Bản án 141/2018/DS-PT ngày 06/11/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng hợp tác và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 141/2018/DS-PT NGÀY 06/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN, HỢP ĐỒNG HỢP TÁC VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG

Ngày các ngày 19 tháng 10 và ngày 06 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 105/2018/TLPT-DS ngày 28 tháng 8 năm 2018 về việc Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng hợp tác và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng".

Do bản án dân sự sơ thẩm số 17/2018/DS-ST ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 155/2018/QĐ-PT ngày 12 tháng 9 năm 2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông A, sinh năm 1968.(có mặt)

Địa chỉ: Quốc lộ, khóm M, phường B, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng.

- Bị đơn: Hợp tác xã B.

Địa chỉ: Ấp C, xã V, huyện Đ, tỉnh Sóc Trăng.

Người đại diện theo pháp luật: Ông C, Chức vụ: Giám đốc B.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông D, sinh năm 1977.(vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt)

Địa chỉ: Quốc lộ, khóm M, phường B, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty E.

Người đại diện: H, sinh năm 1796.(vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: Quốc lộ, ấp Đ, xã T, huyện M, tỉnh Sóc Trăng.

3/- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì nội dung vụ kiện được tóm tắt như sau:

Nguyên đơn ông A trình bày như sau:

Vào ngày 29/12/2015 ông và Hợp tác xã B (gọi tắt là Hợp tác xã) có ký hợp đồng cung cấp sữa tươi, giữa bên thu mua sữa là Bvà bên cung cấp sữa là ông, thời hạn của hợp đồng là 05 năm, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày hai bên ký kết hợp đồng là ngày 29/12/2015 và kết thúc vào ngày 29/12/2020. Theo nội dung của hợp đồng thì Hợp tác xã B có trách nhiệm thu mua sữa bò tươi do bên ông cung cấp, số lượng bò sữa là 01 con, sản lượng sữa cung cấp được tính bằng kilôgam và tùy thuộc vào lượng sữa được ông vắt mỗi ngày nhưng không được quá 40kg/ngày. Về giá sữa, địa điểm giao nhận sữa và thanh toán tiền sữa được thay đổi tùy theo thời điểm thu mua sữa do Bquy định, về chất lượng sữa được thực hiện theo bảng tiêu chuẩn chất lượng do Hợp tác xã B cung cấp. Khi ký hợp đồng Hợp tác xã B cung cấp cho ông A 01 sổ tay thành viên và ông A đã nộp 1.020.000 đồng (1.000.000 đồng góp vốn và 20.000 đồng lệ phí) theo yêu cầu của Hợp tác xã B để trở thành xã viên của Hợp tác xã. Ngoài ra, hợp đồng còn quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của hai bên được quy định tại Điều 7 của hợp đồng là nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng được quy định trong điều khoản này thì bên kia có quyền chấm dứt hợp đồng.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng khi bò của ông bắt đầu cho sữa thì ông đã thực hiện đúng các quy trình được quy định trong hợp đồng nên hai bên bắt đầu việc thu mua sữa từ ngày 30/12/2015. Hợp tác xã B đã yêu cầu ông mua dụng cụ của Hợp tác xã B bán để lấy sữa tươi bao gồm: Cal nhôm giá 790.000 đồng, xô nhôm giá 500.000 đồng và đá liếm giá 95.000 đồng. Việc vắt sữa và thu mua sữa được hai bên tiến hành mỗi ngày, trung bình mỗi ngày bò ông vắt được khoảng từ 13kg đến 15kg sữa tươi (trung bình khoảng 14kg/ngày), tiền sữa được Hợp tác xã B thanh toán 02 tuần 01 lần, khi thanh toán Bgiữ lại mỗi kg sữa số tiền là 1.500 đồng, giá thu mua sữa giao động từ 11.000 đồng đến 12.000 đồng (trung bình khoảng 11.500 đồng/kg).

