Bản án 123/2017/DS-PT ngày 14/12/2017 về tranh chấp di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

BẢN ÁN 123/2017/DS-PT NGÀY 14/12/2017 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 14-12-2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 125/2017/TLPT-DS ngày 06-10-2017 về việc “Tranh chấp di sản thừa kế”; Do Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2017/DS-ST ngày 02-8-2017 của Tòa án nhân dân thành phố B bị kháng cáo; Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 135/2017/QĐ-PT ngày 31-10-2017; Quyết định hoãn phiên tòa số 130A/2017/QĐ-PT ngày 17-11-2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Mạch Thị H T – sinh năm 1978,

Địa chỉ: Phường P, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Lê Văn T – Văn phòng luật sư A thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Bị đơn:

2.1. Ông Trần S (Mạch Văn M1), sinh năm 1944,

Địa chỉ: xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt),

Người đại diện hợp pháp của ông Trần S: Ông Nguyễn Chí T, sinh năm 1951; địa chỉ: xã L, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – là người đại diện theo ủy quyền;giấy ủy quyền lập ngày 18-12-2014 (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông S: Luật sư Phạm Thị T - Văn phòng luật sư Phạm Thị T thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2.2. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1949 (vắng mặt). Địa chỉ: xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Người đại diện hợp pháp của bà H: Anh Trần Thanh H, sinh năm 1978; địa chỉ: xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – là người đại diện theo ủy quyền; giấy ủy quyền lập ngày 18-12-2014 (có mặt).

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập:

3.1. Anh Trần Thanh H – sinh năm 1978,

Địa chỉ: xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).

3.2. Chị Trần Thanh H – sinh năm 1980,

Địa chỉ: thị trấn L, huyện L, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).

3.3. Anh Dương Vũ L – sinh năm 1976 và chị Trương Thị Bé B – sinh năm 1976

Địa chỉ: phường P, thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cùng vắng mặt).

3.4. Chị Dương Thị Thanh T – sinh năm 1967 và anh Võ Văn T – sinh năm 1963,

Địa chỉ: xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cùng vắng mặt).

4. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập:

4.1. Anh Mạch Tuấn T – sinh năm 1986 (có mặt).

4.2. Chị Mạch Thị P – sinh năm 1975 (vắng mặt).

4.3. Chị Mạch Thị B – sinh năm 1976 (vắng mặt).

4.4. Anh Mạch Tuấn P – sinh năm 1982 (vắng mặt).

4.5. Bà Hồ Thị T – sinh năm 1953 (vắng mặt).

Các anh chị T, P, B, P và bà T cùng địa chỉ: xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Người đại diện hợp pháp của các anh chị P, B, P và bà T: Chị Mạch Thị H T – sinh năm 1978 và anh Mạch Tuấn T – sinh năm 1986 – là người đại diện theo ủy quyền; giấy ủy quyền lập ngày 16-6-2015 (có mặt).

4.6. Chị Trần Thị Thanh C – sinh năm 1974,

Nơi cư trú cuối cùng: xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt).

4.7. Anh La Văn X – sinh năm 1963,

Địa chỉ: xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có đơn xin xét xử vắng

4.8. Chị Dương Vũ Lệ H – sinh năm 1973,

Địa chỉ: xã T, thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có đơn xin xét xử vắng

4.9. Ủy ban nhân dân thành phố B,

Địa chỉ: phường P, thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Người đại diện theo quy định của pháp luật: Ông Nguyễn Văn H – Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố B(vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Đoàn Anh T – sinh năm 1970 – Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có đơn xin xét xử vắng mặt).

5. Người kháng cáo: Nguyên đơn là chị Mạch Thị H T; bị đơn là ông Trần S và bà Nguyễn Thị H; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các anh chị Mạch Thị P, Mạch Thị B, Mạch Tuấn P, Mạch Tuấn T, bà Hồ Thị T và anh Trần Thanh H.

6. Người kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn là chị Mạch Thị H T trình bày:

Cụ Mạch Văn M và cụ Hồ Thị N là ông bà nội của chị T, vợ chồng cụ M có 02 người con là ông Trần S (Mạch Văn M1) và ông Mạch Thanh V (Mạch Văn M2). Cha chị T là ông Mạch Thanh V đã chết năm 1989, mẹ chị T tên là Hồ Thị T. Cha mẹ chị T sinh được 05 người con gồm: Mạch Thị P, sinh năm 1975; Mạch Thị B, sinh năm 1976; Mạch Thị H T, sinh năm 1978; Mạch Tuấn P, sinh năm 1982; Mạch Tuấn T, sinh năm 1986.

Từ trước khi kết hôn với cụ Hồ Thị N, cụ M đã được cha mẹ để lại cho thừa hưởng số tài sản gồm: một căn nhà gỗ trên diện tích 1.282,6m2 đất tại thửa số 06 (nay gồm các thửa đất số 06, 534, 535, 536) tờ bản đồ 06, xã H, thị xã (nay là thành phố) B. Sau khi kết hôn thì cụ M và cụ N chung sống trên thửa đất này. Năm 1989 cụ N chết, cụ M tiếp tục sử dụng nhà đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2003 cụ M chết không để lại di chúc, sau đó ông Trần S và vợ là bà Nguyễn Thị H đã tự ý kê khai thừa kế và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích 1.282,6m2 nói trên. Sau đó ông S tiếp tục tách thửa đất số 06 thành 04 thửa cho ông S và các con ông S đứng tên sử dụng, gồm các thửa số 534, 535, 536 và 06. Trong đó thửa đất số 535/268,8m2 đã bị chị Trần Thị Thanh C chuyển nhượng cho chị Dương Vũ Lệ H và sau đó chị H lại chuyển nhượng cho anh Dương Vũ L.

Việc ông Trần S kê khai thừa kế và tách thửa sang tên cho các con đứng tên thì anh chị em nhà chị T không biết. Do vậy chị khởi kiện yêu cầu:

- Hủy các giấy CNQSD đất do UBND thành phố B cấp cho ông Trần S đối với thửa đất số 06/1.282,6 m2 tờ bản đồ 06 xã H, thành phố B;

- Hủy các giấy CNQSD đất do UBND thành phố B cấp cho ông Trần S và bà Nguyễn Thị H đối với thửa đất 536/219,2m2; cấp cho anh Trần Thanh H đối với thửa đất 06/519,6m2; cấp cho chị Trần Thị Thanh C đối với thửa đất số 535/268,8m2; cấp cho chị Trần Thanh H đối với thửa đất số 534/275m2, tất cả đều thuộc tờ bản đồ 06, xã H, thành phố B;

- Hủy các giao dịch chuyển nhượng đối với thửa đất số 535/268,8m2 giữa chị Trần Thị Thanh C với chị Dương Vũ Lệ H và giữa chị Dương Vũ Lệ H với anh Dương Vũ L;

- Tất cả các anh chị em của chị T là người thừa kế thế vị của ông V. Cụ M chết không để lại di chúc thì di sản là một căn nhà gỗ và diện tích 1.282,6m2 đất nêu trên phải được chia làm hai phần, cho ông S 01 phần và cho anh chị em chị T 01 phần theo quy định của pháp luật. Các anh chị em chị T cùng hưởng chung quyền lợi và nghĩa vụ đối với phần di sản được chia, không yêu cầu chia từng kỷ phần riêng lẻ ra cho mỗi người.

