Bản án 12/2021/HSST ngày 15/06/2021 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KBANG, TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 12/2021/HSST NGÀY 15/06/2021 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 15/6/2021, tại trụ sở TAND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 05/2021/HS-ST ngày 22/4/2021 đối với bị cáo:

Lê Hữu Đ, sinh ngày 19/5/1988 tại: Kbang, Gia Lai; nơi thường trú: Thôn 2, xã ĐăkSmar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Nhân viên bảo vệ rừng; trình độ học vấn: 9/12; tiền án, tiền sự: Không; con ông Lê Huy T (tên gọi khác Lê Duy P) và bà Nguyễn Thị t, vợ là Lê Thị D và 02 con; bị tạm giam từ ngày 25/6/2020 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

Người bị hại: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp Lơ Ku;

Đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Khắc H – Phó Giám đốc Công ty (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lê Hữu Đ ký Hợp đồng lao động số 01/2020/HĐLĐ-CT ngày 17/02/2020 và số 02/2020/HĐLĐ-CT ngày 29/02/2020 với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (Công ty Lơ Ku) trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Ngày 17/02/2020, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Lơ Ku ký Quyết định số 13/QĐ-CT phân công nhiệm vụ cho Đ về nhận công tác tại Trạm bảo vệ rừng số 02, thuộc Phòng kỹ thuật - quản lý bảo vệ rừng Công ty Lơ Ku; Đ chịu trách nhiệm quản lý các tiểu khu 120, 122, 123 rừng phòng hộ là rừng tự nhiên thuộc lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đăk Smar và xã Sơ Pai, huyện Kbang; có mặt tại Trạm bảo vệ rừng số 02 để nhận công tác từ ngày 17/02/2020. Theo Quyết định phân công nhiệm vụ số 17/QĐ-CT ngày 08/3/2018 của Công ty Lơ Ku, nhiệm vụ của nhân viên quản lý bảo vệ rừng chuyên trách được quy định như sau:

Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, đất rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên toàn bộ lâm phần tiểu khu được giao quản lý. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia thực hiện các quy định về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Xử lý các vụ việc vi phạm về Luật bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Nhà nước. Báo cáo kịp thời các vụ việc liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng cho Trạm, Phòng và Lãnh đạo Công ty. Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, đấu tranh chống các hành vi tiêu cực, không được móc nối, tiếp tay, bao che cho lâm tặc. Trực trạm nghiêm túc, kiểm tra chặt chẽ các phương tiện ra, vào Trạm. Phối hợp bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, làm công tác dân vận ở các làng được phân công. Quản lý, sử dụng các công cụ hỗ trợ an toàn, đúng quy định. Chấp hành sự phân công điều động của tổ chức. Chịu mọi trách nhiệm trước Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty và trước pháp luật về nhiệm vụ đã được phân công và ủy quyền.

Thực hiện Quyết định của lãnh đạo Công ty Lơ Ku, ngày 19/02/2020, Đ nhận bàn giao từ anh Nguyễn Ngọc B là nhân viên bảo vệ rừng trước đó được giao quản lý các tiểu khu 120,122,123. Trước khi bàn giao giữa Đ và anh B thì anh Nguyễn Đình T là Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng số 02 đã đi thực tế kiểm tra thực trạng rừng tại các tiểu khu 120, 122, 123. Kết quả kiểm tra thực tế đã xác định tại các tiểu khu 120, 122, 123 có 19 cây gỗ Bằng lăng bị khai thác trái phép nằm rải rác tại các tiểu khu, có 02 hộ dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy trái phép. Toàn bộ vụ việc này nhân viên bảo vệ rừng phụ trách tiểu khu đã phát hiện và báo cáo với Trạm bảo vệ rừng số 02, Trạm đã báo cáo với Công ty Lơ Ku phối hợp với kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang tiến hành lập biên bản và thu gom số gỗ bị khai thác trái phép để xử lý theo quy định. Căn cứ kết quả kiểm tra, Đ và anh Bích tiến hành lập biên bản bàn giao hiện trạng rừng như trên tại các tiểu khu 120, 122, 123.

