Bản án 134/2017/DS-PT ngày 18/09/2017 về tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất bị lấn chiếm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 134/2017/DS-PT NGÀY 18/09/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT BỊ LẤN CHIẾM

Trong ngày 18 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 07/2017/TLPT-DS ngày 17 tháng 02 năm 2017, về việc: “Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất bị lấn chiếm”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2016/DS-ST ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Tòa án nhân dân huyện A bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 153/2017/QĐPT-DS ngày 07 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn :

1.1. Ông T; địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

* Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông T: Bà N; địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (theo văn bản ủy quyền ngày 27/3/2017, bà N có mặt)

1.2. Bà N; địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn: Luật sư O - Văn phòng luật sư O, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

2. Bị đơn : Ông L; địa chỉ: C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

* Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông P; địa chỉ: ấp Z, xã Y, huyện X, tỉnh Sóc Trăng. (theo văn bản ủy quyền ngày 11/01/2017, ông P có mặt)

3. Người có quyền lợ i, nghĩa v ụ liên quan:

3.1. Bà D; địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.2. Bà E; địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

* Người đại diện hợp pháp của bà E: Bà M; địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (theo văn bản ủy quyền ngày 06/9/2016, bà M có mặt)

- Người kháng cáo: Bị đơn ông L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ, nội dung vụ án như sau:

- Các nguyên đơn ông T và bà N trình bày: Vợ chồng ông T, bà N có thửa đất số 293, tờ bản đồ số 5, diện tích 840m2, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng, do UBND huyện A cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T vào ngày 13/5/1995. Cặp bên phần đất của ông T, bà N là thửa đất số 291 do vợ chồng ông L, bà D đứng tên quyền sử dụng đất.

Vào ngày 29/01/2015, ông L xây dựng 04 trụ gạch ống lấn sang phần đất của ông T, bà N ngang 0,5m, dài 24,5m. Khi phát hiện việc lấn chiếm ông T, bà N đã yêu cầu ông L, bà D ngừng ngay việc xây dựng lấn chiếm nhưng ông L, bà D vẫn cố tình vi phạm.

Trước đây, ông T, bà N yêu cầu Tòa án buộc ông L, bà D trả lại phần đất lấn chiếm ngang 0,5m, dài 24,5m (đo đạc thực tế ngang 0,45m, dài 25,1m) tại thửa đất số 293, tờ bản đồ số 5, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Nay ông T, bà N thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện chỉ yêu cầu Tòa án buộc ông L, bà D trả lại phần đất lấn chiếm ngang 0,25m, dài 25,1m, tại thửa đất số 293 nêu trên. Đồng thời yêu cầu ông L, bà D tháo dỡ 04 trụ gạch ống và chấm dứt hành vi xả nước thải qua phần đất của ông T, bà N gây ngập ún, ô nhiễm gây ảnh hưởng đến cuộc sống.

- Bị đơn ông L trình bày: Vợ chồng ông L, bà D có thửa đất số 291, tờ bản đồ số 5, diện tích 76m2, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng đã được UBND huyện A cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 05/6/2012, gắn liền với đất có căn nhà xây năm 2004, kết cấu cột xi măng cốt thép, mái tôl xi măng, vách tường 10, nền lát gạch men. Từ lúc xây dựng nhà đến nay không có tranh chấp với bất kỳ ai. Vì vậy, việc ông T, bà N cho rằng vào ngày 29/01/2015 ông L, bà D xây nhà và lấn sang phần đất của ông T, bà N là không có căn cứ.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà D trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày của bị đơn.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà E trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn.

* Sự việc được Tòa án nhân dân huyện A thụ lý, giải quyết. Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2016/DS-ST ngày 29 tháng 12 năm 2016 đã quyết định áp dụng Điều 256, Điều 265, khoản 1 Điều 267, Điều 269, Điều 270 của Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T, bà N.

- Buộc vợ chồng ông L, bà D có nghĩa vụ giao trả phần đất lấn chiếm thuộc thửa 293, tờ bản đồ số 5, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Phần đất giao trả có vị trí tứ cận như sau:

. Hướng Đông giáp lộ đal có số đo 0,25m;

. Hướng Tây giáp với phần đất ông T có số đo 0,25m;

. Hướng Nam giáp với phần đất ông L có số đo 25,1m;

. Hướng Bắc giáp với phần đất ông T có số đo 25,1m;

- Buộc vợ chồng ông L, bà D phải phá dỡ 04 trụ gạch ống trên phần đất giáp ranh để tạo điều kiện cho ông T, bà N đặt đường ống thoát nước.

