TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 137/2020/KDTM-PT NGÀY 12/08/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong các ngày 11 và 12/8/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 113/2019/KTPT ngày 03/9/2019 về việc “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2019/KDTM-ST ngày 27/05/2019 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 332/2020/QĐXX- PT ngày 03/7/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 387/2020/QĐPT- PT ngày 03/7/2020, giữa:
Nguyên đơn: Công ty TNHH TT Trụ sở: số …………… khu công nghiệp ST…., thị xã DA, tỉnh BD; Người đại diện theo pháp luật: ông Khương Đình H- Giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: ông Vũ Thế H (theo giấy ủy quyền số 01/UQ-TT ngày 20/3/2018) (ông H có mặt tại phiên tòa).
Bị đơn: Tổng công ty CP bảo hiểm Ngân hàng TMCP CTVN Trụ sở: ………… tòa nhà …………. ĐC, quận BĐ, TP HN; Người đại diện theo pháp luật: ông Lê Tuấn D- Tổng giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: bà Trần Thị Hồng N, ông Trương Minh Cát N, ông Trần Trí C và bà Nguyễn Thị Minh T (theo giấy ủy quyền số 1710/UQ-VBI10 ngày 05/9/2018 và giấy ủy quyền số 797/UQ-VB110 ngày 17/5/2019) (bà N, ông N, ông C và bà T có mặt tại phiên tòa).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Phạm Hoàng Sang, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh (ông Sang có mặt tại phiên tòa).
Người giám định: Công ty TNHH Giám định và TVKT Trụ sở: phòng ……….. tòa nhà ……….. số …. HQV, quận CG, TP HN;
Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Hạ L- Giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: ông Trần Văn C, ông Nguyễn Hồng S (theo Giấy ủy quyền ngày 16/7/2020) (ông C và ông S có mặt tại phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án, Công ty TNHH TTh trình bày:
Ngày 09/12/2013, Công ty TNHH TT (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) ký Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số SG.08.EPC.AD.13/01272 (sau đây gọi tắt là Hợp đồng bảo hiểm) với Công ty TNHH MTV bảo hiểm Ngân hàng TMCP CTNV (nay là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng CTVN, sau đây gọi tắt là bị đơn) do Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đại diện ký kết để mua bảo hiểm cho các tài sản của doanh nghiệp tại địa chỉ số ...., ĐT ..... khu công nghiệp ST..., thị xã DA, tỉnh BD là nhà văn phòng, nhà xưởng và hàng hóa với tổng giá trị số tiền bảo hiểm là 14.377.504.000 đồng. Nguyên đơn đã đóng đầy đủ số tiền phí bảo hiểm là 26.885.932 đồng theo lệnh chi ngày 26/12/2013. Trong các ngày 13 và 14/5/2014, nguyên đơn đã bị tổn thất gần như toàn bộ tài sản do cháy và thất thoát với tổng giá trị ước tính gần 300 tỷ đồng.
Ngay sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra và trong quá trình yêu cầu giải quyết bồi thường bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành văn bản kết luận về nguyên nhân gây thiệt hại, nguyên đơn đã cung cấp toàn bộ các thông tin, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm cho đơn vị giám định là Công ty TNHH Giám định và TVKT (sau đây gọi tắt là RC) và bị đơn nhưng bị đơn nhiều lần trì hoãn trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho nguyên đơn.
Ngày 19/9/2017, bị đơn gửi Văn bản cho rằng chưa có đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục giải quyết bồi thường bảo hiểm và giữ nguyên quan điểm từ chối bồi thường.
Do đó, nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết:
- Buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho nguyên đơn đối với toàn bộ tài sản đã mua bảo hiểm là nhà văn phòng, nhà xưởng và hàng hóa đã bị tổn thất trong các ngày 13 và 14/5/2014 theo Hợp đồng bảo hiểm với tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 14.377.504.000 đồng - 718.875.200 đồng (mức khấu trừ 5% giá trị tổn thất trong phạm vi bồi thường) = 13.658.628.800 đồng.
- Buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ trả cho nguyên đơn số tiền lãi chậm thanh toán trên tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 13.658.628.800 đồng theo mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất 3 Ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án. Thời điểm tính lãi suất quá hạn mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn từ ngày 15/10/2016 cho đến thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án và bị đơn tiếp tục phải chịu mức lãi suất quá hạn trên số tiền chậm thanh toán cho đến khi hoàn tất nghĩa vụ bồi thường toàn bộ số tiền bảo hiểm cho nguyên đơn.
Người đại diện ủy quyền của bị đơn trình bày:
Bị đơn xác nhận giữa nguyên đơn và bị đơn có ký kết Hợp đồng bảo hiểm như nguyên đơn đã trình bày là đúng. Bị đơn xác nhận số tiền phí bảo hiểm nguyên đơn đã đóng đầy đủ vào ngày 26/12/2013. Ngay khi xảy ra cháy nổ, nguyên đơn đã thông báo bằng điện thoại cho bị đơn. Bị đơn tiếp nhận thông tin về sự kiện bảo hiểm từ nguyên đơn vào ngày 14/5/2014. Sau đó bị đơn có cử cán bộ xuống xác minh và đơn vị tư vấn xuống để xác định thiệt hại xảy ra.
Đối với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý vì căn cứ vào những điểm loại trừ của Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Thông tư 220) trong đó có điều quy định những thiệt hại do những biến cố chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.
