Bản án 139/2020/DS-PT ngày 22/05/2020 về tranh chấp chia thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 139/2020/DS-PT NGÀY 22/05/2020 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Trong các ngày 21-22/5/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 444/2019/TLPT-DS ngày 23/12/2019 về : “Tranh chấp chia thừa kế”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 25/2019/DSST ngày 29/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện T.O, TP. Hà Nội bị kháng cáo và kháng nghị.

Theo Quyết định đua vụ án ra xét xử số 03/2020/QĐ-PT ngày 13/01/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa:

1. Nguyên đơn:

1.1. Ông L.M.H, sinh năm 1968; Có mặt.

1.2. Bà L.T.T (T), sinh năm 1975; vắng mặt.

1.3. Chị L.T.N, sinh năm 1980. váng mặt.

Đều trú tại: T.T, T.C, huyện T.O, thành phố Hà Nội.

2. Bị đơn: Ông L.B.P, sinh năm 1965. Trú tại: T.T, T.C, huyện T.O, thành phố Hà Nội. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư N. V.A- VPLS G.B, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Địa chỉ: số 23/84 T. Q.D, Đ.Đ, Hà Nội. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà N.T.H, sinh năm 1966 (vợ ông P); Có mặt.

3.2. Chị L.T.T, sinh năm 1989 (con ông P);

3.3. Chị L.T.N.Q, sinh năm 1991 (con ông P);

Chị T và chị Q ủy quyền cho ông P.

3.4. Anh L.B.T.A, sinh năm 1996 (con ông P); Có mặt.

3.5. Chị T.L.A, sinh năm 1994 (con dâu ông P). Có đơn xin vắng mặt.

Đều trú tại: T.T, T.C, huyện T.O, thành phố Hà Nội.

3.6. Bà L.T.T, sinh năm 1962.

Trú tại: Thôn Q, xã B.M, huyện T.O, thành phố Hà Nội. Có đơn xin vắng mặt.

3.7. Chị L.T.H, sinh năm 1972.

Trú tại: Thôn C, xã B.M, huyện T.O, thành phố Hà Nội. Có đơn xin vắng mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Bà L.T.T, sinh năm 1950.

Trú tại: Thôn M.H, xã T.M, huyện T.o, thành phố Hà Nội. Có đơn xin vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Các Nguyên đơn là anh L.M.H, chị L.T. T (tức T) và chị L.T.N cùng thống nhất trình bày:

Về quan hệ huyết thống: bố mẹ các anh chị là ông L.B.H(1937-1995) và bà Đ.T.K.T( 1940-2017). Sinh thời ông bà sinh được 06 con: L.T.T, L.B.P, L.M.H, L.T.H, L.T.T, L.T.N. Các ông bà không có con nuôi, con riêng.

Tài sản của ông bà có như sau:

- Bà T mua riêng thửa đất số 96, tờ bản đồ số 11, diện tích 186m2 tại thôn T.T, xã T.C, T.O; Bà T có làm di chúc cho anh H, chị T và chị N.

- Ông H được thừa hưởng của tổ tiên để lại thửa đất số 61, diện tích 86m2 trên đất có ngôi nhà ngói 3 gian. Hiện nay anh P đang quản lý sử dụng cả nhà đất và sử dụng 1 phần đất của thửa 96 mà Bà T đã di chúc cho các anh chị.

Nay các nguyên đơn đề nghị Tòa án công nhận di chúc của Bà T đã di chúc cho các nguyên đơn 186m2 đất. Còn 86m2 đất ông bà không di chúc cho ai thì Tòa án căn cứ pháp luật giải quyết.

Bị đơn anh P trình bày:

Anh thống nhất với lời khai của các nguyên đơn về quan hệ hôn nhân, huyết thống, thời gian bố mẹ chết.

Tài sản bố mẹ để lại gồm có 02 thửa đất:

Thửa đất số 61, tờ bản đồ số 11, diện tích 96m2 là của ông bà nội là cụ L.B.D, và cụ N.T.L để lại cho bố anh là ông L.B.H và cô ruột là bà L.T.T thừa hưởng. Trên đất có ngôi nhà do vợ chồng anh xây và được sự đồng ý của ông H và bà T.

Thửa đất số 96, tờ bản đồ số 2, có diện tích 186m2: có nguồn gốc năm 1980 anh đi làm thuê có tiền và nhờ bố mẹ mua thửa đất này của ông T.Đ.Q và vị trí sát với thửa đất bố anh được thừa hưởng của tổ tiên. Vì lúc đó anh chưa lập gia đình nên để bố mẹ đứng tên chủ sử dụng đất. Ngày 19/10/2001, UBND huyện T.O cấp GCNQSD đất tên mẹ anh là Đ.T.K.T. Trên đất này, anh xây 40m2 công trình phụ vào năm 2003; và đổ đất san nền, xây tường bao quanh đất. Năm 2005 thì vợ chồng anh xây 1 gian ( 30m2) điện thờ cúng. Năm 2012 Bà T có tiền Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo nên bà có xây 03 gian nhà lá lợp tôn để ở. Năm 2018 anh sửa lại 2 gian nhà thì chị L.M.H đã tranh chấp và kiện chia thừa kế.

Nay các nguyên đơn khởi kiện, quan điểm của anh khi bố mẹ còn sống và bà T đã cho vợ chồng anh làm nhà ở và để thờ cúng tổ tiên tại thửa đất 96m2. Vì vậy nhà đất này thuộc quyền tài sản hợp pháp của anh nên không chia. Còn thửa đất 186m2 là do anh bỏ tiền ra mua, mẹ anh là Bà T chỉ đứng tên hộ. Khi bà còn sống có nói khi nào mẹ chết sẽ trả lại đất cho anh. Nên thửa đất này cũng không thể chia thừa kế.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị L.T.T: nhất trí với lời khai của nguyên đơn và bị đơn về quan hệ huyết thống.

