Bản án 12/2020/HS-PT ngày 27/02/2020 về tội tham ô tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

BẢN ÁN 12/2020/HS-PT NGÀY 27/02/2020 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 02 năm 2020 tại Phòng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 05/2020/TLPT- HS ngày 07 tháng 01 năm 2020 đối với bị cáo Hoàng Thị G do có kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị G đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 25/2019/HSST ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Quảng Trị.

- Bị cáo có kháng cáo:

Hoàng Thị G , sinh ngày 01 tháng 4 năm 1977 tại Quảng Trị; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Khu phố 8, thị trấn G, huyện G, tỉnh Quảng Trị; nghề nghiệp: Viên chức; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Minh M (đã chết) và con bà Ngô Thị C, sinh năm 1954; có chồng là Đinh Thanh S và có 02 con, lớn sinh năm 1999, nhỏ sinh năm 2005; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, hiện có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Nguyễn Thị Sáu H là Luật sư của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh Thành phố Đà Nẵng thuộc đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, có mặt tại phiên tòa; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Hồ Văn T, sinh năm 1963; địa chỉ: Khu phố 1, thị trấn G, huyện G, tỉnh Quảng Trị. Có mặt.

- Bà Hoàng Thị Kim D, sinh năm 1968; địa chỉ: thôn H, xã G1, huyện G, tỉnh Quảng Trị; Có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ tháng 01/2016 đến tháng 01/2017, bị cáo Hoàng Thị G nguyên là kế toán Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện G (cũ) nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện G đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước 15 lần, cụ thể như sau:

- Lần 1: Ngày 26/01/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách số 27.CK rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 01 và tháng 02 năm 2016. Trong đó, bị cáo G rút ngân sách để thanh toán công hợp đồng giảng dạy số tiền 10.764.000 đồng, nhưng thực chi cho ông Hoàng Văn H số tiền 5.382.000 đồng và rút ngân sách khoản tiền văn phòng phẩm số tiền 11.386.000 đồng, nhưng thực chi huấn luyện dân quân tự vệ và tết nguyên đán số tiền 11.340.000 đồng. Còn lại số tiền 5.428.000 đồng bị cáo G chuyển tiền vào tài khoản cá nhân và chiếm đoạt.

- Lần 2: Ngày 07/3/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách số 27.CK rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 3 năm 2016. Trong đó, bị cáo G đã rút ngân sách khoản tiền thanh toán công hợp đồng giảng dạy gồm 5.382.000 đồng, nhưng thực tế thanh toán cho ông Hoàng Văn H số tiền 2.691.000 đồng. Số tiền còn lại 2.691.000 đồng bị cáo G chuyển vào tài khoản cá nhân và chiếm đoạt.

- Lần 3: Ngày 17/5/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách số CK05 rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 4 năm 2016. Trong đó, bị cáo G đã rút ngân sách các khoản tiền xăng xe, phụ cấp công tác phí số tiền 4.050.000 đồng, nhưng thực tế thanh toán số tiền 2.850.000 đồng. Số tiền còn lại 1.200.000 đồng, bị cáo G chuyển vào tài khoản của ông Nguyễn Đức T để trả khoản tiền nợ cá nhân.

- Lần 4: Ngày 25/5/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách số 27.CK rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 5 năm 2016. Trong đó, bị cáo G đã rút ngân sách khoản tiền thanh toán công hợp đồng giảng dạy số tiền 2.660.000 đồng, nhưng thực chi cho ông Võ Thanh T giáo viên hợp đồng số tiền 920.000 đồng và ông Trương Quang K giáo viên hợp đồng số tiền 440.000 đồng. Số tiền còn lại 1.300.000 đồng, bị cáo G chuyển vào tài khoản của ông Nguyễn Đức T để trả khoản tiền nợ cá nhân.

- Lần 5: Ngày 17/6/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách số CKKB00167 rút ngân sách chuyển khống khoản tiền mua văn phòng phẩm số tiền 2.114.000 đồng vào tài khoản của ông Hồ Đình S (ở A, Q, N) để trả khoản tiền nợ cá nhân.