Việc thu mua sữa vẫn diễn ra rất suông sẽ thì đến ngày 01/4/2016 Hợp tác xã B không thu mua sữa do ông cung cấp như thường ngày, phía Hợp tác xã B cũng không nêu lý do việc không tiếp tục thu mua sữa của ông mà Hợp tác xã B giao lại cho Công ty E thu mua với giá rất thấp (từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg) và gặp nhiều khó khăn trong việc chở sữa đi bán nên ông không đồng ý và ông đã nhiều lần liên hệ và yêu cầu Btiếp tục thực hiện việc thu mua sữa nhưng không được Hợp tác xã B giải quyết nên ngày 21/4/2016 ông đã làm đơn khiếu nại gửi đến Giám đốc Hợp tác xã B qua đường bưu điện để khiếu nại về việc không thu mua sữa nhưng vẫn không được Giám đốc giải quyết khiếu nại mà gửi lại đơn cho ông, vì vậy hai bên phát sinh tranh chấp. Do Hợp tác xã B không tiếp tục thu mua sữa gây thiệt hại cho ông mỗi ngày một nhiều nên vào đầu tháng 5/2016 ông buộc lòng phải bán bò cho người khác với giá 20.000.000 đồng (lỗ 8.500.000 đồng), bán cal nhôm giá 400.000 đồng (lỗ 390.000 đồng) để tránh thiệt hại tiếp tục tiếp diễn, còn xô nhôm hiện không dùng vào mục đích gì (lỗ 500.000 đồng).

Do Hợp tác xã B đã ký kết hợp đồng với ông nhưng tự ý chấm dứt không có lý do chính đáng đã vi phạm hợp đồng và gây thiệt hại rất nhiều cho ông. Nay ông yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Sóc Trăng giải quyết buộc Hợp tác xã B bồi thường thiệt hại những vấn đề sau:

1. Bồi thường thiệt hại cho ông do không bán được sữa kể từ ngày 01/4/2016 đến ngày 30/4/2016 số tiền là 14kg/ngày x 11.500 đồng/kg x 30 ngày = 4.830.000 đồng.

2. Trả lại tiền khi thanh toán tiền sữa giữ lại mỗi lần 1.500 đồng/kg trên tổng số sữa đã bán từ ngày 31/12/2015 đến ngày 31/3/2016 là: 1.225kg x 1.500 đồng/kg = 1.837.500 đồng.

3. Bồi thường thiệt hại do việc ông phải bán bò và dụng cụ lấy sữa số tiền là: 8.500.000 đồng (tiền bán bò bị lỗ); 390.000 đồng (tiền bán cal nhôm bị lỗ); 500.000 đồng tiền xô nhôm do Bđã bán cho ông A để lấy sữa, cộng lại là: 8.500.000 đồng + 500.000 đồng + 390.000 đồng = 9.390.000 đồng.

4. Trả lại số tiền ông đã góp vốn ban đầu là 1.000.000 đồng và chia lợi nhuận trên số vốn góp 1.000.000 đồng (một năm bằng 50% tổng vốn góp, tạm tính khoản 4,16%/tháng) từ ngày 01/01/2016 tạm tính đến ngày 17/02/2017 số tiền là: 1.000.000 đồng x 4,16% x 13 tháng = 541.000 đồng.5. Buộc Hợp tác xã B tiếp tục chia lợi nhuận cho ông theo thỏa thuận khi góp vốn vào B là 4,16%/tháng trên vốn góp 1.000.000 đồng cho đến khi Tòa án giải quyết xong.

6. Bồi thường tiền mất thu nhập thực tế vì hành vi chấm dứt hợp đồng trái quy định pháp luật của Hợp tác xã B cho ông A số tiền là: 2.500.000 đồng/tháng (tiền lợi nhuận mỗi tháng do bán sữa tươi) x 47 tháng (thời hạn còn lại của hợp đồng) =117.500.000 đồng.

Tổng cộng số tiền tạm tính: 135.098.500 đồng (một trăm ba mươi lăm triệu không trăm chín mươi tám nghìn năm trăm đồng).

Bị đơn B có người đại diện theo ủy quyền là ông D trình bày:

Vào ngày 29/12/2015 Hợp tác xã B và ông A có ký hợp đồng cung cấp sữa tươi, giữa bên thu mua sữa là Hợp tác xã B và bên cung cấp sữa là ông A, thời hạn của hợp đồng là 05 năm, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày hai bên ký kết hợp đồng là ngày 29/12/2015, hợp đồng kết thúc vào ngày 29/12/2020 theo nội dung của hợp đồng như ông A trình bày là đúng. Sau khi ký hợp đồng thì các bên thực hiện đúng hợp đồng, cụ thể là phía Bthu mua sữa của ông A từ ngày 30/12/2015 đến ngày 31 tháng 3 năm 2016 thì những xã viên có ký hợp đồng với Hợp tác xã B bán sữa tại điểm thu mua xã Đ (trong đó có ông A) đều chuyển xuống bán cho Công ty cổ phần VN thông qua trạm Công ty E vì đây là theo chủ trương chung của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng nên Hợp tác xã B đã thông báo cho các xã viên bán sữa tại trạm thu mua ĐT biết, trong đó có ông A là Hợp tác xã B sẽ không thu mua sữa đối với xã viên thuộc huyện M cũng như bản thân ông A mà giao lại cho Công ty cổ phần sữa VN mua thông qua trạm trung chuyển Công ty E theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Sau khi thông báo cho các xã viên và ông A đều không có ý kiến, đều chấp hành theo chủ trương chung và theo cộng tác viên kỹ thuật của Hợp tác xã B ở khu vực xã Đ báo lại thì thấy ông A đi bán sữa chổ Công ty E cũng ở xã Đ và ông A không đến bán sữa cho Hợp tác xã B từ ngày01/4/2016 nhưng đến ngày 17/4/2016 thì ông A đến liên hệ để bán sữa lại nhưng Hợp tác xã B không đồng ý mua với lý do ông A không hợp tác, lớn tiếng với nhân viên vì chỉ muốn gặp Giám đốc và đến ngày 21/4/2016 thì gặp Giám đốc và khi được giải thích thì ông A không nghe và chỉ hỏi là có mua sữa hay không. Qua yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn có ý kiến: Bị đơn chỉ đồng ý trả nguyên đơn số tiền góp vốn 1.000.000 đồng còn các khoản còn lại Hợp tác xã B không đồng ý vì việc Hợp tác xã B ngừng thu mua sữa của ông A, ông A đã được thông báo trước và ông A cũng đã thực hiện được một thời gian và căn cứ theo điều 7.2 của Hợp đồng thì giữa Hợp tác xã B và và ông A đã chấm dứt hợp đồng với nhau cho nên việc ông A yêu cầu Hợp tác xã B phải bồi thường là không đúng, ông A đã bán sữa cho Công ty cổ phần sữa VN và các xã viên khác bán sữa tại trạm ĐT trước đây cũng bán sữa cho Công ty cổ phần sữa V N nên Hợp tác xã B không có lỗi trong việc chấp dứt hợp đồng, Ban quản trị đưa bên thứ ba là Công ty cổ phần sữa VN thu mua sữa là đúng quy định trong hợp đồng và nguyên tắc hoạt động được ký kết giữa xã viên và Hợp tác xã B nên Bkhông chấp nhận các khoản tiền còn lại mà ông A yêu cầu.

Người có  quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty E người đại diện hợp pháp là ông H đại diện trình bày:

Theo chủ trương chung của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Công ty E chỉ là trạm trung chuyển của Công ty sữa VN, Công ty E không có trực tiếp mua của các hộ dân kể cả ông A và theo ông H những người bán sữa cho Công ty VN đều phải ký hợp đồng với Công ty.

Sự việc được Tòa án nhân dân huyện Đ thụ lý, giải quyết như sau:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 35, khoản 3 Điều 36 và điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 điều 91, khoản 1 Điều 273, khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điều 504, 512 , khoản 2 điều 254 của Bộ luật dân sự năm 2015. Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ông A về việc yêu cầu Hợp tác xã B bồi thường trong vụ án dân sự về “Tranh chấp Hợp đồng mua bán tài sản, Hợp đồng hợp tác và bồi thường thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng”.

Buộc Hợp tác xã B có trách nhiệm hoàn trả cho ông A tổng cộng số tiền 1.000.000 đồng (một triệu đồng).

Ngoài ra cấp sơ thẩm còn tuyên án phí, quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Ngày 01/8/2018, nguyên đơn ông A có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 17/2018/DS-ST, ngày 19/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ. Yêu cầu cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ án theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo; Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo, về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm; Đồng thời, phát biểu quan điểm về nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn ông A về yêu cầu tính lãi trên số tiền 1.000.000 đồng với số tiền là 480.811 đồng, áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận, ý kiến phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng khác, Hội đồng xét xử nhận định:

 [1] Về tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông D và người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty E là ông H đều vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt. căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt ông D và ông H.

