Bản án 136/2017/HSPT ngày 20/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 136/2018/HSPT NGÀY 20/12/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 20/12/2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 147/2017/HSPT ngày 02/10/2017 đối với các bị cáo Trần Văn B, Diệp Đức P do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 49/2017/HSST ngày 02/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Bắc Giang.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Họ và tên: Trần Văn B, tên gọi khác: không có; sinh năm:1976 tại xã Q, huyện L; Nơi ĐKHKTT: thôn P, xã Q, huyện L, tỉnh Bắc Giang; số chứng minh nhân dân: không; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hoá: 1/10; Dân tộc: Sán dìu; Con ông: Trần Văn C - sinh năm 1941 (đã chết) và bà: Diệp Thị M- sinh năm 1947 (đã chết). Có vợ: Vi Thị M - sinh năm 1982 ( đã chết năm 2017) và có 2 con (con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2010); Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Tại bản án hình sự số 09/HSST ngày 11/4/1996 của Tòa án nhân dân huyện L xử phạt Trần Văn B 12 tháng tù về tội “Hiếp dâm”, thời hạn tù tính từ ngày 27/10/1995; Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đang tại ngoại tại địa phương; có mặt tại phiên tòa.

2. Họ và tên: Diệp Đức P; tên gọi khác: không có; sinh năm:1975 tại xã Q, huyện L; Nơi ĐKHKTT: thôn P, xã Q, huyện L, tỉnh Bắc Giang; số chứng minh nhân dân: không; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hoá: 4/12; Dân tộc: Sán dìu; Con ông: Diệp Văn B - sinh năm 1947 (đã chết) và bà: Lục Thị T - sinh năm 1953, Có vợ: Trần Thị H - sinh năm 1979 và có 2 con (lớn sinh năm 1999, nhỏ sinh năm 2001); Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đang tại ngoại tại địa phương; có mặt tại phiên tòa.

* Người bị hại:

1. Trần Văn B, sinh năm: 1976 (là bị cáo trong vụ án)

2. Diệp Đức P, sinh năm: 1975 (là bị cáo trong vụ án)

* Người bào chữa cho bị cáo Trần Văn B:

1. Ông Hoàng Trọng N là Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Giang (có mặt).

2. Ông Thân Văn L là Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Giang (xin vắng mặt).

* Người bào chữa cho bị cáo Diệp Đức P:

Ông Nguyễn Văn T -  Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH F, Đoàn Luật sư tỉnh B (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng số 40/KSĐT ngày 16/5/2017 của VKSND huyện Lục N và bản án Hình sự sơ thẩm số 49/2017/HSST ngày 02/8/2017 của  TAND huyện L thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: 

