TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH CHÁNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 13/2020/LĐ-ST NGÀY 29/09/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG TAI NẠN LAO ĐỘNG VÀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 29 tháng 9 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 155/2020/TLST-DS ngày 29 tháng 4 năm 2020 về tranh chấp “Bồi thường tai nạn lao động và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 191/2020/QĐXXST- LĐ ngày 04 tháng 8 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 200/2020/QĐST-LĐ ngày 03 tháng 9 năm 2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Trần Xuân T, sinh năm: 1987 Địa chỉ: Số D18/52 ấp M, xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Văn T1, sinh năm: 1988 – là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Địa chỉ: Số A14/11 đường X, thị trấn Y, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
(Văn bản ủy quyền ngày 25/4/2017 lập tại Văn phòng Công chứng A) (Có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Đức Thắng Y – Luật sư của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Q – Chi nhánh B thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt) Minh.
2. Bị đơn: Công ty Cổ phần Sản xuất P Địa chỉ trụ sở chính: Số 95 đường H phường I, quận K, Thành phố Hồ Chí
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Phạm Thị D, sinh năm: 1958 – Chức danh: Giám đốc – là người đại diện theo pháp luật của bị đơn (Vắng mặt)
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Thái Quang V, sinh năm: 1980 Địa chỉ: Số 29/2 đường O, phường C, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. (Vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện đề ngày 09/11/2016, trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Lê Văn T1 trình bày:
Từ ngày 15/09/2013, ông T bắt đầu vào làm việc tại Công ty Cổ phần Sản xuất P (sau đây gọi tắt là công ty P) với mức lương 6.000.000 đồng/tháng, hai bên không có ký hợp đồng lao động và công ty P không đóng bảo hiểm xã hội hay bất cứ khoản nào khác cho ông T.
Khoảng 15 giờ ngày 06/02/2016, tại xưởng sản xuất thuộc Chi nhánh của Công ty P (Địa chỉ: F9/68D ấp R, xã N, huyện B) khi ông T đang thử máy chuyền nhựa thấy vật liệu bị kẹt trong máy, ông T vào sửa chữa thì bị máy cuốn găng tay đang đeo (găng tay là vật dụng bảo hộ lao động bắt buộc phải đeo) và máy cuốn luôn cánh tay phải của ông T. Do sức hút và sức ép của máy quá lớn nên cánh tay phải của ông T đã bị dập nát, phải nhập viện điều trị cắt cánh tay để giữ tính mạng (tỉ lệ thương tật 65%). Sau khi bị tai nạn, công ty P có hỗ trợ cho ông T 16.400.000 đồng (bao gồm tiền viện phí, tiền thuốc…). Ông T nhiều lần yêu cầu Công ty P bồi thường nhưng Công ty P đã từ chối. Ngày 04/08/2016, công ty cho ông T nghỉ việc không lý do.
Nay nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết:
1. Yêu cầu công ty P bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn lao động theo quy định do bị suy giảm 65% khả năng lao động là 141.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi mốt triệu đồng).
2. Yêu cầu công ty P thanh toán tiền lương từ khi công ty cho ông T nghỉ việc, do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Tạm tính từ ngày 04/8/2016 đến ngày 18/6/2020 là 6.000.000 đồng x 45 tháng = 270.000.000 đồng (Hai trăm bảy mươi triệu đồng).