Ngoài ra, chị T không yêu cầu chia tài sản nào khác của cụ M để lại. Chị thừa nhận khi cụ M và cụ N còn sống đã tách cho ông V cha của chị 1.193,6m2 đất thửa số08 tờ bản đồ số 06, xã H, thành phố B, sát bên phần đất thửa 06 nay chị đang yêu cầu ông S chia thừa kế, nhưng đây là đất cụ M cho ông V khi ra ở riêng chứ không phải làchia tài sản.

Bị đơn là ông Trần S, thông qua người đại diện là ông Nguyễn Chí T trình bày: Ông T xác nhận phần trình bày của nguyên đơn về quan hệ gia đình, về hàng thừa kế là đúng.

Về tài sản của cụ M và cụ N để lại thì nguyên đơn trình bày không đúng, thực ra trước kia vợ chồng cụ M, cụ N có sử dụng một thửa đất rộng khoảng hơn 2.000m2 bao gồm thửa đất 06 ông S sử dụng (thửa đất chị T đang tranh chấp) và thửa đất 08 hiện do bà Hồ Thị T (là vợ ông V, là mẹ chị T) đang sử dụng, đều thuộc tờ bản đồ 06, xã H, thành phố B.

Năm 1984, cụ M đã chia đất cho 02 người con, ông V bà T được sử dụng thửa 08, khoảng 8.000m2 đất ruộng (gồm 04 thửa ruộng Rọc, 02 thửa ruộng gò tại Đồng Xoài và 01 căn nhà gỗ; Còn ông S bà H ở cùng với cụ M trên thửa đất số 06. Lúc đó các thửa đất đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Sau đó, bà T ông V kê khai và được cấp giấy chứng nhận đối với thửa đất số 08, riêng thửa đất số 06 thì do cụ M đang còn sống nên ông S để cha mình là cụ M kê khai cấp giấy đối với thửa đất này nhưng ai cũng hiểu thửa đất số 6 là phần hưởng của ông S.

Đến năm 1988 ông V tiếp tục được chia tài sản theo biên bản họp phân phối tài sản và gia đình lập ngày 09-10-1988 là mỗi hộ 01 bộ (02 tấm) ván, sau khi chia xong thì ông V không được quyền gì khác và ông V phải có trách nhiệm nuôi mẹ là cụ N và chịu trách nhiệm ma chay khi cụ N chết.

Như vậy, trên thực tế 02 anh em ông V và ông S đã được cha là cụ M chia đất và tài sản rất rõ ràng từ khi ông V còn sống và được xác nhận rõ trong biên bản họp phân phối tài sản và gia đình ngày 09-10-1988. Theo đó, cụ M đã chia đất ở, đất ruộng và nhà gỗ cho ông V rồi nên phần còn lại ở thửa đất 06 là phần ông S được hưởng.

Năm 2003 cụ M chết thì tài sản còn khoảng 5.000m2 đất ruộng tại cánh Đồng Xoài và 1.282,6m2 đất trồng cây tại thửa đất 06, tờ bản đồ 06, xã H, thành phố B, những tài sản này do ông S quản lý sử dụng từ năm 1984 cho đến nay.

Năm 2005 giữa ông S và bà T có lập biên bản họp gia tộc với nội dung bà T đại diện cho gia đình ông V nhất trí giao cho ông S toàn bộ diện tích đất còn lại cho ông S thừa kế và định đoạt vì thực tế tài sản của cụ M đã được chia cho ông V vào năm 1984 và 1988. Văn bản này làm theo yêu cầu của cơ quan quản lý đất đai tại địa phải, với mục đích để chuyển diện tích đất đang đứng tên cụ M sang tên ông S.

Sau khi toàn bộ diện tích đất 1.282,6m2 được sang tên cho ông S thì ông S đã tách cho các con quản lý sử dụng đúng như nguyên đơn trình bày, trên thửa đất cho anh Trần Thanh H có 01 căn nhà gỗ là nơi thờ cúng tổ tiên. Còn diện tích khoảng 5.000m2 đất ruộng tại cánh Đồng Xoài thì ông S đã sang nhượng cho người khác vào năm 2004.

Nay chị T khởi kiện đòi chia di sản thừa kế các thửa đất số 06, 534, 535, 536 tờ bản đồ 06 với tổng diện tích 1.282,6m2 tại xã H, thành phố Bvà 01 căn nhà gỗ cũ trên đất thì ông S không đồng ý, bởi các tài sản trên không phải là di sản thừa kế mà là phần hưởng của ông Trần S, tương đương với phần ông V đã được hưởng khi cụ M còn sống mà nay bà T đang quản lý sử dụng.

Bị đơn là bà Nguyễn Thị H, thông qua người đại diện là anh Trần Thanh H trình bày: Bà là vợ của ông Trần S, bà H hoàn toàn đồng ý với ý kiến trình bày của ông Trần S và không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Theo bản ý kiến, lời khai tại Tòa án, anh Mạch Tuấn T, chị Mạch Thị P, chị Mạch Thị B, anh Mạch Tuấn P, bà Hồ Thị T (chị Mạch Thị H T và anh Mạch Tuấn T là đại diện theo ủy quyền của chị P, chị B, anh P, bà T) trình bày:

Đồng ý với ý kiến trình bày của chị T về hàng thừa kế, quan hệ gia đình và nguồn gốc tài sản tranh chấp.

Sau khi cụ M chết không để lại di chúc thì năm 2005, anh Trần Thanh H là con của ông S mang giấy tờ đến nhờ bà T ký tên mục đích để tách hộ khẩu cho chị C con ông Trần S, vì tin tưởng cháu nên bà T đã ký tên mà không đọc rõ nội dung, sau này khi phát sinh tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất với ông Trần S thì bà T mới biết là bà đã ký vào biên bản họp gia tộc ngày 28-02-2005 để ông Trần S được thừa kế quyền sử dụng thửa đất 06/1.282,6m2 từ cụ M. Việc ký tờ giấy này không xuất phát từ ý chí đích thực của bà T. Việc các con của bà yêu cầu phân chia di sản của cụ M để lại thì bà đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Riêng đối với thửa đất số 08 tờ bản đồ số 06 và các thửa đất ruộng ở cánh đồng Xoài, xã H, thành phố B hiện bà đang đứng tên quyền sử dụng, bà xác nhận bà và ông V đã được cụ M cho vào năm 1974 sau khi mới kết hôn để ở từ đó cho đến nay, quá trình sử dụng bà tiến hành kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chứ không phải là tài sản được cụ M chia theo như phía bị đơn trình bày.

