Bản án 127/2019/KDTM-PT ngày 25/10/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 127/2019/KDTM-PT NGÀY 25/10/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG 

Ngày 25 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 69/2019/TLPT-KDTM ngày 09/5/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc “tranh chấp hợp đồng tín dụng” 

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 345/2019/QĐXX-PT ngày 06/9/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 373/2019/QĐPT-KDTM ngày 26/9/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: NGÂN HÀNG H

Địa chỉ (cũ): Phố L, phường L1, quận Đ, thành phố Hà Nội.

Địa chỉ (mới): phố N, phường L2, quận Đ, thành phố Hà Nội

Người đại diện theo pháp luật: Ông Q – Tổng Giám đốc, ủy quyền cho bà H1 – Quyền Tổng giám đốc ngân hàng quản lý tín dụng Maritime Bank; bà H1 ủy quyền cho ông T – Giám đốc tố tụng và mua bán nợ theo Giấy ủy quyền số 3778/2018/UQ-TGĐ12 ngày 26/9/2018; ông T có mặt

- Bị đơn: CÔNG TY N

Địa chỉ: phố K, phường N1, quận T1, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Bà N2; chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị; Địa chỉ: phường B, quận X, thành phố Hà Nội; bà N2t vắng mặt không có lý do

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông T2; có đơn xin vắng mặt

2. Bà T3; vắng mặt không có lý do

3. Anh T4; có mặt 4. Anh P; có đơn xin vắng mặt

5. Bà T5; vắng mặt không có lý do

6. Chị M; vắng mặt không có lý do

7. Anh M1; vắng mặt không có lý do

Đều trú tại: Thôn P1, xã M2, huyện T6, thành phố Hà Nội (nay là thôn P1, phường M2, quận B, thành phố Hà Nội).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai tại Toà án, nguyên đơn là Ngân hàng H trình bày:

Ngân hàng H- chi nhánh Hà Nội và Công ty N đã ký kết hợp đồng tín dụng số 11/10/HN ngày 04/10/2010 với nội dung: Hạn mức vay vốn 2.268.000.000 đồng; mục đích vay: bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh/ vận chuyển vật liệu xây dựng, vật liệu điện, sắt thép; thời hạn hạn mức 12 tháng; thời hạn mỗi khế ước tối đa 06 tháng; Lãi suất trong hạn theo quy định của ngân hàng trong từng thời kỳ, thể hiện cụ thể bằng quyết định lãi suất do Tổng giám đốc ngân hàng ban hành; lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn; phương thức áp dụng lãi suất: hai bên thống nhất ủy quyền cho ngân hàng được tự động điều chỉnh lãi suất trong trường hợp có sự thay đổi về chính sách lãi suất của ngân hàng.

Thực hiện hợp đồng tín dụng số 11/10HN ngày 04/10/2010, Ngân hàng H đã giải ngân cho Công ty N theo khế ước nhận nợ số 03.11/10/HN ngày 05/4/2011 số tiền 1.800.000.000 đồng và khế ước nhận nợ số 04/11/10/HN ngày 27/4/2011 số tiền 468.000.000 đồng, tổng cộng là 2.268.000.000 đồng Tài sản bảo đảm cho khoản vay nêu trên là: Quyền sử dụng đất tại xã M2, huyện T6, thành phố Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 762010, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00039 QSSĐ/981/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân huyện T6, thành phố Hà Nội cấp ngày 01/8/2001 mang tên hộ gia đình bà T3. Hộ gia đình bà T3 đã thế chấp tài sản tại Ngân hàng H theo hợp đồng thế chấp số 2582/2010/HĐTC ngày 29/9/2010. Việc thế chấp tài sản đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Sau khi vay vốn, Công ty N đã không thanh toán nợ theo đúng cam kết. Ngân hàng H đã nhiều lần yêu cầu Công ty N và các bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bàn giao tài sản bảo đảm cho Ngân hàng để xử lý theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp tài sản nhưng các bên đều không thực hiện. Tổng số tiền Công ty N đã thanh toán trả Ngân hàng H như sau: Đã trả số tiền gốc 215.000.000 đồng (cụ thể là: ngày 07/12/2012 trả 100.000.000 đồng, ngày 17/5/2013 trả 50.000.000 đồng, ngày 12/10/2013 trả 65.000.000 đồng); Đã trả số tiền lãi 196.729.000 đồng (cụ thể là: ngày 27/4/2011 trả 21.000.000 đồng, ngày 31/5/2011 trả 42.421.000 đồng, ngày 28/6/2011 trả 9.568.000 đồng, ngày 12/7/2011 trả 36.800.000 đồng, ngày 30/7/2011 trả 42.021.000 đồng, ngày 08/9/2011 trả 9.269.000 đồng, ngày 15/9/2011 trả 650.000 đồng, ngày 26/9/2011 trả 35.000.000 đồng); Đã trả số tiền lãi quá hạn 34.164.500 đồng vào ngày 25/11/2011. Dư nợ của Công ty N tạm tính đến ngày 17/08/2015 là 5.003.454.813 đồng, trong đó nợ gốc 2.053.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn 2.011.258.542 đồng, nợ lãi quá hạn 939.196.271đồng. Ngân hàng H đề nghị Tòa án buộc Công ty N phải trả toàn bộ số nợ gốc và nợ lãi tạm tính như trên. Trong thời gian chưa thanh toán nợ, Công ty N tiếp tục phải thanh toán số tiền lãi, lãi phạt phát sinh theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng cho đến khi tất toán khoản vay. Trường hợp Công ty N không trả được nợ thì Ngân hàng H có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ là Quyền sử dụng đất tại xã M2, huyện T6, thành phố Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 762010, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00039QSDĐ/981/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân huyện T6, thành phố Hà Nội cấp ngày 01/8/2001 mang tên hộ gia đình bà T3.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là Công ty N trình bày:

Ngày 04/10/2010 Ngân hàng H có cho Công ty N vay vốn theo hợp đồng tín dụng số 11/10/HN với số tiền vay là 2.268.000.000 đồng, mục đích vay: bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh vận chuyển vật liệu xây dựng, vật liệu điện, sắt thép, lãi suất được quy định rõ trong hợp đồng vay. Ngân hàng H đã giải ngân toàn bộ số tiền vay cho Công ty N. Tài sản thế chấp cho khoản vay là: Quyền sử dụng đất tại xã M2, huyện T6, thành phố Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 762010, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00039QSDĐ/981/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân huyện T6 cấp ngày 01/8/2001 mang tên hộ gia đình bà T3. Hộ gia đình bà T3 đã thế chấp tài sản tại Ngân hàng H theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 2582/2010/HĐTC ngày 29/9/2010. Việc thế chấp tài sản đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện hợp đồng Công ty N mới trả cho Ngân hàng H được 215.000.000 đồng nợ gốc. Thời gian qua do công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên Công ty N chưa thu hồi được tiền để thanh toán trả cho Ngân hàng H, Công ty N xác nhận hiện tại còn nợ Ngân hàng H số tiền nợ gốc là 2.053.000.000đồng, còn về khoản nợ lãi thì Công ty N xin được đối chiếu, tính lại với Ngân hàng H và đề nghị Ngân hàng miễn giảm phần lãi, và công ty cam kết thanh toán tiền nợ gốc cho Ngân hàng khi công ty thu hồi đươc tiền.

Quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông T2, bà T3, anh T4, anh P trình bày: Ông bà và các con của ông bà là anh T4và anh P có ký hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất tại xã M2, huyện T6, thành phố Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 762010, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00039QSDĐ/981/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân huyện T6, thành phố Hà Nội cấp ngày 01/8/2001 mang tên hộ gia đình bà T3 để đảm bảo cho khoản vay của Công ty N đối với Ngân hàng H theo hợp đồng tín dụng số 11/10/HN ngày 04/10/2010, việc thế chấp tài sản đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Nay Ngân hàng H khởi kiện yêu cầu Công ty N phải thanh toán khoản nợ vay cho Ngân hàng và đề nghị phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ thì đề nghị Công ty N có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng H và không đồng ý phát mại tài sản thế chấp. Hiện tại trên thửa đất nêu trên, gia đình ông T2 chỉ cho bà T5, chị M, anh M1 ở nhờ nhà đất chứ ngoài ra không cho bất kỳ ai ở nhờ hay thuê nào khác. Việc gia đình ông T2 cho gia đình bà T5 ở nhờ nhà đất thì gia đình ông T2 và gia đình bà T5 sẽ tự giải quyết với nhau, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà T5 trình bày: Gia đình bà gồm có bà và các con là chị M, anh M1 có ở nhờ nhà đất của gia đình ông T2 từ tháng 11/2009, quá trình ở gia đình bà không cải tạo, sửa chữa gì, việc ở nhờ nhà đất của gia đình ông T2 thì gia đình bà và gia đình ông T2 sẽ tự giải quyết với nhau, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị M, anh M1 đã được Tòa án tống đạt hợp lệ thông báo thụ lý vụ án, giấy báo, thông báo hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định hoãn phiên tòa nhưng đều vắng mặt, không đến Tòa án nên không có lời khai.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã xử: Áp dụng:

- Khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm b khoản 2 Điều 227; Điều 147; Điều 271; Điều 273; Điều 278 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Điều 471; Điều 474; Điều 476; Điều 342; Điều 343; Điều 355 Bộ luật dân sự năm 2005.

- Điều 90; Điều 95; Điều 98 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

- Khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án; Điểm e khoản 3 mục I danh mục mức án phí, lệ phí Toà án (ban hành kèm theo Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/2/2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội).

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng H yêu cầu Công ty N phải thanh toán trả các khoản tiền nợ phát sinh từ việc ký kết và thực hiện Hợp đồng tín dụng số 11/10/NH ngày 04/10/2018 giữa Ngân hàng H và Công ty N; Ký kết và thực hiện Hợp đồng thế chấp số: 2528/2010/HĐTC ngày 29/9/2010 giữa Ngân hàng H, Hộ gia đình bà T3 và Công ty N.

2. Buộc Công ty N phải thanh toán trả cho Ngân hàng H số tiền còn nợ của hợp đồng tín dụng số 11/10/HN ngày 04/10/2010, bao gồm: số tiền nợ gốc là 2.051.470.316 đồng (Hai tỷ không trăm năm mươi mốt triệu, bốn trăm bảy mươi nghìn, ba trăm mười sáu đồng), số tiền nợ lãi trong hạn 3.880.470.316 đồng (ba tỷ, tám trăm tám mươi tám triệu, bảy trăm bốn mươi mốt nghìn, ba trăm bốn mươi bốn đồng), số tiền nợ lãi quá hạn là 1.586.681.568 đồng (một tỷ, năm trăm tám mươi sáu triệu, sáu trăm tám mươi mốt nghìn, năm trăm sáu mươi tám đồng). Tổng cộng cả nợ gốc và nợ lãi là 7.518.893.228đồng (bảy tỷ, năm trăm mười tám triệu, tám trăm chín mươi ba nghìn, hai trăm hai mươi tám đồng).

Trong trường hợp Công ty N không trả nợ hoặc trả không đủ số nợ, thì Ngân hàng H có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật gồm: Giá trị Quyền sử dụng 168 m2 đt tại xã M2, huyện T6, thành phố Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 762010, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00039QSDĐ/981/QĐ-UB ngày 01/8/2001 do Ủy ban nhân dân huyện T6, thành phố Hà Nội cấp cho hộ gia đình bà T3 theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 2582/2010/HĐTC, quyển số 07-TP/CC-SCC/HĐGD ngày 29/9/2010 tại Văn phòng công chứng A9- thành phố Hà Nội.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán/ xử lý tài sản đảm bảo được dùng để thanh toán nghĩa vụ trả nợ của Công ty N đối với Ngân hàng H. Nếu số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ thanh toán hết khoản nợ thì Công ty N vẫn phải có nghĩa vụ trả hết khoản nợ cho Ngân hàng H.

Kể từ ngày kế tiếp sau ngày xét xử sơ thẩm, người phải thi hành án tiếp tục chịu lãi suất đối với khoản nợ gốc theo mức lãi suất thoả thuận trong hợp đồng tín dụng tương ứng với thời gian chậm trả, cho đến khi trả xong nợ gốc.

Trong trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Ngoài ra bản án còn tuyên về phần án phí và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông T2, bà T3, anh T4, anh P kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án, cụ thể là phần lãi suất mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn.

Tại phiên tòa hôm nay: Các bên đương sự không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì mới.

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến phiên tòa lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lý do.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà T5, chị M, anh M1 được Tòa án triệu tập hợp lệ đến phiên tòa lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lý do.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo: Bà T3 được Tòa án triệu tập hợp lệ đến phiên tòa lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lý do. Ông T2 và anh P xin xét xử vắng mặt. Anh T4 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại phần lãi suất.