Bố mẹ chị có 2 khối tài sản:

+ Thửa đất số 61; tờ bản đồ 11, diện tích 96m2 là của các cụ để lại cho bố mẹ chị. Khi bố mẹ còn sống và cô ruột là L.T.T đã nhất trí cho anh P thửa đất này làm nhà ở và thờ cúng các cụ. Quan điểm của chị nhà đất này để anh P toàn bộ và chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên.

+ Còn trên thửa đất có diện tích 186m2 em trai chị là L.B.P được bố mẹ cho xây dựng 2 gian nhà và công trình phụ trên 1/3 diện tích đất; anh P đã xây tường bao quanh toàn bộ diện tích đất 186m2. Năm 2012 Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo nên mẹ chị là Bà T đã xây 3 gian nhà lợp tôn để ở. Năm 2018 anh P sửa lại 2 gian nhà đã xây trên diện tích đất 186m2 thì em chị là L.T.H tranh chấp và kiện chia thừa kế. Quan điểm của chị để anh P sở hữu nhà đã xây trên 1/3 diện tích đất ở. Phần đất còn lại (2/3) để chia cho các chị em.

2. Người liên quan có yêu cầu độc lập Bà L.T.T trình bày: bố mẹ bà là cụ L.B.D chết năm 1963, mẹ là cụ N.T.L chết năm 1993. Hai cụ chết không để lại di chúc. Bố mẹ bà chỉ sinh được 2 con là ông L.B.H và bà L.T.T. Các nguyên đơn và bị đơn gọi bà là cô một.

Cụ D và cụ L có để lại tài sản cho ông H và bà là thửa đất số 61 có diện tích 96m2 trên có 3 gian nhà bức vách ( đã bị ông p phá đi từ năm 1989 để xây nhà khác) tại thôn T.T, xã T.C. Bà yêu cầu được hưởng thừa kế 1/2 đối với tài sản bố mẹ bà để lại.

3. Chị L.T.H đi làm ăn xa không về nên không có lời khai.

4. Vợ con ông P trình bày: nhất trí như lời khai và yêu cầu của ông L.B.P.

Bản án sơ thẩm số: 52/2019/DS-ST ngày 29/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện T.O đã quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện nguyên đơn.

- Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà L.T.T.

1. Xác nhận thửa đất số 61 tờ bản đồ số 11 diện tích 112,5m2 thôn T.T, xã T.C, huyện T.O là di sản thừa kế của cụ L.B.D ( chết năm 1965) và cụ N.T.L( chết năm 1993).

Hàng thừa kế của Cụ D và cụ L gồm có: ông L.B.H, sinh năm 1937 ( chết năm 1995) và bà L.T.T, sinh năm 1950.

1.1. Xác nhận bà L.T.T được hưởng 28,5m2 đất tại thửa số 61 có giá trị = 85.500.000đ.

1.2. Phần diện tích đất còn lại của thửa số 61 là 84m2 và ngôi nhà 4 diện tích 44,4m2 làm năm 1989 có giá trị còn lại 27.779.000đ là di sản thừa kế của ông L.B.H (chết năm 1995) và bà Đ.T.K.T( chết năm 2017).

Hàng thừa kế của ông L.B.H và bà Đ.T.K.T tại thửa đất số 61 này gồm có:

1. L.T.T, sinh năm 1962.

2. L.B.P, sinh năm 1965.

3. L.M.H, sinh năm 1968 (trước đây là L.T.H, giới tính nữ).

4. L.T.H, sinh năm 1972.

5. L.T.T, sinh năm 1975.

6. L.T.N, sinh năm 1980.

Mỗi đồng thừa kế được chia cụ thể như sau: cụ thể 84m2 : 6= mỗi phần được hưởng 14m2.

Vì vậy: Chị T, anh P, anh H, chị H, chị T, chị N mỗi người được chia 14m2 đất tại thửa đất này.

* Đối với phần tài sản là ngôi nhà cấp 4 diện tích 44,4m2 làm năm 1989 có giá trị còn lại 27.779.000đ. Giao cho anh P và chị H tiếp tục sở hữu, sử dụng.

2. Xác nhận thửa đất số 96 tờ bản đồ số 11 đã được UBND huyện T.O cấp GCN số P 395944 ngày 19/10/2001 diện tích là 189,9m2. Là di sản thừa kế của ông L.B.H( chết năm 1995) không có di chúc và và bà Đ.T.K.T(chết năm 2017) có di chúc để lại tài sản cho 3 con là L.M.H, L.T.N, L.T.T.

2.1. Thời điểm mở thừa kế phần tài sản của ông L.B.H là năm 1995.

Hàng thừa kế của ông L.B.H gồm có: bà Đ.T.K.T, và các con là Chị T, anh P, anh H, chị H, chị T, chị N.

Mỗi đồng thừa kế được chia cụ thể như sau: 189,9m2 : 2= 94,95m2 ( phần tài sản của ông H); 94,95 :7= mỗi phần được 13,56m2. Vì vậy: bà T, Chị T, anh P, anh H, chị H, chị T, chị N mỗi người được chia 13,56m2 đất tại thửa đất này.

2.2. Tài sản là đất của cụ T tại thửa đất này được chia là: 94,95m2 + 13,56m2 = 108,51m2 và ngôi nhà, công trình phụ, cây ăn quả trên đất có tổng trị giá tài sản là 63.437.000đ. Đây là tài sản của cụ T tạo dựng lên sau khi cụ H mất. Đây là di sản thừa kế của bà T.

Xét di chúc lập ngày 01/4/2014 của bà Đ.T.K.T có hiệu lực đối với phần tài sản của Bà T có trong thửa đất số 96.

