Bản án 131/2019/DS-PT ngày 14/08/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 131/2019/DS-PT NGÀY 14/08/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 14 tháng 8 năm 2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa công khai tại trụ sở để xét xử vụ án dân sự thụ lý số 119/TBTL-TA ngày 26/02/2019 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 22/01/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 868/2019/QĐ-PT ngày 22/7/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ; địa chỉ; Đường T, thị trấn L, huyện H1, tỉnh Quảng Trị.

Người đại diện theo pháp luật là ông Đào B (Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ), vắng mặt.

Người đại diện theo văn bản ủy quyền của Tổng giám đốc Công ty ngày 25/12/2018 là ông Thái Quốc V; địa chỉ: 85 đường Y, quận H2, Đà Nẵng; ông Việt có mặt;

2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Kim H; địa chỉ: số 78 (trước đây ở số 10), đường H3, thành phố Đ1, tỉnh Quảng Trị; bà H có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Hà Thị X và Luật sư Trần Thị Hà Tr, thuộc Công ty Luật TNHH LM; địa chỉ: Tầng 10, số 2A đường Đ2, phường L1, quận H4, thành phố Hà Nội; hai Luật sư đều có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Xí nghiệp chế biến gỗ S hữu hạn do bà V - KeopaSơt làm chủ sở hữu; địa chỉ: bản M, huyện M1, tỉnh S, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, vắng mặt.

4.Người làm chứng (do bà H và Luật sư của bà H mời đến phiên tòa phúc thẩm, đều có mặt):

4.1. Ông Phạm Đình Phùng; địa chỉ: 03/2 đường N, thành phố Đ1, tỉnh Quảng Trị;

4.2. Ông Đỗ Ngọc Nghĩa; địa chỉ: 02 đường N1, thị trấn L, huyện H1, tỉnh Quảng Trị

5. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị Kim H là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Tại Đơn khởi kiện đề ngày 19/12/2011, Đơn khởi kiện bổ sung vào các ngày 20/3/2001, 02/5/2012 và trong quá trình tố tụng, phía nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ trình bày:

Ngày 15/8/2011, bà Nguyễn Thị Kim H nhờ ông Phạm Xuân T (cán bộ Công ty Lâm nghiệp B1) đứng tên ký hợp đồng thuê kho của Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ (sau đây viết tắt là Công ty Đ) để chứa gỗ. Sau khi gỗ chuyển vào kho của Công ty Đ thì Công ty Đ đề nghị mua lô gỗ nên bà H yêu cầu Công ty Đ chuyển trả trước cho bà H 01 tỷ đồng. Do chưa có tiền nên Công ty Đ ký Giấy vay tiền ngày 10/10/2011 gửi Nhà máy chế biến gỗ S – Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (bút lục 05) ghi “Nay Công ty Đ cần một số tiền để chuyển trả trước tiền mua hàng cho đối tác. Công ty làm giấy vay tiền này gửi nhà máy xem xét và giải quyết cho Công ty vay 2.000.000.000 đồng, lãi suất vay 1,2%/tháng, thời hạn trả gốc và lãi ngày 31/3/2012. Nếu được Nhà máy nhất trí cho vay, Công ty nhờ Nhà máy làm chứng từ chuyển giúp Công ty cho hai đối tác có tên, địa chỉ: 1. Bà Nguyễn Thị Kim H…Tài khoản ngân hàng số 3902205041429 tại Ngân hàng NN&PTNT Thành phố Đ1, Quảng Trị, số tiền 1.000.000.000 đồng; 2. Ông Lê Bá T1…Sau khi chuyển số tiền trên cho hai đối tác nêu trên, Nhà máy chuyển chứng từ cho Công ty để làm bằng chứng, Công ty cam kết sẽ trả nợ đúng hạn”. Ngày 11/10/2011 Nhà máy S đã ký Ủy nhiệm chi chuyển vào tài khoản số 3902205041429 của bà H mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Đ1, tỉnh Quảng Trị 1.000.000.000 đồng (bút lục 80). Sau đó, Công ty Đ kiểm tra gỗ bà H gửi trong kho, thấy không đạt yêu cầu nên thông báo cho bà H là Công ty không đồng ý ký Hợp đồng mua lô gỗ này nữa, đồng thời yêu cầu bà H trả lại 1.000.000.000 đồng, nhưng bà H không trả nên nay Công ty Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà H trả lại 1.000.000.000 đồng và yêu cầu trả lãi tính đến ngày 30/4/2012 là 52.400.000 đồng.

- Bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim H trình bày:

Bà là Giám đốc Công ty TNHH TMDV HN (gọi tắt là Công ty HN; có trụ sở tại số 10, đường H3, Thành phố Đ1, Quảng Trị). Công ty của Bà có mua lô gỗ Trắc nhập khẩu của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp B1. Sau khi mua lô hàng thì Bà để hàng tại kho của Công ty Đ chờ hoàn thành thủ tục và tìm khách hàng tiêu thụ. Ngày 10 và ngày 11 tháng 10 năm 2011, bà V và chồng là ông Đào B làm nghề buôn gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc, đến kho xem gỗ và thống nhất sẽ mua hết số gỗ của Bà để trong kho là 31m3 gỗ trắc, giá 190.000.000đ/m3, thành tiền là 5.890.000.000 đồng; bà V chuyển trả trước 1 tỷ (tiền cọc) và hẹn trong vòng 4 ngày từ ngày đặt cọc sẽ thanh toán đủ tiền và lấy hàng. Ngày 12/10/2011, Nhà máy S đã chuyển Ủy nhiệm chi vào tài khoản của bà H 1 tỷ đồng, nhưng sau thời hạn 4 ngày thì vợ chồng bà V không thanh toán đủ tiền, cũng như không đến lấy gỗ. Hiện nay, giá gỗ trắc trên thị trường giảm 1m3 là 85.000.000 đồng làm bà H bị thiệt hại 85.000.000đ/m3 x 31m3 = 2.635.000.0000 đồng. Hiện nay, Nhà máy S ký chuyển quyền cho Công ty Đ đòi lại số tiền Nhà máy S đã đặt cọc mua gỗ của Bà thì Bà không đồng ý mà yêu cầu Nhà máy S tiếp tục mua gỗ theo nội dung hai bên đã thỏa thuận; nếu Nhà máy S không mua gỗ nữa thì Bà yêu cầu Nhà máy S bồi thường thiệt hại cho Bà 1 tỷ đồng để đối trừ với số tiền 1 tỷ đồng Nhà Máy S đã chuyển cho Bà (Đơn phản tố ngày 08/8/2012 - bút lục 236 đến 238). Tại Biên bản hòa giải không thành ngày 08/8/2012 (bút lục 242), bà H và ông T1 “Yêu cầu nguyên đơn mua tiếp số lượng gỗ trắc đã thỏa thuận mua trước đây của ông T1 và bà H; trả lại gỗ tương đương số tiền 1 tỷ đồng cho mỗi người và chia sẻ phần thiệt hại số gỗ còn lại; nguyên đơn phải chia sẻ rủi ro với bị đơn, ông T1 bà bà H sẽ chỉ trả lại 500.000 đồng”.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà V Pạ Gợt (V - Chủ sở hữu Nhà máy S) trình bày:

Ngày 10/10/2011, đại diện Công ty Đ do ông Đào Mạnh T2 (Giám đốc Công ty) ký Giấy vay tiền vay Nhà máy S 2.000.000.000 đồng để chuyển trả trước tiền mua hàng cho đối tác; đồng thời ông T2 nhờ Nhà máy S chuyển trực tiếp vào tài khoản cho bà H, ông Lê Bá T1 mỗi người 1.000.000.000 đồng. Vì ông Đào Mạnh T2 là cháu ông Đào B (ông T2 là giám đốc, ông B là Chủ tịch HĐQT Công ty Đ, hiện nay ông B là Tổng Giám đốc Công ty Đ) mà ông B là chồng của bà V nên bà V đồng ý làm theo đề nghị của ông T2, chứ bản chất bà V không có quan hệ mua bán gỗ với bà H, ông T1. Ngày 15/6/2012, Nhà máy S đã ký Giấy chuyển giao cho Công ty Đ quyền đòi 1.000.000.000 đồng mà Nhà máy S đã chuyển cho bà H.

Ngày 15/7/2015, bà V khẳng định số tiền 1.000.000.000 đồng nêu trên là tiền Công ty Đ vay bà V và nhờ bà V chuyển cho bà H, nên đề nghị bà H trả lại số tiền này cho Công ty Đ.

- Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2012/KDTM-ST ngày 26/9/2012, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị nhận định: Quan hệ mua bán gỗ giữa bà H với Nhà máy S hoặc Công ty Đ là vô hiệu vì bà H không đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng gỗ (không có Giấy phép kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp) nên giao dịch giữa hai bên vô hiệu. Giao dịch vô hiệu, Công ty có lỗi 40%, bà H có lỗi 60% nên buộc bà H trả lại Công ty Đ 600.000.000 đồng.

- Công ty Đ kháng cáo đề nghị buộc bà H trả 1.000.000.000 đồng và trả lãi 54.200.000 đồng; bà H kháng cáo đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị kháng nghị đề nghị hủy án sơ thẩm, giao giải quyết sơ thẩm lại vì cần thu thập thêm tài liệu, chứng cứ. Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 11/2013/KDTM-PT ngày 13/3/2013, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị giải quyết sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

- Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 22/01/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị quyết định:

Áp dụng Điều 122; Điều 137; khoản 1, khoản 2 Điều 169; Điều 309 Bộ luật Dân sự; khoản 4 Điều 18, khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan buộc bà Nguyễn Thị Kim H phải hoàn trả Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ 1.000.000.000đ (một tỷ đồng chẵn).

2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn phải chịu 42.000.000đ (bốn mươi hai triệu đồng). Nguyên đơn phải chịu 2.620.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, đã nộp 21.000.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 005187 ngày 28/12/2011 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đ1, nên hoàn trả lại nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí là 18.380.000 đồng.

- Ngày 02/02/2015, bà H kháng cáo.

- Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 09/2015/DS-PT ngày 26/11/2015, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định: Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 22/01/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị và đình chỉ giải quyết vụ án với lý do Công ty Đ không có quyền khởi kiện đối với bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim H, “Về án phí: Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ phải chịu 43.572.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm; nhưng được trừ vào số tiền đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm 21.000.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đ1 theo biên lai thu số 005187 ngày 28/12/2011, nên còn phải nộp tiếp 22.572.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Kim H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm, nên trả lại cho bà H số tiền đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 000426 ngày 05/02/2015 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị.

- Công ty Đ có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại Quyết định số 26/2018/KN-DS ngày 31/7/2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 09/2015/DS-PT ngày 26/11/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 09/2015/DS-PT ngày 26/11/2015, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 22/01/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

- Tại Quyết định giám đốc thẩm số 25/2018/DS-GĐT ngày 19/11/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; hủy bản án dân sự phúc thẩm số 09/2015/DS-PT ngày 26/11/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại với nhận định:

[1]. Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất gỗ và Thương mại Đ (sau đây viết tắt là Công ty Đ) khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị Kim H trả lại khoản tiền 1.000.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh đến ngày 30/4/2012 là 52.400.000 đồng. Theo Công ty Đ, đây là khoản tiền mà bà H yêu cầu Công ty Đ trả trước số tiền mà Công ty Đ mua lô gỗ của bà H; lô gỗ này được gửi tại kho của Công ty Đ; nhưng sau đó do lô gỗ không đảm bảo yêu cầu, nên Công ty Đ không mua lô gỗ đó và yêu cầu bà H trả lại tiền, nhưng bà H không trả lại.

[2]. Bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim H cho rằng từ trước đến nay bà không có quan hệ mua bán với Công ty Đ, còn khoản tiền 1.000.000.000 đồng mà Nhà máy S chuyển cho bà theo “Ủy nhiệm chi” ngày 11/10/2011 là số tiền “trả tiền mua hàng” thuộc quan hệ mua bán giữa bà H với bà V (KeoPaSơt, chủ sở hữu Nhà máy S), không liên quan đến Công ty Đ, nên bà không đồng ý với yêu cầu của Công ty Đ.