Tại phiên tòa vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhận xét và đề nghị:

- Vế tố tụng: Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành các thủ tục tố tụng đúng pháp luật. Các đương sự chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

- Về nội dung: Hợp đồng tín dụng ký kết giữa các bên là hợp pháp và phù hợp với quy định của pháp luật. Án sơ thẩm tuyên buộc Công ty N phải trả số tiền nợ gốc là có căn cứ. Đối với phần tiền lãi ngân hàng đã cung cấp được các quyết định về thay đổi lãi suất trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng mà các bên đã thỏa thuận. Án sơ thẩm buộc Công ty N phải trả số tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn là có căn cứ. Đối với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất được ký trên cơ sở tự nguyện giữa các bên, được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, nên có hiệu lực thi hành đối với cá bên.

Đề nghị Hội đồng xét xử: Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với nội dung kháng cáo của bà T3. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông T2, anh T4 và anh P. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu do các bên đương sự cung cấp và Tòa án thu thập được trong quá trình tiến hành tố tụng, sau khi đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] - Về thủ tục tố tụng:

- Đơn kháng cáo của ông T2, bà T3, anh T4, anh P được nộp trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ.

Tại phiên tòa hôm nay, bà T3 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt, nên đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với nội dung kháng cáo của bà T3.

- Về quan hệ pháp luật: Tranh chấp giữa Ngân hàng H với Công ty N phát sinh từ hợp đồng tín dụng số 11/10/HN ngày 04/10/2010 được Tòa án cấp sơ thẩm xác định tranh chấp Hợp đồng tín dụng là đúng pháp luật.

- Về thẩm quyền giải quyết: Công ty N có địa chỉ trụ sở chính tại phố K, phường N1, quận T1, thành phố Hà Nội. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tßa ¸n nh©n d©n quËn Thanh Xu©n, thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

[2] - Về nội dung kháng cáo của ông T2, anh T4, anh P, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[2.1] – Về nợ gốc:

Xét Hợp đồng tín dụng số 11/10/HN ngày 04/10/2010 và khế ước nhận nợ số 03.11/10/HN, khế ước nhận nợ số 04.11/10/HN giữa Ngân hàng H và Công ty N được các chủ thể có quyền tham gia ký kết trên cơ sở tự do, tự nguyện thỏa thuận, không bị lừa dối, nội dung không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội nên các bên phải có nghĩa vụ thực hiện.

Căn cứ vào hợp đồng trên, Ngân hàng H đã giải ngân cho Công ty N vay số tiền 2.268.000.000 đồng.

Quá trình thực hiện Hợp đồng tín dụng, Công ty N đã thanh toán được một phần nợ gốc là 216.529.684 đồng, nên còn nợ lại 2.051.470.316 đồng đã được các bên xác nhận. Án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu đòi thanh toán nợ gốc của Ngân hàng là có căn cứ.

[2.2] – Về nợ lãi:

Tại hợp đồng tín dụng số 11/10/HN ngày 04/10/2010 hai bên đã thỏa thuận lãi suất vay, phương thức áp dụng theo quy định của ngân hàng trong từng thời kỳ, thể hiện cụ thể bằng quyết định lãi suất do Tổng giám đốc ngân hàng ban hành. Quá trình giải quyết vụ án Ngân hàng H đã cung cấp những quyết định về mức lãi suất và bảng tính lãi với mức lãi suất theo từng thời kỳ đến ngày 23/11/2018.

Qúa trình thực hiện hợp đồng, Công ty N đã trả một phần số tiền lãi cho Ngân hàng H. Cụ thể, khế ước nhận nợ số 03.11/10/HN ngày 05/4/2011 đã trả lãi trong hạn 160.550.000 đồng, lãi quá hạn 29.725.000 đồng. Khế ước nhận nợ số 04/11/10/HN ngày 27/4/2011 đã trả lãi trong hạn 36.179.000 đồng, lãi quá hạn 4.439.000 đồng. Như vậy, số tiền lãi Công ty N còn phải trả cho Ngân hàng H là: lãi trong hạn: 3.880.741.344 đồng; lãi quá hạn: 1.586.681.568 đồng.

Hội đồng xét xử thấy việc tính lãi của ngân hàng đúng với các điều khoản quy định trong hợp đồng mà các bên đã ký kết, phù hợp với mức lãi suất theo từng thời kỳ mà Ngân hàng H quy định, nên không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông T2, anh T4 và anh P.