Các anh chị P, B, P, T hoàn toàn đồng ý với yêu cầu khởi kiện của chị T, yêu cầu Toà án giải quyết phân chia di sản thừa kế của cụ M để lại theo quy định của pháp luật. Các anh chị không yêu cầu Toà án phân chia di sản cho mỗi anh chị em thành từng kỷ phần riêng mà là khối tài sản chung của anh chị em cùng có quyền và nghĩa vụ đối với di sản này.

2. Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 22-6-2015 và các lời khai, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là anh Trần Thanh H trình bày:

Anh H là con ruột của ông Trần S và bà Nguyễn Thị H, anh đồng ý với ý kiến trình bày của ông S và bà H, không đồng ý với tất cả yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bởi các thửa đất trên không phải là di sản thừa kế mà là phần đất của cha mẹ anh được hưởng.

Năm 2010 anh H được cha là ông Trần S tặng cho thửa đất 06/519,6m2 và anh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Quá trình ở trên căn nhà gỗ và thửa đất số 06/519,6 m2 anh H đã tu bổ, sửa chữa căn nhà gỗ như sau: Năm 2000 lát xi măng toàn bộ căn nhà, diện tích 64m2 hết 5.000.000 đồng; năm 2005 thay 2 cửa ra vào bằng cửa sắt gắn kinh hết 4.000.000 đồng; năm 2000 thay thế một số xà gồ trên mái nhà do bị mục và lợp lại ngói hết 5.000.000 đồng; xây dựng thêm nhà vệ sinh hết 10.000.000 đồng; xây dựng 1 căn nhà cấp 4A5 ở trước căn nhà gỗ,diện tích 48m2 giá trị 50.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền đã đầu tư xây dựng trên đất và sửa chữa căn nhà gỗ là 74.000.000 đồng.

Anh H yêu cầu Tòa án xem xét công nhận quyền sử dụng hợp pháp đối với thửa đất số 06/519,6 m2 tờ bản đồ 06, xã H cho anh. Trong trường hợp phải chia di sản thừa kế thì yêu cầu Tòa án xem xét bảo vệ quyền lợi của anh đối với phần tiền đã bỏ ra sửa chửa, xây dựng là 74.000.000 đồng.

3. Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 22-6-2015 và các lời khai, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là chị Trần Thanh H trình bày:

Chị H là con ruột của ông Trần S, chị đồng ý với ý kiến trình bày của anh T và anh H, vì thực tế khi cụ M còn sống đã phân chia rạch ròi tài sản cho 02 người con là ông Mạch Thanh V và ông Trần S, toàn bộ đất đai ông V được chia vợ con ông V đã được sử dụng và được cấp giấy tờ hợp pháp, yêu cầu chia di sản thừa kế là không hợp tình hợp lý.

Năm 2009 chị được ông S tặng cho thửa đất số 534/275m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc tặng cho thửa đất này đúng quy định của pháp luật và tại thời điểm làm thủ tục tặng cho không có ai tranh chấp. Chị H yêu cầu Tòa án xem xét công nhận quyền sử dụng hợp pháp đối với thửa đất số 534/275m2 tờ bản đồ 06, xã H cho chị.

4. Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 23-5-2017 và các lời khai, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là chị Dương Thị Thanh T và anh Võ Văn Tư trình bày:

Năm 2011, anh chị nhận chuyển nhượng diện tích 219,2m2 đất thuộc thửa 536, tờ bản đồ số 06, xã H của ông S, bà H. Hai bên đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng ngày 16-02-2011. Giá chuyển nhượng thực tế là 250.000.000 đồng nhưng giá ghi trong hợp đồng là 100.000.000 đồng. Chị T đã giao 250.000.000 đồng cho vợ chồng ông S, bà H. Tuy nhiên chưa làm thủ tục sang tên được vì đất đang có tranh chấp.

Trong trường hợp Tòa án giải quyết không chia di sản thừa kế, diện tích đất nói trên vẫn thuộc quyền sử dụng đất của ông Trần S, bà H thì yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên là hợp pháp. Trong trường hợp Tòa án phân chia di sản thừa kế, yêu cầu Tòa án tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu ông Trần S, bà H phải hoàn trả số tiền đã nhận là 250.000.000 đồng, không yêu cầu ông S bà H phải bồi thường thiệt hại.

5. Theo lời khai người có quyền và nghĩa vụ liên quan là chị Trần Thị Thanh C và anh La Văn X trình bày:

Chị C là con của ông Trần S, năm 1994 chị C kết hôn với anh X và ở tại nhà ông nội (cụ M), năm 2000 cụ M đồng ý cho vợ cH chị C cất nhà để ở trên diện tích đất 268,8m2, thửa đất 535, tờ bản đồ số 06, xã H, thành phố B. Hiện nay thửa đất và căn nhà thì chị C và ông X đã sang nhượng cho chị Dương Vũ Lệ H. Nay nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế, trong đó có diện tích mà vợ chồng chị đã sử dụng thì anh chị không đồng ý, vì cụ M đã chia thửa đất này cho ông S và ông S cho lại chị C, còn phía nguyên đơn thì đã được cụ M phân chia tài sản là thửa đất mà hiện nay bà T đang sử dụng.

Hiện nay chị Trần Thị Thanh C đã đi khỏi địa phương, Tòa án đã tiến hành thông báo tìm kiếm nhưng chị C vẫn không về tham gia vụ án. Riêng anh X có đơn xin Tòa án giải quyết vắng mặt.

6. Theo lời khai người có quyền và nghĩa vụ liên quan là chị Dương Vũ Lệ H trình bày:

Chị H trình bày đúng như anh Dương Vũ L và chị Trương Thị Bé Ba đã nêu. Chị H xác định đã nhận chuyển nhượng thửa đất 535/268,8m2 tờ bản đồ 06 xã H, thành phố B cùng căn nhà của chị Trần Thị Thanh C và anh La Văn X. Việc chuyển nhượng đã hoàn tất, đã giao đủ tiền và đã nhận nhà để sử dụng.

Đến ngày 10-4-2012 chị H đã làm hợp đồng tặng cho toàn bộ diện tích 268,8m2 đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên cho em ruột là Dương Vũ L. Anh L đã được UBND thị xã B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cùng vợ là chị Trương Thị Bé B sử dụng nhà đất liên tục, ổn định cho đến nay. Chị H xác định khi nhận chuyển nhượng nhà đất thì hoàn toàn không biết việc tranh chấp di sản thừa kế trong gia đình chị C, việc chuyển nhượng đất là hợp pháp, ngay tình. Do vậy, chị không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của chị Mạch Thị H T về việc hủy giấy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng 268,8m2 đất giữa chị C với chị và giữa chị với anh L.

7. Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 29-12-2015 và các lời khai, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là anh Dương Vũ L và chị Trương Thị Bé B trình bày:

Trước đây, nguồn gốc thửa đất số 535/268,8m2 tờ bản đồ số 06, xã H, trên đất có 01 căn nhà cấp 4 là của chị Trần Thị Thanh C và anh La Văn X. Năm 2011, chị C chuyển nhượng nhà đất này cho chị ruột anh L là Dương Vũ Lệ H. Cuối năm 2011, vợ chồng anh L nhận chuyển nhượng lại nhà đất từ chị H với giá 500.000.000 đồng. Hiện nay, anh chị đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sinh sống ổn định tại đây từ khi nhận chuyển nhượng cho đến nay. Khi nhận chuyển nhượng anh chị hoàn toàn không biết thửa đất có tranh chấp vì đất có giấy tờ đứng tên chủ sử dụng hợp pháp. Anh chị nhận chuyển nhượng nhà đất từ chị H là ngay tình, hợp pháp.

Sau khi nhận nhà đất, anh chị có sửa chữa, tu bổ lại căn nhà với tổng số tiền khoảng 280.000.000 đồng.

Anh chị yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng thửa đất số 535/268,8m2 giữa chị H với chị C và hợp đồng chuyển nhượng giữa chị H với vợ chồng anh chị là hợp pháp. Đồng thời yêu cầu Tòa án công nhận thửa đất số 535/268,8m2 tờ bản đồ số 06 xã H, thành phố B thuộc quyền sử dụng hợp pháp của anh chị.

8. Ủy ban nhân dân thành phố B thông qua người đại diện trình bày:

Ông Trần S nhận thừa kế theo pháp luật 7.137m2 đất tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 543635 do UBND thị xã B cấp ngày 16-4-2004 mang tên ông Mạch Văn M, căn cứ để giải quyết hồ sơ nhận thừa kế của ông S là “Biên bản họp gia tộc” được UBND xã H xác nhận ngày 08-3-2005. Phòng tài nguyên và môi trường thị xã B đã thực hiện chỉnh lý biến động tại trang 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên, tên chủ sử dụng đất mới là ông Trần S. Trong đó có thửa đất số 06/1.282,6m2 tờ bản đồ số 06, xã H, thị xã B. Hiện nay toàn bộ diện tích đất thửa 06 ông Trần S đã tách thành 04 thửa bao gồm: thửa 534/275m2, thửa 535/268,8m2, thửa 536/219,2m2, thửa 06/519,6m2 và sang tên quyền sử dụng cho chị C, anh H, chị H và ông S.

Sau khi các bên có tranh chấp về di sản thừa kế thì UBND thành phố B đã tiến hành kiểm tra “Biên bản họp gia tộc” được UBND xã H xác nhận ngày 08-3-2005, thấy việc bà Hồ Thị T ký tên vào biên bản này để giao thừa kế quyền sử dụng 7.137m2 đất, trong đó có thửa số 06 cho ông S là không đúng với quy định tại Điều 679, 680 Bộ luật dân sự, trong trường hợp này thì phải là các con của ông Mạch Thanh V ký biên bản mới đúng. Vì vậy UBND thành phố B đề nghị Tòa án tuyên hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông S, chị C, chị H, anh H và tuyên xử phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Hiện nay một phần diện tích của các thửa  534/275m2, 535/268,8m2, 536/219,2m2, 06/519,6m2 đã bị thu hồi làm đường để thực hiện công trình nâng cấp đường ấp B, xã H đi Châu Đức theo các Quyết định thu hồi số 1321/QĐ-UBND, 1365/QĐ-UBND, 1400/QĐ-UBND, 1364/QĐ-UBND cùng ngày 13/12/2012 và được

phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo các Quyết định số 1637/QĐ- UBND, 1515/QĐ-UBND, 1705/QĐ-UBND, 1516/QĐ-UBND, cùng ngày 19-12-2012 của UBND thành phố B. Việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ là do Ban quản lý dự án giao thông II trực thuộc Sở giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư thực hiện. Đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo T quyền.

Những người làm chứng là ông Lê Văn T, bà Mạch Thị A, bà Lê Thị S trình bày:

Ông T, bà A, bà S là những người bà con thân thuộc với gia đình cụ Mạch Văn M. Nguồn gốc thửa đất số 06 do ông S sử dụng và thửa đất 08 do bà T sử dụng hiện nay là do cụ M để lại cho các con.

Vào ngày 09-10-1988 tại nhà cụ M có ông Mạch Văn C (đã chết) cũng là chú ruột ông V (M2), ông S (M1) và ông T cùng tham gia và chứng kiến việc cụ M và ông V (ông M2), ông S (ông M1) lập biên bản họp phân phối tài sản. Theo nội dung và tinh thần của biên bản này thì phần đất và phần ruộng đã được chia từ trước đây, kể cả thửa đất 06 và thửa đất 08; Cụ M cũng phân chia hết tài sản còn lại là vật dụng trong gia đình, 02 bộ ván cũng để ông V (M2) lấy một nửa; Việc phân chia tài sản coi như đã thực hiện xong, không ai có quyền được ý kiến gì nữa; Ngoài ra còn ghi rõ ông V (M2) có trách nhiệm nuôi mẹ, còn ông S (M1) nuôi cha. Thực tế là vợ chồng ông S sống cùng và chăm sóc cha mẹ. Ngoài ông T, ông C thì bà con lối xóm đều biết việc phân chia này.

Tóm lại đất của cụ M được chia làm 02 phần, gồm một phần cho ông V (M2) sử dụng (nay do bà T sử dụng), một phần sẽ là của ông S (M1) sau khi cụ M chết (tức thửa số 06 hiện nay). Nay con ông V (M2) khởi kiện chia đất là không đúng vì tại thời điểm chia, ông S (M1) chưa được nhận vì còn phải nuôi cụ M, sau khi cụ M chết thì tài sản đương nhiên thuộc về ông S (M1).

Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2017/DSST ngày 02-8-2017 của Tòa án nhândân thành phố B đã tuyên xử:

 - Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hồ Thị N và cụ Mạch Văn M gồm: Ông Trần S và các thừa kế thế vị của ông Mạch Thanh V gồm: chị Mạch Thị P, chị Mạch Thị B, chị Mạch Thị H T, anh Mạch Tuấn P và anh Mạch Tuấn T.

- 01 căn nhà gỗ và Quyền sử dụng diện tích 1.282,6 m2 đất (trong đó có 300 m2 đất ở) tại thửa số 06, 534, 535, 536, tờ bản đồ 06, xã H, thành phố B là di sản của cụ Hồ Thị N và cụ Mạch Văn M, được phân chia như sau: Các anh chị P, B, T, P và T được sử dụng chung diện tích 471,7 m2 đất (trong đó có 80 m2 đất ở) tại thửa 06, xã H, thành phố Bvà sở hữu chung tài sản gắn liền với đất là 01 căn nhà gỗ diện tích 9,5m x 10,3m; 01 căn nhà cấp 4A5 diện tích 5,4m x 5,1m; 01 nhà vệ sinh; Đồng thời được quyền nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo quyết định 1516/ QĐ – UBND ngày 19- 11-2012 của UBND thành phố B; Phải thanh toán phần giá trị di sản chênh lệch là 298.626.000 đồng cho ông Trần S; Thanh toán cho anh Trần Thanh H phần giá trị tài sản đầu tư trên đất là 20.819.000 đồng.

+ Hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đối với thửa 06/519,6 m2 tờ bản đồ số 06, xã H, thành phố Bgiữa ông Trần S và anh Trần Thanh H. Kiến nghị UBND thành phố B thu hồi giấy CNQSD đất số BB 152037 do UBND thành phố B cấp ngày 10-3-2010 cho anh Trần Thanh H.

- Công nhận anh Dương Vũ L và chị Trương Thị Bé B được quyền sử dụng diện tích 238,1m2 (trong đó có 60 m2 đất ở) thuộc thửa đất 535 tờ bản đồ 06 xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh L và chị B được quyền nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo quyết định 1515/QĐ-UBND ngày 19-12-2012 của UBND thành phố B.

- Công nhận chị Dương Thị Thanh T và anh Võ Văn Tư được quyền sử dụng diện tích 194,4m2 (trong đó có 80 m2 đất ở) thuộc thửa đất 536 tờ bản đồ 06 xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị T và anh Tư được quyền nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo quyết định 1705/QĐ-UBND ngày 19/12/2012 của UBND thành phố B.

- Công nhận chị Trần Thanh H được quyền sử dụng diện tích 244,2m2 (trong đó có 80 m2 đất ở) thuộc thửa đất 534 tờ bản đồ 06 xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị H được quyền nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo quyết định 1637/QĐ- UBND ngày 19-12-2012 của UBND thành phố B.

Ngoài ra bản án sơ T còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án, lệ phí, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Người kháng nghị: Ngày 16-8-2017 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bkháng nghị về phần nội dung của Bản án dân sự sơ T số 37/2017/DSST ngày 02-8- 2017 nêu trên, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa Bản án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người kháng cáo:

1. Ngày 15-8-2017, bị đơn là ông Trần S, bà Nguyễn Thị H và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là anh Trần Thanh H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

2. Ngày 16-8-2017, nguyên đơn là chị Mạch Thị H T và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hồ Thị T và các anh chị Mạch Thị P, Mạch Thị B, Mạch Tuấn P, Mạch Tuấn T kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm:

- Chia di sản thừa kế của cụ Mạch Văn M để lại là 01 căn nhà gỗ diện tích 9,5m x 10,3m và quyền sử dụng đất diện tích 1.282,6 m2 đất (trong đó có 300 m2 đất ở) tại thửa 06, 534, 535, 536), tờ bản đồ 06 xã H, thành phố B thành 02 phần bằng nhau cho ông Trần S hưởng một phần, chị T và các anh chị Mạch Thị P, Mạch Thị B, Mạch Tuấn P, Mạch Tuấn T cùng hưởng chung một phần.

- Hủy các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho mà ông Trần S đã thực hiện có liên quan đến di sản tranh chấp trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, những người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn có ý kiến: Vợ con ông V không phủ nhận ông V đã được cụ M cho tài sản từ khi cụ M còn sống, nhưng đó không phải là việc cụ chia tài sản cho ông S và ông V, ngay cả nội dung “Biên bản họp phân phối tài sản và gia đình” ngày 09-10-1988 có cụ M ký cũng không có nội dung nào thể hiện cụ chia tài sản cho ông S. Hơn nữa biên bản này lúc đó cụ N còn sống nhưng không có chữ ký của cụ N thì cũng không có giá trị pháp lý. Về Biên bản họp gia tộc ngày 28-02-2005 do bà T ký với ông S nhưng tài sản không phải của bà T mà là của các con bà T, nên chữ ký của bà T cũng không có giá trị, do vậy UBND thành phố B hiện nay cũng có ý kiến việc Ủy ban căn cứ biên bản này để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông S là trái quy định pháp luật. Nếu xét về nội dung thì chính ông Trần S xác định trong biên bản là đất ruộng hơn 6000m2 cả hai gia đình ông S và bà T đều có quyền thừa kế. Trong thực tế, cụ M không cho ông S đất nên cụ vẫn tự mình đi kê khai và đứng tên quyền sử dụng đất; Theo đời sống của người Việt nam thì khi cha mẹ còn sống, cho con tài sản ra ở riêng không có nghĩa là tước quyền thừa kế sau này của con. Theo pháp luật về thừa kế thì nguyên đơn được quyền thừa kế thế vị của ông V, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn.

- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn có ý kiến: Trường hợp này khi cụ M, cụ N còn sống đã phân chia tài sản cho các con rành mạch tại “Biên bản họp phân phối tài sản và gia đình” ngày 09-10-1988. Ý chí của cụ M đã chia cả các tài sản trong nhà cho đến ruộng, đất. Sau khi chia tài sản xong cụ không cho ông V quyền gì nữa, tài sản của cha mẹ để lại thì con là ông S được hưởng. Bản án sơ thẩm áp dụng Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005 là không đúng mà phải áp dụng Điều 637 Bộ luật dân sự năm 2015; đồng thời áp dụng án lệ số 05 trích một phần công sức cho ông S cũng không đúng vì toàn bộ tài sản của cụ M còn lại phải là của ông S và ông S, hiện nay là các con ông S đã được công nhận quyền sử dụng hợp pháp, còn ông V đã được chia tài sản xong và cụ M không để thừa kế cho ông V. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rút toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP. B và có ý kiến về vụ án như sau:

Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm đúng quy định. Các đương sự có mặt tại phiên tòa phúc thẩm chấp hành tốt quy định pháp luật tố tụng.

Về nội dung vụ án: Theo biên bản họp phân phối tài sản và gia đình vào ngày 09-10-1988 thì ý chí của cụ M được hiểu là chia tài sản của mình cho 2 con ruột là ông S và ông V rất rành mạch, công bằng, thể hiện rõ đất, ruộng đã phân chia rồi, chỉ còn một căn nhà và 2 bộ ván đem chia nốt, thậm chí chia cả trách nhiệm nuôi cha mẹ cho con. Cụ M đã chia tài sản rất công bằng, hai phần đất hiện nay hai con đang sử dụng là tương đương nhau và quan trọng là ý chí này của cụ đã được cả gia đình công nhận vì việc phân chia này xong thì mỗi bên cứ thế sử dụng phần đã được chia, không tranh chấp với nhau, trong thời gian dài không ai đi đăng ký xin làm thủ tục đứng tên sử dụng đất, sau khi ông V qua đời 3 năm là năm 1992 thì vợ ông V mới làm các thủ tục để được công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên vì ông S không thực hiện ngay việc đăng ký sang tên mình nên phải chịu hậu quả là tài sản của cụ M trở thành di sản thừa kế sau khi cụ qua đời, không có di chúc nên phải chia theo pháp luật, nhưng cần phải tính đến công sức của ông S có công quản lý giữ gìn nhà đất, nuôi dưỡng cụ M trong nhiều năm, không thể chia đôi như yêu cầu của nguyên đơn. Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Trần S, bà Nguyễn Thị H, anh Trần Thanh H và chị Mạch Thị H T, bà Hồ Thị T, các anh chị Mạch Thị P, Mạch Thị B, Mạch Tuấn P, Mạch Tuấn T, giữ nguyên bản án sơ thẩm là phù hợp, tuy nhiên về án phí do ông S là người cao tuổi nên không phải chịu án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng: Hồ sơ vụ án đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ đảm bảo cho việc giải quyết vụ án.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rút toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP. B, nên Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 3 Điều 284 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát.