[3]. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Nhà máy S do bà V-KeoPaSơt là chủ sở hữu cho rằng: Ngày 10/10/2011, ông Đào Mạnh T2 (là cháu của chồng bà và là người đại diện cho Công ty Đ) đã lập hợp đồng (Giấy vay tiền) vay Nhà máy S 2.000.000.000 đồng để chuyển trả trước tiền mua hàng cho đối tác, đồng thời nhờ Nhà máy S làm chứng từ chuyển cho bà Nguyễn Thị Kim H và ông Lê Bá T1 mỗi người 1.000.000.000 đồng; bà khẳng định Nhà máy S không có quan hệ mua bán với bà H, ông T1.

[4]. Trong quá trình tố tụng, đại diện Công ty Đ cho rằng do trước đó đã có quan hệ mua bán gỗ với bà H, nên khi thấy bà H gửi lô gỗ đó tại kho của Công ty Đ thì hai bên đã trao đổi miệng về việc mua bán lô gỗ này, theo đó bà H yêu cầu Công ty Đ chuyển trước 1.000.000.000 đồng, nên Công ty Đ đã vay tiền Nhà máy S và nhờ Nhà máy S làm thủ tục chuyển tiền cho bà H. Lời khai này của nguyên đơn phù hợp với lời khai của bà V-KeoPaSơt (Chủ sở hữu nhà máy S) đó là nhà máy S đã cho Công ty Đ vay tiền theo Giấy vay tiền ngày 10/10/2011 và làm thủ tục chuyển cho bà H 1.000000.000đồng thông qua ủy nhiệm chi ngày 11/10/2011 theo yêu cầu của Công ty Đ.

[5]. Tại Biên bản đối chất ngày 03/5/2012 và Biên bản lấy lời khai ngày 05/6/2012, nguyên đơn cho rằng giữa Công ty Đ và bà H đã có 01 lần mua bán gỗ trước đó và lần này là lần thứ hai thì xảy ra tranh chấp. Trước đây, Công ty Đ đã đề nghị Nhà máy S chuyển 02 lần tiền cho bà H (tháng 9/2011 chuyển 3.000.000.000 đồng; ngày 19/9/2011 chuyển 2.670.000.000 đồng) để thanh toán cho hợp đồng mua bán gỗ trị giá hơn 7 tỷ đồng (hợp đồng này đã tất toán); lời khai này của nguyên đơn cũng phù hợp với lời khai của bà V-KeoPaSơt (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), phù hợp với Hợp đồng mua bán gỗ ngày 15/9/2011 giữa Công ty Đ với bà H và Phiếu chi tiền mặt ngày 21/9/2011 giữa Công ty Đ và bà H.

[6]. Tại Biên bản hòa giải ngày 08/8/2012, chính bị đơn đã thừa nhận có thỏa thuận mua bán gỗ với nguyên đơn; đồng thời, bị đơn cũng thừa nhận đã nhận 1.000.000.000 đồng của nguyên đơn. Như vậy, có đầy đủ căn cứ để xác định giữa nguyên đơn và bị đơn có giao dịch mua bán gỗ nhưng chưa đi đến ký kết hợp đồng. Có căn cứ xác định giữa các bên có việc chuyển tiền mua bán gỗ và nguyên đơn đã chuyển trả trước cho bị đơn 1.000.000.000 đồng (đây là số tiền nguyên đơn vay của nhà máy S và nhờ nhà máy S làm thủ tục chuyển trả cho bị đơn), nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu đòi tiền trả trước cho bị đơn là có cơ sở.

[7]. Do chưa hình thành Hợp đồng mua bán gỗ và cũng không có tranh chấp về hợp đồng này mà chỉ xét nghĩa vụ trả tiền của bị đơn, nên Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền chuyển trước 1.000.000.000 đồng và không chấp nhận khoản tiền lãi là có cơ sở vì đây không phải là khoản tiền vay.

Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét toàn diện các chứng cứ, dẫn đến nhận định không phù hợp với thực tế khách quan của vụ việc; từ đó, cho rằng nguyên đơn không có quyền khởi kiện và quyết định hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng với quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và không đúng với quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Do đó, chỉ cần hủy Bản án phúc thẩm để giải quyết phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

[8]. Đồng thời, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, nhưng lại buộc nguyên đơn phải chịu án phí là 43.572.000 đồng (sau khi đối trừ số tiền nguyên đơn đã nộp là 21.000.000 đồng), còn phải nộp tiếp 22.572.000 đồng là không đúng với quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:

- Bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim H giữ nguyên nội dung Đơn kháng cáo ngày 02/02/2015 và trình bày: Bà không có quan hệ mua bán gỗ với Công ty Đ, số tiền 1.000.000.000 đồng Nhà máy S chuyển cho bà H tại Ủy nhiệm chi ngày 11/10/2011 đã ghi rõ lý do chuyển tiền là “Trả tiền mua hàng” cho bà H, chứ không phải tiền bà H nợ Công ty S; vì vậy, Công ty S cũng như Công ty Đ không có quyền khởi kiện đòi bà H trả 1 tỷ đồng nên đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 22/01/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ.

- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà H trình bày:

+ Giấy vay tiền ngày 10/10/2011 ghi xác lập tại L, ngoài chữ ký của giám đốc và đóng dấu Công ty Đ thì có chữ ký đề tên bà V và dấu Nhà máy chế biến gỗ bên Lào là không B thường vì không thể có việc bà V mang dấu Nhà máy sang Việt Nam đóng vào Giấy vay tiền và chữ ký của bà V tại Giấy vay tiền này khác chữ ký bà V tại Giấy chuyển giao quyền yêu cầu đòi nợ;

+ Nhiều nhân chứng khai có mở cửa kho cho bà V vào xem gỗ, bà V còn dùng sơn đánh dấu lô gỗ định mua; Giấy Ủy nhiệm chi ngày 11/10/2011 thể hiện bà V chuyển cho bà H 1.000.000.000 đồng “trả tiền mua hàng” nên phải xác định bà V là người mua gỗ của bà H và đã đặt cọc nay không mua nữa thì mất tiền cọc.

+ Tại phiên tòa hôm nay, đại diện theo ủy quyền của Công ty Đ thừa nhận Giấy chuyển quyền yêu cầu về việc bà V chuyển giao quyền cho Công ty Đ đòi tiền bà H là không có giá trị pháp lý;

Vì các lẽ trên, Luật sư cho rằng bà V và Công ty Đ không có quyền khởi kiện đòi bà H trả 1 tỷ đồng nên đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ - Đại diện Công ty Đ trình bày: Công ty Đ vay tiền bà V để mua gỗ của bà H và có nhờ bà V chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của bà H (bà H thừa nhận đã nhận được tiền) Công ty Đ đã trả bà V 1 tỷ đồng; như vậy, tuy Giấy chuyển quyền yêu cầu đòi nợ bà V ký không có giá trị pháp lý, nhưng Công ty Đ là người mua gỗ của bà H, đã trả trước 1 tỷ đồng, nay không mua nữa thì Công ty Đ có quyền tự mình khởi kiện đòi bà H trả lại 1 tỷ đồng; do đó, đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 22/01/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị.

- Đại diện Viện kiểm sát phát biểu:

Về tố tụng thì Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;

Về nội dung thì thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết là có cơ sở, đúng pháp luật nên đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ việc hỏi và tranh luận; căn cứ ý kiến của những người tham gia tố tụng và ý kiến của vị đại diện cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Công ty Đ khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị Kim H trả lại khoản tiền 1.000.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh đến ngày 30/4/2012 là 52.400.000 đồng. Công ty Đ trình bày trước lần giao dịch này thì Công ty Đ đã giao dịch mua bán gỗ với bà H nên khi thấy bà H gửi gỗ tại kho của Công ty thì hai bên đã trao đổi miệng về việc Công ty Đ mua lô gỗ này thì bà H đồng ý và yêu cầu Công ty trả trước 1.000.000.000 đồng. Công ty viết Giấy vay tiền ngày 10/10/2011 vay tiền bà V để mua gỗ của bà H và có nhờ bà V chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của bà H (bà H thừa nhận đã nhận được 1 tỷ đồng); Công ty Đ đã trả bà V 1 tỷ đồng; sau đó, do lô gỗ không đạt yêu cầu nên Công ty Đ không mua nữa và yêu cầu bà H trả lại tiền, nhưng bà H không trả. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay đại diện theo ủy quyền của Công ty Đ cho rằng tuy Giấy chuyển quyền yêu cầu đòi nợ mà bà V ký chuyển quyền cho Công ty Đ đòi bà H trả 1.000.000.000 đồng không có giá trị pháp lý, nhưng Công ty Đ là người mua gỗ của bà H, đã trả trước bà H 1 tỷ đồng và đã hoàn trả bà V 1 tỷ đồng; nay Công ty Đ không mua gỗ nữa thì Công ty Đ có quyền tự mình khởi kiện đòi bà H trả lại 1 tỷ đồng.

