Bản án 12/2017/HSST ngày 27/10/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ, TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 12/2017/HSST NGÀY 27/10/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 27 tháng 10 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Ba Tơ, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 13/2017/HSST ngày 09 tháng 10 năm 2017 đối với các bị cáo:

1. Phạm Văn A, sinh ngày 01/01/1992; Nơi sinh: Xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú: Thôn N, xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Dân tộc: Hre; Trình độ văn hóa: 07/12; Nghề nghiệp: nông; Con ông Phạm Văn R (chết) và bà Phạm Thị M (sinh năm 1972); Vợ: Phạm Thị L (sinh năm 1997); Con: có 01 con sinh năm 2016; Tiền sự, tiền án: không; bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

2. Phạm Văn B, sinh ngày 01/01/1989; Nơi sinh: Xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú: Thôn N, xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Trình độ văn hóa: 02/12; Dân tộc: Hre; Con ông Phạm Văn Q (chết) và bà Phạm Thị M (sinh năm 1962); Vợ: Phạm Thị G (sinh năm 1996); Con: chưa có; Tiền sự, tiền án: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 22/11/2016 đến ngày 28/4/2017 thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

3. Phạm Văn K, sinh ngày 07/4/1994; Nơi sinh: Xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú: Thôn N, xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Trình độ văn hóa: 09/12; Dân tộc: Hre; Con ông Phạm Văn N (sinh năm 1949) và bà Phạm Thị I (sinh năm 1954); Vợ: Phạm Thị Đ (sinh năm 1999); Con: có 02 con (lớn nhất sinh 2013 và nhỏ nhất sinh năm 2017; Tiền sự, tiền án: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 22/11/2016 đến ngày 19/6/2017 thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

4. Phạm Văn C, sinh ngày 25/5/1988; Nơi sinh: Xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú: Thôn N, xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Trình độ văn hóa: 09/12; Dân tộc: Hre; Con ông Phạm Văn M (sinh năm 1963) và bà Phạm Thị H (chết); Vợ: Phạm Thị T, (sinh năm 1994); Con: có 02 con (lớn nhất sinh năm 2013 và nhỏ nhất sinh năm 2017; Tiền sự, tiền án: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 22/11/2016 đến ngày 29/11/2016 thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho các bị cáo:

1. Ông Nguyễn Xuân P, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, là người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn B, Phạm Văn K, theo Quyết định số 02, 03/QĐ-TGPL ngày 16/01/2017 của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi (có mặt);

2. Ông Nguyễn Chí K, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, là người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn C, Phạm Văn A, theo Quyết định số 04, 05/QĐ-TGPL ngày 16/01/2017 của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi (có mặt);

Người bị hại: Bà Phạm Thị H1 (đã chết).

Người đại diện hợp pháp của người bị hại:

1. Ông Phạm Văn M1, sinh năm 1949 (chồng của bị hại);

2. Chị Phạm Thị M2, sinh năm 1980 (con đẻ của bị hại);

3. Anh Phạm Văn M3, sinh năm 1984 (con đẻ bị hại);

Cùng nơi cư trú: Thôn V, xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi.

4. Chị Phạm Thị M4, sinh năm 1988 (con đẻ của bị hại); Nơi cư trú: Thôn N, xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi.

5. Chị Phạm Thị M5, sinh năm 1990 (con đẻ của bị hại); Nơi cư trú: Xã Z, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi.

6. Chị Phạm Thị M6, sinh năm 1994 (con đẻ của bị hại); Nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông M1, anh M3, chị M4, chị M5 và chị M6 đã ủy quyền cho chị Phạm Thị M2, sinh năm 1980, nơi cư trú: Thôn V, xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi tham gia tố tụng theo văn bản ủy quyền ngày 08/01/2017 (có mặt);

Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại:

Ông Hà Văn H - Luật sư, Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, là người bảo vệ quyền lợi cho bà: Phạm Thị M2 theo Quyết định về việc cử Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng số 06/QĐ-TGPL ngày 16/01/2017 của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi (có mặt);

* Ngƣời phiên dịch: Ông Phạm Văn X, Phòng Văn hóa thông tin huyện Y (phiên dịch tiếng Hre cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa)(có mặt).