Giao cho anh L.M.H, L.T.N, L.T.T được hưởng phần tài sản của Bà T theo di chúc.

3.1. Giao cho anh L.B.P và chị N.T.H được quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại thửa số 61, tờ bản đồ số 11 cụ thể là: về nhà có giá trị 27.779.000đ; về đất có diện tích 112,5m2.

Cụ thể anh P và chị H được sử dụng phần diện tích nhà và đất tại thửa số 61 có giới hạn từ các điểm 1,2,3,4,16,13,14,15,1. Có diện tích 112,5m2. Có sơ đồ kèm theo.

Giao cho anh P và chị H quản lý phần tài sản đã chia cho bà T giá trị đất 28,5m2 x 3.000.000đ/m2 = 85.500.000đ. Bà T có quyền khởi kiện đòi phần tài sản này khi có yêu cầu và thời hiệu khởi kiện còn.

Buộc anh L.B.P và chị N.T.H thanh toán trả lại cho chị L.T.T giá trị đất 27,56m2 x 3.000.000đ = 82.680.000đ.

Buộc anh L.B.P và chị N.T.H thanh toán trả lại cho chị L.T.H giá trị đất 27,56m2 x 3.000.000đ = 82.680.000đ.

3.2. Giao cho anh L.M.H, chị L.T.N, chị L.T.T: nhà và đất tại thửa số 96 tờ bản đồ số 11 đã được UBND huyện T.O cấp GCN số P 395944 ngày 19/10/2001 diện tích 189,9m2 có vị trí cụ thể: Tổng giá trị tài sản là nhà và công trình trên đất 63.437.000đ. Diện tích đất là 189,9m2 có giá trị là 569.700.000đ. Được giới hạn bởi các điểm 4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,16,4. Có sơ đồ cụ thể kèm theo.

4. Buộc anh L.B.P và chị N.T.H phải tháo dỡ ngôi nhà có diện tích 22,7m2 anh P và chị H làm năm 2018 và công trình phụ làm trên phần đất của thửa 96 và trả lại phần đất cho anh H, chị N, chị T phần diện tích đất đã được chia của thửa đất 96 có giới hạn phần tháo dỡ là: 4,5,6,19,18,17,12,13,16,4. Diện tích tháo dỡ trả lại là 32,5m2. Cơ sơ đồ cụ thể kèm theo.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 13/11/2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện T.O có Quyết định kháng nghị số 04/QĐKNPT-VKS-DS. Nội dung kháng nghị:

1. Bà T có đơn yêu cầu độc lập, nhưng 2 lần không đến Tòa án; Tòa án sơ thẩm đã đình chỉ yêu cầu của bà T là có căn cứ. Tuy nhiên khi mở chia thừa kế, Tòa sơ thẩm xác định tài sản thừa kế của bố mẹ bà T để lại là thửa đất số 61 có diện tích 95m2, nhưng chỉ chia cho bà T 28,5m2 là chưa phù hợp với khoản 2 Điều 651 BLDS 2015.

2. Về di sản thừa kế: tài sản chung của ông H và Bà T phải được xác định là phần diện tích đất tại thửa số 61 mà ông H được hưởng + Phần diện tích đất và tài sản trên đất tại thửa số 96.

Xác định nhà cấp 4 có diện tích 44,4m2 xây dựng năm 1989 trên thửa đất số 61 là tài sản của vợ chồng anh P; không là tài sản chung của ông H và bà T + ngôi nhà có diện tích 22,7m2 và nhà vệ sinh của vợ chồng anh P xây dựng năm 1989 và cải tạo năm 2018.

3. Về di chúc của Bà T để lại: bản di chúc này không tuân theo thủ tục quy định tại Điều 658 BLDS 2005 và Điều 17 Nghị định 79/2007 ngày 18/5/2007 của Chính phủ quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Bản di chúc này Bà T di chúc để lại thửa đất số 96 và tài sản trên đất cho 3 con là H, T và N, nhưng đây là tài sản chung của Ông H và Bà T nên Bà T không có quyền tự định đoạt. Hơn nữa bản di chúc được đánh máy, chưa có kết quả xác minh v/v: Bà T có biết đọc, biết viết không? Ai là người đánh mày di chúc? Ông L là người chứng kiến nhưng lại ký xác nhận sau ngày Bà T lập di chúc? UBND xã chứng thực nhưng không ghi rõ thời gian chứng thực và không xác nhận phần chữ ký của bà T?

Vì vậy, di chúc không có giá trị pháp lý, nên có tranh chấp thừa kế tài sản thì xem xét chia theo quy định pháp luật. Tòa án sơ thẩm chấp nhận di chúc của Bà T dẫn đến việc chia thừa kế ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

4. Phần Quyết định của bản án đối với chị L.T.T: quá trình giải quyết vụ án, Chị T có quan điểm phần tài sản chị được hưởng sẽ cho anh P, nên cần ghi nhận sự tự nguyện này của Chị T. Nhưng Bản án sơ thẩm lại buộc vợ chồng anh P phải thanh toán trả cho Chị T bằng tiền là không đúng với quy định tại Điều 5 BLDS 2015.

5. Ngôi nhà có diện tích 22,7m2 và công trình phụ làm trên thửa đất số 96 của vợ chồng anh P xây dựng năm 1989, thời gian này Ông H và Bà T còn sống không có ý kiến gì. Vì vậy khi Tòa án tuyên buộc tháo dỡ thì phải tính giá trị buộc những người được hưởng quyền lợi trên diện tích đất trên phải thanh toán lại cho vợ chồng anh P.

Đề nghị: Sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận di chúc của bà T. Ghi nhận sự tự định đoạt kỷ phần thừa kế của Chị T; xác định nhà cấp 4 trên thửa đất số 61 có diện tích 44,4m2 không phải là di sản thừa kế của Ông H và bà T.

