b, s Khoản 1; Khoản 2 Điều 51; Điểm g Khoản 1 Điều 52; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Xử phạt bị cáo Phạm Hồng T 08 (tám) năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án nhưng được trừ vào thời hạn tạm giam từ ngày 24/11/2016 đến ngày 21/7/2017.

2/Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng Khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Buộc bị cáo Phạm Hồng T phải nộp 502.000.000 (năm trăm lẻ hai triệu) đồng trả lại ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố TDM, nhưng được trừ vào số tiền 450.000.000 (bốn trăm năm mươi triệu) đồng mà bị cáo đã nộp tại Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương (theo biên lai thu tiền số AA/2014/0002787 ngày 23/4/2019); buộc bị cáo còn phải nộp 52.000.000 (năm mươi hai triệu) đồng vào Ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

Buộc bị cáo Phạm Hồng T trả lại 83.000.000 (tám mươi ba triệu) đồng cho đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Ngày 07/05/2019, bị cáo Phạm Hồng T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương; nội dung kháng cáo như sau:

-Bị cáo Phạm Hồng T thừa nhận có sai phạm về mặt quản lý trong quá trình công tác tại Đội Thanh niên xung phong-tỉnh Đoàn Bình Dương nhưng đó chỉ là những sai phạm về nghiệp vụ, sổ sách; bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tài sản, không tham ô tài sản.

Bị cáo Phạm Hồng T đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo trình bày yêu cầu kháng cáo như sau:

-Bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo như đã nói trên; bị cáo kháng cáo kêu oan, cho rằng bị cáo không chiếm đoạt số tiền như bản án sơ thẩm đã quy kết, không chiếm đoạt số tiền 502.000.000 đồng thực hiện đề án an toàn giao thông và số tiền 83.000.000 đồng đề án nuôi bò, vì những khoản tiền này vẫn còn trong quỹ của Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện của nguyên đơn dân sự (Ủy ban nhân dân thành phố TDM và Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương) và người đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Công an tỉnh Bình Dương) đều khai rằng do mới nhận chức vụ nên họ không biết rõ về những sự việc đã xảy ra liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Hồng T.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người làm chứng Trần Thị Yến P (là thủ quỹ của Đội Thanh niên xung phong tỉnh Đoàn Bình Dương từ tháng 06/2014 đến tháng 08/2015) cho rằng bị cáo Phạm Hồng T không chiếm đoạt số tiền 83.000.000 đồng đề án nuôi bò vì số tiền này đã được Phạm Hồng T nộp về quỹ của Đội Thanh niên xung phong vào các ngày 20/08/2015 và ngày 27/08/2015; bị cáo Phạm Hồng T cũng không chiếm đoạt số tiền 502.000.000 đồng của đề án an toàn giao thông tại tỉnh Bình Dương như bản án sơ thẩm đã quy kết.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến như sau:

-Về thủ tục tố tụng:

Tòa án cấp sơ thẩm xét xử, tuyên án vào ngày 25/04/2019. Vào ngày 07/05/2019, bị cáo Phạm Hồng T có đơn kháng cáo; việc kháng cáo của bị cáo thực hiện trong hạn luật định, được chấp nhận.

-Về nội dung giải quyết vụ án:

Theo bản cáo trạng và bản án sơ thẩm, bị cáo Phạm Hồng T biết rằng số tiền 502.000.000 đồng phụ cấp trả cho Đội Thanh niên xung phong Bình Dương (tổ TDM) từ tháng 01/2014 đến tháng 02/2015 trong việc thực hiện đề án “Thanh niên xung phong Bình Dương tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông” đã được Công an tỉnh Bình Dương quyết toán và số tiền này đã được nhập vào quỹ của Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương nhưng Phạm Hồng T vẫn chỉ đạo nhân viên Đội Thanh niên xung phong quyết toán khống số tiền này (502.000.000 đồng) vào tổng số tiền 3.413.600.000 đồng tạm ứng từ ngân sách Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, để từ đó cho rằng bị cáo chiếm đoạt số tiền 502.000.000 đồng này và xét xử bị cáo về tội “Tham ô tài sản”; việc cấp sơ thẩm xét xử như vậy là chưa có căn cứ pháp luật, lý do như sau:

