Bản án 14/2019/DS-PT ngày 18/02/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 14/2019/DS-PT NGÀY 18/02/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 18 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 165/2018/TLPT-DS ngày 06 tháng 11 năm 2018 về tranh chấp thừa kế tài sản.

Do Bản án sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 12/09/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1065 /2018/QĐ-PT ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Bá H (Trần Văn H) sinh năm 1937, trú tại nhà số 18, phố Gốc Mít, phường Vị Xuyên, thành phố N, tỉnh N, có mặt.

2. Bị đơn: Bà Trần Thị L sinh năm 1955; trú tại thôn Nãi Văn, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh H, có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ủy ban nhân dân huyện Bình Lục, tỉnh H

Người đại diện hợp pháp: Ông Đặng Thanh B - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tham gia tố tụng theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, ông B vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;

- Các bà Trần Thị D, Trần Thị K (em ông Hợi) và Vũ Thị H (vợ ông H);

- Các con của bà Trần Thị L gồm: Trần Thị N, Trần Thị H, Trần Bá Q, Trần Thị T và Trần Thị M.

4. Người kháng cáo: ông Trần Bá H - Nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn, ông Trần Bá H trình bày Bố mẹ ông là cụ Trần Bá Đ (mất năm 1951) và cụ Trần Thị N (mất năm 1987), sinh được 04 người con gồm ông Trần Bá H, bà Trần Thị D, bà Trần Thị K và ông Trần Bá Q (ông Q chết năm 2004). Ông Trần Bá Q có vợ là bà Trần Thị L và 5 người con là Trần Thị H, Trần Thị M, Trần Thị T, Trần Thị N, Trần Bá Q. Khi mất, cụ N, cụ Đ, ông Q không để lại di chúc. Di sản của bố mẹ ông để lại là toàn bộ thửa đất hiện nay đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Trần Bá Q. Theo ông, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Q là không đúng quy định của pháp luật vì thực tế đây là tài sản của bố mẹ ông để lại. Ngoài ra, năm 1959, vợ chồng ông có làm ba gian nhà gỗ lim cho mẹ và các em ở. Nhưng vào khoảng năm 1990, vợ chồng ông Q đã phá ngôi nhà gỗ lim để xây ngôi nhà mái bằng như hiện nay. Do vậy, ông khởi kiện đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật toàn bộ di sản thừa kế của bố, mẹ ông bao gồm đất, cây cối trên đất tại thôn Nãi Văn, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục; buộc vợ chồng ông Q, bà L hoàn trả cho ông 03 gian nhà gỗ lim, một số tài sản như giường, chiếu.., tổng trị giá 262.000.000 đồng và yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Trần Bá Q, ông đề nghị được hưởng 49m2 đất trước cửa nhà bà L để ông xây nhà thờ, trên phần đất được chia nếu có cây cối, tài sản thì người được chia sẽ được hưởng, không ai phải thanh toán cho ai. Ông không đề nghị chia đất của nhà thờ họ và tài sản trên đất của nhà thờ họ vì diện tích đất nhà thờ họ không liên quan gì đến phần đất của bố mẹ ông để lại.

- Bị đơn, bà Trần Thị L trình bày

Về thời gian cụ Đ, cụ N mất và hoàn cảnh gia đình nhất trí với ý kiến của ông H là cụ Đ, cụ N sinh được 04 người con là ông H, bà D, bà K, ông Q. Năm 1975, bà L lấy ông Q, từ đó vợ chồng sinh sống ổn định trên thửa đất của bố, mẹ. Khi cụ N còn sống cụ đã nói cho vợ chồng bà toàn bộ diện tích đất, việc cụ N cho vợ chồng bà đất chỉ là nói bằng miệng và có bà D, bà K biết. Quá trình ở, gia đình bà luôn đóng đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với thửa đất, năm 1986, thửa đất trên đã mang tên chồng bà là Trần Bá Quang, đến năm 1988, gia đình bà được cấp giấy chứng nhận tạm thời quyền sử dụng đất, năm 1998, Ủy ban nhân dân huyện Bình Lục đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Trần Bá Q. Do vậy, bà không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông H vì nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà đúng quy định; bản thân ông H đã đi thoát ly từ nhỏ, không chăm sóc đến cụ N lúc ốm đau, khi cụ Nuôi còn sống chỉ có vợ chồng bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Nay ông H không có quyền yêu cầu chia thừa kế và đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình bà.

