Bản án 12/2021/KDTM-PT ngày 25/06/2021 về tranh chấp hợp đồng nhận nợ, vay vốn tín dụng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 12/2021/KDTM-PT NGÀY 25/06/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG NHẬN NỢ, VAY VỐN TÍN DỤNG

Trong các ngày 21 và ngày 25 tháng 6 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 38/2021/TLPT-KDTM ngày 23 tháng 11 năm 2021 về việc tranh chấp hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2020/KDTM-ST ngày 26/09/2020 của Tòa án nhân dân quận NQ, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 34/2021/QĐ-PT ngày 22 tháng 2 năm 2021 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 85/QĐ-PT ngày 21 tháng 6 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng PTVN (viết tắt là VDB), địa chỉ trụ sở: Số 25A đường CL, phường CL, quận ĐĐ, thành phố Hà Nội; Ngân hàng PTVN - Chi nhánh Hải Phòng, địa chỉ trụ sở: Số 47A đường LKT, phường CĐ, quận NQ, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Mai A; chức vụ: Trưởng phòng TDII - Chi nhánh NHPT Khu vực Đông Bắc - Là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 392/GUQ-NHPT.KVĐB ngày 11/12/2019 của Ngân hàng PTVN - Chi nhánh NHPT Khu vực Đông Bắc); có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Tố H1 - Luật sư của Công ty Luật KL thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Bị đơn: Công ty Cổ phần Tập đoàn H2 (viết tắt là H2); địa chỉ trụ sở: Tầng 3 tòa nhà G, số 7 lô 28A đường LHP, phường ĐK, quận NQ, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Quang K; địa chỉ: Thôn TQ, xã AĐ, huyện AD, thành phố Hải Phòng (Theo Giấy ủy quyền ngày 06/01/2021); có mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần DMH (viết tắt là H3); địa chỉ trụ sở: Số 114 đường LD, phường QT, quận KA, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Đức H4, chức vụ: Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật; có mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn là Ngân hàng PTVN; bị đơn là Công ty Cổ phần Tập đoàn H2.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nội dung kháng cáo:

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngày 28/12/2006, CTCP H2 (nay là CTCP Tập đoàn H2) có ký Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước số 09/2006/HĐTD- TDII với Chi nhánh NHPT - Hải Phòng. Theo đó, CTCP H2 nhận nợ và cam kết thực hiện trách nhiệm trả nợ đối với toàn bộ dư nợ gốc còn lại của Dự án Nhà máy DK Hải Phòng thuộc Công ty D Hải Phòng, số tiền là 81.204.426.286 đồng. Hợp đồng nêu trên được ký đúng thẩm quyền, hợp pháp, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật. Các nội dung chủ yếu của Hợp đồng số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 như sau: Số tiền nhận nợ: 81.204.426.286 đồng; thời hạn nhận nợ: Từ ngày 28/12/2006 đến khi hoàn trả hết nợ (gốc,lãi); thời hạn trả nợ gốc: Từ tháng 1/2008 đến tháng 6/2009; Lãi phát sinh theo dư nợ nhận nợ trả hàng tháng, được tính từ khi nhận nợ; lãi suất nợ trong hạn: Theo Hợp đồng tín dụng; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi trong hạn.

Hợp đồng nhận nợ nêu trên phát sinh từ việc năm 2006, Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) thành phố Hải Phòng đã có Quyết định số 1501/QĐ-UBND ngày 12/7/2006 về việc phê duyệt phương án bán Công ty D Hải Phòng cho CTCP H2. CTCP H2 đã mua lại Doanh nghiệp Nhà nước là Công ty D Hải Phòng theo Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006 ký giữa UBND thành phố Hải Phòng và CTCP Tập đoàn H2. Phương thức mua bán được quy định tại khoản 2.1 Điều 2 như sau: “Bán Công ty D Hải Phòng theo phương thức trực tiếp cho CTCP H2 theo nguyên tắc người mua kế thừa các khoản nợ phải thu, phải trả (nợ gốc), các quyền lợi và nghĩa vụ khác của Công ty D Hải Phòng”. Bên mua là CTCP Tập đoàn H2 đã thực hiện các quyền của mình quy định trong hợp đồng tại mục 3.2.1 nên đương nhiên phải thực hiện nghĩa vụ là thực hiện việc trả nợ đã cam kết.

Các khoản nợ của Công ty D Hải Phòng phải trả cho Tổng cục ĐTPT (nay là NHPT VN) theo 04 Hợp đồng tín dụng (viết tắt là HĐTD) và 02 phụ lục hợp đồng với tổng số tiền vay 81.700.000.000 đồng; mục đích sử dụng tiền vay: Để thực hiện đầu tư các hạng mục, mua sắm máy móc thiết bị dệt thuộc Dự án Nhà máy DK Hải Phòng theo phê duyệt. Thực tế số tiền Công ty D Hải Phòng đã vay và trả nợ như sau: Tổng số tiền đã cho vay: 81.694.426.286 đồng. Tổng số nợ đã thu: 520.000.000 đồng. Trong đó: Nợ gốc: 490.000.000 đồng, nợ lãi: 30.000.000 đồng. Sau khi H2 nhận nợ và mua lại doanh nghiệp, H3 được thành lập với tư cách là Công ty con của H2. Trong đó, H2 chiếm 70% số vốn của H3.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, trên cơ sở các quy định của Nhà nước và pháp luật, VDB đã thực hiện cơ cấu nợ cho Dự án theo quy định. Căn cứ Công văn số 2997/NHPT-XLN ngày 03/10/2007 của VDB, căn cứ vào Hợp đồng nhận nợ số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006, Chi nhánh VDB - Hải Phòng và H3 đã ký Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư điều chỉnh số 09A/HĐTD- ĐC-TDII ngày 05/10/2007 với các nội dung sau: Khoanh nợ toàn bộ số nợ gốc của Dự án số tiền 81.204.426.286 đồng; Thời gian khoanh nợ: Từ 01/7/2005 đến 28/12/2006; Thời hạn trả nợ sau khoanh nợ: 10 năm kể từ ngày 29/12/2006 đến hết ngày 28/12/2016, trong đó có 01 năm đầu ân hạn, thời gian bắt đầu trả nợ gốc từ ngày 29/12/2007; kết thúc trả nợ vào ngày 28/12/2016; Lãi suất tính cho toàn bộ dư nợ vay: 7,8%/năm; Lãi suất nợ quá hạn: 150% lãi suất trong hạn. Theo đó H3 trả nợ cho VDB tổng số tiền 17.211.771.000 đồng; trong đó: Nợ gốc đã trả: 17.011.771.000 đồng, nợ lãi đã trả: 200.000.000 đồng. H3 đã ngừng trả nợ lãi từ tháng 9/2008, ngừng trả nợ gốc từ tháng 8/2013.

Ngày 10/3/2011, H2, H3 và VDB - Hải Phòng ký Hợp đồng bảo lãnh số 09C/2011/HĐBL, theo đó H2 là Bên bảo lãnh cam kết với VDB sẽ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi phát sinh và các loại phí thay cho Bên được bảo lãnh là H3 tại Hợp đồng nhận nợ số 09A/HĐTD-TDII, nếu khi đến thời hạn trả nợ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo Hợp đồng nhận nợ số 09A/HĐTD-TDII. Tuy nhiên, xét về tính hợp pháp của Hợp đồng nhận nợ điều chỉnh số 09A/HĐTD-TDII ngày 05/10/2007, H3 không phải là chủ đầu tư của dự án, không phải là người có nghĩa vụ trả nợ, không là chủ thể nhận nợ theo Hợp đồng nhận nợ số 09/2006/HĐTD-TDII.

Người đại diện ký Hợp đồng nhận nợ điều chỉnh số 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 05/10/2007 của H3 không phải là người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư, đồng thời không được đại diện ký Hợp đồng của chủ đầu tư Dự án là H2. Do vậy, Hợp đồng điều chỉnh số 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 05/10/2007 với nội dung cơ cấu nợ và điều chỉnh lãi suất không có giá trị thực hiện. Nghĩa vụ trả nợ vẫn thuộc về H2. Các thời hạn thoả thuận về thời hạn trả nợ và lãi suất được áp dụng theo quy định tại Hợp đồng nhận nợ số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006.

nh đến thời điểm ngày 20/11/2019, H2 còn nợ VDB tổng số tiền là 160.333.262.483 đồng; trong đó: Nợ gốc là 64.192.655.286 đồng, nợ lãi là 96.140.607.197 đồng. Tuy nhiên, H2 không thực hiện việc trả nợ như cam kết tại Hợp đồng nhận nợ số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 đã ký. Mặc dù VDB đã nhiều lần yêu cầu H2 thực hiện nghĩa vụ trả nợ như đã cam kết tại Hợp đồng, nhưng H2 không ký các văn bản, chứng từ theo quy định và cũng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Các biện pháp thu hồi nợ của VDB: Hàng tháng, Chi nhánh VDB - Khu vực Đông Bắc (trước đây là Chi nhánh VDB - Hải Phòng) gửi văn bản thông báo và đôn đốc H2, H3 trả nợ theo quy định của Nhà nước và của VDB; thường xuyên làm việc, kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tài sản bảo đảm tiền vay của Dự án. Như vậy, kể từ khi nhận nợ, H2 thiếu thiện chí trong việc hoàn trả vốn vay tín dụng của Nhà nước, vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo Hợp đồng nhận nợ số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006. Theo đó, H2 vi phạm Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng.