-Tài liệu, chứng cứ của vụ án thể hiện rằng có việc lập chứng từ khống để quyết toán khống số tiền 502.000.000 đồng nhưng không có căn cứ để kết luận rằng bị cáo Phạm Hồng T đã chiếm đoạt số tiền này. Các lời khai của người làm chứng, lời khai những người liên quan, lời khai nhận của bị cáo....và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án chưa làm rõ bị cáo Phạm Hồng T đã chiếm đoạt số tiền 502.000.000 đồng; nếu bị cáo Phạm Hồng T chiếm đoạt thì cách thức chiếm đoạt như thế nào, chiếm đoạt bằng tiền mặt hay bằng hình thức khác (chuyển khoản....)...đều chưa được cấp sơ thẩm chứng minh rõ ràng. Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương là một đơn vị hoạt động có thu, có sổ sách kế toán và có người thực hiện thủ tục về kế toán theo quy định của pháp luật. Đúng ra, trong trường hợp này, cấp sơ thẩm cần thiết phải trưng cầu giám định về tài chính tại Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương, nhưng cấp sơ thẩm chưa thực hiện việc này.

Nếu cho rằng có việc thất thoát số tiền 502.000.000 đồng thì sự việc này liên quan đến nhiều người khác, như: Phạm Hồng T là người chỉ đạo lập quyết toán khống; ông Phạm Duy Anh, bà Nguyễn Thị H cung cấp bảng lương; ông Nguyễn Hoàng S ký thay cho 05 đội viên Thanh niên xung phong; bà Nguyễn Thị Diễm L ký tên phần phụ trách kế toán....những người này đều góp sức cho Phạm Hồng T thực hiện quyết toán khống, có dấu hiệu là đồng phạm với Phạm Hồng T, nhưng cấp sơ thẩm chưa đề cập, xem xét trách nhiệm hình sự của họ; sự việc này có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra, tỉnh Đoàn Bình Dương còn có Nguyễn Phạm Duy T, Nguyễn Thị Thanh M, Tống Xuân G, Lê Quang N, Nguyễn Thị Lê A, Nguyễn Tấn L, Lý Thuật Hùng cùng tham gia vào việc lập biên bản xét duyệt quyết toán, sau đó đề nghị Sở Tài chính tỉnh Bình Dương quyết toán, thì những người này cũng cần xem xét trách nhiệm theo luật định.

Vào ngày 09/09/2015, tỉnh Đoàn Bình Dương ra quyết định số 499A/QĐ/TĐTN-VP cho Phạm Hồng T thôi giữ chức Đội trưởng đội TNXP kể từ ngày 14/09/2015. Sau thời điểm này, Phạm Hồng T không còn là chủ tài khoản của Đội Thanh niên xung phong nữa; các biên bản quyết toán, hồ sơ quyết toán.......đều được lập sau tháng 09/2015 nhưng cấp sơ thẩm vẫn căn cứ vào đó để truy tố, xét xử bị cáo Phạm Hồng T, là chưa đủ căn cứ pháp luật.

Đối với việc quy kết bị cáo Phạm Hồng T chiếm đoạt số tiền 83.000.000 đồng trong đề án “Nuôi bò”, theo các phiếu thu số 10, 14, 16, 17 ngày 27/08/2015 của Đội Thanh niên xung phong, thì bị cáo đã nộp lại số tiền 86.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ số tiền bị cáo nộp lại là số tiền gì, có mối liên hệ như thế nào với số tiền 83.000.000 đồng quy kết bị cáo chiếm đoạt. Lời khai của người làm chứng Trần Thị Yến P (là thủ quỹ của Đội Thanh niên xung phong từ tháng 06/2014 đến tháng 08/2015) trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm đều xác nhận rằng bị cáo Phạm Hồng T đã nộp lại số tiền 83.000.000 đồng trong đề án “Nuôi bò” cho Đội Thanh niên xung phong (nhưng tại thời điểm nộp tiền, tháng 08/2015, do có nhiều công việc khác, nên các phiếu thu này chưa ghi đúng nội dung của việc thu tiền).

