Bản án 13/2019/HS-PT ngày 20/02/2019 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 13/2019/HS-PT NGÀY 20/02/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐB

Ngày 20/02/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm đã thụ lý số: 89/2018/TLPT-HS ngày 05/12/2018 đối với bị cáo Hoàng Bích S; do có kháng cáo của bị cáo Hoàng Bích S đối với bản án hình sự sơ thẩm số 47/2018/HSST ngày 10/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Bị cáo có kháng cáo: Hoàng Bích S; sinh ngày 27/12/1980; Nơi cư trú: thôn N, xã Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; chỗ ở hiện nay: tổ dân phố 7, phường B, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Lái máy công trình; trình độ văn hóa: lớp 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Hoàng Hữu N và bà Hoàng Thị T; có vợ: Nguyễn Thị X, có 01 đứa con sinh năm 2008; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: tốt; bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo (Bào chữa theo yêu cầu của bị cáo):

+ Ông Lê Minh T - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư H, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình; địa chỉ: số N đường T, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

+ Ông Vũ Xuân H - Luật sư, Tư vấn viên Chi nhánh trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên tại tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Tổng công ty đường sắt Việt Nam; người đại diện theo uỷ quyền - Ông Lê Quang V, Phó giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt N (địa chỉ: số M, đường L, phường Q, thành phố V, tỉnh Nghệ An). Theo văn bản ủy quyền số 2672/UQ-ĐS, ngày 11/9/2017 của Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Ông Lê Quang V có mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Ông Trần Văn C, sinh năm 1968; trú tại: tổ dân phố H, phường B, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

- Những người khác được Toà án triệu tập tham gia phiên toà:

+ Công ty cổ phần quản lý đường sắt Q; địa chỉ số K đường T, phường N, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình; người đại diện theo uỷ quyền: Ông Trương Hữu M - Phó giám đốc Công ty. Có mặt.

+ UBND xã C, huyện B, tỉnh Quảng Bình.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Văn Đ - Trưởng Công an xã C. Có mặt.

+ Ông Trần Thanh V, trú tại thôn Đ, xã Đ, huyện B, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt (có đơn xin vắng mặt).

+ Ông Hà Minh T, trú tại: số L, phố K, phường P, quận Đ, thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

+ Ông Hồ Bá V, sinh năm 1953; trú tại: thôn M, xã C, huyện B, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hoàng Bích S có bằng nghề sử dụng máy công trình do Trường trung cấp kỹ thuật Công nông nghiệp Quảng Bình cấp ngày 23/3/2006, được ông Trần Văn C thuê lái máy đào bánh lốp hiệu DOOSAN đi phá thanh tà vẹt bê tông đường sắt (do Công ty đường sắt bán thanh lý) để lấy lõi sắt. Sáng ngày 03/9/2017 theo sự chỉ dẫn của ông C, S điều khiển máy đào đến khu vực lối đi dân sinh giao cắt với đường sắt tại km 492+675 thuộc thôn M, xã C, huyện B và tiến hành phá được 15 thanh tà vẹt. Đến khoảng 07 giờ 20 phút cùng ngày, S lại điều khiển máy đào đến lối đi dân sinh giao nhau với đường sắt tại km 491+820,5m (khu gian đường sắt N - T) để đi qua bên kia đường sắt tiếp tục đập phá thanh tà vẹt. Khi máy đào đi đến sát đường sắt, bánh trước chạm thanh ray đường sắt, cần cẩu đã ra giữa đường sắt thì S phát hiện thấy tàu khách SE3 do anh Hà Minh T điều khiển hành trình từ thành phố Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện tại khúc cua cách lối đi dân sinh khoảng 200m về phía Ga N. S đạp hết ga cho máy đào chạy tiếp để qua đường sắt, cùng lúc này anh Hà Minh T đang điều khiển tàu SE3 chạy với tốc độ 58 Km/giờ, thấy phía trước có chướng ngại vật nên đã xử lý phanh gấp, tốc độ xuống còn 50km/giờ nhưng tàu SE3 vẫn theo đà tiếp tục chạy tới phía trước và đã va chạm vào phía sau máy đào bánh lốp hiệu DOOSAN gây tai nạn.

