TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
BẢN ÁN 125/2020/DS-PT NGÀY 29/05/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNGTHIỆT HẠI DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN BỊ XÂM PHẠM VÀ CÔNG KHAI XIN LỖI
Trong các ngày 27 và ngày 29 tháng 5 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 151/2020/TLPT-DS ngày 16 tháng 3 năm 2020 về việc tranh chấp “Bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và công khai xin lỗi”.
Do bản án dân sự số 02/2020/DS-ST ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 194/2020/QĐ-PT ngày 30 tháng 3 năm 2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Nguyễn Kinh Q, sinh năm 1950 (có mặt).
Địa chỉ: tổ 17, phường G, thành phố T, tỉnh Th.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Xuân Hòa - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tiền Giang. (có mặt).
Bị đơn: Nguyễn Th1, sinh năm 1950 (có mặt).
Địa chỉ: ấp Bc, xã P, huyện C, tỉnh T.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn Nguyễn Kinh Q.
NHẬN THẤY
Theo án sơ thẩm:
Nguyên đơn ông Nguyễn Kinh Q và đại diện theo ủy quyền bà Nguyễn Thị Lệ trình bày:
Trong cuộc hội thảo các nhân chứng lịch sử để bỏ phiếu tín nhiệm phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 11/4/2014, được ghi tại văn bản số 61/TB-TĐ ngày 17/4/2014 do Chính ủy, Thượng tá Võ Văn B ký thì ông Thắng có phát biểu: “Trong trận đánh tiêu diệt d3/e16/f9 Ngụy tại đồng sáu Não của c3/d261a/ trung đoàn Đồng Tháp 1. Lúc đó đồng chí Q là Chính trị viên đại đội, đồng chí không xung phong khi đơn vị thực hành xung phong tiêu diệt địch, đồng chí Q không xung phong mà nằm lại trong hầm. Kết thúc trận đánh, đồng chí D - Đại đội trưởng c3/d261a nói với đồng chí Q là: “Sau trận đánh này mày về biết tay tao Q”. Nên ông Q khẳng định với nội dung phát biểu như vậy là hành vi cố tình vu khống, bịa đặt, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác trái và vi phạm pháp luật, đã gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là làm cho các nhân chứng lịch sử hiểu sai lầm, dẫn đến bác bỏ, phủ nhận hoàn toàn quyền lợi cống hiến chính đáng 10 năm, chiến đấu hơn 100 trận, 07 lần bị thương, thân thể còn 30 mảnh đạn, trong đó có 04 lần trọng thương, 03 lần được cho về hậu phương Miền Bắc của ông Q. Từ đó người tổ chức hội thảo đã ra thong báo số 61/TB-TĐ gửi đi các nơi, lại tiếp tục làm nhục thanh danh, mất uy tín của ông Q trong các đơn vị quân đội và cũng như địa phương nơi ông Q sinh sống, họ đã mất công mở hội nghị xem xét xác nhận và đặt niềm hy vọng, làm ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cá nhân và dòng họ của ông Q. Nay ông Q khởi kiện yêu cầu ông Thắng bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 65.000.000 đồng và phải xin lỗi bằng văn bản, công khai trước địa phương nơi ông Thắng cư trú, gửi các đơn vị ban liên lạc, trên truyền thong báo đài.