Về tài sản bảo đảm tiền vay: Tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của chủ đầu tư là tài sản hình thành từ vốn vay gồm nhà xưởng và trang thiết bị của Dự án Nhà máy DK Hải Phòng (Danh mục tài sản bảo đảm theo Phụ lục đính kèm Hợp đồng bảo đảm tiền vay). Hợp đồng bảo đảm tiền vay: Ngày 28/12/2006, VDB - Hải Phòng và H2 đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 12/2006/HĐTCTS-TL. Theo đó, thoả thuận dùng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án làm tài sản bảo đảm tiền vay là nhà máy, giá trị tài sản bảo đảm tại thời điểm ký Hợp đồng thế chấp là 81.204.426.286 đồng. Ngày 10/3/2011, VDB - Hải Phòng và H3 đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản số 09B/2011/HĐTCTS-NHPT để thoả thuận việc nhận tài sản bảo đảm tiền vay của dự án; tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng và trang thiết bị của Nhà máy DK Hải Phòng. Tại Điều 2 quy định về mục đích thế chấp, nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, tiền phí, tiền bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ tài sản khác (nếu có) của Bên có nghĩa vụ phát sinh theo Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 và Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 09A/HĐTD-ĐC- TDII ngày 05/10/2007. Tổng giá trị của tài sản thế chấp tại thời điểm ký Hợp đồng bảo đảm tiền vay là 57.885.011.485 đồng.

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện như trong đơn khởi kiện, cụ thể:

- Đề nghị Tòa án buộc H2 phải thanh toán số nợ còn thiếu cho VDB theo Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước số 06/2009/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 được ký kết giữa H2 và VDB - Hải Phòng tạm tính đến ngày 20/11/2019 là 160.333.262.483 đồng. Trong đó: Nợ gốc: 64.192.655.286 đồng, nợ lãi: 96.140.607.197 đồng.

- Ngoài ra, H2 phải trả số tiền lãi phát sinh (gồm lãi trong hạn và lãi quá hạn) theo thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng kể từ ngày 21/11/2019 đến khi H2 hoàn thành xong nghĩa vụ trả nợ cho VDB.

- Nếu H2 không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì VDB được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự xử lý phát mại tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng và trang thiết bị của Nhà máy DK Hải Phòng nay là H3 để thu hồi nợ. Trường hợp số tiền bán tài sản thế chấp không đủ để thanh toán toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, H2 phải tiếp tục có nghĩa vụ trả nợ đối với dư nợ còn lại cho VDB.

Trong bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án người đại diện theo pháp luật của H2 trình bày:

CTCP Tập đoàn H2 có địa chỉ trụ sở hoạt động tại: Tầng 5-6 tòa nhà KH, số 2/3C đường LHP, phường ĐK, quận NQ, thành phố Hải Phòng. Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, CTCP Tập đoàn H2 có ý kiến như sau:

- Về việc xác định chủ thể bị khởi kiện (bị đơn): Theo Đơn khởi kiện ngày 11/02/2020, nguyên đơn VDB xác định người bị kiện là H2, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là H3. H2 cho rằng nguyên đơn đã xác định sai chủ thể bị khởi kiện, vì những lý do sau:

Thứ nhất, CTCP H2 (Bên mua - tiền thân của CTCP Tập đoàn H2 sau này) và UBND thành phố Hải Phòng (bên bán) đã ký Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước: Công ty D Hải Phòng số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006. Theo đó, điểm 3.2.1 khoản 3.2 Điều 3 đã quy định bên mua có quyền: “Được quyền chuyển nhượng doanh nghiệp sau khi nhận bàn giao và được chủ nợ chấp nhận”. Sau đó, H2 đã nhận bàn giao tài sản từ Công ty D Hải Phòng theo Biên bản bàn giao tài sản ngày 28/10/2006.

Đến ngày 07/11/2006, H3 được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0203002627 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cấp. Thực hiện quyền của mình, H2 đã chuyển nhượng toàn bộ giá trị tài sản sau khi tiếp nhận từ Công ty D Hải Phòng là: 118.207.336.395 đồng bàn giao và chuyển cho H3, căn cứ vào Nghị quyết số 02/NQ/ĐHCĐ-2006 của Đại hội đồng cổ đông H2 ngày 08/11/2006 và Biên bản bàn giao vốn ngày 10/11/2006 giữa H2 và H3.

Ngay sau đó, H2 đã có Văn bản số 10.11.07/CV-HAP ngày 10/11/2006 về việc chuyển nhượng Công ty D Hải Phòng cho H3 gửi các đơn vị chủ nợ của Công ty D Hải Phòng, đồng thời đã thông báo chuyển nhượng toàn bộ Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước: Công ty D Hải Phòng số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006 cho H3 từ ngày 10/11/2006, mọi quan hệ đối với các chủ nợ do H3 có trách nhiệm trực tiếp tiếp nhận và giải quyết.

Mặt khác, Đại hội đồng cổ đông Nghị quyết 01/NQ/ĐHBT ngày 12/3/2007 về việc lấy ý kiến bằng văn bản của H2 đã không nhất trí (chỉ đạt 14% số cổ phần biểu quyết), vì là Công ty đại chúng đã được niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2000 nên việc mua bán Công ty D Hải Phòng và góp vốn để thành lập H3 theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản và kết quả ít nhất phải đạt 51% quyền biểu quyết của các cổ đông. Do vậy, các giao dịch, hợp đồng ký kết giữa VDB - Hải Phòng với Công ty Cổ phần Tập đoàn H2 kể từ ngày 23/10/2006 đều không có giá trị pháp lý đối với các cổ đông trong Công ty, như: Ngân hàng ký các hợp đồng Bảo lãnh số 09C/2011/HĐBL ngày 10/3/2011; Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006; Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 12/2006/HĐTCTS-TL ngày 28/12/2006.

Thứ hai, Chi nhánh VDB - Hải Phòng (tức Chi nhánh NHPT Khu vực Đông Bắc hiện nay - đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn) và H3 có ký kết Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 09A/HĐTD- ĐC-TDII ngày 05/10/2007. Hợp đồng này được ký kết đúng thẩm quyền, hợp pháp, hợp lệ, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Bằng Hợp đồng này, phía VDB - Hải Phòng đã công nhận bên nhận nợ duy nhất là Công ty Cổ phần DMH (H3) với số nợ gốc là 81.204.426.286 đồng.

Ngoài hợp đồng trên, VDB - Hải Phòng còn ký kết các văn bản sau đây với H3: Khế ước nhận nợ vay ngày (không ghi) tháng 10 năm 2007; Biên bản làm việc ngày 29/8/2012; Biên bản kiểm tra tài sản bảo đảm tiền vay vào các ngày: 28/6/2014, 04/3/2016 đối với dự án Nhà máy DK Hải Phòng; tên khách hàng vay vốn: Công ty Cổ phần DMH; Các biên bản làm việc ngày: 31/01/2014, 28/02/2014, 28/4/2014, 30/6/2014, 22/7/2014, 30/5/2014, 30/01/2015, 31/3/2015, 28/4/2015, 29/5/2015, 28/7/2015, 30/6/2015, 30/9/2015; Các Biên bản định giá lại tài sản bảo đảm tiền vay: số 01/TSTC ngày (không ghi) tháng 3 năm 2011; số 01/TSTC ngày 07/9/2015. Mặt khác, trong đơn khởi kiện của nguyên đơn cũng đã khẳng định: “…H3 đã trả nợ cho VDB tổng số tiền 17.211.771.000 đồng (trong đó, nợ gốc đã trả: 17.011.771.000 đồng, nợ lãi đã trả: 200.000.000 đồng). H3 đã ngừng trả nợ lãi từ tháng 9/2008; ngừng trả nợ gốc từ tháng 8/2013…”. Như vậy, thực tế từ trước, trong và sau này H3 là đơn vị phải có trách nhiệm trực tiếp thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn.

Nhng văn bản nêu trên đã được hai bên ký kết khẳng định VDB - Hải Phòng (tức Chi nhánh NHPT Khu vực Đông Bắc hiện nay - đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn) đã đồng ý chấp nhận, xác lập mối quan hệ giữa chủ nợ và khách hàng nợ là H3. Từ những căn cứ trên, H2 khẳng định nguyên đơn đã xác định sai quan hệ tranh chấp, theo H2 thì bị đơn trong vụ án này phải là Công ty Cổ phần DMH (H3).

Do đó, bản chất việc vay nợ, trả nợ, chuyển giao số nợ theo hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006/HĐMB-CTNN chính là dựa vào các Hợp đồng tín dụng năm 1997, 1998, 1999 giữa Công ty D Hải Phòng với Cục ĐTPT Hải Phòng (là tiền thân của nguyên đơn), việc định giá tài sản, khoanh nợ, giãn nợ, tài sản đảm bảo không tuân thủ đúng quy định, dẫn đến việc cho vay, sử dụng vốn vay không hiệu quả, thua l , thất thoát vốn Nhà nước, trước khi ký hợp đồng để bán Công ty D Hải Phòng cho H2 gồm các tài sản, máy móc, thiết bị (do các các HĐTD năm 1997, 1998, 1999 đã được giải ngân), nhưng nguyên đơn và UBND thành phố Hải Phòng đã không tiến hành thẩm định giá trị thực tế của các tài sản trên, mà chỉ dựa vào sổ sách, số vốn vay gốc, lãi rồi đưa ra mức nợ, sau đó ấn định cho Công ty mua và chỉ định nhận nợ để hợp pháp hóa cho quá trình giải ngân của nguyên đơn. Việc này, đề nghị nguyên đơn phải làm r để xác định trách nhiệm của mình, trước khi yêu cầu các tổ chức khác phải kế thừa mà không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ Công ty D Hải Phòng có nguy cơ phá sản do thua l và chiếm dụng, sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả.

