TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 134/2019/DS-PT NGÀY 08/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 08 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 82/2019/TLPT-DS ngày 01 tháng 4 năm 2019. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2019/DS-ST ngày 25/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 197/2019/QĐ-PT ngày 22 tháng 4 năm 2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Anh Phan Chí L – sinh năm 1991 (có mặt). Địa chỉ: Ấp Đ, thị t, huyện C, tỉnh C.
Bị đơn: Ông Phạm Văn H1 – sinh năm 1963 (có mặt).
Bà Trương Việt H2 – sinh năm 1968 (có mặt). Cùng địa chỉ: Ấp 13, xã K, huyện U, tỉnh C.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân huyện T (vắng mặt). Địa chỉ: Khóm 1, thị trấn T, huyện T, tỉnh C.
2. Bà Quách Thị L, sinh năm 1967 (vắng mặt). Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện T, tỉnh C.
Người kháng cáo: Bà Trương Việt H2 và ông Phạm Văn H1 là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Người khởi kiện, anh Phan Chí L trình bày:
Ngày 13/5/2017, anh có nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông H1 và bà H2 phần đất diện tích theo đo đạc thực tế là 10.334m2 tại ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với giá 400.000.000 đồng. Hai bên có lập hợp đồng chuyển nhượng bằng văn bản, được chính quyền địa phương xác nhận. Anh đã giao đủ tiền cho ông H1 và bà H2 nên ông H1, bà H2 đã giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh L quản lý, canh tác từ ngày 13/8/2017 cho đến nay. Đến tháng 9/2017, anh L mượn giấy chứng minh nhân dân của ông H1 để làm thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ông H1, bà H2 sang tên anh L nhưng ông H1 cho rằng giấy chứng minh nhân dân bị mất, nhiều lần anh yêu cầu ông H1 làm lại giấy chứng minh nhân dân để giao cho anh làm thủ tục nhưng ông H1 không làm. Nay anh L yêu cầu ông H1, bà H2 tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên để anh được đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi, ông H1, bà H2 cho rằng anh đã làm mất uy tín danh dự, xúc phạm đến ông H1 và bà H2 anh không đồng ý vì anh không làm mất danh dự, uy tín và không xúc phạm đến ông H1 và bà H2.
Bị đơn, ông Phạm Văn H1 và bà Trương Việt H2 trình bày: Ngày 13/5/2017 vợ chồng ông, bà có làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 9.996m2 tại ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình cho anh L với giá là 400.000.000 đồng, anh L đã giao đủ tiền cho ông, bà đồng thời ông, bà đã giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh L quản lý, sử dụng cho đến nay. Do ông H1 bị mất giấy chứng minh nhân dân nên ông H1 không tiếp tục làm hồ sơ chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh L được. Đến ngày 16/10/2017 anh L đã gửi đơn đến chính quyền địa phương để thưa kiện, sau đó gặp lãnh đạo nhà trường nơi ông, bà công tác vu khống làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và công việc của ông, bà. Việc làm của anh L ảnh hưởng đến sức khỏe của bà H2, ảnh hưởng đến công việc của ông bà nên ông, bà bị hạ bậc đánh giá cuối năm, cắt giảm thi đua, khen thưởng, cắt và kéo dài thời gian nâng bậc lương nên ông, bà yêu cầu anh L bồi thường số tiền do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 1.390.000 đồng x 10 tháng x 02 người = 27.800.000 đồng. Đồng thời yêu cầu anh L phải xin lỗi ông, bà trước lãnh đạo và tập thể giáo viên Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, Trường Tiểu học Đào Duy Từ, lãnh đạo và nhân dân ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, lãnh đạo và cán bộ UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Sau khi anh L thực hiện xong việc khắc phục hậu quả trên thì ông, bà mới đồng ý làm thủ tục chuyển tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh L.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Quách Thị L trình bày: Năm 2017, bà có xây dựng hàng rào bao quanh phần mộ của chồng bà, trong đó có một phần xây qua phần đất tranh chấp giữa anh L và ông H1, bà H2. Lúc bà xây dựng bà có cho anh L hay và anh L chấp nhận cho bà xây. Nếu sau này anh L hoặc ông H1 và bà H2 là người quản lý đất có yêu cầu bà di dời hàng rào thì bà chấp nhận di dời để trả lại phần đất, bà không có yêu cầu gì.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2019/DS-ST ngày 25/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình đã quyết định:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Phan Chí L đối với ông Phạm Văn H, bà Trương Việt H2.
Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 13/5/2017 giữa các đương sự.
Anh L được tiếp tục sử dụng phần đất nhận chuyển nhượng của ông H1, bà H2 có vị trí, kích thước và diện tích như sau: Mặt tiền giáp đường bê tông (Mốc từ M2 đến M3) dài 33,75m; mặt hậu giáp với các phần đất của ông Nguyễn Văn Dũng, ông Lê Văn Ra (Mốc từ M1 đến M5) dài 30,41m; cạnh bên phải (Nhìn từ mặt tiền, mốc từ M1 đến M2) giáp với phần đất của ông Hồ Văn Câu, bà Lê Thị Chi dài 308,84m; cạnh bên trái (Nhìn từ mặt tiền, mốc M3, M5) giáp phần đất của bà Huỳnh Thị Của dài 313,12m. Diện tích là 10.334 m2, thuộc ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Anh L được liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần diện tích này theo quy định của pháp luật.
Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông H1, bà H2 về việc yêu cầu anh L bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và công khai xin lỗi.
Buộc ông H1 và bà H2 có nghĩa vụ thanh toán lại cho anh L chi phí đo đạc và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản với số tiền 15.346.000 đồng.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 15/02/2019 ông Phạm Văn H và bà Trương Việt H2 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của anh L về việc yêu cầu ông, bà tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu anh L phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 27.800.000 đồng và không chấp nhận trả cho anh L số tiền chi phí tố tụng là 15.340.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông H1 và bà H2 bổ sung đơn kháng cáo, yêu cầu anh L phải công khai xin lỗi ông H1 và bà H2 tại phiên tòa, để Tòa án có văn bản gửi đến cơ quan và địa phương nơi ông, bà sinh sống và làm việc.
Ông H1 và bà H2 tranh luận cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh L đã được ông H1 và bà H2 ký tên và giao đất xong, diện tích đất chuyển nhượng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 9.996m2 với giá 400.000.000 đồng nhưng khi giao đất, đo đạc thực tế thì diện tích đất giao cho anh L là 10.334m2 nên anh L đã trả thêm số tiền trên diện tích đất thừa theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông, bà xong. Khi chuyển nhượng đất ông, bà đã ký tên vào hợp đồng và được chính quyền địa phương xác nhận, ông bà cũng đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh L làm thủ tục chuyển tên nhưng do anh L yêu cầu ông H1 giao giấy chứng minh nhân dân cho anh L để làm thủ tục, trong khi đó anh L vẫn biết giấy chứng minh nhân dân của ông H1 bị mất chưa làm lại. Từ đó anh L đã đến trường báo với lãnh đạo nhà trường và làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết, sau đó khởi kiện ra Tòa án trong khi thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cần giấy chứng minh nhân dân của ông H1. Ông H1 không đi làm lại giấy chứng minh nhân dân là do bận việc dạy học. Việc anh L làm đơn gửi đến chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết và đến gặp lãnh đạo nhà trường nơi ông, bà công tác để trình bày sự việc đã làm mất danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông, bà ảnh hưởng đến sức khỏe của bà H2, vì khả năng trong thời gian tới ông, bà có thể bị kéo dài thời gian nâng bậc lương hoặc không được xét nâng lương trước thời hạn và không xét thi đua khen thưởng cuối năm. Thiệt hại trên ông, bà yêu cầu anh L phải bồi thường là 27.800.000 đồng và công khai xin lỗi thì ông, bà mới chấp nhận tiếp tục thực hiện các thủ tục để anh chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh L.