[3] Xét kháng cáo của các đương sự:

[3.1] Thời điểm mở thừa kế: Theo giấy chứng tử, thời điểm cụ Mạch Văn M chết là ngày 22-12-2003 (BL 75 tập 6) và theo xác nhận của địa phải, cụ Hồ Thị N chết là ngày 03-02-1989 (BL 397 tập 38), nên thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là 30 năm vẫn còn và hai cụ không để lại di chúc, nhưng khi các cụ còn sống có lập một “Biên bản họp phân phối tài sản và gia đình” vào ngày 09-10-1988.

[3.2] Hàng thừa kế theo pháp luật của cụ M và cụ N cụ thể như sau:

- Một người con đầu chết từ lúc nhỏ chưa có vợ con;

- Con đẻ là ông Trần S (tức Mạch Văn M1) sinh năm 1944, có vợ là bà NguyễnThị H sinh năm 1949;

 - Con đẻ là ông Mạch Thanh V (tức Mạch Văn M2) sinh năm 1952, có vợ là bà Hồ Thị T sinh năm 1953, nhưng ông V đã chết trước cụ M vào ngày 21-8-1989 (BL 58 tập 5), do đó các con ông V là thừa kế thế vị của ông V, gồm 05 người là các anhchị Mạch Thị P, Mạch Thị B, Mạch Thị H T, Mạch Tuấn P và Mạch Tuấn T.

[3.3] Tài sản của cụ M và cụ N lúc sinh thời theo xác nhận của ông Trần S, bà T và các anh chị P, B, T, P, T gồm có:

[3.3.1] Một căn nhà gỗ và quyền sử dụng đất mang số thửa 06 (nay đã tách thành 4 thửa 06, 534, 535, 536) tờ bản đồ số 6 và các thửa ruộng 365, 371, 343 tờ bản đồ số 23, xã H, thành phố B, tổng diện tích 7.137m2 do cụ M đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 543635 cấp ngày 16-4-2004, chỉnh lý sang tên ông Trần S ngày 04-7-2005 (BL 855 tập 74). Nay các diện tích đất trên do ông Trần S đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 421214 cấp ngày 06-10-2009 (BL 74 tập 6), anh Trần Thanh H đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB 152037 cấp ngày 10-3-2010 (BL 68 tập 6), anh Dương Vũ L đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BI 778248 cấp ngày 24-7-2012 (BL 72 tập 6, 243 tập 24), chị Trần Thanh H đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB 152007 cấp ngày 03-3-2010 (BL 70 tập 6).

[3.3.2] Quyền sử dụng đất nay mang số thửa 08, tờ bản đồ số 06 và các thửa ruộng 387, 323, 342, 350, 357, 363, 364, 370 tờ bản đồ số 23, xã H, thành phố B, tổng diện tích 9.212,8m2 đang do bà Hồ Thị T đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 540820 cấp ngày 16-4-2004 và AO 421015 cấp ngày 25-9-2009 (BL 83, 116, 118 tập 7).

Ngoài ra không có nhà đất, tài sản nào khác.

Toàn bộ quyền sử dụng đất nêu trên là của cha cụ M để lại cho cụ M sử dụng, sau đó năm 1942 cụ M mới lấy vợ là cụ N, sau khi kết hôn hai cụ cùng tạo dựng căn nhà gỗ trên đất. Theo Luật Hôn nhân gia đình năm 1959 thì tài sản cụ M có được trước khi kết hôn và tài sản hai cụ có được trong thời kỳ hôn nhân đều được coi là tài sản chung của vợ chồng cụ M và cụ N.

[3.4] Cụ M khi còn sống có lập và ký một “Biên bản họp phân phối tài sản và gia đình” vào ngày 09-10-1988, năm 1988 có dấu sửa thành 1989 (BL 79 tập 6). Ông Lê Văn T là người làm chứng khai lập năm 1988, bà T xác nhận biên bản này lập đã lâu bà không nhớ chính xác ngày tháng năm, nhưng lúc đó chồng bà là ông V còn sống. Bà T cho rằng ở biên bản này cụ M chỉ chia nhà, chia ván gỗ chứ cụ không chia thửa đất 06 cho ông S. Hội đồng xét xử có cơ sở để khẳng định là biên bản lập ngày 09-10-1988 vì trong biên bản này cụ M vẫn giao cho ông V lo cho cụ N cho đến khi qua đời, mà cụ N qua đời sau đó vào ngày 03-02-1989.

[3.5] Năm 2005 có hai biên bản họp gia tộc cùng lập ngày 28-02-2005 đều có chữ ký của ông Trần S và bà Hồ Thị T như sau:

- Một bản có xác nhận của UBND xã H, nội dung thể hiện diện tích đất 6.798,9m2 là của cụ M để lại theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 16-4-2004, ông Trần S được toàn quyền thừa kế, định đoạt không ai thắc mắc khiếu nại;

- Một bản không có xác nhận của cơ quan chức năng, nội dung thể hiện cụ M đã chia cho ông M2 (V) 04 đám ruộng rộc và 02 đám ruộng gò tại cánh đồng Xoài, một sào (sào Nam bộ 1000m2) đất tại xã H, số đất còn lại cụ M hưởng đến sau khi qua đời thì ông Trần S được thừa kế toàn bộ những tài sản do cụ M đứng tên (BL 60, 61 tập 6).

[3.6] Vợ con ông V đều thừa nhận khi cụ M, cụ N còn sống đã cho ông V, bà T tài sản ở mục [3.3.2] từ năm 1984 (có lúc khai năm 1974, 1980, 1989) diện tích đất 9.212,8m2, trong đó có thửa 08 diện tích 1.193,6m2 là đất trồng cây lâu năm và đất ở nông thôn, (sát với thửa 06 các con bà T đang yêu cầu ông S chia thừa kế trong vụ án này), còn lại là đất ruộng. Theo bà T thì các diện tích đất này chính là 04 đám ruộng rộc và 02 đám ruộng gò tại cánh đồng Xoài, một sào (sào Nam bộ 1000m2) đất tại xã H thể hiện tại biên bản họp gia tộc lập ngày 28-02-2005 có chữ ký bà T và ông S nêu trên (BL 60 tập 6).