Hơn nữa, mọi giao dịch nhân danh H2 để ký kết với VDB - Hải phòng đều không giá trị pháp lý, vì không đúng thẩm quyền và trái với Nghị quyết của Đại hội Đồng cổ đông Công ty. Do vậy, H2 không phải chịu trách nhiệm trả số nợ còn thiếu là số tiền 160.333.262.483 đồng và số tiền lãi phát sinh như đơn khởi kiện đã trình bày, vì CTCP H2 (trước đây) thực hiện đúng các quyền của mình theo Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước: Công ty D Hải Phòng số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006 và không vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Từ những căn cứ nêu trên, nguyên đơn không có quyền yêu cầu cơ quan nào có quyền xử lý phát mại bất kỳ tài sản nào thuộc quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp của các cổ đông trong H2. Tính đến thời điểm này, H2 với nguyên đơn không có bất kỳ giao dịch thanh toán khoản nào, chi trả theo các hợp đồng cho VDB. Điều này cho thấy, mối quan hệ chủ nợ - khách hàng nợ không được xác lập, mà mối quan hệ này chỉ thực hiện giữa H3 và nguyên đơn.

Bởi các lý do trên, H2 đề nghị Tòa án nhân dân quận NQ, thành phố Hải Phòng xem xét toàn diện vụ án trên cơ sở trình bày, tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp hoặc Tòa án thu thập để: Xác định lại chủ thể, phạm vi và thẩm quyền giải quyết vụ án theo khởi kiện trong vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng theo yêu cầu của nguyên đơn. Xem xét hủy bỏ các hợp đồng, giao dịch do nguyên đơn đã ký kết với H2, tuyên hủy các Hợp đồng sau:

+ Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước số 09/2006/HĐTD-TĐII ngày 28/12/2006 giữa CTCP H2 và Chi nhánh NHPT Hải Phòng. Hợp đồng này được ký không đúng thẩm quyền vì tại thời điểm ký, CTCP H2 không còn là chủ sở hữu toàn bộ tài sản của Công ty D Hải Phòng, mà đã được chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới là Công ty Cổ phần DMH, đồng thời kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho chủ nợ.

+ Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước số (không ghi)/2006/HĐTD-TDII ngày (không ghi)/12/2006 giữa CTCP H2 và Chi nhánh NHPT Hải Phòng. Lý do tương tự phần trình bày trên đối với Hợp đồng số 09/2006/HĐTD-TĐII ngày 28/12/2006.

+ Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 12/2006/HĐTCTS- TL ngày 28/12/2006 giữa CTCP H2 và Chi nhánh NHPT Hải Phòng. Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 giữa CTCP H2 và Chi nhánh NHPT Hải Phòng. Tuy nhiên, do Hợp đồng làm căn cứ này được ký không đúng thẩm quyền cho nên Hợp đồng thế chấp nêu trên cũng không có giá trị pháp lý.

+ Hợp đồng thế chấp tài sản số 09B/2011/HĐTCTS-NHPT ngày 10/3/2011 giữa bên nhận thế chấp là NHPT Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng và bên thế chấp là Công ty Cổ phần DMH. Hợp đồng này đã ký không đúng thẩm quyền vì tại thời điểm ký, ông Vũ Dương H5 không còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 02/12/2008, theo Biên bản họp Hội đồng quản trị số 81/BB- HĐQT ngày 02/12/2008 của Công ty Cổ phần DMH.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần DMH (H3) trong quá trình giải quyết vụ án trình bày ký kiến:

H3 luôn có quan điểm đồng ý với ý kiến mà người đại diện theo ủy quyền của H2 trình bày. Hiện nay H3 không còn hoạt động được. Đề nghị phía NHPT Việt Nam phối hợp với H3 phát mại tài sản H3 thế chấp và hiện H3 đang quản lý để thu hồi công nợ.

Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2020/KDTM-ST ngày 26 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận NQ, thành phố Hải Phòng đã căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; các điều 147, 273, 160, 162 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 122; 137; 138; 146 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 108; khoản 3, khoản 4 Điều 120 Luật Doanh nghiệp; khoản 2, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của NHPT Việt Nam:

1. Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 là vô hiệu.

2. Buộc CTCP Tập đoàn H2 phải có trách nhiệm thanh toán hết số tiền 63.992.655.286 đồng sau khi đã trừ số tiền phát mại tại sản theo Chứng thư giám định số lượng tình trạng và thông số kỹ thuật số 482/N062020 ngày 31/3/2020 trong phạm vi 14% vốn Điều lệ hiện tại của H2 (vốn điều lệ hiện tại năm 2020 của H2 là 500.000.000.000 đồng).

3. Buộc Công ty Cổ phần DMH phải phát mại tài sản hiện đang quản lý và sử dụng theo số liệu kiểm đếm của chứng thư giám định số lượng tình trạng và thông số ký thuật số 482/N062020 ngày 31/3/2020 của Công ty Cổ phần Giám định - Thương mại BL. Số tiền sau khi phát mại sẽ được trả cho NHPT Việt Nam.

Kể từ ngày NHPT Việt Nam có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, CTCP Tập đoàn H2 còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra bản án còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Nội dung kháng cáo: Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 09/10/2020, Tòa án nhân dân quận NQ nhận được đơn kháng cáo đề ngày 07/10/2020 của nguyên đơn và đơn kháng cáo đề ngày 08/10/2020 của bị đơn.

- Nội dung kháng cáo của nguyên đơn: Kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm số 09/2020/KDTM-ST ngày 26/9/2020 của Tòa án nhân dân quận NQ, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Buộc H2 phải trả số nợ còn thiếu cho VDB (gồm nợ gốc, nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn) tạm tính đến ngày 26/8/2020 là 166.204.707.320 đồng (nợ gốc là 64.192.655.286 đồng, nợ lãi là 102.012.052.034 đồng); ngoài ra H2 còn phải trả số tiền lãi phát sinh theo thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng kể từ ngày 27/8/2020 đến ngày H2 thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ cho VDB. Nếu H2 không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì VDB được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự xử lý phát mại tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng và trang thiết bị của Nhà máy DK Hải Phòng để thu hồi nợ.

- Nội dung kháng cáo của bị đơn: Kháng cáo một phần của Bản án sơ thẩm với nội dụng “Buộc CTCP Tập đoàn H2 có trách nhiệm thanh toán hết số tiền 64.192.655.286 đồng sau khi đã trừ số tiền phát mại tài sản theo chứng thư giám định số lượng tình trạng và thông số kỹ thuật số 482/N622020 ngày 31/3/2020 trong phạm vi 14% vốn Điều lệ hiện tại của H2 (vốn điều lệ hiện tại năm 2020 của H2 là 500.000.000.000 đồng); đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định CTCP Tập đoàn H2 chỉ có trách nhiệm thanh toán hết số tiền 8.400.354.400 đồng sau khi đã trừ số tiền phát mại tài sản của H3.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn trình bày: Cung cấp bổ sung 03 Bảng kê giải ngân của dự án nhà máy DK; 21 chứng từ trả nợ của H2 và H3; HĐTD số 26/HĐTD ngày 07/11/1997, số 67/HĐTD ngày 24/11/1998, số 74/HĐTD ngày 04/5/1999, số 85/HĐTD ngày 15/9/1999, Phụ lục Hợp đồng số 85A/PLHĐ ngày 03/7/2000, 85B/PLHĐ ngày 26/7/2001; Công văn số 620/QHTPT/TDDP ngày 02/6/2000 và 890/HTPT/KHNV ngày 08/6/2001 về hướng dẫn điều chỉnh lãi suất; Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 02/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại phiên tòa, VDB thay đổi một phần nội dung kháng cáo, cụ thể: VDB đề nghị Tòa án buộc H2 phải trả số nợ còn thiếu cho VDB gồm nợ gốc, nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn tạm tính đến ngày 20/11/2019 như nội dung khởi kiện ban đầu là 160.333.262.483 đồng; trong đó nợ gốc: 64.192.655.286 đồng, nợ lãi:

96.140.607.197 đồng và vẫn giữ các căn cứ chứng minh như đã trình bày trong đơn kháng cáo. Đối với kháng cáo của bị đơn chỉ phải chịu trách nhiệm 14% nguyên đơn không đồng ý vì không có căn cứ, bởi lẽ: VDB khởi kiện H2 do Hợp đồng nhận nợ số 09/2006/HĐTD-TDII phát sinh từ Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006. Tại Điều 2, Điều 3 Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước đã quy định về quyền và nghĩa vụ của bên mua là H2, thực tế khi thực hiện hợp đồng, H2 đã thực hiện các quyền của mình theo Hợp đồng như chuyển nhượng toàn bộ giá trị tài sản sang cho H3, thực hiện quyền sử dụng đất tại 738 NVL để xây dựng Bệnh viện Gr (thể hiện tại các văn bản như Công văn ngày 06/3/2008 của H2 gửi UBND thành phố Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Xây dựng; Nghị quyết số 11/2009 ngày 16/5/2009 của Đại hội đồng cổ đông của H2; Biên bản họp ngày 08/10/2010 giữa H2 và VDB chi nhánh Hải Phòng). Ngoài ra, H2 cũng đã thực hiện nghĩa vụ của mình tại Hợp đồng, thể hiện qua việc H2 đã ký hợp đồng nhận nợ số 09/2006/HĐTD-TDII với VDB và cam kết thanh toán nợ đúng thời hạn. Tuy nhiên, để thoái thác nghĩa vụ trả nợ; H2 cho rằng đã không đồng ý do nghị quyết họp Hội đồng cổ đông không thông qua nhưng trước khi có Nghị quyết đại hội đồng cổ đông, ngày 10/11/2006, H2 đã thực hiện quyền chuyển nhượng giá trị tài sản cho H3 và vẫn tiếp tục thực hiện quyền của mình theo Hợp đồng mua bán Công ty trong việc xây dựng Bệnh viện Gr. Biên bản hội đồng cổ đông thể hiện sự né tránh trách nhiệm trả nợ. Do đó, việc H2 do ông Vũ Dương H5 là đại diện ký kết các Hợp đồng mua bán công ty Nhà nước và Hợp đồng nhận nợ, H2 đều biết và phải biết việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Đối với Hợp đồng nhận nợ số 09A/2006/HĐTD-ĐC-TDII giữa VDB và H3, Hợp đồng này không có giá trị chứng minh chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ H2 sang H3, hợp đồng này chỉ quy định lại cách tính lãi, cơ cấu nợ; không có giá trị chuyển nợ từ H2 sang H3. Quan điểm của H2 tại phiên tòa sơ thẩm về việc Hợp đồng nhận nợ số 09 vô hiệu là không có cơ sở, nên tại đơn kháng cáo, H2 chỉ nhắc đến việc 14% cổ đông thông qua; H2 đã đẩy trách nhiệm sang cho H3 không có khả năng thanh toán.