Tổng cộng số tiền yêu cầu công ty P có nghĩa vụ thanh toán là 411.000.000 đồng (Bốn trăm mười một triệu đồng), trả một lần ngay sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Tại phiên tòa, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể như sau:
− Yêu cầu công ty P trả trợ cấp cho ông T với số tiền là 56.400.000 đồng (Năm mươi sáu triệu bốn trăm ngàn đồng) theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 04/2015/TTBLĐ-TB-XH ngày 12/02/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
− Yêu cầu công ty P trả chế độ bảo hiểm xã hội thay cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư số 04/2015/TTBLĐ-TB-XH ngày 12/02/2015 trên và Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Tại bản tự khai ngày 10/01/2017 và trong quá trình giải quyết, bị đơn công ty P trình bày:
Trước năm 2015, ông Trần Xuân T có đến công ty P xin việc làm thợ chạy dây đai, công ty đã ký hợp đồng thử việc với ông T. Kết thúc thời gian thử việc, công ty có đề nghị ông T ký tiếp hợp đồng lao động theo quy định, tuy nhiên ông T không đồng ý vì sợ trách nhiệm và không muốn nộp một phần bảo hiểm xã hội. Mặt khác, ông T còn nhiều mối làm ăn khác bên ngoài (môi giới, mua bán, sửa chữa máy móc) và đề nghị công ty chỉ hợp đồng khoán việc “bằng miệng” về việc sửa chữa máy móc thiết bị tại công ty. Cụ thể ông T sẽ sửa chữa toàn bộ máy móc thiết bị bất kể khi nào máy hỏng (kể cả ngày đêm), ông T vẫn có thể đi làm ăn các mối riêng của mình mà không phải chịu sức ép về giờ giấc làm việc tại Công ty.
Trong thời gian ông T làm việc, máy móc chạy không ổn định, rất hay hỏng, phải thay nhiều linh kiện (toàn bộ do ông T đi mua và về bán lại cho công ty) và thời gian sửa chữa máy móc của ông T cũng vì thế mà tăng nhiều. Công ty P vì thế mà cũng phải chịu một khoản phí sửa chữa lớn (tiền công trả cho việc sửa chữa máy móc của ông T và thiết bị do ông T bán lại) nên đến cuối năm 2015, công ty quyết định thay toàn bộ máy mới. Trong đó công ty có mua 01 băng tải trục vít dùng để đưa nhựa lên. Ông T chính là người môi giới cho công ty mua thiết bị này của ông H1 (là anh em họ của T) và ông T đảm bảo thiết bị này chạy trước Tết nguyên đán 2016.
Ngày 28/12/2015 âm lịch (cận Tết nguyên đán), công ty P ngừng hoạt động để dọn dẹp, đã tổ chức tất niên và nghỉ Tết. Toàn bộ công nhân đã nghỉ và về quê ăn Tết chỉ còn một vài người ở lại trông coi xưởng. Ông T tự ý vào xưởng ngày này, vận hành thử thiết bị và đến chiều cùng ngày thì ông T xảy ra tai nạn đối với chính thiết bị nêu trên. Phía công ty đã chở ông T đi cấp cứu và cũng hỗ trợ tiền viện phí, thuốc men, thuê người chăm lo và động viên tinh thần, vật chất cho ông T số tiền 16.400.000 đồng (Mười sáu triệu bốn trăm ngàn đồng).
Sau khi xuất viện, mặc dù không làm được gì nhưng hàng tháng công ty vẫn phát lương đầy đủ cho ông T là 6.000.000 đồng (Sáu triệu đồng).
Nay công ty P không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T đưa ra vì các lý do như sau:
- Ông T không phải là nhân viên của công ty P, chỉ là một lao động sửa chữa máy móc, công ty P không có ký hợp đồng lao động với ông T.
- Ông T tự ý vào công ty vào ngày 06/02/2016 và tự ý vận hành thử máy đã môi giới bán cho chúng tôi, trong khi đó không được người có thẩm quyền của công ty P yêu cầu vì ngày xảy ra tai nạn thì công ty đã nghỉ tết, không còn làm việc.
- Công ty P đã hỗ trợ tiền viện phí, thuốc men, thuê người chăm lo và động viên tinh thần, vật chất cho ông T với số tiền là 16.400.000 đồng.
Tại biên bản lấy lời khai ngày 03/5/2019 và trong quá trình giải quyết, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Quang V trình bày:
Ông Nguyễn Quang V là con ruột của bà Phạm Thị d (là người đại diện theo pháp luật của công ty P). Ông V hiện công tác tại Cục quản lý chất lượng thủy sản, không phụ trách bất kỳ công việc hay chức vụ gì trong công ty P từ khi thành lập cho đến nay. Về việc ông Trần Xuân T tự ý vào sửa chữa máy móc, ông V xác định không có việc ông yêu cầu ông T vào sửa chữa máy móc. Ông V đồng ý và thống nhất với ý kiến của bị đơn.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các đương sự có đủ cơ sở xác định nguyên đơn ông Trần Xuân T là người lao động của công ty P, bắt đầu làm việc từ ngày 15/9/2013 đến ngày 04/8/2016 (tương ứng 02 năm 10 tháng 19 ngày). Công việc được giao là kỹ thuật sửa chữa và bảo trì máy; với mức lương là 6.000.000 đồng/tháng.
