TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
BẢN ÁN 125/2020/HS-PT NGÀY 26/09/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 26/9/2020 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số:172/2019/TLPT-HS ngày 09/7/2020 đối với bị cáo Thân Văn P, do có kháng cáo của bị cáo Thân Văn P và đại diện hợp pháp của người bị hại bà Thân Thị L1 đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 59/2020/HS-ST ngày 04/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đối với bị cáo:
Họ và tên: Thân Văn P, sinh năm 1961; Tên gọi khác: Không;
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B;
Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Văn hóa: Không biết chữ;
Con ông: Thân Văn P1, sinh năm 1937; Con bà: Thân Thị C (đã chết);
Gia đình có 06 anh em; bị cáo là con thứ nhất;
Vợ: Hoàng Thị N, sinh năm 1963;
Bị cáo có 03 con, con lớn sinh năm 1984, con nhỏ sinh năm 1988; Tiền án, tiền sự: Không;
Bị cáo đầu thú, bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 18/6/2019 đến nay. Hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam- Công an tỉnh Bắc Giang (Có mặt tại phiên tòa).
* Người bào chữa cho bị cáo Thân Văn P: Ông Hoàng Trọng Nghĩa và bà Nguyễn Thị Hòa - Trợ giúp viên Pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Giang ( Có mặt).
* Bị hại: Ông Thân Thế L, sinh năm 1966 ( Đã chết). HKTT: Thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B
* Người đại diện hợp pháp của bị hại:
1. Bà Thân Thị L1, sinh năm 1968 (Có mặt)
2. Anh Thân Thế L2, sinh năm 1988 ( Vắng mặt).
3. Anh Thân Thế T, sinh năm 1993 ( Vắng mặt). Đều cư trú: Thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B.
4. Chị Thân Thị C, sinh năm 1990 ( Cómặt). Địa chỉ: Thôn P, xã L, huyện V, tỉnh H.
Anh L2, anh T, chị C đều ủy quyền tham gia tố tụng cho bà Thân Thị L1, sinh năm 1968 ( Bà L1 có mặt).
Nơi cư trú: Thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B.
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Thân Thị L1: Ông Nguyễn Văn Thành, ông Ngô Văn Hưng - Đều là Luật sư, Văn phòng luật sư Thành Đạt thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang (Có mặt).
* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Bà NLQ1, sinh năm 1963 ( Có mặt).
2. Anh NLQ2, sinh năm 1971 ( Có mặt).
Đều địa chỉ: Thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B.
* Người làm chứng:
1. Chị NLC1, sinh năm 1973 ( Có mặt).
2. Ông NLC2, sinh năm 1965 ( Có mặt).
3. Ông NLC3, sinh năm 1969 ( Có mặt).
4. Anh NLC4, sinh năm 1975 ( Có mặt).
5. Ông NLC5, sinh năm 1963 ( Có mặt).
6. Chị NLC6, sinh năm 1972 ( Có mặt).
7. Ông NLC7, sinh năm 1967 ( Vắng mặt ).
8. Anh NLC8, sinh năm 1979 ( Có mặt).
9. Anh NLC9, sinh năm 1971 ( Có mặt).
10. Anh NLC10, sinh năm 1973 ( Vắng mặt).
11. Anh NLC11, sinh năm 1973 ( Có mặt).
12. Anh NLC12, sinh năm 1974 ( Có mặt).
13. Anh NLC13, sinh năm 1971 (Vắng mặt). Đều địa chỉ: Thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B.
* Người tham gia tố tụng khác:
1. Ông Vi Văn Tài - Giám định viên ( Vắng mặt).
2. Ông Lục Văn Hiện - Giám định viên ( Có mặt).
3. Ông Chu Duy Hưng - Giám định viên ( Vắng mặt).
4. Ông Lương Ngọc Thái - Giám định viên ( Có mặt).
Đều là các Giám định viên thuộc Trung tâm pháp y - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang.
5. Ông Hoàng Tuấn Anh - Điều tra viên ( Có đơn xin đề nghị xét xử vắng mặt).
6. Ông Chu Bá Huy - Điều tra viên ( Có mặt).
Đều là các Điều tra viên thuộc Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
7. Bà Lê Thị Huyền - Kiểm sát viên ( Có mặt).
8. Ông Đoàn Thế Đức - Kiểm sát viên ( Có mặt).