Đối với việc tính lãi, mặc dù các Hợp đồng vay vốn giữa Công ty DK Hải Phòng với VDB được ký kết từ trước năm 2000 đều không có thỏa thuận về tính lãi chậm trả, do thời gian đã lâu nên VDB không tìm thấy các quy định của pháp luật này và cũng không có thỏa thuận bổ sung về việc tính lãi chậm trả là 130% lãi suất vay trong hạn nhưng các chứng từ đã thể hiện và tại Hợp đồng số 09 đã xác nhận lãi quá hạn là 130% lãi suất vay trong hạn. Ngoài ra, việc điều chỉnh lãi suất vay trong hạn, VDB đã căn cứ vào các quy định hướng dẫn của cấp trên để điều chỉnh, việc điều chỉnh giảm lãi suất có lợi cho bên vay.

- Bị đơn trình bày quan điểm:

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn đã cung cấp bổ sung một số tài liệu mới về: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty H2 (thay đổi lần thứ 12); Biên bản bàn giao số 01/BB ngày 14/11/2006 giữa H2 và Công ty D Hải Phòng; Hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất số 11.12/2007/HĐTD giữa H2 và H3 và Ủy nhiệm chi; Danh sách Hội đồng quản trị năm 2006, 2009; Thông báo số 02/TB-TEX ngày 14/11/2006 của H3; Quyết định của UBND thành phố Hải Phòng về việc thực hiện Quyết định số 1029/TTg; Quyết định số 1029/TTg ngày 03/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho Công ty D Hải Phòng thuê đất để xây dựng Nhà máy DK tại Hải Phòng.

H2 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và nội dung như đã trình bày tại đơn kháng cáo. Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006/HĐMB- CTNN đã quy định quyền của H2 về việc được chuyển nợ. H2 đã thực hiện đúng các quyền của mình và thành lập H3 để chuyển khoản nợ sang cho H3. Khi chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho H3, H2 đã thông báo cho các chủ nợ. Việc chuyển nợ sang cho H3 đã được VDB đồng ý thể hiện qua việc VDB đã ký hợp đồng nhận nợ với H3 và H3 đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán là trả nợ cho VDB số tiền hơn 17 tỷ đồng. Đồng thời, không có căn cứ nào thể hiện H2 đã chuyển tiền cho H3 để trả nợ cho VDB. Về trách nhiệm trả nợ của H2 đối với VDB thì tại Nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2007 đã phủ nhận toàn bộ trách nhiệm của H2. Hợp đồng chuyển nhượng 09A vẫn có hiệu lực pháp luật và H3 là người trả nợ cho VDB đến nay. Bị đơn không có trách nhiệm trả số nợ còn thiếu bao gồm cả tiền gốc và lãi. Giữa H2 và nguyên đơn không có giao dịch nào. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm trả nợ, nhận nợ của H3, bị đơn phải là H3. Bị đơn đề nghị HĐXX xem xét lại trách nhiệm, tư cách của bị đơn để đảm bảo quyền lợi.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quan điểm:

Tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp các tài liệu bổ sung gồm: Thông báo về việc nộp tiền thuê đất kỳ I năm 2021; Thông báo nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2021; Công văn số 1889/NHPT.HPH-TD2 Đối với yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của VDB: Sau khi được H2 thành lập và chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Nhà máy DK Hải Phòng cho H3, H3 đã ký Hợp đồng nhận nợ số 09A với VDB tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (như công nghệ l i thời, dây chuyền, máy móc không đồng bộ…) dẫn tới việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, không thể phục hồi nên H3 liên tục đề xuất kiến nghị VDB sớm phát mại, thanh lý tài sản để trả nợ, càng để lâu, máy móc thiết bị hao mòn, lãi thời càng giảm giá trị. VDB biết nhưng không thực hiện quyết liệt để thời gian kéo dài dẫn tới ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn trả nợ cho VDB. H3 trả nợ cho VDB đều ghi r trả nợ gốc, còn việc hạch toán vào nợ gốc hay nợ lãi là do VDB. Đề nghị Hội đồng xét xử, sớm thanh lý tài sản trên đất để thu hồi vốn cho VDB, và đề nghị xóa gốc và lãi còn lại cho doanh nghiệp

- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về kháng cáo:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về quan điểm giải quyết vụ án:

+ Đối với nội dung kháng cáo của VDB về việc không đồng ý với phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006 và Hợp đồng nhận nợ số 09/2006/HĐTD - TDII ngày 28/12/2006 giữa VDB và H2 vô hiệu và xét nội dung kháng cáo của H2 cho rằng H2 không có trách nhiệm trả nợ cho VDB trên 63 tỷ đồng sau khi đối trừ giá trị phát mại tài sản thế chấp được mô tả chi tiết tại chứng thư giám định trong phạm vi 14% vốn điều lệ tại thời điểm xét xử và chỉ chấp nhận một phần trách nhiệm tương ứng 8.400.351.400 đồng tương ứng với 14% vốn điều lệ tại thời điểm mua doanh nghiệp Nhà nước (năm 2006). Kháng cáo này của VDB và H2 có căn cứ một phần, bởi lẽ:

Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước (Công ty D Hải Phòng) số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006 và Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là vô hiệu…và tuyên xử: “…Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 vô hiệu, buộc H2 phải có trách nhiệm thanh toán hết số tiền 63.992.655.286 đồng…” là đã giải quyết có phần vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vì nguyên đơn không yêu cầu tuyên bố các Hợp đồng 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 vô hiệu.

Thứ hai, tài liệu chứng cứ do các đương sự cung cấp bổ sung trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và thông tin trên trang website của H2 thể hiện: Việc người đại diện theo pháp luật, đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị của H2 ký kết Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006 với UBND thành phố Hải Phòng không có văn bản, tài liệu thể hiện việc Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông của H2 đã thống nhất phê chuẩn hoặc thông qua. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông của H2 đã biết việc người đại diện theo pháp luật của H2 giao dịch mua Công ty D Hải Phòng, mang đầu tư góp vốn thành lập Công ty Cổ phần DMH (H3) và không có ý kiến phản đối với việc này. Hội đồng quản trị cũng như Đại hội đồng cổ đông của Công ty H2 đã thông qua báo cáo tài chính hợp nhất hàng năm của H2. Trên các báo cáo tài chính hợp nhất năm 2008, 2009 của H2 có thể hiện H3 là một trong số các Công ty con của H2 (được H2 đầu tư tài chính, góp 70% vốn điều lệ bằng chính quyền sử dụng các tài sản có được từ Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01 năm 2006, đồng thời với nghĩa vụ nhận nợ vay vốn tín dụng nguyên là của Công ty D Hải Phòng tại VDB). Thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của H2 số 68 ngày 20/4/2010, H2 đã thoái vốn đầu tư tại H3 thông qua việc ký kết Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại H3 số 1005.2010 ngày 10/5/2010 với giá 21.000.000.000 đồng (2.100.000 cổ phần x 10.000 đồng), theo đó ông H4 là người mua cổ phần và H3 có trách nhiệm kế thừa toàn bộ khoản nợ và lộ trình trả nợ của H3. Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì: “1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiệ vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: a) Người được đại diện đồng ý; b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý…”. Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết 04/2003 thì các Hợp đồng kinh tế: Hợp đồng mua bán công ty Nhà nước số 01/2006, Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước số 09 nêu trên và cả Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 09A ngày 05/10/2007 giữa VDB với bên nhận nợ là H3 có hiệu lực pháp luật, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên theo thỏa thuận tại các Hợp đồng nêu trên do người có thẩm quyền đã thông qua các chứng từ kế toán, thống kê, biết được hợp đồng kinh tế nêu trên đã được ký kết và đang được thực hiện, tham gia thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh, sử dụng lợi nhuận (kết quả sản xuất, kinh doanh của H3). Qua đây cho thấy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận lý do của H2 nêu ra về việc Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 12/3/2007 không nhất trí việc mua Công ty D Hải Phòng (tỷ lệ phiếu thông qua chỉ có 14%) để cho rằng ông Vũ Dương H5 (là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị của H2) ký các Hợp đồng nêu trên vượt quá phạm vi đại diện và tuyên Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước số 09/2006/HĐTD-TDII vô hiệu và tuyên xử: Buộc H2 phải thanh toán hết số tiền 63.992.655.286 đồng sau khi trừ đi số tiền phát mại tài sản theo…trong phạm vi 14% vốn điều lệ hiện tại của H2 (bác yêu cầu trả lãi của VDB) là không đúng. Như vậy, một phần nội dung kháng cáo của VDB và H2 có căn cứ, cần sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.