Sau khi nhận nhiệm vụ, trong thời gian từ ngày 19/02/2020 đến ngày 25/5/2020, Đ đi kiểm tra tại các tiểu khu mỗi tuần 03 lần (3 ngày/tuần), mỗi lần 01 tiểu khu. Trong quá trình đi tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiểu khu, có lúc Đ đi cùng một số cán bộ bảo vệ rừng của Công ty Lơ Ku, có lúc thì đi một mình. Cụ thể Đ cùng anh Nguyễn Đình Trang kiểm tra rừng tại các tiểu khu 120, 122 tổng cộng 05 lần. Trong quá trình tuần tra, một số lần Đ có gặp anh Nguyễn Đình Song-Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng, anh Phạm Khắc H-Phó Giám đốc Công ty trong rừng khi họ đi kiểm tra đột xuất công tác quản lý bảo vệ rừng của nhân viên. Công tác tuần tra, kiểm tra rừng được thực hiện một cách thường xuyên, không kể ngày đêm theo Quyết định phân công nhiệm vụ của Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Lơ Ku và theo Kế hoạch bảo vệ rừng hằng năm của Công ty. Theo yêu cầu của Công ty, các lần tuần tra, kiểm tra rừng phải ghi cụ thể vào Sổ nhật ký nhưng Đ không thực hiện việc ghi chép công tác tuần tra, kiểm tra vào Sổ nhật ký. Trong các lần đi kiểm tra rừng tại các tiểu khu do mình quản lý, vị trí nào có dấu hiệu phương tiện vận chuyển gỗ thì Đ mới đi vào kiểm tra bên trong, nếu không phát hiện dấu vết gì thì Đ chỉ đi theo các đường mòn, không đi kiểm tra sâu bên trong các tiểu khu. Mặt khác, do Đ chủ quan cho rằng tại bên trong tiểu khu 120,122 có đồi núi dốc, khe suối và không có đường xe ô tô vào vận chuyển được nên không đi sâu vào trong rừng kiểm tra mà chỉ đi theo đường mòn vòng bên ngoài, dẫn đến việc nhiều nhóm đối tượng lâm tặc vào khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng mà Đ trực tiếp phụ trách, quản lý trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 đến ngày 03/6/2020 gây hậu quả nghiêm trọng nhưng Đ không phát hiện kịp thời để ngăn chặn, báo cáo Trạm trưởng và lãnh đạo Công ty có biện pháp xử lý.

Vào ngày 26/5/2020, Đ một mình đi kiểm tra rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 122 thì gặp nhóm Trần Quốc C, sinh năm 1993 trú tại xã Sơ Pai, huyện Kbang đang cắt xẻ hai cành ngọn khô của cây gỗ bằng lăng không rõ đối tượng nào khai thác trước đó. Đ nói với Cường không được cưa, xẻ gỗ và nói Cường cùng đồng bọn lấy đồ đạc đi về nhưng không lập biên bản, không báo cáo Trạm trưởng Tạm bảo vệ rừng số 02 theo quy định. Cùng thời gian này, Đinh N, sinh năm 1993 trú tại làng Krối 1, xã Đăk Smar, huyện Kbang cùng đồng bọn đang khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 122. Trong quá trình đi canh đường cho đồng bọn khai thác gỗ thì Ngoan có gặp Đ tại khu vực nhóm Cường đang khai thác gỗ. Thấy Đ đi kiểm tra rừng nên Ngoan gọi điện thoại cho đồng bọn tắt máy cưa vì sợ Đ phát hiện. Trước đó, Ngoan cùng với một số hộ dân của làng Krối 1, xã Đăk Smar có nhận khoán của Công ty Lơ Ku bảo vệ rừng tại các tiểu khu 120, 122, 123 nên khi thấy Ngoan, Đ hỏi thì Ngoan nói đang đi kiểm tra rừng, không phát hiện vụ việc vi phạm lâm luật nào nên Đ không tiếp tục đi kiểm tra rừng tại các tiểu khu 120, 122 nữa mà đi về. Sau khi Đ đi về, Ngoan gọi điện cho đồng bọn tiếp tục khai thác gỗ Bằng lăng tại tiểu khu 122. Cường cùng đồng bọn tiếp tục cắt, xẻ cành ngọn cây gỗ Bằng lăng làm trước đó xong thì đi về.