Đều là các Kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Thân Văn P, sinh năm 1961, trú tại: thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B và ông Thân Thế L, sinh năm 1966, trú tại trú tại: thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B là quan hệ hàng xóm, ở cạnh nhau. Khoảng tháng 5/2019, gia đình ông Thân Thế L tiến hành xây dựng nhà nên giữa Thân Văn P và ông Thân Thế L thường xuyên xảy ra sô sát cãi chửi nhau. Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 18/6/2019, Thân Văn P đang nhặt củ ở sân nhà mình thì ông Thân Thế L đứng trên trần tầng 2 công trình xây dựng nhà dùng vòi phun nước rửa bạt, trong lúc rửa bạt đã làm nước rơi xuống chỗ P đang đứng, làm P bị ướt người. Lúc này, P đứng dưới sân chửi với lên chỗ ông L “Mẹ thằng chó này phun nước vào người tao à” thì ông L đáp lại “Thằng chó này mày chửi tao à”, P tiếp tục nói với ông L “Thằng hấp” sau đó giữa P và ông L cãi chửi nhau một lúc thì P nói “Mày xuống đây tao bảo” thì ông L đi xuống và ra ngoài đường bê tông đứng trước cửa nhà tiếp tục chửi nhau với P. Lúc này, anh NLC4, sinh năm 1975 ở cùng thôn (anh NLC4 là em trai P) đi đến và can ngăn bảo P đi về nhà. P đi về nhà thì ông L đứng ở ngoài đường tiếp tục chửi P nên P chạy quay lại, đi đến gần đứng đối diện với ông L, P dùng tay phải đưa sang hướng bên má phải tát một cái vào trúng má phải ông L, sau khi bị tát ông L ngã ngửa về phía sau đập đầu xuống nền đường bê tông bất tỉnh tại chỗ, ông Thân Thế L được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đến 15 giờ cùng ngày 18/6/2019 thì ông L tử vong. Cùng ngày 18/6/2019, Thân Văn P đến Công an huyện Việt Yên đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của bản thân.
Cùng ngày 18/6/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên tiến hành khám nghiệm hiện trường, kết quả đã xác định vị trí Thân Văn P gây thương tích cho ông Thân Thế L là đường dân sinh (đường bê tông) thuộc thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B; phía Bắc tiếp giáp với nhà ở của gia đình ông NLC2, phía Nam tiếp giáp khu vực để vật liệu xây dựng trước công trình nhà đang xây dựng gia đình ông Thân Thế L, phía Đông tiếp giáp với đường bê tông, phía Tây tiếp giáp với lối ra đường liên xã Tăng Tiến - Hồng Thái; mặt đường nơi xảy ra vụ việc rộng 2,7m, phía Nam có cát sỏi lấn ra đường bê tông; vị trí ông Thân Thế L bị đánh nằm trên nền bê tông màu xám trắng, hướng Bắc là tường bao nhà ở của gia đình ông NLC2, phía Nam là khu vực cát sỏi lấn ra đường bê tông, cạnh tường bao bằng cay và đống cát không phủ bạt có một chiếc bạt một mặt màu da cam, một mặt màu xanh; một đầu bạt vắt trên tấm lợp Blô, một đầu nằm trên nền đất.
Ngày 18/6/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên tiến hành khám nghiệm tử thi ông Thân Thế L, kết quả: Tử thi được xác định là ông Thân Thế L ,sinh năm 1966, trú tại: Thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B; chiều dài tử thi 1,72m, thể trạng phát triển bình thường, đang trong giai đoạn mềm lạnh.
Các dấu vết tổn thương:
- Vùng đỉnh chẩm phải có đám màu đỏ tím dạng xuất huyết dưới da kích thước (3x3)cm, xung quanh sưng nề, kích thước (5,5x4)cm.
- Mặt: Mắt nhắm tự nhiên, mũi, miệng, hai tai khô, kiểm tra không thấy dấu vết thương tích.
- Cổ chắc, kiểm tra không thấy dấu vết thương tích.
- Vùng ngực, bụng, lưng, mông kiểm tra không thấy dấu vết thương tích.