+ Xét về trách nhiệm trả khoản nợ nguyên là của Công ty D Hải Phòng tại VDB:

Thứ nhất, về nghĩa vụ trả nợ: Tại Điều 315 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 370 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ: “1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. 2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”. Thông qua việc VDB ký Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 09A ngày 05/10/2007 với bên nhận nợ là H3 cho thấy việc chuyển giao nghĩa vụ trả nợ cho VDB từ H2 sang H3 đã được bên có quyền là VDB đồng ý. Hợp đồng số 09A ngày 05/10/2007 có hiệu lực pháp luật, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên theo thỏa thuận, nghĩa vụ trả khoản vay tại VDB được chuyển giao cho H3. Kiểm sát viên xét thấy nội dung VDB trình bày tại phiên tòa phúc thẩm rằng việc ký hợp đồng nhận nợ số 09A với H3 chỉ để thực hiện với múc đích ân hạn lãi, VDB không chủ định, không đồng ý H3 là người nhận nợ thay là không có tính thuyết phúc, không có căn cứ, bởi lẽ: Hợp đồng 09A ghi r bên nhận nợ là H3, biểu tính gốc, lãi của khoản nợ ghi khách hàng là H3, quá trình H3 đã trả nợ trên 17 tỷ đồng đã được VDB đối trừ vào nợ gốc. Do đó, có đủ căn cứ xác định H3 có nghĩa vụ phải trả khoản nợ gồm gốc và lãi cho VDB. Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, VDB chỉ khởi kiện đối với H2 mà không khởi kiện đối với H3. Nếu theo đúng quy định của pháp luật về tố tụng thì khi giải quyết, Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VDB do H2 không có nghĩa vụ trả nợ cho VDB. Tuy nhiên, H3 đã được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (về phía bị đơn) trong vụ án này. Bản thân H3 cũng không thoái thác nghĩa vụ trả nợ, đề nghị Tòa án tuyên xử lý, phát mại tài sản thế chấp theo hợp đồng 09B ngày 10/3/2011 để thu hồi nợ, nếu cấp phúc thẩm sửa án, xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VDB đối với H3 sẽ dẫn tới việc VDB lại phải thu hồi nợ đối với H3 bằng một vụ án khác, do đó có thể giải quyết tuyên trách nhiệm trả nợ thuộc về H3.

Thứ hai, xét về lãi suất, khoản nợ phải trả bao gồm gốc và lãi: Kiểm sát viên xét thấy phần điều khoản thỏa thuận tại Hợp đồng 09 (với H2) về lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất trong hạn và phần điều khoản thỏa thuận tại Hợp đồng 09A (với H3) về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn là trái pháp luật, không phát sinh hiệu lực, bởi lẽ: Hợp đồng nhận nợ vay số 09 và 09A là Hợp đồng phái sinh từ các HĐTD số 26 ngày 07/11/1997; số 67 ngày 24/11/1998; số 74 ngày 04/5/1999; số 85 ngày 15/9/1999 và phụ lục (điều chỉnh) hợp đồng số 85A, 85B được ký kết giữa VDB và Công ty D Hải Phòng. Các HĐTD giữa VDB và Công ty D Hải Phòng chỉ có điều khoản thỏa thuận về lãi suất tiền vay, thời hạn vay và trả nợ (không có điều khoản thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn). Quá trình giải quyết tại Tòa án cấp phúc thẩm, VDB trình bày là không tìm thấy văn bản, tài liệu nào liên quan thể hiện đã có việc VDB thống nhất thỏa thuận với Công ty D Hải Phòng về áp dụng lãi suất quá hạn bằng 130% mức lãi suất trong hạn như đã tính tại biểu tính tiền gốc và lãi của khoản vay VDB đã cung cấp cho Tòa án. Qua nghiên cứu Nghị định số 43/1999/NĐ-CP quy định: “…Đối với các dự án vay vốn tín dụng của Nhà nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực được thực hiện tiếp các điều khoản đã ghi trong hợp đồng tín dụng và các quyết định trước đây của Thủ tướng Chính phủ”. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2000 trong khi dự án Nhà máy DK Hải Phòng đã vay vốn từ năm 1997 (trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực). Vì vậy, khoản vay của dự án này được thực hiện tiếp các điều khoản đã ghi trong HĐTD đã ký. Trong các hợp đồng này không có thỏa thuận về lãi quá hạn. Mặt khác, theo các hợp đồng nhận nợ thì H2 và H3 không vay khoản vay mới mà là nhận nợ theo thỏa thuận tại Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006 với UBND thành phố Hải Phòng (bản chất là việc thế nghĩa vụ). Hợp đồng nhận nợ số 09 ngày 28/12/2006 giữa VDB và H2 có thỏa thuận mức lãi suất trong hạn theo Hợp đồng đã ký, các Hợp đồng đã ký thể hiện: Hợp đồng số 26 ngày 07/11/1997, vay 20,7 tỷ đồng, lãi suất 0,81%/tháng, tương ứng 9,72%/năm; Hợp đồng số 67 ngày 24/11/1998, vay 17 tỷ, lãi suất 0,81%/tháng, tương đương 9,72%/năm; Hợp đồng số 74 ngày 04/5/1999, vay 40 tỷ đồng, lãi suất 0,81%/tháng, tương đương 9,72%/năm; Hợp đồng số 85 ngày 15/9/1999, vay 4 tỷ đồng, lãi suất 0,81%/tháng, tương đương 9,72%/năm. Phụ lục số 85A ngày 03/7/2000, điều chỉnh về lãi suất của các hợp đồng trên như sau: Số tiền giải ngân từ ngày 01/01/2000, trở đi được áp dụng mức lãi suất 7%/năm; Phụ lục số 85B ngày 26/7/2000, điều chỉnh về lãi suất của các hợp đồng trên như sau: Số tiền giải ngân từ ngày 01/6/2000 trở đi được áp dụng mức lãi suất 5,4%/năm. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, VDB đã cung cấp bổ sung bảng kê giải ngân thu nợ đối với các khoản đã giải ngân cho Công ty D Hải Phòng từ năm 1998, theo đó: Khoản nợ được giải ngân từ trước ngày 01/01/2000, tính ra là 67.551.823.664 đồng, lãi suất là 9,72%/năm (theo thỏa thuận trong các hợp đồng ký giữa Công ty D Hải Phòng và Quỹ đầu tư phát triển - nay là Ngân hàng VDB); Khoản nợ giải ngân từ 27/01/2000 đến 30/5/2001 là 11.147.362.622 đồng, lãi suất 7%/năm (điều chỉnh theo Phụ lục 85A ngày 03/7/2000); Khoản nợ giải ngân sau ngày 01/6/2001 là 2.995.240.000 đồng, lãi suất 5,4%/năm (theo Phụ lục 85B ngày 26/7/2001). Trên cơ sở số tiền vay, lãi suất các bên đã thỏa thuận, bảng kê của VDB về thời điểm giải ngân và số tiền H3 đã trả, Kiểm sát viên tính ra số nợ gốc và lãi (tính từ 29/12/2006 đến 20/11/2019, theo yêu cầu của VDB trong giai đoạn xét xử sơ thẩm), như sau: Đối với khoản vay 67.551.823.664 đồng, đã trả 17.011.711.000 đồng, số nợ gốc còn lại là 50.505.052.660 đồng, với mức lãi suất 9,72%/năm, số tiền lãi là 71.026.223.351 đồng; khoản tiền còn nguyên gốc 11.147.362.622 đồng, mức lãi suất 7%/năm, số tiền lãi là 10.206.958.725 đồng; khoản vay còn nguyên gốc 2.995.240.000 đồng, mức lãi suất 5,4%/năm, số tiền lãi là 2.115.687.774 đồng. Tổng số tiền phải trả là 147.341.525.137 đồng; trong đó: số tiền gốc phải trả là 64.192.655.286 đồng, số tiền lãi (đã đối trừ 200 triệu đồng tiền lãi H3 đã trả) là 83.148.869.851 đồng; chênh lệch giảm so với số tiền mà VDB yêu cầu là 12.991.737.346 đồng (160.333.626.483 đồng - 147.341.525.137 đồng).

+ Về nghĩa vụ bảo đảm cho khoản vay:

Thứ nhất, về tài sản bảo đảm: Tài sản bảo đảm cho khoản vay được thể hiện tại Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản ngày 03/8/2003 giữa Chi nhánh Quỹ h trợ phát triển Hải Phòng (nay là VDB) và Công ty D Hải Phòng; các hợp đồng phái sinh là Hợp đồng thế chấp số 12 ngày 28/12/2006 giữa VDB và H2 và Hợp đồng thế chấp số 09B ngày 10/3/2011 giữa VDB và H3 đều thể hiện tài sản thế chấp là nhà xưởng, trang thiết bị máy móc của Nhà máy DK tại 114 LD, KA, Hải Phòng để bảo đảm cho khoản vay có hiệu lực thi hành. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: “Buộc…thanh toán hết số tiền 63.992.655.286 đồng sau khi đối trừ số tiền phát mại tài sản theo chứng thư…” là có thiếu sót, chưa tuyên r ràng, cụ thể về việc xử lý tài sản bảo đảm, sẽ gây khó khăn, vướng mắc khi có yêu cầu thi hành án. Vì vậy, cần thiết sửa bản án sơ thẩm, tuyên r về xử lý tài sản bảo đảm: VDB có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền phát mại toàn bộ tài sản thế chấp H3 đang quản lý, sử dụng (hiện trạng thể hiện tại chứng thư giám định số 482 ngày 31/3/2020 của Công ty Cổ phần giám định thương mại BL) gắn liền với hơn 20.000 m2 đất được chuyển giao theo Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006 tại địa chỉ 114 LD, KA, Hải Phòng để thu hồi nợ vay.

