Bản án 14/2019/HSST ngày 11/01/2019 về tội tham ô tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 14/2019/HSST NGÀY 11/01/2019 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Ngày 11 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩmthụ lý số 03/2018/TLST-HS ngày 05 tháng 12 năm 2018 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 17/2018/QĐXXST-HS ngày 27 tháng 12 năm 2018 đối với bị cáo:

Lò Thị Th, tên gọi khác: không, sinh ngày 20/10/1988 tại SM, Sơn La; nơi cư trú: Bản NN 1, xã NN, huyện SM, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Nguyên Kế toán trường Trung học cơ sở S và Mầm non Đ S; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Thái; giới tính: Nữ; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; Đảng phái đoàn thể: không; con ông: Lò Văn T (đã chết) và bà: Cà Thị K; có chồng là Lò Văn Q và 02 con (con lớn sinh năm 2011, con nhỏ sinh năm 2014); tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 02/01/2018 đến nay, có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trần Minh H - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Trần Huấn, Đoàn Luật sư tỉnh Sơn La. Có mặt.

* Nguyên đơn dân sự:

1. Trường Trung học cơ sở S, huyện SM, tỉnh Sơn La: Đại diện là ông Lương Hồng S1 - Phó Hiệu trưởng. Có mặt.

2. Trường Mầm non Đ S, huyện SM, tỉnh Sơn La: Đại diện là bà Phan Thị H1 - Phó Hiệu trưởng. Có mặt.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Thanh tra huyện SM, tỉnh Sơn

La, Đại diện là ông Ngô Đình H2 - Chánh thanh tra. Có mặt.

* Người làm chứng:

1. Anh Lò Văn Q, sinh năm: 1982; Nơi ĐKHKTT: Bản NN 1, xã NN, huyện SM, tỉnh Sơn La; Chỗ ở: Bản Lo, xã C, huyện M, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Nghề nghiệp: Giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS M, huyện SM. Có mặt.

2. Chị Lò Thị T1, sinh năm: 1989; Nơi cư trú: Bản B, xã S, huyện SM, tỉnh Sơn La. Có mặt.

3. Anh Đinh Ngọc Q, sinh năm: 1986. Nơi cư trú: Bản Coóng Nọi, phường CC, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Cán bộ Ngân hàng TMCP B, phòng Giao dịch SM. Có mặt.

4. Chị Tòng Minh D, sinh năm: 1988; Nơi cư trú: Tổ 1, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Cán bộ Ngân hàng TMCP B, phòng Giao dịch SM. Có mặt.

5. Anh Hoàng Anh Đ1, sinh năm: 1987; Nơi cư trú: Tổ dân phố 1, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Cán bộ Kho bạc Nhà nước huyện S. Có mặt.

6. Bà Nguyễn Thị H4, sinh năm: 1962; Nơi cư trú: Tổ dân phố 7, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La. Có mặt.

7. Chị Đỗ Thị M, sinh năm: 1980; Nơi cư trú: Bản L, xã NN, huyện SM, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Kế toán Kho bạc Nhà nước huyện SM. Có mặt.

8. Bà Nguyễn Thị T3, sinh năm: 1963; Nơi cư trú: Tổ 5, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Cán bộ Kho bạc Nhà nước huyện SM. Có mặt. 

9. Ông Tòng Văn T2, sinh năm: 1967; Nơi cư trú: Tổ dân phố 2, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Giáo viên - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở S, SM. Có mặt.

10. Anh Vì Văn Ch, sinh năm: 1984; Nơi cư trú: Bản Nà Cần, xã S, huyện SM, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Thủ quỹ Trường Trung học cơ sở S, SM. Có mặt.

11. Anh Đỗ X L1, sinh năm: 1982; Nơi cư trú: Tổ dân phố 12, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Giáo viên Trường Trung học cơ sở S, SM. Có mặt.

12. Anh Nguyễn X Y, sinh năm: 1978; Nơi cư trú: Bản Thắng Lợi, xã S, huyện SM, tỉnh Sơn La. Nghề nghiệp: Giáo viên Trường Trung học cơ sở S, SM. Có mặt.

13. Ông Lò Văn L2, sinh năm: 1970; Nơi cư trú: Tổ dân phố 12, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La. Có mặt.

14. Chị Lò Thị T4, sinh năm: 1984; Nơi cư trú: Tổ 10, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Thủ quỹ trường Mầm non Đ - S. Có mặt.

15. Chị Nguyễn Thị S1, sinh năm: 1972; Nơi cư trú: Bản Quảng Tiến, xã S, huyện SM, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Giáo viên -Hiệu trưởng trường Mầm non Đ - S. Có mặt.

16. Chị Lò Thị Kim T5, sinh năm: 1973; Nơi cư trú: Tổ 3, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Giáo viên trường Mầm non thị trấn SM. Có mặt.

17. Chị Lê Thị X, sinh năm: 1974; Nơi cư trú: Tổ 5, thị trấn SM, huyện SM, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Giáo viên trường Mầm non Ánh D - SM. Có mặt.

18. Chị Quàng Thị T6, sinh năm: 1985; Nơi cư trú: Bản Phiêng Xa, xã S, huyện SM, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Giáo viên trường Mầm non Đ - S. Có mặt.

19. Chị Vì Thị Ch1, sinh năm: 1986; Nơi cư trú: Bản Phiêng Xa, xã S, huyện SM, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Giáo viên trường Mầm non Đ - S. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lò Thị Th, nguyên kế toán trưởng trường Trung học cơ sở S và Trường Mầm non Đ, xã S, huyện SM, tỉnh Sơn La, chức năng nhiệm vụ được giao: Quản lý thu, chi, hạch toán nguồn tài chính của Trường Trung học cơ sở S và Trường Mầm non Đ S. Trong thời gian từ tháng 01/2016 đến tháng 05/2017, Lò Thị Th đã lập khống chứng từ thanh toán, lập khống Giấy tạm ứng và Giấy rút dự toán ngân sách, ký giả mạo chữ ký của chủ tài khoản, chiếm đoạt ngân sách Nhà nước với tổng số tiền 618.848.046đ (Sáu trăm mười tám triệu, tám trăm bốn tám nghìn, không trăm bốn sáu đồng), trong đó: Chiếm đoạt của Trường THCS S 385.665.546đ (Ba trăm tám lăm triệu, sáu trăm sáu lăm nghìn, năm trăm bốn sáu đồng), Trường Mầm Non Đ S 233.182.500đ (Hai trăm ba mươi ba triệu, một trăm tám hai nghìn, năm trăm đồng) để sử dụng, chi tiêu cá nhân. Hành vi phạm tội của bị cáo cụ thể như sau:

1. Hành vi tham ô tài sản từ dự toán ngân sách Nhà nước cấp cho trường Trung học cơ sở S, huyện SM.

Trong thời gian được giao nhiệm vụ là kế toán Trường Trung học cơ sở S, lợi dụng việc chủ tài khoản còn thiếu kiến thức trong công tác quản lý tài chính, thiếu kiểm tra, giám sát, Lò Thị Th đã 04 lần lập khống Giấy rút dự toán ngân sách, 08 lần lập khống chứng từ và 02 lần lập Giấy rút tiền mặt tại tài khoản tiền gửi (tài khoản 3713) để rút tiền mặt của Trường THCS S tại Kho Bạc Nhà nước huyện Sông Mã với tổng số tiền: 292.505.000đ bằng những thủ đoạn sau:

1.1. Thông qua việc lập khống Giấy rút dự toán ngân sách tạm ứng thêm giờ; tạm ứng công tác phí; tạm ứng mua tài liệu; mua văn phòng phẩm.