Và căn cứ vào nguyên nhân thiệt hại tại Công văn số 7316/BTC-QLBH ngày 03/06/2014 của Bộ Tài chính (sau đây viết tắt là Công văn số 7316) xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại của doanh nghiệp là do một số người vi phạm pháp luật có hành động đập phá, đốt tài sản, chiếm đoạt tài sản, không phải yếu tố chính trị, bạo động, bạo loạn … Theo Kết luận của Công an tỉnh BD tại Công văn số 121/PC44(PC54) ngày 02/07/2014 (sau đây gọi tắt là Công văn số 121) và Công văn số 280/CAT(PC54) ngày 16/8/2016 (sau đây gọi tắt là Công văn số 280) thay thế Công văn số 121 về việc thông báo kết quả khám nghiệm hiện trường và xác định nguyên nhân thiệt hại của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh BD thì nguyên nhân gây cháy nổ của nguyên đơn là do lợi dụng việc tuần hành với số lượng người rất đông tại nhiều địa bàn khu công nghiệp thuộc tỉnh BD vào các ngày 13 và 14/5/2014, một số người bị lôi kéo, kích động của kẻ xấu đã uy hiếp lực lượng bảo vệ, chủ doanh nghiệp sợ hãi phải lẩn trốn. Sau đó họ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như gây rối trật tự công cộng, vượt tầm kiểm soát của doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đây là điều bất khả kháng.
Công văn số 164/CAT(PC54) ngày 08/9/2017 (sau đây viết tắt là Công văn số 164) trả lời bị đơn trong đó khẳng định nội dung Công văn số 280 và Công văn số 121 là hoàn toàn thống nhất, phản ánh đúng sự thật khách quan, nội dung diễn biến gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Các thiệt hại của nguyên đơn xảy ra là do an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra, thuộc điểm loại trừ bảo hiểm điểm p khoản 1 Điều 16 Thông tư số 220. Tại Điều 3 Hợp đồng bảo hiểm quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được nêu trong Quy tắc bảo hiểm quy định trong Thông tư số 220 của Bộ Tài chính.
- Về thời hiệu khởi kiện, căn cứ theo Luật Kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 3 năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp. Sự kiện tổn thất của bị đơn xảy ra vào các ngày 13 và 14/5/2014. Trong quá trình tranh chấp này, quá trình giải quyết bồi thường và trao đổi thông tin, bị đơn đã có trao đổi sơ bộ trực tiếp với nguyên đơn tổn thất của nguyên đơn không thuộc phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm. Ngay sau đó nguyên đơn đã có Công văn số 08.2014/TT-CV gửi bị đơn để phản đối kết luận của bị đơn và thông báo sẽ khiếu nại lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cao hơn nếu bị đơn không giải quyết bồi thường.
Ngày 15/9/2014, bị đơn đã có Công văn số 273/TB-VBI-HCM3 (sau đây viết tắt là Công văn 273) gửi tới nguyên đơn đưa ra quan điểm chính thức về tổn thất các ngày 13 và 14/5/2014 của nguyên đơn không thuộc phạm vi bảo hiểm và bị đơn từ chối bồi thường bảo hiểm đối với tổn thất này. Vì vậy, thời hiệu khởi kiện sẽ được tính từ thời điểm này.
Sau thời điểm này nguyên đơn và bị đơn có thêm các văn bản trao đổi để làm rõ theo yêu cầu của nguyên đơn cũng như một số các nội dung khác (nguyên đơn cung cấp bổ sung thêm Công văn số 280 của cơ quan Công an, đứng dưới góc độ bảo hiểm bị đơn có trách nhiệm phải xem xét và làm rõ các tài liệu này). Tuy nhiên, đây không phải là căn cứ để xác định thời điểm phát sinh tranh chấp.
Quan điểm của bị đơn đối với vụ việc này đã thể hiện qua Công văn số 273 và từ chối bồi thường cho nguyên đơn.
Các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của RC trình bày:
Chúng tôi là Công ty giám định độc lập do bị đơn chỉ định để giám định tổn thất liên quan đến nguyên đơn. Theo quy định chung, bị đơn đã thông báo cho nguyên đơn về việc chỉ định RC là Công ty giám định thiệt hại.
Ngày 24/09/2018, RC đã có Báo cáo cuối cùng xác định tổn thất của nguyên đơn gửi bị đơn. Đây là tài liệu gửi bị đơn để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng về việc chi trả hay không chi trả bảo hiểm cho nguyên đơn theo Hợp đồng bảo hiểm.
Về nguyên nhân gây tổn thất, RC đã nêu trong bản Báo cáo cuối cùng của RC và Công văn số 638/11/2018/CV-RC , RC không có ý kiến gì khác. Đề nghị Tòa án căn cứ quy định của pháp luật giải quyết vụ án.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2019/KDTM- ST ngày 27/5/2019 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm và tiền lãi do chậm thanh toán tiền bồi thường theo Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số SG.08.FPC.AD.13/01272 ngày 09/12/2013.
2. Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là 13.575.504.000 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán tiền bồi thường là 3.690.645.000 đồng. Tổng cộng là 17.266.149.000 đồng.
Ngoài ra, Bản án có tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Không đồng ý với Bản án sơ thẩm nêu trên, bị đơn kháng cáo toàn bộ Bản án.
Tại cấp phúc thẩm bị đơn cho rằng, đối với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn thì bị đơn không đồng ý vì căn cứ vào những điểm loại trừ quy định tại Thông tư số 220, thì những thiệt hại do những biến cố chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm. Biến cố xảy ra vào ngày 13 và 14/5/2014 đối với tổn thất của nguyên đơn là một biến cố mất trật tự an toàn xã hội trên diện rộng, đã được các cơ quan chức năng và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận, tuyên bố cho toàn thế giới trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao vào ngày 15/5/2014.