Thứ hai, về nghĩa vụ bảo lãnh của H2: Theo quy định tại Điều 120 Luật Doanh nghiệp và quy định tại khoản 4 Điều 20 Điều lệ của H2 được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 27/3/2005 thì việc vay nợ và thực hiện mọi khoản thế chấp, bảo đảm, bảo lãnh…thuộc trường hợp phải được Hội đồng quản trị của H2 phê chuẩn. Tại thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh số 09C ngày 10/3/2011, H2 đã thoái vốn, chuyển nhượng hết cổ phần tại H3 cho ông Nguyễn Đức H4. Khi ký hợp đồng bảo lãnh số 09C ngày 10/3/2011, VDB không yêu cầu người đại diện theo pháp luật của H2 xuất trình tài liệu thể hiện việc Hội đồng quản trị của H2 đã phê duyệt việc H2 bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của H3 tại Ngân hàng VDB theo quy định nêu trên là có thiếu sót. Không có căn cứ để xác định Hội đồng quản trị của H2 đã biết hoặc buộc Hội đồng quản trị của H2 biết việc người đại diện theo pháp luật của H2 ký kết hợp đồng bảo lãnh cho khoản nợ của H3 tại VDB. Tuy nhiên, cũng có căn cứ xác định H2 có một phần thiếu sót trong việc ký kết hợp đồng bảo lãnh số 09C ngày 10/3/2011. Mặt khác, Kiểm sát viên xét thấy: H2 đã được hưởng lợi thông qua việc ký kết Hợp đồng mua bán công ty Nhà nước 01/2006 vào thời điểm (ngày 10/5/2010) chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại H3 cho ông H4 được 21.000.000.000 đồng. Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Gr, H2 ký hợp đồng mua của H3 toàn bộ các tài sản gắn liền với khu đất có diện tích khoảng 12.300m2 đất tại địa chỉ: Số 738 NVL (là 1 trong 2 khối tài sản có được từ việc mua bán Công ty Nhà nước đi đôi với nghĩa vụ trả nợ VDB) với giá 18.000.000.000 đồng. Giá trị hưởng lợi xác định theo phép tính là 3.000.000.000 đồng. Do đó, cần xem xét xác định H2 có một phần trách nhiệm đối với khoản nợ nguyên nợ là khoản nợ của Công ty D Hải Phòng. Tại đơn kháng cáo và trong quá trình giải quyết vụ án, VDB đã tự nhận việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong phạm vi 14% vốn điều lệ tại thời điểm mua bán doanh nghiệp, tính ra là 8.400.351.400 đồng nên cần chấp nhận đối với đề nghị này của H2 nếu phải trả thì trả một phần khoản vay là 8.400.351.400 đồng thay cho H3.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của VDB và kháng cáo của H2, sửa một phần bản án sơ thẩm, theo hướng: Buộc H3 phải có trách nhiệm thanh toán cho VDB tổng số nợ gốc và lãi tính đến ngày 20/11/2019 là 147.341.525.137 đồng, trong đó: Số nợ gốc phải trả là 64.192.655.286 đồng, nợ lãi là 83.148.869.851 đồng. Kể từ ngày 21/11/2019, H3 còn phải trả lãi phát sinh trên khoản nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng. Nếu H3 không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì VDB có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền phát mại toàn bộ tài sản thế chấp là nhà xưởng và trang thiết bị H3 đang quản lý, sử dụng (hiện trạng thể hiện tại chứng thư giám định số 482 ngày 31/3/2020 của Công ty Cổ phần giám định thương mại BL) gắn liền với hơn 20.000m2 đất được chuyển giao theo Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006 tại địa chỉ 114 LD, KA, Hải Phòng để thu hồi nợ vay. Về chi phí giám định: VDB và H2 m i bên phải trả cho H3 16.667.000 đồng. Về án phí sơ thẩm: H3 phải chịu án phí tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận là 255.341.525 đồng; VDB phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận là 120.991.737 đồng; H2 phải chịu án phí không có giá ngạch là 3.000.000 đồng. Về án phí phúc thẩm: VDB và H2 không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

- Về thủ tục tố tụng:

[1] Về thẩm quyền và quan hệ pháp luật: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp về hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận NQ, thành phố Hải Phòng theo khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

[2] Về việc thay đổi nội dung kháng cáo của nguyên đơn: Tại phiên tòa phúc thẩm, VDB đã thay đổi nội dung kháng cáo, chỉ yêu cầu tính lãi như yêu cầu khởi kiện tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, chỉ tính lãi đến thời điểm ngày 20/11/2019 và số tiền nợ lãi là 96.140.607.197 đồng, việc thay đổi nội dung kháng cáo của nguyên đơn là tự nguyện và nằm trong phạm vi khởi kiện ban đầu và yêu cầu kháng cáo nên được xem xét, chấp nhận theo Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về việc xác định tư cách của bị đơn: Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”. Theo đó, tại đơn khởi kiện và trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, nguyên đơn đều giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đối với H2, do đó việc xác định Tòa án cấp sơ thẩm xác định H2 là bị đơn trong vụ án này là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

- Xét kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn:

[4] Xét về thẩm quyền ký kết và hiệu lực của các hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước, các Hợp đồng nhận nợ vay tín dụng và Hợp đồng bảo lãnh giữa VDB với H2 và H3:

[5] Đối với Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước (Công ty D Hải Phòng) số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006, giữa: Bên bán là UBND thành phố Hải Phòng; bên mua là CTCP H2; bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty D Hải Phòng và các chủ nợ (chi nhánh NHPT Hải Phòng và Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hải Phòng). Về hình thức và nội dung của Hợp đồng được ký kết đúng quy định pháp luật, bởi những người có thẩm quyền, không bị lừa dối, không vi phạm điều cấm, đã được nhận chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo quy định trong Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước (Công ty D Hải Phòng) số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006. Sau khi ký kết Hợp đồng số 01/2006/HĐMB-CTNN, phía H2 đã thông báo cho Đại hội đồng cổ đông của H2 biết thông qua cuộc họp ngày 12/3/2007, tại Nghị quyết số 01- NQ/ĐHBT ngày 12/3/2007 của Đại hội đồng cổ đông do ông Vũ Dương H5 là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty ký thể hiện nội dung: “…Về hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước (Công ty D Hải Phòng) ngày 23/10/2006): Tỷ lệ phiếu thông qua chỉ có 14% vốn Điều lệ, Đại hội không nhất trí việc mua Công ty D Hải Phòng và không góp vốn vào Công ty Cổ phần DMH …”. Mặc dù, nội dung này không được Đại hội đồng cổ đông thông qua việc mua bán nhưng việc H2 mua Công ty D Hải Phòng là do UBND thành phố chỉ định việc mua bán, Hợp đồng mua bán Công ty được ký kết từ ngày 23/10/2006, trong khi đó Nghị quyết đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản của H2 số 01-NQ/ĐHBT ngày 12/3/2007 về việc không thông qua việc mua Công ty D Hải Phòng, ban hành sau khi H2 đã ký Hợp đồng mua bán, Hợp đồng nhận nợ, Hợp đồng thế chấp đối với khoản nợ của Công ty D Hải Phòng. Như vậy, thể hiện ông Vũ Dương H5 - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đã họp Đại hội đồng cổ đông việc mua bán Công ty D Hải Phòng.

[6] Tại Mục 3.2.1 của Hợp đồng mua bán số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006 thể hiện quyền của bên mua: “…Được tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích đất hiện có của Công ty D Hải Phòng; được ký lại Hợp đồng thuê đất, được di dời địa điểm sản xuất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại số 738 NVL, quận LC để xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và trụ sở của Công ty theo đúng quy hoạch và đồ án thiết kế chi tiết Khu đô thị dọc sông LT của thành phố và theo quy định của Luật Đất đai…”. Thực hiện quyền của mình, ngày 06/3/2008 H2 đã có Công văn số 51/HAP về việc xin chấp thuận về chủ trương xây dựng bệnh viên PSQT, thể hiện nội dung: “Dự án Bệnh viện PSQT sẽ được xây dựng trên khu đất 12,400m2 tại số 738 NVL (151B NN cũ), quận LC, Hải Phòng, đây là lô đất thuộc quyền quản lý sử dụng của H2 (H2 đã mua lại Công ty D Hải Phòng theo Quyết định số 1510-UBND ngày 12/7/2006 về việc phê duyệt phương án bán Công ty D Hải Phòng cho H2) và tại Quyết định thu hồi đất của Công ty D Hải Phòng giao cho H2 thuê cũng căn cứ vào Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước và Biên bản bàn giao giữa Công ty D Hải Phòng với H2. Do đó, mặc dù Đại hội đồng cổ đông của H2 có biết việc ký kết Hợp đồng mua bán Công ty D Hải Phòng nhưng H2 vẫn không có ý kiến phản đối và trực tiếp sử dụng các tài sản, quyền của mình tại Hợp đồng mua bán nên theo Điều 145, Điều 146 Bộ luật Dân sự và Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế thì trong trường hợp người đại diện của H2 không được ủy quyền để ký hợp đồng mua bán Công ty nhưng Đại hội đồng cổ đông đã biết nhưng vẫn chấp nhận việc thực hiện Hợp đồng mua bán và hưởng lợi thì giao dịch dân sự vẫn có hiệu lực và buộc các bên liên quan phải thực hiện. Vì vậy, Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước (Công ty D Hải Phòng) số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006 có hiệu lực pháp luật, buộc các bên liên quan phải thực hiện.

[7] Đối với Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng ĐTPT Nhà nước số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 được ký kết giữa VDB và H2: Theo điểm e khoản 4 Điều 20 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của H2 thể hiện việc vay nợ và thực hiện mọi khoản thế chấp, bảo đảm, bảo lãnh và bồi thường cho Công ty phải được Hội đồng quản trị phê chuẩn. Tuy nhiên, việc ký Hợp đồng nhận nợ vay tín dụng số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 chưa được Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị thông qua; thể hiện tại Nghị quyết đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản của H2 số 01-NQ/ĐHBT ngày 12/3/2007, nội dung về Hợp đồng nhận nợ không được đưa ra thảo luận và thông báo để Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông biết để thông qua. Vì vậy, việc ông Vũ Dương H5 ký Hợp đồng nhận nợ là vi phạm Điều lệ của H2 và vượt quá phạm vi quyền hạn. Tuy nhiên, Hợp đồng nhận nợ là hợp đồng phái sinh từ Hợp đồng mua bán Công ty nhà nước nên khi ký Hợp đồng mua bán, các bên phải ký Hợp đồng nhận nợ theo thỏa thuận.

