Bản án 139/2019/DS-PT ngày 14/05/2019 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 139/2019/DS-PT NGÀY 14/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Vào ngày 14 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 168/2019/TLPT- DS ngày 29 tháng 8 năm 2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 83/2018/DS-ST ngày 11 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo:

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 113/2019/QĐ-PT ngày 04 tháng 4 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Ông Lâm Văn C1, sinh năm: 1956 (có mặt).

2. Bà Lê Kim Y, sinh năm: 1961 (có mặt).

Cùng cư trú tại: Ấp Ô, xã L, Tp. C, tỉnh C ..

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Văn Nuôi, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

- Bị đơn:

1. Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1973 (có mặt).

2. Bà Trần Thị P1, sinh năm 1966 (có mặt).

Cùng cư trú tại: Ấp Ô, xã L, Tp. C, tỉnh C .

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Trịnh Thanh Liệt, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1933 (vắng mặt)

Người đại diện hợp pháp của ông M: Ông Nguyễn Thanh Hợp, sinh năm 1960 (Theo Văn bản ủy quyền ngày 20-7-2018).

Cùng cư trú tại: Ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

2. Bà Nguyễn Thị N1 (vắng mặt).

3. Bà Nguyễn Thị P2 (vắng mặt).

Cùng cư trú tại: Ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau

4. Ông Nguyễn Văn N2 (có mặt).

5. Ông Nguyễn Văn D (vắng mặt).

6. Bà Nguyễn Thị C2 (vắng mặt).

7. Bà Nguyễn Thị N3 (vắng mặt).

Cùng cư trú tại: Phường 8, thành phố C, tỉnh C ..

8. Bà Nguyễn Thị C3 (vắng mặt).

Cư trú tại: Xã T, huyện T, tỉnh C ..

- Người kháng cáo:

+ Ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị Phỉ – Là bị đơn.

+ Ông Nguyễn Văn M – Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện và tại phiên tòa ông Lâm Văn C1 trình bày: Ngày 30/3/2007 ông và vợ là bà Lê Kim Y có nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Mặng, ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 phần đất tọa lạc tại ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đất nhận chuyển nhượng là nữa cái mương thoát nước, ngang 02m giáp với đất ông Nguyễn Văn Thiều, chiều dài 120m tính từ mé sông Láng Bà đến mé ruộng đất của ông (sau hậu đất ông Mặn), Giấy CNQSDĐ do ông Nguyễn Văn Mặng (Mặn) đứng tên, giá chuyển nhượng bằng 01 (một) lượng vàng 24k. Việc chuyển nhượng có lập thành văn bản đề ngày 30/3/2007, có ghi người sang đất là Nguyễn Văn Mặng, Nguyễn Văn L và Trần Thị P1, nhưng do một mình ông L ký tên thay ông Mặng và bà P1. Ông đã giao vàng đầy đủ cho ông Mặng và sử dụng trên phần đất từ năm 2007 đến khi phát sinh tranh chấp năm 2016. Tháng 11/2016 âm lịch, ông L và Mân đắp ngăn không cho nước vào vuông của ông nên gây thiệt hại làm tôm chết, nên ông yêu cầu ông L, bà P1 bồi thường thiệt hại tổng số tiền bằng 150.000.000đ. Nay vợ chồng ông C1 yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông L bà P1 giao lại cho ông nửa cái mương có chiều ngang 2,0m, chiều dài 120m và khai thông dòng chảy để ông lấy nước nuôi tôm và bồi thường thiệt hại là 150.000.0000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn rút lại yêu cầu về bồi thường thiệt hại số tiền 150.000.000 đồng, nay nguyên đơn xin rút lại yêu cầu này.

- Bà Lê Kim Y trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày và yêu cầu của ông C1.