Khoảng 01 giờ ngày 07/11/2015 Diệp Đức P, sinh năm 1975, trú tại Thôn P, xã Q, huyện L, tỉnh Bắc Giang và Lăng Văn B, sinh năm 1975, trú tại thôn C 1, xã Đ, huyện L, tỉnh Bắc Giang là bạn chơi với nhau rủ nhau đi ăn tối, sau khi ăn - uống rượu xong cùng về ngã 3 thôn P ngồi nói chuyện. Khoảng 20 phút sau khi đang ngồi chơi nói chuyện thì có anh Trương Văn M, sinh năm 1979 cùng thôn với Diệp Đức P điều khiển xe mô tô đi đến khu vực ngã 3, do M cũng uống rượu say nên lao xuống rãnh bên lề đường. Lúc này M thấy P và Lăng Văn B nên có nhờ P và Lăng Văn B kéo hộ xe lên đường cho M, trong lúc kéo xe thì cả 3 có hô “ một, hai, ba” để kéo cùng xe lên đường. Khi kéo được xe lên đường thì có Trần Văn B, sinh năm 1976 và một lúc sau anh Tạ Văn T, sinh năm 1983 cả hai nhà ở gần ngã 3 cùng thôn với P đi đến, Trần Văn B đeo đèn pin trên đầu chiếu sáng, bình đèn pin thì đeo trên người. Tại đây giữa Trần Văn B và P có cãi nhau, P cho rằng Trần Văn B soi đèn pin vào mặt mình nên P đã lao vào dùng tay trái đấm vào mặt Trần Văn B, thì Trần Văn B cầm chiếc đèn pin đang đeo ở trên đầu đánh lại P làm P ngã ra đường, tay trái P nhặt được mẩu gạch kích thước khoảng (3 x 5) cm đứng dậy lao vào đập một nhát từ trên xuống dưới, từ trái qua phải vào thái dương bên phải của Trần Văn B, sau đó Trần Văn B bỏ chạy về nhà, P tiếp tục ngồi chơi tại đó. Sau khi về nhà Trần Văn B lấy 01 con dao liềm phát có hàn cán bằng sắt tròn dài 1,4 m đi ra chỗ ngã 3 nơi P vẫn đang chơi ở đó. Khi Trần Văn B còn cách P khoảng 20 m thì P phát hiện B quay lại chỗ mình sẽ gây sự, nên P rút lấy 01 đoạn gậy gỗ 3 cạnh dài 2m tại đống cốp pha gần đó đi về phía Trần Văn B. Thấy P và Trần Văn B chuẩn bị đánh nhau nên Lăng Văn B bỏ đi về nhà, Tạ Văn T đứng cách chỗ P và Trần Văn B khoảng 30m. Khi đi P và Trần Văn B đến gần nhà thì Diệp Đức P đã dùng gậy gỗ đập trượt một nhát từ trên xuống dưới từ phải qua trái vào tay trái của Trần Văn B, do bị mất đà ngã ra đường. Lúc này Trần Văn B lao vào dùng dao liềm phát chém 2 nhát vào tay của Diệp Đức P sau đó bỏ chạy về nhà em trai Trần Văn B là Trần Văn S, sinh năm 1985 ở cùng thôn Trần Văn B. Lúc này Diệp Văn L, sinh năm 1978 là em trai của Diệp Đức P nhà ở gần đó nghe thấy tiếng đánh nhau có cầm 01 đoạn gỗ tròn (chấn song cửa sổ) dài 1,2m, đường kính 3 cm chạy ra ngã 3, thấy P nằm gục dưới đường bị thương ở tay nên L có vứt lại chiếc chấn song trên tại đó rồi sơ cứu cho P. Sau đó Trần Văn B và Diệp Đức P đã được mọi người đưa đi cấp cứu.

Nhận được tin báo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện L tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác định: Hiện trường vụ án tại khu vực ngã 3 đường liên thôn P, xã Q, huyện L, tỉnh Bắc Giang, đường bê tông rộng 3m, phía Bắc là đường đi xã Q, phía Nam tiếp giáp với vườn nhà anh Tạ Văn T, phía Đông, Tây là đường liên thôn P. Kết quả khám nghiệm như sau:

- Tại ngã 3 đường bê tông có 01 đám máu nhỏ giọt rải rác kích thước (3,4 x 12) m, cách cột điện số 22-I là 5,4m, cách lề đường bên trái theo hướng Đông

- Tây 1,1m ký hiệu số 01.

- Cách 13,7m về hướng Tây Nam lề đường bên trái có 01 đoạn gậy gỗ tam giác (do công an xã thu giữ đặt lại), vị trí này cách mép đường 45cm ký hiệu số 2.

Cách vị trí số 1 về hướng Tây 22,90m phát hiện 01 đám máu nhỏ giọt rải rác gần sát lề đường bên trái kích thước (1x7)m, đám máu cách lề đường bên trái 50cm ký hiệu số 3.

Theo hướng Tây cách vị trí số 3 1m là vị trí anh Tạ Văn T xác định nơi xảy ra vụ đánh nhau ký hiệu số 4.

Cách đám máu số 3 là 2,7m về phía Bắc là vị trí Công an xã Q phát hiện 01 đoạn gậy gỗ tròn, sát lề đường bên phải, cách lề đường 50cm ký hiệu số 5.

