Bản án 126/2018/HS-ST ngày 24/10/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÚ QUỐC - TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 126/2018/HS-ST NGÀY 24/10/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 24 tháng 10 năm 2018 tạị trụ sở Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 111/2018/TLST- HS ngày 04 tháng 10 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 121/2018/QĐXXST-HS ngày 11 tháng 10 năm 2018 đối với bị cáo:

Võ Huyền A (X), sinh năm: 1996 tại huyện P, tỉnh K.

Nơi cư trú: Khu phố 8, thị trấn A, huyện P, tỉnh K; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hoá: 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; con ông Võ Minh D và bà Nguyễn Thị Tuyết L; Vợ: Lê Thị Ngọc L, sinh năm 1998; Tiền án: không, tiền sự: 01 lần vào ngày 25/5/2018 bị Công an thị trấn An Thới xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng ma túy trái phép; Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 16/8/2018 đến nay. Bị cáo có mặt.

- Người bị hại: Cháu Lê Hoàng H, sinh ngày 24/6/2015. Địa chỉ: Khu phố 8, thị trấn Ai, huyện P, tỉnh K.

- Người đại diện hợp pháp cho người bị hại: Chị Lê Thị Ngọc L, sinh năm 1998 (Mẹ ruột của bị hại - Có mặt).

Địa chỉ: Khu phố 8, thị trấn D, huyện P, tỉnh K.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Luật sư Phạm Hữu Phan - Cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang. (Có mặt).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Chị Võ Thị H, sinh năm 1994. (Có mặt).

Địa chỉ: Tổ 4, khu phố 8, thị trấn A, huyện P, tỉnh K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Võ Huyền A là người nghiện ma túy. Khoảng 18 giờ ngày 11/8/2018, sau khi sử dụng ma túy đá về nhà thấy bé Lê Hoàng H sinh ngày 26/4/2015 là con ruột của chị Lê Thị Ngọc L là người sống chung như vợ chồng với A quấy khóc, dỗ không nín nên Võ Huyền A phạt không cho cháu H ăn cơm và kéo cháu H vào phòng riêng của A rồi đóng cửa lại. Lúc này, bé H vẫn còn khóc nên A đã dùng tay đánh liên tục vào đầu và mặt của bé H vừa đánh vừa nạt “mày nín chưa” đánh đến khi bé H nín khóc thì A mới dừng tay lại. Võ Huyền A bắt bé H đứng khoanh tay đứng sát tường không cho ăn, không cho ngủ. Khi bé H khóc thì A dùng tay và dây thắt lưng đánh vào người bé H. Thấy bé H bị đánh thì chị L và người nhà của Huyền A đứng bên ngoài cửa xin và căn ngăn thì Huyền A càng đánh bé H mạnh hơn nên không ai dám can ngăn. Đến khoảng 19 giờ 30 phút Huyền A tiếp tục lấy ma túy đá ra sử dụng rồi nằm ngủ, bỏ mặc bé H vẫn đứng khoanh tay. Đến nửa đêm, A thức giấc và nhìn thấy bé H đứng đái tại chỗ nên lấy cây móc phơi đồ bằng nhôm duỗi thẳng rồi đánh liên tiếp vào người bé H, H càng khóc thì A càng đánh mạnh, đến khi H nín mới thôi. Đến khoảng 5 giờ ngày 12/8/2018, A phát hiện bé H lại đái tại chỗ nên tiếp tục dùng cây nhôm đánh liên tiếp vào người bé H. Lúc này, chị L và người nhà của Huyền A tiếp tục xin Võ Huyền A tha cho bé H thì Huyền A càng đánh mạnh hơn nên mọi người không dám can ngăn. Chị L đập cửa đòi vào thì Huyền A mở cửa ra đòi đánh chị L rồi đóng cửa lại tiếp tục đánh bé H nên chị L đi báo công an. Khi công an thị trấn A đến phá mở cửa phòng thì phát hiện trong phòng có Huyền A và bé H bị thương tích toàn thân, mắt không mở được. Cơ quan Công đã bắt giữ Võ Huyền A và thu giữ tang vật là dây thắt lưng và cây roi nhôm.

* Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 436/KL-PY, ngày 21/8/2018 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Kiên Giang kết luận thương tích của bị hại Lê Hoàng H như sau:

1. Kết quả chính qua giám định:

- Sây sát da, bầm tụ máu vùng trán - đỉnh - thái dương - má trái, vùng má phải, ảnh hưởng thẩm mỹ;

- Sây sát da, bầm tụ máu vùng chẩm trái, vùng gáy (cổ sau), vùng lưng - mông, mặt ngoài cánh - cẳng - bàn tay trái, vùng cánh tay phải, vùng ngực, chân trái và chân phải.