- Lần 6: Ngày 22/7/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 6 và tháng 7 năm 2016. Trong đó, bị cáo G đã hạch toán và rút ngân sách 100% lương tháng 6 năm 2016 của bà Nguyễn Hồng Phố C là giáo viên Trung tâm, đang nghỉ sinh số tiền 3.382.000 đồng, nhưng chỉ thanh toán cho bà C 30% lương theo quy định tương ứng với số tiền là 849.000 đồng. Số tiền còn lại 2.533.000 đồng, bị cáo G chuyển vào tài khoản của ông Nguyễn Đức T số tiền 194.000 đồng để trả khoản tiền nợ cá nhân và chuyển vào tài khoản của bị cáo G số tiền 2.339.000 đồng.

- Lần 7: Ngày 03/8/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 8 năm 2016. Trong đó, bị cáo G đã hạch toán và rút ngân sách 100% lương tháng 8 năm 2016 của bà Bùi Thị Thanh T là giáo viên Trung tâm đang nghỉ sinh số tiền 5.006.000 đồng, nhưng chỉ thanh toán cho bà Tâm 30% lương theo quy định với số tiền 1.100.000 đồng. Số tiền còn lại 3.906.000 đồng, bị cáo G chuyển vào tài khoản của ông Nguyễn Đức T số tiền 1.500.000 đồng để trả khoản tiền nợ cá nhân và chuyển vào tài khoản của bị cáo G số tiền 2.406.000 đồng.

- Lần 8: Ngày 01/9/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách số CK30 rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 9 năm 2016. Trong đó, bị cáo G đã hạch toán và rút ngân sách 100% lương tháng 9 năm 2016 của bà Bùi Thị Thanh T đang nghỉ sinh số tiền 4.676.000 đồng, nhưng chỉ thanh toán cho bà T 30% lương theo quy định với số tiền 1.100.000 đồng. Số tiền còn lại 3.576.000 đồng, bị cáo G chuyển vào tài khoản cá nhân.

- Lần 9: Ngày 07/10/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách, rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 10 năm 2016. Trong đó, bị cáo G đã rút ngân sách khoản tiền lương theo ngạch bậc số tiền 20.269.000 đồng, nhưng chỉ chi số tiền 17.378.000 đồng. Rút khoản phụ cấp công tác phí số tiền 7.120.000 đồng, nhưng chỉ chi số tiền 2.120.000 đồng. Rút số tiền thanh toán tàu xe 3.700.000 đồng, nhưng chỉ chi số tiền 1.700.000 đồng. Rút số tiền thanh toán hợp đồng giảng dạy 4.120.000 đồng, nhưng chỉ chi số tiền 2.120.000 đồng. H toán và rút ngân sách 100% lương tháng 10 năm 2016 của bà Bùi Thị Thanh T đang nghỉ sinh số tiền 4.676.000 đồng, nhưng chỉ chi 30% lương theo quy định tương ứng với số tiền 1.100.000 đồng. Rút ngân sách khoản tiền phụ cấp ưu đãi nghề 13.917.000 đồng (trong đó bao gồm hạch toán khống 03 người không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề là: Trần Thị H (nhân viên thư viện), Trần Thị Thanh T (nhân viên văn phòng) và Hoàng Thị G, nhưng chỉ thanh toán số tiền 10.896.000 đồng.

Khoản tiền ngân sách còn lại tổng cộng 18.488.000 đồng, bị cáo G đã chuyển vào các tài khoản của ông Nguyễn Đức T số tiền 1.362.000 đồng, chuyển vào tài khoản của ông Hồ Văn T (Giám đốc Trung Tâm) số tiền 189.000 đồng, chuyển vào tài khoản của bà Hoàng Thị Kim D (Phó giám đốc Trung Tâm) số tiền 25.000 đồng để trả khoản tiền nợ cá nhân; chuyển vào tài khoản của bà Trần Thị Quỳnh H (Thủ quỷ Công đoàn Trung tâm) số tiền 4.961.000 đồng để nộp các loại quỹ mà G đã thu của các giáo viên trong các tháng 7,8,9 năm 2016, nhưng chưa nộp cho bà Hoa và chuyển vào tài khoản của mình số tiền 11.951.000 đồng.