[3.7] Ông S là con trai trưởng và vợ con ở cùng với cụ M, chăm sóc cụ cho đến khi cụ qua đời, lo ma chay, giỗ chạp cho các cụ và tiếp tục sử dụng nhà đất do cụ M đứng tên là tài sản ở mục [3.3.1], trong đó có thửa 06 diện tích đất 1.282,6 m2 là đất trồng cây lâu năm và đất ở nông thôn (nay đã tách thành 4 thửa 06, 534, 535, 536), còn lại là đất ruộng.

[3.8] Quá trình sử dụng các diện tích đất nêu trên của ông V, bà T và ông S đều ổn định, lời khai của những người làm chứng cũng phù hợp với các tình tiết đã nêu, hai nhà không có tranh chấp cho đến năm 2010, ông S cho rằng bà T lấn sang ranh đất của ông, còn bà T cho rằng ranh đất giữa hai nhà do cha chồng là cụ M, chồng là ông V, anh chồng là ông S dùng cọc sắt đóng để phân chia từ năm 1984 vẫn như cũ, bà không lấn nên yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đất đã sử dụng ổn định (BL 399, 400 tập 39). Sau đó vào năm 2011, con bà T, ông V là chị T khởi kiện vụ án chia thừa kế này.

[3.9] Tại “Biên bản họp phân phối tài sản và gia đình” vào ngày 09-10-1988, cụ M đã thể hiện rõ ý chí là tiếp tục phân phối tài sản sau nhiều năm đã chia đất, ruộng, nay chỉ còn lại là 02 bộ ván và một cái nhà, tiếp tục chia đôi, cụ nhấn mạnh rằng sau khi ký biên bản này thì ông M2 (V) không được quyền gì khác kể cả qua lại trên mảnh đất của cụ, ngoài ra ông V phải chịu trách nhiệm với cụ N sống nuôi, chết chôn. Gỗ ván cũng chia đôi cho ông V một nửa và gia đình bà T xác định đã nhận ván sử dụng. Có thể hiểu trong biên bản cụ M nói rõ ông V không được quyền gì khác là bao gồm cả quyền thừa kế phần tài sản còn lại của cụ. Tuy biên bản này không đề cập đến chia tài sản nào cho ông S, nhưng tập quán của người Việt nam nói chung ở thời kỳ của cụ M thì nhà đất các cụ đang sử dụng khi qua đời sẽ để lại cho con trai trưởng hoặc người con đang sống cùng. Ông S là con trai trưởng và cùng sống với cha mẹ, dù cụ M chia trách nhiệm cho ông V lo cho cụ N nhưng thực tế ông S vẫn lo ma chay, giỗ chạp cho cha mẹ. Ông S chưa được cha mẹ cho tài sản, tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự đều xác định khi các cụ còn sống, giữa cụ M, cụ N với ông S vẫn hòa thuận thì không có lý do gì để các cụ không cho ông S tài sản nào. Việc cụ M vẫn làm thủ tục đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải là ông S cũng là bình thường vì khi cụ còn sống cụ vẫn là chủ gia đình.

[3.10] Trong việc định đoạt tài sản, lúc cụ N còn sống không thể hiện ý chí nhưng việc cụ M phân chia tài sản cụ không phản đối, nên có thể thấy rằng cụ N cùng ý chí với cụ M.

[3.11] Hơn nữa, sau khi cụ M, cụ N qua đời, bà T đã ký xác nhận về việc cụ M đã chia tài sản cho ông V, những tài sản còn lại là của ông S như đã nêu ở mục [3.5], nên năm 2005 ông S đã được chuyển quyền sử dụng đất từ cụ M sang tên mình, những năm 2009, 2010 ông S đã tách chia cho các con và tất cả đều đã được công nhận quyền sử dụng đất. Bà T và các con cho rằng bà T ký vào hai biên bản là vì bị con ông S lừa ký để tách hộ khẩu cho chị C là không có căn cứ vì tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn khẳng định chị C thời điểm đó không có chung hộ khẩu với gia đình bà T. Khi cụ M, cụ N chia tài sản cho ông V thì các con ông V, bà T là các anh chị P, B, T, P, T còn nhỏ, người lớn nhất là chị P mới 13 tuổi, các anh chị chưa thể hiểu tường tận được những vấn đề này, ông V đã qua đời, chỉ còn bà T là người lớn hiểu rõ chuyện nên bà T ký xác nhận cho ông S đi làm thủ tục đứng tên đất là phù hợp với thực tế gia đình và đạo đức xã hội. Chính bà T khi xảy ra việc ông S tranh chấp ranh đất thì cũng đã thể hiện quan điểm ranh đất giữa hai nhà do ba cha con cụ M dùng cọc sắt đóng để phân chia từ năm 1984, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đất đã sử dụng ổn định. Các phần nhà đất của ông S và vợ con ông V sử dụng ổn định đã nhiều năm, việc bà T ký văn bản để ông S đứng tên đất và ông S được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất suốt một thời gian dài 06 năm vợ con ông V không phản đối, cả khi con ông S là chị Trần Thị Thanh C xây nhà, anh Trần Thanh H sửa nhà cũ của cụ M, cơi nới, xây dựng thêm trong khuôn viên nhà này thì vợ con ông V biết nhưng cũng không có ý kiến nào.

[3.12] Qua xem xét Hội đồng xét xử thấy phần tài sản nhà, đất ông S sử dụng do cha mẹ để lại cũng tương đương một nửa tài sản của các cụ khi còn sống đã cho ông V, có thể thấy các cụ đã phân chia đồng đều cho hai con, không thiên vị. Xét về lẽ công bằng, Hội đồng xét xử thấy không thể phân chia nhà đất theo yêu cầu của những người thừa kế thế vị của ông V, nhưng tôn trọng ý chí của cụ M tại “Biên bản họp phân phối tài sản và gia đình” vào ngày 09-10-1988 là căn nhà cũng chia đôi, tại phiên tòa phúc thẩm, anh H và đại diện của ông Trần S xác nhận căn nhà gỗ đó nay anh H đang sử dụng, giá trị trừ phần anh H sửa chữa theo định giá còn 47.889.000đ và chưa chia theo biên bản trên, nên Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm, chia ½ giá trị căn nhà là 23.944.500đ cho các thừa kế thế vị của ông V, không chấp nhận yêu cầu còn lại của nguyên đơn.

[3.13] Do các tài sản trên thuộc quyền sử dụng của ông Trần S và ông đã chia cho các con là anh H, chị C, chị H, sang nhượng đất cho chị Dương Thị Thanh T và anh Võ Văn T; chị C đã sang nhượng đất cho chị Dương Vũ Lệ H, chị H sang nhượng cho anh Dương Vũ L và chị Trương Thị Bé B, các bên ký hợp đồng sang nhượng đất không tranh chấp với nhau, đã thực hiện hợp đồng và bên nhận chuyển nhượng đã sử dụng, nên cần công nhận các hợp đồng này và công nhận quyền sử dụng đất, quyền nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất cho những người nhận quyền sử dụng đất.

