TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
BẢN ÁN 12/2017/DS-PT NGÀY 26/12/2017 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 26 tháng 12 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 20/2017/TLPT-DS ngày 02 tháng 11 năm 2017 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2017/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện B bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 28/2017/QĐ-PT ngày 04 tháng 12 năm 2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Mạnh T, sinh năm 1940;
2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1947;
3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Hoàng Thị Đ, sinh năm 1950;
- Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1946.
Các đương sự cùng trú tại: Thôn M, xã V, huyện B, tỉnh Hà Giang.
- Người kháng cáo: Bị đơn bà Nguyễn Thị T1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn T2.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng tại Tòa án nguyên đơn ông Nguyễn Mạnh T trình bày: Nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp là do vợ chồng kỵ Nguyễn Văn H là kỵ tổ thuộc dòng họ tộc của ông đã khai phá làm nương, làm ruộng. Khi tuổi cao, sức yếu kỵ đã phân chia cho các con, cháu, trong đó phần của ông nội của ông tên là cụ Nguyễn Văn T3, sau này ông là người được hưởng thừa kế. Trước năm 1945, đời ông bà ông đều làm nương, làm mộng, đến thời kỳ chiến tranh thì không ai canh tác mà cho đất nghỉ. Từ năm 1978 - 1979, thế hệ ông mới rủ nhau vào làm nương trồng sắn, ngô. Sau khi đoàn công tác đi xác minh đất, thời kỳ đó còn có cả bà T1 tham gia, thì ngày 10/12/1992 ông đã được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B936269. Từ năm 1993 gia đình ông đã được đóng thuế đất cho Nhà nước đầy đủ lên thôn, xã V, cho đến khi Nhà nước xóa bỏ thuế mộng đất cho nhân dân, suốt thời gian dài phần ai người ấy làm không có sự tranh chấp. Đến năm 2014 không biết lý do gì bà Nguyễn Thị T1 tự ý vào tranh chấp toàn bộ thửa đất số 189, tờ bản đồ số 11, nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B936269 của gia đình ông, trong khi các con, cháu của ông đang trồng sắn, trong đó có cả đất của gia đình ông Đ, ông V1 liền kề với đất mầu nhà ông cũng bị bà T1 tranh chấp. Bà T1 chỉ nói đất của ông cha để lại, còn bà không có giấy tờ nào để chứng minh là đất của gia đình bà. Dòng tộc của ông đã họp bàn, có giải quyết bằng tình cảm, phân tích, động viên nhưng bà T1 vẫn không nghe. Ông đã làm đơn ra UBND xã V để hoà giải nhưng không thành. Nay ông làm đơn khởi kiện đến Tòa án để đề nghị giải quyết, buộc vợ chồng bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn T2 phải trả cho gia đình ông 1.700m2 đất mầu vườn tạp, thuộc thửa số 189, tờ bản đồ số 11, bản đồ giải thửa xã V, do UBND huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B936269, ngày 10/12/1992 cho người sử dụng đất là ông Nguyễn Mạnh T. Đồng thời buộc bà T1 phải bồi thường cho gia đình ông số tiền 4.440.000đ (Bốn triệu bốn trăm bốn mươi nghìn đồng) do bà T1 phá hoại hoa màu trên đất của con cháu ông. Cơ sở chứng minh diện tích đất mầu gia đình bà Nguyễn Thị T1 đang lấn chiếm của gia đình ông là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B936269 mang tên ông Nguyễn Mạnh T, do UBND huyện B cấp cho ông ngày 10/12/1992 có diện tích 1.700m2 đất mầu vườn tạp, thuộc thửa số 189, tờ bản đồ số 11.