Để có tiền sử dụng, chi tiêu cá nhân, trong thời gian từ tháng 01/2016 đến tháng 6/2016, Lò Thị Th đã 04 lần lập khống Giấy rút dự toán ngân sách với nội dung rút tạm ứng thêm giờ; tạm ứng công tác phí; tạm ứng mua tài liệu; tiền chè nước, văn phòng phẩm (Giấy rút dự toán ngân sách số 03 ngày 29/01/2016 số tiền: 17.420.000đ; số 04 ngày 03/2/2016 số tiền: 17.150.000đ; số 01 ngày 13/3/2016 số tiền: 25.407.000đ và số 09 ngày 27/6/2016 số tiền: 20.448.000đ) trình Tòng Văn T2 - Hiệu trưởng, chủ tài khoản ký duyệt với tổng số tiền 80.425.000đ. Để che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản, Th đã nhờ Lò Văn Q (chồng Th) giáo viên dạy môn Sinh - Hóa của trường đến Kho bạc Nhà nước huyện SM rút tiền (do Trường Trung học cơ sở S là đơn vị được giao tự chủ tài chính trong hoạt động, không quy định người đi rút tiền mặt phải là thủ quỹ của đơn vị). Sau khi rút tiền, Lò Văn Q đưa toàn bộ số tiền trên cho Lò Thị Th, Th không làm thủ tục nhập quỹ theo quy định mà chiếm đoạt sử dụng, chi tiêu cá nhân.

Ngoài ra, Lò Thị Th còn sử dụng phần mềm MISA lập khống 08 Giấy rút dự toán ngân sách với nội dung: Rút tiền làm thêm giờ, tiền công tác phí, tiền mua tài liệu, thanh toán lương tháng 7,8,9/2016, tiền phép năm 2016, điền tên Lò Văn Q vào mục người nhận tiền, sau đó Th ký giả mạo chữ ký của ông Tòng Văn T2 chủ tài khoản và mượn dấu của trường tại phòng văn thư đóng dấu vào chứng từ, bao gồm: Giấy rút dự toán ngân sách số 09, ngày 19/7/2016: 12.970.000đ; số 12, ngày 29/7/2016: 28.520.000đ; số 17, ngày 12/8/2016: 27.520.000đ; số 17, ngày 30/8/2016: 27.520.000đ; số 19, ngày 14/9/2016: 29.720.000đ; số, 20 ngày 23/9/206: 24.250.000đ; số 28, ngày 15/11/206: 3.000.000đ và số 28, ngày 15/11/2016: 18.780.000đ. Tổng số tiền của 08 chứng từ là 172.280.000đ, sau đó Th chuyển chứng từ đến Kho bạc huyện SM để đăng ký rút tiền. Cũng tương tự như những lần trước, Th nhờ Lò Văn Q đến kho bạc rút tiền và yêu cầu Q đưa lại cho Th. Sau khi nhận tiền Th đã sử dụng, chi tiêu cá nhân.

Như vậy: Tổng số tiền Th chiếm đoạt thông qua lập khống chứng từ, giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để rút tạm ứng tiền làm thêm giờ; tạm ứng công tác phí; tạm ứng mua tài liệu; mua văn phòng phẩm để chiếm đoạt số tiền là: 252.705.000đ.

1.2. Thông qua việc chi trả chế độ thai sản, ốm đau

Ngày 13/9/2016, Lò Thị Th lập danh sách đề nghị chi trả chế độ thai sản cho 02 giáo viên là Lường Thị Nhvà PhạmThị H3 trình Tòng Văn T2 - chủ tài khoản ký duyệt, sau đó Th gửi chứng từ đến Bảo hiểm xã hội huyện SM làm thủ tục thanh toán theo quy định. Th nảy sinh ý định sử dụng nguồn tiền ngân sách chi trả tiền chế độ thai sản trước cho Nhân và Hiền, khi Bảo hiểm xã hội cấp tiền về cho đơn vị sẽ chiếm đoạt. Ngày 29/9/2016, Th lập Giấy rút dự toán ngân sách số 21 với nội dung chuyển lương tháng 9/2016, số tiền 38.962.000đ và lập danh sách của hai đối tượng gồm Lường Thị Nh và Phan Thị H3 trình Tòng Văn T2 - Hiệu trưởng, chủ tài khoản ký duyệt. Th mang chứng từ ra Kho bạc, đề nghị Kho bạc và Ngân hàng ABBANK chi nhánh huyện SM chuyển tiền vào tài khoản số 1451004174084 của Lường Thị Nh: 17.894.000đ và tài khoản số 14510041655085 của Phạm Thị Hiền: 21.068.000đ. Đến ngày 17/10/2016, Bảo hiểm xã hội huyện SM mới duyệt thanh toán chế độ thai sản và dưỡng sức sau sinh cho 02 đối tượng và chuyển vào tài khoản 3713 (tài khoản tiền gửi) của Trường THCS Chiềng Sơ mở tại Kho bạc huyện SM với số tiền 39.803.800đ. Để chiếm đoạt số tiền trên, Th lập 02 giấy rút tiền mặt số 03 ngày 28/10/2016 số tiền 36.000.000đ và ngày 7/11/2016 với số tiền 39.800.000đ, sau đó Th giả mạo chữ ký của ông Tòng Văn T2, chủ tài khoản, lấy chứng minh nhân dân của Lò Văn Q điền tên và số chứng minh nhân dân người nhận tiền và nhờ Lò Văn Q đến Kho bạc huyện SM rút tiền. Sau khi rút tiền, Q đã giao lại cho Th, Th không nhập quỹ để bù vào số tiền ngân sách đã sử dụng thanh toán chế độ thai sản cho Nhân và Hiền mà chiếm đoạt sử dụng, chi tiêu cá nhân.

Sau khi Phòng giáo dục đào tạo huyện SM và Thanh tra huyện SM kiểm tra phát hiện Lò Thị Th đã sử dụng tiền ngân sách chi trả tiền chế độ thai sản cho 02 đối tượng là không đúng nguồn, ngày 19/10/2017, Lường Thị Nhân và Phan Thị Hiền trả lại cho Th số tiền đã nhận, Th đã nộp vào Quỹ của trường theo quy định.

Khoảng tháng 11/2017, Lò Thị Th đã chi trả tiền chế độ thai sản cho Lường Thị Nh: 16.514.000đ và Phạm Thị H3: 23.289.800đ theo đúng chế độ do Bảo hiểm xã hội thanh toán.

Như vậy, Lò Thị Th đã chiếm đoạt tiền chế độ thai sản, dưỡng sức sau sinh của 2 trường hợp là 39.800.000đ.