Anh L tranh luận cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh với ông H1 và bà H2 các bên đã làm văn bản và được chính quyền địa phương chứng nhận, anh L đã giao đủ tiền, ông H1 và bà H2 đã giao đất cho anh L canh tác từ tháng 9/2017 đến nay, tuy nhiên anh không làm thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được là do thiếu giấy chứng minh nhân dân của ông H1. Do nhiều lần anh yêu cầu ông H1 làm lại giấy chứng minh nhân dân để giao cho anh làm thủ tục nhưng ông H1 viện lý do bận dạy học nên không làm. Từ đó anh có đến gặp lãnh đạo nhà trường trình bày và xin cho ông H1 được nghĩ phép để đi làm giấy chứng minh nhân dân nhưng ông H1 cũng không làm nên anh đã làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết, sau đó anh khởi kiện đến Tòa án. Ngoài ra anh không có hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự và sức khỏe của ông H1, bà H2 nên không đồng ý bồi thường thiệt hại. Hiện nay anh yêu cầu ông H1 và bà H2 ký tên lại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo mẫu quy định để anh làm thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 10.334m2, vì hiện nay theo mẫu thì không cần cung cấp giấy chứng minh nhân dân.
Đại diện Viện kiểm sát nhân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm:
Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án và tại phiên tòa của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông H1 và bà H2, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Xét yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn H1 và bà Trương Việt H2 về việc không đồng ý ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo mẫu để anh L làm thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hội đồng xét xử xét thấy: Việc ông H1 và bà H2 chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh L phần đất theo mãnh trích đo địa chính số 35-2018 ngày 12/9/2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thới Bình có diện tích là 10.334 m2, tọa lạc tại ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Hiện nay các đương sự đều thừa nhận không có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ông H1 và bà H2 thừa nhận đã nhận đủ tiền chuyển nhượng đất và đã giao đất cho anh L quản lý và sử dụng từ tháng 9/2017 đến nay. Anh L cho rằng anh L không làm được thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do ông H1 và bà H2 không ký lại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo mẫu quy định.
Xét thấy theo quy định tại Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về nghĩa vụ của bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất là: “Làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên nhận chuyển nhượng, trừ trường hợp bên nhận chuyển nhượng có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận”.
Theo quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014-NĐ/CP ngày 15/5/2014 quy định về trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì: “Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất” và theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Thông tư số 24/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai “Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nhưng không lập hợp đồng, văn bản chuyển quyền theo quy định thì hồ sơ cần nộp gồm có: Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK; Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp; Giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có đủ chữ ký của bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền”.
Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện ngày 13/5/2017 ông H1, bà H2 đã ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh L, nhưng ông H1 và bà H2 chưa làm đầy đủ các thủ tục theo quy định về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký chưa được lập theo mẫu quy định nên anh L không thể làm thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do anh L yêu cầu ông H1 và bà H2 thực hiện lại theo đúng quy định nhưng ông H1 và bà H2 không thực hiện nên anh L yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết và khởi kiện ra Toà án đúng quy định của pháp luật. Do đó hiện nay anh L yêu cầu ông H1 và bà H2 tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để anh L được đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp nên cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh L với ông hạnh và bà H2 để anh L được đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có cơ sở. Do đó ông H1 và bà H2 kháng cáo cho rằng không có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh L đúng mẫu quy định là không phù hợp nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của ông H1 và bà H2 yêu cầu anh L phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm với số tiền 27.800.000 đồng do việc anh L trình báo với lãnh đạo trường nơi ông H1 và bà H2 đang làm việc và làm đơn gửi đến chính quyền địa phương nơi ông H1 và bà H2 đang cư trú để yêu cầu ông H1 và bà H2 hoàn thành thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh L.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường…”. Tại hồ sơ thể hiện, ông Trần Công M là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã K, ông Nguyễn Nghĩa N là Trưởng ấp 13, xã K, ông Lê Văn R là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đ nơi bà H2 công tác và ông Cao Văn Đ là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đào Duy T nơi ông H1 công tác đều thể hiện anh L không có xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông H1, bà H2 mà anh L chỉ đến để trình báo sự việc. Đồng thời nhà trường cũng không hạ bậc đánh giá cuối năm, cắt thi đua khen thưởng và kéo dài thời gian nâng bậc lương của ông H1 và bà H2 do việc tranh chấp giữa anh L với ông H1 và bà H2. Tại phiên tòa ông H1 và bà H2 thừa nhận anh L không có lời lẽ xúc phạm đến ông H1 và bà H2. Do đó việc anh L trình báo sự việc với lãnh đạo trường nơi ông H1, bà H2 đang công tác, làm đơn yêu cầu gửi chính quyền địa phương giải quyết và không có hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông H1 và bà H2 và không gây thiệt hại cho ông H1 và bà H2 nên bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của ông H1 và bà H2 là có cơ sở.