Bản án sơ thẩm có kháng cáo của đương sự là bị đơn anh L.B.P; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà L.T.T và chị L.T.T. Anh P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bà T và Chị T kháng cáo phần có liên quan.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà T, Chị T giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Các đương sự không thỏa thuận được về cách giải quyết vụ án.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh P phát biểu luận cứ và đề nghị HĐXXPT: Sửa bản án sơ thẩm. Xác định thửa đất số 61 tờ bản đồ số 11 diện tích 112,5m2 thôn T.T, xã T.C, huyện T.O, Hà Nội là di sản của cụ L.B.D và cụ N.T.L để lại. Nhập phần di sản của bà L.T.T được hưởng thừa kế của bố mẹ tại thửa đất số 61 tờ bản đồ số 11 vào phần anh L.B.P. Xác định Di chúc do bà Đ.T.K.T lập ngày 01/4/2014 để định đoạt thửa đất số 96 diện tích 186m2 thôn T.T, xã T.C, huyện T.O, Hà Nội cho ba người con là L.M.H, L.T.T, L.T.N là vô hiệu. Xác định di sản của ông L.B.H và bà Đ.T.K.T là 1/2 thửa đất số 61 tờ bản đồ số 11 và thửa đất số 96 tờ bản đồ số 11 thôn T.T, xã T.C, huyện T.O, Hà Nội. Trích 1 phần di sản của ông L.B.H và bà Đ.T.K.T cho anh L.B.P. Nhập phần di sản của chị L.T.T và L.T.H được hưởng vào chung với phần anh L.B.P được hưởng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến: Giữ nguyên quyết định kháng nghị của VKKSND huyện T.O.

Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án, đề nghị HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 308 BLTTDS sửa bản án sơ thẩm của TAND huyện T.O theo hướng:

- Xác định di chúc ngày 1/4/2014 của cụ T là di chúc không hợp pháp.

- Xác định thửa đất số 61, tờ bản đồ số 11, diện tích 95m2 là di sản thừa kế của cụ L.B.D và cụ Nguyễn Thị Lưỡng.

Hàng thừa kế của Cụ Dvà cụ L gồm có: ông L.B.H và bà L.T.T.

Chia thừa kế của cụ Diên, cụ L cho ông H, bà T, có tính đến công sức của vợ chồng ông H.

Phần diện tích đất còn lại của thửa số 61 sau khi chia cho bà T và ngôi nhà diện tích 44.4m2 làm năm 1989 là di sản thừa kế của ông L.B.H và bà Đ.T.K.T được chia theo pháp luật.

- Xác nhận thửa đất số 96, tờ bản đồ số 11 đã được UBND huyện T.O cấp GCNQSD đất số P 395944 ngày 19/10/2001 diện tích 186m2 là di sản thừa kế của Ông H và Bà T được chia theo pháp luật.

Hàng thừa kế thứ nhất của ông H, Bà T gồm có: Chị T, anh P, anh H, chị H, chị T, chị N.

Ghi nhận sự tự nguyện của Chị T, chị H, bà T về việc cho anh P ký phần thừa kế của mình.

Chia bằng hiện vật cho ông P, anh H, chị N, chị T.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

I. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của chị L.T.T; bà L.T.T; anh L.B.P; Quyết định kháng nghị của VKS nhân dân huyện T.O nộp trong hạn luật định nên được chấp nhận xem xét.

Bà L.T.T sinh năm 1950, tính đến năm 2019 là 69 tuổi nên bà T là “người cao tuổi”. Trong vụ án này, bà T có yêu cầu độc lập về việc chia thừa kế di sản của bố mẹ bà để lại. Tòa án sơ thẩm căn cứ vào việc đã báo bà T 02 lần nhưng bà vẫn vắng mặt không lý do nên đã quyết định đình chỉ yêu cầu độc lập của bà T. Xét thấy, vì bà T là người cao tuổi nên khi Tòa án triệu tập bà cần giải thích và phổ biến về quyền và nghĩa vụ cho bà; đồng thời hướng dẫn bà trong trường hợp bà cao tuổi sức khỏe yếu thì có thể làm thủ tục ủy quyền hoặc bà xin xử vắng mặt. Trong hồ sơ đã có đủ lời khai của bà T, nên HĐXXPT xem xét và quyết định: để vụ án giải quyết toàn diện triệt để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên đương sự cần giải quyết yêu cầu độc lập của bà T trong vụ án này.

II. Xét kháng cáo của các bên đương sự và Quyết định kháng nghị của VKSND huyện T.O như sau:

[1]. Tài sản có tranh chấp trong vụ án “Tranh chấp chia thừa kế tài sản” là:

- Thửa đất số 61, diện tích 96m2 trên có các công trình xây dựng do anh L.B.P quản lý sử dụng; đất chưa được cấp GCNQSD đất nhà.

- Thửa đất số 96 có diện tích 186m2 trên có các công trình xây dựng, cây cối lâm lộc do anh L.M.H quản lý sử dụng. Thửa đất này đã được UBND huyện T.O cấp GCNQSD đất ngày 19/10/2001 mang tên bà Đ.T.K.T.

[2]. Về nguồn gốc của 02 khối tài sản có tranh chấp trên:

[2.1]. Nguồn gốc thửa đất số 61 có diện tích 95m2 ( theo trích lục bản đồ): các đương sự đều công nhận là tài sản của cụ L.B.D ( chết 1965) và cụ N.T.L( chết 1993) để lại. Cụ D và cụ L có 02 người con là ông L.B.H( chết 1995) và bà L.T.T. Bà T trưởng thành lấy chồng về nhà chồng. Còn ông L.B.H và vợ là Đ.T.K.T( chết 2017) và 6 người con: L.T.T, L.B.P, L.M.H, L.T.H, L.T.T, L.T.N ở tại nhà đất này với các cụ đến khi các cụ chết thì vợ chồng Ông H và các con ở; nay là vợ chồng anh L.B.P. Nên xác định thửa đất này là di sản thừa kế của Cụ D và cụ L để lại. Kết quả đo đạc hiện trạng và căn ke với kích thước thửa đất trên bản đồ thì thửa đất có diện tích 95m2 có trị giá 285.000.000đ.

