TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 140/2021/DS-PT NGÀY 04/06/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM
Ngày 04 tháng 6 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 76/2021/TLPT-DS ngày 13 tháng 5 năm 2021 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2021/DS-ST ngày 30/03/2021 của Tòa án nhân dân huyện G bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 98/2021/QĐ – PT ngày 18 tháng 5 năm 2021 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Phan Thị T, sinh năm 1961; Địa chỉ: Ấp H1, xã T, huyện G, tỉnh Bến Tre.
- Bị đơn: Ông Trương Văn P, sinh năm 1979; Địa chỉ: Ấp H2, xã T, huyện G, tỉnh Bến Tre.
- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Phạm Thị T1, sinh năm 1978; Địa chỉ: Ấp H2, xã T, huyện G, tỉnh Bến Tre. (Văn bản ủy quyền ngày 12/6/2020) - Người kháng cáo: Bị đơn Trương Văn P.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, nguyên đơn bà Phan Thị T trình bày:
Vào ngày 22/9/2018, bà điều khiển xe đạp đứng bên lề đường, ông Trương Văn P điều khiển xe gắn máy đụng vào người bà làm bà ngã xuống đất chấn thương phải đi bệnh viện điều trị và nằm viện. Tại cơ quan điều tra, giữa bà và ổng Phẩn không thỏa thuận được nên bà khởi kiện yêu cầu ông P bồi thường các khoản như sau:
- Tiền chi phí điều trị là 25.600.000 đồng;
- Tiền xe đi lại điều trị là 1.460.000 đồng;
- Tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh là: 60 ngày x 250.000 đồng/ngày = 15.000.000 đồng;
- Tiền ăn trong suốt thời gian nằm viện là: 60 ngày x 70.000 đồng/ngày = 4.200.000 đồng;
Tổng số tiền bà T yêu cầu bồi thường là 42.260.000 đồng.
Trong quá trình tố tụng, bị đơn ông Trương Văn P trình bày:
Vào ngày 22/9/2018, ông P điều khiển xe gắn máy biển số 71FK-5167 trên lộ hướng từ xã P về xã T, huyện G thì va chạm vào xe đạp do bà T điều khiển. Sau khi tai nạn xảy ra, bà T1 (vợ ông P) là người đưa bà T đi bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Đối với các khoản bà T yêu cầu bồi thường thì không đồng ý, chỉ đồng ý bồi thường chi phí bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho bà T trong 4 ngày nằm viện tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, mỗi ngày là 70.000 đồng. Đồng ý bồi thường tiền thuê taxi trong ngày bà T xuất viện là 500.000 đồng vì ngày xảy ra tai nạn bà T1 là người trực tiếp chở bà T đi bệnh viện. Đối với tiền chi phí điều trị là 25.600.000 đồng bà T yêu cầu thì bị đơn không đồng ý vì tất cả các khoản chi phí điều trị của bà T do bảo hiểm chi trả 100%. Đối với tiền mất thu nhập của người chăm sóc cũng không đồng ý bồi thường.
Sau khi hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện G đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 25/2021/DS – ST ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện G đã tuyên:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phan Thị T đối với bị đơn ông Trương Văn P về việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Buộc ông Trương Văn P phải bồi thường cho bà Phan Thị T số tiền là 12.435.000 đồng (mười hai triệu bốn trăm ba mươi lăm nghìn đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 08/4/2021 bị đơn Trương Văn P kháng cáo, đơn kháng cáo có nội dung không đồng ý bản án sơ thẩm, yêu cầu sửa án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền bị đơn yêu cầu giải quyết phần tiền chi phí điều trị theo quy định pháp luật, chi phí đi lại đồng ý hỗ trợ 500.000 đồng, chi phí mất thu nhập của người nuôi bệnh không đồng ý, chi phí cho bà T ăn uống trong thời gian nằm viện tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu số tiền 70.000 đồng/ngày x 4 ngày = 280.000 đồng. Nguyên đơn bà T không đồng ý kháng cáo của ông P. Các bên đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: những người tiến hành tố tụng đã tuân theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng, những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng; về nội dung: đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm theo hướng buộc bị đơn bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn về chi phí điều trị tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, chi phí đi lại điều trị bệnh, chi phí ăn uống cho người bệnh, tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Vào ngày 22/9/2018, ông Trương Văn P điều khiển xe gắn máy biển số 71FK- 5167 hướng từ xã P về xã T, huyện G, va chạm vào xe đạp do bà Phan Thị T điều khiển. Sau tai nạn, bà T được vợ của ông P là bà Phạm Thị T1 đưa đi điều trị tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, vào viện từ ngày 22/9/2018 đến ngày 25/9/2018 được chuyển đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre điều trị tiếp, ngày 26/10/2018 ra viện. Ngày 30/11/2018, bà T tiếp tục đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu để khám bệnh và điều trị nội trú đến ngày 21/12/2018 ra viện.