- Lần 10: Ngày 09/11/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 11 năm 2016. Trong đó, bị cáo G đã rút ngân sách khoản tiền lương theo ngạch bậc 126.549.000 đồng, nhưng chỉ chi số tiền 113.202.000 đồng. Rút khoản tiền phụ cấp chức vụ số tiền 2.771.000 đồng, nhưng chỉ chi số tiền 2.552.000 đồng. Rút khoản tiền phụ cấp trách nhiệm số tiền 1.057.000 đồng, nhưng chỉ chi số tiền 787.000 đồng. Rút khoản tiền phụ cấp ưu đãi nghề số tiền 37.042.000 đồng, nhưng chỉ thực chi số tiền 32.359.000 đồng. Rút khoản tiền phụ cấp thâm niên nghề số tiền 13.696.000 đồng, nhưng chỉ chi số tiền 12.278.000 đồng. Rút khoản tiền phụ cấp thâm niên vượt khung số tiền 1.872.000 đồng, nhưng chỉ thực chi số tiền 1.632.000 đồng. Hạch toán và rút ngân sách 100% lương tháng 11 năm 2016 của bà Bùi Thị Thanh Tâm đang nghỉ sinh số tiền 4.676.000 đồng, nhưng chỉ chi 30% lương theo quy định tương ứng với số tiền 1.100.000 đồng và chi khoản tiền công tác phí số tiền 2.240.000 đồng.

Số tiền còn lại 21.513.000 đồng, bị cáo G chiếm đoạt bằng hình thức chuyển vào các tài khoản cá nhân như sau: chuyển vào tài khoản của ông Nguyễn Đức T số tiền 1.500.000 đồng để trả khoản tiền nợ cá nhân; chuyển vào tài khoản của bà Trần Thị Quỳnh H số tiền 8.399.000 đồng để nộp các loại quỹ mà G đã thu của các giáo viên trong các tháng 7,8,9 năm 2016, nhưng chưa nộp cho bà Hoa và chuyển vào tài khoản của mình số tiền 11.614.000 đồng.

- Lần 11: Ngày 29/11/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách số CK26 rút ngân sách chuyển khống khoản tiền thanh toán làm đường điện đô tiền 5.390.000 đồng vào tài khoản của bà Lê Thị H (ở Phường 5, TP. Đ) để trả khoản tiền nợ cá nhân.

- Lần 12: Ngày 09/12/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách rút ngân sách để chi trả lương và các khoản thu nhập khác trong tháng 12 năm 2016. Trong đó, bị cáo G đã rút ngân sách khoản tiền phụ cấp ưu đãi nghề số tiền 29.218.000 đồng, nhưng thực chi số tiền 32.239.000 đồng. Rút khoản tiền phụ cấp công tác phí số tiền 2.800.000 đồng, nhưng thực chi số tiền 1.610.000 đồng; rút khoản tiền thanh toán tàu xe 1.740.000 đồng, nhưng chỉ thực chi số tiền 690.000 đồng; hạch toán và rút ngân sách lương tháng 12 năm 2016 của bà Trần Thị H đang nghỉ sinh 3.123.000 đồng nhưng không thực chi.

Số tiền còn lại 2.342.000 đồng, bị cáo G đã chuyển vào các tài khoản cá nhân như sau: chuyển vào tài khoản của ông Nguyễn Đức T số tiền 1.500.000 đồng, chuyển vào tài khoản của bà Trần Thị Thanh T số tiền 290.000 đồng, chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Song H số tiền 500.000 đồng để trả nợ cá nhân và chuyển vào tài khoản củabị cáo số tiền 52.000 đồng.

- Lần 13: Ngày 23/12/2016, bị cáo G lập Giấy rút dự toán ngân sách số CK43, rút ngân sách chuyển khống khoản tiền thanh toán mua vật tư cho phòng học nấu ăn 10.500.000 đồng vào tài khoản của bà Lê Thị Hà (ở Phường 5, TP. Đ ) để trả khoản tiền nợ cá nhân.

- Lần 14: Ngày 11/01/2017, bị cáo Hoàng Thị G lập Giấy rút dự toán ngân sách số CK42, rút ngân sách chuyển khống khoản tiền thanh toán làm tủ nhôm kính, bàn cho phòng học nấu ăn 14.047.000 đồng vào tài khoản của bà Lê Thị H (ở Phường 5, TP. Đ) để trả nợ cá nhân.

- Lần 15: Ngày 24/01/2017, bị cáo G lập chứng từ Giấy rút dự toán ngân sách số CK50, rút ngân sách chuyển khống khoản tiền thanh toán mua vật tư dạy học 4.955.000 đồng vào tài khoản của bà Lê Thị H (ở Phường 5, TP. Đ ) để trả khoản tiền nợ cá nhân.