Ngày 27/5/2020, Đ tự ý nghỉ ở nhà giúp gia đình thu hoạch bắp nên không đi tuần tra, kiểm tra rừng. Từ ngày 28-30/5/2020, Đ được lãnh đạo Công ty Lơ Ku điều động đến tiểu khu 100 lâm phần do Công ty quản lý để tham gia thu gom gỗ. Khi điều động, lãnh đạo Công ty yêu cầu Đ phân công các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng tăng cường kiểm tra rừng không được bỏ trống địa bàn nhưng Đ không triển khai cho các hộ nhận khoán tuần tra, kiểm tra rừng theo yêu cầu lãnh đạo Công ty. Công tác thu gom gỗ tại tiểu khu 100 chỉ thực hiện vào ban ngày, ban đêm Đ tự ý về nhà ở xã Đăk Smar nghỉ không báo cáo lãnh đạo Công ty, Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng số 02; không đi tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiểu khu được giao quản lý. Từ ngày 31/5/2020 đến ngày 03/6/2020, Đ tự ý ở nhà giúp gia đình thu hoạch bắp, không xin phép Trạm trưởng bảo vệ rừng số 02, lãnh đạo Công ty; không đi tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiểu khu 120, 122.

Việc Đ thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng trong thời gian nêu trên, tạo điều kiện cho nhóm Trần Quốc C cùng đồng bọn khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 122 vào khoảng thời gian đầu tháng 5/2020; nhóm Đinh N cùng đồng bọn khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 122 vào khoảng thời gian đầu tháng 5/2020 đến ngày 03/6/2020; nhóm Trần Văn T, sinh năm 1971, trú tại thôn 04, xã Sơ Pai cùng đồng bọn khai thác gỗ trái phép vào ngày 28/5/2020 đến ngày 03/6/2020; nhóm Đinh Trung T, sinh năm 1976, trú tại thôn 04, xã Sơ Pai cùng đồng bọn khai thác gỗ trái phép từ ngày 01/6/2020 đến ngày 03/6/2020; nhóm Mai Quang H, sinh năm 1983, trú tại thôn 02, xã Sơ Pai cùng đồng bọn khai thác gỗ trái phép từ ngày 01/6/2020 đến ngày 03/6/2020 và các nhóm đối tượng khác khai thác gỗ trái phép tại các tiểu khu 120, 122 với khối lượng lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 05/6/2020 tại khoảnh 8, tiểu khu 120 thuộc địa giới hành chính xã Sơ Pai và khoảnh 2, tiểu khu 122 thuộc địa giới hành chính xã Đăk Smar lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý xác định số gỗ bị thiệt hại là 26 cây gỗ (24 cây Bằng lăng, 01 cây Gội tía, 01 cây SP8), tổng khối lượng 71,942 m3 (24 cây Bằng lăng có khối lượng 67,466 m3, 01 cây Gội tía có khối lượng 1,565 m3, 01 cây SP8 có khối lượng 2,911 m3). Trong đó, tại địa giới hành chính xã Đăk Smar là 19 cây (17 cây Bằng lăng, 01 cây Gội tía, 01 cây SP8) có khối lượng 55,697 m3; tại địa giới hành chính xã Sơ Pai là 07 cây Bằng lăng có khối lượng 16,245 m3. Khối lượng gỗ tròn, xẻ còn lại tại hiện trường là 91 lóng, hộp gỗ tròn xẻ, chủng loại Bằng lăng, Gội tía (loại thông thường) có khối lượng 20,948 m3, trong đó:

gỗ tròn 02 lóng có khối lượng 4,334 m3, gỗ xẻ 89 hộp có khối lượng 16,614 m3.

Tại Kết luận định giá số 22/KL-HĐĐG ngày 22/6/2020 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự huyện Kbang xác định thiệt hại của 26 cây gỗ với khối lượng 71,942 m3 như sau:

- Giá trị thiệt hại của 71,942 m3 gỗ tròn tại thời điểm tháng 6/2020 là 459.957.500 đồng.