 [2] Về nội dung: Cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận vào ngày 29/12/2015 thì nguyên đơn A và Hợp tác xã B (sau gọi tắt là Hợp tác xã) có ký kết với nhau hợp đồng cung cấp sữa, bên bán là ông A và bên mua là Hợp tác xã. Thời hạn hợp đồng là 05 năm tính từ ngày 29/12/2015 đến ngày 29/12/2020. Về giá sữa, địa điểm giao nhận và thanh toán tiền được quy định tại Hợp đồng cung cấp sữa tươi ngày 29/12/2015 (BL 66, 67, 68). Để thực hiện công việc vắt sữa thì ông A đã mua các dụng cụ của Hợp tác xã B bán để lấy sữa tươi bao gồm: Cal nhôm giá 790.000 đồng, xô nhôm giá 500.000 đồng và đá liếm giá 95.000 đồng. Việc vắt sữa và thu mua sữa được hai bên tiến hành mỗi ngày, tiền sữa được Bthanh toán 02 tuần 01 lần, khi thanh toán Hợp tác xã B giữ lại mỗi kg sữa số tiền là 1.500 đồng, giá thu mua sữa giao động từ 11.000 đồng đến 12.000 đồng (trung bình khoảng 11.500 đồng/kg), để trở thành thành viên Hợp tác xã B thì ông A phải nộp số tiền là 1.000.000 đồng góp vốn và 20.000 đồng lệ phí mua sổ. Căn cứ khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự thì sự việc trên không cần phải chứng minh.

 [2.1] Nguyên đơn cho rằng đến ngày 01/4/2016 thì Hợp tác xã B không tiếp tục tiến hành thu mua sữa do ông cung cấp mà không nói lý do, mà Hợp tác xã B giao lại cho Công ty E thu mua nhưng với giá thấp hơn từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng, nên ông không đồng ý, đến tháng 5/2016 do nuôi bò lỗ nên ông phải bán bò cho người khác với giá 20.000.000 đồng. Do đó ông khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Hợp tác xã B phải trả cho ông tổng số tiền mà Hợp tác xã B đã gây thiệt hại là 135.098.500 đồng.

 [2.2] Bị đơn thì cho rằng do theo sự chỉ đạo chung của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng thì những xã viên có ký hợp đồng với Hợp tác xã B tại điểm thu mua ĐT đều chuyển xuống bán sữa cho Công ty cổ phần sữa V N thông qua trạm thu mua Công ty E, nên Hợp tác xã B đã thông báo cho các xã viên biết và thực hiện. Sau khi thông báo thì các xã viên (trong đó có ông A) đều đến bán sữa cho Công ty VN thông qua trạm trung gian Công ty E. Do đó Hợp tác xã B chỉ đồng ý trả lại số tiền vốn gốp góp do ông A góp là 1.000.000 đồng còn các khoảng khác thì Hợp tác xã B không đồng ý thanh toán vì Hợp tác xã B không có vi phạm hợp đồng.

 [3] Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn ông A thì thấy như sau:

 [3.1] Đối với kháng cáo của nguyên đơn về việc yêu cầu Tòa án giải quyết buộc  Hợp tác xã B bồi thường 100% thiệt hại do không mua sữa của nguyên đơn từ ngày 01/4/2016 đến ngày 30/4/2016 với số tiền 4.830.000 đồng.

Nhận thấy: Vào ngày 29/12/2015 thì giữa ông A và Hợp tác xã B có ký kết với nhau hợp đồng thu mua sữa theo như các bên trình bày. Sau khi ký kết thì các bên đã thực hiện theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết. Đến ngày 01/4/2016 thì Hợp tác xã B ngưng thu mua sữa, theo đó Hợp tác xã B cũng đã thông báo cho các hộ dân bán sữa tại trạm ĐT trong đó có ông A chuyển xuống bán sữa cho Công ty Cổ phần sữa VN thông qua trạm thu mua Công ty E, đồng thời Hợp tác xã B cũng tiến hành niêm yết thông báo tại nơi cân sữa cho các hộ dân biết (BL 87, 120). Sự việc này cũng được ông A biết và ông A cũng không có khiếu nại gì hay tranh chấp gì. Sau khi biết việc chuyển đổi này, thì chính ông A cũng thực hiện việc bán sữa tại trạm trung chuyển Công ty E cho Công ty Cổ phần sữa VN. Việc ông A cho rằng Hợp tác xã B không thu mua sữa của ông mà không thông báo là không đúng. Do đó, kể từ thời điểm ông A đồng ý chuyển sang bán sữa cho Công ty Cổ phần sữa VN thông qua trạm trung chuyển Công ty E thì hợp đồng ký kết giữa ông A và Hợp tác xã B ngày 29/12/2015 đã chấm dứt nên việc ông A yêu cầu bồi thường thiệt hại là không có căn cứ. Đồng thời, việc Hợp tác xã B không tiến hành thu mua sữa mà giao lại cho Công ty Cổ phần sửa VN mua thông qua trạm trung gian Công ty E là theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, nhằm ổn định sản xuất kinh doanh cho các hộ dân (BL 111, 112, , 113, 114, 118, 119). Do đó, kháng cáo của nguyên đơn về phần này là không có căn cứ.