- Ông Nguyễn Văn L trình bày: Trước đây vào khoảng năm 2004, ông có nghe cha ông nói lại là có chuyển nhượng cho ông C1 một cái mương ngang 02m, dài 100m. Phần đất chuyển nhượng cho ông C1 là hướng bắt giáp với đất của ông Võ Văn Của. Ông chỉ nghe cha ông nói lại nhưng không có lập thành văn bản như ông C1 trình bày. Đối với giấy ghi ngày 30/3/2007, có tiêu đề: “Kính chánh quyền ấp ông muộn xã Lý Văn Lâm TPCM” có nội dung sang đất cho ông C1 phần đất giáp đất ông

Nguyễn Văn Thiều có ghi người sang đất là Nguyễn Văn Mặng, Nguyễn Văn L và Trần Thị P1, tất cả chữ k‎ý và chữ viết trong giấy không phải là chữ ký và chữ viết của cha ông và vợ chồng ông, vì giấy ghi ngày 30/3/2007 là giấy giả.

Đối với phần đất tranh chấp là con mương hiện tại ông C1 đang yêu cầu có một phần là của ông Nguyễn Văn M (cái mương từ giáp sông Láng Bà kéo dài đến bụi tre là toàn bộ cái mương của ông M). Việc ông C1 sử dụng con mương trên khoảng 10 năm nay là do ông C1 đi nhờ bên đất ông M. Riêng con mương trên phần đất ông thì ông C1 sử dụng là do cha ông cho đi nhờ.

Đối với việc ông C1 không lấy nước được vào vuông là do ông Nguyễn Văn M đắp ngang con mương và không cho nước vào. Việc đắp ngang con mương và bít ống cống là do ông Nguyễn Văn M làm, ông không có liên quan nên ông không đồng ‎ý bồi thường.

- Bà Trần Thị P1 trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày của ông L.

Từ nội dung trên, tại Bản án sơ thẩm dân sự số: 83/2018/DS-ST ngày 11 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau quyết định: Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

1. Buộc ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 và ông Nguyễn Văn M phải có nghĩa vụ giao trả lại cho ông Lâm Văn C1, bà Nguyễn Kim Yến phần đất là nữa cái mương thoát nước ngang 02m dài từ sông Láng Bà đến phần đất ông C1 (đất ông C1 nằm sau hậu đất ông L) đất lạc tại ấp ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ông C1 bà Y có quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được cấp Quyền sử dụng đất theo thủ tục chung.

2. Buộc ông Nguyễn Văn L và ông Nguyễn Văn M, bà Trần Thị P1 phải có nghĩa vụ tháo dỡ hai cái đập đấp ngang phần mương thoát nước để cho ông C1 bà Y lấy nước vào vuông.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

- Ngày 25/7/2018, ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc ông L, bà P1 có nghĩa vụ giao trả cho ông C1, bà Y phần đất đường nước tranh chấp.

- Ngày 08/8/2018, ông Nguyễn Văn M có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc ông M, ông L, bà P1 có nghĩa vụ giao trả cho ông C1, bà Y phần đất đường nước tranh chấp.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Ông Hợp đại diện cho ông M, ông L, bà P1 yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông L, bà P1 đề nghị: Đề nghị hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu:

Vào ngày 09-5-2019 đại diện Viện kiểm sát có đề nghị ngừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ. Ngày 14-5-2019 là đến ngày mở lại phiên tòa, phía đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau vắng mặt không có lý do.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét yêu cầu kháng cáo của ông ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1, và ông Nguyễn Văn M yêu cầu cấp phúc thẩm sửa toàn bản án sơ thẩm, nhưng tại phiên tòa yêu cầu hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc ông M, ông L, bà P1 có nghĩa vụ giao trả cho ông C1, bà Y phần đất đường nước tranh chấp. Hội đồng xét xử thấy rằng:

[2] Về tố tụng: Trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa ông L, bà P1, ông M yêu cầu cho giám định các chữ ký của ông Mặng (Mặn), bà P1, ông L. Thấy rằng việc giám định chữ ký của ông L cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ (đã có kết luận giám định là chữ ký của ông L trong giấy tay chuyển nhượng ngày 30-3-2007), nên các đương sự tiếp tục đặt ra việc giám định tại cấp phúc thẩm là không được chấp nhận. Đối với Luật sư Nguyễn Văn Nuôi, sau khi ngừng phiên tòa và mở lại, Luật sư Nuôi vắng mặt không lý do, phía nguyên đơn thống nhất ý kiến không tiếp tục nhờ Luật sư. Đồng thời, phiên tòa mở lại cũng vắng mặt đại diện Viện kiểm sát. Do Luật sư và đại diện Viện kiểm sát vắng mặt không lý do, và không thuộc trường hợp hoãn phiên tòa, nên việc xét xử vắng mặt Luật sư, Kiểm sát viên được thực hiện theo Điều 228, 232 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về phần đất tranh chấp, theo bản vẽ ngày 03 – 01 - 2019 có diện tích là 261,7m2 (ký hiệu thửa số: 01 + 03 + 04), gồm các điểm: M16, M17, M18, M19, M20, M21, M22, M23, M24), (ranh nguyên đơn chỉ ký hiệu màu xanh; ranh ông L, ông Hợp đại diện ông M chỉ ký hiệu màu đỏ); phần đất tranh chấp có mặt tiền giáp kênh Láng Bà chạy dài đến bụi tre và từ bụi tre (có bờ ngang đã bị đắp) đến đất ruộng củaông Lâm Văn C1 đang canh tác bên trong; đất tranh chấp tọa lạc tại ấp Ông Muộn, xãLý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau (Bản vẽ bút lục số 338). Ngày 26 - 12 - 2018, tại biên bản xem xét thẩm định, các bên xác định không yêu cầu định giá mà đưa ra mức giá của toàn bộ phần đất có đường nước tranh chấp vẫn là 01 lượng vàng 24k, thỏa thuận quy đổi ra 33.000.000 đồng.

[4] Theo ông C1, bà Y thì phần đất này ông Mặng, bà P1, ông L đã chuyển nhượng cho ông bà bằng giấy tay ngày 30-3-2007, với giá 01 lượng vàng 24k. Sau khi nhận chuyển nhượng, nguyên đơn sử dụng đường nước đến năm 2016 thì bị các con ông M và ông L ngăn cản (đắp ngang con bờ tại điểm bụi tre), vì cho rằng chỉ cho mượn tạm, nay đắp lại; đối với ông L cũng xác định cho vợ chồng ông C1 mượn tạm đường nước, nay không cho mượn nữa. Ông L cũng xác định nguồn gốc phần đất ông L đang sử dụng (có nhà ở khoảng 30 năm) là do ông Mặng (cha của ông L) cho lại ông L vào năm 2004, cho diện tích là 12m x 100m, ông L chưa đăng ký quyền sử dụng đất. Qua đo đạc tự chỉ ranh, thì phần đất mà cấp sơ thẩm tuyên giao cho nguyên đơn, thì có diện tích 89,2m2 (ký hiệu số 03) là của ông M do con ông M là ông Hợp và ông L cùng chỉ ranh; phần còn lại có diện tích là 172,5m2 của ông vợ chồng ông L sử dụng (ký hiệu số: 01 + 04).

[5] Song, có một thực tế đã diễn ra suốt 10 năm, là phần đất ông L ký chuyển nhượng cho vợ chồng ông C1, vợ chồng ông C1 đã sử dụng đường nước này liên tục không có tranh chấp. Đoạn từ đất của của vợ chồng ông C1 đang sử dụng bên trong đến bụi tre (chỉ còn gốc tre, hiện trạng là bờ ngang này ký hiệu trong bản vẽ là M17, M14, M18, M5, M21, M22, M23) có chiều dài đoạn này là 65,1m, và đoạn này hoàn toàn nằm trên đất có nguồn gốc của ông L (từ ông Mặn để lại); hiện trạng đoạn kênh này là kênh rộng, nhưng đối với 02 mét chuyển nhượng theo giấy tay của các bên, tính từ đất vợ chồng ông C1 đến bụi tre, thì các bên đã cặm cừ tràm làm ranh hẳn hoi từ nhiều năm (bản ảnh bút lục số 360). Vì vậy, việc ông L cho rằng chỉ cho vợ chồng ông C1 mượn đường nước tạm nhưng ông L lại tự cặm ranh phân định, điều này cho thấy đường nước cho mượn tạm là không có cơ sở. Đoạn thứ hai tính từ bụi tre như đã nêu, đến miệng cống xổ có chiều dài 56,5m; tại miệng cống giáp kênh Láng Bà theo ông Hợp thì mặt tiền phía ông L chuyển nhượng đã lấn ông 0,8m (như bản vẽ thể hiện), đối với tại điểm đầu bụi tre (ký hiệu M23 trong bản vẽ) thì ông M bị lấn đến 02 mét. Xét lời trình bày của ông L, ông M cùng quan điểm chỉ ranh, nhận thấy có một số mâu thuẫn như sau:

[5.1] Con mương có khoảng rộng không đều nhau, đầu kênh giáp cống từ 5m- 6m, giữa kênh đến cuối điểm bụi tre rộng từ 07m – 08m. Cống xổ này hình thành từ lâu năm, là đường dẫn nước chung thời làm nông nghiệp, nếu từ điểm bụi tre (ký hiệu M23 qua điểm M17) là 02 mét của con mương thì cũng chưa được ½ con mương theo hiện trạng (có kèm theo bản ảnh, Bút lục 361, 361a). Trong khi toàn bộ con mương này từ trước đây các bên đều sử dụng đường nước chung hơn 10 năm, nếu vợ chồng ông C1 nhận chuyển nhượng có 02 mét thì cũng chưa đến nửa con mương hiện hữu, như vậy cũng đồng nghĩa chưa đến đất của ông M. Việc ông M, ông L cùng cho rằng phần đất 02 mét ông C1 chỉ là của ông M, và để rồi ông M, cùng các con ông M đắp lại đoạn tại bụi tre này (đắp trong giai đoạn Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án) không cho vợ chồng ông C1 sử dụng đường nước để canh tác, làm thiệt hại tài sản của vợ chồng ông C1, điều này là không phù hợp.

[5.2] Đoạn miệng cống giáp kênh Láng Bà, theo ranh ông M, ông L chỉ thì phần đất ông C1 còn lại 1,2m, nếu vợ chồng ông C1 yêu cầu đòi lại mặt tiền miệng cống này đúng 02m, thì ông M chỉ ranh, ông M mất 0,8m đất. Xét thấy, các bên sử dụng đường cống là đường cống thoát nước chung, đã diễn ra trên 10 năm nay, chính quyền địa phương đều biết vợ chồng ông C1 thoát nước ra kênh Láng Bà này và hộ ông M, ông C1 cùng xổ đường nước này (hộ ông L thì xổ cống hướng ở gần đó, cùng dây đất của Mặng để lại), đối với ông M thì sau khi tranh chấp ông M đắp cống, không sử dụng cống xổ này mà sử dụng cống xổ giáp phần đất Mạc Văn Bưởi; chỉ có vợ chồng ông C1 là không có đường xổ nước nào. Theo ông L, do vào năm 2016 mâu thuẫn từ việc kéo điện nước nhờ phía ông C1 bên sông qua nhà ông L, nên xảy ra cự cãi, từ đó ông L đứng ra tranh chấp con mương này; ông L cho rằng cho mượn tạm nên nay đắp lại không cho mượn nữa. Quá trình khởi kiện, phía ông Hợp con ông M, ông L cho rằng thực tế vợ chồng ông C1 có sử dụng đường nước như vợ chồng ông C1 chỉ ranh nhưng sử dụng trên cơ sở mượn tạm. Tuy nhiên, các ông M, ông L không có chứng từ gì chứng minh cho việc mượn tạm này, trong khi phía ông C1 đưa ra được giấy tay mua đất có mương thoát nước này, và sau khi mua đường nước ông C1 cũng đã sử dụng đường nước này 10 năm qua không tranh chấp. Khi cấp sơ thẩm xuống đo đạc đất, phía ông M, ông L ngăn cản không cho đo đất; nhưng đối với ông M lại không có yêu cầu gì trong vụ án này. Đến cấp phúc thẩm, ông Hợp con ông M mới cho rằng phần đất tuyên nửa con mương (đoạn ngoài) là lấn sang phần của ông 89,2m2. Song như đã nêu con mương có độ rộng từ 07m - 08m, thì việc tuyên 02 mét từ bờ đất của ông L đo qua cũng chưa tới nữa con mương như ông M kháng cáo; và đồng thời, theo ranh ông M, ông L xác định, thì rõ ràng có mâu thuẫn với bản đồ địa chính có từ lâu năm, đối chiếu bản đồ và ranh chỉ sẽ thấy phần đất trong bản đồ, ranh từ bụi tre ra miệng cống là ranh tương đối thẳng, còn ranh của ông M, ông L chỉ thì lại ngả qua hướng đất của ông L rất nhiều, điều đó cho thấy việc chỉ ranh của ông Hợp (đại diện ông M), ông L là không được khách quan, dẫn đến ông L chối bỏ trách nhiệm giao trả đất trong khi đã ký hợp đồng.