- Tay phải, tay trái, chân phải, chân trái kiểm tra không thấy dấu vết thương tích.
- Bộ phận sinh dục kiểm tra không thấy dấu vết thương tích.
- Hậu môn không thoát phân.
Khám kỹ bên ngoài và hệ thống cơ xương khớp không phát hiện tổn thương. Mổ tử thi:
- Mổ sọ não: Bộc lộ da đầu thấy tụ máu dưới vết thương vùng đỉnh chẩm phải, kích thước (7x5)cm, cơ thái dương hai bên bình thường, xương hộp sọ trắng, nhẵn.
- Mở hộp sọ thấy tụ máu dưới màng cứng, toàn bộ hai bán cầu đại não và trong các rãnh cuộn não, chảy máu não thất hai bên; tụ máu dưới màng cứng vùng tiểu não kích thước (6x5)cm; diện cắt não phân biệt rõ trắng và chất xám, xương nền sọ bình thường.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 3743/19/GĐPY ngày 20/6/2019 của Trung tâm Pháp y - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đã kết luận ông Thân Thế L: Vùng đỉnh chẩm phải có đám máu màu đỏ tím dạng xuất huyết dưới da; bộc lộ da đầu thấy tụ máu dưới da vùng đỉnh chẩm phải; mở hộp sọ thấy: tụ máu dưới màng cứng toàn bộ hai bán cầu và trong các rãnh cuộn não, chảy máu não thất; tụ máu vùng tiểu não. Nguyên nhân chết do chấn thương sọ não, tụ máu, chảy máu não; cơ chế hình thành thương tích: Thương tích do va chạm với vật cứng vào vùng đỉnh chẩm phải.
Ngày 09/9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Thân Văn P. Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số: 76/2019/PYTT ngày 03/10/2019, Trung tâm Pháp y tâm thần Khu vực Miền núi phía Bắc kết luận:
“1- Thân Văn P sinh năm 1961, trú tại thôn T, xã T, huyện V, tỉnh B không bị bệnh tâm thần.
2- Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội ngày 18/6/2019, Thân Văn P không bị bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức và đủ khả năng điều khiển hành vi.
3- Hiện tại Thân Văn P đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi”.
Ngày 07/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên tiến hành thực nghiệm điều tra vụ án cho bị cáo Thân Văn P diễn lại hành vi dùng tay phải tát vào má phải ông Thân Thế L (người đóng thế ông Thân Thế L là anh Nguyễn Ngọc H, sinh năm 1998, trú tại: Thôn T, xã T, huyện V). Kết quả Thân Văn P đã thực hiện được động tác, tư thế dùng tay phải đưa sang hướng bên má phải tát một cái vào má phải ông L, sau khi bị tát ông L ngã ngửa về phía sau đập đầu xuống nền đường bê tông như đã khai tại Cơ quan điều tra là phù hợp với các thương tích trên cơ thể ông L.
Tại bản cáo trạng số: 04/CT - VKSVY ngày 25/12/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên đã truy tố Thân Văn P ra trước Toà án nhân dân huyện Việt Yên để xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Bản án hình sự sơ thẩm số: 59/2020/HS-ST ngày 04/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Thân Văn P phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 134; điểm b, s khoản 1,2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự;
Xử phạt: Thân Văn P 7 (bẩy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam 18/6/2019.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 584, Điều 591 Bộ luật dân sự buộc bi cáo P phải bồi thường cho gia đình bị hại do bà Thân Thị L1 đại diện tổng số tiền là 172.750.000 đồng nhưng được trừ vào số tiền 50.000.000 đồng gia đình bị cáo đã nộp vào C cục Thi hành án dân sự huyện Việt Yên theo biên lai thu số AA/2015/0000702 ngày 05/12/2019. Bị cáo P còn phải bồi thường số tiền 122.750.000 đồng.
Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền yêu cầu thi hành án, lãi suất chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 16/6/2020, bị cáo Thân Văn P nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 16/6/2020, đại diện hợp pháp của người bị hại bà Thân Thị L1 nộp đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm vì bỏ lọt tội phạm và người phạm tội và làm oan người vô tội.
Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Thân Văn P vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo với lý do: Sau khi phạm tội bị cáo đầu thú, bố đẻ bị cáo có công với cách mạng được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã tác động gia đình nộp số tiền 122.750.000đồng để bồi thường cho đại diện gia đình bị hại như án sơ thẩm đã tuyên.
Đại diện hợp pháp của người bị hại bà Thân Thị L1 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo với lý do: Cái chết của ông Thân Thế L chồng bà là do anh NLC4 ( Em trai bị cáo P ) gây ra. Bị cáo P có tát ông L nhưng không gây ra cái chết của ông L, hành vi của bị cáo P chỉ bị xử lý hành chính chứ không cần phải xử lý về hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm để điều tra đối với NLC4.
Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang thực hành quyền công tố tại phiên toà, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, đưa ra đề nghị xem xét các vấn đề kháng cáo mà bị cáo cũng như đại diện hợp pháp của người bị hại nêu ra đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thân Văn P xin giảm nhẹ hình phạt, sửa bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo P 5 năm tù. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại bà Thân Thị L1 đề nghị huỷ bản án sơ thẩm. Bị cáo Thân Văn P thuộc diện hộ cận nghèo nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Trợ giúp viên bào chữa cho bị cáo Thân Văn P phát biểu tranh luận: Toà sơ thẩm xét xử bị cáo Thân Văn P về tội “ Cố ý gây thương tích” là không oan sai. Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền bồi thường cho đại diện người bị hại như bản án sơ thẩm tuyên, đây là tình tiết giảm nhẹ mới được áp dụng cho bị cáo tại cấp phúc thẩm. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự; đề nghị xử phạt bị cáo P mức án 5 năm tù.
Bị cáo Thân Văn P nhất trí lời bào chữa của các trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo không có ý kiến tranh luận gì thêm và đề nghị Hội đòng xét xử xem xét xử phạt bị cáo mức hình phạt 3 năm tù.
Luật sư Ngô Văn Hưng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện hợp pháp của người bị hại bà Thân Thị L1 phát biểu tranh luận: Cơ quan điều tra vi phạm thủ tục tố tụng cụ thể: Trong quyết định trưng cầu giám định, không trưng cầu giám định vết thương sau gáy của nạn nhân và không thông báo cho gia đình nạn nhân biết là thiếu sót; Việc thực nghiệm điều tra không đúng tư thế nạn nhân ngã. Bị cáo P không phải ra đầu thú mà khi cơ quan điều tra triệu tập mới đến.
Luật sư Nguyễn Văn Thành bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện hợp pháp của người bị hại bà Thân Thị L1 phát biểu tranh luận: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự; huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại với lý do: Bà NLC6, ông C1 là nhân chứng trình bày anh NLC4 có cãi nhau với ông L là nạn nhân. Khi ông C1 và bà NLC6 đi về nhà thì nghe tiếng “Đụp”, “Uỵch” khi chạy ra đã thấy ông L ngã trên đường bê tông. Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên toà sơ thẩm ông L bị đánh ngã xuống đường bê tông, bị cáo P khai chỉ tát nhẹ, mặt khác ông L cao to do vậy ông L chết không phải do bị cáo P gây ra mà phải do người khác dùng vật cứng đánh mạnh vào gáy mới chết. Sự việc khi sô sát chỉ có 3 người gồm ông L, bị cáo P và anh NLC4 nên việc đại diện người bị hại nghi ngờ anh NLC4 có hành vi đánh ông L là có căn cứ. Đối với hành vi của bị cáo P chỉ tát nhẹ nên không gây ra cái chết của ông L nên bị cáo phụng không phạm tội “ Cố ý gây thương tích” như án sơ thẩm quy kết. Những người khâm niệm cho ông L đều xác nhận sau gáy ông L có vết thương mềm nhũn, nhưng cơ quan điều tra chưa xem xét làm rõ. Nếu bị cáo P có gây thương tích gây ra cái chết của ông L, Toà sơ thẩm xử phạt bị cáo P mức án 7 năm tù là nhẹ, không phù hợp với tính chất mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra.
Đại diện hợp pháp của người bị hại bà Thân Thị L1 phát biểu tranh luận: Nhất trí quan điểm của 2 Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà. Đề nghi Hội đồng xét xử xem xét làm rõ hành vi của anh NLC4, huỷ bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Hoàng Thị Ngoc, anh NLQ2 không có ý kiến tranh luận đối đáp gì.