NHẬN THẤY

Các bị cáo Phạm Văn A, Phạm Văn B, Phạm Văn K và Phạm Văn C bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Y truy tố về hành vi phạm tội như sau: Khoảng 21 giờ ngày 19/11/2016, Phạm Văn P và vợ Phạm Thị X tổ chức uống rượu tại nhà của B ở thôn N, xã X, huyện Y, có Phạm Văn B (anh ruột P), Phạm Thị G (vợ B), Phạm Văn A, Phạm Thị L (vợ A), Phạm Văn S, Phạm Văn B1, Phạm Thị B2. Một lúc sau, có bà Phạm Thị H và ông Phạm Văn C2 vào nhà cùng uống rượu; Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, thì có thêm Phạm Văn K, Phạm Văn C đến tham gia uống rượu.

Khi K và C bước lên đầu tra nhà sàn Phạm Văn P thì P từ trong nhà sàn bước ra nói chuyện, lúc này K có hỏi P: “Sao có bà Hương ở đây?” thì P trả lời “Không biết, tự nhiên bà H vào nhà tôi”, rồi K hỏi “Sao không đuổi bà Hương về” thì P nói “Tôi cũng bực lắm nhưng không dám đuổi”. Nói chuyện xong, K và C vào nhà và mời bà H mỗi người một ly rượu, uống xong bà H nằm ngủ luôn tại chỗ. Thấy vậy, mọi người gọi bà H dậy để đi về nhà ngủ nhiều lần nhưng bà H vẫn không chịu về. Lúc này, Phạm Văn P say rượu mệt nên đi ngủ trước, Phạm Thị B2 và Phạm Thị G cũng bỏ về nhà, Phạm Thị X cũng đi ngủ. Do gọi nhiều lần nhưng bà H không dậy đi về nên Phạm Văn A dùng chân đạp vào chân bà H nhưng bà H vẫn không dậy. L úc đó, Phạm Văn B nói “Sợ bả ngủ ở đây bả bỏ thuốc độc cho nhà ông P đó”. Do bực tức gọi bà H không dậy đi về, A nói nhỏ với Phạm Văn C: “Đánh bả đi”. Phạm Văn C nghe vậy, nói:“Muốn đánh thì kéo ra ngoài đánh chứ đừng đánh trong nhà”, đồng thời bảo B:“Kéo bà H xuống sân đi”, Phạm Văn K cũng nói B: “Ôm bả xuống sân đi”. Nghe C và K nói vậy thì Phạm Văn B dùng chiếc đèn pin đội đầu, màu vàng  đen của bà H đập vào mông của bà H, nhằm đánh thức bà H dậy về nhà ngủ. Thấy bà H không phản ứng g ì, Phạm Văn B tiếp tục dùng tay kéo bà H ra gần cửa phía sau nhà P và đem bà H để nằm ngửa xuống đất, sau đó, tiếp tục kéo bà H ra nằm giữa sân đất; Phạm Văn A dẫn vợ con về nhà ngủ. Một lúc sau, C tiến đến đứng ở phía bên trái gần đầu bà H hỏi:“Bà khai đi, bà hay đi đêm khuya làm gì?” nhưng bà H không trả lời, C liền cúi xuống dùng tay phải đánh liên tiếp hai cái vào vùng má phía bên trái của bà H, rồi điều khiển xe mô tô về nhà của mình