 [3.2] Đối với kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Hợp tác xã B bồi thường thiệt hại do nguyên đơn bán bò và dụng cụ lấy sữa Cal nhôm, xô nhôm và đá liếm với tổng số tiền 18.780.000 đồng và bồi thường tiền mất thu nhập thực tế do Hợp tác xã B cắt hợp đồng với tổng số tiền là 117.500.000 đồng thì thấy:

Như đã phân tích trên kể từ thời điểm ông A chuyển sang bán sữa cho Công ty Cổ phần sữa VN thông qua trạm trung chuyển Công ty E thì hợp đồng ký kết giữa nguyên đơn với Hợp tác xã B đã hết hiệu lực. Hơn nửa, khi Hợp tác xã B thông báo cho ông A biết về việc không tiến hành thu mua sữa mà giao lại cho Công ty Cổ phần sữa VN thông qua trạm trung chuyển Công ty E, thì Hợp tác xã B đã thông báo cho các xã viên biết để thực hiện, ông A biết và cũng không có khiếu nại gì. Việc nguyên đơn bán bò cũng như các dụng cụ lấy sữa là quyền tự quyết định của nguyên đơn, không liên quan đến Hợp tác xã B do hợp đồng đã chấm dứt. Việc nguyên đơn bán sữa cho Công ty Cổ phần sữa VN thông qua trạm trung chuyển Công ty E lời hay lỗ thì cũng không còn trách nhiệm của Hợp tác xã, do Hợp tác xã B đã chấm dứt hợp đồng với ông A. Do đó trên thực tế nguyên đơn vẫn tiếp tục bán sữa cho Công ty Cổ phần sữa VN và hợp đồng giữa nguyên đơn và Công ty Cổ phần sữa VN B đã chấm dứt nên Công ty Cổ phần sữa VN B không còn trách nhiệm trong việc bán sữa, bán bò, hay bán các dụ cụ lấy sữa của nguyên đơn. Kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở.

 [3.3] Đối với kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Cổ phần sữa VN B phải chia lợi nhuận trên số tiền vốn góp là 1.000.000 đồng tính từ ngày 01/01/2016 đến ngày 17/02/2017 bằng 50% số tiền vốn góp là 13 tháng tương ứng với số tiền là 541.000 đồng và chia lợi nhuận trên số tiền vốn góp 1.000.000 đồng tính từ ngày 17/02/2017 bằng 50% một năm tiền lời trên một năm cho đến khi thi hành án xong thì thấy: Nhận thấy, tại Công văn số 2318/CV/HTX, ngày 24/10/2018 của Công ty Cổ phần sữa VN B gửi cho tòa án thể hiện nội dung “ Tổng vốn góp và lãi của ông A tại HTX là 1.480.811 đồng, trong đó vốn góp là 1.000.000 đồng và lãi chia từ việc bán sữa là 480.811 đồng. HTX đã thông báo cho tất cả xã viên huyện M đến nhận khi hoàn trả vốn góp lãi chia nhưng ông A đã không đến nhận”. Như vậy, đối với số tiền vốn góp 1.000.000 đồng thì lãi phát sinh đến thời điểm Hợp tác xã B ngừng thu mua sữa là480.811 đồng, tuy nhiên cấp sơ thẩm chỉ tuyên xử buộc Hợp tác xã B trả 1.000.000 đồng nhưng không tín đến tiền lãi phát sinh mà bác yêu cầu này của nguyên đơn là không có căn cứ. Cấp phúc thẩm cần sửa lại cho phù hợp, cụ thể buộc bị đơn Hợp tác xã B phải chia lợi nhuận trên số tiền vốn góp 1.000.000 đồng tương ứng số tiền 480.811 đồng. Kháng cáo của nguyên đơn về phần này là có căn cứ, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần.