Vì vậy ông H1 và bà H2 kháng cáo yêu cầu anh L phải bồi thường thiệt hại với số tiền 27.800.000 đồng và công khai xin lỗi là không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của ông H1 bà H2 về số tiền chi phí tố tụng, ông H1 và bà H2 không đồng ý trả cho anh L số tiền chi phí đo đạc, định giá là 15.346.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 165 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: “Đương sự phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, chi phí định giá nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận”. Do yêu cầu của ông H1 và bà H2 không được chấp nhận nên ông H1 và bà H2 phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, trong đó có chi phí đo đạc và chi phí định giá mà anh L đã nộp là 15.346.000 đồng.
Từ những phân tích trên thấy rằng không có cơ sở để chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông H1 và bà H2.
[4] Xét đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[5] Về án phí phúc thẩm: Do không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông H1 và bà H2 nên ông H1, bà H2 phải chịu án phí theo quy định.
[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn H1 và bà Trương Việt H2.
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Phan Chí L đối với ông Phạm Văn H1 và bà Trương Việt H2.
Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 13/5/2017 giữa anh Phan Chí L với ông Phạm Văn H1 và bà Trương Việt H2.
Anh Phan Chí L được tiếp tục quản lý, sử dụng phần đất nhận chuyển nhượng của ông Phạm Văn H1 và bà Trương Việt H2 có diện tích 10.334m2, tọa lạc tại ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Vị trí: Hướng Nam, mặt tiền giáp đường bê tông, mốc từ M2 đến M3 dài 33,75m; Hướng Bắc, mặt hậu giáp với phần đất của ông Nguyễn Văn Dũng, ông Lê Văn Ra, mốc từ M1 đến M5 dài 30,41m; Hướng Đông, cạnh bên phải nhìn từ mặt tiền, mốc từ M1 đến M2 giáp với phần đất của ông Hồ Văn C, bà Lê Thị C1 dài 308,84m; Hướng Tây, cạnh bên trái nhìn từ mặt tiền, mốc M3, M5 giáp phần đất của bà Huỳnh Thị C2 dài 313,12m.
Anh Phan Chí L được liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Phạm Văn H1 và bà Trương Việt H2 về việc yêu cầu anh L phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm với số tiền 27.800.000 đồng.
Về án phí dân sự sơ thẩm: Anh L không phải chịu án phí, ngày 06/12/2017 anh L có nộp tạm ứng án phí số tiền 300.000 đồng theo biên lai thu số 0018924 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Thới Bình được nhận lại. Ông H1 và bà H2 phải nộp 300.000 đồng tại Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thới Bình.
Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Phạm Văn H1 và bà Trương Việt H2 phải chịu là 300.000 đồng. Đã qua, ông H1 và bà H2 đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 0005945 ngày 15/02/2019 tại Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được chuyển thu.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 134/2019/DS-PT ngày 08/05/2019 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Số hiệu: | 134/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 08/05/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về