cất. Sau đó, C quay lại phía sau nhà P gần chỗ bà H nằm, lúc này, Phạm Văn B đến đưa cho C một khúc củi keo khô, to gần bằng cổ tay, dài khoảng 70cm và nói C dùng cây đánh gãy chân, tay của bà H để bà H không đi đêm khuya bỏ thuốc độc nữa. Tuy nhiên, C không làm theo mà vứt cây bên cạnh nhà của ông Phạm Văn G 3; Tiếp đó, Phạm Văn K tiến đến đứng ở gần phần đầu bà H rồi dùng chân phải đá 01 cái vào vùng phía trên bên phải đầu bà H. Đá xong, Phạm Văn B dùng hai tay giữ ngực và nách bà Hương kéo lê bà H (với tư thế nằm ng ửa) về phía sân nhà ông Phạm Văn G3 rồi tiếp tục đặt bà H nằm dưới đất trước s ân nhà ông G3, đối diện nhà Phạm Văn P khoảng hơn 2 mét (vì ông G3 thường xuyên đi vắng nên nhà của ông được vợ chồng P, X quản lý, sử dụng để củi và phơi quần áo). Lúc này, Phạm Văn K đi theo sau đến chỗ bà H đang nằm, đứng bên trái bà H dùng chân phải đá vào vùng vai trái của bà H một cái, rồi quay về bên cạnh chuồng gà của gia đình Phạm Văn P đứng cùng Phạm Văn B1. Sau khi dẫn vợ con về nhà ngủ, Phạm Văn A quay lại nhà P và thấy bà H nằm dưới đất, liền tiến đến đứng ở phía sau bên trái gần đầu bà H hỏi “Sao bà bỏ thuốc độc cho cha tôi chết?” nhưng không nghe bà H trả lời thì A liền cúi người xuống dùng tay phải đánh một phát vào vùng lưng của bà H, đánh xong A chồm tới phía trước nhìn vào mặt bà H thì thấy bà Hương mở mắt nhưng không nói gì. Thấy vậy, A liền đứng dậy, dùng chân phải đá mạnh một cái vào bả vai trái của bà H nhưng bị trượt chân lên trúng vào phần đầu phía trên lỗ tai bên trái của bà H. Thấy A đánh bà H xong, K cũng đi đến chỗ bà H nằm dùng tay trái núm tóc kéo đầu bà H lên rồi dùng tay phải đấm vào mặt bà H một cái. Đánh xong, K đi đến chỗ Phạm Văn B1 đang đứng và hỏi “Sao không đánh bả một cái?”, B1 nói: “Không dám đánh”. Sau đó, Phạm Văn B tiến đến chỗ bà H nằm đứng bên trái gần đầu bà H dùng chân phải đạp mạnh một cái trúng vào vùng má phía bên trái của bà H, đánh xong B đến cạnh chuồng gà nhà Phạm Văn P đứng. Sau khi cả bọn đánh xong, sợ bà H nằm ngoài sân bị ướt và trúng gió, Phạm Văn C kéo bà H để trước cửa nhà ông Phạm Văn G3 (phần nửa người trên nằm trong nhà, phần nửa dưới bên ngoài c ửa). Sau đó, Phạm Văn A kéo bà H ra để ở giữa sân với mục đích để bà Hương đi về nhà.