Mặt khác, theo lời khai của bị cáo Phạm Hồng T, lời khai của những người trước đây đã từng là thủ quỹ, kế toán của Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương, thì bị cáo Phạm Hồng T còn cho Đội Thanh niên xung phong mượn khoản tiền hơn 4 tỷ đồng, đến nay chưa lấy lại được; tình tiết này chưa được cấp sơ thẩm làm rõ.

Với những ý kiến nói trên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng chưa đủ căn cứ pháp luật để quy kết Phạm Hồng T phạm tội “Tham ô tài sản”, chưa xem xét và đánh giá tài liệu, chứng cứ một cách toàn diện, chưa xem xét đầy đủ trách nhiệm của những người liên quan khác theo luật định. Vì vậy, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng T trình bày ý kiến như sau:

-Đối với việc quy kết bị cáo Phạm Hồng T chiếm đoạt số tiền 502.000.000 đồng trong đề án “Thanh niên xung phong Bình Dương tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông”:

Đội Thanh niên xung phong thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương thành lập vào tháng 02/2004, là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc tỉnh Đoàn Bình Dương; từ năm 2004 đến năm 2012 là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động; từ năm 2013 đến nay là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.

Tháng 06/2009, tỉnh Đoàn Bình Dương ra quyết định bổ nhiệm Phạm Hồng T giữ chức vụ Đội trưởng đội TNXP; đến ngày 09/9/2015, tỉnh Đoàn Bình Dương ra quyết định cho Phạm Hồng T thôi giữ chức Đội trưởng đội TNXP kể từ ngày 14/09/2015. Sau đó, bà Nguyễn Thị Lê A là quyền đội trưởng Đội Thanh niên xung phong; các hồ sơ, sổ sách đã được bàn giao cho đội trưởng mới.

Trong cương vị quyền đội trưởng Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Lê A đã có nhiều hành vi không trung thực trong việc lập chứng từ để quyết toán kinh phí tạm ứng, số tiền là 3.413.600.000 đồng. Vào ngày 31/12/2015, bà Nguyễn Thị Lê A chỉ giao 29 tập chứng từ để quyết toán số tiền 1.901.451.000 đồng, còn lại không có chứng từ đối với số tiền 1.512.149.000 đồng. Tại thời điểm này, Phạm Hồng T đã không còn là đội trưởng Đội Thanh niên xung phong nên không thể quy kết bị cáo thực hiện việc quyết toán khống đối với số tiền 502.000.000 đồng như cáo trạng và bản án sơ thẩm đã nêu ra. Các lời khai của bà Nguyễn Thị Lê A (bút lục 559), của ông Lương Phạm Duy A, của bà Nguyễn Thị H (bút lục 488-492; 486; 551) thể hiện rằng Phạm Hồng T đã biết việc quyết toán trùng tài liệu, nên đã yêu cầu đội Thanh niên xung phong trả lại tiền, nhưng bà Nguyễn Thị Lê A không thực hiện mà đùn đẩy trách nhiệm cho Phạm Hồng T-vào lúc này đã không còn là đội trưởng đội Thanh niên xung phong. Phạm Hồng T đã thôi giữ chức vụ từ tháng 09/2015, các chứng cứ quyết toán trùng lập vào tháng 12/2015, tháng 01/2016 nên không thể là căn cứ để kết luận Phạm Hồng T phạm tội “Tham ô tài sản”.

-Đối với việc quy kết bị cáo Phạm Hồng T chiếm đoạt số tiền 83.000.000 đồng trong đề án “Nuôi bò”:

Vào tháng 08/2015, Phạm Hồng T nhờ bà Nguyễn Ngọc Tuấn A bán giúp 06 con bò, được 211.600.000 đồng. Sau khi bà Nguyễn Ngọc Tuấn A dùng số tiền này trừ vào các khoản tiền mà đội Thanh niên xung phong còn nợ, thì bà Nguyễn Ngọc Tuấn A trả lại 83.000.000 đồng cho đội Thanh niên xung phong. Nhưng tại thời điểm đó, đội Thanh niên xung phong không mở tài khoản tại Vietcombank, trong khi Phạm Hồng T có tài khoản tại đây. Vì vậy, bà Nguyễn Ngọc Tuấn A đã trả khoản tiền nay qua tài khoản của Phạm Hồng T.