[2.3] – Về yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của nguyên đơn:

Xét hợp đồng thế chấp tài sản ký ngày 29/9/2010 giữa bên thế chấp là hộ gia đình bà T3,bên nhận thế chấp là Ngân hàng H, lập tại Văn phòng công chứng A9 thành phố Hà Nội. Hợp đồng được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định nên có hiệu lực thi hành. Vì vậy, trường hợp Công ty N không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán thì Ngân hàng H có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp theo thủ tục chung để thu hồi nợ như quyết định của án sơ thẩm là có căn cứ.

Đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phù hợp với những quy định của pháp luật, nên không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của ông T2, anh T4 và anh P.

Các đương sự kháng cáo phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên giữ nguyên.

Từ những nhận định trên.

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 30; Điều 37; Điều 38; Điều 148; Điều 312 của Bộ luật Tố tụng dân sự - Điều 342; Điều 343; Điều 355; Điều 471; Điều 474; Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005.

Áp dụng Điều 51; Điều 52; Điều 54 Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 Áp dụng Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/2/2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với toàn bộ nội dung kháng cáo của bà T3

- Không chấp nhận kháng cáo của ông T2, anh T4 và anh P.

Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng H đối với Công ty N.

2. Buộc Công ty N phải thanh toán trả cho Ngân hàng H số tiền còn nợ của hợp đồng tín dụng số 11/10/HN ngày 04/10/2010, bao gồm: số tiền nợ gốc là 2.051.470.316 đồng (Hai tỷ không trăm năm mươi mốt triệu, bốn trăm bảy mươi nghìn, ba trăm mười sáu đồng), số tiền nợ lãi trong hạn 3.880.741.344 đồng (ba tỷ, tám trăm tám mươi triệu, bảy trăm bốn mươi mốt nghìn, ba trăm bốn mươi bốn đồng), số tiền nợ lãi quá hạn là 1.586.681.568 đồng (một tỷ, năm trăm tám mươi sáu triệu, sáu trăm tám mươi mốt nghìn, năm trăm sáu mươi tám đồng). Tổng cộng cả nợ gốc và nợ lãi là 7.518.893.228 đồng (bảy tỷ, năm trăm mười tám triệu, tám trăm chín mươi ba nghìn, hai trăm hai mươi tám đồng).

Trong trường hợp Công ty N không trả nợ hoặc trả không đủ số nợ, thì Ngân hàng H có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là: Giá trị quyền sử dụng 168 m2 đất tại thửa đất xã M2, huyện T6, thành phố Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 762010, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00039QSDĐ/981/QĐ-UB ngày 01/8/2001 do Ủy ban nhân dân huyện T6, thành phố Hà Nội cấp cho hộ gia đình bà T3 theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 2582/2010/HĐTC, quyển số 07-TP/CC-SCC/HĐGD ngày 29/9/2010 tại Văn phòng công chứng A9- thành phố Hà Nội.

Khi phát mại tài sản, nếu số tiền thu được không đủ thanh toán hết khoản nợ thì Công ty N vẫn phải có nghĩa vụ trả nốt số nợ còn lại cho Ngân hàng H. Nếu thừa thì trả lại cho chủ sở hữu tài sản.

Kể từ ngày kế tiếp sau ngày xét xử sơ thẩm, người phải thi hành án tiếp tục chịu lãi suất đối với khoản nợ gốc theo mức lãi suất thoả thuận trong hợp đồng tín dụng tương ứng với thời gian chậm trả, cho đến khi trả xong nợ gốc.

Trong trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

3. Về án phí sơ thẩm:

Công ty N phải nộp 115.419.000 đồng (Một trăm mười lăm triệu bốn trăm mười chín nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Hoàn trả Ngân hàng H số tiền 51.182.000 đồng (Năm mươi mốt triệu một trăm tám mươi hai nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số 0005372 ngày 02/4/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

4. Về án phí phúc thẩm:

Ông T2, anh T4, anh P, mỗi người phải chịu 2.000.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được trừ 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (đã nộp) theo các biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 5631, 5630, 5629 ngày 26/12/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Sung công 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của bà T3 (đã nộp) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 5632 ngày 26/12/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

277
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 127/2019/KDTM-PT ngày 25/10/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:127/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 25/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về