- Giá trị của 4,334 m3 gỗ tròn còn lại tại hiện trường tại thời điểm tháng 6/2020 là 22.531.500 đồng.

- Giá trị của 16,614 m3 gỗ xẻ còn lại tại hiện trường tại thời điểm tháng 6/2020 là 126.618.400 đồng.

- Giá trị phải bồi thường với rừng tự nhiên của 71,942 m3 gỗ tròn thuộc loại rừng phòng hộ là rừng tự nhiên tại thời điểm tháng 6/2020 là 1.839.830.000 đồng.

Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 08/6/2020 tại tại lô 4, khoảnh 2, tiểu khu 122 thuộc địa giới hành chính xã Đăk Smar lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý xác định số gỗ bị thiệt hại là 12 cây gỗ, chủng loại Bằng lăng, có tổng khối lượng 31,221 m3. Khối lượng gỗ tròn, xẻ còn lại tại hiện trường là 55 lóng, hộp tròn xẻ, chủng loại Bằng lăng có khối lượng 10,588 m3, trong đó: gỗ tròn 03 lóng có khối lượng 0,444 m3, gỗ xẻ 52 hộp có khối lượng 10,144 m3.

Tại Kết luận định giá số 21/KL-HĐĐG ngày 20/6/2020 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự huyện Kbang xác định giá trị thiệt hại của 12 cây với khối lượng 31,221 m3 như sau:

- Giá trị thiệt hại của 12 cây gỗ Bằng lăng có khối lượng gỗ tròn bị thiệt hại là 31,221 m3, tại thời điểm tháng 6/2020 là 205.935.800 đồng.

- Giá trị số gỗ tròn còn lại tại hiện trường có khối lượng 0,444 m3 gỗ Bằng Lăng tại thời điểm tháng 6/2020 là 1.687.200 đồng.

- Giá trị số gỗ xẻ còn lại tại hiện trường có khối lượng 10,144 m3 gỗ Bằng Lăng tại thời điểm tháng 6/2020 là 73.635.500 đồng.

- Giá trị phải bồi thường với rừng tự nhiên của 31,221 m3 gỗ tròn thuộc loại rừng phòng hộ là rừng tự nhiên tại thời điểm tháng 6/2020 là 823.743.200 đồng.

Căn cứ vào kết quả thực nghiệm điều tra và kết quả kiểm tra hiện trường ngày 23/6/2020 xác định: Tại lô 4, khoảnh 2, tiểu khu 122 lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đăk Smar, nhóm của Trần Văn Tú, Bùi Văn Chiếm cùng trú tại xã Sơ Pai còn khai thác trái phép 01 cây gỗ Bằng lăng có khối lượng bị thiệt hại là 9,179 m3 (ngoài số cây theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 08/6/2020). Tại Kết luận định giá số 27/KL-HĐĐG ngày 20/7/2020 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong Tố tụng hình sự huyện Kbang xác định thiệt hại của 9,179 m3 gỗ tròn chủng loại Bằng lăng là 66.927.500 đồng, giá trị phải bồi thường với rừng tự nhiên của 9,179 m3 gỗ tròn thuộc loại rừng phòng hộ là rừng tự nhiên tại thời điểm tháng 6/2020 là 267.710.000 đồng.

Căn cứ vào biên bản kiểm tra hiện trường ngày 23/6/2020 xác định: Tại khoảnh 2, tiểu khu 122 lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đăk Smar, nhóm của Đinh Trung Thành, Kiều Ngọc Chiến còn khai khai thác trái phép 05 cây gỗ Bằng lăng có khối lượng bị thiệt hại là 8,691 m3 (ngoài số cây theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 08/6/2020). Tại Kết luận định giá số 29/KL-HĐĐG ngày 20/7/2020 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong Tố tụng hình sự huyện Kbang xác định thiệt hại của 8,691 m3 gỗ tròn chủng loại Bằng lăng là 39.685.800 đồng, giá trị phải bồi thường với rừng tự nhiên của 8,691 m3 gỗ tròn thuộc loại rừng phòng hộ là rừng tự nhiên tại thời điểm tháng 6/2020 là 158.743.200 đồng.

Căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 27/6/2020 tại khoảnh 1, tiểu khu 122; khoảnh 8, tiểu khu 120 lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đak Smar và xã Sơ Pai. Nhóm của Trần Quốc Cường khai thác trái phép 04 cây gỗ Bằng lăng với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 4,142m3. Tại Kết luận định giá số 33/KL-HĐĐG ngày 29/8/2020 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong Tố tụng hình sự huyện Kbang xác định giá trị thiệt hại của 4,142 m3 gỗ tròn tại thời điểm tháng 5/2020 là 20.797.900 đồng.

Căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 27/6/2020 tại khoảnh 1, tiểu khu 122; khoảnh 8, tiểu khu 120 lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đak Smar và xã Sơ Pai. Nhóm của Trần Quốc Cường khai thác trái phép 02 cành của cây gỗ Bằng lăng đã bị các đối tượng khác cắt hạ trước đó với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 1,028m3. Tại Kết luận định giá số 32/KL-HĐĐG ngày 29/8/2020 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong Tố tụng hình sự huyện Kbang thì giá trị thiệt hại của 1,028 m3 gỗ tròn là 5.242.800 đồng.

Căn cứ biên bản thực nghiệm điều tra ngày 27/6/2020 tại khoảnh 8, tiểu khu 120 lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý thuộc địa giới hành chính xã Sơ Pai, nhóm của Mai Quang Hợp khai thác 01 cây và 01 lóng đều là gỗ Bằng lăng có khối lượng 1,235 m3 (ngoài số cây theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 05/6/2020). Tại Kết luận định giá số 28/KL-HĐĐG ngày 30/7/2020 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong Tố tụng hình sự huyện Kbang xác định giá trị thiệt hại của 1,235m3 gỗ tròn chủng loại Bằng lăng là 6.298.500 đồng, giá trị phải bồi thường với rừng tự nhiên của 1,235 m3 gỗ tròn thuộc loại rừng phòng hộ là rừng tự nhiên tại thời điểm tháng 6/2020 là 25.194.000 đồng.

Như vậy, trong thời gian từ đầu tháng 5/2020 nhóm Trần Quốc Cường, Đinh Ngoan đã bắt đầu khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 8, tiểu khu 120 và khoảnh 1,2 tiểu khu 122. Tiếp đó, từ ngày 26/5/2020 đến ngày 03/6/2020, các nhóm Trần Quốc Cường, Đinh Ngoan, Trần Văn Tú, Đinh Trung Thành, Mai Quang Hợp và các đối tượng khác tiếp tục khai thác gỗ trái phép tại hai tiểu khu nêu trên. Tổng khối lượng gỗ tròn do các nhóm đối tượng khai thác trái phép tại các tiểu khu 120,122 lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Smar và xã Sơ Pai là 127,438 m3, nằm trong diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên do Công ty Lơ Ku quản lý được lãnh đạo Công ty ký quyết định phân công Lê Hữu Đ phụ trách quản lý, bảo vệ rừng. Với trách nhiệm được giao, Đ đã làm không đúng, không đầy đủ và thiếu trách nhiệm trong công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng tạo điều kiện cho nhóm các đối tượng nêu trên khai thác gỗ trái phép tại các tiểu khu 120, 122 gây hậu quả nghiêm trọng với thiệt hại về lâm sản gỗ là 127,438 m3 gỗ tròn, thành tiền là 804.845.800 đồng, giá trị thiệt hại đối với rừng tự nhiên (thiệt hại về môi trường) của 127.438 m3 gỗ tròn là 3.139.741.200 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 3.944.587.000 đồng.

Liên quan đến vụ án có các nhóm đối tượng khai thác gỗ trái phép gồm: Trần Quốc Cường, Đinh Ngoan, Trần Văn Tú, Đinh Trung Thành và Mai Quang Hợp cùng đồng bọn, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an huyện Kbang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, các nhóm đối tượng này cũng đã bị truy tố và xét xử xong.