[5.3] Hơn nữa, quá trình sử dụng đoạn mương từ bụi tre ra miệng cống thoát nước, thì các bên trước đây cũng có cặm hàng tre khoảng ở giữa kênh để làm ranh, vào thời điểm xảy ra tranh chấp (Tòa án đã thụ lý) phía ông M cho cơ giới vào đắp đập ngay bụi tre, cho nạo vét kênh này, nên hàng tre không còn (hiện chỉ còn hàng cừ tràm từ bụi tre ra, ký hiệu M23, như bản ảnh đã ghi lại chụp từ hướng bụi tre ra cống xổ, bút lục số 361a). Việc vợ chồng ông C1 là chủ sử dụng con mương thoát nước (do mua của ông L) được nhiều người trong địa phương biết đến, như: Chung Thị Mai, Lưu Mười Ba, Phan Thị Tắc, Nguyễn Thị Lem, Nguyễn Văn Mầu, Nguyễn Bích Thiểm, Hồ Văn Ni, Mạc Văn Bưởi, Nguyễn Thị Nhiểm cùng xác định khoảng 10 năm trước, những người này đã gặt lúa, trục đất, dắt trâu kéo lúa hằng năm cho vợ chồng ông C1, những người này đã sử dụng đường nước và đều biết đường nước này là của vợ chồng ông C1 (Bút lục số: 17).

[6] Theo hợp đồng lập ngày 30-3-2007 chuyển con mương thoát nước, có đoạn ghi “… vậy hôm nay tôi làm giấy này cho ông Lâm Văn C1 làm chủ sở hữu phần đất nói trên vĩnh viễn…”. Lẽ ra, khi thiết lập việc chuyển nhượng phần đất nêu trên, các bên cần phải xác lập hợp đồng, có công chứng, chứng thực theo luật định và vợ chồng ông C1 phải đăng ký quyền sử dụng đất, nhưng các bên đã không thực hiện là chưa đầy đủ. Song, có một thực tế, vợ chồng ông C1 nhận chuyển nhượng phần đất có đường nước, vợ chồng ông C1 đã thanh toán đầy đủ, vợ chồng ông C1 đã sử dụng ổn định, liên tục hơn 10 năm không tranh chấp. Đồng thời, do đường thoát nước là thiết yếu, là điều kiện tối thiểu của người canh tác đất, khi canh tác không thể thiếu mương thoát nước. Vì vậy, cần công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 30-3-2007 giữa vợ chồng ông C1 và vợ chồng ông L là phù hợp. Từ đó, cần buộc vợ chồng ông L tiếp tục thực hiện hợp đồng, giao đường nước đã chuyển nhượng là phù hợp. Giả thuyết, nếu vợ chồng ông C1 không là chủ sử dụng phần đất đã sang nhượng, thì việc vợ chồng ông C1 sử dụng phần đất đã hơn 10 năm để thoát nước, thì vợ chồng ông L, ông M ngăn cản và đắp lại là cũng trái vơi quy định của Điều 252 Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề, trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản, mà việc cấp thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản khác phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy... Nếu gây thiệt hại phải bồi thường...

[7] Từ phân tích trên, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông M và vợ chồng ông L, bà P1. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, buộc vợ chồng ông L tiếp tục thực hiện hợp đồng, giao trả đường nước ngang 02 mét, dài 134,5m (kèm theo bản vẽ ngày 3-1-2019) cho vợ chồng ông C1 sử dụng. Đối với ông M, không có căn cứ cho rằng ông L lấy đất ông M chuyển nhượng cho vợ chồng ông L, nên ông M cần chấm dứt hành vi ngăn cản việc vợ chồng ông L sử dụng đất. Buộc ông M, vợ chồng ông L có nghĩa vụ tháo (đào) đường nước chỗ điểm bụi tre và chỗ miệng cống xổ để trả lại hiện trạng mương thoát nước cho vợ chồng ông C1.