Còn các công trình xây dựng trên diện tích đất: Có ngôi nhà cấp 4 theo ông p khai xây năm 1989 với diện tích xây dựng là 40,8m2 ( đo thực trạng) có giá trị= 41.873.625đ. Tuy nhiên, các bên đương sự đều công nhận trước đó ông H và Bà T đã xây lên ngôi nhà này, qua thời gian sử dụng nhà bị xuống cấp nên vợ chồng anh P ở đó đã tu sửa lại để được hiện trạng như hiện nay. Vì vậy, xác định vợ chồng ông H Bà T và vợ chồng anh P có đóng góp ngang nhau để xây dựng ngôi nhà; và của mỗi bên là 1/2 giá trị ngôi nhà 41.873.625đ= 20.936.812,5đ là phù hợp.

[2.2]. Nguồn gốc thửa đất số 96, diện tích 186m2: theo anh H khai là tài sản của bà Đ.T.K.T mua riêng và đã được UBND huyện T.O cấp GCNQSD đất mang tên bà T; theo ông P khai thửa đất này là tài sản của ông P đi đóng gạch thuê có tiền nhờ bố mẹ đứng tên hộ và ngày 19/10/2001 UBND huyện T.O cấp GCN mang tên bà T. Tòa án sơ thẩm đã xem xét giải quyết và xác định thửa đất này là tài sản chung của Bà T và ông H để lại và xác định là di sản thừa kế của Bà T và ông H để xem xét trong vụ án chia thừa kế. Các bên đương sự không kháng cáo về vấn đề này, nên xác định thửa đất là di sản thừa kế của ông H và Bà T để lại là có căn cứ. Kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất và căn ke với kích thước thửa đất trên GCNQSD đất thì thửa đất có diện tích 186m2 trị giá 558.000.000đ.

Các công trình có trên đất:

- Có ngôi nhà 3 gian cấp 4, các bên đương sự thống nhất nhà này do bà Đ.T.K.T xây dựng bằng tiền hỗ trợ hộ nghèo năm 2012: trị giá 41.769.000đ + 01 nhà ngang làm điện thờ. Theo anh P khai anh xây cho Bà T làm nơi thờ cúng nên thuộc tài sản của bà có giá trị 5.861.000đ + anh H khai anh làm nhà vệ sinh để Bà T sử dụng khi còn sống trị giá 11.950.000đ + sân gạch 284.000đ + mái vảy sát điện thờ 1.480.000đ + Cổng sắt trị giá 500.000đ + Tường bao quanh đất trị giá 390.000đ + Cây ăn quả: 2 cây xoài, 01 cây nhãn, 01 cây mộc = 1.345.000đ. Tổng cộng = 63.579.000đ. Nay có tranh chấp nên xác định các tài sản trên có công đóng góp của Bà T=1/2 là 31.789.500đ nay là di sản thừa kế; còn lại 1/2 = 31.789.500đ là công đóng góp của gia đình anh P và anh H ngang nhau, mỗi bên 1/2= 15.894.750đ.

- Ngoài ra trên đất còn có 01 nhà ở mái lợp tôn + mái vảy + 1 phần nhà vệ sinh của gia đình anh P làm là tài sản riêng của gia đình anh P.

[3]. Xét yêu cầu chia thừa kế tài sản:

[3.1]. Nguyên đơn là anh H, chị N và chị T yêu cầu chia thừa kế 02 khối di sản trên; đối với thửa đất 95m2 thì chia theo pháp luật; còn thửa đất 186m2 (GCNQSD đất mang tên bà T) thì chấp nhận di chúc của Bà T lập ngày 01/4/2014 ( BL 25). Yêu cầu này của các nguyên đơn không được bị đơn ông P chấp nhận.

[3.2]. Do có tranh chấp về di chúc của cụ T, HĐXXPT xem xét đối với di chúc của bà Đ.T.K.T theo quy định pháp luật như sau:

Tại BL số 25 là “ Giấy di chúc” bản sao do bà Đ.T.K.T lập ngày 01/4/2014. Di chúc được lập thành văn bản ( đánh máy), có chữ ký và họ tên của người lập di chúc Đ.T.K.T; có xác nhận của ông N.Đ.L ngày 02/4/2014; có xác nhận của UBND xã T.C về chữ ký của ông N. Đ L- Trưởng thôn T.T.

Do thời gian lập di chúc năm 2014 nên HĐXX áp dụng BLDS năm 2005 để đánh giá về Hiệu lực pháp luật của di chúc như sau:

- Theo Điều 649 quy định về “hình thức của di chúc”: di chúc phải được lập thành văn bản...cho thấy “Giấy di chúc” của Bà T được lập thành văn bản là phù hợp.

- Theo Khoản 2 Điều 650 cho thấy: di chúc của Bà T có người làm chứng là ông N. Đ L. Tuy nhiên, tại Biên bản xác minh ngày 20/2/2020 của TAND TP. Hà Nội thì ông L cung cấp ý kiến v/v ông không trực tiếp chứng kiến Bà T lập di chúc và ký tên vào di chúc. Bản di chúc này do Bà T và con gái là cô H đưa đến nhà ông và ông ký xác nhận. Như vậy không thể coi ông L là người làm chứng trong bản di chúc của Bà T được. Còn xác nhận của UBND xã T.T cũng chỉ xác nhận về chữ ký của ông L nên không có căn cứ xác định đó là chứng thực di chúc. Như vậy di chúc Bà T lập là di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Trong khi đó , Bà T lập di chúc ở tuổi 75 nên bà là “Người cao tuổi”; Bà T lập di chúc nhưng không có người làm chứng nên không thể biết được thời điểm Bà T lập di chúc bà có còn minh mẫn không? Bà có tự nguyện lập di chúc hay không? Bà có nhận thức và làm chủ được hành vi của mình không? Nên không có căn cứ để chấp nhận di chúc này là hợp pháp theo Điều 667, cần hủy bản di chúc này của bà T. Tòa án sơ thẩm chấp nhận di chúc của Bà T là không đánh giá toàn diện đối với di chúc bằng văn bản theo quy định của Pháp luật, cần sửa án sơ thẩm về phần này.