 [3.4] Đối với kháng cáo của nguyên đơn ông A về việc yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Hợp tác xã B trả lại tiền sữa giữ lại mỗi lần là 1.500 đồng trên một kg với tổng số lượng sữa bán ra từ ngày 31/12/2015 đến ngày 31/03/2016 tương ứng với số tiền 1.837.500 đồng, nhận thấy: cũng tại Công văn số 2318/CV/HTX, ngày 24/10/2018 của Hợp tác xã B thể hiện nội dung “ Về khoản chênh lệch 1.500 đồng được nêu tại Điều 2…thực chất đây là khoản chệnh lệch giữa giá mua của xả viên và giá bán ra cho Cty Z và nó là khoản chênh lệch HTX sử dụng để thanh toán các khoản chi phí để phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 27 của Điều lệ Bquy định các Quỹ của Hợp tác xã B gồm : “Quỹ phát triển sản xuất để tăng vốn mở rộng hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, đổi mới thiết bị, kỹ thuật…Quỹ dự phòng để bu đắp vốn, quỹ bị hao hụt do thiên tai, rũ ro...”. Như vậy, đối với số tiền Hợp tác xã B giữ lại mỗi lần bán sữa là 1.500 đồng/kg thì đây là các khoản chi phí phục vụ cho hoạt đồng chung của Hợp tác xã, vì sự phát triển chung của Hợp tác xã B và chi phí này không hoàn trả lại cho xã viên, đồng thời đối với số tiền sữa giữ lại 1.500 đồng/kg sữa này cũng không được thể hiện trong hợp đồng ký kết giữa ông A và Hợp tác xã. Do đó, kháng cáo của nguyên đơn về phần này là không có căn cứ, Hội đồng xét xử không chấp nhận.

 [4] Từ những phân tích trên xét thấy kháng cáo của nguyên đơn là có căn cứ một đối với số tiền chia lợi nhuận trên số tiền vốn góp 1.000.000 đồng tương ứng số tiền 480.811 đồng, đối với các phần kháng cáo khác của nguyên đơn là không có căn cứ, Hội đồng xét xử không chấp nhận.

 [5] Xét đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ, Hội đồng xét xử chấp nhận.

 [6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do bản án bị sửa nên cần điều chỉnh lại cho phù hợp như sau:

 [6.1] Bị đơn Hợp tác xã B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng.

 [6.2] Nguyên đơn ông A không phải chịu, do ông A thuộc hộ cận nghèo nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án

 [7] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án bị cải sửa nên nguyên đơn ông Akhông phải chịu.

 [8] Sau khi thảo luận và nghị án Hội đồng xét xử thống nhất áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự sữa bản án dân sự sơ thẩm số 17/2018/DS-ST, ngày 19/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Sóc Trăng."Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 148 và khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự.

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn ông A về việc yêu cầu chia lợi nhuận trên số tiền vốn góp 1.000.000 đồng.

2. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm 17/2018/DS-ST, ngày 19/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Sóc Trăng.

Phần tuyên xử được sửa lại như sau:

 “Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 35, khoản 3 Điều 36 và điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 điều 91, khoản 1 Điều 273, khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điều 504, 512 , khoản 2 điều 254 của Bộ luật dân sự năm 2015. Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ông A về việc yêu cầu Hợp tác xã B bồi thường trong vụ án dân sự về “Tranh chấp Hợp đồng mua bán tài sản, Hợp đồng hợp tác và bồi thường thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng”.

Buộc Hợp tác xã B có trách nhiệm hoàn trả cho ông A tổng cộng số tiền 1.480.811 đồng (trong đó tiền vốn góp là 1.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh là 480.811)

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Hợp tác xã B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng).

- Ông A không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

3. Về nghĩa vụ thi hành án:

- Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án dân sự có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.”

3. Án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn ông A không phải chịu.

Những quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạng kháng cáo, kháng nghị.

Quyền và nghĩa vụ thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và Điều 9 của Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Hiệu lực Bản án phúc thẩm: Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1225
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 141/2018/DS-PT ngày 06/11/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng hợp tác và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

Số hiệu:141/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:06/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về