Kết luận của Công an tỉnh BD tại Công văn số 121 về tổn thất của nguyên đơn là do nhiều đối tượng bị kích động gây mất trật tự công cộng, sử dụng nhiều vật tầy đập phá, hủy hoại, làm thất thoát và gây cháy tài sản.
Nguyên nhân là do lợi dụng việc tuần hành với số lượng người rất đông tại nhiều địa bàn, khu công nghiệp thuộc tỉnh BD vào các ngày 13 và 14/5/2014, một số người bị lôi kéo, kích động của kẻ xấu đã uy hiếp lực lượng bảo vệ, chủ doanh nghiệp sợ hãi phải lẩn trốn. Sau đó, họ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như gây mất trật tự công cộng, sử dụng nhiều vật tầy đập phá, hủy hoại, làm thất thoát và gây cháy tài sản, vượt tầm kiểm soát của doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đây là điều bất khả kháng. Những thiệt hại của doanh nghiệp không mang yếu tố chính trị, bạo động, bạo loạn.
Như vậy, đây là các hành động phạm tội của một nhóm người đã bị cơ quan Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật thuộc địa bàn tỉnh BD khởi tố. Hàng trăm đối tượng đã bị bắt và xử lý hình sự. Do đó, trách nhiệm dân sự đền bù thiệt hại phải thuộc về nhóm người nói trên.
Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì Công An tỉnh BD lại ban hành Công văn số 280 có nội dung khác với Công văn số 121 nói trên. Tại Công văn này, cơ quan Công an tỉnh BD ghi nguyên nhân cháy nổ là do lợi dụng việc tuần hành với số lượng người rất đông tại nhiều địa bàn, khu công nghiệp thuộc tỉnh BD vào các ngày 13 và 14/5/2014, một số người bị lôi kéo, kích động của kẻ xấu đã uy hiếp lực lượng bảo vệ, chủ doanh nghiệp sợ hãi phải lẩn trốn. Sau đó, họ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như gây mất trật tự công cộng, sử dụng nhiều vật tầy đập phá, hủy hoại, làm thất thoát và gây cháy tài sản, vượt tầm kiểm soát của doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đây là điều bất khả kháng. Những thiệt hại của doanh nghiệp là không do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.
Công văn số 280 thay thế Công văn số 121 của Công an tỉnh BD thông báo kết quả khám nghiệm hiện trường và xác định nguyên nhân thiệt hại của doanh nghiệp.
Cùng một sự việc, nhưng nội dung hai văn bản khác nhau, bị đơn đã gửi công văn hỏi Công an tỉnh BD và được trả lời tại Công văn số 164 là trên cơ sở xem xét Công văn số 02/2016/CV-TT ngày 10/08/2016 của nguyên đơn phản ánh sự khác nhau về cách diễn đạt nội dung kết luận nguyên nhân gây thiệt hại cho doanh nghiệp tại Công văn số 121 so với các doanh nghiệp khác cùng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh BD trong các ngày 13 và 14/5/2014 và các quy định pháp luật liên quan là Thông tư số 220 đã dẫn đến cách hiểu không thống nhất, gây khó khăn cho việc giải quyết chế độ, chính sách và bảo hiểm cho doanh nghiệp bị thiệt hại và các bên liên quan theo đúng quy định pháp luật.
Công an tỉnh BD đã giải thích cho bị đơn về việc thay đổi nội dung kết luận nguyên nhân tổn thất của nguyên đơn xuất phát từ nhu cầu chủ quan của nguyên đơn, muốn được chi trả bảo hiểm theo Thông tư số 220. Cũng tại Công văn số 164 của Công An tỉnh BD khẳng định nội dung giữa hai văn bản trên là hoàn toàn thống nhất, phản ánh đúng khách quan về nội dung, diễn biến vụ việc và nguyên nhân gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Như vậy, căn cứ vào diễn biến sự kiện ngày 13 và 14/5/2014 đã được ghi nhận, những thiệt hại của doanh nghiệp không mang yếu tố chính trị, bạo động, bạo loạn, thì chỉ có thể duy nhất là do biến cố mất trật tự an toàn xã hội gây ra. Hợp đồng bảo hiểm không nhận bảo hiểm đối với các tổn thất do hành vi tội phạm gây ra. Cụ thể, Thông tư số 220 đã loại trừ bảo hiểm tại điểm p khoản 1 Điều 16 loại trừ trách nhiệm bảo hiểm những thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.
Những chứng cứ pháp lý nêu trên đã được bị đơn cung cấp cho Tòa án nhân dân quận Ba Đình trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, các chứng cứ nói trên đã không được xem xét một cách nghiêm túc.
Vấn đề Báo cáo giám định lần thứ hai, RC là đơn vị thực hiện 02 lần giám định theo yêu cầu độc lập của các bên. Lần thứ nhất do bị đơn yêu cầu, lần thứ hai do cả hai bên là yêu cầu. Do đó, kết quả giám định có giá trị pháp lý, có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên, chiếu theo Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, Tòa án sơ thẩm đã không căn cứ vào các chế định pháp luật về giám định để đưa ra kết luận trong phán quyết của mình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.
Vấn đề giá trị tổn thất, trong vụ tổn thất của nguyên đơn, đơn vị giám định hợp pháp do các bên chỉ định là RC đã có Báo cáo giám định cuối cùng ngày 24/9/2018, tính ra số tiền thiệt hại theo Hợp đồng bảo hiểm của nguyên đơn trong sự kiện các ngày 13 và 14/5/2014 là 2.468.900.661 đồng. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm đã không đề cập đến kết quả giám định trong Báo cáo giám định này mà chỉ đề cập đến các số liệu tổn thất vô căn cứ và không thể chứng minh được do phía nguyên đơn nêu ra. Bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác bỏ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Trong quá trình Tòa án cấp phúc thẩm thu thập chứng cứ, lấy lời khai của các bên đương sự để làm rõ các thiệt hại của nguyên đơn. Ngày 25/5/2020, Tòa án cấp phúc thẩm có Công văn số 69/2020/CV- TKT gửi RC yêu cầu làm rõ kết quả giám định tổn thất của nguyên đơn.