Sau đó, vào các ngày 20/08/2015; 27/08/2015, Phạm Hồng T đã trả lại số tiền này cho đội Thanh niên xung phong, do thủ quỹ Trần Thị Yến P ghi phiếu. Tuy nhiên, thủ quỹ Trần Thị Yến P đã ghi không đúng nội dung việc nộp tiền của Phạm Hồng T (ghi là thu tiền của Phạm Hồng T cho đội Thanh niên mượn, thay vì phải ghi là tiền bán bò). Sau này, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Trần Thị Yến P đã xác nhận sự việc vừa nêu. Do đó, việc quy kết Phạm Hồng T chiếm đoạt số tiền 83.000.000 trong đề án “Nuôi bò”, là không có căn cứ pháp luật.

Với những ý kiến nói trên, Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng T đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử vụ án, xác định Phạm Hồng T không phạm tội “Tham ô tài sản”.

(có bài bào chữa của Luật sư kèm theo).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đội Thanh niên xung phong (đội TNXP) thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương thành lập theo quyết định số 13/2004/QĐ-UBND ngày 10/02/2004 và quyết định số 5359/QĐ-UBND ngày 22/11/2006 (quyết định bổ sung nhiệm vụ). Theo các quyết định này, đội TNXP là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc tỉnh Đoàn Bình Dương, có chức năng tập hợp lao động trẻ tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương và tổ chức sự kiện truyền thông, dịch vụ quảng cáo. Từ năm 2004 đến năm 2012, cơ chế tài chính của đội TNXP là tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động; từ năm 2013 đến nay là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.

[2]Vào ngày 01/6/2009, tỉnh Đoàn Bình Dương ra quyết định số 200/QĐ/TĐ bổ nhiệm Phạm Hồng T giữ chức vụ Đội trưởng đội TNXP; ngày 23/5/2014, tỉnh Đoàn Bình Dương ra quyết định số 292/QĐ/TĐTN-VP bổ nhiệm Phạm Hồng T, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Bình Dương, kiêm nhiệm chức vụ Đội trưởng đội TNXP. Đến ngày 09/9/2015, tỉnh Đoàn Bình Dương ra quyết định số 499A/QĐ/TĐTN-VP cho Phạm Hồng T thôi giữ chức Đội trưởng đội TNXP kể từ ngày 14/09/2015; sau đó, bà Nguyễn Thị Lê A là quyền Đội trưởng đội Thanh niên xung phong.

Bản cáo trạng và bản án sơ thẩm xác định rằng trong quá trình giữ chức vụ Đội trưởng đội TNXP, từ ngày 01/06/2009 đến ngày 14/09/2015, Phạm Hồng T đã thực hiện hành vi phạm tội “Tham ô tài sản”, như sau:

-Hành vi trong thực hiện đề án “Thanh niên xung phong Bình Dương tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông” (gọi tắt là đề án an toàn giao thông):

 Vào ngày 25/02/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ra quyết định số 508/QĐ-UBND phê duyệt đề án an toàn giao thông; lực lượng tham gia đề án có 05 tổ, gồm: tuyến tỉnh 1, tuyến tỉnh 2, TDM, DA và TA; đề án được thực hiện qua 02 giai đoạn:

-Giai đoạn 1: từ năm 2008 đến hết năm 2013, (thực hiện theo quyết định số 508/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương):

-Giai đoạn 2 từ năm 2014 đến tháng 01/2016. Trong giai đoạn này, đề án chưa được phê duyệt, nhưng thực tế, đội TNXP vẫn duy trì hoạt động; để trả lương, phụ cấp cho đội viên, đội TNXP tạm ứng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 của đề án “Thanh niên xung phong Bình Dương tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông” nói trên, Phạm Hồng T có những sai phạm như sau:

Quá trình thực hiện đề án tại Tổ TDM từ tháng 01/2014 đến tháng 02/2015, ông Nguyễn Hoàng S và ông Bùi Nguyễn Thanh Y là Tổ trưởng và Tổ phó Tổ TDM trực tiếp thực hiện việc chấm công cho các tổ viên Tổ TDM và cung cấp cho Công an thành phố TDM để nhận tiền từ nguồn ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố TDM, rồi sau đó chuyển cho đội TNXP để trả tiền phụ cấp cho các đội viên. Sau mỗi kỳ quyết toán (khoảng từ 01 – 03 tháng), theo chỉ đạo của Phạm Hồng T, ông Nguyễn Hoàng S nhận tiền mặt do Công an thành phố TDM chi trả cho các đội viên, tổng số tiền là 502.000.000 đồng, rồi nộp vào quỹ đội TNXP qua bộ phận kế toán, để chi phụ cấp cho các đội viên làm việc trong giai đoạn này.

Vào tháng 10/2014 và tháng 02/2015, Phạm Hồng T chỉ đạo nhân viên của đội TNXP lập chứng từ, làm thủ tục tạm ứng kinh phí từ ngân sách tỉnh Bình Dương là 3.413.600.000 đồng để trả lương, phụ cấp cho 04 Tổ an toàn giao thông, gồm có: Tổ TA, Tổ TDM, Tổ Tuyết tỉnh 1, Tổ Tuyến tỉnh 2; số tiền này được tạm ứng 02 đợt:

-Tháng 10/2014 ứng 2.188.900.000 đồng.

-Tháng 02/2015 ứng 1.224.700.000 đồng.

Hồ sơ tạm ứng gồm có: Bảng chấm công của các Tổ trưởng từng tổ lập nên và được Công an thị xã TA, Công an thành phố TDM và Phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Bình Dương xác nhận; bảng tổng hợp chi ứng lương; bảng tạm ứng tiền lương và phụ cấp từng tháng và các giấy tờ, tài liệu khác.

 Đến khoảng tháng 12/2015, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đề nghị tỉnh Đoàn quyết toán số tiền tạm ứng từ ngân sách cho Đề án an toàn giao thông. Ngày 31/12/2015, bà Nguyễn Thị Lê A là quyền Đội trưởng đội TNXP (vào lúc này, Phạm Hồng T đã thôi giữ chức vụ Đội trưởng đội TNXP), ông Nguyễn Tấn L là Phó Đội trưởng đội TNXP phục trách Đề án an toàn giao thông, ông Lý Thuật Hùng là phụ trách kế toán đội TNXP từ ngày 21/9/2015 cùng tiến hành bàn giao toàn bộ chứng từ kế toán về khoản chi lương và phụ cấp cho các đội viên Đề án an toàn giao thông giao đoạn từ 01/01/2014 đến 28/02/2015 cho Phạm Hồng T, ông Tống Xuân G (là Chánh Văn phòng tỉnh Đoàn Bình Dương) và ông Lê Quang N (là kế toán tỉnh Đoàn Bình Dương). Theo các chứng từ này, tổng số tiền chỉ là 1.901.445.000 đồng, như vậy nếu quyết toàn thì đội TNXP phải hoàn ứng ngân sách số tiền 1.512.155.000 đồng nên Phạm Hồng T đề nghị đội TNXP bổ sung đầy đủ chứng từ quyết toàn để không phải hoàn ứng.

Phạm Hồng T yêu cầu ông Lương Phạm Duy A (là nhân viên văn phòng đội TNXP) và bà Nguyễn Thị H (là kế toán đề án an toàn giao thông) cung cấp bảng tổng hợp chi ứng lương từ tháng 01/2014 đến tháng 02/2015 và bảng chi ứng lương từng tháng có ký nhận của đội viên (các chứng từ ngày đã được dùng để tạm ứng ngân sách vào tháng 10/2014 và tháng 02/2015 trước đó với Công an thành phố TDM) để Phạm Hồng T thực hiện việc quyết toán.