Căn cứ khoản 1 Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động…”. Theo lời khai của ông T, ông D1, ông Q1 thì có cơ sở xác định ông T cùng với ông Q1 và ông D1 vào xưởng sửa máy theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Quang V. Mặc dù, trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện của công ty P một mực phủ nhận ông T không phải là nhân viên của công ty và không được lãnh đạo của công ty phân công làm việc vào ngày 06/02/2016 nhưng từ các tài liệu, chứng cứ nguyên đơn giao nộp thì thực tế ông T bị tai nạn, mất cánh tay (P) xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ được phân công.
Căn cứ Điều 144, Điều 145 của Bộ luật Lao động năm 2012 và Biên bản giám định thương tật số 0042-16/GĐYK-YC ngày 13/10/2016 của Hội đồng giám định y khoa Thành phố Hồ Chí Minh thì ông T bị suy giảm khả năng lao động 65%. Do đó, ông T yêu cầu công ty P bồi thường tai nạn lao động cho ông T với số tiền 141.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi mốt triệu đồng) là phù hợp với quy định tại Điều 3 Thông tư số 04/2015/TTBLĐ-TB-XH ngày 12/02/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đối với yêu cầu công ty P thanh toán tiền lương kể từ khi công ty cho ông T nghỉ đến nay do công ty P đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với ông T từ ngày 04/8/2016 đến ngày xét xử vụ án 29/9/2020 với số tiền 299.000.000 đồng (Hai trăm chín mươi chín triệu đồng). Căn cứ lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của công ty P trong quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm thì công ty P cho ông T nghỉ việc vì ông T đã làm đơn khiếu nại vụ việc tai nạn lao động đến Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, đây không phải là căn cứ để người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà pháp luật lao động quy định. Theo lời trình bày của ông T thì ngày 04/8/2016, sau khi ông T quay trở lại làm việc thì ông V và bà Ngô Thị T2 – là kế toán công ty không cho ông T vào công ty làm việc và yêu cầu ông T nhận lương tháng 7/2016 rồi nghỉ việc.
Vì vậy, căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 38 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì có đủ căn cứ công ty P đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định và không thông báo trước cho ông T biết. Căn cứ Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 thì ông T yêu cầu công ty P phải bồi thường số tiền trong những ngày làm việc từ ngày 04/8/2016 đến ngày xét xử vụ án 29/9/2020 là 299.000.000 đồng (Hai trăm chín mươi chín triệu đồng) là phù hợp theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
− Về tố tụng:
Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án và Thư ký Tòa án đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định về thẩm quyền thụ lý; Hội đồng xét xử, Thư ký tại phiên tòa đã tuân theo đúng các quy định về việc xét xử sơ thẩm vụ án; tuy nhiên còn chưa đảm bảo về thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án các đương sự thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật, bị đơn chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định.
− Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc công ty Cổ phần Sản xuất P có nghĩa vụ thanh toán bồi thường thiệt hại tai nạn lao động tương ứng với tỷ lệ mức suy giảm khả năng lao động 65% là 141.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi mốt triệu đồng) cho ông Trần Xuân T.
Không chấp nhận yêu cầu công ty cổ phần P thanh toán tiền lương từ khi công ty cho ông T nghỉ việc đến khi xét xử sơ thẩm.