Sau khi bị đánh, bà Phạm Thị H tỉnh dậy đi khoảng 40 mét thì nằm ngủ tại sân hè nhà ông Phạm Văn X2 (ở cùng thôn); Đến khoảng 05 giờ ngày 20/11/2016, cháu ngoại của bà H là bà Phạm Thị A (ở gần nhà ông Phạm Văn X2) thức dậy phát hiện và ôm bà H vào nhà mình rồi gọi mẹ của A là bà Phạm Thị M2 dậy coi thử thì thấy quần áo bà H bị ướt, vùng mắt trái và miệng bị bầm, lúc này bà M2 nghĩ bà H bị say rượu trúng gió và bị ng ã nên để bà H ở nhà  cho  Phạm  Thị  A  chăm  sóc  rồi  đi  làm  rẫy.  Đến  khoảng  17  giờ  ngày 20/11/2016, Phạm Thị M2 đi làm rẫy về đến nhà Phạm Thị A thì A nói bà M2 vào nói chuyện với bà H, bà M2 vào nhà kiểm tra trên người bà H thấy vùng lỗ tai bên trái của bà H bị bầm, vùng lưng bị trầy xước, hỏi bà H bị sao thì bà H nói: bị A, B, B2 dùng tay, chân đánh, đá vào đầu, vào lưng làm bà H ngồi dậy không được, sau đó Phạm Thị M2 nói chở bà H đi bệnh viện điều trị thương tích nhưng bà H không chịu đi bệnh viện mà nói muốn ch ết ở nhà có con cháu trong nhà chứng kiến. Nghe vậy, bà M 2 không chở bà H đi bệnh viện mà để bà H ở nhà đốt lửa sưởi ấm và cho bà H uống sữa. Đến khoảng 0 giờ ngày 21/11/2016 bà Phạm Thị H chết.

Căn cứ biên bản khám nghiệm dấu vết trên người tử thi cho thấy: Các dấu vết thương tích để lại trên người bà Phạm Thị H gồm 01 vết rách da ở vị trí cách 9cm về phía trên sau của dái tai trái nằm dọc dài 0,5cm, rộng hở 0,1 cm; sâu đến xương hộp sọ; vùng trán bên trái cách 2,5cm về phía trên sau của đuôi mày trái có 01 vết bầm tụ máu và xây xát da, kích thướt (3,5 x 3,0)cm, ấn mềm lõm vào trong; Cách 02cm về phía sau của đuôi mắt phải có nhiều vết bầm tụ máu và xây xát da kích thước (2 x 1,5)cm; Vùng má bên trái có 01 vết xây xát da, kích thướt (3 x 1,5)cm; Vùng cằm bên trái cách 4cm về phía dưới trước của mép trái có 01 vết bầm tụ máu và xây xát da, kích thước (2 x 1,5)cm; Cách 7cm về phía dưới trước của núm vú phải có 01 vết xây xát da, kích thước (1,2 x 1)cm; Cách 05cm về phía dưới trước của núm vú trái có 01 vết xây xát da, kích thước (4 x 0,5)cm; Cách 3cm về phía trong của mõm khuỷu tay phải có 01 vết xây xát da tróc lớp thượng bì, kích thước (3 x 1,2)cm; Cách 2cm về phía trên ngoài của mõm khuỷu tay trái có nhiều vết bầm tụ máu kích thước (3 x1)cm; Cách 7cm về phía dưới trong của gối trái có 01 vết xây xát da, kích thước (1,5 x 0,8)cm; Vùng lưng bên phải cách 8cm về phía phải của đường giữa cột sống có nhiều vết xây xát da trong diện, có hướng từ trên xuống dưới, kích thướt (15 x 4)cm; Vùng lưng bên phải cách 10cm về phía trái của đường giữa cột sống và cách 21cm về phía trên sau của của gai xương chậu trên trước trái có nhiều vết xây xát da kích thước (7 x 2)cm; Vùng xương cụt bên phải có 01 vết xây xát da, kích thước (1 x 0.5)cm.

Căn cứ Bản kết luận giám định số 1705/KLGĐ-PC54 ngày 23/11/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi kết luận nguyên nhân chết của bà Phạm Thị H là do bị chấn thương sọ não kín, chảy máu và tụ máu nhiều ở hai bán cầu đại não và trong hố sọ gây choáng không hồi phục dẫn đến chết.

Tại cáo trạng số 12/QĐ-VKS ngày 06 tháng 10 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Y đã truy tố các bị cáo Phạm Văn A, Phạm Văn B, Phạm Văn K, Phạm Văn C về tội “Cố ý gây thương tích”; Theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự (viết tắt BLHS). Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố vẫn giữ nguyên nội dung truy tố như bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng:

- Khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; điểm h Điều 48; Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Văn A với mức án từ 05 năm đến 06 năm tù.

- Khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; điểm h Điều 48; Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Văn B với mức án từ 05 năm đến 06 năm tù

- Khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 47; điểm h Điều 48; Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Văn K với mức án từ 04 năm đến 05 năm tù;

- Khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 47; điểm h Điều 48; Điều 33 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Văn C với mức án từ 3 năm đến 4 năm tù;

Về trách nhiệm dân sự: Bà Phạm Thị M2, đại diện hợp pháp cho bị hại đã thỏa thuận việc bồi thường với các bị cáo là 110.000.000đồng; Tại phiên tòa bà Phạm Thị M2 yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thêm 34.000.000 đồng, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về tang vật: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tiêu hủy đèn pin hiệu Gui pin, màu vàng - đen.

Ý kiến của ông Nguyễn Xuân P, Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo Phạm Văn B, Phạm Văn K, đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát về tội danh và khung hình phạt như cáo trạng đã truy tố, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 33; Điều 47 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Văn B, Phạm Văn K mỗi bị cáo với mức án từ 04 năm đến 05 năm tù.

Ý kiến của ông Nguyễn Chí K, Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo Phạm Văn C, Phạm Văn A, đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát về tội danh và khung hình phạt như cáo trạng đã truy tố, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 33; Điều 47 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Văn C với mức án 02 năm tù; Phạm Văn A với mức án 05 năm tù.

Ý kiến của ông Hà Văn H, Luật sư, Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Phạm Thị M2, trình bày: Tòa án cần làm rõ theo bản kết luận của Hội đồng giám định tại bút lục 106 về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà H, có căn cứ các bị cáo phạm tội khác, đồng thời buộc các bị cáo tăng mức bồi thường lên 34.000.000 đồng (Ba mươi bốn triệu đồng) theo yêu cầu của đại diện hợp pháp của bị hại.

Tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như đã khai tại cơ quan điều tra và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Người đại diện hợp pháp cho bị hại: Chị Phạm Thị M2 đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo để thể hiện tình đoàn kết và yêu cầu các bị cáo tăng mức bồi thường cho bị hại với số tiền 34.000.000 đồng.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

[1] Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Phạm Văn A, Phạm Văn B, Phạm Văn K, Phạm Văn C đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với nội dung bản Cáo trạng, các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, do đó Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định: Khoảng 22 giờ ngày 19/11/2016, tại thôn N, xã X, huyện Y, do nghi ngờ bị hại bà Phạm Thị H là người có thuốc độc (tập tục lạc hậu của người đồng bào dân tộc Hre) ngủ tại nhà ông P sẽ bỏ thuốc độc gây chết người nên các bị cáo nhiều lần gọi bị hại dậy đi về nhưng bị hại không về. Bực tức vì bị hại không về và do trước đó cha của bị cáo A chết, nên A nghi ngờ bà H là người bỏ thuốc độc làm cha của A chết; Mặc khác, bị hại hay đi đêm khuya nên sự nghi ngờ càng gia tăng, do đó bốn bị cáo đã có hành vi đấm, đánh, đạp, đá vào mặt, người, đầu bị hại; Mục đích là do gọi nhiều lần bị hại không dậy đi về nhà và đánh hù dọa để bị hại không dám đi đêm khuya nữa.

[2] Các bị cáo đã thực hiện hành vi trái pháp luật xâm phạm đến sức khỏe bà H, trong khi bị hại là phụ nữ, say rượu không có khả năng tự vệ, hậu quả là bị hại chết. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết cho bị hại là bị cáo Phạm Văn A dùng chân đá mạnh vào đầu bị hại (phía trên sau của dái tai bên trái) làm cho bị hại bị chấn thương sọ não kín, chảy máu và tụ máu nhiều ở hai bán cầu đại não và trong hố sọ gây choáng không hồi phục dẫn đến chết.