Ngày 15/6/2020, RC có Công văn số 237/05/2020/CV- RC trả lời và làm rõ kết quả giám định tổn thất của nguyên đơn, cụ thể:
- Xác định lại giá trị nhà xưởng của nguyên đơn tại thời điểm xảy ra sự kiện hỏa hoạn, RC cho biết trong các văn bản và báo cáo giám định gửi cho các bên trước đây, do không có đủ hồ sơ xác định chính xác thời điểm đưa vào sử dụng của các nhà xưởng bị thiệt hại, nên RC đã đề xuất tính toán thời điểm đưa vào sử dụng theo ngày trên Giấy đăng ký kinh doanh là ngày 27/2/1998.
Tuy nhiên, sau khi nhận được hồ sơ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 471926 do UBND tỉnh BD cấp ngày 18/11/2005 và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình số 262479/CNCT do Sở Xây dựng tỉnh BD cấp ngày 27/01/2006, RC tính toán điều chỉnh lại tổn thất theo hồ sơ mới nhận được để Tòa án xem xét, quyết định, đề xuất ngày đưa vào sử dụng theo ngày trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình là ngày 27/01/2006.
Theo bảng tổng hợp giá trị tính toán thiệt hại nhà xưởng của nguyên đơn là 3.281.486.299 đồng (trong đó chi phí dọn dẹp hiện trường 100.000.000 đồng, chi phí khắc phục vật chất 3.686.993.716 đồng, thanh lý thu hồi 332.797.611 đồng, giảm trừ sau khi thu hồi là 3.454.196.105 đồng, mức khấu trừ 5% giá trị tổn thất là 172.709.805 đồng).
- Quan điểm của RC đối với thiệt hại về hàng hóa của nguyên đơn tại thời điểm xảy ra sự kiện hỏa hoạn, RC vẫn giữ nguyên ý kiến trong Báo cáo giám định số L1016P349 ngày 24/9/2018. Sau khi xem xét hồ sơ và ghi nhận tại hiện trường quá trình giám định, RC cho rằng đối với hàng hóa của nguyên đơn là có tổn thất, tuy nhiên nguyên đơn thông báo do các hồ sơ kế toán của nguyên đơn được bảo hiểm chứng minh chủ sở hữu, số lượng, đơn giá, giá trị tồn kho trước thời điểm tổn thất đã bị cháy hoàn toàn và người được bảo hiểm không cung cấp theo yêu cầu của RC nên không có đủ cơ sở để tính toán theo chuẩn mực kế toán.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: bị đơn giữ nguyên quan điểm cho rằng, sự kiện cháy nổ trong các ngày 13 và 14/5/2014 là do những biến cố chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra thuộc điểm loại trừ của Thông tư số 220, một số đối tượng đã bị xử lý hình sự nên họ phải bồi thường không phải là bị đơn. Công an tỉnh BD đã có những văn bản trả lời thiếu nhất quán dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau là đây có thuộc trường hợp bị đơn phải chịu trách nhiệm trả tiền bồi thường bảo hiểm hay không nên đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về mức độ thiệt hại thực tế của nguyên đơn khi xảy ra vụ hỏa hoạn, bị đơn đã thuê RC là đơn vị giám định thiệt hại, bị đơn không có phản đối RC thực hiện giám định. Trong quá trình tiến hành việc xem xét và đánh giá mức độ thiệt hại nguyên đơn đã cung cấp tài liệu cho RC để thực hiện việc giám định. Nguyên đơn đã hai lần yêu cầu RC giám định lại và cũng không có phản đối việc RC giám định và không có yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định lại. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kết quả giám định của RC .
Về vấn đề tiền lãi của số tiền nguyên đơn yêu cầu bồi thường, bị đơn cho rằng đến ngày 15/6/2020, RC mới có kết quả giám định tổn thất cuối cùng nên Tòa án sơ thẩm xác định thời điểm tính lãi như vậy là không đúng với quy định của pháp luật đề nghị Hội đồng xét xử tính lại lãi theo quy định của pháp luật.
Đại diện ủy quyền của nguyên đơn trình bày: nguyên đơn giữ nguyên quan điểm đã trình bày tại Tòa án cấp sơ thẩm, thiệt hại của nguyên đơn thuộc trường hợp được bồi thường bảo hiểm theo đúng Hợp đồng bảo hiểm đã được hai bên ký kết và có hiệu lực thi hành. Công an tỉnh BD đã có kết luận về nguyên nhân gây cháy, Cục quản lý, giám sát Bảo hiểm của Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có Công văn số 599/QLBH-PNT ngày 14/8/2018 trả lời Tòa án sơ thẩm và xác định nguyên nhân cháy, nổ của nguyên đơn không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 16 Thông tư 220 nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
Về cách xác định thiệt hại thực tế, nguyên đơn nhất trí là cần phải giám định thiệt hại nhưng nguyên đơn cho rằng cách tính thiệt hại của RC chưa chính xác. Về diện tích trụ sở và nhà xưởng của nguyên đơn, thì nguyên đơn, bị đơn và RC không có tranh chấp về số lượng và khối lượng công trình, nhưng cách tính khấu hao và giá trị tài sản ban đầu của RC là chưa chính xác không đúng với bảng giá của Ủy ban nhân dân tỉnh BD đưa ra vào thời điểm xây dựng. Còn thời điểm đưa công trình vào sử dụng theo cách tính mới của RC thì nguyên đơn nhất trí. Nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn không yêu cầu Tòa án giám định lại bởi cơ quan giám định khác.