[8] Đối với Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 05/10/2007 giữa VDB và H3: Việc H2 chuyển nhượng toàn bộ giá tài sản của Công ty D Hải Phòng cho H3 đã được H2 thông báo cho các đơn vị chủ nợ của Công ty D Hải Phòng. Việc chuyển nhượng này đã được VDB biết và không có ý kiến gì thể hiện ở việc VDB đồng ý ký Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng và các Khế ước nhận nợ, Hợp đồng thế chấp và tại các Biên bản làm việc đôn đốc đều thể hiện H3 là bên duy nhất nhận nợ số tiền 81.204.426.286 đồng; đồng thời H3 đã thực hiện một phần hợp đồng vì đã trả được số nợ gốc là 17.011.771.000 đồng và được VDB chấp nhận việc H3 có nghĩa vụ trả nợ. Mặt khác, Hợp đồng 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 28/12/2006 là Hợp đồng phái sinh của Hợp đồng số 09/HĐTD-ĐC-TDII giữa VDB và H2 có thay đổi một số điều khoản của Hợp đồng số 09/HĐTD-ĐC- TDII, theo đó đã xác định bên nhận nợ là H3; đồng thời tại phiên tòa, VDB cũng đã thừa nhận có ký Hợp đồng Hợp đồng 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 28/12/2006 với H3 nhằm ân hạn lãi nhưng không đồng ý để H3 là người nhận nợ thay nhưng VDB không cung cấp được các tài liệu thể hiện việc không đồng ý chuyển nợ từ H2 sang H3. Do đó, Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 05/10/2007 giữa VDB và H3 đã được các bên thừa nhận, có hiệu lực pháp luật, đã thực hiện một phần nên buộc các bên ký kết tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ.

[9] Đối với Hợp đồng bảo lãnh số 09C/2011/HĐBL ngày 08/12/2010: Hợp đồng này được ký kết giữa H2 với VBD để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của H3 theo Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 05/10/2007. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng bảo lãnh của H2 do người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Dương H5 ký và không được Hội đồng quản trị thông qua và phê chuẩn theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 20 Điều lệ của Công ty H2. Do đó, Hợp đồng bảo lãnh vô hiệu do người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền và không buộc H2 phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

[10] Về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán: Như đã phân tích tại mục [6], [7], [8], do Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006 hiệu lực pháp luật nên có giá trị ràng buộc các bên tham gia ký kết phải thực hiện nghĩa vụ; theo nội dung Điều 3 của Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006 quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên thì H2 phải nhận số nợ của Công ty DM Hải Phòng; đồng thời H2 đã thực hiện quyền của mình tại Hợp đồng nên cũng phải thực hiện nghĩa vụ.

[11] Hợp đồng nhận nợ vay tín dụng số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 giữa VDB và H2 là hợp đồng phái sinh từ Hợp đồng mua bán Công ty D Hải Phòng có hiệu lực. Do đó, Hợp đồng nhận nợ làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi của H2 đối với VDB. Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao tài sản từ Công ty D Hải Phòng, H2 đã chuyển nhượng toàn bộ giá trị tài sản sau khi tiếp nhận cho Công ty Cổ phần DMH (H3 - Công ty được thành lập vào ngày 07/11/2006) bao gồm cả khoản nợ. Việc chuyển nhượng này đã được thực hiện trước khi H2 ký hợp đồng nhận nợ với VDB (theo biên bản bàn giao vốn giữa H2 và H3 ngày 10/11/2006). VDB đã chấp nhận việc chuyển nhượng tài sản và khoản nợ này, thể hiện qua việc VDB và H3 đã ký Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 9A/HĐTD-ĐC-TDII vào ngày 05/10/2007, Hợp đồng thế chấp tài sản dựa trên căn cứ là Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006; từ sau thời điểm ký hợp đồng nhận nợ số 9A/HĐTD-ĐC-TDII, VDB đã làm việc trực tiếp với H3 về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ này. Theo Điều 315 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc chuyển giao nghĩa vụ thì khoản nợ của H2 đã được chuyển sang cho H3 và đã được VDB đồng ý khoanh nợ và ân hạn thời gian trả nợ, toàn bộ số nợ gốc của Công ty D Hải Phòng đã được H2 chuyển nhượng cho H3 nên H3 phải có nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và nợ lãi phát sinh cho VDB. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, H3 luôn thừa nhận trách nhiệm của mình đối với Hợp đồng nhận nợ số 09A/HĐTD-ĐC-TDII, tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm H3 đã thanh toán được số tiền 17.011.771.000 đồng; đồng thời H3 cũng đề nghị Tòa án phát mại tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho VDB.

[12] Do Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 05/10/2007 giữa VDB và H3 phái sinh từ Hợp đồng nhận nợ vay tín dụng số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 giữa VDB và H2 nên trong trường hợp H3 không thực hiện được hết nghĩa vụ của mình về trả việc trả nợ cho VDB thì H2 phải có trách nhiệm liên đới với H3 thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ gốc trong phạm vi phần Hợp đồng nhận nợ có hiệu lực pháp luật. Tại thời điểm thực hiện việc mua bán Công ty Nhà nước và góp vốn vào H3, tỷ lệ phiếu thông qua chỉ có 14% vốn Điều lệ nên H2 phải có trách nhiệm với H3 trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán tương ứng với 14% vốn điều lệ tại thời điểm ký kết Hợp đồng, tương đương với số tiền 8.400.351.400 đồng (thời điểm này vốn điều lệ của H2 là 60.002.510.000 đồng).

Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm và theo kháng cáo H2 đồng ý việc liên đới thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ gốc thay cho H3 trong phạm vi 14% vốn Điều lệ tại thời điểm ký kết hợp đồng (tương đương với số tiền 8.400.351.400 đồng) nếu H3 không thực hiện được nghĩa vụ với VDB.

[13] Theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối”; như vậy, theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện việc góp vốn vào H3 và ký hợp đồng bảo lãnh để đảm bảo cho khoản vay của H3 tại VDB là H2 mà người đại diện hợp pháp của H2 tại thời điểm ký kết là ông Vũ Dương H5, nên ông H5 phải chịu trách nhiệm 14% vốn điều lệ tại thời điểm ký kết Hợp đồng (tương đương với số tiền 8.400.351.400 đồng). Trong quá trình giải quyết vụ án H2 không yêu cầu xem xét trách nhiệm cá nhân. Nếu có tranh chấp phát sinh về trách nhiệm bồi thường giữa ông Vũ Dương H5 và các thành viên khác trong Công ty sẽ được giải quyết bằng vụ án khác nếu các đương sự có yêu cầu.

[14] Về lãi suất và khoản nợ phải trả: Các Hợp đồng nhận nợ vay số 09/2006/HĐTD-TDII ngày 28/12/2006 và 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 05/10/2007 được ký kết giữa VDB và H2, H3 đều phái sinh từ các Hợp đồng cho vay vốn tín dụng Nhà nước năm 1997 số 26/HĐTD ngày 07/11/1997; Hợp đồng cho vay vốn tín dụng Nhà nước năm 1998 số 67/HĐTD ngày 24/11/1998; Hợp đồng cho vay vốn tín dụng Nhà nước năm 1999 số 85/HĐTD ngày 04/5/1999, số 74/HĐTD ngày 15/9/1999 và các Phụ lục Hợp đồng số 85A/PLHĐ ngày 03/7/2000 và Phụ lục Điều chỉnh Hợp đồng cho vay vốn tín dụng đầu tư số 85B/PLHĐ ngày 26/7/2001 giữa Công ty D Hải Phòng và Cục ĐTPT Hải Phòng (nay là VDB - chi nhánh Hải Phòng). Các Hợp đồng cho vay vốn tín dụng nhà nước giữa Công ty D Hải Phòng với VDB chỉ quy định về lãi suất tiền vay, thời hạn vay và trả nợ, không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn. Tại các Hợp đồng nhận nợ giữa H2, H3 với VDB đều có sự điều chỉnh về lãi suất và có thỏa thuận thêm mức lãi suất nợ quá hạn. VDB trình bày đã căn cứ vào Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29/6/1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để xác định lãi suất nợ quá hạn. Tuy nhiên, theo Điều 52 Nghị định này về điều khoản thi hành quy định: “Đối với các dự án vay vốn tín dụng của Nhà nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực, được thực hiện tiếp các điều khoản đã ghi trong HĐTD và các quyết định trước đây của Thủ tướng Chính phủ”, đồng thời VDB cũng không cung cấp và trình bày được các căn cứ về việc thỏa thuận để xác định lãi quá hạn tại thời điểm ký Hợp đồng vay vốn với Công ty D Hải Phòng. Khoản nợ tại các Hợp đồng nhận nợ vay giữa H2, H3 với VDB không phải là khoản vay mới mà là nhận lại nợ tại các Hợp đồng vay tín dụng trên giữa Công ty D Hải Phòng với VDB theo thỏa thuận tại Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006/HĐMB-CTNN ngày 23/10/2006. Do đó, các bên vẫn phải thực hiện các thỏa thuận tại các Hợp đồng vay vốn giữa Công ty D Hải Phòng và VDB và không phải chịu tiền lãi quá hạn.

