TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HOÀNG SU PHÌ, TỈNH HÀ GIANG
BẢN ÁN 13/2021/HS-ST NGÀY 31/08/2021 VỀ TỘI SẢN XUẤT TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY
Trong ngày 31 tháng 8 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh H xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 12/2021/TLST-HS ngày 13 tháng 8 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 13 ngày 17 tháng 8 năm 2021 đối với bị cáo:
* Ma Văn S; Tên gọi khác: Không; Sinh ngày 12 tháng 3 năm 1964 tại huyện H, tỉnh H; nơi cư trú: thôn T, xã S, huyện H, tỉnh H; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 09/12; dân tộc: Nùng; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; đảng, chính quyền, đoàn thể:bị cáo là Đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ thôn T, thuộc Đảng bộ xã S, huyện H. Hiện đang bị đình chỉ sinh hoạt đảng. Con ông Ma Lao S,sinh năm 1931 (đã chết); con bà: Ma Già S, sinh năm 1930 (đã chết); có vợ: Lù Thị R, sinh năm 1964; và con: Có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1988, con nhỏ nhất sinh năm 1995; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: ngày 01/9/2011 bị Công an huyện H, tỉnh H ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi Đánh bạc. Đã thi hành xong.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/5/2021 tại xã S, huyện H, tỉnh H. Có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Hoàng Ngọc Chung - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang. Có mặt.
- Người tham gia tố tụng khác:
Người làm chứng: Anh Ma Seo H; địa chỉ: thôn T, xã S, huyện H, tỉnh H. Vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được trình bày tóm tắt như sau:
Vào đầu năm 2019, bị cáo Ma Văn S đi đến chợ N thuộc xã T, huyện X chơi và gặp một người đàn ông dân tộc Mông (không biết tên tuổi, địa chỉ cụ thể), trong quá trình gặp và nói chuyện về thuốc phiện để chữa bệnh. Sau đó, S được người này cho một quả thuốc phiện tươi sử dụng để làm giống. S mang quả thuốc phiện về để đến đầu tháng 12/2020, S mang quả thuốc phiện ra gieo trồng. S đào hố mỗi hố cách nhau khoảng 30cm, gieo vào mỗi hố từ 5 đến 8 hạt. Sau đó, S làm hàng rào bằng tre cao khoảng 1,2 mét xung quanh diện tích đất vừa gieo hạt thuốc phiện để ngăn động vật phá hoại. Sau đó chăm sóc để cây phát triển. Đến chiều ngày 23/3/2021, S thấy một số cây thuốc phiện quả đã già, có thể trích lấy nhựa nên S sử dụng 01 (một) thanh tre kích thước 10,1 x 01 cm một đầu gắn 02 (hai) mảnh dao lam rạch lên từng quả thuốc phiện, mục đích rạch để nhựa ở quả thuốc phiện chảy ra, S rạch theo chiều dọc từ trên xuống dưới của quả thuốc phiện, khi rạch S thấy nhựa từ quả thuốc phiện chảy ra nhưng S không thu lấy nhựa ngay mà để đến Sg ngày 24/3/2021 mới lấy 01 (một) thanh tre kích thước 12,8 x 01 cm cạo số nhựa ở các đường rạch trên quả thuốc phiện theo chiều từ dưới lên trên để thu nhựa cho vào chén thủy tinh kích thước 5 x 4 cm, tiếp đó S dùng 01 (một) mảnh vải kích thước 9 x 9 cm lau số nhựa còn lại bám trên quả thuốc phiện với mục đích cất đi sử dụng, S mang số thuốc phiện đựng trong chén thủy tinh đi phơi dưới trời nắng, khi nhựa khô lại có màu nâu đen thì S chuyển nhựa thuốc phiện sang chén sứ màu xanh kích thước 4,5 x 3,7cm cất trong tủ gỗ của gia đình với mục đích để sử dụng làm thuốc cho người và gia súc. Từ ngày 23/3/2021 đến ngày 29/3/2021, S đã 06 (sáu) lần trích nhựa các quả thuốc phiện (mỗi quả chỉ trích nhựa một lần), thu nhựa về phơi khô để đem cất giấu được 2,736g (hai phẩy bảy trăm ba mươi sáu gam) nhựa thuốc phiện. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H kiểm tra phát hiện thấy số cây thuốc phiện do S trồng ở thửa ruộng cách nhà S 14,2 mét thuộc thôn T, xã S, huyện H, đồng thời tiến hành khám nghiệm hiện trường, lập biên bản thu giữ được 188 (một trăm tám mươi tám) cây thuốc phiện đang nở hoa, có quả, một số quả trên bề mặt có nhiều vết trích. Ngày 30/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H đã ra Quyết định trưng cầu giám định. Tại bản kết luận giám định số 2498/C09-TT2 ngày 08/4/2021 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận. Mẫu gồm các cây thực vật gửi giám định đều có chứa chất Morphine, Codeine, Thebaine, Papaverine và Narcotine. Chất dẻo màu đen gửi giám định là thuốc phiện, khối lượng mẫu: 2,736 gam.