Đối đáp của đại diện VKS:
Viện kiểm sát không tranh luận đối đáp với ý kiến của các Trợ giúp viên bào chữa cho bị cáo Thân Văn P.
Đối với quan điểm của các Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện hợp pháp của người bị hại bà Thân Thị L1 cho rằng giữa bị cáo và nhân chứng không xác định được bị cáo P dùng tay nào tát ông L, Viện kiểm sát cho rằng căn cứ vào các tài liệu điều tra, lời khai của bị cáo chứng minh được bị cáo P dùng tay phải để tát ông L. Việc Luật sư cho rằng cơ quan điều tra chưa làm rõ ông L ngã ở tư thế như thế nào, Viện kiểm sát cho rằng khi cơ quan điều tra đến làm việc thì ông L đã được đưa đi bệnh viện, do vậy cơ quan điều tra chỉ giám định được tử thi, nguyên nhân gây ra cái chết của ông L, việc ông L ngã ở tư thế như thế nào đã được cơ quan điều tra thực nghiệm điều tra. Đối với việc cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo P tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là ‘Đầu thú” theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, là đúng quy định của pháp luật. Đối với nhân chứng là ông C1 và bà NLC6 đều xác định không biết ai là người đánh ông L nên không có căn cứ chứng minh anh NLC4 là người gây ra cái chết của ông L.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện hợp pháp của người bị hại đối đáp: Luật sư Thành đề nghị phải chứng minh làm rõ tiếng “ Uỵch” và tiếng “Đụp” như ông C1 và bà NLC6 trình bày. Khi sự việc sảy ra chỉ có 3 người là ông L, bị cáo P và anh NLC4. Luật sư Hưng cho rằng việc giám định vi phạm tố tụng, bản kết luận giám định pháp y gia đình bị hại không nhận được.
Kết thúc tranh luận các bên giữ nguyên quan điểm của mình.
Bị cáo Thân Văn P nói lời sau cùng: Đè nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo Thân Văn P và đơn kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại bà Thân Thị L1 đã được làm trong thời hạn kháng cáo và gửi đến Tòa án nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự nên được coi là đơn kháng cáo hợp pháp. HĐXX chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của bị cáo theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét hành vi phạm tội của bị cáoThân Văn P thì thấy: khoảng 14 giờ 45 phút ngày 18/6/2019, tại đường dân sinh (Đường bê tông) thuộc thôn Thượng Phúc, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, do bị ông Thân Thế L làm nước gây ướt người nên giữa P và ông L xảy ra cãi chửi nhau; trong lúc cãi chửi nhau, Thân Văn P đã có hành vi dùng tay phải đưa sang hướng bên má phải tát một cái vào trúng vùng má bên phải ông L, làm ông L ngã ngửa về phía sau đập đầu suống nền đường bê tông và tử vong.
Như vậy hành vi của bị cáo Thân Văn P đã đủ yếu tố cấu thành tội “ Cố ý gây thương tích” được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (thuộc trường hợp làm chết người). Từ những nội dung trên án sơ thẩm xét xử bị cáo phụng về tội “ Cố ý gây thương tích”, là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.
[3] Xét kháng cáo của bị cáo Thân Văn P xin giảm nhẹ hình phạt thấy:
Án sơ thẩm xác định bị cáo P không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự; là có căn cứ.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Án sơ thẩm xác định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo P thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi phạm tội đã ra đầu thú, bị cáo tác động đến gia đình tự nguyện nộp số tiền 50 triệu đồng để bồi thường, khắc phục hậu quả cho gia đình người bị hại. Bị cáo có bố đẻ là ông Thân Văn Phú đã có thành tích trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì; bị cáo có thời gian tham gia dân công hỏa tuyến. Do vậy bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; là có căn cứ.
Hành vi của bị cáo Thân Văn P là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, thể hiện sự coi thường pháp luật của Nhà nước. Do vậy, hành vi của bị cáo cần phải nghiêm trị bằng pháp luật hình sự, cần lên một mức án nghiêm khắc tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra để răn đe và phòng ngừa chung. Án sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 07 (bẩy) năm tù là tương xứng với hành vi phạm tội đối với bị cáo.