Ngày 22/01/2016, đại diện tỉnh Đoàn Bình Dương gồm bà Nguyễn Phạm Duy T (là Bí thư tỉnh Đoàn), bà Nguyễn Thị Thanh M (là Phó Bí thư), ông Tống Xuân G, ông Lê Quang N và đại diện đội TNXP gồm bà Nguyên Thị Lê An, Phạm Hồng T, ông Nguyễn Tấn L, ông Lý Thuật Hùng tiến hành họp lập Biên bản số 02BB/TĐTN-VP về việc xét duyệt quyết toán kinh phí đề án an toàn giao thông từ tháng 01/2014 đến tháng 02/1015, theo đó tỉnh Đoàn Bình Dương thống nhất cho đội TNXP được quyết toán số tiền 3.400.800.000 đồng và chuyển cho Sở Tài chính đề nghị quyết toán. Căn cứ Biên bản số 02/BB/TĐTN- VP của tỉnh Đoàn, Sở Tài chính thống nhất và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho đội TNXP quyết toán số tiền 3.400.800.000 đồng.

Ngày 29/01/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương duyệt chi theo Văn bản số 252/UBND-VX (“... 2. Về kinh phí hỗ trợ cho các đội viên tham gia đề án (với số tiền 3.414.600.000 đồng) đã tạm ứng trong giai đoạn từ tháng 01/2014 đến 02/2015: thống nhất cho tỉnh Đoàn được chuyển từ tạm ứng sang hình thức cấp phát với số tiền 3.400.800.000 đồng, kinh phí hoàn trả tạm ứng ngân sách là 12.800.000 đồng”).

Theo bản cáo trạng và bản án sơ thẩm, Phạm Hồng T biết rõ số tiền phụ cấp chi trả cho các đội viên thuộc Tổ TDM từ tháng 01/2014 đến tháng 02/2015 với tổng số tiền là 502.000.000 đồng đã được Công an thành phố TDM quyết toán; số tiền này đã được nhập vào quỹ của đội TNXP và đã chi trả cho các đội viên nhưng T vẫn chỉ đạo nhân viên đội TNXP lập chứng từ quyết toán khống số tiền 502.000.000 đồng trong số tiền 3.413.600.000 đồng đã tạm ứng từ nguồn ngân sách Ủy bản nhân dân tỉnh Bình Dương vào tháng 10/2014 và tháng 02/2015.

-Hành vi trong thực hiện dự án “Nuôi bò”:

Dự án nuôi bò được đội TNXP thực hiện từ đầu tháng 12/2013, tổng số vốn sẽ đầu tư là 8.633.430.000 đồng, trong đó vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương là 4.500.000 đồng, vốn tự có của đội TNXP là 4.133.430.000 đồng.

Trong quá trình thực hiện dự án nuôi bò, vào ngày 02/4/2015, Phạm Hồng T đại diện đội TNXP ký hợp đồng hợp tác kinh doanh nuôi bò với ông Nguyễn Trung L; nội dung của hợp đồng là ông Nguyễn Trung L góp vốn để mua bò giống, đội TNXP chịu trách nhiệm nuôi và lợi nhuận thu được từ việc bán bò sẽ được chia theo tỉ lệ là ông Lưu được hưởng 45% còn đội TNXP hưởng 55%.

Đến tháng 08/2015, Phạm Hồng T nhờ bà Nguyễn Ngọc Tuấn A, là đối tác của đội TNXP, bán 06 con bò trong số 19 con bò, thu được số tiền là 211.665.000 đồng. Số tiền này được bà Tuấn Anh trừ vào những khoản nợ của đội TNXP như sau: tiền mua sinh khối trùng quế có giá trị là 100.000.000 đồng; tiền mua bạt nuôi trùng, phân bón và 02 tủ đông lạnh trùng quế có tổng giá trị là 28.665.000 đồng; còn lại 83.000.000 đồng thì bà Tuấn Anh đã chuyển vào tài khoản của T mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Bình Dương, vào ngày 24/8/2015.