Các bị cáo biết hành vi đấm, đánh, đạp, đá vào người, mặt, đầu bị hại là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe con người nhưng vẫn thực hiện, hành vi của các bị cáo một phần là do nhận thức lạc hậu đã in đậm từ lâu đời ở vùng quê miền núi.

[3] Việc Luật sư Hà Văn H đề nghị cần làm rõ các bị cáo có phạm tội khác hay không, Hội đồng xét xử thấy rằng: Vào ngày 28/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Y đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, lý do Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ có văn bản đề nghị trả hồ sơ để bổ sung tài liệu, chứng cứ quan trọng cần xem xét tại phiên tòa và có căn cứ cho rằng các bị cáo phạm tội khác. Ngày 06/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ ban hành Cáo trạng số 12/QĐ-VKS vẫn giữ nguyên quyết định truy tố các bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS; Do đó, căn cứ theo Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự “Giới hạn của việc xét xử”, Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

[4] Phạm Văn A là người chủ động rủ các bị cáo Phạm Văn C, Phạm Văn K, Phạm Văn B đánh bà H nhưng việc rủ rê ở đây chỉ mang tính bộc phát, “vì cho rằng bà Phạm Thị H cầm đồ thuốc độc hại người” với mục đích, động cơ các bị cáo đánh bà Hương chỉ là nhằm đuổi bà Hương về nhà ngủ và đồng thời, cảnh cáo bà H không được đi đêm, bỏ đồ độc hại người. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo không có sự chủ động bàn bạc, cả 04 bị cáo đều là người trực tiếp cùng thực hiện tội phạm. Do đó, đây là vụ án có đồng phạm nhưng là đồng phạm giản đơn.

[5] Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo:

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Khi bị đánh bà H say rượu không có khả năng tự vệ, do đó cần áp dụng tình tiết Phạm tội với người ở trong tình trạng không có khả năng tự vệ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS.

Tình tiết giảm nhẹ: Các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã cố gắng chi phí bồi thường toàn bộ yêu cầu của người đại diện cho bị hại (tuy các bị cáo đều thuộc diện hộ nghèo), đại diện bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Gia đình bị cáo K có công với cách mạng (cha bị cáo là ông Phạm Văn N, được hưởng chế độ là người có thời gian hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, chú ruột bị cáo ông Phạm Văn T là Liệt sỹ). Các bị cáo ở vùng cao miền núi, hiểu biết pháp luật rất hạn chế, nhận thức lạc hậu về cầm đồ bỏ thuốc độc. Do đó cần áp dụng những tình tiết được quy định tại điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46 BLHS để áp dụng giảm nhẹ cho các bị cáo khi áp dụng hình phạt.

[6] Các bị cáo Phạm Văn B, Phạm Văn C, Phạm Văn A, Phạm Văn K là những người đã thành niên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Các bị cáo đã cùng nhau thực hiện hành vi xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe dẫn đến hậu quả người bị hại chết. Vì vậy, cần cách ly các bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian nhằm cải tạo, giáo dục các bị cáo. Tuy nhiên trước khi phạm tội các bị cáo có nhân thân tốt, các bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng cao có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế và thuộc diện hộ nghèo, các bị cáo phạm tội lần đầu và do nhận thức lạc hậu; Vợ bị cáo A bị câm điếc bẩm sinh, có một con, sinh năm 2016. Do đó sẽ xem xét khi áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội và nhân thân của từng bị cáo để thể hiện tính khoan hồng của Nhà nước. Các Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho các bị cáo đề nghị áp dụng mức hình phạt tương đối phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần.