- Mắt trái: Cương tụ kết mạc, bầm mi, nhiều vết thương sây sát da mi

- Mắt phải: Sướt giác mạc.

2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 24%.

3. Vật gây thương tích: Vật tày diện giới hạn.

4. Về thẩm mỹ và chức năng bộ phận cơ thể: Thương tích vùng mặt gây ảnh hưởng thẩm mỹ mức độ ít.

* Vật chứng trong vụ án thu giữ gồm có:

- Một dây thắt lưng bằng da màu đen, dài 107cm, rộng 03cm, có một đầu bằng kim loại màu trắng dài 08cm, hiệu VERSACE;

- Một đoạn kim loại màu trắng, dài 76 cm (móc treo quần áo bằng kim loại, bẻ thẳng).

Bản cáo trạng số 113/CT-VKSPQ ngày 02/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang truy tố bị cáo Võ Huyền A về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 (thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm, đối với người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ, được quy định tại điểm a, c và i Khoản 1 Điều 134) của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố hành vi của bị cáo Võ Huyền A đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” và đề nghị HĐXX áp dụng: điểm đ khoản 2 Điều 134, Điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đề nghị mức hình phạt cho bị cáo từ 03 năm đến 04 năm tù giam.

Về tang vật: Áp dụng Điều 46, 47 Bộ luật hình sự và Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy đối với vật chứng: Một dây thắt lưng bằng da màu đen, dài 107cm, rộng 03cm, có một đầu bằng kim loại màu trắng dài 08cm, hiệu VERSACE; Một đoạn kim loại màu trắng, dài 76 cm (móc treo quần áo bằng kim loại, bẻ thẳng).

Quan điểm của luật sư Phạm Hữu Phan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại: Đồng ý với Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc đã truy tố bị cáo Võ Huyền A về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS cũng như các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị. Mức hình phạt mà vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo là phù hợp nhưng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo quy định pháp luật vì chị L (vợ bị cáo) đang mang thai lại không có khả năng lao động để nuôi bị hại.

Tại phiên tòa:

Bị cáo Võ Huyền A khai nhận hành vi phạm tội của mình đúng như lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như nội dung bản cáo trạng mà vị đại diện Viện kiểm sát đã công bố tại phiên tòa.

Người đại diện hợp pháp của bị hại - Chị Lê Thị Ngọc L yêu cầu Hội đồng xét xử xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và không có yêu cầu bị cáo phải bồi thường gì thêm.

Lời nói sau cùng của bị cáo trước khi HĐXX vào nghị án: Bị cáo ăn năn hối cải, bị cáo là lao động chính trong gia đình, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng:

Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, Điều tra viên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Quốc, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc và người bào chữa đã tuân thủ nghiêm các quyền và nghĩa vụ của mình, thực hiện các hành vi, quyết định tố tụng đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng không có khiếu nại về hành vi, quyết định của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng do đó các hành vi, quyết định tố tụng của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Đánh giá chứng cứ:

a) Bị cáo thừa nhận: Do tức giận vì cháu Lê Hoàng H quấy khóc và không chịu ngủ nên bị cáo đưa cháu H vào phòng riêng đóng cửa lại, phạt cháu H đứng khoanh tay không cho ăn, không cho ngủ, mỗi khi cháu H khóc hoặc đái tại chỗ thì bị cáo dùng tay, dây thắt lưng bằng da và cây móc quần áo bằng nhôm đánh vào mặt, đầu, tay và toàn thân cháu H từ lúc 18giờ 30phút ngày 11/8/2018 đến 05giờ ngày 12/8/2018.

b) Tại kết luận giám định pháp y về thương tích số 436/KL-PY, ngày 21/8/2018 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Kiên Giang kết luận bị hại Lê Hoàng H bị thương tích nhiều nơi trên cơ thể. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 24%.

c) Vật chứng thu giữ là 01 dây thắt lưng bằng da màu đen và 01 đoạn kim loại màu trắng (móc treo quần áo bằng kim loại, bẻ thẳng).

d) Lời khai của người đại diện hợp pháp cho người bị hại chị Lê Thị Ngọc L, người làm chứng ông Võ Minh D và bà Lê Thị B xác định bị cáo đã nhốt cháu H vào phòng và đánh đập cháu H trong khoảng thời gian từ 18 giờ 30 phút ngày 11/8/2018 đến 05 giờ ngày 12/8/2018.