Morphine, Codeine, Thebaine, Papaverine và Narcotine là các alkaloid chính có trong nhựa cây thuốc phiện.
Morphine là chất ma túy nằm trong Danh mục II, STT: 55, Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.
Thebaine là chất ma túy nằm trong Danh mục II, STT: 85, Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Codeine là chất ma túy nằm trong Danh mục II, STT: 93, Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.” (bút lục số 71) Bản kết luận giám định số 2502/C09-TT3 ngày 17/5/2021 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: “Toàn bộ một trăm tám mươi tám (188) cây gửi giám định đều là cây Thuốc phiện (Anh túc, A phiến) có tên khoa học là Papaver somniferum L. Thuộc họ Anh túc. Họ Anh túc có tiên khoa học là: Papaveraceae Juss.” (bút lục số 75).
Mẫu vật gửi giám định Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã sử dụng hết 188 (một trăm tám mươi tám) cây thuốc phiện và 2,514 gam (hai phẩy năm trăm mười bốn gam) thuốc phiện để giám định, hoàn lại 0,222 gam (không phẩy hai trăm hai mươi hai gam) thuốc phiện cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H, tỉnh H.
Tại bản cáo trạng số 12/CT-VKSHSP ngày 13 tháng 8 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện H, tỉnh H đã truy tố bị cáo Ma Văn S về tội “Sản xuất trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa sau khi xem xét, đánh giá chứng cứ, kết quả thẩm vấn tại phiên tòa đã giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị. Hội đồng xét xử:
- Tuyên bố bị cáo Ma Văn S phạm tội “Sản xuất trái phép chất ma túy” - Áp dụng khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự;
- Xử phạt bị cáo mức án từ 24 tháng đến 36 tháng tù.
- Về hình phạt bổ sung: đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 248 Bộ luật hình sự vì bị cáo không có công việc và thu nhập ổn định.
- Về vật chứng: Tịch thu tiêu hủy toàn bộ vật chứng đã thu giữ.
- Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Người bào chữa cho bị cáo Ma Văn S trình bày quan điểm: Hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ ràng, bị cáo cũng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, do vậy Cáo trạng mà Viện kiểm sát truy tố bị cáo là hoàn toàn đúng pháp luật. Bị cáo S đã thật thà khai báo, ăn năn hối cải, là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, bị cáo chiết xuất ma túy mục đích để làm thuốc, chứ không có mục đích khác, năm 1984 bị cáo trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc sau ngày 30/4/1975 và được hưởng trợ cấp một lần theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, vậy đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS “ Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” và điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS “ Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, và khoản 2 Điều 51 BLHS để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Từ những căn cứ trên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo từ 24 đến 26 tháng tù.
Người bào chữa cho bị cáo, bị cáo không có ý kiến gì khác và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Viện kiểm sát nhân dân huyện H không nhất trí với ý kiến của người bào chữa về việc áp dụng điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự “ Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” do tính chất của vụ án không phù hợp để áp dụng điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cho bị cáo.
Bị cáo thực hiện quyền nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án: Bị cáo biết hành vi của bị cáo thực hiện là vi phạm pháp luật, bị cáo bị truy tố, xét xử là đúng, bị cáo rất hối hận và ăn năn về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt, hưởng khoan hồng của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Xét tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thấy rằng: Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị cáo không có khiếu nại về hành vi, quyết định của người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng trong vụ án của Điều tra viên, kiểm sát viên đều hợp pháp.
[2] Trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai của bị báo tại phiên toà phù hợp với lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra và phù hợp với các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ căn cứ để khẳng định bị cáo Ma Văn S, sinh năm 1964, trú tại thôn T, xã S, huyện H, tỉnh H đã có hành vi trồng 188 (một trăm tám mươi tám) cây thuốc phiện tại thửa ruộng cách nhà S 14,2 mét tại thôn T, xã S, huyện H, tỉnh H sau đó đã trích nhựa các quả thuốc phiện thu nhựa về phơi khô được 2,736g (hai phẩy bảy trăm ba mươi sáu gam) nhựa thuốc phiện nhằm cất giữ để sử dụng. Như vậy, hành vi của Ma Văn S đã đủ yếu tố cấu thành tội “ Sản xuất trái pháp chất ma túy” theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự. Viện kiểm sát nhân dân huyện H truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Khoản 1 Điều 248 Bộ luật Hình sự quy định: “1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm...”.