Tại quá trình xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo Thân Văn P xuất trình 01 biên lai thu tiền số AA/2015/0000814 ngày 09/6/2020 của C cục Thi hành án dân sự huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nộp bồi thường cho đại diện gia đình bị hại như án sơ thẩm tuyên só tiền 122.750.000đồng. Xét thấy đây là tình tiết giảm nhẹ mới cần được áp dụng cho bị cáo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, nên áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự cho bị cáo.
[4] Xét kháng cáo của bà Thân Thị L1 là người đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm vì bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và làm oan người vô tội. Hội đồng xét xử thấy căn cứ lời khai nhân chứng, thể hiện như sau:
Ông NLC3 là hàng xóm với bị cáo P và ông L trình bày: Ông có được chứng kiến việc bị cáo P dùng tay trái tát vào má ông L làm ông L khuỵu chân phải ngã ngửa đập đầu xuống nền đường bê tông. Bị cáo P dùng tay tát ông L chứ không dùng vật gì khác, khi đó ông chỉ đứng cách bị cáo P và ông L 8-10m nên nhìn rất rõ. Ông có bảo bị cáo P “đánh người ta sao không đưa đi viện” nhưng bị cáo P bảo ông L ăn vạ. Còn anh NLC4 vẫn đứng trong đất nhà bị cáo P. Sự việc xẩy ra có ông, anh NLC4 và ông C1 đứng trong đất nhà ông C1 được chứng kiến sau đó thì có 01 số người nữa ra. Ông cũng là người đưa ông L lên xe ô tô đi cấp cứu, không thấy ông L bị chảy máu ở đâu.
Anh NLC4 là em trai bị cáo P và hàng xóm với ông L trình bày: Khoảng gần 15 giờ ngày 18/6/2019, anh đi ra nhà bị cáo P xem thợ có làm không, khi sang đến nơi anh thấy bị cáo P và ông L đang cãi nhau ở đường trước cửa nhà ông L. Lúc này anh thấy ông L chửi bị cáo P và chửi bố anh; bị cáo P lúc này thái độ tức giận nhưng anh vào can và bảo bị cáo P đi về nhưng ông L vẫn tiếp tục chửi, sau đó bị cáo P chạy ra gần chỗ ông L dùng tay tát vào má ông L một cái thì ông L ngã xuống đất rồi ngả đầu về phía sau, đập đầu xuống đường bê tông thì ông L không dậy được và nằm luôn ở đất, còn P đứng đó một lúc thì đi về, sau đó anh cũng đi về và nghe mọi người nói ông L đi viện cấp cứu nhưng đã chết. Anh thấy bị cáo P tát ông L bằng tay, tay nào anh không nhớ rõ nhưng là tay không, không cầm theo vật gì. Khi đó anh đứng cách bị cáo P khoảng 7-10m nên nhìn rõ bị cáo P tát ông L. Còn anh khẳng định anh không đánh ông L như nhà bà L1 nghi ngờ.
Ông NLC2 là họ hàng với bị cáo P, đồng ngũ với ông L: Ông thấy bị cáo P và ông L cãi nhau, ông có ra can ngăn nhưng không được. Sau đó ông đi vào nhà thì nghe thấy tiếng “Uỵch” ông chạy ra xem thì thấy ông L nằm ngã ra đường, một chân co, một chân duỗi còn bị cáo P đang đứng trước mặt ông L, tay không cầm vật gì. Ông chạy ra xem thì bị cáo P đi về. Lúc đó, ông không thấy anh NLC4 đứng ở đấy. Ông có chạy lại xem xét ông L nhưng không ai động trực tiếp vào ông L. Quan sát ông không thấy ông L bị chảy máu ở đâu, mặt đường nơi xảy ra sự việc là mặt đường bê tông bằng phẳng, không có sỏi đá. Sau đó, ông có khiêng ông L lên xe đi cấp cứu nhưng cũng không phát hiện có máu chảy ra ở đâu.