[15] Về lãi suất trong hạn và số tiền lãi trong hạn: Các Hợp đồng vay vốn giữa Công ty D Hải Phòng và VDB đều thống nhất mức lãi suất là 0,81%/tháng (tương ứng 9,72%/năm). Tại Phụ lục số 85A ngày 03/7/2000, điều chỉnh về lãi suất của các hợp đồng trên như sau: Số tiền giải ngân từ ngày 01/01/2000, trở đi được áp dụng mức lãi suất 7%/năm; Phụ lục số 85B ngày 26/7/2001, điều chỉnh về lãi suất của các hợp đồng trên như sau: Số tiền giải ngân từ ngày 01/6/2000 trở đi được áp dụng mức lãi suất 5,4%/năm. Việc điều chỉnh lãi suất của VDB phù hợp với quy định tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 02/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc lãi suất cho vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2000 và Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24/5/2001 của Chính phủ về việc bổ sung một số giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001. Theo các tài liệu do VDB cung cấp tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, thể hiện:

[15.1] Khoản nợ được giải ngân từ trước ngày 01/01/2000 là 67.551.823.664 đồng, với mức lãi suất là 9,72%/năm; số tiền nợ gốc đã trả là 17.011.711.000 đồng, số nợ gốc còn lại là 50.505.052.660 đồng; kể từ ngày 29/12/2006 đến ngày 20/11/2019, số tiền lãi là 71.026.223.351 đồng.

[15.2] Khoản nợ được giải ngân từ sau ngày 01/01/2000 đến trước ngày 01/6/2000 là 11.147.362.622 đồng, với mức lãi suất là 7%/năm; chưa trả được nợ gốc; kể từ ngày 29/12/2006 đến ngày 20/11/2019, số tiền lãi là 10.206.958.725 đồng.

[15.3] Khoản nợ được giải ngân từ sau ngày 01/6/2000 là 2.995.240.000 đồng, với mức lãi suất là 5,4%/năm; chưa trả được nợ gốc; kể từ ngày 29/12/2006 đến ngày 20/11/2019, số tiền lãi là 2.115.687.774 đồng.

[16] Như vậy, theo kết quả tính toán của Hội đồng xét xử và của Kiểm sát viên thì tổng số tiền H3 còn phải trả VDB là nợ gốc 64.192.655.286 đồng, số tiền lãi còn phải trả (sau khi đã đối trừ 200.000.000 đồng tiền lãi H2 trả thay cho H3) là 83.148.869.851 đồng, tổng cộng: 147.341.525.137 đồng. Số tiền giảm so với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là 160.333.626.483 đồng - 147.341.525.137 đồng = 12.991.737.346 đồng.

[17] Hội đồng xét xử xét thấy tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn và bị đơn cung cấp bổ sung một số tài liệu chứng cứ mới là căn cứ để giải quyết vụ án và sửa bản án. Theo phân tích trên cần chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn và chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn; sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của NHPT Việt Nam: Buộc Công ty H3 phải có trách nhiệm phải thanh toán tổng số tiền nợ gốc và lãi tạm tính đến ngày 20/11/2019 là 147.341.525.137 đồng, trong đó: Số tiền nợ gốc còn lại là 64.192.655.286 đồng và toàn bộ số tiền lãi là 83.148.869.851 đồng. Trong trường hợp H3 không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ số nợ này thì VDB có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý phát mại tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng và trang thiết bị của Nhà máy DK Hải Phòng nay là H3 để phải có trách nhiệm thanh toán trả thay H3 số tiền nợ gốc 8.400.354.400 đồng. Số tiền còn lại, H3 có trách nhiệm tiếp tục thanh toán. Các phần khác của bản án sơ thẩm được giữ nguyên.

[18] Về án phí kinh doanh thương mại: Căn cứ Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/10/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[19] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

[19.1] Nguyên đơn là NHPT Việt Nam phải chịu án phí đối với phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận, theo đó, số tiền án phí phải chịu là 112.000.000 + (12.991.737.346 – 4.000.000.000) x 0.1% = 120.991.737 đồng;

[19.2] Bị đơn là CTCP Tập đoàn H2 phải chịu án phí không có giá ngạch là 3.000.000 đồng;

[19.3] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần DMH phải chịu án phí sơ thẩm đối với phần nghĩa vụ mà mình phải chịu là 112.000.000 đồng + (147.341.525.137 đồng - 4.000.000.000 đồng) x 0.1% = 255.341.525 đồng.

[20] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn và bị đơn không phải chịu 2.000.000 đồng án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 68, Điều 147, Điều 148, Điều 159, Điều 160, Điều 162, Điều 273 và khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ các Điều 122, Điều 137, Điều 138, Điều 145, Điều 146, Điều 315 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Căn cứ Điều 108, khoản 3, khoản 4 Điều 120 Luật Doanh nghiệp;

Căn cứ khoản 2, khoản 4 Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; sửa Bản án sơ thẩm, cụ thể:

1. Buộc Công ty Cổ phần DMH phải trả cho NHPT Việt Nam tổng số tiền tạm tính đến ngày 20/11/2019 là 147.341.525.137 (Một trăm bốn mươi bẩy tỷ, ba trăm bốn mươi mốt triệu, năm trăm hai mươi lăm nghìn một trăm ba mươi bẩy) đồng (trong đó: Số tiền nợ gốc là 64.192.655.286 đồng, số tiền nợ lãi là 83.148.869.851 đồng) theo Hợp đồng nhận nợ vay số 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 05/10/2007 được ký kết giữa NHPT Việt Nam và Công ty Cổ phần DMH (Số tiền nợ gốc và tiền nợ lãi được xác định cụ thể theo các Hợp đồng cho vay vốn tín dụng Nhà nước năm 1997 số 26/HĐTD ngày 07/11/1997; Hợp đồng cho vay vốn tín dụng Nhà nước năm 1998 số 67/HĐTD ngày 24/11/1998; Hợp đồng cho vay vốn tín dụng Nhà nước năm 1999 số 85/HĐTD ngày 04/5/1999, số 74/HĐTD ngày 15/9/1999 và các Phụ lục Hợp đồng số 85A/PLHĐ ngày 03/7/2000 và Phụ lục Điều chỉnh Hợp đồng cho vay vốn tín dụng đầu tư số 85B/PLHĐ ngày 26/7/2001 giữa Công ty D Hải Phòng và Chi nhánh Quỹ h trợ phát triển Hải Phòng – nay là NHPT Việt Nam chi nhánh Hải Phòng ).

Kể từ ngày 21/11/2019, Công ty Cổ phần DMH còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận trong các các Hợp đồng cho vay vốn tín dụng Nhà nước năm 1997 số 26/HĐTD ngày 07/11/1997; Hợp đồng cho vay vốn tín dụng Nhà nước năm 1998 số 67/HĐTD ngày 24/11/1998; Hợp đồng cho vay vốn tín dụng Nhà nước năm 1999 số 85/HĐTD ngày 04/5/1999, số 74/HĐTD ngày 15/9/1999 và các Phụ lục Hợp đồng số 85A/PLHĐ ngày 03/7/2000 và Phụ lục Điều chỉnh Hợp đồng cho vay vốn tín dụng đầu tư số 85B/PLHĐ ngày 26/7/2001, Hợp đồng nhận nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển điều chỉnh số 09A/HĐTD-ĐC-TDII ngày 05/10/2007 và các Khế ước nhận nợ cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

2. Trong trường hợp, Công ty Cổ phần DMH không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ số nợ này thì NHPT Việt Nam có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng và trang thiết bị của Nhà máy DK Hải Phòng (nay là H3) theo số liệu kiểm đếm của chứng thư giám định số lượng tình trạng và thông số kỹ thuật số 482/N062020 ngày 31/3/2020 của Công ty Cổ phần Giám định - Thương mại BL trên diện tích 20.000m2 đất tại địa chỉ số 114 LD, quận KA, thành phố Hải Phòng do Công ty Cổ phần DMH quản lý, sử dụng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1029/TTg ngày 03/12/1997 về việc cho Công ty D Hải Phòng thuê đất để xây dựng Nhà máy DK tại thành phố Hải Phòng, đã được chuyển giao theo Hợp đồng mua bán Công ty Nhà nước số 01/2006/HĐMB- CTNN ngày 23/10/2006 và Biên bản bàn giao vốn ngày 10/11/2006 để thu hồi nợ.

3. Nếu số tiền phát mại tài sản không đủ thanh toán khoản nợ thì CTCP Tập đoàn H2 có trách nhiệm trả thay Công ty Cổ phần DMH cho NHPT Việt Nam số tiền nợ gốc 8.400.354.400 (Tám tỷ, bốn trăm triệu, ba trăm năm mươi tư nghìn, bốn trăm) đồng. Số nợ còn lại, Công ty Cổ phần DMH tiếp tục phải trả cho NHPT Việt Nam.

4. Về chi phí tố tụng: NHPT Việt Nam và CTCP Tập đoàn H2 m i bên phải trả cho Công ty Cổ phần DMH số tiền 16.667.000 (Mười sáu triệu, sáu trăm sáu mươi bẩy nghìn) đồng.

Kể từ ngày Công ty Cổ phần DMH có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, NHPT Việt Nam và CTCP Tập đoàn H2 còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

5. Về án phí kinh doanh thương mại:

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

+ NHPT Việt Nam phải nộp số tiền án phí sơ thẩm là 120.991.737 đồng nhưng được trừ vào số tiền 104.000.000 đồng tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0006300 ngày 26/02/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận NQ, thành phố Hải Phòng. NHPT Việt Nam còn phải nộp thêm 16.991.737 đồng;

+ CTCP Tập đoàn H2 phải nộp 3.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm;

+ Công ty Cổ phần DMH phải nộp 255.341.525 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

+ Trả lại cho NHPT Việt Nam số tiền 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006703 ngày 21/10/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận NQ, thành phố Hải Phòng, nhưng tạm giữ lại để đảm bảo thi hành án.

+ Trả lại cho CTCP Tập đoàn H2 số tiền 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006708 ngày 21/10/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận NQ, thành phố Hải Phòng, nhưng tạm giữ lại để đảm bảo thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

640
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 12/2021/KDTM-PT ngày 25/06/2021 về tranh chấp hợp đồng nhận nợ, vay vốn tín dụng

Số hiệu:12/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 25/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về