Bản án 14/2017/HSST ngày 20/07/2017 về vụ Hoàng Công M phạm tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TRIỆU PHONG, TỈNH QUẢNG TRỊ

BẢN ÁN 14/2017/HSST NGÀY 20/07/2017 VỀ VỤ HOÀNG CÔNG M PHẠM TỘI SỬ DỤNG MẠNG INTERNET THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 20 tháng 7 năm 2017, tại Hội trường Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 12/2017/HSST ngày 31/5/2017 đối với các bị cáo:

1. HOÀNG CÔNG M, tên gọi khác: T; sinh ngày: 13/6/1998, tại Quảng Trị; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; trình độ học vấn: 11/12; nghề nghiệp: Không nghề; con ông Hoàng Công T, sinh năm 1968 và bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1970; đều trú tại: Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; bị cáo chưa có vợ, con.

Tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân: Ngày 22/7/2015, bị Công an huyện Triệu Phong xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 06/12/2016 đến ngày 04/5/2017; hiện áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, có mặt tại phiên tòa.

2. NGUYỄN HỮU S, tên gọi khác: B; sinh ngày: 25/4/2000, tại Quảng Trị; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; trình độ học vấn: 10/12; nghề nghiệp: Không nghề; con ông Nguyễn Đ, sinh năm 1977 và bà Lê Thị H, sinh năm 1979, đều trú tại Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, có mặt tại phiên tòa.

* Đại diện hợp pháp đồng thời là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu S: Bà Lê Thị H, sinh năm 1979 (mẹ ruột của bị cáo Nguyễn Hữu S); Trú tại: Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, có mặt.

* Người bị hại: Chị Lý Thị C, sinh năm 1989; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội; chổ ở hiện nay: Số nhà 522/24b, hẻm 2144 đường Huỳnh Tấn Phát, Ấp 3, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

+ Anh Trương Hồng P, sinh năm 1991; trú tại: Tiểu khu 3, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, có mặt.

+ Anh Võ Hoàng Nhật A, sinh năm 1998; trú tại: Tiểu khu 3, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, có mặt.

+ Ông Hoàng Công T, sinh năm 1968 (bố bị cáo Hoàng Công M); trú tại: Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, có mặt.

+ Anh Phạm Văn C, sinh năm 1991; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai; chỗ ở hiện nay: Phòng 310, khu chung cư A3, đường Vân Đồn, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

NHẬN THẤY

Bị cáo Hoàng Công M và Nguyễn Hữu S bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị truy tố về hành vi phạm tội như sau:

1. Hành vi sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản của Hoàng Công M: Qua tìm hiểu trên mạng internet, Hoàng Công M đã biết được một số thủ thuật để chiếm đoạt và sử dụng tài khoản Facebook của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản qua mạng internet.

Ngày 09/5/2016, tại quán Internet Hồng Phong ở Tiểu khu 3, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Hoàng Công M  sử dụng máy tính có kết nối mạng Internet, đăng nhập vào tài khoản Facebook của mình là “Lặng Thầm” rồi vào mục tìm kiếm bạn bè với cú pháp “Những người đang sinh sống tại Lào”. Qua đó, M đã lựa chọn ngẫu nhiên tài khoản Facebook có tên là “Vnphone Tien”, chủ tài khoản là Nguyễn Thị L, hiện đang sống và làm việc tại Lào. M vào xem tại mục thông tin cá nhân và nắm một số thông tin về tài khoản Facebook này, sau đó vận dụng những thông tin trên để dò tìm mật khẩu. Sau khi dò tìm đúng mật khẩu, M đã chiếm đoạt tài khoản Facebook “Vnphone Tien” bằng cách thay đổi mật khẩu đăng nhập, email và số điện thoại.

Sau khi chiếm đoạt được tài khoản Facebook “Vnphone Tien”, khoảng 13 giờ ngày 09/5/2016, M đăng nhập trái phép vào tài khoản này thì thấy tài khoản Facebook “Ly Thanh Chuc” của chị Lý Thị C, trú tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội đang hiển thị, M mạo danh chủ tài khoản “Vnphone Tien” trò chuyện qua tin nhắn facebook với tài khoản “Ly Thanh Chuc”. Sau khi tạo được lòng tin, M mạo danh chủ tài khoản “Vnphone Tien” rủ chị C kinh doanh thẻ card điện thoại trả trước của các nhà mạng tại Việt Nam bán sang Lào, mỗi thẻ 500.000 đồng bán được 900.000 đồng , lợi nhuận chia đôi, bằng cách chụp và gửi hình ảnh số seri và mật mã thẻ card qua tin nhắn facebook. Chị C nhầm tưởng M là chủ tài khoản Facebook “Vnphone Tien” nên đồng ý làm theo yêu cầu của M. Khi nhận được hình ảnh số seri và mật mã thẻ card mà chị C gửi, M chiếm đoạt số tiền trong thẻ card, nộp vào các tài khoản rikvip để chơi game hoặc đổi ra tiền mặt tiêu xài cá nhân . Trong khoảng thời gian từ 13 giờ 08 phút đến 14 giờ 54 phút cùng ngày, M đã 04 lần chiếm đoạt số seri và mật mã thẻ card điện thoại do chị C gửi đến, cụ thể:

Lần 1: Khoảng 13 giờ 08 phút, theo yêu cầu của M, chị C đã gửi hình ảnh số seri và mật mã của 04 thẻ card điện thoại trả trước mệnh giá 500.000 đồng của mạng Viettel với tổng trị giá 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng). M đã chiếm đoạt và nộp vào tài khoản rikvip “thoithethaydoi20” của M để c huyển đổi thành 2.000.000 tiền rikvip (01 đồng đổi thành 01 rikvip).

Lần 2: Khoảng 13 giờ 32 phút, theo yêu cầu của M, chị C đã gửi hình ảnh số seri và mật mã của 10 thẻ card điện thoại trả trước mệnh giá 500.000 đồng của mạng Viettel với tổng trị giá 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng). M đã chiếm đoạt và nộp vào tài khoản rikvip “thoithethaydoi20” của M để chuyển đổi thành 5.000.000 tiền rikvip.

Lần 3: Khoảng 14 giờ 12 phút, theo yêu cầu của M, chị C đã gửi hình ảnh số seri và mật mã của 20 thẻ card điện thoại trả trước mệnh giá 500.000 đồng của mạng Viettel với tổng trị giá 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng). M đã chiếm đoạt và nộp vào tài khoản rikvip “thoithethaydoi20” của M để chuyển đổi thành 10.000.000 tiền rikvip.

Lần 4: Khoảng 14 giờ 50 phút đến 14 giờ 54 phút, theo yêu cầu của M, chị C đã gửi hình ảnh số seri và mật mã của 60 thẻ card điện thoại trả trước mệnh giá 500.000 đồng của mạng Viettel, Mobiphone và Vinaphone với tổng trị giá 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng). M đã chiếm đoạt và nộp 05 thẻ card vào các tài khoản rikvip “botloc100” và “hoangnam9897” của M để chơi game. Còn 55 thẻ card, M nhờ Nguyễn Hữu S nộp vào tài khoản rikvip của Sáng để bán lấy tiền mặt.

Như vậy, trong ngày 09/5/2016, Hoàng Công M đã 04 lần chiếm đoạt của chị Lý Thị C số seri và mật mã của 94 thẻ card điện thoại trả trước mệnh giá 500.000 đồng của các nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone với tổng trị giá 47.000.000 đồng (Bốn mươi bảy triệu đồng). Số tiền chiếm đoạt được, M đã tiêu xài cá nhân hết.

2. Hành vi tiêu thụ tài sản do Hoàng Công M chiếm đoạt được: Nguyễn Hữu S (bạn cùng chơi game với M), do ngồi chơi game cùng với M nên S biết được các thẻ card điện thoại là do M chiếm đoạt từ tài khoản facebook “Ly Thanh Chuc” và đã 02 lần giúp M rút lấy tiền mặt từ các thẻ card điện thoại M chiếm đoạt, cụ thể như sau:

Lần 01: Sau khi thực hiện lần thứ 4 chiếm đoạt 60 thẻ card điện thoại trả trước mệnh giá 500.000 đồng của chị C, M nhờ S nộp vào tài khoản rikvip của S để bán lấy tiền mặt. Sáng đồng ý và nạp 55 thẻ card M chiếm đoạt được vào các tài khoản rikvip “cuocsongmoi25”, “cuocsongmoi26” của S , thành 27.500.000 tiền rikvip. Vào khoảng 16 giờ 00 phút, S bán 24.000.000 tiền rikvip từ tài khoản game rikvip “cuocsongmoi26” của S cho anh Phạm Văn C (chủ đại lý rikvip Phạm C ở thành phố Đà Nẵng), chiết khấu 18,5%, tức 100.000 tiền rikvip bán lấy 81.500 đồng, để lấy 19.560.000 đồng tiền mặt. Sau đó, S mượn thẻ ATM Ngân hàng Agribank từ Võ Hoàng Nhật A (thẻ ATM của Hồ Chí C) để rút và đưa cho M số tiền 19.500.000 đồng. Còn lại 3.500.000 tiền rikvip, M trả công cho S.