[7] Đối với Phạm Văn B2: Khi thấy các đối tượng đánh bà Hg thì B2 chỉ đứng từ xa chứng kiến, không tham gia đánh nhưng cũng không dám can ngăn. Vì B2 sợ nếu mình can ngăn thì những người kia sẽ đánh cả B2 bởi B2 biết người dân trong thôn N ai cũng ghét bà H vì nghi bà H có cầm đồ thuốc độc. Đến khi nghe tin bà H chết và được Cơ quan Cảnh sát điều tra  mời làm việc thì Phạm Văn B2 đã khai báo toàn bộ những gì mình chứng kiến, giúp Cơ quan điều tra nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ án. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ba Tơ không xử lý hình sự đối với Phạm Văn B2 là có cơ sở.

[8] Về dân sự: Bà Phạm Thị M2, đại diện hợp pháp cho bị hại đã thỏa thuận việc bồi thường đối với các bị cáo và các bị cáo đã bồi thường toàn bộ chi phí theo yêu cầu đại diện hợp pháp của người bị hại là 110.000.000 đồng; Tại phiên tòa, bà Phạm Thị M2 yêu cầu các bị cáo tăng mức bồi thường lên 34.000.000 đồng, các bị cáo đều chấp nhận, mỗi bị cáo bồi thường thêm 8.500.000 đồng.

[9] Về vật chứng vụ án: 01 cái pin hiệu Gupin (màu vàng đen) đã bị vỡ là của bị hại. Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp cho bị hại không có yêu cầu nhận lại và xét không sử dụng được nên Hội đồng xét xử áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy.

[10] Về án phí: Các bị cáo có đơn xin miễn án phí với lý do là các bị cáo thuộc hộ nghèo, áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBNVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án nên các bị cáo thuộc trường hợp được miễn nộp án phí.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Các bị cáo Phạm Văn A, Phạm Văn B, Phạm Văn K, Phạm Văn C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng: Khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điểm h Điều 48; Điều 33 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Phạm Văn A 05 năm 06 tháng (năm năm sáu tháng) tù. Thời hạn tù tính từ ngày 27/10/2017.

- Áp dụng: Khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điểm h Điều 48; Điều 33 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Phạm Văn B 05 năm (năm năm) tù. Thời hạn tù tính từ ngày 27/10/2017; Được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 22/11/2016 đến ngày 28/4/2017.

- Áp dụng: Khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điểm h Điều 48; Điều 47; Điều 33 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Phạm Văn K 04 năm (bốn năm) tù. Thời hạn tù tính từ ngày 27/10/2017; Được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 22/11/2016 đến ngày 19/6/2017.

- Áp dụng: Khoản 3 Điều 104; điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điểm h Điều 48; Điều 47; Điều 33 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Phạm Văn C 04 năm (bốn năm) tù. Thời hạn tù tính từ ngày 27/10/2017; Được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 22/11/2016 đến ngày 29/11/2016.

Về dân sự:

- Áp dụng các Điều 584, 585, 587, 590 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 246 Bộ luật tố tụng dân sựCông nhận sự thỏa thuận của bà Phạm Thị M2 và các bị cáo về yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị hại số tiền 34.000.000 đồng. Các bị cáo Phạm Văn A, Phạm Văn B, Phạm Văn K, Phạm Văn C mỗi bị cáo phải bồi thường số tiền 8.500.000 đồng (tám triệu năm trăm ngàn đồng) cho bà Phạm Thị Mú.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Về vật chứng vụ án: Áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu tiêu hủy 01 (một) chiếc đèn pin hiệu GUIPIN, màu vàng đen, đã bị vỡ. (Vật chứng trên hiện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tơ đang quản lý theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 24/8/2017).

Về án phí sơ thẩm: Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bị cáo Phạm Văn B, Phạm Văn C, Phạm Văn K, Phạm Văn A được miễn án phí hình sự và dân sự sơ thẩm.

Án xử công khai sơ thẩm, các bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị hại, có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên  án sơ thẩm ngày 27/10/2017.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

289
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 12/2017/HSST ngày 27/10/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:12/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về