Bị đơn ông Nguyễn Th1 trình bày:
Vào tháng 10 năm 1972 tại xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang. Đơn vị của ông nhận nhiệm vụ đánh địch lấn chiếm trận đánh phục kích vận động cấp trung đoàn. Đơn vị của ông hành quân chiếm lĩnh trận địa, đào công sự, phục kích chờ địch, địch hành quân từ căn cứ Phú Luông vào đồng Sáu Não, tiểu đoàn địch đã lọt vào trận địa phục kích của ta vào khoảng 09 giờ sang. Đến 11 giờ kém 15 phút, lệnh nổ sung tấn công khi địch đang ăn cơm, đồng chí Ái (xạ thủ B40) nổ súng làm chết tại chỗ 02 tên, đồng thời các tay sung Ak đồng lọat nổ súng. Khoảng 30 phút chiến đấu, dưới sự chỉ huy của đồng chí D, đại đội trưởng, đơn vị của ông giành thắng lợi và đã tiêu diệt được tiểu đoàn địch, khi dẫn tù binh về giao cho địa phương vào tới tiền duyên mới thấy đồng chí Q. Khi đó đồng chí D nói rất lớn “Sau trận đánh này mày về sẽ biết tay tao Q”, các đồng chí dẫn tù binh về đều nghe. Nhưng rất tiếc sau nhiều trận đánh, các đồng chí ấy đã hy sinh như đồng chí Ái, đồng chí Toàn, đồng chí Nho. Sau trận đánh, chưa họp kịp rút kinh nghiệm thì đơn vị lại nhận nhiệm vụ đánh địch lấn chiếm ở ấp Đồng Sâu, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành. Địch lấn chiếm liên đoàn Bảo An, Gò Công, trận đánh này đồng chí D đã hy sinh cho nên không họp rút kinh nghiệm trận đồng Sáu Não. Ông Q không xung phong trong trận đồng Sáu Não là đúng sự thật. Cuộc họp của những nhân chứng lịch sử, tôi được tập thể Đảng, Ủy ban chỉ huy Trung đoàn 1, nay là trung đoàn 2 mời và tôi đã phát biểu đúng sự thật trong hội nghị, ông Q không tôn trọng cuộc họp ngày ngày 11/4/2014. Thành tích của ông Q nêu đã được hội nghị thảo luận và có ý kiến kết luận ông Q không đủ tiêu chuẩn đề nghị về trên xét phong tặng danh hiệu Anh hung lực lượng vũ trang nhân dân. Do đó ông không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của ông Q.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang căn cứ khoản 6 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 584 và 592 của Bộ luật dân sự; Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Xử: Không chấp nhận yêu cấu khởi kiện của ông Nguyễn Kinh Q về yêu cầu ông Nguyễn Th1 bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 65.000.000 đồng và phải xin lỗi bằng văn bản, công khai trước địa phương nơi ông Thắng cư trú, gửi các đơn vị ban liên lạc, trên truyền thông báo đài.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự. Ngày 15/01/2020, nguyên đơn Nguyễn Kinh Q có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung yêu cầu: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông và buộc ông Thắng phải bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và công khai xin lỗi.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày lý lẽ bảo vệ cho nguyên đơn: Ngày 11/4/2014 Trung đoàn BB2 có tổ chức buổi hội thảo các nhân chứng lịch sử để đề nghị phong tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang cho ông Nguyễn Kinh Q. Ông Nguyễn Th1 đã phát biểu “Trong trận đánh tiêu diệt d3/e16/f9 Ngụy tại đồng Sáu Não-Xã Long Khánh-Huyện Cái Lậy-tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) của c3/d261A/Trung đoàn Đồng Tháp 1. Lúc đó đồng chí Q là chính trị viên Đại đội, khi toàn đơn vị thực hành xung phong tiêu diệt địch, đồng chí Q không xung phong mà nằm lại trong hầm…”. Tôi có thể hiểu suy nghĩ của ông Thắng cho rằng ông Q hèn nhát, không xung phong. Nếu suy nghĩ của tôi đúng thì ông Thắng đã phỉ báng, bịa đặt, vu khống, đã xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người chiến sĩ như ông Q. Kết luận của hội thảo không làm căn cứ giải quyết vụ án, cần xem lời nói của ông Thắng là sự thật hay dối trá. Trong vụ án này người có nghĩa vụ chứng minh là ông Thắng, ông thắng phải chứng minh cho lời nói của mình là đúng sự thật. Luật không buộc ông Q phải chứng minh; Với tình tiết cho rằng “nằm lại trong hầm” thì có hai nhóm người làm chứng, một nhóm nghiên về phái ông Q, một nhóm nghiên về phía ông Thắng. Ông thắng không thể trực tiếp nhìn thấy ông Q nằm lại ở trong hầm mà chỉ thấy ông Q đi ra rồi ông Thắng suy đoán. Thời gian này là mùa nước nổi nên ông Q nằm lại trong hầm là không chính xác. Lời khai của ông D, ông So đáng tin cậy. Ông Q đưa ra những chứng cứ, lý lẽ có căn cứ hơn ông Thắng. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vấn đề bồi thường 65.000.000đồng không là vấn đề gì trong giải quyết vụ án này và đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Q, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Q.