Tại bản giám định số 784/GĐ-PC54 ngày 19/9/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình, kết luận: Đã xảy ra va chạm giữa đầu máy D19E-943, toa xe VNRC HC 61576 của tàu hỏa SE3 với máy đào bánh lốp, nhãn hiệu DOOSAN. Đầu máy D19E-943 va chạm với máy đào DOOSAN theo hướng từ trái sang phải so với trục chuyển động của máy đào. Điểm va chạm đầu tiên là phần đầu máy bên trái, phía trước buồng lái 1 của đầu máy D19E-943 và phần sau bên trái khoang động cơ, phần bên trái lưỡi gạt, lốp ngoài bánh sau bên trái của máy đào DOOSAN.

Hậu quả vụ tai nạn: Hoàng Bích S bị thương nhẹ; đầu máy tàu SE3 bị ngã nghiêng sang phải, 02 toa xe tàu SE3 bị trật khỏi đường ray, nhiều thanh đường ray và thanh tà vẹt bị hư hỏng, máy đào bị hư hỏng nặng. Tại bản kết luận định giá tài sản số: 1178/STC-GCS ngày 12/4/2018 của Sở tài chính tỉnh Quảng Bình, kết luận: Thiệt hại hư hỏng của Đầu máy tàu SE3 hiệu D19E-943 bị tai nạn do va chạm với máy đào bánh lốp hiệu DOOSAN là 1.432.295.915 đồng (Một tỷ bốn trăm ba mươi hai triệu, hai trăm chín mươi lăm nghìn, chín trăm mười lăm đồng); Thiệt hại hư hỏng 03 toa xe tàu hỏa số: VNR HC 61576, VNR A 31454, VNR B 41540 là 798.072.580 đồng (Bảy trăm chín mươi tám triệu, không trăm bảy mươi hai nghìn, năm trăm tám mươi đồng); Tài sản thiệt hại về đường sắt: 02 thanh đường ray bị công vênh có tổng chiều dài 50m, 76 thanh tà vẹt bê tông. Chi phí sửa chữa đoạn đường sắt bị hư hỏng là 413.202.000 đồng (Bốn trăm mươi ba triệu, hai trăm linh hai nghìn đồng chẵn). Thiệt hại theo kết quả định giá là 2.643.570.495 đồng. Ngoài ra ngành đường sắt còn kê khai những thiệt hại liên quan khác (chi phí cứu viện, chi phí chuyển tải,…) là 491.661.153 đồng. Tổng thiệt hại là 3.135.231.648 đồng (ba tỷ, một trăm ba mươi lăm triệu, hai trăm ba mốt nghìn, sáu trăm bốn mươi tám đồng).

Trách nhiệm dân sự: Tổng Công ty đường sắt Việt Nam yêu cầu bồi thường 3.135.231.648 đồng (Trong đó: Thiệt hại thực tế về tài sản theo kết quả định giá là 2.643.570.495 đồng, thiệt hại liên quan khác theo báo cáo của ngành đường sắt là 491.661.153 đồng). Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo S thoả thuận chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại theo yêu cầu của nguyên đơn dân sự; bị cáo đã tự nguyện bồi thường 15.000.000 đồng; ông Trần Văn C chủ máy đào đã bồi thường thay cho bị cáo 319.833.000 đồng. Số tiền còn phải bồi thường là 2.800.398.648 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 47/2018/HSST ngày 10 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch đã tuyên bố bị cáo Hoàng Bích S phạm tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Áp dụng khoản 3 Điều 202; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự 1999, khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015; mục a, b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, xử phạt bị cáo 36 tháng tù. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 BLHS năm 2015; các Điều 357, 468, 584, 585, 589 và 601 của Bộ luật dân sự, buộc bị cáo S phải bồi thường thiệt hại cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam số tiền 3.135.231.648 đồng, được trừ đi số tiền bị cáo đã bồi thường 15.000.000 đồng và số tiền anh Trần Văn C đã bồi thường 319.833.000 đồng, còn lại 2.800.398.648 đồng buộc bị cáo S tiếp tục bồi thường. Ngoài ra, bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/10/2018, bị cáo Hoàng Bích S có đơn kháng cáo cho rằng trong vụ án có một số cơ quan và cá nhân quan trọng có liên quan nhưng không được điều tra làm rõ, đặc biệt là UBND xã C và một số nhân chứng vắng mặt nhưng Toà án vẫn tiến hành xét xử; bị cáo chỉ là người làm thuê, làm việc theo hướng dẫn và chỉ đạo của ông C (chủ máy đào) nhưng hậu quả xẩy ra thì một mình bị cáo phải chịu trách nhiệm cả về trách nhiệm hình sự lẫn trách nhiệm dân sự là không đúng; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan như ai đã cấp phép cho ông C phá thanh tà vẹt; làm rõ trách nhiệm của UBND xã C vì UBND xã C được giao quản lý, bảo vệ các lối đi dân sinh nhưng đã thiếu trách nhiệm để 04 thanh tà vẹt cắm thu hẹp lối đi bị mất dẫn đến máy đào của bị cáo mới đi qua. Vì vậy, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch để điều tra, xét xử lại.

