Bản án 13/2018/HS-PT ngày 09/03/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

BẢN ÁN 13/2018/HS-PT NGÀY 09/03/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 09 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 07/2018/TLPT-HS ngày 26 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo Đỗ Diệu Y. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2017/HSST ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Bạc Liêu.

- Bị cáo có kháng cáo: Đỗ Diệu Y (tên gọi khác: H), sinh năm 1978 tại Huyện D, tỉnh Bạc Liêu. Nơi cư trú: Ấp O, thị trấn N, huyện D, tỉnh Bạc Liêu; nghề nghiệp: Mua bán; trình độ văn hóa (học vấn): 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam, con ông Đỗ Văn K, sinh năm 1950 và bà Lê Thị V, sinh năm 1950; có chồng tên Lê Văn T, sinh năm 1972 và hai người con, lớn nhất sinh năm 1996, nhỏ nhất sinh năm 1999; tiền án, không; tiền sự: Ngày 13/11/2015 bị xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau gây mất trật tự công cộng; ngày 05/5/2017 bị khởi tố và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo tại ngoại, (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Tạ Nguyệt Thanh là Luật sư của Công ty Luật Hợp Danh Tạ Nguyệt Thanh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

- Bị hại: Ông Thái Hồng H (tên gọi khác: Dậu), sinh năm 1962. Địa chỉ: Ấp Nội O, thị trấn N, huyện D, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

+ Anh Nguyễn K, sinh năm 1988. Địa chỉ: Ấp Nội O, thị trấn N, huyện D, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

+ Bà Đỗ Diệu H1, sinh năm 1967. Địa chỉ: Ấp Đ, xã Q, huyện D, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN
 
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Giữa bị cáo Đỗ Diệu Y với người bị hại là ông Thái Hồng H có mâu thuẫn từ trước dẫn đến xô xát, bị cáo Đỗ Diệu Y có đơn khởi kiện yêu cầu ông H bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại. Ngày 13/6/2016 Tòa án nhân dân huyện D mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại do bị cáo Đỗ Diệu Y là người khởi kiện và ông Thái Hồng H là người bị kiện, sau khi tuyên án thì người nhà của bị cáo Y với người nhà của ông H xảy ra xô xát phía trước cửa phòng xử án và ông H cũng đi ra cửa phòng xử án thì bị cáo Y từ phía sau dùng mũ bảo hiểm (có dòng chữ Vinaphone) đánh vào đầu ông H hai cái làm mũ bảo hiểm bị vỡ và đánh anh Nguyễn K một cái, sự việc xô xát được kết thúc khi được mọi người can ngăn.

Tại kết luận giám định pháp y về thương tích số 128/TTg ngày 04/10/2016 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bạc Liêu kết luận ông Thái Hồng H bị chấn động não, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 03%, do vật tầy tác động.

Tại kết luận giám định số 1079/C54B ngày 23/3/2017 của Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết luận mũ bảo hiểm có đặc điểm gửi giám định là phương tiện nguy hiểm (theo tiểu mục 2.2, Mục 2, Phần 1 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao) và tại Công văn 278/CV-C54B ngày 04/8/2017 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh, xác định mũ bảo hiểm có đặc điểm gửi giám định là hung khí nguy hiểm.

Đối với anh Nguyễn K cũng bị thương tích 01%, nhưng có đơn không yêu cầu xử lý hình sự, nên không đặt ra xem xét giải quyết.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2017/HSST ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định:

- Tuyên bố bị cáo Đỗ Diệu Y (tên gọi khác: H) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Xử phạt bị cáo Đỗ Diệu Y 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính kể từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, lãi suất thi hành án, xử lý vật chứng, án phí hình sự, dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 04/01/2018, bị cáo Đỗ Diệu Y kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo cung cấp biên lai nộp tiền khắc phục hậu quả số tiền 2.000.000đ và vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu đề nghị: Căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã xác định được thương tích của ông H do một mình bị cáo gây ra, nón bảo hiểm bị cáo dùng để đánh ông Hưng, qua giám định kết luận là hung khí nguy hiểm, nên hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm phạt bị cáo mức án 06 tù là quá nghiêm khắc, vì khi thực hiện hành vi phía bị hại cũng có lỗi trước đó, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 như: Thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, ông bà ngoại là người có công được nhà nước tặng thưởng huân chương, tại phiên tòa bị cáo cung cấp thêm tình tiết mới là đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả cho bị hại. Nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điểm b, p, h khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm b khoản Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa một phần án sơ thẩm về hình phạt, giảm cho bị cáo 03 tháng tù.