Ngày 26/4/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện G ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do: Hành vi của ông Trương Văn P không cấu thành tộỉ phạm. Ngày 09/5/2019, Công an huyện G ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với ông Trương Văn P, mức phạt 70.000 đồng vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Điều khiển xe gắn máy biển số 71FK- 5167 không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra tai nạn giao thông (va chạm với xe liền trước). Ông P đã nộp phạt xong. Tại Cơ quan điều tra, giữa bà T và ông P không thỏa thuận được vấn đề bồi thường thiệt hại nên bà T khởi kiện.
Theo hồ sơ đã thể hiện: Sau khi bị tai nạn, bà T đã điều trị nội trú tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu từ ngày 22/9/2018 đến ngày 25/9/2018 và tại Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Bến Tre từ 25/9/2018 đến ngày 26/10/2018. Theo bảng kê chi phí điều trị nội trú ngày 25/9/2018 của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thì bà T được chuẩn đoán là chấn thương đầu. Mặc dù Kết luận giám định pháp y về thương tích kết luận tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của bà T do thương tích là 00%. Tuy nhiên, sau khi tai nạn xảy ra bà T phải nhập viện điều trị. Do đó, xác định ông P đã có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của bà T nên phải có trách nhiệm bồi thường. Bà T khởi kiện yêu cầu ông P bồi thường thiệt hại là có cơ sở để xem xét.
[2] Đối với chi phí điều trị bệnh: Sau khi vụ tai nạn xảy ra, bà T bị chấn thương phải đi bệnh viện điều trị và chi phí điều trị tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu từ ngày 22/9/2018 đến ngày 25/9/2018 là 2.337.905 đồng; chi phí điều trị tại bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre từ ngày 25/9/2018 đến ngày 26/10/2018 là 8.732.085 đồng. Ngoài ra, bà T còn cho rằng trong quá trình điều trị bệnh viện có yêu cầu bà tự mua thêm một số loại thuốc khác để mau phục hồi sức khỏe với số tiền là 17.000.000 đồng. Do đó, tổng chi phí điều trị bà yêu cầu là 25.600.000 đồng.
Theo văn bản số 338/BVNDC-KHTH ngày 23/02/2021 của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thể hiện: “Bà T có 2 lần nhập viện: Nhập viện lần 1 ngày 22/9/2018 đến ngày 25/9/2018, lý do vào viện là chấn thương đầu, chấn thương đùi do tai nạn giao thông ... Nhập viện lần 2 từ ngày 30/11/2018 đến ngày 21/12/2018, lý do vào viện là đau lưng, yếu người ... Bệnh nhân bị chấn thương đầu, chấn thương lưng trong đợt nhập viện lần 1 đã xác định bệnh nhân không tổn thương xương, không tổn thương máu tụ nội sọ. Các thuốc điều trị trong lần nhập viện này ... để điều trị bệnh lý nền của bệnh nhân và thể trạng suy kiệt trước đó của bệnh nhân. Lần nhập viện này do bệnh nhân tự ý nhập viện, không có chỉ định của Bác sĩ...”. Ngoài ra, theo văn bản số 134/PĐ- YHCT ngày 01/3/2021 của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre thể hiện: “... Liệt nửa người, đau đầu do chấn thương vùng đầu... Điều trị chấn thương đầu, cột sống do tai nạn giao thông...”. Qua đó, có cơ sở để xác định: Từ ngày 22/9/2018 đến ngày 25/9/2018 bà T điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu và từ ngày 25/9/2018 đến ngày 26/10/2018 bà T điều trị tại bệnh viện Y học cổ truyền là để điều trị những bệnh do tai nạn giao thông gây ra. Đối với lần điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu từ ngày 30/11/2018 đến ngày 21/12/2018 là do bà T tự ý nhập viện và lần này bệnh viện điều trị cho những bệnh lý nền đã có trước đó của bà T. Đồng thời, bà T cũng không yêu cầu đối với các khoản chi phí điều trị trong lần nhập viện này nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Theo bảng kê chi phí khám, chữa bệnh nội trú của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu và Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Bến Tre, tất cả những chi phí điều trị cho bà T đều do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, số tiền người bệnh trả là “0 đồng”. Trong quá trình điều trị bệnh, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả tất cả các khoản chi phí điều trị, bà T không phải chi trả bất kỳ khoản nào do đó không có thiệt hại thực tế xảy ra cho bà T, cấp sơ thẩm cho rằng cần xem xét cho bà T được bồi thường 50% chi phí điều trị là không phù hợp với quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đối với số tiền 17.000.000 đồng, bà T cho rằng trong quá trình điều trị, bệnh viện đã yêu cầu bà tự mua thêm một số loại thuốc khác để điều trị cho mau phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, cũng theo văn bản số 338 ngày 23/02/2021 của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu xác định: Bệnh viện không kê toa cho bà T mua thêm các loại thuốc bên ngoài” nên toàn bộ yêu cầu của bà T về chi phí điều trị bệnh là không có cơ sở để chấp nhận, chấp nhận kháng cáo của ông P về phần này.