- Tại phiên toà phúc thẩm:

Bị cáo Hoàng Bích S rút các nội dung kháng cáo về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo và các tổ chức, cá nhân khác. Bị cáo chỉ kháng cáo phần trách nhiệm dân sự, bị cáo đề nghị Toà án xem xét phần bồi thường thiệt hại. Bị cáo cho rằng bị cáo cáo chỉ là người làm thuê cho ông Trần Văn C nên khi có thiệt hại xẩy ra thì ông C (chủ phương tiện) phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam chứ không phải bị cáo.

Luật sư Vũ Xuân H đồng tình với việc bị Hoàng Bích S rút kháng cáo về phần trách nhiệm hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm của ngành đường sắt vì không có phương án phòng vệ, cảnh báo và hướng dẫn bị cáo tuân thủ các quy trình về an toàn giao thông đường sắt; xem xét trách nhiệm của ông Trần Thanh V (là người đã thuê ông C phá thanh tà vẹt). Về trách nhiệm dân sự, bị cáo S chỉ là người làm thuê cho ông C nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường, ông C là chủ phương tiện nên phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định. Trong vụ án này Toà án sơ thẩm xác định tư cách tham gia tố tụng của ông Trần Văn C là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng mà cần xác định ông C là bị đơn dân sự mới đúng.

Luật sư Lê Minh T cũng đồng tình với việc bị Hoàng Bích S rút kháng cáo về phần trách nhiệm hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử buộc ông Trần Văn C là chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.

Ông Trần Văn C trình bày việc bị cáo S lái xe đi qua đường tàu gây ra tai nạn thì bị cáo S phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không thể đỗ lỗi cho người khác. Về trách nhiệm dân sự, ông C chấp nhận một phần trách nhiệm thuộc về ông, nên ông C xin chịu bồi thường khoảng 1/3 số tiền. Tuy nhiên tại phiên toà bị cáo S không chấp nhận yêu cầu của ông nên đề nghị Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật. Ông C đề nghị Toà án buộc bị cáo Hoàng Bích S, UBND xã C, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại với ông.

Đại diện UBND xã C trình bày: UBND xã đã cố gắng rất nhiều trong việc góp phần bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Việc hai thanh tà vẹt giới hạn thu hẹp đường đi bị mất cắp là nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, hậu quả xẩy ra tai nạn không thể đỗ lỗi cho việc bị mất hai thanh tà vẹt giới hạn lối đi. Vì vậy UBND xã không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam yêu cầu được bồi thường đầy đủ thiệt hại, còn việc Toà án buộc ai bồi thường thì Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đều chấp nhận. Trong vụ án này thì Tổng Công ty đường sắt Việt Nam không có lỗi gì nên đề nghị Toà án không chấp nhận yêu cầu của ông C về việc buộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam phải chịu trách nhiệm một phần.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình phát biểu quan điểm: Đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo về trách nhiệm hình sự; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Bích S để sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự, áp dụng các Điều 355, 356, 357, 584, 589, 600 của BLDS năm 2015 buộc ông Trần Văn C phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam số tiền còn lại là 2.800.398.648 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Bị cáo Hoàng Bích S là người có đủ điều kiện để sử dụng, điều khiển máy công trình. Ngày 03/9/2017 ông Trần Văn C thuê bị cáo Hoàng Bích S lái máy đào bánh lốp của gia đình ông C đi đập phá thanh tà vẹt đường sắt do Công ty đường sắt bán thanh lý để lấy lõi sắt. Trong quá trình thực hiện công việc đập phá thanh tà vẹt, đến khoảng 07 giờ 20 phút cùng ngày, Sơn điều khiển máy đào đến lối đi dân sinh giao nhau với đường sắt tại km 491+820,5m (khu gian đường sắt N - T) để đi qua bên kia đường sắt tiếp tục đập phá thanh tà vẹt. Do không tuân thủ các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là các quy định về điều khiển phương tiện đi trên lối đi dân sinh giao nhau với đường sắt nên đã xảy ra va chạm giữa máy đào do Hoàng Bích S trực tiếp điều khiển với tàu khách SE3. Hậu quả vụ tai nạn đã gây thiệt hại cho Ngành đường sắt tổng số tiền 3.135.231.648 đồng.