Chị Nguyễn Thị NLC6 là hàng xóm nhà bị cáo P và ông Thân Văn L xác nhận khoảng hơn 14h thấy bị cáo P và ông L cãi nhau nên chị có chạy ra xem. Sau đó, chị đi về nhà ngồi được một lúc thì thấy cãi nhau to hơn nên chị lại đi ra thì thấy bị cáo P, anh NLC4 và ông L đang cãi nhau. Chị quay vào nhà được khoảng 5-6m thì nghe tiếng “Đụp” chị quay lại thì thấy ông L nằm duỗi thẳng dưới đường bê tông. Khi nghe tiếng “Đụp” chị quay lại thì thấy ông NLC3 đứng đấy chứ chị không để ý có ai đứng đấy nữa. Chị không biết ai đánh ông L và không được chứng kiến sự việc xẩy ra như thế nào. Sau khi thấy ông L nằm dưới đường thì chị có vào nhà lấy xe đạp đi gọi bà L1, đến cổng chính của làng thì gặp bà L1. Bà có nghe thấy bà L1 nói anh NLC4 “ông L làm gì mày mà mày đánh ông đấy” thì anh NLC4 có nói lại “là cái loại điêu”.
Chị NLC1 là hàng xóm nhà ông L và người nhà bị cáo P xác nhận bà không thấy giữa bị cáo P, ông L cãi nhau như thế nào. Bà cũng không được chứng kiến sự việc xẩy ra, không biết ai đánh ông L. Khi bà ở nhà ra thì thấy ông NLC3 và bà NLC6 đã đứng ở đó, không thấy bị cáo P và anh NLC4 đâu còn ông L nằm thẳng dưới đường bê tông, thở thở mấy cái, bà không thấy chỗ ông L nằm có máu chảy, mặt đường bê tông khi đó nhẵn, phẳng.
Ông NLC5 là người nhà ông L, có biết bị cáo P khẳng định sự việc xảy ra như thế nào thì ông không được chứng kiến. Tuy nhiên, ông có được chứng kiến việc khám nghiệm tử thi, được quan sát, được nghe đọc lại và ký vào biên bản khám nghiệm, ngày hôm đó ông không có ý kiến gì về việc khám nghiệm, việc khám nghiệm là khách quan.
Ông NLC7 là hàng xóm của bị cáo P và ông L: Khoảng 14h30 ngày 18/6/2019 ông đi ra đất của gia đình gần công trình xây dựng nhà bị cáo P và ông L, ông đứng một lúc thì thấy anh NLC4 em trai bị cáo P đứng ở nền móng nhà bị cáo P còn bị cáo P đứng đâu không rõ, ông nghe thấy anh NLC4 và ông L cãi chửi nhau, ông đứng cùng với anh NLC4 ở nền móng nhà ông thì nghe thấy ông C1 nói “Đánh người ta ngã thì phải đưa đi viện”, ông không nhìn thấy trực tiếp bị cáo P đánh ông L, sau đó thấy bị cáo P trèo từ tường nhà ông L vào nền móng bị cáo P, ông khẳng định lúc bị cáo P đánh ông L thì anh NLC4 vẫn đứng cùng với ông. Sau đó, ông có ra xem thì thấy ông L nằm trên đường bê tông, không thấy có máu chảy, mặt đường khi đó nhẵn, phẳng.