Giấy chứng nhận thương tích số 05/CNTC ngày 07/01/2016 của Bệnh viện đa khoa khu vực huyện L xác định Trần Văn B vào viện lúc 04 giờ 30 ngày 07/11/2015, ra viện lúc 16 giờ 00 phút ngày 09/11/2015, tình trạng thương tích của Trần Văn B lúc vào viện như sau: Vùng thái dương đỉnh phải vết thương rách da đầu 3 cm, mép gọn; Cánh tay trái 1/3 dưới trước ngoài nề nhẹ kích thước (2x5)cm. Ngày 13/01/2016 cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện L ra quyết định trưng cầu giám định số 24/GĐ-CSĐT đối với thương tích của Trần Văn B. Tại bản kết luận giám định thương tích số 7094/16/TgT ngày 25/02/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Bắc Giang kết luận Trần Văn B tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 5%; do vật tày gây nên; trong giám định pháp y không sử dụng thuật ngữ “cố tật” mà chỉ xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do di chứng vết thương, chấn thương gây ra tại thời điểm giám định; không ảnh hưởng đến thẩm mỹ; không xác định chiều hướng.

Giấy chứng nhận thương tích số 33294 ngày 25/7/2016 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang xác định Diệp Đức P vào viện lúc 05 giờ 30 ngày07/11/2015, ra viện ngày 11/11/2015, tình trạng thương tích của Diệp Đức P lúc vào viện như sau: Đau giảm vận động cánh tay phải và cổ bàn tay phải; 01 vết thương cánh tay phải mặt sau ngoài = (10x4)cm đứt cơ nhị đầu, cơ cánh tay quay, tam đầu, cơ cánh tay trước, đứt thần kinh quay mẻ 1/3 dưới xương cánh tay; 01 vết thương cánh tay phải mặt sau kích thước (8x4) cm đứt cơ tam đầu, đứt thần kinh trụ + mẻ một phần lồi cầu xương cánh tay phải; XQ hình ảnh vỡ mẻ đầu dưới xương cánh tay phải. Ngày 13/01/2016 cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện L ra quyết định trưng cầu giám định số 23/GĐ-CSĐT đối với thương tích của Diệp Đức P. Tại bản kết luận giám định thương tích số 7093/16/TgT ngày 21/01/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Bắc Giang kết luận Diệp Đức P tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 44%; do vật sắc gây nên, không xác định được chiều hướng gây thương tích; trong giám định pháp y không sử dụng thuật ngữ “cố tật” mà chỉ xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do di chứng vết thương, chấn thương gây ra tại thời điểm giám định; không ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Ngày 07/3/2016 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện L ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 45/GĐ-CSĐT về việc: Giải thích cơ chế hình thành vết thương của Diệp Đức P và Trần Văn B, chiều hướng tác động vào vết thương. Cơ chế hình thành vết thương của Trần Văn B và Diệp Đức P phù hợp với thực nghiệm điều tra của Diệp Đức P và Trần Văn B. Tại bản kết luận giám định pháp y bổ sung số 7190/16/GĐPY của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bắc Giang kết luận: Các vết thương trên cơ thể Diệp Đức P là do vật sắc gây nên, chiều hướng gây thương tích từ trên xuống dưới, trước ra sau, phải sang trái; Cơ chế hình thành vết thương trên người Diệp Đức P phù hợp với cả hai trường hợp thực nghiệm điều tra của Diệp Đức P và Trần Văn B. Tại bản kết luận giám định pháp y bổ sung số 7191/16/GĐPY ngày 07/4/2016 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bắc Giang kết luận: Các vết thương trên cơ thể Trần Văn B là do vật tày gây nên; thương tích vết sẹo vùng thái dương đỉnh phải chiều hướng từ trên xuống dưới, từ phải sang trái phù hợp với biên bản thực nghiệm điều tra của Diệp Đức P; thương tích mặt trước ngoài 1/3 dưới cánh tay trái không xác định chiều hướng phù hợp với cả hai biên bản thực nghiệm của Diệp Đức P và Trần Văn B.