Hành vi trên của Hoàng Bích S đã phạm vào tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 3 Điều 202 của Bộ luật hình sự năm 1999. Án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch đã xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Hoàng Bích S nhận thấy việc Toà án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là không oan, mức án 36 tháng tù là thoả đáng, nên tự nguyện rút phần kháng cáo về trách nhiệm hình sự, vì vậy Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 342 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để đình chỉ xét xử phần kháng cáo về trách nhiệm hình sự của bị cáo.

[2]. Đối với UBND xã C (địa phương nơi xảy ra vụ tai nạn) và Công ty quản lý đường sắt Quảng Bình. Theo Quy chế phối hợp số 05/QCPH-BGTVT-UBND ngày 25/3/2013 giữa Bộ giao thông vận tải với UBND tỉnh Quảng Bình trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thì UBND xã có trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn,…; Công ty quản lý đường sắt chịu trách nhiệm cắm biển báo, dùng biện pháp thu hẹp lối đi để cấm các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trừ xe máy) qua lại,…

Theo đó, Công ty đường sắt đã cắm biển báo “Chú ý tàu hoả” và dùng thanh tà vẹt để cắm thu hẹp lối đi dân sinh để đảm bảo an toàn. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn thì các thanh tà vẹt thu hẹp lối đi đã bị mất cắp. Theo ý kiến của các luật sư và bị cáo cho rằng: “Nếu các thanh tà vẹt thu hẹp lối đi không bị mất thì bị cáo sẽ không điều khiển xe đào bánh lốp đi qua đường sắt được và sẽ không xảy ra tai nạn”. Hội đồng xét xử thấy rằng bị cáo là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì phải có trách nhiệm chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông. Mặc dù các thanh tà vẹt dùng để thu hẹp lối đi bị mất, nhưng khi nhìn thấy biển báo “Chú ý tàu hoả” và khi điều khiển phương tiện đi qua đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải quan sát từ hai phía, khi đảm bảo an toàn mới được phép điều khiển phương tiện đi qua đường sắt. Trong trường hợp này không thể đỗ lỗi cho Công ty quản lý đường sắt Quảng Bình hay UBND xã C trong việc để mất các thanh tà vẹt thu hẹp lối đi dẫn đến xảy ra tai nạn. Vì vậy, Công ty quản lý đường sắt và UBND xã C không thuộc trường hợp phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

[3]. Ông Trần Văn C là chủ phương tiện, còn bị cáo Hoàng Bích S là người được ông C thuê lái máy đào đi đập phá các thanh tà vẹt để lấy tiền công. Giữa ông C và bị cáo S chỉ thoả thuận bằng miệng giao máy cho S làm thử trước, sau đó mới thoả thuận mức lương, ngoài ra không có thoả thuận gì thêm. Tại thời điểm xảy ra tai nạn thì ông C là người trực tiếp dẫn đường, hướng dẫn địa điểm cho bị cáo S lái máy đào thực hiện công việc đập phá các thanh tà vẹt theo yêu cầu của ông C. Như vậy, trong trường hợp này bị cáo Hoàng Bích S không phải là người chiếm hửu, sử dụng máy đào mà ông Trần Văn C vẫn là người chiếm hữu, sử dụng máy đào của ông C.

