Bản án 12/2018/HS-PT ngày 06/04/2018 về tội đánh bạc

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 12/2018/HS-PT NGÀY 06/04/2018 VỀ TỘI ĐÁNH BẠC

Ngày 06/4/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 16/2018/TLPT-HS ngày 05 tháng 02 năm 2018 đối với các bị cáo Hoàng Văn B, Đỗ Mạnh D do có kháng cáo của bị cáo B và bị cáo D đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 67/2017/HS-ST ngày 28/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện V 1, tỉnh Yên Bái.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Hoàng Văn B, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1986, tại huyện V 1, tỉnh Yên Bái.

Nơi cư trú: Thôn A, xã NT, huyện V 1, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hoá: 04/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn G, sinh năm 1960 và bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1960; có vợ là Mai Thị L, sinh năm 1986 và 02 con, con lớn sinh năm 2009, con nhỏ sinh năm 2011; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo Lệnh số: 15 ngày 07/9/2017 của Công an huyện V 1, tỉnh Yên Bái. Có mặt.

2. Đỗ Mạnh D, sinh ngày 03 tháng 8 năm 1984, tại huyện V 1, tỉnh Yên Bái.

Nơi cư trú: Thôn B, xã M A, huyện V 1, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đỗ Đức N (Đã chết) và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1940; có vợ là Phạm Thị Đ, sinh năm 1982 và 02 con, con lớn sinh năm 2003, con nhỏ sinh năm 2007; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo Lệnh số: 16 ngày 07/9/2017 của Công an huyện V 1, tỉnh Yên Bái. Có mặt.

Ngoài ra, trong vụ án này còn có 08 bị cáo khác không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 24/8/2017, Nguyễn Xuân Nh đang ở nhà tại thôn B, xã M A, huyện V 1, tỉnh Yên Bái thì Đỗ Mạnh D đến chơi. Khi Nh và D đang ngồi uống nước thì Hoàng Văn B đến rủ D đi đánh sâm nhưng D không đi. B nói: “Thôi thế mỗi người bỏ ra mấy trăm đánh sâm ở đây”. Nh bảo B đi mua tú lơ khơ, còn Nh lấy chiếu trải ra giữa nhà. Khi B mua bài về, cả ba ngồi đánh sâm với nhau, số tiền là 500 đồng/ 01 lá bài còn lại sau khi có người sâm hoặc hết bài trước. Nh, D và B chơi được một lúc thì Phạm Văn D 2 đến cùng chơi. Sau đó có Lưu Văn H đến thì D về ăn cơm nên H thay vào vị trí của D. Tiếp đó có Trần Quang M đến xem. Khi D 2 đi vệ sinh thì M cầm bài chơi hộ. Chơi được 02 ván thì D 2 tiếp tục vào chơi. Một lúc sau D trở lại. Thấy đông người và không có chỗ chơi nên D lấy vỏ bao thuốc lá Thăng Long và dùng kéo của gia đình Nhị cắt 04 quân vị hình tròn. Cắt xong quân vị, D xuống bếp cho quân vị vào 01 chiếc đĩa và lấy 01 chiếc bát úp lên rồi để vào ngăn bàn học sinh, giáp cửa đi xuống bếp nhà Nh. Sau đó, có thêm Vũ Đức Đ, Nguyễn Minh T và Nguyễn Văn C đến xem. Thấy mọi người đến đông và đánh sâm bị thua nên B nói: “Thôi không đánh sâm nữa, đen lắm. Chuyển sang đánh xóc đĩa cho mọi người cùng chơi”. B lấy bát, đĩa do D chuẩn bị trước đó bỏ xuống chiếu để tất cả cùng chơi. Chơi một lúc thì có thêm Đinh Ngọc T 2 đến và cùng chơi xóc đĩa. Trong quá trình chơi, B là người xóc cái. Mỗi ván có 8 đến 10 người chơi. Mỗi người đánh từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Các đối tượng trên chơi xóc đĩa đến 14 giờ cùng ngày thì bị Công an huyện V 1 bắt quả tang. Kết quả điều tra đã chứng minh tổng số tiền các bị cáo sử dụng vào việc đánh bạc là 7.064.000 đồng. B khi đánh sâm đã bỏ ra 600.000 đồng và bị thua nhưng không xác định thua bao nhiêu. Khi đánh xóc đĩa, B thắng được 1.920.000 đồng. D bỏ ra 1.100.000 đồng để đánh sâm và thắng được 200.000 đồng. Khi đánh xóc đĩa, D bị thua 80.000 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 67/2017/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Hoàng Văn B, Đỗ Mạnh D cùng các đồng phạm nêu trên phạm tội “Đánh bạc”.

Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 248; các điểm h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Hoàng Văn B 06 tháng tù, phạt tiền 7.000.000 đồng.

Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 248; các điểm h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Đỗ Mạnh D 05 tháng tù, phạt tiền 7.000.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt các bị cáo còn lại từ 10.000.000 đồng đến 06 tháng tù, tuyên xử lý vật chứng, việc chịu án phí, quyền kháng cáo và các quyền về thi hành án dân sự cho các bị cáo.

Ngày 29/12/2017, bị cáo B và bị cáo D có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đã phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau:

Về hình thức: Kháng cáo của các bị cáo được viết và gửi Tòa án trong hạn luật định nên được chấp nhận.