Liên quan đến vụ án có Nguyễn Đình Trang là Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 02 của Công ty Lơ Ku. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Trang đã thường xuyên chỉ đạo, gọi điện thoại cho Đ và các bảo vệ rừng chuyên trách khác để đôn đốc, tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiểu khu do Trạm bảo vệ rừng số 02 quản lý. Trang yêu cầu Đ trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng phải kịp thời báo cáo các vụ việc vi phạm phát sinh và được Đ báo cáo là tình hình ổn định, không phát hiện vụ việc vi phạm tại các tiểu khu do Đ quản lý nên Trang không nắm được tình hình các vụ khai thác rừng trái phép tại các tiểu khu 120, 122, 123 để kịp thời báo cáo Phòng kỹ thuật- quản lý bảo vệ rừng, Ban Giám đốc Công ty chỉ đạo, xử lý. Trong thời gian Đ quản lý các tiểu khu 120, 122, Trang cùng với Đ trực tiếp đi kiểm tra rừng 05 lần tại các khu vực tiểu khu 120, 122 nhưng không phát hiện có vụ việc khai thác gỗ trái phép. Ngoài công tác quản lý chung tại Trạm bảo vệ rừng số 02, Trang còn trực tiếp quản lý tiểu khu 136 theo phân công của lãnh đạo Công ty nên phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng tại tiểu khu này. Xét hành vi của Nguyễn Đình Trang chưa đủ yếu tố cấu thành tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang không khởi tố Trang là có căn cứ. Đối với hành vi không tổ chức thực hiện ghi Sổ nhật ký việc tuần tra, kiểm tra rừng của cán bộ bảo vệ rừng tại Trạm bảo vệ rừng số 02 thì ngày 01/8/2020, Lãnh đạo Công ty Lơ Ku đã kỷ luật đối với Trang bằng hình thức cách chức Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 02.

Đối với Trần Thái Nguyên là kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đăk Smar và Nguyễn Ngọc Sơn là kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Sơ Pai. Ngày 09/7/2020, Nguyên bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai kỷ luật với hình thức khiển trách; Sơn bị kiểm điểm hình thức phê bình, nhắc nhở trước tập thể đơn vị Hạt kiểm lâm huyện Kbang.

Về phần dân sự, vật chứng vụ án: Toàn bộ vật chứng và dân sự được xem xét, giải quyết trong các vụ án tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” nên không đề cập đến phần này trong vụ án Lê Hữu Đ: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại Bản Cáo trạng số: 09/CT-VKS ngày 22/4/2021, VKSND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã truy tố Lê Hữu Đ về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS).

Tại phiên toà, đại diện VKSND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như Bản Cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố bị cáo Lê Hữu Đ phạm tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; đề nghị áp dụng điểm c khoản 3 Điều 360, Điều 38, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của BLHS để xử phạt Lê Hữu Đ từ 03 đến 04 năm tù; cấm bị cáo làm công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời hạn từ 01 đến 02 năm.

Về dân sự: Tuyên sung vào ngân sách Nhà nước số tiền Đ đã nộp bồi thường là 5.000.000 đồng.

Về án phí: Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm (HSST) theo quy định pháp luật.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Hữu Đ khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung Bản cáo trạng đã nêu, không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát, tỏ thái độ ăn năn hối cải và xin giảm nhẹ hình phạt.

Người đại diện theo ủy quyền của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát và bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang, Điều tra viên, VKSND huyện Kbang, KSV trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và người đại diện theo ủy quyền của người bị hại không có người nào ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Tại phiên tòa, bị cáo Lê Hữu Đ đã khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, qua đó có đủ cơ sở để xác định rằng:

Lê Hữu Đ ký Hợp đồng lao động với Công ty Lơ Ku, được Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại các tiểu khu 120,122,123 rừng phòng hộ là rừng tự nhiên thuộc lâm phần do Công ty Lơ Ku quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đăk Smar và xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Trong quá trình công tác, Đ đã thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao. Mặc dù có đi tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiểu khu do mình quản lý nhưng Đ đi không thường xuyên và liên tục; chỉ đi kiểm tra theo đường mòn mà không đi vào sâu bên trong các tiểu khu nên không phát hiện được việc khai thác gỗ trái phép. Khi gặp lâm tặc khai thác gỗ trái phép thì Đ không quyết liệt xử lý mà chỉ nhắc nhở, không báo cáo với lãnh đạo Trạm bảo vệ rừng số 02 và lãnh đạo Công ty để có hướng xử lý. Mặt khác, do chủ quan cho rằng bên trong tiểu khu 120,122 có đồi núi dốc, khe suối và không có đường xe ô tô vào vận chuyển được nên Đ không đi sâu vào bên trong kiểm tra mà chỉ đi theo đường mòn vòng bên ngoài, dẫn đến việc nhiều nhóm đối tượng vào khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng mà Đ trực tiếp phụ trách, quản lý trong thời gian từ tháng 5/2020 đến ngày 03/6/2020. Đến khi lực lượng chức năng đi kiểm tra đã phát hiện việc khai thác gỗ trái phép tại các tiểu khu 120,122 thì Đ mới biết sự việc trên. Sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của bị cáo đã tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng lâm tặc khai thác gỗ trái phép tại các tiểu khu 120, 122 gây hậu quả nghiêm trọng với thiệt hại về lâm sản là 127,438 m3 gỗ tròn, thành tiền là 804.845.800 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 3.139.741.200 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 3.944.587.000 đồng.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng dẫn tới rừng bị khai thác trái phép gây thiệt hại với số tiền nêu trên của Lê Hữu Đ đã phạm vào tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 360 của BLHS như VKSND huyện Kbang đã truy tố là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3]. Xuất phát từ ý thức cẩu thả, thiếu trách nhiệm đối với chức trách, nhiệm vụ được giao là quản lý và bảo vệ rừng nên bị cáo Đ đã có hành vi phạm tội như nói ở trên Hành vi phạm tội của bị cáo đã gián tiếp gây thiệt hại đến nguồn tài nguyên rừng của đất nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty Lơ Ku nên cần phải được xem xét, xử lý nghiêm minh và áp dụng mức phạt tù nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục các bị cáo trở thành người lương thiện và nâng cao hiệu quả phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, xét bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đó là: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường khắc phục một phần hậu quả thiệt hại cho Nhà nước. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 của BLHS.

Ngoài ra, bị cáo có nhân thân tốt, đây là lần đầu bị cáo phạm tội; bị cáo có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo về nghiệp vụ bảo vệ rừng, mới được tuyển dụng vào công tác nên chưa có kinh nghiệm quản lý, bảo vệ rừng nhưng lại được giao quản lý rừng tại nhiều tiểu khu, có diện tích rộng; tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của người bị hại đã xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; gia đình bị cáo thuộc diện có công với cách mạng, bố mẹ bị cáo có thời gian dài cống hiến trong quân đội, bố bị cáo được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, ông nội được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, gia đình bị cáo có người thân là liệt sĩ; bố mẹ bị cáo sức khỏe yếu, nghỉ mất sức lao động, vợ bị cáo thì thường xuyên đau ốm, 2 con còn nhỏ nên hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLHS.

Do bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng, không có động cơ vụ lợi và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, để bị cáo có điều kiện cải tạo, khắc phục những sai lầm đã phạm phải và thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, HĐXX thấy cần áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS để xử phạt bị cáo mức hình phạt tù dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 360 BLHS và ở mức đầu khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 360 BLHS là đã đảm bảo tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Cần cấm bị cáo làm công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời hạn từ 01 năm kể từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù nói trên.

[4]. Trong vụ án này, có các nhóm đối tượng khai thác gỗ trái phép gồm: Nhóm Trần Quốc Cường, nhóm Đinh Ngoan, nhóm Trần Văn Tú, nhóm Đinh Trung Thành và nhóm Mai Quang Hợp đã bị truy tố, xét xử về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” nên các đối tượng này là người làm chứng trong vụ án.