Bị đơn bà Nguyễn Thị T1 trình bày: Bà không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Mạnh T, vì diện tích đất hai gia đình nhà bà với nhà ông T đang tranh chấp là đất rừng, không phải đất mầu. Nguồn gốc đất do bố mẹ đẻ của bà khai phá từ năm 1947 khi ra ở riêng. Bố bà là ông Nguyễn Văn V2, sinh năm 1902, mẹ Nguyễn Thị Đ1, sinh năm 1907. Thời điểm được giao đất, gia đình bà được Nhà nước giao cho quản lý, sử dụng là một quả đồi độc lập, có 03 khe suối cạn xác định ranh giới với các hộ liền kề, từ mặt bằng có khe chảy ngang ngăn cách thẳng lên đến đỉnh đồi phía đông nam giáp đồi mồ mả nhà ông T, ông N, ông T4, phía tây nam giáp nhà ông Hoàng Long T5 diện tích đất rừng của gia đình bà là 2,5 ha.
Năm 1982 Nhà nước cấp sổ bìa xanh, sơ đồ lâm bạ cho gia đình bà, ngày 30/6/1992 được chuyển sang sổ bìa đỏ, thời điểm đó bà làm đội trưởng sản xuất (nay là trưởng thôn) bà có được đi tập huấn 7 ngày sau đó cùng đoàn công tác đi giao đất giao rừng cho các hộ gia đình trong thôn. Đoàn công tác gồm có ông Nguyễn Văn L người Hà Tây nhưng đến hiện nay bà không biết ông L ở đâu. Khi giao đất tại vị trí đất tranh chấp là đất rừng của bà chứ không phải đất mầu của vợ chồng ông T. Vì không có đất canh tác nên năm 1993 bà Hoàng Thị Đ vợ ông T có đến hỏi mượn gia đình nhà bà một mảnh nương để trồng sắn có diện tích khoảng là 1.700 m2 đất, sau đó ông T bà Đ lại cho bà Nguyễn Thị Đ1 (cháu dâu của vợ chồng ông T) mượn lại để trồng mầu. Được một thời gian sau bà Đ1 cũng không có nhu cầu sử dụng nữa vì canh tác không hiệu quả nhưng ông T bà Đ cũng không trả lại đất, thậm trí ngày 27 tháng 5 năm 2005 (âm lịch) ông T còn tự ý chôn người chết và xây dựng 04 mồ mả trên đất vườn rừng của nhà bà. Đến năm 2015 bà đã trồng cây xoan, cây keo, cây hóp thì ông T xui người khác đi nhổ lên không cho bà và gia đình bà canh tác trên diện tích đất đó. Chứng cứ chứng minh cho sự phản đối của bà là: Sổ lâm bạ hộ gia đình Nguyễn Văn T2 được lập ngày 30/6/1992 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số M331746, do UBND huyện B cấp ngày 18/5/1998 cho người sử dụng đất là hộ ông Nguyễn Văn T2 chồng bà. Vì lý do trên bà không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông T, đồng thời yêu cầu ông T bốc 04 mồ mả của người thân của ông T mà ông T đã tự ý chôn cất từ năm 2005 để trả lại đất vườn rừng cho gia đình bà canh tác.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hoàng Thị Đ trình bày: Bà đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Mạnh T chồng bà. Bà phản đối lời khai của bà T1 cho rằng bà đã mượn đất nhà bà T1 như bà T1 đã trình bày. Quan điểm của bà nếu bà T1 nói bà mượn đất thì phải có giấy tờ chứng minh, ai làm chứng bà T1 phải nêu ra. Diện tích đất tranh chấp thực tế gia đình bà là người sử dụng, bà là người nộp thuế, được UBND huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bà bác bỏ toàn bộ lời khai của bà T1. Về nguồn gốc diện tích đất bà T1 tranh chấp của gia đình bà, thì từ ngày bà về làm dâu đến nay đã được gia đình kể lại là do ông tổ của ông T (chồng bà) khai phá. Căn cứ chứng minh gồm có các nhân chứng: Ông Nguyễn Văn C, bà Nguyễn Thị H2 và ông Nguyễn Ngọc T4 đều trú tại thôn M, xã V hiện vẫn còn sống nên bà đề nghị Tòa án xác minh làm rõ.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn T2 trình bày: Ông nhất trí với những ý kiến bác bỏ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà bà Nguyễn Thị T1 vợ ông đã trình bày. Đất rừng nhà ông rõ ràng là bà Đ mượn vợ chồng ông nhưng không hiểu vì lý do gì lại chuyển thành đất mầu để làm sổ bìa đỏ. Khi giao đất giao rừng vợ chồng ông T không hề được giao trên diện tích đất này, do đó vợ chồng ông Nguyễn Mạnh T và bà Hoàng Thị Đ khởi kiện vợ chồng ông là hoàn toàn sai. Ông đề nghị Tòa án xử bác yêu cầu của ông Nguyễn Mạnh T.