1.3. Thông qua việc nâng khống tiền lương, công tác phí và các khoản phụ cấp

Với mục đích chiếm đoạt tiền sử dụng, chi tiêu cá nhân, Lò Thị Th đã 14 lần lập giấy rút dự toán ngân sách và bảng lương trình Tòng Văn T2, chủ tài khoản ký duyệt. Sau khi kiểm tra các bảng thanh toán lương, phụ cấp ghi đúng số tiền chi trả cho từng cán bộ, giáo viên của trường; số tiền trên bảng thanh toán lương, phụ cấp và giấy rút dự toán bằng nhau nên ông T2 đã ký, chuyển lại cho Th (T2 không phát hiện tổng số tiền trong bảng lương đã bị Th nâng khống so với thực tế). Trước khi đem chứng từ ra Ngân hàng ABBANK làm thủ tục chuyển lương cho cán bộ, giáo viên nhà trường, Th thay tờ số 01 của bảng thanh toán lương qua tài khoản thẻ bằng tờ khác mà Th đã chỉnh sửa như: Xóa tên Lương Hồng Sơn (giáo viên mới chuyển đến chưa có tài khoản thanh toán lương qua hệ thống ngân hàng); Lò Văn L2 (bị chủ tài khoản yêu cầu truy thu lương do bị kỷ luật chậm lên lương 4 tháng), sau đó cộng số tiền Th đã nâng khống vào tài khoản của Lò Văn Q và Lò Thị Th, sau đó mang ra Ngân hàng ABBank SM để chuyển tiền vào tài khoản các cá nhân. Bằng thủ đoạn trên, Th đã chiếm đoạt tổng số tiền 77.404.546đ. Cụ thể:

1. Tại 02 Giấy rút dự toán ngân sách số 03 ngày 10/5/2016, chuyển lương và các khoản phụ cấp tháng 5/2016. Th đã nâng khống từ 183.756.555đ lên 186.234.000đ để chiếm đoạt số tiền 1.499.946đ (tăng số tiền chuyển vào tài khoản của Lò Thị Th). Ngoài ra, Th còn sử dụng tiền ngân sách chi trả tiền chế độ ốm đau cho 02 đối tượng sai nguồn số tiền 977.499đ (Mùi Thị Như và Nguyễn Văn Tuấn).

2. 02 Giấy rút dự toán ngân sách số 10 ngày 18/7/2016, chuyển lương và các khoản phụ cấp tháng 7/2016. Th nâng khống từ 187.598.000đ lên 189.598.000đ để chiếm đoạt số tiền 2.000.000đ (tăng số tiền chuyển vào tài khoản của Lò Thị Th 800.000đ, của Lò Văn Q 1.200.000đ).

3. Giấy rút dự toán ngân sách số 16 ngày 9/8/2016, chuyển lương và các khoản phụ cấp tháng 8/2016. Th nâng khống từ 170.121.000đ lên 172.241.000đ để chiếm đoạt số tiền 2.120.000đ từ số tiền bị truy thu lương tháng 4, 5, 6, 7/2016 của ông Lò Văn L2 (tăng số tiền chuyển vào tài khoản của Lò Văn Q 2.120.000).

4. 02 Giấy rút dự toán ngân sách số 18 ngày 19/9/2016, chuyển lương và các khoản phụ cấp tháng 9/2016. Th nâng khống từ 172.512.000đ lên 174.632.000đ để chiếm đoạt số tiền 2.120.000đ (tăng số tiền chuyển vào tài khoản của Lò Văn Q).

5. 02 Giấy rút dự toán ngân sách số 24 ngày 12/10/2016, chuyển lương và các khoản phụ cấp tháng 10/2016. Th nâng khống từ 182.864.290đ lên 189.811.000đ để chiếm đoạt số tiền 6.946.710đ từ khoản tiền lương của Lương Hồng Sơn. Do Sơn mới chuyển đến công tác tại trường nên chưa có tài khoản trả lương, Th kê tên Sơn vào danh sách lương trình Tòng Văn T2 ký. Sau đó, Th xóa tên Sơn trong danh sách chuyển lương gửi ngân hàng ABBANK và tăng số tiền 6.946.710đ vào tài khoản của Lò Văn Q. Ngày 25/10/2016, để có tiền chi trả lương cho Lương Hồng Sơn, Th lập giấy rút dự toán ngân sách số 26 ngày 21/10/2016 kèm bảng thanh toán lương trình ông T2 ký duyệt. Th mang chứng từ ra Kho bạc và đề nghị Vì Văn Ch – thủ quỹ đến kho bạc rút 7.471.065đ tiền về trả cho Sơn.

6. 02 Giấy rút dự toán ngân sách số 29 ngày 11/11/2016, chuyển lương và các khoản phụ cấp tháng 11/2016. Th nâng khống từ 184.321.290đ lên 195.768.000đ để chiếm đoạt số tiền 11.446.710đ (tương tự như tháng 10, danh sách lương gửi ngân hàng Th xóa tên Sơn và tăng số tiền 11.446.710đ chuyển vào tài khoản của Lò Văn Q). Để có tiền thanh toán lương cho Lương Hồng Sơn, Th lập giấy rút dự toán ngân sách số 30 ngày 25/11/2016 với số tiền là 6.946.710đ kèm bảng thanh toán lương trình ông T2 ký duyệt, giao cho Vì Văn Ch ra Kho bạc Nhà nước rút tiền về chi trả cho Sơn.

7. Giấy rút dự toán ngân sách số 31 ngày 30/12/2016 và số 02 ngày 23/01/2017, chuyển lương và các khoản phụ cấp tháng 12/2016. Th nâng khống từ 196.197.144đ lên 201.536.000đ để chiếm đoạt số tiền 4.044.640đ (tăng số tiền chuyển vào tài khoản của Lò Văn Q). Do tính toán nhầm nên Th đã quên trừ 01% tiền bảo hiểm thất nghiệp của các giáo viên trừ trường hợp ông T2, dẫn đến chi sai số tiền 1.294.216đ.

8. 02 Giấy rút dự toán ngân sách số 03 ngày 19/01/2017 chuyển tiền làm thêm giờ, công tác phí tháng 10, 11, 12/2016. Th nâng khống từ 34.410.000đ lên 34.765.000đ để chiếm đoạt số tiền 355.000đ (tăng vào tài khoản của Th từ 1.440.000đ lên 1.795.000đ).

9. 02 Giấy rút dự toán ngân sách số CKKB000006, số 08 ngày 14/02/2017 chuyển lương và phụ cấp tháng 02/2017. Th nâng khống từ 299.468.000đ lên 305.401.000đ để chiếm đoạt số tiền 5.933.000đ (tăng số tiền 5.933.000 đ vào tài khoản của Lò Văn Q trong bảng lương gửi ngân hàng).

10. 02 Giấy rút dự toán ngân sách số 13 ngày 10/03/2017 chuyển lương và phụ cấp tháng 03/2017. Th nâng khống từ 200.241.000đ lên 200.650.000đ để chiếm đoạt số tiền 409.000đ (tăng số tiền 409.000đ vào tài khoản của Lò Văn Q trong bảng lương gửi ngân hàng)

11. 02 Giấy rút dự toán ngân sách số 14 ngày 14/4/2017 chuyển lương và các khoản phụ cấp 04/2017, giấy rút dự toán số 21 ngày 19/4/2017 rút phụ cấp theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP. Th nâng khống từ 307.611.000đ lên 308.120.000đ để chiếm đoạt số tiền 509.000đ (tăng số tiền 509.000đ vào tài khoản của Lò Văn Q trong bảng lương gửi ngân hàng).

12. 02 Giấy rút dự toán ngân sách số L05 ngày 9/5/2017; giấy rút dự toán số Lv 05 ngày 15/5/2017; giấy rút dự toán số 05 ngày 16/5/2017 chuyển lương và các khoản phụ cấp tháng 5/2017. Th nâng khống từ 310.751.100đ lên 323.439.000đ để chiếm đoạt số tiền 12.687.900đ.

13. Giấy rút dự toán ngân sách số 26 ngày 30/5/2017 chuyển tiền thêm giờ tháng 3,4,5/2017; công tác phí tháng 5/2017. Th nâng khống từ 20.329.000đ lên 23.530.000đ để chiếm đoạt số tiền 2.661.000đ (chuyển vào tài khoản của Th 1.421.000đ; tài khoản của Lò Văn Q 1.240.000đ). Để che giấu hành vi của mình, Th còn nâng số tiền chi trả công tác phí cho Vì Văn Ch – thủ quỹ (tăng so với thực tế 300.000đ và Lò Văn Minh – giáo viên (tăng so với thực tế 240.000đ).