[3] Đối với tiền xe đi lại điều trị, bà T yêu cầu là 1.460.000 đồng, theo lời trình bày của bà T1 (là vợ của ông P), ngay sau khi tai nạn xảy ra chính bà T1 là người trực tiếp chở bà T đi cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu nên lần đi điều trị ngày 22/9/2018 bà T không phải chi trả khoản tiền xe. Những lần đi khám bệnh khác theo xác nhận của ông Nguyễn Thái Cường (là người được bà T thuê chở đi khám bệnh) là do bà T tự đi, bệnh viện không có chỉ định bà T phải đi tái khám. Do đó, bà T yêu cầu ông P bồi thường tiền xe những lần đi điều trị này là không phù hợp. Tuy nhiên, bà T và bà T1 cũng thống nhất vào ngày 26/10/2018 khi xuất viện từ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre về nhà, bà T có thuê xe taxi là 350.000 đồng và bà T1 cũng đồng ý bồi thường tiền xe là 500.000 đồng. Do đó, số tiền xe cho bà T đi lại điều trị được chấp nhận là 500.000 đồng là phù hợp.
[4] Đối với tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh: Theo tài liệu trong hồ sơ thể hiện trong thời gian nằm viện 2 lần tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre, tổng cộng là 34 ngày, bà T cần phải có người chăm sóc nên việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do mất thu nhập của người chăm sóc là khoản chi phí hợp lý và phù hợp với quy định của pháp luật nên được chấp nhận. Tuy nhiên, bà T cho rằng người nuôi bệnh là con trai bà và thu nhập của người này mỗi ngày là 250.000 đồng. Bà yêu cầu ông P bồi thường tiến mất thu nhập trong 60 ngày nằm viện tổng số tiền là 15.000.000 đồng nhưng bà không cung cấp được chứng cứ chứng minh thu nhập mỗi ngày của nuôi bệnh là 250.000 đồng. Theo văn bản số 592/UBND-TP ngày 26/10/2020 của Ủy ban nhân dân xã T, huyện G xác nhận mức thu nhập trung bình của lao động phổ thông thực tế tại địa phương trong thời điểm từ ngày 22/9/2018 đến ngày 22/12/2018 đối với lao động nam mỗi ngày là 180.000 đồng, nên buộc ông P phải bồi thường thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bệnh là 34 ngày x 180.000 đồng/ngày = 6.120.000 đồng.
[5] Đối với yêu cầu bồi thường tiền ăn, bồi dưỡng trong thời gian điều trị 60 ngày, mỗi ngày 70.000 đồng tại bệnh viện của bà T xét thấy không có cơ sở, bởi lẽ: Căn cứ vào văn bản số 134/PĐ-YHCT ngày 01/3/2021 của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre: “Quá trình điều trị cho bà T bệnh viện không có chỉ định bà T phải bồi dưỡng để phục hồi sức khỏe”. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đã đồng ý bồi thường cho bà T tiền ăn trong 4 ngày nằm viện tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu mỗi ngày là 70.000 đồng, với số tiền là 280.000 đồng. Xét thấy đây là sự tự nguyện của phía bị đơn nên ghi nhận.
Từ những phân tích trên, cần chấp nhận một phần kháng cáo của ông P, sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn bồi thường 6.900.000 đồng là phù hợp.
[6] Về án phí sơ thẩm: Ông P phải chịu án phí sơ thẩm số tiền 6.900.000 đồng x 5% = 345.000 đồng.
[7] Quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa phù hợp một phần với nhận định của Hội đồng xét xử.
[8] Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên ông P không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trương Văn P.
Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2021/DS – ST ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện G.
Cụ thể tuyên:
Căn cứ vào các Điều 584, 585, 586 và 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phan Thị T đối với bị đơn ông Trương Văn P về việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Buộc ông Trương Văn P phải bồi thường cho bà Phan Thị T sô tiền là 6.900.000 đồng (sáu triệu chín trăm nghìn đồng).
Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Trương Văn P phải chịu án phí là 345.000 đồng (ba trăm bốn mươi lăm nghìn đồng).
4. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trương Văn P không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả cho ông P tạm ứng án phí đã nộp số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0000371 ngày 08/4/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G.
Trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 140/2021/DS-PT ngày 04/06/2021 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Số hiệu: | 140/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 04/06/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về