[4] Chi phí đo vẽ, định giá hai lần: lần giải quyết sơ thẩm lần 1 là 9.418.000đ chị T phải chịu và đã nộp xong; lần giải quyết sơ thẩm này là 1.800.000đ, anh H tự nguyện nộp 800.000đ, anh L tự nguyện nộp 1.000.000đ, đã nộp xong.

[5] Án phí dân sự sơ thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên án phí cũng thay đổi, Chị Mạch Thị H T phải nộp án phí cho phần được chia, phải chịu 1.197.000đ. Ông Trần S là người cao tuổi không phải nộp án phí.

[6] Án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên các đương sự không phải nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điểm c Khoản 1 Điều 217, Điều 227, Khoản 3 Điều 284, Khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự; Các Điều 5, 609, 610, 611, 612, 613, 623 Bộ luật dân sự; Điều 27, 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án; Điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 về án phí, tuyên xử:

Chấp nhận việc rút kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố B;

Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần S, bà Nguyễn Thị H, anh Trần Thanh H; Không chấp nhận kháng cáo của chị Mạch Thị H T, bà Hồ Thị T và các anh chị Mạch Thị P, Mạch Thị B, Mạch Tuấn P, Mạch Tuấn T: Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 37/2017/DSST ngày 02-8-2017 của Tòa án nhân dân thành phố B như sau:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Mạch Thị H T về việc yêu cầu chia nhà đất thuộc thửa 06, 534, 535, 536 tờ bản đồ số 06, xã H, thành phố B:

1.1. Các anh chị Mạch Thị H T, Mạch Thị P, Mạch Thị B, Mạch Tuấn P, Mạch Tuấn T được hưởng giá trị ½ căn nhà gỗ là 23.944.500đ (hai mươi ba triệu, chín trăm bốn mươi bốn ngàn, năm trăm đồng) do ông Trần S giao lại;

1.2. Ông Trần S phải giao cho các anh chị Mạch Thị H T, Mạch Thị P, Mạch Thị B, Mạch Tuấn P, Mạch Tuấn T giá trị ½ căn nhà gỗ là 23.944.500đ (hai mươi ba triệu, chín trăm bốn mươi bốn ngàn, năm trăm đồng) Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không chịu trả số tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải trả thêm cho bên được thi hành án số tiền lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự, tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Chấp nhận yêu cầu độc lập của anh Trần Thanh H, chị Trần Thanh H, anh Dương Vũ L và chị Trương Thị Bé B, chị Dương Thị Thanh T và anh Võ Văn Tư:

2.1. Công nhận anh Trần Thanh H được quyền sử dụng 471,7m2 đất (trong đó có 80m2 đất ở nông thôn) thửa 06, tờ bản đồ số 06, xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và được sở hữu căn nhà gỗ trên đất. Anh Trần Thanh H được quyền nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo quyết định 1516/QĐ-UBND ngày 19-12-2012 của UBND thành phố B.

2.2. Công nhận chị Trần Thanh H được quyền sử dụng diện tích 244,2m2 đất (trong đó có 80 m2 đất ở nông thôn) thửa 534, tờ bản đồ 06, xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị Trần Thanh H được quyền nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo quyết định 1637/QĐ-UBND ngày 19-12-2012 của UBND thành phố B.

2.3. Công nhận anh Dương Vũ L và chị Trương Thị Bé B được quyền sử dụng diện tích 238,1m2 đất (trong đó có 60 m2 đất ở nông thôn) thửa đất 535, tờ bản đồ 06, xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh Dương Vũ L và chị Trương Thị Bé B được quyền nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo quyết định 1515/QĐ-UBND ngày 19-12-2012 của UBND thành phố B.

2.4. Công nhận chị Dương Thị Thanh T và anh Võ Văn Tư được quyền sử dụng diện tích 194,4m2 đất (trong đó có 80 m2 đất ở nông thôn) thửa đất 536, tờ bản đồ 06, xã H, thành phố B, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị Dương Thị Thanh T và anh Võ Văn T được quyền nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo quyết định 1705/QĐ-UBND ngày 19-12-2012 của UBND thành phố B.

(Kích thước, vị trí, diện tích các thửa đất trên được xác định theo sơ đồ vị trí khu đất do Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lập ngày 12-3-2014, k m theo bản án).

2.5. Anh H, chị H, anh L và chị Ba, chị T và anh T liên hệ với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện chỉnh lý quyền sử dung đất.

Chi phí đo vẽ, định giá:

- Chị Mạch Thị H T pH chịu 9.418.000đ, đã nộp xong.

- Anh H tự nguyện nộp 800.000đ, đã nộp xong.

- Anh L tự nguyện nộp 1.000.000đ, đã nộp xong.

4. Án phí dân sự sơ thẩm:

4.1. Chị Mạch Thị H T phải chịu 1.197.000đ (một triệu, một trăm chín mươi bảy ngàn đồng), được trừ vào tiền tạm ứng án phí là 10.000.000đ (Mười triệu đồng) theo biên lai thu tiền số 011413 ngày 29-12-2010 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B. Chị T còn được nhận lại 8.803.000đ (tám triệu, tám trăm lẻ ba ngàn đồng).

4.2. Anh Trần Thanh H không phải nộp, được hoàn trả tiền tạm ứng án phí sơ thẩm là 1.850.000 (một triệu, tám trăm năm mươi ngàn đồng) theo biên lai thu số AA/2014/05858 ngày 26-6-2015 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.

4.3. Chị Trần Thanh H, anh Dương Vũ L và chị Trương Thị Bé Ba, chị Dương Thị Thanh T và anh Võ Văn Tư không phải nộp, được hoàn trả tiền tạm ứng án phí sơ thẩm mỗi người là 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) lần lượt theo các biên lai thu số AA/2014/05859 ngày 26-6-2015, AA/2014/08365 ngày 30-12-2015, AA/2016/0005081 ngày 23-5-2017 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.

5. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần S, bà Nguyễn Thị H, anh Trần Thanh H, chị Mạch Thị H T, bà Hồ Thị T và các anh chị Mạch Thị P, Mạch Thị B, Mạch Tuấn P, Mạch Tuấn T không phải nộp, được hoàn trả tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mỗi người kháng cáo là 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) lần lượt theo các biên lai thu số 0004567 ngày 16-8-2017, số 0004568 ngày 16-8-2017, số 0004573 ngày 18-8-2017, số 0004574 ngày 18-8-2017 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.

6. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo Quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo Quy định tại Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

933
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 123/2017/DS-PT ngày 14/12/2017 về tranh chấp di sản thừa kế

Số hiệu:123/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:14/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về