14. Trường trung học cơ sở S được công nhận là vùng III từ năm 2014 và được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Năm 2017, Phòng Giáo dục đào tạo huyện SM cấp cho trường nguồn ngân sách không tự chủ để chi trả truy lĩnh vùng III năm 2016 cho trường. Ngày 23/01/2017, Th lập Giấy rút dự toán ngân sách số 05 chuyển tiền phụ cấp thu hút năm 2016 cho cán bộ, giáo viên trong trường theo quy định với tổng số tiền 1.174.047.000đ, kèm theo danh sách của các đối tượng được chi trả (bảng này được lưu tại trường). Trong tổng số giáo viên của trường được hưởng phụ cấp thu hút theo danh sách Phòng giáo dục cấp, có Trần Việt D đã có quyết định chuyển đến công tác tại Trường THCS C từ tháng 12/2016, nhưng vẫn được Phòng Giáo dục duyệt cấp truy lĩnh phụ cấp thu hút về Trường THCS S số tiền 23.241.970đ và Nguyễn X Y, giáo viên của trường chưa được truy lĩnh chênh lệch tiền phụ cấp thu hút do nâng lương của 03 tháng: 7,8,9/2016 số tiền 1.429.670đ (tổng số tiền của 02 trường hợp là 24.671.640đ). Do không có tiền chi tiêu, sử dụng cho cá nhân nên Th nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền truy lĩnh của 02 trường hợp trên, Th lập thêm 01 bảng lương khác xóa tên của D và cộng vào tài khoản của Lò Văn Q (chồng Th) số tiền 24.671.640đ (là số tiền truy lĩnh của Dvà Y), sau đó chuyển đến Ngân hàng làm thủ tục thanh toán cho cán bộ, giáo viên qua tài khoản thẻ. Số tiền này Th đã chi tiêu, sử dụng cá nhân.

Ngoài ra, để có tiền chi trả cho Trần Việt D, Nguyễn X Y và chiếm đoạt 01 phần để sử dụng, chi tiêu cá nhân, ngày 21/2/2017, Th lập Giấy rút dự toán ngân sách số CKKB00009 số tiền: 39.723.000đ với nội dung chuyển tiền truy lĩnh phụ cấp thu hút theo Nghị định 116/2010NĐ-CP, Th ký giả mạo chữ ký của Tòng Văn T2, Hiệu trưởng – chủ tài khoản, kèm theo bảng kê chứng từ chuyển đến Kho bạc nhà nước SM làm thủ tục thanh toán. Sau khi Kho bạc Nhà nước chuyển tiền về tài khoản đổ lương tại Ngân hàng, Th lập danh sách chi trả tiền phụ cấp truy lĩnh vùng 3 năm 2016 cho Trần Việt Dũng số tiền là 23.241.000đ; Nguyễn X Y số tiền là 726.000đ và Th kê khống thêm tên Lò Thị Th với số tiền là 15.756.000đ, sau đó giả mạo chữ ký của ông T2, gửi Ngân hàng để làm thủ tục thanh toán qua tài khoản thẻ. Số tiền 15.756.000đ được chuyển vào tài khoản của Lò Thị Th, Th đã chiếm đoạt sử dụng chi tiêu cá nhân.

Tổng số tiền Th đã chiếm đoạt qua nâng không tiền lương, công tác phí và các khoản phụ cấp là 93.160.546đ (77.404.546đ + 15.756.000đ= 93.160.546đ).

Như vậy, Lò Thị Th đã chiếm đoạt tiền ngân sách của Trường Trung học cơ sơ S là: 385.665.546đ (252.705.000đ + 39.800.000đ + 93.160.546đ = 385.665.546đ).

2. Tham ô tiền dự toán ngân sách Nhà nước cấp cho trường Mầm non Đ xã S, huyện SM và nguồn thu học phí của học sinh qua các hành vi,

2.1. Lập khống Giấy rút dự toán ngân sách, bảng kê chứng từ thanh toán, tạm ứng, giả mạo chữ ký của chủ tài khoản chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước

Tương tự như thủ đoạn tại Trường Trung học cơ sở S, trong thời gian từ 26/6/2016 đến 09/5/2017, Lò Thị Th đã 05 lần lập giấy rút dự toán ngân sách với nội dung: Rút tiền công tác phí, phụ cấp lương, tiền làm thêm giờ gồm (Giấy rút dự toán ngân sách số TU02, ngày 27/6/2016 số tiền: 20.248.000đ; số TU04, ngày 19/7/2016 số tiền: 15.000.000đ; số L04, ngày 10/8/2016 số tiền: 20.607.000đ; số L05, ngày 26/8/2016 số tiền: 29.807.000; số L07, ngày 09/9/2016 số tiền: 29.502.000đ), kèm bảng kê chứng từ thanh toán, tạm ứng, sau đó, Th ký giả mạo chữ ký của Lò Thị Kim T5, Phó Hiệu trưởng, chủ tài khoản thứ 02 vào mục chủ tài khoản, đem đến Kho bạc Nhà nước huyện SM đăng ký làm thủ tục rút tiền. Để tránh sự phát hiện của Nhà trường, Th đã nhờ Lò Thị T1, trú tại bản NN 1, xã NN, huyện SM (là hàng xóm) đến Kho bạc rút số tiền: 115.164.000đ. Sau khi rút được tiền, T1 đã đưa lại toàn bộ cho Th. Số tiền trên Th đã chiếm đoạt sử dụng, chi tiêu cá nhân.

2.2. Sử dụng tiền ngân sách để chi trả tiền ốm đau, thai sản cho cán bộ giáo viên của Trường Mầm Non Hoa Đ mà Th đã chiếm đoạt

Ngày 22/11/2016, Bảo hiểm xã hội huyện SM đã duyệt thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe đợt 1 cho 11 trường hợp của trường Mầm Non Đ với tổng số tiền là 23.893.600đ gồm: Vì Thị Ch1 được duyệt thanh toán số tiền 19.455.100đ; Lềm Thị Chiêm 432.600đ; Phạm Thị Nga 555.800đ; Vì Thị Thắm 607.900đ, Lò Văn Học 241.500đ; Lò Thị Vui 850.000đ; Lê Thị X 305.400đ; Cầm Thị Lan 596.600đ; Nguyễn Thị Hồng 267.400đ; Lò Thị Thim 281.400đ; Đặng Thị Huyền 299.900đ. Để chiếm đoạt tiền Bảo hiểm xã hội cấp, Th nảy sinh ý định sử dụng tiền ngân sách để chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng, Th đã lập Giấy rút dự toán ngân sách số CKKB00030, ngày 18/11/2016 với nội dung chuyển lương tháng 11/2016 số tiền: 121.906.000đ, lập bảng lương tháng 11/2016, sửa tổng số tiền trên bảng lương là 121.906.000đ (số tiền lương thực tế phải chi trả là 101.184.000đ) chuyển đến Kho bạc nhà nước SM làm thủ tục chuyển tiền về tài khoản chuyển đổ lương qua thẻ số 9704 của Trường mở tại Ngân hàng ABBANK chi nhánh SM. Sau đó Th lập 01 bảng chuyển lương tháng 11/2016 với tổng số tiền là 101.184.000đ trình Lò Thị Kim T5, chủ tài khoản ký duyệt và 01 danh sách chi trả tiền thai sản tháng 11 cho Vì Thị Ch1 số tiền 20.722.000đ (danh sách này Th ký giả chữ ký của Lò Thị Kim T5, chủ tài khoản vào phần Hiệu trưởng) và chuyển đến Ngân hàng ABBANK chi nhánh SM làm thủ tục thanh toán lương qua tài khoản thẻ ngân hàng cho cán bộ, giáo viên trong trường.