Về lãi suất của số tiền bị đơn chậm thanh toán, nguyên đơn hoàn thành thủ tục nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm vào ngày 27/2/2017, đối chiếu với Hợp đồng bảo hiểm thì chậm nhất sau 15 ngày bị đơn phải thanh toán tiền bảo hiểm cho nguyên đơn, nếu chậm thì phải chịu lãi theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại vì đây là hoạt động kinh doanh của hai doanh nghiệp nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận cách tính của Tòa án cấp sơ thẩm.
Đại diện theo ủy quyền của người giám định, Công ty RC trình bày:
RC đã có văn bản giám định gửi Tòa án, nguyên đơn và bị đơn. Tại phiên tòa hôm này, RC xin giải trình thêm về cách tính giá trị thiệt hại của nguyên đơn như sau:
- Xác định lại giá trị nhà xưởng của nguyên đơn tại thời điểm xảy ra sự kiện hỏa hoạn, căn cứ vào hồ sơ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh BD cấp ngày 18/11/2005 và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình do Sở Xây dựng tỉnh BD cấp ngày 27/01/2006, RC tính toán điều chỉnh lại tổn thất theo hồ sơ mới nhận được để Tòa án xem xét, quyết định, đề xuất ngày đưa vào sử dụng theo ngày trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình là ngày 27/01/2006.
Giá trị công trình ban đầu được tính trên cơ sở bảng giá do Ủy ban nhân dân tỉnh BD đưa ra vào thời điểm xây dựng. Giá trị khấu hao được tính theo quy định của Bộ Xây dựng tương ứng đối với công trình bị tổn thất của nguyên đơn.
Theo bảng tổng hợp giá trị tính toán thiệt hại nhà xưởng của nguyên đơn là 3.281.486.299 đồng (trong đó chi phí dọn dẹp hiện trường 100.000.000 đồng, chi phí khắc phục vật chất 3.686.993.716 đồng, thanh lý thu hồi 332.797.611 đồng, giảm trừ sau khi thu hồi là 3.454.196.105 đồng, mức khấu trừ 5% giá trị tổn thất là 172.709.805 đồng).
- Quan điểm của RC đối với thiệt hại về hàng hóa của nguyên đơn tại thời điểm xảy ra sự kiện hỏa hoạn, RC vẫn giữ nguyên ý kiến trong Báo cáo giám định số L1016P349 ngày 24/9/2018. Sau khi xem xét hồ sơ và ghi nhận tại hiện trường quá trình giám định, RC cho rằng đối với hàng hóa của nguyên đơn là có tổn thất, tuy nhiên nguyên đơn thông báo do các hồ sơ kế toán của nguyên đơn được bảo hiểm chứng minh chủ sở hữu, số lượng, đơn giá, giá trị tồn kho trước thời điểm tổn thất đã bị cháy hoàn toàn và người được bảo hiểm không cung cấp theo yêu cầu của RC nên không có đủ cơ sở để tính toán theo chuẩn mực kế toán.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phát biểu quan điểm:
Về thủ tục tố tụng: bị đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo của bị đơn là hợp lệ. Tòa án nhân dân quận Ba Đình thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm và Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đã được tranh luận và trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Xét các yêu cầu kháng cáo của bị đơn và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Về thời hiệu khởi kiện, trong các ngày 13 và 14/5/2014, nguyên đơn xảy ra sự cố cháy nổ, nguyên đơn đã làm các thủ tục liên quan đến việc yêu cầu bồi thường gửi đến bị đơn. Ngày 26/9/2017, bị đơn ban hành Công văn số 1594 gửi nguyên đơn để thực hiện một số công việc liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Như vậy, theo quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng là 3 năm. Ngày 28/3/2018, nguyên đơn nộp đơn khởi kiện là còn thời hiệu khởi kiện do đó bị đơn cho rằng nguyên đơn khởi kiện khi vụ án đã hết thời hiệu là không có căn cứ để chấp nhận.
Về nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: xác định vụ cháy xảy ra vào ngày 13 và 14/0/2014 là do sự kiện khách quan nằm ngoài ý chí chủ quan của nguyên đơn. Toàn bộ nhà văn phòng, nhà xưởng và hàng hóa của nguyên đơn đã bị cháy và hư hỏng, các văn bản của Công an tỉnh BD đã xác định các thiệt hại và nguyên nhân không do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra. Như vậy, xác định vụ cháy thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm và không thuộc vào các điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Điều 16 Thông tư số 220. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại về cháy nổ bắt buộc cho nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Tòa án sơ thẩm áp dụng Công văn số 280 của Công an tỉnh BD cũng như báo cáo sơ bộ của RC có nội dung nguyên đơn bị tổn thất cháy nổ hoàn toàn nhà xưởng, khối nhà văn phòng và hàng hóa. Theo các Quyết định của Cục hải quan tỉnh BD gồm Quyết định số 154 ngày 13/03/2015 về việc không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu bị thiệt hại của nguyên đơn và Quyết định số 85 ngày 16/01/2015 về việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu bị thiệt hại của nguyên đơn để xác định mức bồi thường là có căn cứ và phù hợp với thiệt hại thực tế của nguyên đơn và đúng thoả thuận của các bên trong Hợp đồng bảo hiểm.
Theo đó bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường tiền bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm cho nguyên đơn với số tiền là 13.575.504.000 đồng.