Đối với 03 gian nhà gỗ lim mà ông H khai, bà xác định là không có, thực tế chỉ có ngôi nhà tranh vách đất. Năm 1991, do ngôi nhà mối mọt, xuống cấp và dột nát nên vợ chồng bà đã dỡ bỏ để xây dựng ngôi nhà như hiện nay. Quá trình vợ chồng bà làm nhà, ông H và các con có về làm giúp nhưng không có ý kiến gì. Do vậy bà không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H.

Về công sức duy tu tài sản và chăm sóc cụ N; bà L đề nghị giải quyết theo pháp luật.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày

- Ủy ban nhân dân huyện Bình Lục có quan điểm: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Trần Bá Q đã đúng quy trình, đảm bảo đúng quy định của pháp luật nên không đủ cơ sở để hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu khởi kiện của ông Trần Bá H.

- Bà Trần Thị Dung trình bày: Bố mẹ bà là cụ Trần Thị N (mất năm 1987) và cụ Trần Bá Đ (đã mất năm 1951), sinh được 04 người con gồm ông Trần Bá H, bà Trần Thị D, bà Trần Thị K và ông Trần Bá Q (ông Q chết năm 2004). Từ năm 1975, em trai, em dâu bà là Trần Bá Q, Trần Thị L đã sinh sống ổn định trên thửa đất, có công chăm sóc, nuôi dưỡng cụ N và quản lý, sử dụng thửa đất. Khi mẹ bà còn sống có nói bằng miệng là cho vợ chồng bà L toàn bộ thửa đất. Bản thân ông H (anh cả) đã đi thoát ly từ bé, không có công chăm sóc mẹ lúc ốm đau. Năm 1998, hộ ông Q được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh chị em không có ý kiến gì. Quá trình vợ chồng bà L xây nhà, ông H có biết nhưng không phản đối. Bà xác định không có ngôi nhà 03 gian gỗ lim như ông H khai mà chỉ có ngôi nhà 01 gian hai trái lợp dạ vách đất của bố mẹ bà để lại nhưng do đã dột nát, không còn giá trị sử dụng nên vợ chồng ông Q đã dỡ bỏ để xây nhà mới. Do vậy, bà không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Trần Bá H.

- Bà Trần Thị K trình bày: Năm 1975, bà L lấy ông Q và sinh sống ổn định trên thửa đất, vợ chồng ông Q là người chăm sóc, phụng dưỡng cụ Nuôi; ông H đi thoát ly từ nhỏ, không có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Năm 1998, nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Q hoàn toàn đúng quy định, bản thân bà nhất trí với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Q, về ngôi nhà gỗ lim, bà K xác nhận là không có mà chỉ có ngôi nhà 03 gian chát vách lợp dạ. Nay ông H khởi kiện chia di sản thừa kế, đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu bà L phải hoàn trả ngôi nhà 3 gian gỗ lim cho ông H, bà K không nhất trí vì khi mẹ bà còn sống có nói là cho vợ chồng bà L thửa đất của bố, mẹ.

- Chị N, chị H, anh Q, chị T, chị M: Nhất trí với quan điểm của bà L là bị đơn không nhất trí với yêu cầu chia di sản thừa kế của ông H. Tòa án đã tiến hành thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, xác định:

- Giá trị của toàn bộ thửa đất là 84.400.000 đồng.

- Giá trị tài sản, vật kiến trúc trên đất có tổng giá trị: 259.318.629 đồng;