Đối với các đối tượng được thụ hưởng chế độ ốm đau khác, do Bảo hiểm xã hội SM đã duyệt thanh toán, để có tiền chi trả cho các đối tượng trên, Lò Thị Th đã lập Giấy rút dự toán ngân sách số 13, ngày 20/3/2017 với nội dung chuyển 20% phụ cấp ưu đãi nghề T1/2017 (nâng khống số tiền thực tế phải chi trả từ 12.905.000đ lên 22.905.000đ), trình bà Nguyễn Thị S1 – Hiệu trưởng, chủ tài khoản thứ nhất ký duyệt và chuyển ra Kho bạc Nhà nước huyện SM và Ngân hàng ABBANK chi nhánh SM, trong đó bảng danh sách lương gửi Ngân hàng Th bỏ tờ số 1 thay bằng 01 tờ khác trong đó tăng số tiền chuyển vào tài khoản số 1451002855066 của Lò Thị Th số tiền 4.553.000đ và 01 danh sách thanh toán tiền ốm đau tháng 03/2017 cho Lò Thị T4 số tiền 5.447.000 đồng. Sau khi T4 nhận được tiền, T4 đã rút tiền từ tài khoản của mình và chi trả cho các đối tượng theo danh sách Th đưa, cụ thể: Lềm Thị Chiêm 432.600đ; Phạm Thị Nga 555.800đ; Vì Thị Thắm 607.900đ, Lò Văn Học 241.500đ; Lò Thị Vui 850.000đ; Lê Thị X 305.400đ; Cầm Thị Lan 596.600đ; Nguyễn Thị Hồng 267.400đ; Lò Thị Thim 281.400đ; Đặng Thị Huyền 299.900đ. Số tiền 4.553.000đ do Th nâng khống chuyển vào tài khoản của Th, Th chiếm đoạt sử dụng, chi tiêu cá nhân.

Ngày 13/12/2016, Bảo hiểm xã hội huyện SM chuyển số tiền 23.893.600đ vào tài khoản tiền gửi (số 3712) của trường Mầm Non Đ mở tại Kho bạc huyện SM. Với mục đích chiếm đoạt số tiền trên để sử dụng chi tiêu cá nhân, Lò Thị Th đã lập Giấy ủy nhiệm chi số 01 ngày 20/12/2016, sau đó ký giả mạo chữ ký của Lò Thị Kim T5 vào phần chủ tài khoản, chuyển đến Kho bạc Nhà nước huyện SM, Ngân hàng ABBANK chi nhánh SM chuyển vào tài khoản số 1451002855066 của Th 23.893.600đ. Số tiền trên Th đã sử dụng chi tiêu cá nhân.

Như vậy, Lò Thị Th đã chiếm đoạt tiền chi trả thai sản, ốm đau là 28.446.600đ (4.553.000đ +23.893.600đ = 28.446.600đ).

2.3. Kê khống tiền lương, công tác phí và các khoản phụ cấp so với thực tế để chiếm đoạt tiền ngân sách

Trong thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 5/2017, Th còn có hành vi chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước bằng thủ đoạn kê tăng tổng số tiền trong các bảng lương (sửa số tiền tổng trên máy tính) bằng số tiền trên các giấy dự toán ngân sách. Th lập Giấy rút dự toán ngân sách để chi trả lương, chuyển tiền phụ cấp theo NĐ-116/2010/NĐ-CP, tiền thêm giờ, tiền công tác phí cho cán bộ giáo viên trình trình bà Lò Thị Kim T5 - Phó Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị S1 – Hiệu trưởng (chủ tài khoản số 1) ký duyệt. Sau khi kiểm tra số tiền chi trả cho cán bộ giáo viên trên các bảng lương là trùng khớp, đúng quy định, chế độ và số tổng trên bảng lương bằng với số tổng trên giấy rút dự toán ngân sách nên T5 và S1 đã ký và chuyển lại cho Th. Th chuyển ra Kho bạc nhà nước SM thanh toán chuyển tiền về tài khoản chuyên đổ lương qua thẻ số 9704 mở tại Ngân hàng ABBANK chi nhánh SM. Th lập 01 bảng lương lưu tại trường ghi số tiền chi đúng thực tế cho mọi người và 01 bảng lương gửi cho Ngân hàng ABBANK SM ghi tăng số tiền vào tài khoản cá nhân của Lò Thị Th 07 lần để chiếm đoạt tổng số tiền là 82.084.900đ, số tiền này Th đã sử dụng, chi tiêu cho cá nhân, cụ thể các chứng từ sau:

1. Giấy rút dự toán ngân sách số KPCD16, ngày 29/12/2016 nội dung rút tiền thêm giờ, công tác phí tháng 10-12/2016. Th chiếm đoạt số tiền 17.224.500đ. Tại chứng từ này Lò Thị Kim T5 ký giấy rút dự toán ngân sách và bảng kê chứng từ thanh toán; Th tự lập danh sách thanh toán tiền thêm giờ, giả chữ ký của T5 gửi cho Ngân hàng B nhưng chỉ ghi tên Th và Lương Thị T1 (do Th làm mất chứng từ thanh toán tiền phép hè năm 2016 của Lương Thị T1 tương ứng số tiền 1.100.000đ, nên Th làm thủ tục để bù lại khoản thanh toán phép của T1).

2. Giấy rút dự toán ngân sách số 01, ngày 24/01/2017 chuyển tiền phụ cấp theo NĐ-116/2010/NĐ-CP, Th nâng khống số tiền từ 588.453.000đ lên 601.113.000đ (Lò Thị Kim T5 ký) để chiếm đoạt số tiền 12.660.000đ (do Th không được chi trả lương và các khoản phụ cấp tại trường Mầm non Đ nên tại bảng lương gửi ngân hàng Th kê thêm tên mình vào bảng lương cùng số tiền 12.660.000đ).

3. Giấy rút dự toán ngân sách số CKKB00007, ngày 14/02/2017 chuyển tiền phụ cấp theo NĐ-116/2010/NĐ-CP, bà T5 ký Th nâng khống số tiền từ 36.756.000đ lên 62.971.000đ để chiếm đoạt số tiền 26.215.000đ (bảng lương gửi ngân hàng Th kê thêm tên mình vào bảng lương với số tiền 26.215.000đ).

4. Giấy rút dự toán ngân sách số CKKB00008, CKKB00011 ngày 14/3/2017 rút lương và chuyển tiền phụ cấp theo NĐ-116/2010/NĐ-CP tháng 3/2017, bà Nguyễn Thị S1 ký, Th nâng khống số tiền từ 151.134.000đ lên 157.871.000đ để chiếm đoạt số tiền 6.737.000đ (Th kê thêm tên của mình và số tiền 6.737.000đ vào bảng lương gửi ngân hàng).

6. Giấy rút dự toán ngân sách số 17 và 18, ngày 17/4/2017 rút lương, tiền phụ cấp theo NĐ-116/2010/NĐ-CP tháng 4/2017, bà S1 ký, Th nâng không số tiền từ 163.651.600đ lên 165.574.000đ để chiếm đoạt số tiền 2.734.400đ (Th ghi tên mình và số tiền 2.734.440 vào bảng lương gửi ngân hàng).

7. 02 giấy rút dự toán ngân sách số 05, ngày 09/5/2017 rút lương, tiền phụ cấp theo NĐ-116/2010/NĐ-CP tháng 5/2017, bà S1 ký, Th nâng khống số tiền từ 159.786.000đ lên 171.747.000đ để chiếm đoạt 11.961.000đ (Th ghi tên mình và số tiền 11.961.000đ vào bảng lương gửi ngân hàng).