Người bào chữa cho bị cáo phát biểu quan điểm: Không tranh luận với đề nghị của Kiểm sát viên về áp dụng các điểm, khoản, điều luật, Luật sư bổ sung thêm bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, nhất thời phạm tội cũng một phần do lỗi của bị hại đã có hành vi trái pháp luật gây thương tích cho bị cáo nên mới có phiên tòa xét xử bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bị cáo, Tòa án cũng đã xác định ông H đã có hành vi gây thương tích cho bị cáo nên mới buộc ông H bồi thường chi phí điều trị thương tích cho bị cáo, sau khi tuyên án người thân trong gia đình ông H có có hành vi xô xát với gia đình bị cáo, nên bị cáo mới có hành vi dùng mũ bảo hiểm đánh trúng đầu ông H. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự cho bị cáo hưởng án treo để bị cáo có điều kiện trị bệnh và nuôi hai người con đang học đại học.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
 
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi gây thương tích cho ông H, ngoài bị cáo ra không còn ai gây thương tích cho ông H, lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo, bị hại trong quá trình điều tra và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có lưu trong hồ sơ, nên Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định: Bị cáo Đỗ Diệu Y đã có hành vi dùng mũ bảo hiểm là loại hung khí nguy hiểm đánh vào đầu ông H hai cái với tỷ lệ tổn thương cơ thể 03%. Do đó, việc điều tra, truy tố và xét xử đối với bị cáo Đỗ Diệu Y về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ Luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật, không xét xử oan cho bị cáo.

Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đầy đủ năng lực nhận thức, năng lực hành vi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự, bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp và hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, nên bị cáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây ra.

[2] Xét kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp gây tổn hại đến sức khỏe của ông H, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, hành vi của bị cáo là xem thường pháp luật, sức khỏe của người khác, nên cần phải xử lý nghiêm để răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt cũng cần xem xét đánh giá, tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo để có mức hình phạt tương xứng, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Trước khi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, ông H, anh Tr (con ông H) đã có hành vi trái pháp luật xâm hại đến sức khỏe của bị cáo, sau khi Tòa án nhân dân huyện D xét xử vụ kiện do bị cáo là người khởi kiện đòi ông H và anh Tr bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại thì phía gia đình ông H cũng có hành vi xô xát với gia đình bị cáo, nên bị cáo có hành vi phạm tội cũng có một phần lỗi của bị hại. Khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 xử phạt bị cáo mức án 06 tháng tù là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

[3] Xét kháng cáo yêu cầu xin hưởng án treo của bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, nhưng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo cung cấp biên lai nộp tiền khắc phục bồi thường thiệt hại cho bị hại thể hiện thái độ ăn năn hối cải, ông bà ngoại là người có công được tặng thưởng huân chương và bị cáo cũng có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo, giáo dục, nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, bị cáo có đủ các điều kiện để áp dụng khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 cho bị cáo hưởng án treo để bị cáo tự cải tạo, giáo dục dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là phù hợp. Do đó, có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.

Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự quy định “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”. Theo đó, có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo cũng như đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo.

[4] Xét đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Hội đồng xét xử xét thấy, đề nghị của Kiểm sát viên về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là có căn cứ, phù hợp pháp luật. Tuy nhiên, như đã phân tích thì không chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên giảm án cho bị cáo mà giữ nguyên mức án cấp sơ thẩm đã tuyên, nhưng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cần áp dụng điều 60 Bộ luật Hình sự cho bị cáo cũng đủ để cải tạo, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho bị cáo, như đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo là phù hợp.

[5] Các phần Quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí hình sự, dân sự sơ thẩm, Lãi suất và các Điều luật trong giai đoạn thi hành án không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Bị cáo đã nộp số tiền 2.000.000đ theo biên lai thu tiền thi hành án số 003246 ngày 02/3/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện D sẽ được đối trừ trong giai đoạn thi hành án.

[7] Về án phí hình sự phúc thẩm: Kháng cáo của bị cáo được chấp nhận một phần, nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2017/HSST ngày 22/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Bạc Liêu.

1. Tuyên bố bị cáo Đỗ Diệu Y (tên gọi khác: H) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

- Xử phạt bị cáo Đỗ Diệu Y (tên gọi khác: H) 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 12 tháng kể từ ngày tuyên án (09/3/2018).

- Giao bị cáo Đỗ Diệu Y (tên gọi khác: H) cho Ủy ban nhân dân thị trấn N, huyện D, tỉnh Bạc Liêu giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

- Các phần Quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2017/HSST ngày 22/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện D về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí hình sự, dân sự sơ thẩm, Lãi suất và các Điều luật trong giai đoạn thi hành án không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

2. Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và  Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí và lệ phí Toà án. Bị cáo Đỗ Diệu Y không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

484
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 13/2018/HS-PT ngày 09/03/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:13/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bạc Liêu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về