Về yêu cầu lãi do chậm thanh toán tiền bồi thường:
Tại Điều 6 của Hợp đồng bảo hiểm quy định bị đơn có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho nguyên đơn trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bồi thường đầy đủ, hợp lệ. Theo hồ sơ thể hiện thì ngày 27/2/2017, nguyên đơn đã hoàn thành nghĩa vụ cung cấp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, bị đơn không có yêu cầu về bổ sung tài liệu chứng cứ gì khác, thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày 27/2/2017 bị đơn phải có nghĩa vụ giải quyết bồi thường cho nguyên đơn. Do bị đơn không bồi thường thiệt hại đúng thoả thuận theo Hợp đồng bảo hiểm nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải chịu lãi suất chậm thanh toán tính từ ngày 20/3/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm 23/5/2019 là có căn cứ để chấp nhận.
Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi suất theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại là chưa phù hợp vì trong vụ án này giữa hai bên không có thỏa thuận về lãi suất, Tòa án phải căn cứ vào quy định tại Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005 để tính lãi suất chậm thanh toán nên đề nghị Hội đồng xét xử sửa lại Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng: bị đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc theo quy định của pháp luật nên kháng cáo của bị đơn là hợp lệ.
Xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm. Bị đơn có trụ sở tại số 126 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội nên Tòa án nhân dân quận Ba Đình thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định RC tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chưa chính xác mà cần sửa lại là người giám định.
Về thời hiệu khởi kiện, trong các ngày 13 và 14/5/2014, xảy ra sự cố cháy nổ. Nguyên đơn đã làm các thủ tục liên quan đến việc yêu cầu bồi thường gửi đến bị đơn sau khi có Công văn số 280 của Công an tỉnh Bình Dương, thì bị đơn đã có nhiều văn bản thể hiện ý kiến, quan điểm của mình đối với việc giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm của nguyên đơn.
Ngày 26/9/2017, bị đơn ban hành Công văn số 1594 gửi nguyên đơn và Công ty Luật TNHH Gia Long và liên danh, đồng thời uỷ quyền cho ông Trương Minh Cát Nguyên và ông Phạm Hoàng Sang thực hiện một số công việc liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Theo quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện đối với Hợp đồng bảo hiểm là 3 năm. Ngày 28/3/2018, nguyên đơn nộp đơn khởi kiện là còn thời hiệu, do đó ý kiến của bị đơn đề nghị áp dụng thời hiệu là không có căn cứ để chấp nhận.
Xét các yêu cầu kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử thấy: Hợp đồng bảo hiểm ký giữa nguyên đơn và bị đơn về hình thức hợp đồng được lập thành văn bản được các bên ký kết hoàn toàn tự nguyện, các chủ thể tham gia ký kết có thẩm quyền và phù hợp với pháp luật.
Về nội dung: Hợp đồng bảo hiểm ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về sự kiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, có các điều khoản đảm bảo đầy đủ nội dung của Hợp đồng bảo hiểm, phù hợp với quy định tại các điều 12, 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Tòa án cấp sơ thẩm đã công nhận Hợp đồng bảo hiểm ký giữa nguyên đơn và bị đơn có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành đối với các bên là phù hợp với quy định của pháp luật.
Xét yêu cầu bồi thường giá trị tài sản được bảo hiểm đã bị tổn thất của nguyên đơn, thì quá trình thực hiện Hợp đồng bảo hiểm nguyên đơn đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại Điều 5. Bị đơn đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số SG.08.FPC.AD.13/01272 ngày 10/12/2013 (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận bảo hiểm). Hợp đồng này có thời hạn bảo hiểm 01 năm kể từ 17 giờ ngày 10/12/2013 đến 17 giờ ngày 10/12/2014 vì vậy các bên ký Hợp đồng phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong Hợp đồng.
Theo Hợp đồng bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm thì nguyên đơn được bảo hiểm số tài sản cao nhất là 14.377.504.000 đồng, bao gồm:
1. Nhà văn phòng, số tiền bảo hiểm 1.317.504.000 đồng;
2. Nhà xưởng, số tiền bảo hiểm 8.760.000.000 đồng;
3. Hàng hóa, số tiền bảo hiểm 4.300.000.000 đồng.
Điều kiện bảo hiểm theo quy định tại điểm 3.2 Điều 2 Hợp đồng bảo hiểm là bảo hiểm cho các rủi ro cháy, nổ theo Thông tư số 220 của Bộ Tài chính.
Theo Công văn số 280 của Công an tỉnh BD xác định thiệt hại của nguyên đơn gồm:
- Toàn bộ các cửa kính của phòng bảo vệ, nhà ăn, khu nhà văn phòng 1, 2 bị đập bể. Đồ đạc, vật dụng bị lục xoát, xáo trộn, phòng kế toán tủ sắt bị cạy phá, tài sản bên trong không còn.
- Khu nhà văn phòng 1 cùng các trang thiết bị cháy hoàn toàn. Và cháy một phần của khi nhà văn phòng 2 cùng các trang thiết bị văn phòng.
- Xưởng kho nguyên liệu, xưởng hình thành và may, xưởng kho thành phẩm bị cháy hoàn toàn, các kết cấu bằng thép bị biến dạng sụp đổ xuống. Toàn bộ hàng hóa máy móc bên trong bị cháy hóa than, nhiệt hóa.
- Xưởng khâu chặt, xưởng mài đế kết cấu xưởng, hàng hóa, máy móc, trang thiết bị bên trong bị cháy và nhiệt hóa một phần.
- Phía bên ngoài đường nội bộ có 06 container chứa hàng thành phẩm, các cửa bị mở bung, hàng hóa bên trong bị mất một phần, số còn lại bị ướt và bị cháy hóa than.