2.4. Tham ô từ nguồn thu học phí của học sinh

Học kỳ I và II năm học 2016-2017, trường mầm non Đ thu học phí của học sinh với tổng số tiền là 10.818.000đ. Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo Quàng Thị T6 là giáo viên của trường chuyển số tiền trên cho Lò Thị Th để nộp vào tài khoản tiền gửi (TK số 3712) của trường mở tại Kho bạc nhà nước huyện SM theo quy định. Ngày 14/7/2017, Th chuyển cho Lò Thị T4 - Thủ quỹ số tiền 8.700.000đ, cùng ngày T4 đã nộp số tiền trên vào tài khoản tiền gửi của trường theo quy định, còn lại số tiền 2.118.000đ, Th chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Cuối năm 2016, sau khi đối chiếu số liệu, quyết toán với Kho bạc Nhà nước xác định còn tồn một số nguồn tiền ngân sách và tiền thu được từ nguồn học phí, Lò Thị Th nảy sinh ý định chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân. Th lập Giấy rút dự toán ngân sách Nhà nước số 13 ngày 30/12/2016 nội dung: Truy lĩnh lương, phụ cấp tháng 11,12/2016 số tiền 7.207.000đ và Giấy ủy nhiệm chi số 01 ngày 31/12/2016, nội dung Chuyển chênh lệch lương tháng 12/2016 số tiền 2.715.000đ, kèm danh sách chi trả lương tháng 11,12/2016 trình Lò Thị Kim T5 ký duyệt mang ra Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản 3712 (tiền gửi học phí) sang tài khoản đổ lương tại Ngân hàng ABBANK. Khi tiền chuyển về tài khoản chuyển đổ lương của trường (9704). Th lập bảng lương chỉ có tên Th, ký giả mạo chữ ký của bà T5 gửi ngân hàng để chuyển hết số tiền 9.922.000đ vào tài khoản cá nhân của Th. Số tiền này Th đã chiếm đoạt sử dụng, chi tiêu cá nhân.

Số tiền Th chiếm đoạt từ nguồn thu học phí của học sinh và nguồn tiền tồn dự toán ngân sách năm 2016 là: 12.040.000đ (2.118.000đ + 9.922.000đ = 12.040.000đ)

Tổng số tiền Lò Thị Th đã chiếm đoạt của Trường Mầm non Đ S là 233.182.500đ (115.164.000đ+ 23.893.600đ + 82.084.900đ +12.040.000đ 233.182.500đ).

Như vậy, trong thời gian từ 01/01/2016 đến 31/5/2017, Lò Thị Th đã chiếm đoạt tổng số tiền 618.848.046đ trong đó, chiếm đoạt của Trường THCS Chiềng Sơ 385.665.546đ, chiếm đoạt của trường Mầm Non Anh Đào là 233.182.500đ.

Quá trình điều tra, Lò Thị Th khai nhận do không có tiền chi tiêu và trả nợ cá nhân, Th đã lập khống chứng từ chi tiền chế độ thai sản để chiếm đoạt số tiền thai sản, sau đó lấy tiền ngân sách để chi trả cho các đối tượng hưởng chế độ thai sản bù vào số tiền bị cáo đã chiếm đoạt; nâng khống tiền lương, tiền truy lĩnh phụ cấp thu hút theo Nghị định 116/2010NĐ-CP, tiền làm thêm giờ, tiền công tác phí, tiền thu học phí…để chiếm đoạt của Trường Trung học cơ sở S và Trường Mầm Non Đ với tổng số tiền 618.848.046đ. Khi Cơ quan Thanh tra của huyện tiến hành thanh tra phát hiện sai phạm, Lò Thị Th đã nộp lại số tiền 600.944.800đ.

Do có hành vi nêu trên, tại cáo trạng số 137/VKS-P1 ngày 30/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã truy tố bị cáo Lò Thị Th về tội Tham ô tài sản, theo điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015).

* Tại phiên tòa:

- Bị cáo Lò Thị Th khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng nêu.

- Nguyên đơn dân sự có ý kiến: Yêu cầu trả lại số tiền đã nộp cho Thanh tra huyện SM và đề nghị bị cáo Th phải bồi thường số tiền còn chiếm đoạt.

- Người liên quan - Thanh tra huyện SM có ý kiến: đối với số tiền bị cáo Th nộp lại đang tạm giữ tại tài khoản của Thanh tra huyện SM mở tại Kho bạc thì đề nghị trả ngân sách nhà nước và trích lại phần trăm cho Thanh tra huyện SM theo hướng dẫn tại Công văn của Sở Tài chính và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La giữ quan điểm truy tố và đề nghị:

Áp dụng điểm a khoản 3, 5 Điều 353; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015: xử phạt bị cáo Lò Thị Th từ 13 đến 14 năm tù về tội Tham ô tài sản. Cấm bị cáo làm nghề kế toán trong thời hạn 05 năm, tính từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù. Không áp dụng hình phạt bổ sung (phạt tiền) đối với bị cáo

Trách nhiệm dân sự: Đề nghị buộc bị cáo bồi thường số tiền còn đang chiếm đoạt cho Ngân sách nhà nước.

Đối với số tiền 600.944.800đ là tiền bị cáo tham ô đang tạm giữ tại Tài khoản tạm giữ Thanh tra huyện SM ở Kho bạc Nhà nước huyện SM, đề nghị sung vào Ngân sách nhà nước.

Bị cáo phải chịu án phí hình sự và dân sự theo quy định của pháp luật.

- Quan điểm của Luật sư Trần Minh Huấn bào chữa cho bị cáo Lò Thị Th: Không có ý kiến tranh luận gì về tội danh và điều luật áp dụng như bản cáo trạng và bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến điều kiện hoàn cảnh và nhân thân của bị cáo, xử phạt bị cáo ở mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề để bị cáo sớm được trở về cùng gia đình và xã hội.

- Bị cáo nhất trí với quan điểm bào chữa của Luật sư và không có ý kiến tranh luận gì thêm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo

Tại phiên tòa, bị cáo Lò Thị Th khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/5/2017 đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao là Kế toán trưởng Trường Trung học cơ sở S và Trường Mầm non Đ S, huyện SM, tỉnh Sơn La, đã chiếm đoạt tiền học phí, lập chứng từ khống, giả mạo chữ ký của chủ tài khoản; nâng khống tổng số tiền trong bảng lương, bảng kê tiền công tác phí và tiền của giáo viên khác được hưởng theo đúng quy định rồi chuyển số tiền chênh lệch vào tài khoản cá nhân của Th và Lò Văn Q (chồng Th); chi trả tiền cho những người hưởng chế độ thai sản và nghỉ ốm sai nguồn để chiếm đoạt tổng số tiền 618.848.046đ nhằm mục đích sử dụng, chi tiêu cá nhân.

Căn cứ vào lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại giai đoạn điều tra, phù hợp với lời khai nguyên đơn dân sự, những người làm chứng; phù hợp với kết luận của Thanh tra huyện SM, kết luận giám định chữ ký, cùng các tài liệu chứng cứ khác đã được thu thập trong hồ sơ vụ án, đã có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Lò Thị Th đã phạm tội Tham ô tài sản, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999.

[3] Khung hình phạt áp dụng: Bị cáo Lò Thị Th là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết rõ việc làm trái các quy định, nguyên tắc, chế độ về quản lý thu chi, hạch toán nguồn tài chính là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý lợi dụng nhiệm vụ được giao để tham ô tổng số tiền là 618.848.046đ vi phạm tình tiết định khung hình phạt "Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000đ trở lên" quy định tại điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999, có khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 phạm tội Tham ô tài sản mà "Chiếm đoạt tài sản giá trị từ 500.000.000đ đến dưới 1.000.000.000đ" thì có mức hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. Theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đây là quy định có lợi cho bị cáo, do đó Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật HÌnh sự năm 2015 khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.