[3] Xét tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến khách thể của tội phạm là chế độ quản lý của Nhà nước về việc chế xuất, điều chế, pha chế chất ma túy. Hành vi sản xuất trái phép chất ma túy là nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật nghiêm cấm, hành vi phạm tội của bị cáo còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Do vậy Hội đồng xét xử xét thấy cần phải xử phạt bị cáo mức án tương xứng với hành vi, phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội mà bị cáo gây ra, cần thiết áp dụng hình phạt tù có thời hạn, cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhất định mới có tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo nói riêng và góp phần răn đe, đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung.
[4] Xét các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình. Do đó, bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử xét thấy cần căn cứ khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự coi các tình tiết bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và bị cáo đã trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc sau ngày 30/4/1975 và được hưởng trợ cấp một lần theo quyết định của Thủ tướng chính phủ là các tình tiết giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo. Hội đồng xét xử không chấp nhận áp dụng điểm h Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cho bị cáo.
[6] Về nhân thân: Ngày 01/9/2011 bị Công an huyện H, tỉnh H ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi Đánh bạc nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học mà vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật thể hiện bị cáo không có ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật.
[7] Về vật chứng của vụ án: Vật chứng vụ án gồm 01 (một) phong bì màu trắng đã niêm phong, có dấu tròn đỏ của Viện khoa học hình sự Bộ Công an và chữ ký của các thành phần tham gia, hai mặt phong bì in dòng chữ “Mẫu vật hoàn trả sau giám định” bên trong có: 01 (một) mảnh tre màu đen có kích thước 10,1 x 01 cm; 01 (một) mảnh tre màu đen có kích thước 12,8 x 0,1 cm; 01 (một) chén thủy tinh kích thước 05 x 04 cm; 01 (một) chén sứ màu xanh, có kích thước 4,5 x 3,7 cm; 0,222 gam Thuốc phiện; 01 (một) mảnh vải có kích thước 09 x 09 cm bám dính chất dẻo màu đen. Đây là công cụ phương tiện phạm tội không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy.
[8] Về án phí: Bị cáo có đơn xin miễn án phí. Xét thấy bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó cần cho bị cáo được miễn án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
[9] Về hình phạt bổ sung: xét thấy bị cáo là lao động tự do không có việc làm và thu nhập ổn định nên không áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo.
Bởi các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
* Căn cứ vào khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự;
* Tuyên bố: Bị cáo Ma Văn S phạm tội “ Sản xuất trái phép chất ma túy”
* Xử phạt: Bị cáo Ma Văn S 24 ( Hai mươi tư ) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
* Về xử lý vật chứng: Căn cứ vào Điều 47 Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tịch thu tiêu hủy các vật chứng gồm: 01 (một) phong bì màu trắng đã niêm phong, có dấu tròn đỏ của Viện khoa học hình sự Bộ Công an và chữ ký của các thành phần tham gia, hai mặt phong bì in dòng chữ “Mẫu vật hoàn trả sau giám định” bên trong có: 01 (một) mảnh tre màu đen có kích thước 10,1 x 01 cm; 01 (một) mảnh tre màu đen có kích thước 12,8 x 0,1 cm;
01 (một) chén thủy tinh kích thước 05 x 04 cm; 01 (một) chén sứ màu xanh, có kích thước 4,5 x 3,7 cm; 0,222 gam Thuốc phiện; 01 (một) mảnh vải có kích thước 09 x 09 cm bám dính chất dẻo màu đen.
(Tình trạng vật chứng như biên bản bàn giao giữa Công an huyện H và Chi cục thi hành án dân sự huyện H ngày 13/8/2021).
* Về án phí: Căn cứ điểm đ Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễm, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Bị cáo Ma Văn S được miễn tiền án phí hình sự sơ thẩm.
* Về hình phạt bổ sung: không áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo.
* Quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331, Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự. Báo cho bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án 13/2021/HS-ST ngày 31/08/2021 về tội sản xuất trái phép chất ma túy
Số hiệu: | 13/2021/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Hoàng Su Phì - Hà Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 31/08/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về