Đình chỉ yêu cầu công ty P trả chế độ bảo hiểm xã hội thay cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 thông tư trên và Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Ông Trần Xuân T khởi kiện yêu cầu Công ty Cổ phần Sản xuất P bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên đây là tranh chấp về lao động được quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 35 và điểm đ khoản 1 Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Về sự có mặt của các đương sự tại phiên tòa:
Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, người đại diện theo pháp luật của bị đơn công ty Ninh Phát bà Phạm Thị D và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Thái Quang V vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Do đó, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
[3] Về nội dung:
[3.1] Theo lời trình bày của nguyên đơn thì ông T vào làm việc tại công ty P từ ngày 15/9/2013, đảm nhận nhiệm vụ kỹ thuật sửa chữa và bảo trì máy, với mức lương là 6.000.000 đồng (Sáu triệu đồng)/tháng nhưng không ký hợp đồng lao động. Hàng tháng công ty chỉ trả lương và không đóng bất kỳ khoản bảo hiểm nào. Bị đơn công ty P cũng thừa nhận nguyên đơn có đến xin việc làm thợ chạy dây đai, công ty có ký hợp đồng thử việc với ông T. Kết thúc thời gian thử việc ông T vẫn được công ty cho làm việc tại đây. Căn cứ các bảng chấm công từ tháng 02/2015 đến tháng 02/2016 do công ty P xuất trình thì trên danh sách nhận lương có tên của ông T;
nhận đủ lương 12 tháng kể cả tiền tăng ca, làm thêm giờ. Mặc dù, các bên không có thực hiện giao kết hợp đồng lao động nhưng theo quy định tại các Điều 15, 16, 18, 22, 23, 26, 27 và Điều 29 của Bộ luật Lao động năm 2012; Hội đồng xét xử xét thấy có cơ sở xác định ông Trần Xuân T là người lao động thuộc công ty P với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
[3.2] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn lao động Ngày 06/02/2016 (nhằm ngày 28 Tết âm lịch) tại xưởng sản xuất chi nhánh công ty P tại số F9/68D ấp R, xã N, huyện B; ông Trần Xuân T cùng hai người lao động khác ông Lý D1 và ông Trịnh Văn Q1 đang sửa chữa, vận hành máy chuyển nhựa thì tại nạn lao động xảy ra đối với ông T. Do sức hút, sức ép của máy quá lớn nên 1/3 cánh tay phải của ông T bị dập nát phải cắt bỏ với tỷ lệ thương tật được giám định là 65% (theo biên bản giám định thương tật số 0042-16/GĐYK-YC ngày 13/10/2016 của Hội đồng giám định y khoa Thành phố Hồ Chí Minh). Căn cứ vào khoản 1 Điều 12 và khoản 3 Điều 13 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời gian làm việc, nghỉ ngơi và an toàn lao động quy định:
“Điều 12. Tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng 1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc…” “Điều 13. Khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo, bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng 3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…” Hội đồng xét xử xét thấy việc vận hành máy do ông T thực hiện và trong lúc sửa chữa tay bị cuốn vào máy là sự kiện có thật và hai bên đều thừa nhận. Sự việc xảy ra trong phạm vi của công ty; công ty phải có trách nhiệm quản lý kho xưởng, trường hợp công ty biết nhưng không có hành vi ngăn cản người lao động sửa chữa máy móc cũng xem như chấp thuận cho người lao động thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, còn có lời khai của hai nhân chứng ông Lý D1 và ông Trịnh Văn Q1 về việc công ty có yêu cầu ông Trần Xuân T, ông Lý D1, ông Trịnh Văn Q vào khu xưởng sản xuất vận hành thử máy ép nhựa để đảm bảo máy chạy tốt ra Tết cho công nhân làm việc. Việc bị đơn cho rằng không có yêu cầu ông T vào sửa máy móc là không có cơ sở. Căn cứ những quy định nêu trên Hội đồng xét xử xét thấy có tai nạn lao động xảy ra tại nơi làm việc và người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường đối với người bị tai nạn lao động là có cơ sở.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04/2015/TTBLĐ- TB-XH ngày 12/02/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định:
“Điều 3. Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1. Đối tượng được bồi thường:
a) Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;…” “Điều 6. Tiền lương làm căn cứ tính bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1. Tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động xảy ra hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp. Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động, thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp…”
Hội đồng xét xử xét thấy số tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán bồi thường thiệt hại tai nạn lao động tương ứng với tỷ lệ mức suy giảm khả năng lao động 65% là 141.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi mốt triệu đồng) phù hợp với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2015/TTBLĐ-TB-XH ngày 12/02/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cụ thể như sau:
“Điều 3. Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 3. Mức bồi thường: Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này được tính như sau:
b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này:
Tbt = 1,5 + {(65 - 10) x 0,4} = 23,5 (tháng tiền lương) x 6.000.000 đồng/tháng = 141.000.000 đồng…” Do đó Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
[3.3] Đối với yêu cầu thanh toán tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Ngày 06/02/2016, nguyên đơn xảy ra tai nạn lao động và được đưa điều trị tại Bệnh viện C1. Ngày 07/02/2016, nguyên đơn được ra viện. Căn cứ Biên bản đối chất ngày 15/5/2019, ông T xác nhận sau khi xảy ra tai nạn lao động vẫn được công ty P trả đủ tiền lương đến ngày 04/8/2016.