[4] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước và quyền sở hữu tài sản của Trường Trung học cơ sở S và Trường Mầm non Đ S, huyện SM, tỉnh Sơn La. Bị cáo là người có trình độ học vấn, phải biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đặc biệt là đối với nhóm hành vi tham nhũng đang được Nhà nước và nhân dân lên án mạnh mẽ nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện cho thấy ý thức xem thường pháp luật của bị cáo. Do đó, cần có mức hình phạt nghiêm mới có tác dụng giáo dục, cải tạo riêng và răn đe, phòng ngừa chung.

[5] Về nhân thân và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bị cáo nhiều lần thực hiện hành vi chiếm đoạt và mỗi lần đều độc lập về thời gian nên cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo và đã khắc phục phần lớn thiệt hại gây ra (97,1%) trước khi khởi tố vụ án cho thấy bị cáo đã thực sự ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; gia đình bị cáo có ông nội có công với cách mạng, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trên cơ sở các quy định của Bộ luật Hình sự, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, xét thấy bị cáo là phụ nữ, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và chỉ có một tình tiết tăng nặng nên cần quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt áp dụng quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đủ răn đe, giáo dục, cải tạo bị cáo thành người có ích cho xã hội.

[6] Về hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015: Để phòng ngừa riêng đối với bị cáo và nhằm tránh những hậu quả nguy hại có thể xảy ra, cần cấm bị cáo đảm nhận chức vụ Kế toán trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Xét thấy, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, các con còn nhỏ, không có tài sản nên không phạt tiền và tịch thu tài sản đối với bị cáo.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo Lò Thị Th đã chiếm đoạt của Trường THCS S 385.665.546đ và của Trường Mầm non Đ S 233.182.500đ, tổng cộng là 618.848.046đ. Trước khi bị khởi tố, bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền 600.944.800đ (trong đó, nộp lại cho Trường Mầm non Đ S 231.794.900đ và nộp lại cho Trường THCS S 369.149.900đ) để khắc phục hậu quả. Số tiền còn lại bị cáo đang chiếm đoạt, Nguyên đơn dân sự yêu cầu bị cáo phải bồi thường.

Xét thấy yêu cầu của Nguyên đơn dân sự là có căn cứ cần chấp nhận, buộc bị cáo phải bồi thường số tiền còn đang chiếm đoạt là 17.903.246đ.

[8] Vật chứng vụ án: Đối với số tiền 600.944.800đ bị cáo Lò Thị Th đã nộp lại (trong đó nộp cho Trường Mầm non Đ S 231.794.900đ và nộp lại cho Trường THCS S 369.149.900đ), hiện đang được tạm giữ tại tài khoản của Thanh tra huyện SM mở tại Kho bạc Nhà nước huyện SM theo Quyết định số 3585/QĐ- UBND ngày 18800/10/2017 của Ủy ban nhân dân huyện SM. Tại phiên tòa, nguyên đơn dân sự có ý kiến số tiền bị cáo Lò Thị Th tham ô đã được Ngân sách nhà nước phân bổ và do Trường Mầm non Đ S, Trường THCS S quản lý nên số tiền này đề nghị trả lại cho hai trường. Xét thấy, đề nghị của Nguyên đơn dân sự là có căn cứ, đúng pháp luật, cần chấp nhận.

[9] Các đối tượng có liên quan:

- Đối với Nguyễn Thị T3 - Kế toán, Hoàng Anh Đ1, Nguyễn Thị H4, Đỗ Thị M - cán bộ giao dịch của Kho bạc Nhà nước huyện SM. Quá trình tạm ứng Lò Thị Th là người trực tiếp làm việc với cán bộ giao dịch của Kho bạc. Sau khi nhận chứng từ họ đã kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ thanh toán. Tuy nhiên trong quá trình đối chiếu chữ ký, con dấu của đơn vị sử dụng ngân sách, kế toán và các giao dịch viên của Kho bạc không phát hiện được việc giả mạo chữ ký chủ tài khoản của Lò Thị Th trên các chứng từ, hồ sơ thanh toán (trong quá trình công tác chưa được tập huấn nội dung nào có liên quan đến việc kiểm tra, đối chiếu mẫu dấu, chữ ký). Do vậy, Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị T3, Nguyễn Thị H4, Đỗ Thị M và ông Hoàng Anh Đ1 là có căn cứ.

- Đối với Lò Văn Q, giáo viên sinh, hóa của Trường Trung học sơ sở S (chồng Th), trong thời gian từ tháng 01/2016 đến tháng 11/2016 đã 14 lần trực tiếp rút tiền mặt cho Lò Thị Th tại Kho bạc với tổng số tiền: 292.505.000đ và từ năm 2016 đến 2017, Lò Thị Th kê khống tổng số tiền trong bảng lương, bảng kê tiền công tác phí, phụ cấp của Trường THCS S rồi chuyển phần chênh lệch vào tài khoản của Lò Văn Q 11 lần với tổng số tiền: 66.381.890đ. Quá trình điều tra xác định: Việc Th nhờ Q rút tiền mặt tại kho bạc về đưa cho Th là do Th nhờ, Q không biết Th sử dụng tiền để chi tiêu cá nhân, Q không được bàn bạc, trao đổi gì từ việc này.

Đối với khoản tiền chênh lệch chuyển vào tài khoản cá nhân của Lò Văn Q, do Th là người sử dụng, quản lý thẻ ATM của hai vợ chồng. Khi thấy tài khoản có tin nhắn báo chuyển tiền, Q hỏi thì Th nói đây là tiền thu nhập tăng thêm và tiền truy lĩnh phụ cấp thu hút, Q không biết Lò Thị Th đã chiếm đoạt để chi tiêu, sử dụng. Do vậy, Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Lò Văn Q là có căn cứ.

- Đối với Lò Thị T1, trú tại bản Nà nghịu 1, xã NN, huyện Sông Mã. Quá trình điều tra xác định: Để tránh sự phát hiện của Nhà trường, Th đã nhờ Lò Thị T1 (là hàng xóm của Th) đến Kho bạc rút 05 lần với tổng số tiền: 115.164.000đ. T1 không biết việc làm của Th là sai quy định, T1 không được Th bàn bạc, trao đổi hay hưởng lợi ích vật chất từ Lò Thị Th. Sau khi rút tiền, T1 đã đưa lại cho Th toàn bộ số tiền trên. Do đó Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Lò Thị T1 là có căn cứ.

- Đối với Tòng Văn T2 - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở S, chủ tài khoản, là người trực tiếp quản lý tài sản của Nhà nước. Khi Lò Thị Th trình ký các chứng từ, Tòng Văn T2 đã thực hiện việc kiểm tra nhưng do Lò Thị Th sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để tránh sự phát hiện của chủ tài khoản, do đó, Tòng Văn T2 không phát hiện việc Th cố ý lập khống các chứng từ để chiếm đoạt số tiền 94.318.420đ. Hành vi của ông Tòng Văn T2 có dấu hiệu tội: Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, số tiền gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước dưới 100.000.000đ, do đó, hành vi của Tòng Văn T2 chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Ngoài ra Tòng Văn T2 còn ký vào 12 giấy rút dự toán ngân sách, kèm theo các bảng danh sách chi trả lương, phụ cấp, công tác phí để rút tiền chi trả cho cán bộ, giáo viên. Trước khi ký, ông T2 đã kiểm tra, đối chiếu, xác định số tiền lương của từng giáo viên khớp nhau. Do vậy, Lò Văn T2 đã ký duyệt đưa cho Th chuyển ra Kho bạc chuyển lương cho cán bộ, giáo viên của Trường. T2 không biết việc Th thay tờ số 1 của bảng danh sách lương bằng 01 tờ khác, trong đó đã sửa đổi nâng khống tổng số lương của Th, Q để chiếm đoạt số tiền 59.011.126đ.