[3.3]. Mở thừa kế và chia theo quy định pháp luật đối với tài sản có tranh chấp như sau:

* Đối với thửa đất số 61có diện tích 95m2 trị giá 285.000.000đ là di sản của cụ L.B.D ( chết 1965) và cụ N.T.L( chết 1993) để lại. Các bên đương sự đều công nhận: Cụ D và cụ L có 02 người con là ông L.B.H( chết 1995) và bà L.T.T. Thời gian mở thừa kế là thời gian các cụ chết: năm 1965 và năm 1995. Tính đến thời điểm này, thời hiệu mở thừa kế còn theo quy định pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của 2 cụ là ông H và bà T ( đều là con của 2 cụ). Nên Hội đồng xét xử quyết định mở thừa kế 1 lần vào thời điểm năm 1995 để chia di sản của 2 cụ theo quy định pháp luật vẫn đảm bảo quyền lợi cho các đồng thừa kế.

Xét thấy, vợ chồng ông H ở cùng các cụ nên có công sức quản lý duy trì khối di sản tương đương với 01 kỷ phần thừa kế. Như vậy, di sản của 2 cụ chia 03 phần: ông H, bà T mỗi người hưởng 1/3= 31,666m2 đất tương đương 95.000.000đ. Ông H và Bà T được thanh toán công sức =1/3 là 31,666m2 đất tương đương 95.000.000đ.

* Đối với thửa đất số 96 có diện tích 186m2 trị giá 558.000.000đ là di sản thừa kế của Ông H và bà T.

Sau khi mở thừa kế di sản của cụ L và Cụ D thì di sản thừa kế của ông H Bà T có thêm là: kỷ phần thừa kế của Ông H 31,666m2 đất tương đương 95.000.000đ + công sức của ông H Bà T 31,666m2 đất tương đương 95.000.000đ + 1/2 trị giá ngôi nhà cấp 4 trên thửa đất số 61 là 20.936.812,5đ. Và tài sản của Bà T là 1/2 giá trị các tài sản trên thửa đất số 96 là 31,789.500đ.

Tổng cộng di sản của Ông H và Bà T để lại = 800.726.312,5đ.

Thời điểm mở thừa kế là năm Ông H chết 1995 và Bà T chết 2017. Tính đến thời điểm mở thừa kế thì thời hiệu mở thừa kế của Ông H và Bà T vẫn còn theo quy định pháp luật.

Hàng thừa kế thứ nhất của ông bà là 06 người con ông bà: L.T.T, L.B.P, L.M.H, L.T.H, L.T.T, L.T.N. Vì vậy HĐXX quyết định mở thừa kế 1 lần chia di sản của ông bà theo quy định Pháp luật cho các con ông bà vẫn đảm bảo quyền lợi cho họ. Do gia đình anh P và anh H có công quản lý duy trì khối di sản nên được thanh toán công sức tương đương 1 kỷ phần thừa kế - trong đó của gia đình anh P và anh H mỗi người hưởng 1/2 kỷ phần. Như vậy di sản của ông H và Bà T là 800.726.312,5đ được chia 7 phần: mỗi thừa kế được chia 1/7= 114.389.473đ. Gia đình ông P và anh H mỗi bên được thanh toán công sức 1/2 kỷ phần thừa kế = 57.194.737đ.

Ghi nhận sự tự nguyện của anh H, chị N và chị T v/v kỷ phần thừa kế chia chung 1 khối.

Ghi nhận sự tự nguyện của Chị T, chị H và bà T v/v kỷ phần thừa kế để ông P và gia đình ông P hưởng cả.

Các tài sản khác có trên đất thuộc tài sản riêng của gia đình ông P, gia đình ông P tiếp tục sở hữu.

- Hướng giao kỷ phần thừa kế bằng hiện vật cho các bên. Nếu có chênh lệch thì thanh toán bằng tiền.

[4]. Về án phí:

Về án phí DSST: Các đồng thừa kế được chia kỷ phần thừa kế nên phải chịu án phí DSST đối với kỷ phần thừa kế được chia: 114.389.473đ x 5%= 5.719.000đ. Cụ thể:

Anh L.M.H phải chịu án phí là: 5.719.000đ.

Chị L.T.N phải chịu án phí là: 5.719.000đ.

Chị L.T.Tphải chịu án phí là: 5.719.000đ.

Anh L.B.P phải chịu án phí là: 5.719.000đ.

Chị L.T.T phải chịu án phí là: 5.719.000đ.

Chị L.T.H phải chịu án phí là: 5.719.000đ.

Bà L.T.T phải chịu án phí là 4.750.000đ.

Bà L.T.T, sinh năm 1950 là người cao tuổi ( 2019-1950= 69 tuổi), nên theo quy định Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội “Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”, miễn toàn bộ án phí DSST cho bà T. Anh L.M.H chị L.T.N, chị L.T.T đều có đơn xin miễn giảm án phí dân sự; tuy nhiên, các anh chị không thuộc đối tượng được xét miễn giảm án phí theo quy định của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội “Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”, nên HĐXX không chấp nhận đơn của các anh chị.