Do đó, sau khi xảy ra tai nạn lao động công ty P vẫn tiếp tục cho ông T đến công ty làm việc và trả đủ tiền lương hàng tháng theo thỏa thuận của các bên. Việc nguyên đơn cho rằng bà Ngô Thị T2 là kế toán của công ty thông báo miệng về việc cho ông T nghỉ việc, không ra quyết định hay bất cứ văn bản nào thể hiện công ty cho ông T thôi việc là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là không có cơ sở. Bởi lẽ, người sử dụng lao động của công ty Ninh Phát do bà Phạm Thị D là người đại diên theo pháp luật của công ty và cũng là người có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 38 của Bộ luật Lao động năm 2012, bà T2 không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T. Căn cứ vào Điều 39 và Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2012, Hội đồng xét xử xét thấy người sử dụng lao động vẫn tiếp tục cho người lao động bị tai nạn lao động vào làm việc và trả lương đầy đủ, không thể hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; ngoài ra, nguyên đơn không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông T. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
[4] Từ những phân tích, nhận định nêu trên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn có nghĩa vụ thanh toán bồi thường thiệt hại tai nạn lao động tương ứng với tỷ lệ mức suy giảm khả năng lao động 65% là 141.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi mốt triệu đồng).
Đình chỉ yêu cầu công ty P trả trợ cấp cho ông T và trả chế độ bảo hiểm xã hội thay cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 4 và khoản 4 Điều 5 Thông tư số 04/2015/TTBLĐ-TB-XH ngày 12/02/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2016.
[5] Về án phí: Bị đơn phải chịu án phí lao động sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào:
Khoản 1, khoản 3 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm đ khoản 1 Điều 40; khoản 1 Điều 147; Điều 227; Điều 228 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Điều 15, 16, 18, 22, 23, 26, 27, 29, 39 và Điều 41 cảu Bộ luật lao động 2012; Khoản 1 Điều 12 và khoản 3 Điều 13 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời gian làm việc, nghỉ ngơi và an toàn lao động; Khoản 1, điểm b khoản 3 Điều 3 và khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04/2015/TTBLĐ- TB-XH ngày 12/02/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Điểm a khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tuyên xử:
I. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.
1. Buộc công ty Cổ phần Sản xuất P có nghĩa vụ thanh toán bồi thường thiệt hại tai nạn lao động tương ứng với tỷ lệ mức suy giảm khả năng lao động 65% là 141.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi mốt triệu đồng) cho ông Trần Xuân T.
2. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu công ty Cổ phần Sản xuất P thanh toán tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
4. Đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu công ty Cổ phần Sản xuất P trả trợ cấp cho ông T và trả chế độ bảo hiểm xã hội thay cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
5. Về án phí: Công ty Cổ phần Sản xuất P chịu án phí lao động sơ thẩm là 4.230.000 đồng (Bốn triệu hai trăm ba mươi nghìn đồng).
II. Nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,7a và 9 của Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Bản án 13/2020/LĐ-ST ngày 29/09/2020 về tranh chấp bồi thường tai nạn lao động và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 13/2020/LĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bình Chánh - Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 29/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về