[2]. Bị đơn là bà H và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà H cho rằng từ trước đến nay bà H không có giao dịch mua bán gỗ với Công ty Đ; khoản tiền 1.000.000.000 đồng mà Nhà máy S chuyển cho bà H theo Ủy nhiệm chi ngày 11/10/2011 ghi rõ “trả tiền mua hàng” chứng minh Nhà máy S thỏa thuận mua gỗ của bà H, số tiền 1.000.000.000 đồng này là tiền đặt cọc, Nhà máy S không mua gỗ nữa thì mất tiền cọc, do đó, Nhà máy S không có quyền chuyển quyền cho Công ty Đ đòi bà H trả số tiền 1.000.000.000 đồng này.

[3]. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Nhà máy S do bà V-KeoPaSơt là chủ sở hữu cho rằng: Ngày 10/10/2011, ông Đào Mạnh T2 (là cháu của chồng bà và là người đại diện cho Công ty Đ) đã lập hợp đồng (Giấy vay tiền) vay Nhà máy S 2.000.000.000 đồng để chuyển trả trước tiền mua hàng cho đối tác, đồng thời nhờ Nhà máy S chuyển khoản trực tiếp cho bà H và ông Lê Bá T1 mỗi người 1.000.000.000 đồng; bà V khẳng định Nhà máy S không mua gỗ với bà H, ông T1.

[4]. Xét thấy, Công ty Đ và bà V trình bày thống nhất về việc Công ty Đ viết Giấy vay tiền ngày 10/10/2011 vay bà V tiền để mua gỗ của bà H và Công ty Đ nhờ bà V chuyển 1 tỷ đồng trực tiếp vào tài khoản của bà H (bà H thừa nhận đã nhận 1 tỷ đồng này), Công ty Đ đã trả bà V 1 tỷ đồng. Trình bày của Công ty Đ rằng trước đây Công ty đã 01 lần mua bán gỗ với bà H, Công ty đã đề nghị Nhà máy S chuyển 02 lần tiền cho bà H (tháng 9/2011 chuyển 3.000.000.000 đồng; ngày 19/9/2011 chuyển 2.670.000.000 đồng) để thanh toán cho hợp đồng mua bán gỗ trị giá hơn 7 tỷ đồng là phù hợp với lời khai của bà V và phù hợp với nội dung Hợp đồng mua bán gỗ ký ngày 15/9/2011 (bút lục 255) giữa Công ty Đ với bà H và Phiếu chi tiền mặt ngày 21/9/2011 (bl 105) giữa Công ty Đ với bà H. Do đó, trình bày của bà H rằng từ trước đến nay bà H không mua bán gỗ với Công ty Đ là không đúng và mâu thuẫn với chính trình bày của ông T1, bà H tại Biên bản hòa giải ngày 08/8/2012 (bút lục 243) là “Yêu cầu nguyên đơn - Công ty Đ mua tiếp số lượng gỗ trắc đã thỏa thuận mua trước đây của ông T1 và bà H…”.

[5]. Như vậy, có đủ cơ sở xác định Công ty Đ vay tiền bà V để mua gỗ của bà H, bà H đã nhận trước 1 tỷ đồng (do Công ty Đ nhờ bà V chuyển trực tiếp vào tài khoản của bà H, bà H thừa nhận đã nhận), sau đó Công ty Đ không mua gỗ nữa. Xét hai bên chưa chính thức ký hợp đồng mua bán gỗ nên Tòa án cấp sơ thẩm xét chưa có hợp đồng để tranh chấp nên chỉ xét nghĩa vụ trả lại tiền của bà H, để buộc bà H trả lại Công ty Đ 1 tỷ đồng đã nhận, không chấp nhận yêu cầu của Công ty Đ yêu cầu bà H trả thêm tiền lãi là có cơ sở, đúng pháp luật vì đây không phải là tiền vay. Bà H và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà H cho rằng Nhà máy S mới là người mua gỗ của bà H và khoản tiền 1 tỷ đồng mà Nhà máy S chuyển vào tài khoản của bà H là tiền đặt cọc, Nhà Máy S không mua gỗ nữa thì mất tiền cọc, nhưng không xuất trình được hợp đồng mua bán gỗ giữa hai bên cũng như không xuất trình được thỏa thuận đặt cọc nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận trình bày này của bà H là có cơ sở, đúng pháp luật.