Nguyên nhân vụ hỏa hoạn là do lợi dụng việc tuần hành với số lượng người rất đông tại nhiều địa bàn, khu công nghiệp thuộc tỉnh BD vào các ngày 13 và 14/5/2014, một số người bị lôi kéo, kích động của kẻ xấu đã uy hiếp lực lượng bảo vệ, chủ doanh nghiệp sơ hãi phải lẩn trốn. Sau đó họ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như gây mất trật tự công cộng, sử dụng nhiều loại vật tày đập phá, hủy hoại, làm thất thoát và gây cháy tài sản, vượt tầm kiểm soát của doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đây là điều bất khả kháng. Những thiệt hại của doanh nghiệp không phải do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.
Theo Báo cáo cuối cùng ngày 24/9/2018 về tổn thất của nguyên đơn do RC xác định mức độ thiệt hại, thì các công trình vật kiến trúc gồm nhà văn phòng, kho nguyên liệu, nhà thành hình, xưởng may, nhà chặt đế, kho thành phẩm và văn phòng xưởng bị cháy hư hỏng hoàn toàn. Hàng hóa bao gồm thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên liệu bị thiệt hại đốt cháy, mất trộm.
Tại Công văn số 599/QLBH-PNT ngày 14/8/2018 của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính trao đổi với Tòa án sơ thẩm là theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 16, khoản 5 Điều 17 Thông tư số 220, thì tổn thất trong vụ cháy của nguyên đơn không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Tòa án sơ thẩm đã nhận định sự kiện xảy ra vào các ngày 13 và 14/5/2014 là do sự kiện khách quan nằm ngoài ý chí chủ quan của nguyên đơn, toàn bộ nhà văn phòng, nhà xưởng và hàng hóa của nguyên đơn đã bị cháy và hư hỏng, xác định các thiệt hại và nguyên nhân không do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra. Trường hợp này được xác định thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại điểm 3.1 Điều 2 của Hợp đồng bảo hiểm và không thuộc vào các điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Điều 16 Thông tư số 220. Do đó, Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại về cháy nổ bắt buộc là đúng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và phù hợp với các thỏa thuận của hai bên trong Hợp đồng bảo hiểm.
Bị đơn xác định các thiệt hại của nguyên đơn xảy ra là do mất an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra, thuộc điểm loại trừ bảo hiểm điểm p khoản 1 Điều 16 Thông tư số 220 để từ chối trách nhiệm bảo hiểm là không có căn cứ để chấp nhận.
Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường toàn bộ số tiền bảo hiểm đối với nhà văn phòng 1.317.504.000 đồng, nhà xưởng 8.760.000.000 đồng, Hội đồng xét xử thấy:
Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, theo Công văn số 237/05/2020/CV- RC ngày 15/6/2020 của RC trả lời cho Tòa án phúc thẩm để làm rõ kết quả giám định tổn thất của nguyên đơn, RC cho biết trong các văn bản và báo cáo giám định gửi cho các bên trước đây, do không có đủ hồ sơ xác định chính xác thời điểm đưa vào sử dụng của các nhà xưởng bị thiệt hại, RC đã đề xuất tính toán thời điểm đưa vào sử dụng theo ngày trên Giấy đăng ký kinh doanh là ngày 27/2/1998.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án, nguyên đơn cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 471926 do UBND tỉnh BD cấp ngày 18/11/2005 và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình số 262479/CNCT do Sở Xây dựng tỉnh BD cấp ngày 27/01/2006 cho nguyên đơn. RC đã tính toán và điều chỉnh lại tổn thất của nguyên đơn theo hồ sơ mới nhận được và đề xuất ngày đưa vào sử dụng theo ngày trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình là ngày 27/01/2006. Theo bảng tổng hợp giá trị tính toán thiệt hại của RC về nhà văn phòng, nhà xưởng của nguyên đơn là 3.281.486.299 đồng;
Căn cứ vào các quy định tại Quyết định số 45/2013/TT- BTC ngày 25/4/2013 của Bộ tài chính, Căn cứ Quyết định số 634/2014/QĐ- BXD của Bộ Xây dựng, sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, đối chiếu với Công văn số 237 ngày 15/6/2020 của RC , Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cách tính toán của RC xác định giá trị nhà văn phòng, nhà xưởng của nguyên đơn bị thiệt hại phù hợp với các quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm về xác định giá trị thiệt hại nhà văn phòng, nhà xưởng của nguyên đơn là 3.281.486.299 đồng.
Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường toàn bộ số tiền bảo hiểm tổn thất hàng hóa là 4.300.000.000 đồng, Hội đồng xét xử thấy:
Trong Công văn số 280 của Công an tỉnh BD cũng như báo cáo của RC đều xác định nguyên đơn bị tổn thất cháy nổ hoàn toàn nhà xưởng, khối nhà văn phòng và hàng hóa.
Căn cứ vào các Quyết định của Cục hải quan tỉnh BD gồm Quyết định số 154 về việc không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu bị thiệt hại của nguyên đơn và Quyết định số 85 về việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu bị thiệt hại của nguyên đơn. Thiệt hại về hàng hóa của nguyên đơn trên thực tế là có thật và mức thiệt hại thực tế của nguyên đơn về hàng hóa là rất lớn. Tòa án sơ thẩm căn cứ vào các điều 1, 2 Hợp đồng bảo hiểm, sau khi khấu trừ các khoản tiền phải chịu, đã buộc bị đơn có trách nhiệm bồi thường số tiền bảo hiểm cho nguyên đơn trong đó có số tiền bảo hiểm thiệt hại về hàng hóa 4.300.000.000 đồng là phù hợp.