Ngày 27/02/2017 Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện L ra quyết định trưng cầu giám định lại đối với thương tích của Diệp Đức P. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 42/17/TgT ngày 03/4/2017 của Viện pháp y quốc gia kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định đối với Diệp Đức P là 48%; vật gây thương tích là vật sắc tác động  theo chiều hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau.

Tại bản cáo trạng số 40/ KSĐT ngày 16/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện L truy tố bị cáo Trần Văn B về tội “ Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3, Điều 104- Bộ luật hình sự và bị cáo Diệp Đức P về tội “ Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1, Điều 104- Bộ luật hình sự;

Bản án hình sự sơ thẩm số 49/2017/HSST ngày 02/8/2017 của TAND huyện L, tỉnh Bắc Giang đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Trần Văn B và Diệp Đức P phạm tội “ Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 3 (điểm a, khoản 1) Điều 104; điểm đ, điểm p, khoản 1, Điều 46;  Điều 33- Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Trần Văn B  05 năm 06 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 104; điểm h, điểm p, khoản 1, Điều 46; Điều 33 – Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Diệp Đức P 09 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra bản án còn tuyên phần trách nhiệm dân sự, tuyên phần xử lý vật chứng, phần án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14/8/2017 bị cáo Diệp Đức P kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung hình phạt cao, xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo; mức bồi thường dân sự cao, đề nghị giảm mức bồi thường dân sự; đề nghị tăng hình phạt và mức bồi thường dân sự đối với bị cáo Trần Văn B.

Ngày 16/8/2017 bị cáo Trần Văn B kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung mức hình phạt nặng, chưa áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm k, khoản 1, và khoản 2, Điều 46- BLHS cho bị cáo; mức bồi thường dân sự vượt quá khả năng của bị cáo; đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại phiên toà phúc thẩm:

- Bị cáo Trần Văn B giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và bổ sung kháng cáo xin được hưởng án treo, với lý do hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, là hộ nghèo tại địa phương, vợ đã chết, bị cáo là lao động chính nuôi hai con gái thì còn nhỏ, bị cáo đã biết sai, trong lúc nóng giận đã gây thương tích cho anh P, nếu bị cáo P thông cảm xin giảm nhẹ cho bị cáo thì bị cáo cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo P. Về bồi thường dân sự theo mức Tòa sơ thẩm tuyên là vượt quá khả năng của bị cáo, đề nghị xem xét cho bị cáo.

- Bị cáo Diệp Đức P thay đổi nội dung kháng cáo, bị cáo chỉ kháng cáo xin được hưởng án treo, xin rút yêu cầu kháng cáo giảm nhẹ mức bồi thường dân sự; bị cáo xin rút yêu cầu kháng cáo tăng hình phạt, tăng mức bồi thường đối với bị cáo Trần Văn B, lý do: Bị cáo cũng đã nhận thức được sai lầm trong lúc nóng giận đã gây thương tích cho anh B, hoàn cảnh gia đình bị cáo B hiện rất khó khăn nên bị cáo đã thông cảm và hòa giải với bị cáo B. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trần Văn B. Về trách nhiệm dân sự đề nghị đối trừ và bị cáo chỉ lấy một phần tiền bồi thường còn lại cho anh B. Hoàn cảnh của bị cáo cũng có khó khăn, từ khi xảy ra vụ án sức khỏe yếu cũng không lao động được, bị cáo có bố đẻ là người có công với cách mạng được tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng ba, mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện cải tạo chăm lo cho gia đình.

- Bị cáo Trần Văn B: Tôi xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo P, xin đối trừ tiền bồi thường và xin trả bị cáo P 20 triệu đồng nữa.

- Các bị cáo cùng người bào chữa trao đổi và đề nghị HĐXX công nhận sự thỏa thuận về bồi thường dân sự giữa hai bị cáo, cụ thể: Đối trừ phần nghĩa vụ bồi thường dân sự mà án sơ thẩm đã tuyên đối với hai bị cáo, bị cáo P tự nguyện giảm một phần tiền bồi thường cho bị cáo B; bị cáo Trần Văn B chỉ còn phải bồi thường cho bị cáo Diệp Đức P số tiền 20.000.000 đồng, thời gian bị cáo B thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bị cáo P vào tháng 01 năm 2019.

Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang thực hành quyền công tố tại phiên toà phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Đơn kháng cáo của các bị cáo được nộp cho Tòa án trong hạn 15 ngày sau khi tuyên án sơ thẩm nên là kháng cáo hợp lệ, đề nghị HĐXX chấp nhận xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bản án sơ thẩm xét xử  các bị cáo là đúng người, đúng tội. Căn cứ vào tính chất mức độ, nhân thân của các bị cáo trong vụ án thấy cấp sơ thẩm xử phạt mức hình phạt tù đối với các bị cáo là phù hợp, có căn cứ. Tại quá trình xét xử phúc thẩm các bị cáo đã thông cảm, hòa giải và thỏa thuận bồi thường dân sự cũng như xin giảm nhẹ hình phạt cho nhau, bị cáo Phương có bố là người có công với cách mạng nên cần xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo tại khoản 2, Điều 46- BLHS. Bị cáo Trần Văn B là đối tượng có nhân thân xấu nhưng đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại khaorn 1, Điều 46- BLHS, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, do đó cần xem xét áp dụng Điều 47- BLHS xử phạt bị cáo mức án thấp hơn mức khởi điểm của khung hình phạt cũng đủ để giáo dục cải tạo bị cáo. Đối với bị cáo Diệp Đức P cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1, Điều 46- BLHS; bị cáo P phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có đủ điều kiện được hưởng án treo theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 2-Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, khoản 2, Điều 248; điểm c, điểm đ, khoản 1, Điều 249- BLTTHS, sửa một phần bản án sơ thẩm số: 49/2017/HSST ngày 02/8/2017 của TAND huyện L, tỉnh Bắc Giang, cụ thể: chấp nhận kháng cáo của các bị cáo,  giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trần Văn B, giữ nguyên hình phạt nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Diệp Đức P; công nhận thỏa thuận về bồi thường dân sự của các bị cáo. Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Người bào chữa cho bị cáo Trần Văn B tranh luận: Nhất trí quan điểm Viện kiểm sát nêu. Đề nghị xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ tại điểm k, khoản 1, Điều 46- BLHS cho bị cáo vì bị cáo là người không biết chữ, nhận thức kém. Đề nghị áp dụng Điều 47- BLHS xử phạt bị cáo để bị cáo có điều kiện cải tạo tốt sớm trở về chăm lo cho gia đình và hai con nhỏ. Về trách nhiệm dân sự đề nghị công nhận sự thỏa thuận của bị cáo B và bị cáo P.  Bị cáo Trần Văn B nhất trí quan điểm của người bào chữa, không có ý kiến tranh luận gì.

Người bào chữa cho bị cáo Diệp Đức P tranh luận: Nhất trí quan điểm Viện kiểm sát nêu. Đề nghị xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2, Điều 46- BLHS cho bị cáo vì bị cáo có bố đẻ là người có công với cách mạng được tặng huy chương kháng chiến. Về trách nhiệm dân sự đề nghị công nhận sự thỏa thuận của bị cáo B và bị cáo P, cụ thể: bị cáo Trần Văn B chỉ còn phải bồi thường cho bị cáo Diệp Đức P số tiền 20.000.000 đồng, thời gian bị cáo B thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bị cáo P vào tháng 01 năm 2019.

Bị cáo Diệp Đức P nhất trí quan điểm của người bào chữa, không có ý kiến tranh luận gì. VKS đối đáp: Nhất trí áp dụng khoản 2, Điều 46- BLHS cho bị cáo Diệp Đức P vì có bố đẻ là người có công với cách mạng được tặng huy chương kháng chiến. Đối với bị cáo Trần Văn B không có căn cứ áp dụng điểm k, khoản 1, Điều 46- BLHS vì hành động của bị cáo là cố ý, bị cáo có đủ nhận thức để biết được việc dùng dao chém là gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác nhưng vẫn thực hiện, do đó hành vi của bị cáo không phải do nhận thức kém hay do lạc hậu. Nhất trí đề nghị HĐXX áp dụng Điều 47- BLHS để xử phạt đối với bị cáo Trần Văn B.