- Buộc vợ chồng ông L, bà D chấm dứt hành vi xả nước sang đất của ông T, bà N.

- Buộc vợ chồng ông T, bà N bồi thường giá trị xây dựng của 04 trụ gạch ống với số tiền là 400.000 đồng cho vợ chồng ông L, bà D.

- Ngoài ra, bản án còn tuyên về chi phí định giá tài sản, án phí dân sự sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

* Ngày 11/01/2017, bị đơn ông L có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm nêu trên theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

* Tại phiên tòa phúc thẩm, các nguyên đơn không rút lại đơn khởi kiện và người đại diện hợp pháp của bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo; Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án.

* Vị Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn trình bày: Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất bị lấn chiếm trong vụ án là tranh chấp giữa nguyên đơn với bị đơn nên việc bị đơn yêu cầu xem xét về vấn đề chuyển nhượng đất và hợp thức hóa khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa bà W với bị đơn là không có căn cứ, vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn được cấp vào năm 2012 và bị đơn cũng đã cất nhà ở trên đất từ năm 1996 cho đến nay thì tại sao từ trước đến nay bị đơn không nêu ra vấn đề đất là của ai, cũng như không khiếu nại việc UBND huyện A đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bị đơn là không đúng…; Tại giai đoạn sơ thẩm, ông H là người đại diện cũng đồng thời là cha ruột của bị đơn thừa nhận nguồn gốc thửa đất số 291 là do bà W sang nhượng cho ông và ông sử dụng đến năm 2004 thì cất nhà rồi cho lại bị đơn. Trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bị đơn có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà W cho bị đơn diện tích đất là 76m2, có trích đo địa chính thửa đất và có đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn kê khai diện tích đất là 76m2 và nguồn gốc là nhận chuyển nhượng từ bà W. Căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng, trích đo địa chính và đơn đề nghị cấp giấy này mà UBND huyện A đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bị đơn. Bị đơn cho rằng UBND huyện A cấp giấy cho bị đơn thiếu diện tích nhưng từ trước đến giờ bị đơn không có khiếu nại việc cấp giấy này và hiện nay cũng không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh đất của bị đơn có chiều ngang là 5,18m chứ không phải là 3,2m như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp; Phần đất tranh chấp trước giờ đều do nguyên đơn sử dụng, trước đây có xây dựng cái cầu tắm trên đất sau đó dỡ cầu tắm này đi khi sửa chữa lại nhà nhưng bị đơn không hề có ý kiến gì phản đối… Việc cấp sơ thẩm giải quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc bị đơn trả lại diện tích đất lấn chiếm cho nguyên đơn, đồng thời buộc bị đơn tháo dỡ 04 trụ gạch ống trên đất và chấm dứt hành vi xả nước sang đất của nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật. Từ đó, vị Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

* Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng phát biểu ý kiến:

- Về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm: Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa hôm nay đã chấp hành đúng quy định của pháp luật, riêng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà D đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt là chưa chấp hành đúng quy định của pháp luật.

- Về nội dung vụ án: Sau khi phân tích nội dung kháng cáo, tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo, vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

- Về tố tụng:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà D không có đơn kháng cáo và đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tiến hành xét xử vắng mặt bà D.

- Về nội dung, xét kháng cáo của bị đơn ông L thấy rằng:

[2] Vợ chồng ông T, bà N đang quản lý, sử dụng thửa đất số 293, còn vợ chồng ông L, bà D đang quản lý, sử dụng thửa đất số 291. Cả hai thửa đất này đều thuộc tờ bản đồ số 5, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng và nằm giáp ranh với nhau. Trong quá trình sử dụng đất thì phía ông T, bà N và phía ông L, bà D đều có tiến hành xây dựng nhà kiên cố trên đất và có chừa lại phần đất trống nằm giữa hai căn nhà của hai bên. Căn nhà của ông L, bà D được xây dựng năm 2004, còn căn nhà của ông T, bà N được xây dựng sau đó khoảng 5-6 năm.