Về nội dung: Kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo B và bị cáo D là có căn cứ vì các bị cáo phạm tội có tính chất giản đơn; Về bản chất, hai bị cáo này chỉ là kẻ thực hành tích cực hơn các đối tượng khác; sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo đã tự giác nộp tiền phạt và tiền án phí. Điều đó cho thấy các bị cáo trên đã thực sự ăn năn hối cải nên cần áp dụng thêm khi quyết định hình phạt. Do bị cáo B và bị cáo D có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, không có tình tiết tăng nặng nào, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú và làm việc rõ ràng, có khả năng tự cải tạo nên không cần thiết phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội cũng đủ sức răn đe phòng ngừa chung.

Từ những phân tích trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm:

Căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 355; Điểm e, Khoản 1, Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, sửa bản án sơ thẩm số: 67/2017/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện V 1, tỉnh Yên Bái về hình phạt, như sau:

Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 248; các điểm h, p khoản 1 Điều 46; khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Hoàng Văn B 06 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 248; các điểm h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Đỗ Mạnh D 05 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Hoàng Văn B và bị cáo Đỗ Mạnh D cho chính quyền địa phương nơi các bị cáo cư trú giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo B và bị cáo D có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo.

Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Các bị cáo không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát. Khi nói lời sau cùng, các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo có cơ hội được tự cải tạo để có điều kiện giúp đỡ gia đình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo B và bị cáo D khai nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên. Lời khai của các bị cáo phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang, phù hợp với lời khai của những đối tượng khác tham gia đánh bạc, phù hợp với vật chứng đã thu giữ tại hiện trường. Các bị cáo đều là những người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc đánh bạc là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội, số tiền dùng để đánh bạc là 7.064.000 đồng nên việc Tòa án nhân dân huyện V 1, tỉnh Yên Bái tuyên bố các bị cáo trên phạm tội “Đánh bạc” theo Khoản 1, Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Về hình thức: Kháng cáo của các bị cáo được viết và gửi Tòa án trong hạn luật định nên được chấp nhận.

Về nội dung:

Theo Từ điển tiếng Việt do Nhà xuất bản Văn hóa thông tin xuất bản năm 1993 (Trang 158), thì: “Chủ mưu là đưa ra những kế hoạch hành động tác hại …”

Trong vụ án này, sự cấu kết giữa các bị cáo không thật sự chặt chẽ nên thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn. Các bị cáo đều là những người thực hành, không có ai là người lập kế hoạch và đứng ra tổ chức thực hiện tội phạm. Bản án sơ thẩm xác định bị cáo B là người chủ mưu là chưa chính xác.

Mặt khác, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội như sau:

“Khoan hồng đối với … người đầu thú, thành khẩn khai báo, … tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải …

Đối với người phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.”

Các bị cáo trong vụ án này đều là những người lao động, do ham vui và vì lợi ích vật chất nhỏ nhặt mà nhất thời phạm tội. Bị cáo B và bị cáo D tuy là người thực hành tích cực hơn các bị cáo khác nhưng xét thấy số tiền các bị cáo dùng để đánh bạc không nhiều. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo B và bị cáo D đã tự giác nộp tiền phạt và tiền án phí, thể hiện các bị cáo thực sự ăn năn, hối cải.

Các bị cáo B và D là những người có nhân thân tốt, phạm tội có tính chất giản đơn, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào; bị cáo B được hưởng 03 tình tiết giảm nhẹ, đó là: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, “Thành khẩn khai báo” và “Ăn năn hối cải”; bị cáo D được hưởng 4 tình tiết giảm nhẹ, đó là: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, “Thành khẩn khai báo”, “Ăn năn hối cải” và “Đầu thú”; các bị cáo đều có nơi cư trú và làm việc cụ thể, rõ ràng. Đối chiếu với Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì các bị cáo trên có đủ điều kiện được hưởng án treo quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999.

[2] Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Điểm h, Khoản 2, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[3] Đây là vụ án có đồng phạm nên cần áp dụng thêm Điều 20 và Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 khi quyết định hình phạt.

[4] Những nội dung khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét lại.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 355; Điểm e, Khoản 1, Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Hoàng Văn B và Đỗ Mạnh D, sửa bản án sơ thẩm số: 67/2017/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện V 1, tỉnh Yên Bái về hình phạt, như sau:

Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 248; các điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Hoàng Văn B 06 (Sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (Một) năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm; phạt tiền 7.000.000 (Bảy triệu) đồng về tội “Đánh bạc”.

Giao bị cáo Hoàng Văn B cho Uỷ ban nhân dân xã N T, huyện V 1, tỉnh Yên Bái giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo B có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Bị cáo B phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 248; các điểm h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 60 : Xử phạt bị cáo Đỗ Mạnh D 05 (Năm) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (Một) năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm; phạt tiền 7.000.000 (Bảy triệu) đồng về tội “Đánh bạc”.

Giao bị cáo Đỗ Mạnh D cho Uỷ ban nhân dân xã M A, huyện V 1, tỉnh Yên Bái giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo D có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Bị cáo D phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Trong trường hợp bị cáo Hoàng Văn B và bị cáo Đỗ Mạnh D thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

2. Về án phí phúc thẩm: Các bị cáo Hoàng Văn B, Đỗ Mạnh D không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về việc xử lý vật chứng, về việc chịu án phí sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

368
  • Tên bản án:
    Bản án 12/2018/HS-PT ngày 06/04/2018 về tội đánh bạc
  • Cơ quan ban hành:
  • Số hiệu:
    12/2018/HS-PT
  • Cấp xét xử:
    Phúc thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hình sự
  • Ngày ban hành:
    06/04/2018
  • Từ khóa:
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 12/2018/HS-PT ngày 06/04/2018 về tội đánh bạc

Số hiệu:12/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Yên Bái
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về