[6]. Bản án dân sự phúc thẩm số 09/2015/DS-PT ngày 26/11/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định về án phí như sau: Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ phải chịu 43.572.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm; nhưng được trừ vào số tiền đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm 21.000.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đ1 theo biên lai thu số 005187 ngày 28/12/2011, nên còn phải nộp tiếp 22.572.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Kim H không phải chịu án phí dân sự sơ thâm và án phí dân sự phúc thẩm, nên trả lại cho bà H số tiền đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 000426 ngày 05/02/2015 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật: (i). Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định thi hành án chủ động số 111/QĐ-CTHADS ngày 01/4/2016 trả lại bà H 200.000 đồng bà H đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 000426 ngày 05/02/2015 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị (ngày 07/4/2016 đã chuyển khoản 200.000 đồng cho bà H); (ii). Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định thi hành án chủ động số 112/QĐ- CTHADS ngày 01/4/2016 cho thi hành khoản tiền án phí dân sự sơ thẩm Công ty Đ phải chịu 43.572.000 đồng, cụ thể: Khấu trừ vào số tiền 21.000.000 đồng mà Công ty Đ đã nộp tạm ứng án phí theo Biên lai thu số 005187 ngày 28/12/2011của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đ1 và ngày 30/5/2016 Công ty Đ đã nộp nốt số tiền án phí còn thiếu 22.572.000 đồng bằng phương thức chuyển vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị mở tại Kho bạc Nhà nước Quảng Trị, ngày 01/6/2016 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị đã nhập thu số tiền án phí này (Công văn 684/CTHADS-NV ngày 27/8/2019 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị). Nay Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 22/01/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị thì bà H phải chịu 42.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm; Công ty Đ phải chịu 2.620.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, nhưng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị đã thu của Công ty Đ tổng cộng 43.572.000 đồng nên Công ty Đ được hoàn trả tiền nộp dư.

[5]. Về án phí phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị Kim H kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 200.000 đồng (thời điểm xét xử phúc thẩm vụ án trước đây án phí sơ thẩm, án phí phúc thẩm được tính theo quy định tại Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án).

QUYẾT ĐỊNH

Từ những phân tích trên;

 I/ Áp dụng khoảng 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, giữ nguyên quyết định tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 22/01/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị, cụ thể như sau:

Áp dụng Điều 122; Điều 137; khoản 1, khoản 2 Điều 169; Điều 309 Bộ luật dân sự; khoản 4 Điều 18, khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan buộc bà Nguyễn Thị Kim H phải hoàn trả Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ số tiền 1.000.000.000đ (một tỷ đồng chẵn).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Nguyễn Thị Kim H phải chịu 42.000.000đ (bốn mươi hai triệu đồng).

Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ phải chịu 2.620.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm; khấu trừ vào số tiền 43.572.000 đồng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị đã thu của Công ty Đ (21.000.000 đồng Công ty Đ nộp tạm ứng án phí theo Biên lai thu số 005187 ngày 28/12/2011 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đ1 đã được Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đ1 chuyển sang tài khoản Cục Thi hành án tỉnh Quảng Trị mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị theo lệnh chuyển có ngày 13/4/2016 và 22.572.000 đồng Công ty Đ đã nộp theo lệnh chuyển có ngày 30/5/2016 vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị) thì Công ty TNHH Sản xuất gỗ và Thương mại Đ được hoàn lại 40.952.000 đồng (Bốn mươi triệu, chín trăm năm mươi hai ngàn đồng).

II/ Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị Hiệp phải chịu 200.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, trừ vào số tiền 200.000 đồng bà H đã nộp tạm ứng án phí kháng cáo theo Biên lai thu số 000426 ngày 05/02/2015 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị thì bà H đã thi hành xong khoản tiền này.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

765
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 131/2019/DS-PT ngày 14/08/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:131/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về