[3] Đối với thửa đất số 293, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND huyện A cấp cho ông T vào ngày 13/5/1995 thì thửa đất này có diện tích là 840m2. Theo kết quả đo đạc thực tế của cấp sơ thẩm, diện tích thửa đất này hiện nay là 336,7m2, tức là so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp nêu trên là còn thiếu 503,3m2. Khi xây dựng nhà kiên cố trên đất, ông T, bà N có chừa lại phần đất trống có chiều ngang khoảng 0,5m, chiều dài khoảng 8-9m tính từ mặt tiền nhà ra phía sau đến vị trí cái nhà tắm của ông T, bà N; về sau cái nhà tắm này bị ông T, bà N đập bỏ thì phần đất trống này có chiều ngang khoảng 0,5m, chiều dài khoảng 24,5m tính từ mặt tiền nhà ra phía sau đến hết căn nhà của ông L, bà D (theo kết quả đo đạc thực tế phần đất trống này có chiều ngang 0,45m x chiều dài 25,1m). Đây cũng chính là phần đất mà hai bên hiện đang tranh chấp trong vụ án.

[4] Còn đối với thửa đất số 291, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND huyện A cấp cho ông L, bà D vào ngày 05/6/2012 thì thửa đất này có diện tích là 76m2. Theo kết quả đo đạc thực tế của cấp sơ thẩm, diện tích thửa đất này hiện nay là 77,4m2, tức là so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp nêu trên là đã thừa 1,4m2. Do đó, diện tích đất mà ông L, bà D đang sử dụng trên thực tế là phù hợp với diện tích được cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[5] Bị đơn kháng cáo cho rằng diện tích của thửa đất số 291 mà vợ chồng ông L, bà D đang sử dụng trên thực tế vẫn còn thiếu nhiều so với diện tích được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi vì trong diện tích 76m2 của thửa đất số 291 mà ông L, bà D được cấp thì có một phần diện tích nằm ngoài hành lang lộ giới là 28,8m2 nhưng cấp sơ thẩm chưa trừ diện tích 28,8m2 này ra mà tính luôn vào diện tích đất của ông L, bà D để từ đó cho rằng diện tích đất thực tế mà ông L, bà D đang quản lý, sử dụng là thừa so với diện tích được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là chưa chính xác.

Xét thấy, theo Trích đo địa chính thửa đất của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện A vào ngày 10/5/2012 (BL số 185) thì thửa đất số 291 của ông L có diện tích là 76m2; cạnh hướng Đông có số đo 3,2m; cạnh hướng Tây có số đo 3m; hai cạnh hướng Bắc và hướng Nam đều có số đo 24,5m. Trong đó thể hiện hành lang lộ giới tính từ lề lộ đal vào là 9m (nằm trong tổng số đo 24,5m của hai cạnh hướng Bắc và hướng Nam) nên diện tích thửa đất số 291 có bao gồm phần diện tích nằm trong hành lang lộ giới. Về vấn đề này, tại Công văn số 572/UBND-VP ngày 03/8/2017 (BL số 179) UBND huyện A cũng xác nhận diện tích 76m2 của thửa đất số 291 mà ông L, bà D được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 05/6/2012 có bao gồm phần diện tích nằm trong hành lang lộ giới là 28,8m2; Lộ đal có chiều ngang 2m, nếu tính từ tim lộ vào thì hành lang lộ giới là 10m, còn nếu tính từ lề lộ vào thì hành lang lộ giới là 9m. Xác nhận này của UBND huyện A là phù hợp theo Trích đo địa chính thửa đất vào ngày 10/5/2012 nêu trên và cũng hoàn toàn phù hợp với sơ đồ thửa đất số 291 nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông L, bà D.

Từ cơ sở đó, việc cấp sơ thẩm xác định diện tích của thửa đất số 291 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông L, bà D là 76m2 (có bao gồm phần diện tích nằm trong hành lang lộ giới là 28,8m2), còn diện tích ông L, bà D đang quản lý, sử dụng thực tế là 77,4m2 (có đo đạc tính luôn phần diện tích nằm trong hành lang lộ giới) nên từ đó xác định ông L, bà D đang quản lý, sử dụng diện tích đất thừa 1,4m2 so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, là phù hợp.