- Giá trị cây cối trên đất là: 4.876.000 đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 12-9-2018, Tòa án nhân dân tỉnh H đã căn cứ khoản 5 Điều 26, các điều 34, 37, 38, 147, 266, 273, 278 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; các điều 611, 613, 649, 650, 651 Bộ luật dân sự 2015; các điều 100, 166, 170, 175, 203 Luật đất đai 2013; Điều 32, 193 Luật tố tụng hành chính 2015; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án; quyết định:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trần Bá H (Trần Văn H) về các yêu cầu gồm: chia di sản thừa kế đối với thửa đất số 156 diện tích 100m2 ao, thửa đất số 161 diện tích 115m2 đất vườn, thửa đất số 163 diện tích 525m2 trong đó có 170m2 đất ở, 355m2 đất vườn thuộc tờ bản đồ 28 và thửa đất số 02 tờ bản đồ số 35 diện tích 60m2 đất vườn tại thôn Nãi Văn, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh H, buộc gia đình bà Trần Thị Liên thanh toán trả cho ông giá trị ngôi nhà gỗ lim 03 gian cùng một số tài sản khác có tổng trị giá 262.000.000 đồng và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số O 113262 do Ủy ban nhân dân huyện Bình Lục cấp cho hộ ông Trần Bá Q ngày 17-12-1998.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí thẩm định giá và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14-9-2018, ông Trần Bá H (Trần Văn H) có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu chia thừa kế là quyền sử dụng đất và buộc gia đình bà L bồi thường 262.000.000 đồng là giá trị ngôi nhà và một số tài sản khác.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn là ông Trần Bá H vẫn giữ yêu cầu kháng cáo đề nghị chia thừa kế là quyền sử dụng đất có nguồn gốc do bố mẹ ông để lại; và buộc gia đình bà L bồi thường 262.000.000 đồng là giá trị ngôi nhà gỗ lim và một số tài sản khác do ông đầu tư xây dựng, mua sắm.

- Bị đơn là bà Trần Thị L không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Hợi vì thửa đất gia đình đang sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp và cho rằng việc ông H yêu cầu bồi thường giá trị tài sản ngôi nhà bị phá bỏ là không có căn cứ, thực tế chỉ là ngôi nhà tranh, vách đất. Không phải là ngôi nhà ba gian gỗ lim như lời khai của ông Hợi.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Bá H là đúng; đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng

Cụ Trần Bá Đ và cụ Trần Thị N (là bố mẹ ông H). Cụ Đ chết năm 1951, cụ N chết năm 1987 không để lại di chúc. Ông H cho rằng bố mẹ chết để lại tài sản thừa kế liên quan đến thửa đất hộ gia đình ông Trần Bá Q được cấp chứng nhận quyền sử dụng nên ngày 04-10-2017, ông H khởi kiện vụ án đề nghị chia di sản thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ gia đình ông Q. Tòa án nhân dân tỉnh H thụ lý, giải quyết là đúng quy định tại khoản 5 Điều 26 và Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự.

 [2]. Về kháng cáo liên quan đến yêu cầu chia thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình ông Q.

Tại đơn khởi kiện, ông H đề nghị chia di sản thừa kế là các thửa đất, được Ủy ban nhân dân huyện Bình Lục, tỉnh H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 0 113262 ngày 17-12-1998 cho hộ gia ông Trần Bá Q, bao gồm: thửa số 156 diện tích 100 m2 ao, thửa số 161 diện tích 115 m2 đất vườn; thửa số 163 diện tích 525 m2 bao gồm: diện tích 170 m2 đất ở, đất vườn là 355 m2 và thửa số 2 diện tích 60 m2 đất vườn. Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử nhận thấy:

- Đối với thửa đất 156, tờ bản đồ 28, diện tích 100 m2 đất ao: Theo kết quả xác minh có căn cứ xác định thửa đất này có nguồn gốc trước năm 1986 thuộc quyền sử dụng của Ủy ban nhân dân xã; đến năm 1986 khi đo đạc hiện trạng thửa đất, gia đình ông Q, bà L đang sử dụng cùng với các hộ gia đình khác nên đã xem xét cấp cho gia đình ông Q sử dụng nên diện tích đất này không phải do cụ N, cụ Đ để lại để phân chia thừa kế theo yêu cầu của ông H.