Trong quá trình điều tra, Phạm Hồng T cho rằng đã rút 83.000.000 đồng để đưa vào quỹ đội TNXP. Tuy nhiên, căn cứ vào bản sao kê tài khoản của Phạm Hồng T tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Bình Dương, và sổ quỹ tiền mặt của đội TNXP, thì không thấy việc ghi nhận số tiền trên được Phạm Hồng T trả vào quỹ đội TNXP kể từ sau khi bà Tuấn Anh chuyển tiền vào tài khoản của Phạm Hồng T. Như vậy, Phạm Hồng T tự ý chiếm đoạt số tiền 83.000.000 đồng từ việc bán bò.

 [3] Việc quy kết và xét xử bị cáo Phạm Hồng T về tội “Tham ô tài sản” như đã nói trên, là chưa có căn cứ pháp luật, lý do như sau:

Tội “Tham ô tài sản” là một trong những tội thuộc nhóm các tội phạm về tham nhũng.

Điều 353 của Bộ luật Hình sự quy định về tội “Tham ô tài sản” như sau: “1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm:

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức:

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm:

c) Phạm tội 02 lần trở lên:

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng:

 đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn:

e)Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng:

 g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng:

 đồng:

 b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội:

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên:

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên……..”.

Với sự quy định về tội “Tham ô” theo điều luật viện dẫn nói trên, yếu tố “Chiếm đoạt tài sản” là yếu tố phải có, là yêu cầu “Cần” và “Đủ” để có thể buộc tội và xét xử bị cáo về tội “Tham ô tài sản”.

Trong vụ án nói trên, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm chưa chứng minh được rằng Phạm Hồng T đã chiếm đoạt số tiền 502.000.000 đồng trong đề án “Thanh niên xung phong Bình Dương tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông” và đã chiếm đoạt số tiền 83.000.000 đồng trong thực hiện dự án “Nuôi bò”, cụ thể như sau:

-Các tài liệu, chứng cứ của vụ án thể hiện rằng có sự việc lập chứng từ không đúng (lập trùng chứng từ) để từ đó quyết toán lại số tiền 502.000.000 đồng đã được ngân sách tỉnh Bình Dương chi tạm ứng cho đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương và tại thời điểm đó (tháng 01/2014; tháng 02/2015), số tiền này đã được chuyển vào quỹ của đội Thanh niên xung phong để chi trả cho các đội viên. Tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ của vụ án không chứng minh được rằng bị cáo Phạm Hồng T đã chiếm đoạt số tiền 502.000.000 đồng này; các lời khai của người làm chứng, lời khai những người liên quan, lời khai nhận của bị cáo....và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án chưa làm rõ bị cáo Phạm Hồng T đã chiếm đoạt số tiền 502.000.000 đồng; nếu bị cáo Phạm Hồng T chiếm đoạt thì cách thức chiếm đoạt như thế nào, chiếm đoạt bằng tiền mặt hay bằng hình thức khác (chuyển khoản....)...đều chưa được cấp sơ thẩm chứng minh rõ ràng.

Ngoài ra, về mặt pháp luật, Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương là một đơn vị hoạt động có thu, có sổ sách kế toán và có người thực hiện những thủ tục kế toán theo luật pháp về kế toán. Như vậy, đúng ra, cấp sơ thẩm cần thiết phải trưng cầu giám định về tài chính tại Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương trong những khoảng thời gian quy kết bị cáo chiếm đoạt tiền, thì mới đủ căn cứ xét xử bị cáo về tội “Tham ô tài sản”; cấp sơ thẩm chưa thực hiện việc này.

 Mặt khác, nếu cho rằng có việc thất thoát số tiền 502.000.000 đồng thì ngoài Phạm Hồng T, sự việc này liên quan đến nhiều người khác, thí dụ như: ông Phạm Duy Anh, bà Nguyễn Thị H cung cấp bảng lương; ông Nguyễn Hoàng S ký thay cho 05 đội viên Thanh niên xung phong; bà Nguyễn Thị Diễm L ký tên phần phụ trách kế toán....những người này đều liên quan đến việc lập và sử dụng chứng từ trùng, giúp cho Phạm Hồng T thực hiện quyết toán trùng. Trong trường hợp đó, việc cấp sơ thẩm chưa đề cập, xem xét trách nhiệm hình sự của những người đó, là có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, tỉnh Đoàn Bình Dương còn có bà Nguyễn Phạm Duy T, bà Nguyễn Thị Thanh M, ông Tống Xuân G, ông Lê Quang N, bà Nguyễn Thị Lê A, ông Nguyễn Tấn L, ông Lý Thuật Hùng cũng tham gia vào việc lập biên bản xét duyệt quyết toán, sau đó đề nghị Sở Tài chính tỉnh Bình Dương quyết toán; trách nhiệm của những người này chưa được xem xét đúng theo quy định của pháp luật.