[8] Do ông M, vợ chồng ông L ngăn cản, nên tại cấp sơ thẩm không đo vẽ được đất tranh chấp; đến cấp phúc thẩm mới đo vẽ được, mặc dù giữ nguyên Bản án sơ thẩm nhưng do có đo đạc, nên trong phần quyết định của bản án phúc thẩm có bổ sung thêm số liệu đo đạc cho phù hợp.

[9] Về chi phí tố tụng:

- Chi phí giám định: Ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 phải số tiền 3.350.000 đồng. Ông Lâm Văn C1, bà Lê Kim Y đã dự nộp, buộc ông L, bà P1 phải hoàn trả số tiền này cho ông C1, bà Y.

- Chi phí đo đạc 8.840.000 đồng, thẩm định là 500.000 đồng, ông Nguyễn Văn L và bà Trần Thị P1 phải chịu. Ông M đã dự nộp, buộc ông L và bà P1 hoàn trả cho ông Nguyễn Văn M số tiền 9.340.000 đồng là phù hợp, vì trong vụ án này yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là vợ chồng ông C1 được chấp nhận, thì bị đơn phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng là đúng với quy định tại Điều 157, 160 Bộ luật tố tụng dân sự.

[10] Về án phí:

- Án phí sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 phải chịu án phí không có giá ngạch 300.000 đồng. Ông C1, bà Y không phải chịu, đã dự nộp 4.020.000 đồng được nhận lại.

- Án phí phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 phải chịu 300.000 đồng, đã dự nộp được chuyển thu đối trừ. Đối với ông M là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí (Bút lục số 285), nên được miễn theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn M và ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 83/2018/DS-ST ngày 11 – 7 – 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lâm Văn C1 và bà Lê Kim Y về việc khởi kiện ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 giao trả phần đất đã nhận chuyển nhượng làm đường xổ nước.

2. Buộc ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1, ông Nguyễn Văn M giao trả cho ông Lâm Văn C1 và bà Lê Kim Y diện tích đất làm đường nước có chiều ngang 02m dài 134,5m, tổng diện tích 261,7m2 (kèm theo bản vẽ ngày 03-01-2019, gồm các điểm: M16, M17, M18, M19, M20, M21, M22, M23, M24); mặt tiền giáp kênh Láng Bà, chạy dài đến bụi tre và từ bụi tre đến đất của ông Lâm Văn C1, bà Lê Kim Y; phần đất tọa lạc tại ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Ông Lâm Văn C1, bà Trần Thị P1 có quyền đăng ký quyền sử dụng đất theo diện tích đã nêu trong bản vẽ.

3. Buộc ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1, ông Nguyễn Văn M phải tháo (đào) 02 cái đập (vị trí miệng cống xổ) và (vị trí bụi tre đã đắp ngang) để cho ông C1, bà Y lấy nước xổ vào canh tác.

4. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Lâm Văn C1 đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền là 150.000.000 đồng.

5. Về chi phí tố tụng:

- Chi phí giám định: Buộc ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 phải hoàn trả cho ông Lâm Văn C1, bà Lê Kim Y số tiền 3.350.000 đồng.

- Chi phí đo đạc, thẩm định: Buộc ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 phải hoàn trả cho ông Nguyễn Văn M số tiền số tiền 9.340.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, nếu bên thi hành án chậm thanh toán, thì bên thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi phát sinh theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

6. Về án phí:

- Án phí sơ thẩm: Ông L, bà P1 phải chịu án phí không có giá ngạch 300.000 đồng (chưa nộp). Ông Lâm Văn C1, bà Lê Kim Y không phải chịu, đã dự nộp 4.020.000 đồng theo biên lai số 0002530 ngày 7-02-2017 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Cà Mau được nhận lại.

- Án phí phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn L, bà Trần Thị P1 phải chịu 300.000 đồng, đã dự nộp theo biên lai thu số 0001075 ngày 25-7-2018 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Cà Mau được chuyển thu đối trừ.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

552
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 139/2019/DS-PT ngày 14/05/2019 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại

Số hiệu:139/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:14/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về