Từ các chứng cứ nêu trên Hội đồng xét xử nhận định lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người đại diện hợp pháp bị hại, kết luận giám định, vật chứng vụ án cùng các chứng cứ khác nên có đủ căn cứ để kết luận chỉ vì cháu H quấy khóc không chịu ngủ mà bị cáo đã dùng tay, dây thắt lưng và móc quần áo bằng nhôm đánh rất nhiều lần vào khắp cơ thể cháu H gây tỷ lệ thương tích cho cháu H 24%. Do đó, bị cáo đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS (thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm, đối với người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ, được quy định tại điểm a, c và i Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Về tình tiết giảm nhẹ: Ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại số tiền 30.000.000đồng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đại diện hợp pháp của bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên cần áp dụng cho bị cáo điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[4] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo

Bị cáo thực hiện hành vi một cách cố ý, bị hại chỉ là một đứa bé chỉ vì không khóc không nín mà bị cáo đã dùng tay, dây thắt lưng và roi nhôm đánh cháu Huy rất nhiều lần, gây nên tỷ lệ thương tích đến 24%.

Giữa bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn gì với với nhau, bị hại là trẻ em chỉ mới 03 tuổi nhưng bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đánh cháu H. Giữa bị cáo và mẹ bị hại đang chung sống như vợ chồng với nhau lẽ ra bị cáo phải yêu thương dạy dỗ chăm sóc cháu H như con ruột của mình nhưng bị cáo lại nhẫn tâm hành hạ và dùng vũ lực đối với cháu. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội đối với trẻ em và dùng hung khí nguy hiểm thực hiện tội phạm. Đây là tội phạm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi trẻ em. Hậu quả gây nên nỗi sợ hãi, ám ảnh suốt cuộc đời đối với cháu H, tạo nên sự phẫn nộ bất bình trong quần chúng nhân dân, xã hội lên án gay gắt. Đồng thời, còn ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương. Mặc dù, gia đình bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại và đại diện hợp pháp của bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nhưng với tính chất, mức độ phạm tội và hậu quả bị cáo đã gây ra, cần tuyên cho bị cáo mức hình phạt nghiêm mới đảm bảo tính giáo dục và phòng ngừa.

[5] Quan điểm của truy tố của Viện kiểm sát:

Tội danh, điều luật áp dụng và mức hình phạt mà vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo là có căn cứ nên HĐXX chấp nhận.

[6] Về yêu cầu của người đại diện hợp pháp của bị hại: Chị Lê Thị Ngọc L là mẹ ruột của bị hại có đơn yêu cầu khởi tố đối với bị cáo ngay sau khi bị cáo thực hiện tội phạm nhưng đã có đơn xin rút yêu cầu khởi tố. Tuy nhiên, vụ án không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 nên việc rút đơn của chị L sẽ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Chị L cho rằng sau khi gây thương tích chị có đưa cháu H đi khám và điều trị nhưng không có hóa đơn chứng từ, chị ruột của bị cáo là chị Võ Thị H đã tự nguyện bồi thường cho chị 30.000.000đồng, nay chị L không có yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm bất cứ khoản nào khác nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Yêu cầu của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại (Luật sư Phạm Hữu Phan):

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát và yêu cầu của chị L, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo quy định pháp luật. Xét thấy quan điểm này phù hợp với quy định pháp luật nên chấp nhận.

[8] Về các vấn đề khác:

* Đối với số tiền 30.000.000đồng mà chị Võ Thị H đã bồi thường thay cho bị cáo, nay chị H không có yêu cầu bị cáo phải hoàn trả lại số tiền này nên ghi nhận sự tự nguyện của chị H.

* Về xử lý vật chứng:

Các vật chứng thu giữ gồm: 01 dây thắt lưng bằng da màu đen và 01 đoạn kim loại màu trắng không còn giá trị sử dụng nên áp dụng khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự để tịch thu, tiêu hủy.

* Về án phí:

Căn cứ Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điểm a, g khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

1. Về trách nhiệm hình sự:

 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tuyên bố: Bị cáo Võ Huyền A (X) phạm tội “Cố ý gây thương tích”

Xử phạt: Bị cáo Võ Huyền A (X) 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tính từ ngày bị tạm giữ, tạm giam 16/8/2018.

2. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Do gia đình bị cáo đã bồi thường cho bị hại 30.000.000đồng. Nay người đại diện hợp pháp của bị hại không có yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm bất cứ khoản nào khác nên miễn xét.

Ghi nhận sự tự nguyện của chị Võ Thị H bồi thường thay cho bị cáo số tiền 30.000.000đồng.

3. Về xử lý vật chứng:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự:

Tịch thu, tiêu hủy toàn bộ vật chứng thu giữ theo Quyết định chuyển vật chứng số 72/QĐ-VKS ngày 02/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc. Hiện vật chứng đã được bàn giao cho Cục thi hành án dân sự huyện Phú Quốc (Theo Biên bản giao, nhận vật chứng ngày 05/10/2018).

4. Về án phí:

Căn Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điểm a, g khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bị cáo phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo:

Báo cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

312
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 126/2018/HS-ST ngày 24/10/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:126/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Phú Quốc - Kiên Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 24/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về