Tổng số tiền bị cáo Hoàng Thị G chiếm đoạt từ ngân sách nhà nước trong thời gian từ tháng 01/2016 đến tháng 01/2017 là 99.983.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 25/2019/HS-ST ngày 27/11/2019 của Toà án nhân dân huyện G, tỉnh Quảng Trị đã QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 353; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 41 Bộ luật Hình sự 2015, xử phạt bị cáo Hoàng Thị G 36 (ba mươi sáu) tháng tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Về hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế - tài chính trong thời hạn 02 (hai) năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm còn tuyên án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 09/12/2019, bị cáo Hoàng Thị G có đơn kháng cáo xin được với nội dung:

 - Bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội và nhất trí với Bản án hình sự sơ thẩm số: 25/2019/HS-ST ngày 27/11/2019 của Toà án nhân dân huyện G, tỉnh Quảng Trị.

- Hoàn cảnh gia đình khó khăn là lao động chính trong gia đình, phải nuôi con nhỏ và bố mẹ, ông bà là người có công với cách mạng, chồng đã ly thân:

phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, nhất thời phạm tội; quá trình điều tra thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã khắc phục hậu quả; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng và có 03 tình tiết giảm nhẹ trở lên.

- Bị cáo bị truy tố xét xử ở điểm c khoản 2 Điều 353 BLHS, nhưng tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP không phân định rõ khi bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay tình tiết định khung tăng nặng thì không được hưởng án treo.

Vì vậy, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét áp dụng điểm 4 mục I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án tối cao xử giảm án và cho bị cáo được hưởng án treo theo Điều 65 BLHS và Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị G :

Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Thị Sáu H bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị G không có ý kiến gì về tội danh vì hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 353 BLHS. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo G 36 tháng tù và áp dụng hình phạt bổ sung là quá nặng, cụ thể:

- Bị cáo thiếu nhận thức, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chồng bỏ đi hơn 10 năm nay, bị cáo là lao động chính trong gia đình phải nuôi 02 con nhỏ, nuôi mẹ già và ông bà ngoại trên 90 tuổi là những người có công với cách mạng. Bị cáo phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc điểm g khoản 1 Điều 51 BLHS, - Nhân thân bị cáo tốt, bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Bị cáo được tập thể đồng nghiệp, những người làm chứng và bà con khu phố đều ký đơn đề nghị Tòa xem xét cho bị cáo hưởng án treo.

- Trong quá trình điều tra bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự thú; khắc phục toàn bộ thiệt hại. Bố mẹ, ông bà đều là người có công với cách mạng. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng.

- Tại điểm 4 mục I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cáo giải đáp vướng mắc quy định thì đối với các tội phạm về chức vụ như tội “Tham ô tài sản” thì tình tiết tăng nặng định khung tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS “Phạm tội 02 lần trở lên” thì không coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Bị cáo G có nhiều tình tiết tiết giảm nhẹ và đủ điều kiện quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, đề nghị xét xử bị cáo 02 năm tù và cho hưởng án treo.

Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị:

 Về hành vi phạm tội bị cáo không kháng cáo và thừa nhận hành vi phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm xét xử là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền Ngân sách Nhà nước 13 lần đủ yếu tố cấu thành tội phạm, còn 02 lần bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt chưa đủ yếu tố cấu thành. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo đủ cơ sở bị xét xử tại điểm c khoản 2 Điều 353 BLHS.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 BLTTHS, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Áp dụng các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 41 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Hoàng Thị G 36 (ba mươi sáu) tháng tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Về hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế - tài chính trong thời hạn 02 (hai) năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị G phù hợp với các Điều 331, 333 Bộ luật tố tụng hình sự về chủ thể và thời hạn kháng cáo nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xét kháng cáo theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Hoàng Thị Kim Dung, nhưng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ. Tuy nhiên, việc vắng mặt bà Dung tại phiên tòa không làm ảnh hưởng việc xét xử vụ án nên Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục xét xử vụ án.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị G, Hội đồng xét xử thấy:

[2.1] Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Hoàng Thị G thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đồng ý việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” là đúng người, đúng tội. Lời khai của bị cáo phù hợp với các lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Trong thời gian Từ tháng 01/2016 đến tháng 01/2017, bị cáo G có hành vi lợi dụng việc bị cáo làm kế toán của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện G đã có hành vi 15 lần chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước thông qua việc lập Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước để chi trả lương và các khoản thu nhập hàng tháng cho cán bộ, giáo viên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện G số tiền lớn hơn so với thực tế chi; rút dự toán ngân sách 100% lương của giáo viên nghỉ sinh, nhưng chỉ thực chi 30% Description: C:\Users\adminpc\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image001.gifDescription: C:\Users\adminpc\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image002.giflương; rút ngân sách thanh toán khống tiền mua sắm vật tư, văn phòng phẩm để chiếm đoạt tiền của ngân sách Nhà nước mà bị cáo có trách nhiệm quản lý. Tổng số tiền bị cáo G đã chiếm đoạt là 99.983.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo G về tội “Tham ô tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” là có cơ sở và đúng người, đúng tội.

[2.2] Tại phiên tòa, Luật bào chữa cho bị cáo và bị cáo đề nghị ngoài những tình tiết giảm nhẹ Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” theo điểm g khoản 1 Điều 51 BLHS; “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS; Bị cáo được tập thể đồng nghiệp, những người làm chứng và bà con khu phố đều ký đơn đề nghị Tòa xem xét cho bị cáo hưởng án treo; Bị cáo là người trực tiếp nuôi mẹ già, ông bà ngoại trên 90 tuổi là người có công với Cách mạng; tình tiết tăng nặng định khung tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS “Phạm tội 02 lần trở lên” thì không coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì vậy, bị cáo G có nhiều tình tiết tiết giảm nhẹ và đủ điều kiện quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên đề nghị xét xử bị cáo 02 năm tù và cho hưởng án treo. Hội đồng xét xử thấy: Bị cáo bị xét xử về tội “Tham ô tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm. Theo điểm c khoản 1 Điều 9 BLHS quy định tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù nên không được xem xét là “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Tại khoản 1, khoản 5 Điều 3 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định những trường hợp không cho hưởng án treo:…Người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi… phạm tội nhiều lần, trong khi đó bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện 15 lần chiếm đoạt tài sản của Nhà nước nên không đủ điều kiện quy định tại Điều 2 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Còn việc tập thể đồng nghiệp, những người làm chứng và bà con khu phố đều ký đơn đề nghị Tòa xem xét cho bị cáo hưởng án treo thì đây không phải là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Bị cáo kháng cáo cho rằng đang là lao động chính và là người trực tiếp nuôi mẹ già, ông bà ngoại trên 90 tuổi là người có công với Cách mạng, nhưng gia đình bị cáo có 04 anh em, bị cáo không phải là người duy nhất có trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ và ông bà. Trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ là trách nhiệm chung của 04 anh em bị cáo. Bị cáo cho rằng bị cáo “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” theo điểm g khoản 1 Điều 51 BLHS, nhưng gia đình bị cáo không phải hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, bị cáo là viên chức hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước nên không coi là “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước đang có chủ trương tăng cường phòng chống và xử lý nghiêm loại tội phạm tham nhũng. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bố, mẹ của bị cáo là những người có công với cách mạng; bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi con nhỏ quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự là đã xem xét đánh giá các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo để xử phạt bị cáo G với mức án 36 tháng tù về tội “Tham ô tài sản” dưới khung hình phạt là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Vì vậy, Hội đồng xét xử không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo; ý kiến bào chữa cho bị cáo của luật sư và chấp nhận quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Về hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế - tài chính trong thời hạn 02 (hai) năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

[4]. Về án phí: Kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo luật định.

[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

[6] Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nên Hội đồng xét xử thấy không cần thiết phải bắt bị cáo tại phiên tòa. Ra quyết định “ Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

 1. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị G và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 353; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51: khoản 1 Điều 54; Điều 41 Bộ luật Hình sự 2015; xử:

- Tuyên bố bị cáo Hoàng Thị G phạm tội: “Tham ô tài sản”.

- Xử phạt bị cáo Hoàng Thị G 36 (ba mươi sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Về hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế - tài chính trong thời hạn 02 (hai) năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

2. Về án phí:

Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án: Bị cáo Hoàng Thị G phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

571
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 12/2020/HS-PT ngày 27/02/2020 về tội tham ô tài sản

Số hiệu:12/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Trị
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về