Ông Thắng trình bày: Ông Q cung cấp chứng cứ nói rằng ông So và ông D có tham gia trận đánh này là hoàn toàn sai, đồng thời ông Q cho rằng ông D – chỉ huy trưởng hi sinh trong trận này cũng sai .Việc tôi cho rằng Ông Q không xung phong không phải ý kiến của riêng tôi mà là ý kiến của cả tiểu đoàn lúc đó, nhưng do ông D tham gia trận đánh tiếp theo thì hi sinh nên chưa kịp họp rút kinh nghiệm trận đánh Đồng Sáu Não, cho nên việc ông Q kiện tôi là không có căn cứ.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến: Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán,Thư ký, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng chấp hành đúng nội qui phòng xử án và thực hiện quyền, nghĩa vụ đúng pháp luật. Về nội dung: Ông Q kháng cáo có nộp giấy xác nhận của ông So và ông D nhưng cũng không chứng minh được việc ông Q có xung phong hay không. Trong khi đó lời phát biều của ông Th1 thì ông Đắc Thắng cũng phát biểu như thế. Tại buổi hội thảo ngày 11/4/2014 cũng đã thảo luận và bỏ phiếu 13/13 (100%) chứ không phải do phát biểu của bị đơn mà ông Q không được đề nghị về trên xét công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Theo công văn số 65/TĐ-BCT ngày 26/5/2014 trả lời cho ông Q và đề nghị ông Q tiếp tục có khiếu nại với Ban liên lạc để được xem xét nhưng ông Q cũng không thực hiện việc khiếu nại tiếp theo. Đề nghị hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Q và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Qua nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kháng cáo của ông Nguyễn Kinh Q, lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp “Tranh chấp bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và công khai xin lỗi ” là có căn cứ.
[2] Về nội dung: Nguyên đơn và bị đơn cùng tham gia quân đội tại Tiểu đoàn 261 A, trung đoàn Đồng Tháp 1 (nay là Trung doàn BB2- Sư doàn BB8). Theo thông báo số 137/TB-TW ngày 14/6/2013 của Ban Bí Thư và hướng dẫn số 1849/HD-CT ngày 06/11/2013 Của Tổng cục chính trị Quân đội về việc “Tiếp tục đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2014”. Trung đoàn BB2 đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các nhân chứng lịch sử để bỏ phiếu tín nhiệm đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2014 cho ông Nguyễn Kinh Q vào ngày 11/4/2014. Đến ngày 17/4/2014 Trung đoàn BB2 có thông báo kết quả hội thảo số 61/TB-TĐ cho ông Q biết kết quả là ông Quý không đủ diểu kiện để xét đề nghị về trên xét phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND theo hướng dẫn. Sau đó ông Q có khiếu nại thông báo số 61/TB-TĐ về kết quả hội thảo, Trung đoàn BB2 có công văn số 65/TĐ-BCT ngày 26/5/2014 trả lới cho ông Q biết và đề nghị ông trực tiếp liên hệ với Ban liên lạc tiểu đoàn 261”GiRon” do đồng chí Đại tá Huỳnh Văn Gương làm trưởng ban , để trình bày khếu nại của cá nhân. Sau khi có ý kiến từ ban liên lạc tiểu đoàn 261 “GiRon” về trường hợp khiếu nại của ông. Trung đoàn 2- sư đoàn 8 sẽ tiếp thu giải quyết. Ông Q cho rằng chính phát biểu của ông Nguyễn Th1 tại hội thảo ngày 11/4/2014 là vu khống, bịa đặt xúc phạm danh dự nhân phẩm nên phát sinh tranh chấp và khởi kiện đối với ông Nguyễn Th1, yêu cầu ông Thắng phải bồi thường 65.000.000đồng và xin lỗi công khai tại nơi ông Nguyễn Th1 cư trú. Sau khi tòa án sơ thẩm xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Q, ông Q kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm.