Cấp sơ thẩm áp dụng Điều 601 của BLDS năm 2015 để buộc bị cáo Hoàng Bích S phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam là không đúng quy định, bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 601 của BLDS năm 2015 thì “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tại cơ giới, …”, trong khi đó tại khoản 18 Điều 3 của Luật giao thông đường bộ quy định “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh;…”, còn tại khoản 20 Điều 3 của Luật giao thông đường bộ lại quy định “ Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp,…”. Như vậy máy đào bánh lốp không phải là nguồn nguy hiểm cao độ vì đây là loại xe máy chuyên dùng, nên không thể áp dụng Điều 601 của BLDS năm 2015 để giải quyết phần dân sự.

Trong vụ án này, bị cáo Hoàng Bích S là người làm công cho ông Trần Văn C, vì vậy ông C phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do bị cáo S gây ra và có quyền yêu cầu bị cáo S phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật (Điều 600 của BLDS năm 2015).

Như vậy, cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hoàng Bích S để sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự, buộc ông Trần Văn C phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.

Ông Trần Văn C được quyền khởi kiện để yêu cầu bị cáo Hoàng Bích S hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật bằng một vụ án dân sự khác.

[4]. Đối với nội dung kháng cáo cho rằng tại phiên toà sơ thẩm vắng mặt một số nhân chứng, cơ quan, tổ chức nhưng cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng. Hội đồng xét xử thấy rằng: cấp sơ thẩm đã tiến hành triệu tập hợp lệ, việc vắng mặt của một số nhân chứng, đại diện cơ quan, tổ chức tại phiên toà sơ thẩm không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án, nên cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử vụ án là đúng quy định.

[5]. Đối với ý kiến của Luật sư Vũ Xuân H cho rằng Toà án sơ thẩm xác định ông Trần Văn C là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là sai. Hội đồng xét xử thấy trong vụ án này nguyên đơn dân sự (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) chỉ yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật, không yêu cầu cụ thể ai. Mặt khác theo quy định của pháp luật thì ông C là người có nghĩa vụ về dân sự trong vụ án, nên cấp sơ thẩm xác định ông Cương là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là không sai.

[6]. Bị cáo Hoàng Bích S kháng cáo được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Ông Trần Văn C phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Hoàng Bích S phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nên bị cáo phải chịu án phí dân sự, tuy nhiên do bị cáo thuộc hộ nghèo nên được miễn án phí theo quy định. Do cấp phúc thẩm xác định bị cáo không phải chịu trách nhiệm bồi thường nên phần án phí dân sự được sửa lại là “Bị cáo không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm”.

[7]. Các nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 342; điểm b khoản 1 Điều 355; điểm d khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự,

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo về trách nhiệm hình sự của bị cáo Hoàng Bích S. Phần trách nhiệm hình sự (Tội danh, điều luật áp dụng, hình phạt) của Bản án sơ thẩm số: 47/2018/HS-ST ngày 10/10/2018 của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình đình chỉ xét xử phúc thẩm (20/02/2019).

2. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Bích S để sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự như sau:

Áp dụng Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 2015; các Điều 584, 585, 589 và Điều 600 của Bộ luật dân sự năm 2015. Buộc ông Trần Văn C phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam số tiền 3.135.231.648 đồng (ba tỷ một trăm ba lăm triệu hai trăm ba mốt ngàn sáu trăm bốn tám đồng), được khấu trừ số tiền 334.833.000 đồng mà ông C và bị cáo S đã bồi thường trước (trong đó ông C đã bồi thường 319.833.000 đồng và bị cáo S đã bồi thường 15.000.000 đồng), còn lại 2.800.398.648 đồng (hai tỷ tám trăm triệu ba trăm chín tám ngàn sáu trăm bốn tám đồng) buộc ông Trần Văn C tiếp tục bồi thường.

Ông Trần Văn C có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác để yêu cầu bị cáo Hoàng Bích S phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Về án phí: Áp dụng các Điều 23, 26, 27, 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ Ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án:

+ Bị cáo Hoàng Bích S không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí Hình sự phúc thẩm;

+ Ông Trần Văn C phải chịu 88.007.972 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

3. Các quyết định khác còn lại của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (20/02/2019).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

454
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 13/2019/HS-PT ngày 20/02/2019 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

Số hiệu:13/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về