Về yêu cầu lãi do chậm thanh toán tiền bồi thường: sự kiện bảo hiểm của nguyên đơn thuộc trường hợp được bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm, việc bị đơn chậm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì phải chịu lãi suất theo quy định của pháp luật. Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải thanh toán tiền lãi chậm trả là có căn cứ để chấp nhận. Tuy nhiên, mức lãi suất bản án sơ thẩm áp dụng là 12,5%/năm, theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại để giải quyết tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm là chưa phù hợp, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết các vụ án có tính chất tương tự, vì Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định tiền lãi do vi phạm thời hạn bồi thường, thì Tòa án phải áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự vào giải quyết.
Tại điểm 6.2 Điều 6 Hợp đồng bảo hiểm quy định là bị đơn có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho nguyên đơn trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bồi thường đầy đủ, hợp lệ. Theo các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện, ngày 27/02/2017, nguyên đơn đã hoàn thành nghĩa vụ cung cấp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, bị đơn không có yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ thì trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày 27/2/2017, bị đơn phải có nghĩa vụ giải quyết bồi thường cho nguyên đơn nhưng đến nay bị đơn vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho nguyên đơn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005, thì bị đơn phải trả tiền bồi thường và lãi của số tiền chậm trả thanh toán theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm tương ứng với thời gian chậm trả. Đối chiếu với các quy định nêu trên, Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm bị đơn phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 9%/năm. Cụ thể:
Bị đơn phải chịu lãi suất chậm thanh toán tính từ ngày 20/3/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm 23/5/2019 là 795 ngày với mức lãi suất 9%/năm trên số tiền 7.581.486.299 đồng. Công thức sẽ là 7.581.486.299 đồng x (9%/365 ngày) x 795 ngày = 1.486.179.027 đồng.
Như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm cần sửa Bản án sơ thẩm, buộc bị đơn phải bồi thường số tiền bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm cho nguyên đơn với tổng số tiền bao gồm:
1. Nhà văn phòng, nhà xưởng 3.281.486.299 đồng, hàng hóa 4.300.000.000 đồng. Tổng cộng là 7.581.486.299 đồng.
2. Lãi suất 1.486.179.027 đồng. Tổng cộng: 9.067.665.326 đồng.
Kể từ ngày kế tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm bị đơn còn phải chịu lãi suất của số tiền 9.067.665.326 đồng theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 và theo hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ- HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán- Tòa án nhân dân tối cao.
Do tổng thiệt hại nguyên đơn yêu cầu bồi thường và được Tòa án chấp nhận thiệt hại thực tế là 7.581.486.299 đồng, trong khi đó nguyên đơn mua tổng số tiền phí bảo hiểm trên số tiền là 14.377.504.000 đồng, số tiền phí bảo hiểm thừa bị đơn có nghĩa vụ tính toán và trả lại cho nguyên đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm, tuy nhiên do nguyên đơn không có yêu cầu giải quyết trong vụ án này, nên Tòa án dành cho hai bên tự đối trừ công nợ, nếu có tranh chấp thì hai bên có quyền khởi kiện trong một vụ án khác theo quy định của pháp luật.
Về án phí các bên đương sự phải chịu:
- Án phí sơ thẩm: nguyên đơn phải chịu án phí đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận và bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
- Án phí phúc thẩm: do sửa Bản án sơ thẩm nên bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ:
- Các điều 293, 294 và 308 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Các điều 567, 570, 571, 572, 575, 576 và 579 Bộ luật dân sự năm 2005;
- Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Các điều 12, 13, 18, 28, 29, 30, 42, 46, 47 và 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
1. Sửa Bản án sơ thẩm số 06/2019/KDTM-ST ngày 27/5/2019 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH TT đối với Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP CTVN về yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm và tiền lãi do chậm thanh toán tiền bồi thường theo Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số SG.08.FPC.AD.13/01272 ngày 09/12/2013.
3. Buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP CTVN phải thanh toán cho Công ty TNHH TT số tiền bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là 7.581.486.299 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán tiền bồi thường 1.486.179.027 đồng. Tổng cộng là 9.067.665.326 (chín tỷ không trăm sáu mươi bảy triệu sáu trăm sáu mươi lăm nghìn ba trăm hai mươi sáu) đồng.
Kể từ ngày kế tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP CTVN còn phải tiếp tục chịu lãi của số tiền 9.067.665.326 (chín tỷ không trăm sáu mươi bảy triệu sáu trăm sáu mươi lăm nghìn ba trăm hai mươi sáu) đồng cho đến khi thi hành án xong theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
4. Về án phí:
a. Án phí sơ thẩm:
- Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP CTNV phải chịu tiền án phí sơ thẩm là 117.067.665 (một trăm mười bảy triệu không trăm sáu mươi bảy nghìn sáu trăm sáu mươi lăm) đồng.
- Công ty TNHH TT phải chịu án phí đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận là 116.201.484 (một trăm mười sáu triệu hai trăm linh một nghìn bốn trăm tám mươi tư) đồng. Xác nhận Công ty TNHH TT đã nộp số tiền tạm ứng án phí là 60.800.000 (sáu mười triệu tám trăm nghìn) đồng theo Biên lai số AB/2015/0008444 ngày 05/6/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình. Công ty TNHH TT còn phải nộp số tiền án phí sơ thẩm là 55.401.484 (năm mươi lăm triệu bồn trăm linh một nghìn bốn trăm tám mươi tư) đồng.
b. Án phí phúc thẩm: Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP CTVN được hoàn lại số tiền 2.000.000 (hai triệu) đồng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai số 5526 ngày 04/6/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại các Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án 137/2020/KDTM-PT ngày 12/08/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 137/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 12/08/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về