Vào ngày 09/09/2015, tỉnh Đoàn Bình Dương ra quyết định số 499A/QĐ/TĐTN-VP cho Phạm Hồng T thôi giữ chức Đội trưởng đội TNXP kể từ ngày 14/09/2015. Sau thời điểm này, Phạm Hồng T không còn là chủ tài khoản của Đội Thanh niên xung phong nữa; các biên bản quyết toán, hồ sơ quyết toán.......đều được lập sau tháng 09/2015 nhưng cấp sơ thẩm vẫn căn cứ vào đó để truy tố, xét xử bị cáo Phạm Hồng T, là chưa đủ căn cứ pháp luật.

-Đối với việc quy kết bị cáo Phạm Hồng T chiếm đoạt số tiền 83.000.000 đồng trong đề án “Nuôi bò”:

Đến tháng 08/2015, Phạm Hồng T nhờ bà Nguyễn Ngọc Tuấn A, là đối tác của đội TNXP, bán 06 con bò trong số 19 con bò, thu được số tiền là 211.665.000 đồng. Số tiền này được bà Tuấn Anh trừ vào những khoản nợ của đội TNXP như sau: tiền mua sinh khối trùng quế có giá trị là 100.000.000 đồng; tiền mua bạt nuôi trùng, phân bón và 02 tủ đông lạnh trùng quế có tổng giá trị là 28.665.000 đồng; còn lại 83.000.000 đồng thì bà Tuấn Anh đã chuyển vào tài khoản của T mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Bình Dương, vào ngày 24/08/2015.

Theo các phiếu thu số 10, 14, 16, 17 ngày 27/08/2015 của đội Thanh niên xung phong, thì bị cáo Phạm Hồng T nộp lại số tiền 86.000.000 đồng vào quỹ của đội Thanh niên xung phong. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ số tiền bị cáo nộp lại này là khoản tiền gì, có sự liên hệ như thế nào với số tiền 83.000.000 đồng mà cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo Pham Hồng T chiếm đoạt.

 Bà Trần Thị Yến P (là thủ quỹ của Đội Thanh niên xung phong từ tháng 06/2014 đến tháng 08/2015), trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm đều xác nhận rằng bị cáo Phạm Hồng T đã nộp lại số tiền 83.000.000 đồng trong đề án “Nuôi bò” cho Đội Thanh niên xung phong. Tuy nhiên, tại thời điểm nộp tiền (tháng 08/2015), do bận nhiều công việc, nên các phiếu thu này chưa ghi đúng nội dung của việc thu tiền (phiếu thu ghi là “tiền mượn anh T chuyển lên nông trường”).

Như vậy, cần thiết phải xem xét, đối chiếu lại với các chứng từ nói trên, xem xét lại về số tiền hiện nay còn lại trong quỹ của đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương, thì mới có căn cứ kết luận như bản cáo trạng và bản án sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Hồng T.

[4]Với các tài liệu, chứng cứ, tình tiết của vụ án đã phân tích nói trên, việc cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Hồng T về tội “Tham ô tài sản” theo Điểm a Khoản 3 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là chưa có căn cứ pháp luật. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 345; Điều 355; Điều 358 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015:

1/Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HSST ngày 25/04/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương để điều tra lại vụ án.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương thụ lý, giải quyết lại vụ án theo quy định chung.

2/Về án phí phúc thẩm: bị cáo Phạm Hồng T không phải chịu.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

350
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2020/HS-PT ngày 14/01/2020 về tội tham ô tài sản

Số hiệu:14/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/01/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về