Về án phí DSPT: Do sửa án sơ thẩm, nên anh P không phải chịu án phí DSPT. Hoàn trả anh P số tiền 300.000đ nộp tạm ứng án phí phúc thẩm.

[5]. Từ những phân tích trên cho thấy: có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của anh P; và chấp nhận một phần kháng nghị của VKS nhân dân huyện T.O.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS: Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 25/2019/DS-ST ngày 29/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện T.O, Hà Nội.

Căn cứ các Điều 677, 678, 679 Bộ luật Dân sự năm 1995.

Căn cứ các Điều 609, 610, 611, 612, 613, 614, 623 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Căn cứ Điều 106 Luật đất đai năm 1987; Luật đất đai năm 2013.

Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội “Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”.

Tuyên xử:

[1]. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh L.M.H, chị L.T.N, chị L.T.T về việc yêu cầu chia di sản thừa kế di sản của ông L.B.H và bà Đ.T.K.T; trong đó chấp nhận di chúc của bà Đ.T.K.T đối với bị đơn anh L.B.P.

Hủy di chúc của bà Đ.T.K.T đã lập ngày 01/4/2014.

[2]. Xác định tài sản chung của cụ L.B.D và cụ N.T.L là quyền sử dụng đất 95m2 tại thửa số 61 tờ bản đồ số 11 tại thôn T.T, xã T.C, huyện T.O, Hà Nội có giá trị 285.000.000đ.

Xác định ngôi nhà cấp 4 có diện tích xây dựng 40,8m2 làm trên thửa đất có giá trị 41.873.625đ là tài sản chung của vợ chồng ông L.B.H, bà Đ.T.K.T và vợ chồng anh L.B.P, chị N.T.H trong đó của vợ chồng ông H là 1/2= 20.936.812đ; và của vợ chồng anh P là 20.936.812đ.

[3]. Xác định tài sản chung của ông L.B.H và bà Đ.T.K.T là quyền sử dụng đất 186m2 tại thửa đất số 96, tờ bản đồ số 11 tại xóm T.Đ, xã T.C, huyện T.O, Hà Nội có giá trị 558.000.000đ.

Xác định các công trình xây dựng trên đất và cây lâm lộc trên đất gồm: nhà cấp 4 xây dựng trên đất, nhà ngang làm điện thờ, nhà vệ sinh, sân gạch, mái vảy sát điện thờ; cổng đi; tường bao; cây ăn quả có tổng trị giá 63.579.000đ là tài sản chung của bà Đ.T.K.T, anh L.M.H và vợ chồng anh L.B.P; trong đó của Bà T là 1/2 giá trị= 31.789.500đ; còn lại 1/2 giá trị = 31.789.500đ của anh H và vợ chồng anh P mỗi bên 1/2= 15.894.750đ.

Xác định nhà ở lợp mái tôn, mái vảy ( sát vị trí cổng đi và đường làng) và 1 phần nhà vệ sinh là tài sản riêng của gia đình anh P.

[4]. Mở thừa kế và chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật:

[4.1]. Mở thừa kế chia di sản thừa kế của cụ L.B.D ( chết năm 1965) và cụ N.T.L( chết 1993) và chia thừa kế một lần: Di sản thừa kế của 2 cụ là quyền sử dụng đất 95m2 trị giá 285.000.000đ.

Xác định vợ chồng ông L.B.H, bà Đ.T.K.T có công quản lý duy trì di sản nên thanh toán tương đương 1 kỷ phần thừa kế.

Xác định hàng thừa kế thứ nhất của Cụ D và cụ L là con của 2 cụ: ông L.B.H và bà L.T.T.

Di sản thừa kế của 02 cụ chia 3 phần: Ông H và bà T mỗi người hưởng 1/3 di sản = 95.000.000đ (tương đương 31,666m2 đất). Ông H và Bà T được thanh toán công sức 1/3= 95.000.000đ (tương đương 31,666m2 đất).

[4.2]. Mở thừa kế chia di sản của ông L.B.H( chết năm 1995) và bà Đ.T.K.T( chết năm 2017) và chia thừa kế một lần.

Di sản thừa kế của Ông H và Bà T gồm có: Quyền sử dụng đất 186m2 trị giá 558.000.000đ + Kỷ phần thừa kế của ông H95.000.000đ (tương đương 31,666m2 đất) + Công sức quản lý duy trì của ông H và Bà T 95.000.000đ (tương đương 31,666m2 đất) + 1/2 giá trị ngôi nhà cấp 4 làm trên thửa đất số 61 là 20.936.812đ + 1/2 giá trị tài sản của Bà T có trên thửa đất số 96 là 31.789.500đ. Tổng = 800.726.312,5đ.

Xác định công sức quản lý duy trì di sản của anh H và vợ chồng anh P tương đương 1 kỷ phần thừa kế (trong đó mỗi bên hưởng 1/2 kỷ phần).

Hàng thừa kế thứ nhất của Ông H và Bà T là các con của ông bà: chị L.T.T, anh L.B.P, anh L.M.H, chị L.T.H, chị LT.T( thu) và chị L.T.N.

Di sản của Ông H và Bà T được chia làm 7 phần. Mỗi đồng thừa kế được hưởng kỷ phần là 1/7 = 114.389.473đ. Anh H và vợ chồng anh P mỗi bên được thanh toán 1/2 kỷ phần thừa kế = 57.194.737đ.

[4.3]. Sau 02 lần mở thừa kế, các đương sự được chia kỷ phần như sau:

- Anh L.M.H được chia: kỷ phần thừa kế 114.389.473đ + công sức quản lý duy trì di sản 57.194.737đ + Giá trị tài sản anh đóng góp tại thửa đất số 96 là 15.894.750đ. Cộng= 187.478.960đ.

- Chị L.T.N được chia: kỷ phần thừa kế 114.389.473đ.

