TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 122/2017/HSPT NGÀY 21/11/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 21 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên toà xét xử vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 159/2017/HSPT ngày 16 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo Đỗ Xuân K. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 230/2017/HSST ngày 07/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương.
Bị cáo có kháng cáo: Đỗ Xuân K, sinh năm 1980 tại tỉnh Thanh Hóa; hộ khẩu thường trú: Xóm 2, thôn X, xã Y, huyện Z, tỉnh Thanh Hóa; chỗ ở: Tổ 22, khu phố L, phường M, thị xã B, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Công nhân; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; trình độ học vấn: 10/12; con ông Đỗ Xuân C (đã chết) và bà Dư Thị X, sinh năm 1948; vợ tên Trần Thị N, sinh năm 1983; có 02 con, lớn sinh năm 2007, nhỏ sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam ngày 31/5/2017, có mặt.
Ngoài ra, trong vụ án còn có người bị hại ông Lê Văn Phú L, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N do không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Đỗ Xuân K là công nhân làm việc tại Công ty Gỗ V thuộc khu phố C, phường M, thị xã B, tỉnh Bình Dương. Khoảng giữa tháng 4/2017, Công ty Gỗ V có tuyển thêm ông Lê Văn Phú L vào làm việc và được phân làm chung bộ phận với Đỗ Xuân K. Do khi nhận lương và phát hiện tiền lương bị giảm xuống, K nghi ngờ do ông L đã tác động đến giám đốc làm K bị làm giảm tiền lương.
Khoảng 20 giờ ngày 15/4/2017, ông L cùng với ông Nguyễn Vinh S là giám đốc Công ty Gỗ V và nhiều người khác đến ăn uống tại quán bò G, thuộc khu phố A, phường C, thị xã B, tỉnh Bình Dương. Khoảng 21 giờ cùng ngày, K gọi điện thoại cho ông S thì biết được ông S đang ở quán G. Khoảng 15 phút sau thì K cùng với một số người làm chung công ty đến quán bò G để ăn uống. Khi K dắt xe máy thì thấy ông Lê Văn Phú L đang đứng trên vỉa hè trước cổng quán bò G. K đi đến chỗ dựng xe, mở cốp xe lấy 01 con dao cán gỗ, lưỡi bằng kim loại, dài khoảng 10 cm (còn gọi là dao trích), cất vào túi quần bên phải rồi đi lại chỗ ông L đứng. Khi K và ông L nói về việc tiền lương của K bị giảm thì hai bên xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Sau đó, ông L đưa tay ra bắt tay với anh K để giảng hòa. Trong lúc bắt tay, K dùng tay trái nắm tay anh L kéo lại, rồi tay phải lấy con dao trong túi quần ra rạch một nhát từ phải qua trái ngay phía trước cổ ông L nhưng ông L né người về phía sau nên không trúng. K tiếp tục cầm con dao rạch 02 nhát từ phải qua trái và từ trái qua phải trúng vào khóe trong mắt phải kéo dài xuống gò má và trúng vào dưới mi mắt phải gây thương tích cho ông L. Bị đánh ông L đẩy ngã K xuống đất, rồi ngồi lên người và dùng tay đánh vào mặt của K 02-03 cái, lúc này được mọi người can ngăn và đưa ông L đi cấp cứu.
Căn cứ Kết luận giám định về thương tích số 0289/GĐPY/2017 ngày 05/5/2017 của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, kết luận: Vết thương khóe trong mắt phải kéo dài xuống gò má để lại sẹo kích thước 0,6cm x 0,3cm, sẹo xơ dính, đổi màu, xấu về thẩm mỹ; tỷ lệ 11%. Vết thương mi dưới mắt phải để lại sẹo kích thước 0,4 cm x 0,2 cm; tỷ lệ 02%. Tổng tỷ lệ thương tích 13%.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 230/2017/HSST ngày 07/9/2017 của Toà án nhân dân thị xã B đã tuyên xử:
Tuyên bố bị cáo Đỗ Xuân K phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ Luật Hình sự.
- Xử phạt bị cáo Đỗ Xuân K 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 31/5/2017.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 26/9/2017, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa trình bày quan điểm giải quyết vụ án:
Về tố tụng: Bị cáo kháng cáo trong thời gian quy định nên Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm để xem xét giải quyết kháng cáo của bị cáo là có cơ sở, đúng quy định của pháp luật. Về yêu cầu kháng cáo của bị cáo: Tội danh, điều luật của Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử bị cáo Đỗ Xuân K về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Xuân K khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Trong lời nói sau cùng, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về với gia đình, chăm sóc mẹ, vợ và 02 con bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Khoảng 21 giờ ngày 15/4/2017, tại quán bò G, thuộc khu phố A, phường C, thị xã B, tỉnh Bình Dương, bị cáo K và ông Lê Văn Phú L xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau nói về việc tiền lương của K bị giảm. Sau đó, K dùng 01 con dao cán gỗ, lưỡi bằng kim loại, dài khoảng 10 cm rạch vào mặt ông L gây ra vết thương trên gò má của ông L, với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 13%. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào hành vi sử dụng dao là hung khí nguy hiểm, gây ra thương tích 13% cho người bị hại Lê Văn Phú L, xử phạt bị cáo Đỗ Xuân K tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ. Tuy nhiên, đối với điều luật áp dụng để xử phạt bị cáo Đỗ Xuân K, Hội đồng xét xử nhận thấy khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định mức hình phạt từ 02 (hai) năm đến 07 (bảy) năm tù nhưng khoản 2 Điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định như sau “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”. Như vậy Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt thấp hơn, có lợi hơn đối với bị cáo Đỗ Xuân K. Căn cứ vào khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ áp dụng quy định có lợi hơn theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử phạt đối với bị cáo Đỗ Xuân K.
[2] Về quan điểm giải quyết vụ án của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Hội đồng xét xử nhận thấy có sự thay đổi về chính sách pháp luật, quy định mức hình phạt thấp hơn đối với tính chất hành vi phạm tội của bị cáo, đồng thời thương tích bị cáo gây ra cho người bị hại là không lớn, đã bồi thường chi phí điều trị thương tích và cả chi phí để thẩm mỹ vết thương, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bản thân bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có cha mẹ là ông Đỗ Xuân C và bà Dư Thị X được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nên chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, sự quan tâm, xem xét của pháp luật, Nhà nước đối với công lao tham gia cách mạng của cha mẹ bị cáo. Do đó, đề nghị của vị đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa là chưa phù hợp.
[3] Xét kháng cáo của bị cáo Đỗ Xuân K: Như phân tích trên, kháng cáo của bị cáo K là có cơ sở. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đỗ Xuân K và sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 230/2017/HSST ngày 07/9/2017 của Toà án nhân dân thị xã B cho đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo Đỗ Xuân K.
[4] Án phí Hình sự phúc thẩm: Do Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo nên bị cáo Đỗ Xuân K không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
Các phần khác của quyết định án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; điểm c khoản 1 Điều 249 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự:
1/ Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đỗ Xuân K. Sửa bản án Hình sự sơ thẩm số 230/2017/HSST ngày 07/9/2017 của Toà án nhân dân thị xã B về phần hình phạt:
- Áp dụng khoản 2 Điều 134; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội:
Xử phạt bị cáo Đỗ Xuân K 02 (hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn tù tính từ ngày 31/5/2017.
2/ Án phí Hình sự phúc thẩm: Áp dụng khoản 2, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bị cáo Đỗ Xuân K không phải nộp.
3/ Các phần khác của quyết định án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 122/2017/HSPT ngày 21/11/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 122/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về