Kết quả điều tra xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông T2 đã tổ chức thực hiện kiểm tra công tác tài chính của Trường. Do không có trình độ chuyên môn về công tác tài chính, kế toán nên không phát hiện ra sai phạm của Lò Thị Th. Bị can thực hiện hành vi phạm tội độc lập, Th không trao đổi, bàn bạc với ông T2 và ông T2 không được hưởng lợi ích vật chất gì từ hành vi sai phạm của Th. Vì vậy, không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Tòng Văn Tiểm. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Sơn La đã có công văn đề nghị UBND huyện Sông Mã có hình thực xử lý trách nhiệm về Đảng, Chính quyền đối với ông Tòng Văn Tiểm theo quy định.

- Đối với Lê Thị X, Hiệu trưởng trường Mầm Non Đ S từ tháng 8/2012 đến ngày 31/10/2016. Quá trình điều tra xác định: Trường Mầm Non Đ S đã tổ chức thực hiện tự kiểm tra nội bộ về công tác tài chính của trường, nhưng chỉ tiến hành kiểm trên sổ sách, không tiến hành kiểm tra cụ thể từng chứng từ, do đó không phát hiện Lò Thị Th đã giả mạo chữ ký của bà Lò Thị Kim T5 chủ tài khoản số 2) trên các Chứng từ, Giấy rút dự toán ngân sách để chiếm đoạt số tiền 115.164.000đ. Quá trình thực hiện, Th không trao đổi, bàn bạc với bà X, vì vậy không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà X. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Sơn La đã có công văn đề nghị UBND huyện Sông Mã có hình thức xử lý trách nhiệm về Đảng, chính quyền đối với bà Lê Thị X theo quy định.

- Đối với Nguyễn Thị S1 giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Mầm Non Đ S từ ngày 31/10/2016, chủ tài khoản số 01 của trường. Khi về tiếp nhận công tác có làm biên bản giao nhận các nguồn cấp phát tài chính cho nhà trường với Bà Lê Thị X - Hiệu trưởng trước theo báo cáo của kế toán Lò Thị Th trên sổ sách mà không tiến hành kiểm tra chi tiết theo hồ sơ sổ sách và chứng từ tài liệu có liên quan. Ngoài ra, trong năm 2017, bà S1 đã ký 04 chứng từ do Lò Thị Th trình ký liên quan đến việc chuyển lương gây thất thoát cho Nhà nước số tiền là: 25.985.400đ. Bà S1 khai nhận: Khi Th trình ký Giấy rút dự toán ngân sách, kèm theo các bảng lương để rút tiền trả lương cho cán bộ, giáo viên Bà S1 có kiểm tra lại đối chiếu giữa các giấy rút dự toán ngân sách với các bảng lương kèm theo xác định tiền lương của từng giáo viên (S1 không cộng lại tổng số tiền lương phải chi trả trong danh sách), do đó, bà S1 không biết Th dùng thủ đoạn tăng khống tổng số lương đề nghị thanh toán trên các giấy rút dự toán ngân sách

để chiếm đoạt số tiền: 25.985.400đ, vì vậy Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà S1 là có căn cứ. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Sơn La đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã có hình thức xử lý trách nhiệm về Đảng, chính quyền đối với Bà Nguyễn Thị S1 theo quy định.

- Đối với Lò Thị Kim T5 – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Mầm Non Đ S, từ tháng 8/2012 đến tháng 8/2018 (chủ tài khoản số 2). Trong năm 2016 và 2017, bà T5 đã ký 03 Giấy rút dự toán ngân sách do Lò Thị Th trình ký liên quan đến việc chuyển lương gây thất thoát cho Nhà nước số tiền: 56.099.500đ. Quá trình điều tra xác định: Hàng thàng, khi Lò Thị Th trình ký Giấy rút dự toán ngân sách, kèm theo các bảng lương để rút tiền trả lương cho cán bộ, giáo viên, bà T5 có kiểm tra lại, đối chiếu giữa các giấy rút dự toán ngân sách với các bảng lương kèm theo, xác định số liệu tiền lương của từng giáo viên khớp nhau, bà không phát hiện ra việc Th dùng thủ đoạn tăng khống tổng số lương đề nghị thanh toán trên giấy rút dự toán ngân sách để chiếm đoạt số tiền 56.099.500đ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chủ tài khoản 2, bà T5 không phát hiện ra việc Lò Thị Th đã bằng thủ đoạn giả mạo chữ ký của mình trên các chứng từ, giấy rút dự toán ngân sách chiếm đoạt tiền của nhà nước.

Do không có trình độ chuyên môn về công tác tài chính kế toán và Lò Thị Th đã cố ý sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi nên bà Lò Thị Kim T5 không phát hiện hành vi phạm tội của Th. Bà T5 không biết, không được trao đổi, bàn bạc cũng như không được hưởng bất kỳ lợi ích vật chất từ hành vi phạm tội của Th. Vì vậy, không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà T5. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Sơn La gửi công văn đề nghị UBND huyện Sông Mã có hình thức xử lý trách nhiệm về Đảng, chính quyền đối với Bà Lò Thị Kim T5 theo quy định.

[10] Về án phí: Bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Lò Thị Th phạm tội Tham ô tài sản.

1. Căn cứ điểm a khoản 3, 5 Điều 353; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015: xử phạt bị cáo Lò Thị Th 13 (Mười ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 02/01/2018.

Cấm bị cáo Lò Thị Th làm nghề kế toán trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù.

2. Trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật Dân sự năm 2015,

Buộc bị cáo Lò Thị Th phải bồi thường tổng số tiền 17.903.246đ (Mười bảy triệu chín trăm linh ba hai trăm bốn mươi sáu đồng), trong đó: bồi thường cho Trường Trung học cơ sở S số tiền 16.515.646đ (Mười sáu triệu năm trăm mười lăm nghìn sáu trăm bốn mươi sáu đồng), bồi thường cho Trường Mầm non Đ S là 1.387.600đ (Một triệu ba trăm tám mươi bảy nghìn sáu trăm đồng).

3. Vật chứng vụ án hiện đang tạm giữ tại tài khoản tạm giữ của Thanh tra huyện SM mở tại Kho bạc Nhà nước huyện SM, tỉnh Sơn La (TK: 3949, mã ĐVQHNS: 1048502): Áp dụng khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015,

Trả lại cho Trường Mầm non Đ S số tiền 231.794.900đ (Hai trăm ba mươi mốt triệu bảy trăm chín mươi bốn nghìn chín trăm đồng) và trả lại cho Trường Trung học cơ sở S số tiền 369.149.900đ (Ba trăm sáu mươi chín triệu một trăm bốn mươi chín nghìn chín trăm đồng).

4. Án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Buộc bị cáo Lò Thị Th phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 895.162đ (Tám trăm chín mươi lăm nghìn, một trăm sáu mươi hai đồng) án phí dân có giá ngạch; tổng cộng là 1.095.162đ (Một triệu không trăm chín mươi lăm nghìn một trăm sáu mươi hai đồng).

Bị cáo; Nguyên đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3122
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2019/HSST ngày 11/01/2019 về tội tham ô tài sản

Số hiệu:14/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sơn La
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về