Liên quan đến vụ án có anh Nguyễn Đình Trang là Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 02. Quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Trang đã thường xuyên chỉ đạo, gọi điện thoại cho Đ và các cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách khác để đôn đốc, tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiểu khu do Trạm bảo vệ rừng số 02 quản lý. Trang yêu cầu Đ trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng phải kịp thời báo cáo các vụ việc vi phạm phát sinh nhưng Đ đều báo cáo là tình hình ổn định, không phát hiện vụ việc vi phạm tại các tiểu khu do Đ quản lý nên Trang không nắm được tình hình các vụ khai thác rừng trái phép tại các tiểu khu 120, 122, 123 để kịp thời báo cáo Phòng kỹ thuật- quản lý bảo vệ rừng và Ban Giám đốc Công ty chỉ đạo, xử lý. Trong thời gian Đ quản lý các tiểu khu 120, 122, Trang cùng với Đ đã trực tiếp đi kiểm tra rừng 05 lần nhưng không phát hiện có vụ việc khai thác gỗ trái phép. Ngoài làm nhiệm vụ Trạm trưởng, Trang còn trực tiếp phụ trách quản lý tiểu khu 136 nên cũng phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng tại tiểu khu này. Do hành vi của Nguyễn Đình Trang chưa đủ yếu tố cấu thành tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang không khởi tố Trang là có căn cứ và đúng pháp luật, hiện Trang đã bị xử lý kỷ luật cách chức Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 02. Vì vậy, anh Nguyễn Đình Trang tham gia tố tụng là người làm chứng trong vụ án.

Đối với ông Trần Thái Nguyên là kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đăk Smar và ông Nguyễn Ngọc Sơn là kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Sơ Pai. Ngày 09/7/2020, ông Nguyên đã bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai kỷ luật với hình thức khiển trách; ông Sơn bị kiểm điểm hình thức phê bình, nhắc nhở trước tập thể đơn vị Hạt kiểm lâm huyện Kbang. Vì vậy, ông Nguyên và ông Sơn tham gia tố tụng là người làm chứng trong vụ án.

Đối với Giám đốc Công ty Lơ Ku, xét thấy cần kiến nghị trong Bản án này để lãnh đạo Công ty chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng; khắc phục các thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm tra và giám sát nhân viên bảo vệ rừng, không để tiếp diễn tình trạng rừng bị khai thác trái phép như trong thời gian vừa qua.

[5]. Về trách nhiệm dân sự và vật chứng vụ án: Do một phần giá trị thiệt hại về lâm sản và môi trường cùng một phần vật chứng đã được giải quyết trong các vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản đã xét xử. Ngoài ra, có một phần trách nhiệm dân sự và vật chứng đang được xem xét giải quyết trong các vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản ở giai đoạn điều tra. Vì vậy, không xem xét phần dân sự và xử lý vật chứng trong vụ án Lê Hữu Đ phạm tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với số tiền 5.000.000 đồng bị cáo đã tự nguyện bồi thường thì cần sung vào ngân sách Nhà nước.

[6]. Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí HSST theo quy định.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Lê Hữu Đ phạm tội:“Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

- Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 360; Điều 38; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của BLHS;

Xử phạt bị cáo Lê Hữu Đ 03 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam (ngày 25/6/2020).

Cấm bị cáo Đ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù nói trên.

- Áp dụng Điều 326 của BLTTHS;

Kiến nghị Giám đốc Công ty Lơ Ku chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng; khắc phục các thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm tra và giám sát nhân viên bảo vệ rừng, không để tiếp diễn tình trạng rừng bị khai thác trái phép như trong thời gian vừa qua.

- Áp dụng khoản 1 Điều 48 của BLHS;

Tuyên nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 5.000.000 đồng được bị cáo Lê Hữu Đ tự nguyện bòi thường (theo Biên lai thu tiền số 0001666 ngày 19/5/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kbang, tỉnh Gia Lai).

-Áp dụng khoản 2 Điều 136 của BLTTHS và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án:

Buộc bị cáo Lê Hữu Đ phải chịu 200.000 đồng án phí HSST.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo và đại diện của người bị hại có quyền làm đơn kháng cáo đề nghị TAND tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2063
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 12/2021/HSST ngày 15/06/2021 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Số hiệu:12/2021/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện KBang - Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:15/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về