Kết thúc tranh luận các bên giữ nguyên quan điểm của mình.

Bị cáo Trần Văn B nói lời sau cùng: Đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo được án treo để ở nhà nuôi con.

Bị cáo Diệp Đức P nói lời sau cùng: Đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng mức án treo để có điều kiện chăm lo cho gia đình.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, ý kiến của người bào chữa cho các bị cáo, lời khai của các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của các bị cáo được làm trong thời hạn kháng cáo và gửi đến Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Bắc Giang theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 234- Bộ luật tố tụng hình sự nên được coi là đơn kháng cáo hợp pháp. HĐXX chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của bị cáo theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét hành vi phạm tội của các bị cáo: Khoảng 01 giờ 30 phút ngày 07/11/2015 tại ngã 3 thôn P, xã Q, huyện L, tỉnh Bắc Giang xảy xô sát giữa Diệp Đức P và Trần Văn B. Diệp Đức P dùng gạch, gậy gỗ là hung khí nguy hiểm đánh gây thương tích vào thái dương đỉnh phải, tay phải Trần Văn B gây thương tích cho Trần Văn B là 5% sức khỏe; Trần Văn B dùng dao liềm phát là hung khí nguy hiểm chém 2 nhát vào tay phải Diệp Đức P gây thương tích cho Diệp Đức P là 48% sức khỏe. Hành vi của Trần Văn B, Diệp Đức P đã phạm vào tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 104- BLHS năm 1999, cụ thể: Hành vi của bị cáo Trần Văn B được quy định tại khoản 3 (điểm a khoản 1), Điều 104 Bộ luật Hình sự; hành vi của bị cáo Diệp Đức P được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 104- Bộ luật Hình sự. Từ những nội dung trên án sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Văn Ba , Diệp Đức Phương về tội “Cố ý gây thương tích ” theo các điều khoản đã nêu trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.

[3] Xét nội dung kháng cáo của bị cáo thấy: Tại phiên tòa, các bị cáo chỉ có yêu cầu kháng cáo xem xét về hình phạt và bồi thường dân sự nên các vấn đề khác của án sơ thẩm không có liên quan HĐXX phúc thẩm không đặt ra giải quyết. Bị cáo Diệp Đức P xin rút nội dung kháng cáo về tăng hình phạt và tăng mức bồi thường dân sự đối với bị cáo Trần Văn B, xin giảm mức bồi thường dân sự án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo nên những nội dung này HĐXX không đặt ra xem xét, giải quyết.

- Đối với bị cáo Trần Văn B:

+Về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Án sơ thẩm xác định bị không có tình tiết tăng nặng tại khoản 1, Điều 48- Bộ luật hình sự là có căn cứ.

+Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Án sơ thẩm xác định bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo đã thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật và thành khẩn khai báo, ăn năn với hành vi phạm tội của bản thân, bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại Diệp Đức P gây ra đối với bị cáo, do vậy bị cáo Trần Văn B được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm p, điểm đ, khoản 1, Điều 46- Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

- Đối với bị cáo Diệp Đức P:

+Về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Án sơ thẩm xác định bị không có tình tiết tăng nặng tại khoản 1, Điều 48- Bộ luật hình sự là có căn cứ.

+Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Án sơ thẩm xác định bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo đã thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật và thành khẩn khai báo, ăn năn với hành vi phạm tội của bản thân, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm h, điểm p, khoản 1, Điều 46 – Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

- Tại quá trình xét xử phúc thẩm các bị cáo đã hòa giải, thông cảm và cùng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho nhau, hai bị cáo đã thỏa thuận bồi thường dân sự. Các bị cáo đều có tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại khoản 2, Điều 46- BLHS.