Lần 02: Sau khi lấy được số tiền 19.500.000 đồng, M rủ S và Nguyễn Đức D vào thành phố Đà Nẵng chơi. Trên đường đi, M tiếp tục nhờ S bán 17.000.000 tiền rikvip mà M nộp từ 34 thẻ card chiếm đoạt từ chị C đã nộp vào tài khoản game rikvip “thoithethaydoi20” của M, S đồng ý. Tối ngày 09/5/2016, tại Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng, S bán 17.000.000 tiền rikvip từ tài khoản game rikvip “thoithethaydoi20” của M cho anh C để lấy số tiền 14.450.000 đồng. Sau khi nhận tiền, M trả công cho S 3.000.000 đồng.

Như vậy, Nguyễn Hữu S đã 02 lần bán giúp M 41.000.000 tiền rikvip (tương đương 41.000.000 đồng) từ các tài khoản game rikvip “cuocsongmoi26” của S và “thoithethaydoi20” của M, được M trả công 6.500.000 đồng, S đã tiêu xài cá nhân hết.

Cáo trạng số 10/QĐ/KSĐT - KT ngày 30 tháng 5 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị truy tố bị cáo Hoàng Công M về tội: "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm b khoản 2 Điều 226b Bộ luật hình sự, truy tố bị cáo Nguyễn Hữu S về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Triệu Phong đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Hoàng Công M (T) phạm tội "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Nguyễn Hữu S (B) phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 226b; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm n khoản 1 Điều 48; Điều 47, Điều 69, khoản 1, 2 Điều 74 Bộ luật hình sự; điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7, điểm b khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015: Xử phạt bị cáo Hoàng Công M (T) từ 12 tháng đến 15 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ ngày 06/12/2016 đến ngày 04/5/2017.

Áp dụng khoản 1 Điều 250; các điểm b, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 điều 48; Điều 69, khoản 1 Điều 74, khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu S (B) từ 9 tháng đến 12 tháng tù cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách của án treo.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, Điều 585, Điều 586 Điều 589 Bộ luật dân sự 2015: Công nhận sự thỏa thuận giữa chị Lý Thị C, bị cáo Hoàng Công M, Nguyễn Hữu S và ông Hoàng Công T (bố bị cáo M): Ông Hoàng Công T phải bồi thường cho chị Lý Thị C số tiền 47.000.000 đồng, đã bồi thường 14.500.000 đồng (trong đó tiền ông T nộp là 8.000.000 đồng, tiền bị cáo S nộp 6.500.000 đồng), còn phải bồi thường 32.500.000 đồng. Thời hạn bồi thường tính từ ngày xét xử sơ thẩm đến ngày 20/7/2018, ông Hoàng Công T phải bồi thường đủ số tiền 32.500.000 đồng cho chị Lý Thị C.

Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, ông T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Hoàng Công M là người biết sử dụng máy vi tính và thao tác thành thạo các trang mạng xã hội được đăng tải trên mạng Internet nên Hoàng Công M nãy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua các trang mạng xã hội; cụ thể ngày 09/5/2016, tại quán Internet Hồng Phong ở Tiểu khu 3, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Hoàng Công M đã sử dụng mạng Internet thực hiện 04 lần truy cập bất hợp pháp vào tài khoản “Vnphone Tien” của chị Nguyễn Thị L, mao danh chi L, trao đôi qua tin nhắn với tài khoản Facebook “Ly Thanh Chuc” của chị Lý Thị C, để chiếm đoạt số seri và mật mã 94 thẻ card điện thoại trả trước mệnh giá 500.000 đồng của các nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone với tổng trị giá 47.000.000 đồng. Hành vi của Hoàng Công M đã đủ yếu tố cấu thành tội "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung “Phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 226b Bộ luật hình sự. Đối với Nguyễn Hữu S mặc dù không hứa hẹn trước, nhưng biết rõ các thẻ card là do M chiếm đoạt mà có, S đã 02 lần giúp Hoàng Công M tiêu thụ các thẻ card bằng cách nộp vào tài khoản rikvip và bán 41.000.000 tiền rikvip (tương đương 41.000.000 VNĐ) để lấy tiền mặt nên đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự.

Điểm b khoản 2 Điều 226b Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào sử dụng mạng Internet ... thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm:

......

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

b) Phạm tội nhiều lần.

Khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và quá trình nhân thân của các bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Đối với bị cáo Hoàng Công M biết rõ việc truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của người khác là vi phạm pháp luật nhưng do xem thường pháp luật nên bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội, khi thực hiện hành vi phạm tội thì chỉ có một mình bị cáo thực hiện chứ không có ai ép buộc hay lôi kéo bị cáo. Hành vi phạm tội của bị cáo không những trực tiếp xâm phạm đến tài sản của người khác mà còn làm ảnh hưởng xấu, gây dư luận không tốt đến việc khai thác sử dụng các trang mạng xã hội trên mạng Internet đã được Nhà nước cho phép sử dụng; vì vậy, cần xử phạt một cách nghiêm khắc đối với bị cáo mới đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Bị cáo M biết rõ mình thực hiện hành vi phạm tội nhưng vẫn nhờ bị cáo S trực tiếp bán các thẻ card điện thoại mà M chiếm đoạt trong khi bị cáo S là người chưa thành niên nên phải chịu tình tiết tăng nặng “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” theo điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo Hoàng Công M đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, đã tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho người bị hại nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ ở điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; tại phiên tòa, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; bị cáo sinh ngày 13/6/1998 đến ngày phạm tội 9/5/2016 chưa đủ 18 tuổi nên cần áp dụng Điều 69, khoản 1 Điều 74 Bộ luật hình sự về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Ngoài ra, xét tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015 có khung hình phạt nhẹ hơn so với Điểm b khoản 2 Điều 226b Bộ luật hình sự năm 1999 (khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm) nên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội và Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao thì những quy định có lợi trong Bộ luật hình sự năm 2015 được áp dụng cho người phạm tội. Do đó, cần vận dụng tinh thần của điểm b khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015, để xem xét mức hình phạt đối bị cáo và xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nên cần áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt . Ngày 22/7/2015 bị cáo bị Công an huyện Triệu Phong xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đến ngày thực hiện hành vi phạm tội 09/5/2016 đã quá 6 tháng nên bị cáo không có tiền sự nhưng vẫn bị xem là người có nhân thân xấu nên cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để giáo dục bị cáo trở thành người có ích cho xã hội.

Đối với bị cáo Nguyễn Hữu S đã hai lần giúp M tiêu thụ tài sản nên phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, đã nộp lại số tiền 6.500.000 đồng mà bị cáo M trả công cho S khi S bán card điện thoại giúp M để khắc phục hậu quả nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ ở điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Nguyễn Hữu S chưa đủ 18 tuổi nên cần áp dụng Điều 69 và khoản 1 Điều 74 Bộ luật hình sự về xử lý đối người chưa thành niên phạm tội. Bị cáo có quá trình nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo mới trên 16 tuổi, do đó không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo mà cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ để tạo điều kiện cho gia đình chăm sóc và giáo dục bị cáo. Giao bị cáo cho gia đình và chính quyền địa phương giám sát, giáo dục cũng đủ tác dụng giáo dục đối với bị cáo và thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta. Bị cáo là người chưa thành niên, không có công việc ổn định, không có thu nhập nên không khấu trừ thu nhập khi áp dụng hình phạt này.

Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, bị hại chị Lý Thị C, bị cáo Hoàng Công M, Nguyễn Hữu S và ông Hoàng Công T (bố bị cáo M) đã thỏa thuận: Ông Hoàng Công T phải bồi thường cho chị Lý Thị C số tiền 47.000.000 đồng; ông T đã nộp 8.000.000 đồng tại Chi cục thi hành án huyện Triệu Phong để bồi thường cho chị C, bị cáo S thỏa thuận giao số tiền 6.500.000 đồng bị cáo nộp tại cơ quan Công an để trừ vào số tiền bồi thường cho chị C; do đó ông Hoàng Công T còn phải bồi thường cho chị Lý Thị C số tiền còn lại 32.500.000 đồng; thời hạn bồi thường tính từ ngày xét xử sơ thẩm cho đến ngày 20/7/2018 ông T phải bồi thường xong số tiền trên. Xét sự thỏa thuận này là tự nguyện, phù hợp với quy định tại Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 nên cần công nhận sự thỏa thuận của các bên.