[6] Mặt khác, việc ông L, bà D cho rằng khi xây dựng nhà vào năm 2004 đã chừa lại phần đất trống đang tranh chấp là không hợp lý vì căn nhà kiên cố do ông L, bà D xây dựng có tường khép kín bao quanh. Còn lời trình bày của ông T, bà N về việc khi xây dựng nhà đã chừa lại phần đất trống này để đặt ống thoát nước và dành đường đi vào để tô xi măng trong quá trình xây dựng nhà là có căn cứ vì thời điểm mà nhà của ông T, bà N được xây dựng là sau thời điểm mà nhà của ông L, bà D được xây dựng. Theo hiện trạng đường ống do ông L, bà D đặt để thoát nước thì thấy rằng đường ống này có 01 đoạn được đặt bên ngoài nhà, còn 01 đoạn được đặt âm trong nhà, hiện trạng đường ống này là phù hợp với lời trình bày của ông T, bà N về vấn đề trên phần đất trống tranh chấp trước đây có tồn tại cái nhà tắm của ông T, bà N dẫn đến việc ông L, bà D phải đặt đường ống theo hiện trạng như vậy.

[7] Như vậy, đã có đủ cơ sở khẳng định phần đất trống tranh chấp là thuộc quyền sử dụng của ông T, bà N và ông L, bà D đã lấn chiếm phần đất này để sử dụng, cho nên việc án sơ thẩm giải quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, bà N về việc đòi ông L, bà D phải trả lại phần đất này, đồng thời phải tháo dỡ 04 trụ gạch ống đã được xây dựng trên đất và chấm dứt hành vi xả nước sang phần đất của ông T, bà N là có căn cứ, đúng pháp luật.

[8] Theo Biên bản thẩm định ngày 17/8/2016 của cấp sơ thẩm thì phần đất tranh chấp có chiều ngang 0,45m x chiều dài 25,1m và cấp sơ thẩm đã giải quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T, bà N về việc buộc bị đơn ông L, bà D trả lại phần đất lấn chiếm có chiều ngang 0,25m x chiều dài 25,1m. Như vậy, việc cấp sơ thẩm giải quyết chia phần đất tranh chấp ra làm ½ như trên đã tạo điều kiện cho cả đôi bên đương sự đều có đường thoát nước và đảm bảo việc giữ vệ sinh chung giữa hai nhà, là một quyết định hợp tình, hợp lý.

[9] Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn có đưa ra yêu cầu Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để xác minh làm rõ về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bị đơn cũng như xem xét lại về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà W với bị đơn. Xét thấy, yêu cầu này của người đại diện hợp pháp của bị đơn là chưa có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận, bởi lẽ nếu giữa bà W với bị đơn có tranh chấp với nhau về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc cho tặng quyền sử dụng đất thì cũng không có liên quan đến vụ án này.

[10] Đối với vấn đề bị đơn kháng cáo cho rằng vào ngày 17/3/2016 bị đơn có nộp số tiền tạm ứng chi phí định giá là 500.000 đồng nhưng khi giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm không xem xét đến số tiền này là gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của bị đơn, xét thấy: Cấp sơ thẩm chỉ thu của bị đơn số tiền tạm ứng 500.000 đồng này, chứ thực tế trong quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm không có sử dụng số tiền này để phục vụ cho việc định giá nên theo quy định của pháp luật thì cấp sơ thẩm phải ra thông báo hoàn trả số tiền này cho bị đơn trước thời điểm xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi nhận được đơn kháng cáo của bị đơn thì vào ngày 13/01/2017 cấp sơ thẩm đã ra thông báo cho bị đơn được nhận lại toàn bộ số tiền 500.000 đồng này (BL số 161). Việc tự khắc phục này của cấp sơ thẩm là không trái quy định pháp luật và bị đơn cũng đã đồng ý nhận lại toàn bộ số tiền tạm ứng 500.000 đồng này nên cấp phúc thẩm không đặt ra vấn đề sửa án sơ thẩm về chi phí định giá mà chỉ nêu thiếu sót này lên để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm chung.

Từ những phân tích nêu trên, thấy rằng toàn bộ kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Do kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Ý kiến của vị Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn và ý kiến của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm, là có căn cứ nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 6 Điều 313 và khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông L.

2/. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2016/DS-ST, ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Tòa án nhân dân huyện A đã xét xử về việc: “Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất bị lấn chiếm”, giữa nguyên đơn ông T, bà N với bị đơn ông L, cùng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà D, bà E.

3/. Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn ông L phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng mà ông L đã nộp là 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng), theo biên lai thu tiền số 0002364 ngày 13/01/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A. Như vậy, ông L còn phải nộp thêm số tiền án phí dân sự phúc thẩm là 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng).

Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

586
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 134/2017/DS-PT ngày 18/09/2017 về tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất bị lấn chiếm

Số hiệu:134/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:18/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về