+ Bị cáo Trần Văn B có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là hộ nghèo tại địa phương, vợ chết, có hai con nhỏ, bị cáo là lao động chính, bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đề nghị của người bào chữa, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, áp dụng Điều 47- BLHS xử phạt bị cáo mức án thấp hơn mức khởi điểm của khung hình phạt cũng đủ để cải tạo giáo dục bị cáo. Về kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, HĐXX thấy: Bị cáo Trần Văn B có nhân thân xấu, đã từng bị kết án do lỗi cố ý. Bị cáo bị truy tố, xét xử ở khung hình phạt từ 5 năm đến 15 năm tù thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý. HĐXX đã xem xét khoan hồng cho bị cáo được hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Do đó, căn cứ  hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3, Điều 2-Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo không có căn cứ chấp nhận.

+ Bị cáo Diệp Đức P được bị cáo Trần Văn B xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo có bố đẻ là người có công với cách mạng, bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, có nơi thường trú cụ thể rõ ràng, bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 2-Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do đó trên cơ sở đề nghị của người bào chữa và đại diện Viện kiểm sát, HĐXX chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Diệp Đức P.

- Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo tự nguyện thỏa thuận được với nhau về mức tiền bồi thường dân sự, thời gian thực hiện việc bồi thường. Việc thỏa thuận của các bị cáo là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội nên cần chấp nhận sự thỏa thuận của các bị cáo. Tuy nhiên sự thỏa thuận này có làm phát sinh đến nghĩa vụ chịu án phí dân sự của các bị cáo mà cấp sơ thẩm đã tuyên nên HĐXX căn cứ quy định để xác định lại nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm của vụ án.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo của các bị cáo được chấp nhận nên căn cứ quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 12; Điều 21; điểm h, khoản 2, Điều 23; Điều 26; Điều 27; Điều 29- Nghị quyết số 326/2016 UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án và Điều 147- Bộ luật tố tụng dân sự để xác định lại nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm của vụ án.

[6]  Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 248; điểm c, điểm đ, khoản 1, Điều 249- Bộ luật tố tụng Hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Trần Văn B, Diệp Đức P. Sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 49/2017/HSST ngày 02/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Bắc Giang.

- Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Trần Văn B và Diệp Đức P phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Về hình phạt:

+Áp dụng khoản 3 (tình tiết quy định tại điểm a, khoản 1), Điều 104; điểm đ, điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46;  Điều 47; Điều 33- Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Trần Văn B 04 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

+Áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 104; điểm h, điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 60- Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Diệp Đức P 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm 06 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo cho UBND xã Q, huyện L, tỉnh Bắc Giang giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều69 của Luật thi hành án hình sự

- Về trách nhiệm dân sự: Công nhận sự thỏa thuận về bồi thường dân sự giữa hai bị cáo, cụ thể: Đối trừ phần nghĩa vụ bồi thường dân sự mà án sơ thẩm đã tuyên đối với hai bị cáo, bị cáo P tự nguyện giảm một phần tiền bồi thường cho bị cáo B; bị cáo Trần Văn B chỉ còn phải bồi thường cho người bị hại Diệp Đức P số tiền 20.000.000 đồng, thời gian bị cáo Trần Văn B thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại Diệp Đức P vào tháng 01 năm 2019.

Kể từ khi người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ số tiền phải thi hành thì người phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền chưa thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468- Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chậm thi hành án.

- Về án phí dân sự sơ thẩm: bị cáo Diệp Đức P không phải chịu số tiền án phí dân sự sơ thẩm đã tuyên do các bị cáo đã thỏa thuận lại trách nhiệm dân sự tại cấp phúc thẩm và thỏa thuận đối trừ nghĩa vụ dân sự, bị cáo Trần Văn B có nghĩa vụ bồi thường dân sự cho bị cáo Diệp Đức P. Bị cáo Trần Văn B thuộc diện hộ nghèo tại địa phương nên được miễn án phí.

[2]. Án phí hình sự phúc thẩm: căn cứ quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 12; Điều 21; điểm h, khoản 2, Điều 23; Điều 26; Điều 27; Điều 29- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án và Điều 147- BLTTDS, các bị cáo Trần Văn B, Diệp Đức P không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm số 49/2017/HSST ngày 02/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Bắc Giang không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

405
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 136/2017/HSPT ngày 20/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:136/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về