- Chị L.T.T( Thu) được chia: kỷ phần thừa kế 114.389.473đ.

- Anh L.B.P và gia đình anh P được chia: kỷ phần thừa kế 114.389.473đ + công sức quản lý duy trì di sản của gia đình anh P 57.194.737đ + 1/2 giá trị ngôi nhà cấp 4 tại thửa đất số 61 là 20.936.812,5đ + Giá trị tài sản gia đình anh đóng góp tại thửa đất số 96 là 15.894.750đ. Cộng = 208.415.772đ.

- Chị L.T.H được chia: kỷ phần thừa kế 114.389.473đ.

- Chị L.T.T được chia: kỷ phần thừa kế 114.389.473đ.

- Bà L.T.T được chia 95.000.000đ.

Ghi nhận sự tự nguyện của anh H, chị N và chị T v/v kỷ phần thừa kế chia chung 1 khối là: (187.478.960đ + 114.389.473đ +114.389.473đ) = 416.258.905đ.

Ghi nhận sự tự nguyện của Chị T, chị H và bà T v/v kỷ phần thừa kế để ông P và gia đình ông P hưởng cả là: (208.415.772đ. +114.389.473đ +114.389.473đ.+ 95.000.000đ) = 532.194.718đ.

Các tài sản khác có trên đất thuộc tài sản riêng của gia đình ông P, gia đình ông P tiếp tục sở hữu.

[5]. Giao kỷ phần thừa kế cho các bên bằng hiện vật như sau:

[5.1]. Giao cho anh L.M.H, chị L.T.N và chị L.T.T (T) do anh H đại diện nhận:

- Quyền sử dụng đất 153,5m2 thửa đất số 96 (trừ diện tích 32,5 m2 là một phần của thửa đất số 96 được giới hạn bởi các điểm A,B,2,3,4’,A thể hiện trên sơ đồ thửa đất đính kèm bản án) có trị giá 460.500.000đ.

- Và các tài sản trên đất: Nhà cấp 4(2 gian) 46,7m2 trị giá 41.769.000đ + 01 nhà ngang ( điện thờ) trị giá 5.861.000đ + nhà vệ sinh trị giá 11.950.000đ + Sân gạch trị giá 284.000đ + mái vảy sát điện thờ trị giá 1.480.000đ + cổng đi trị giá 500.000đ + Tường bao trị giá 390.000đ + Các cây ăn quả: 2 cây xoài, 01 cây nhãn, 01 cây mộc trị giá 1.345.000đ. Cộng = 63.579.000đ.

Tổng cộng giá trị hiện vật đã giao cho anh H, chị N, chị T = 524.079.000d. So với kỷ phần được chia là 416.258.905d; còn thừa: 107.821.000đ.

[5.2]. Giao cho anh L.B.P và gia đình anh P:

- Quyền sử dụng đất 95m2 đất thửa số 61 được giới hạn bởi các điểm A,B,P,Q,M,18,19,A thể hiện trên sơ đồ thửa đất đính kèm bản án; và quyền sử dụng đất 32,5m2 của thửa đất số 96 ( nơi có công trình là tài sản riêng của gia đình anh P) được giới hạn bởi các điểm A,B,2,3,4’,A thể hiện trên sơ đồ thửa đất đính kèm bản án; cộng 2 diện tích đất là 127,5m2 trị giá: 382.500.000đ.

- Và tài sản có trên đất: Nhà cấp 4(3 gian) 40,8m2 trị giá 41.873.625đ.

Cộng giá trị hiện vật giao cho anh P và gia đình anh P = 424.373.625đ. So với kỷ phần được hưởng 532.194.718d; còn thiếu 107.821.000đ.

Gia đình anh L.B.P tiếp tục sở hữu các tài sản đã xây dựng trên diện tích đất 32,5m2 tại thửa số 96.

[5.3]. Anh L.M.H, chị L.T.N và chị L.T.T có trách nhiệm liên đới thanh toán chênh lệch kỷ phần thừa kế được chia bằng hiện vật cho anh L.B.P và gia đình anh P( do anh P đại diện) số tiền 107.821.000đ ( Một trăm lẻ bảy triệu tám trăm hai mươi mốt nghìn đồng chẵn).

[6]. Anh L.M.H, chị L.T.N và chị L.T.Tvà anh L.B.P có trách nhiệm đến Cơ quan cấp có thẩm quyền để điều chỉnh lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P 395944 do Ủy ban nhân dân huyện T.O, Hà Nội ký ngày 19/10/2001 cấp cho hộ bà Đ.T.K.T; và đề nghị cấp GCNQSD đất theo quyết định của bản án.

[7]. Về án phí DSST:

Anh L.M.H phải chịu án phí là: 5.719.000đ; được đối trừ vào số tiền tạm ứng án phí 5.700.000đ nộp tại biên lai thu số 02425 ngày 24/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.O, HN, nay anh H còn nộp thêm là 19.000đ.

Chị L.T.N phải chịu án phí là: 5.719.000đ; được đối trừ vào số tiền tạm ứng án phí 5.700.000đ nộp tại biên lai thu số 02426 ngày 24/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.O, HN, nay chị N còn nộp thêm là 19.000đ.

Chị L.T.T phải chịu án phí là: 5.719.000đ; được đối trừ vào số tiền tạm ứng án phí 5.700.000đ nộp tại biên lai thu số 02427 ngày 24/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.O, HN, nay chị T còn nộp thêm là 19.000đ.

Anh L.B.P phải chịu án phí là: 5.719.000đ.

Chị L.T.T phải chịu án phí là: 5.719.000đ.

Chị L.T.H phải chịu án phí là: 5.719.000đ.

[8]. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1540
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 139/2020/DS-PT ngày 22/05/2020 về tranh chấp chia thừa kế

Số hiệu:139/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về