Về vật chứng: Cơ quan điều tra đã thu thập 03 tập tài liệu gồm 43 tờ (43 trang) do Hoàng Công M cung cấp in từ các tài khoản rikvip “thoithethaydoi20”, “botloc100” và “hoangnam9897” trên trang web rikvip.com; 03 tập tài liệu gồm 55 tờ (55 trang) do Hoàng Công M và chị Lý Thị C cung cấp về nội dung trò chuyện giữa tài khoản facebook “Vnphone Tien” và “Ly Thanh Chuc”; 02 tập tài liệu gồm 21 tờ (21 trang) do chị Lý Thị C cung cấp in các thẻ card mà chị Lý Thị C đã chụp ảnh gửi qua cho đối tượng sử dụng tài khoản facebook “Vnphone Tien”; 02 tập tài liệu gồm 58 tờ (58 trang) do Nguyễn Hữu S cung cấp in từ các tài khoản rikvip “Cuocsongmoi25” và “Cuocsongmoi26” trên trang web rikvip.com; 01 tập tài liệu gồm 12 tờ (16 trang) do Ngân hàng Agribank huyện Triệu Phong cung cấp chứa thông tin về việc chuyển và rút số tiền khi bán 24.000.000 tiền rikvip từ tài khoản game rikvip “cuocsongmoi26” của S. Đây là vật chứng cũng là chứng cứ của vụ án nên cần lưu vào hồ sơ vụ án.

Đối với Phạm Văn C, khi mua 41.000.000 tiền rikvip do Nguyễn Hữu S bán, C không biết tài sản do phạm tội mà có; Trương Hồng P - chủ quán Internet Hồng Phong, khi Hoàng Công M sử dụng máy tính tại quán Internet Hồng Phong để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Hữu S sử dụng máy tính để bán tiền rikvip, anh P hoàn toàn không biết; Nguyễn Đức D biết việc S bán 17.000.000 tiền rikvip, nhưng D không biết số tiền rikvip này là do M chiếm đoạt mà có; Võ Hoàng Nhật A, khi cho S mượn thẻ ATM để chuyển và rút số tiền 19.560.000 đồng thì A không biết đây là số tiền do phạm tội mà có, nên không có cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự đối với C, P, D và A.

Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, ông Th phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Về trách nhiệm hình sự: Tuyên bố bị cáo HOÀNG CÔNG M (T) phạm tội "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Bị cáo NGUYỄN HỮU S (B) phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 226b; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm n khoản 1 Điều 48, Điều 47, Điều 69, khoản 1 Điều 74 Bộ luật hình sự; điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội và Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao; xử phạt: Hoàng Công M (T) 12 (mười hai) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ ngày 06/12/2016 đến ngày 04/5/2017.

Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm b, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 điều 48; Điều 69, khoản 1 Điều 74, khoản 1, 2 Điều 31 Bộ luật hình sự; xử phạt: Nguyễn Hữu S (B) 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ; thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ ngày Uỷ ban nhân dân thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nhận được quyết định thi hành án. Giao bị cáo Nguyễn Hữu S cho Ủy ban nhân dân thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị giám sát, giáo dục bị cáo. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Không khấu trừ thu nhập của bị cáo.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 589 Bộ luật dân sự 2015: Công nhận sự thỏa thuận giữa chị Lý Thị C, bị cáo Hoàng Công M, Nguyễn Hữu S và ông Hoàng Công T (bố bị cáo M): Ông Hoàng Công T phải bồi thường cho chị Lý Thị C số tiền 47.000.000 đồng; đã bồi thường 14.500.000 đồng (trong đó tiền ông T nộp là 8.000.000 đồng, tiền bị cáo S nộp 6.500.000 đồng), còn phải bồi thường 32.500.000 đồng. Thời hạn bồi thường tính từ ngày xét xử sơ thẩm đến ngày 20/7/2018, ông Hoàng Công T phải bồi thường đủ số tiền 32.500.000 đồng cho chị Lý Thị C.

(Số tiền 8.000.000 đồng ông T nộp hiện có tại Chi cục thi hành án Dân sự huyện Triệu Phong theo biên lai số 001791 ngày 04/5/2017 và biên lai số 001792 ngày 4/5/2017 của Chi cục thi hành án huyện Triệu Phong và số tiền 6.500.000 đồng bị cáo S nộp hiện có tại Kho bạc Nhà nước huyện Triệu Phong theo biên bản giao nhận số 09/2016/BBGN-KBTP ngày 17/10/2016 và phiếu nhập kho ngày 17/10/2016 giữa Công an huyện Triệu Phong với Kho bạc Nhà nước huyện Triệu Phong).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và chị C có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Về án phí: Mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm; ông Hoàng Công T phải chịu 1.650.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Các bị cáo, đại diện hợp pháp đồng thời là người bào chữa cho bị cáo Sáng, người bị hại có mặt có quyền kháng cáo bản án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo phần liên quan trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo phần liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

732
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2017/HSST ngày 20/07/2017 về vụ Hoàng Công M phạm tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:14/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Triệu Phong - Quảng Trị
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về