[3] Xét nội dung kháng cáo của ông Q, Hội đồng xét xử thấy rằng: Căn cứ theo thông báo số 61/TB-TĐ ngày 17/4/2014 của Trung đoàn BB2-Sư đoàn BB8 thông báo cho ông Nguyễn Kinh Q về kết quả hội thảo ngày 11/4/2014 tại Sở chỉ huy Trung đoàn BB2. Xét nội dung thông báo này thể hiện Hội thảo đã thảo luận đi đến thống nhất đánh giá chung “Báo cáo mang tính chất tổng hợp thành tích giai đoạn chiến đấu của tập thể, còn thành tích cá nhân chưa thật sự nổi bật”. Hội thảo cũng tiến hành bỏ phiếu kín để lấy tín nhiệm. Kết quả chung: Số phiếu 13/13 =100% không đồng ý đề nghị về trên xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho đồng chí Nguyễn Kinh Q. Như vậy ông Q cho rằng chính phát biểu của ông Nguyễn Th1 trong hội thảo xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm ông và đã gây hậu quả nghiêm trọng là không có căn cứ và không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận. Bởi lẽ, tại buổi thảo luận của Hội thảo ngày 11/4/2014 thì Hội thảo cũng đã “..Đối chiếu với cuốn sách lịch sử truyền thống Tiểu doàn 261 Giron (Quân khu 8 cũ) 1961-1965, nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2010 của Ban liên lạc Tiểu doàn 261 Giron (Quân khu 8 cũ) do đồng chí Đại tá Huỳnh Văn Gương –Trưởng ban liên lạc chỉ đạo thực hiện cũng không thể hiện rõ những thành tích như đồng chí Nguyễn Kinh Q nêu trong bản báo cáo thành tích. Trong giai đoạn năm 1971 sách lịch sử tiểu đoàn 261A cũng không có nêu sự kiện quan trọng là đồng chí Tám Điện “phát động học tập tấm gương chiến đấu D cảm, kiên cường của Nguyễn Kinh Q” Không có lệnh không rút lui” và “một mình đẩy lui 7 đợt tiến công của tiểu đoàn địch” như báo cáo”. Xét nội dung bản án sơ thẩm đã xét xử, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Kinh Q là có căn cứ đúng pháp luật, phù hợp với các chứng cứ tài liệu thu thập có trong hồ sơ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Q cũng không cung cấp được chứng cứ gì để chứng minh là có thiệt hại thực tế xảy ra, không chứng minh được hành vi trái pháp luật của ông Thắng cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của ông Thắng đối với ông Q. Đối với 13 nhân chứng lịch sử có tại buổi hội thảo thì ông Q không biết bất kỳ cá nhân nào, còn ông Thắng thì cho rằng có những người cùng tham gia trận đánh Đồng Sáu Não như ông Hồ Chiến Thắng, ông Phạm Văn Bè, ông Nguyễn Ngọc Điềm và ông Lê Thanh Tịnh. Tại buổi hội thảo thì có đến 02 ý kiến cho rằng ông Q không xung phong là ông Hồ chiến Thắng và ông Nguyễn Th1 và tiến hành bỏ phiếu 13/13(100%) không đồng ý đề nghị về trên xét phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân cho ông Nguyễn Kinh Q. Cho nên, yêu cầu kháng cáo của ông Q là không có cơ sở, không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm theo qui định tại khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.
[4] Xét lời đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là không có có căn cứ, nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Bởi lẽ, luật sư cho rằng ông Q không có nghĩa vụ chứng minh là không phù hợp với nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo qui định tại Điều 91 của Bộ luật tố tụng dân sự.
[5]Xét đề nghị của vị Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận,
[6]Về Án phí: Ông Q là người cao tuổi nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
-Căn cứ điều 584 và 592 của Bộ luật dân sự; Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Xử:
1.Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Kinh Q, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 07/01/2020 của Tòa án nhân dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang 2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Kinh Q về yêu cầu ông Nguyễn Th1 bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 65.000.000 đồng và phải xin lỗi bằng văn bản, công khai trước địa phương nơi ông Thắng cư trú, gửi các đơn vị ban liên lạc, trên truyền thống báo đài.
3. Về án phí:
- Ông Nguyễn Kinh Q không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Tuyên án công khai lúc 08 giờ 10 ngày 29/5/2020.
Bản án 125/2020/DS-PT ngày 29/05/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tin bị xâm phạm và công khai xin lỗi
Số hiệu: | 125/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tiền Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/05/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về