Tại phiên toà phúc thẩm, các giám định viên trung tâm Pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trình bầy: Quá trình giám định tử thi ông Thân Văn L là hoàn toàn khách quan không bị ai tác động, việc khám hoàn toàn độc lập, đã khám ngoài mô tả các dấu vết trên cơ thể ông L. Quá trình giải phẫu tử thi đã mô tả hết các thương tích ghi trong biên bản khám nghiệm. Sau khi khám nghiệm xong cán bộ điều tra đã đọc lại biên bản cho những người tham gia khám nghiệm, không ai có ý kiến gì về biên bản khám nghiệm tử thi. Các ông khẳng định tổn thương của cơ thể ông L gồm: Vùng đỉnh chẩm phải có đám màu đỏ tím dạng xuất huyết dưới da kích thước 3x3cm, xung quanh sưng nề kích thước 5,5x4cm. Bộc lộ da đầu thấy tụ máu dưới da vùng đỉnh chẩm phải kích thước 7x5cm. Mở hộp sọ thấy: tụ máu dưới màng cứng toàn bộ hai bán cầu và trong các rãnh cuộn não, chảy máu não thất, tụ máu vùng tiểu não kích thước 6x5cm. Khám ngoài và bộc lộ da đầu không có thương tích vùng chẩm trái. Xương sọ trắng nhẵn không vỡ. Vùng chẩm trái khi mổ không cắt tóc là do đường mổ không đi qua vùng chẩm trái và vùng chẩm trái không có thương tích. Dùng tay phải tát vào má ông L không gây tử vong cho ông L nhưng dùng tay phải tát vào má phải làm ông L ngã đập đầu xuống nền bê tông gây được các thương tích như trên của ông L và gây nên ông L tử vong. Việc những người khâm niệm ông L cho rằng khi tắm rửa, khâm niệm ông L thấy phía sau gáy bên trái có tiếng lạo xạo và ấn vào có máu chảy ra đó có thể là do khi đã mở hộp sọ sau đó khi phẫu thuật, khám nghiệm xong đã đặt lại nên hộp sọ không thể được như lúc chưa giải phẫu vì phần da đầu bị lột, hộp sọ bị cưa nên không thể còn nguyên vẹn ban đầu, khi khâu lại thì các mạch máu trong cơ thể có thể chảy rỉ qua khe mở hộp sọ, mũi khâu chứ khám xét kỹ bên ngoài không phát hiện dấu vết thương tích nào vùng đỉnh chẩm trái hay sau gáy như những người nhà ông L trình bầy.
Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, bị cáo Thân Văn P đã thừa nhận hành vi phạm tội và được mô tả lại hành vi phạm tội của bị cáo, phù hợp với lời khai của người làm chứng anh NLC4 và ông NLC3, phù hợp với biên bản khám nghiệm tử thi, biên bản thực nghiệm điều tra. Ngoài ông NLC3 và anh NLC4 là người chứng kiến trực tiếp bị cáo P tát ông L thì không ai trực tiếp nhìn thấy bị cáo P hay ai khác đánh ông L. Bản thân gia đình bị hại và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại cho rằng người khác đánh ông L nhưng không đưa ra được tài liệu chứng cứ chứng minh mà chỉ nghi ngờ anh NLC4, bởi anh NLC4 cũng cãi nhau với ông L. Thực tế những người làm chứng ông NLC3, ông C1, ông NLC7, chị NLC1, chị NLC6 đều khai không ai nhìn thấy anh NLC4 đánh ông L và không ai thấy anh NLC4 đứng cạnh ông L.
Tổng hợp các nội dung như đã phân tích nêu trên, xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà Thân Thị L1 là đại diện hợp pháp cho bị hại và ý kiến tranh luận của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị huỷ bản án sơ thẩm vì bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và làm oan người vô tội được, cần giữ nguyên án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà là có căn cứ.
[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do bị cáo Thân Văn P thuộc diện hộ cận nghèo nên bị cáo được miễn nộp tiền án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
[6] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357; điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự.
[1]. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thân Văn P xin giảm nhẹ hình phạt;
Không chấp nhận kháng cáo của bà Thân Thị L1 là người đại diện hợp pháp của người bị hại. Sửa bản án sơ thẩm.
Tuyên bố: Bị cáo Thân Văn P phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38 Bộ luật hình sự;
Xử phạt: Thân Văn P 05 ( Năm ) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam 18/6/2019.
[2]. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 584, Điều 591 Bộ luật dân sự: Buộc bi cáo Thân Văn P phải bồi thường cho gia đình bị hại do bà Thân Thị L1 đại diện tổng số tiền là 172.750.000 đồng nhưng được trừ vào số tiền 50.000.000 đồng gia đình bị cáo đã nộp vào C cục Thi hành án dân sự huyện Việt Yên theo biên lai thu số AA/2015/0000702 ngày 05/12/2019. Bị cáo P còn phải bồi thường số tiền 122.750.000 đồng.
(Xác nhận gia đình bị cáo Thân Văn P đã nộp 122.750.000đồng tại biên lai thu tiền số AA/2015/0000814 ngày 09/6/2020 của C cục Thi hành án dân sự huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, để bồi thường cho đại diện gia đình bị hại).
[3]. Án phí hình sự phúc thẩm: Miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo Thân Văn P.
[4] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 125/2020/HS-PT ngày 26/09/2020 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 125/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về