- Đối với phần diện tích đất còn lại tại các thửa 161, 163 tờ bản đồ số 28 và thửa số 2 tờ bản đồ số 35; các đương sự đều thừa nhận có nguồn gốc là do bố mẹ ông Q, ông H để lại. Khi cụ N chết vào năm 1987, ông H đang sinh sống tại thành phố N, không có hộ khẩu tại địa phương; bà K, bà D (là em) đã lấy chồng và ở nơi khác, chỉ có vợ chồng ông Q (em út) là người sống cùng cụ N. Theo bản đồ địa chính xã Vũ Bản, thực tế từ năm 1986 (khi cụ N còn sống) các thửa đất này đã mang tên ông Trần Bá Q. Ngoài ra, Luật đất đai năm 1987 không quy định quyền sử dụng đất là tài sản để phân chia thừa kế. Khi người được giao đất chết, việc chuyển quyền sử dụng đất được giao cho thành viên trong hộ gia đình, nếu họ vẫn tiếp tục sử dụng đất đó. Sau khi cụ N chết gia đình ông Quang tiếp tục sử dụng nhà đất nêu trên. Ngày 20-02-1988, ông Q đã được Ủy ban nhân dân huyện Bình Lục cấp Giấy chứng nhận tạm thời sử dụng đất, diện tích 877 m2; đến năm 1990, ông Q phá nhà cũ do bố mẹ để lại trên diện tích đất nêu trên để xây dựng ngôi nhà mới. Ông H chứng kiến, biết rõ việc này, còn tham gia làm giúp và không có ý kiến gì.

Việc gia đình ông Q sử dụng đất là liên tục, ổn định, không vi phạm và không có tranh chấp, khiếu nại nên ngày 17-12-1998, Ủy ban nhân dân huyện Bình Lục đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các thửa đất nêu trên cho gia đình ông Trần Bá Q là có căn cứ, phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 1993. Như vậy, toàn bộ đất đai có nguồn gốc do bố mẹ ông H để lại đã được chuyển giao cho gia đình ông Q quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật nên các thửa đất này không phải là di sản để phân chia thừa kế cho ông H.

 [3]. Về kháng cáo yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến ngôi nhà 03 gian gỗ lim và các tài sản khác (giường, chiếu), tổng trị giá 262.000.000 đồng

Trong quá trình giải quyết vụ án, ông H xuất trình tài liệu, chứng cứ gồm 05 giấy xác nhận của các ông Trần Anh H, Trần Thế T, Trần Viết T, Trần Ngọc H và bà Trần Thị O có nội dung xác nhận việc ông có mang gỗ về làm nhà; tuy nhiên họ không nêu rõ số lượng bao nhiêu, loại gỗ gì, hình thể, kích thước (hiện nay chỉ ông H còn sống). Ông H xác định gia đình ông H có làm ngôi nhà gỗ 3 gian (loại gỗ gì ông không biết). Tại đơn đề ngày 01-8-2018, ông H lại khai là thuê ông Trần Ngọc H chở 16 cây luồng to, dài từ N về nhà (không phải vận chuyển gỗ lim). Ngoài ra, bà D, bà K (là em ruột) và ông Trần Viết D là trưởng thôn, hàng xóm, sinh sống liên tục tại địa bàn xác định không có ngôi nhà 03 gian gỗ lim như ông H khai; thực tế chỉ có ngôi nhà tranh trát vách; sau này ông Q phá để xây dựng nhà khác như hiện nay. Bà L xác định không có ngôi nhà gỗ lim do ông H xây dựng, năm 1991 vợ chồng bà phá ngôi nhà cũ nhà tranh, vách đất xây nhà mới, ông H biết và không có ý kiến gì. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa không đủ căn cứ xác định ông H có đầu tư xây dựng ngôi nhà gỗ lim 03 gian trên diện tích đất gia đình ông Q, bà L đang quản lý, sử dụng.

Ngoài ra, trong trường hợp ông H có đóng góp xây dựng ngôi nhà (bị phá vào năm 1991); khi phá bỏ ngôi nhà, ông H biết và không yêu cầu bồi thường. Theo quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự thì thời điểm ông H khởi kiện, thời hiệu khởi kiện đã hết; với các lý do nêu trên, việc yêu cầu bà L bồi thường 262.000.000 đồng là không có căn cứ.

 [4]. Về án phí phúc thẩm: ông Trần Bá H sinh năm 1937 (là người cao tuổi). Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, thì ông H không phải nộp án phí.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ Luật tố tụng dân sự; không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Bá H và giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 12- 9-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh H.

2. Miễn án phí phúc thẩm cho ông Trần Bá H.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

449
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2019/DS-PT ngày 18/02/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:14/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 18/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về