Tại Bản án số 05/2017/DS-ST ngày 22/9/2017, Tòa án nhân dân huyện B quyết định:
Căn cứ khoản 9 Điều 26, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, Điều 158 của Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ Điều 184; khoản 3 Điều 221; Điều 224 của Bộ luật dân sự 2015; căn cứ Điều 24; các khoản 1, 2, 5 Điều 48, khoản 1 Điều 49 Luật đất đai năm 1987; khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 97, khoản 5 Điều 98 Luật đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 quy định về án phí, lệ phí Tòa án; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Mạnh T. Buộc bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn T2 trả lại cho vợ chồng ông Nguyễn Mạnh T, bà Hoàng Thị Đ diện tích đất màu đã lấn chiếm là 1.799,2 m2 tại thửa đất số 189, tờ bản đồ số 11, bản đồ giải thửa xã V. Cụ thể tứ cận thửa đất như sau:
- Phía Đông: Giáp đất rừng bà Nguyễn Thị T1 dài 6,8 + 15,5 + 10,3 + 12,4 + 11,8 + 4,9 + 7,1 + 8m + 10,4m. Ranh giới được xác định là hào đất, phần hào rộng nhất là 0,4m.
- Phía Tây: Giáp đất ông Nguyễn Ngọc T4, ông Hoàng Hồng S, ông Triệu Quốc Tư dài 33m + 19,1m + 9,3m + 2,6m + 9m + 15,5m +5,2m + 7,4m. Ranh giới được xác định với hộ liền kề là mương nước rộng 0,6m
- Phía Nam: Giáp đất ông Nguyễn Đình Đ2 (vợ là Hoàng Thị H1) dài 29,1m + 9,7m. Ranh giới được xác định có rãnh thoát nước.
- Phía Bắc: Giáp lối đi, được tính từ các điểm D, E dài 15,8m. Ranh giới được xác định là khe đồi, một phần có hào đất rộng 0,6m. (Có sơ đồ thửa đất kèm theo)
Trên đất có 01 ngôi mộ nhưng do không tu bổ nên chỉ còn một phần đất hơi nhô lên và không còn hình dáng của ngôi mộ. Phía đông giáp bờ hào có 05 cây cọ thấp hơn 01m và có 117 cây lâm nghiệp, đường kính khác nhau, cụ thể như sau:
D16 = 01 cây; D26 = 02 cây; D18 = 01 cây; D15 = 03 cây; D8 = 11 cây; D11 = 03 cây; D6 = 12 cây; D9 = 04 cây; D5 = 18 cây; D14 = 02 cây; D4 = 06 cây; D3 = 05 cây; D7 = 10 cây; D12 = 03 cây; D13 = 01 cây; D1- 2 = 35 cây. (D ký hiệu là đường kính).
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28/9/2017 bà Nguyễn Thị T1 và ông Nguyễn Văn T2 có đơn kháng cáo với nội dung: Không nhất trí với nội dung bản án sơ thẩm số 05/2017/DS-ST ngày 22/9/2017 của TAND huyện B về việc buộc ông, bà phải trả lại đất cho gia đình ông T. Đề nghị Tòa phúc thẩm xét xử lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn bà Nguyễn Thị T1 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc bị đơn bà Nguyễn Thị T1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn T2 trả lại diện tích đất lấn chiếm là 1.799,2m2 cho hộ ông Nguyễn Mạnh T quản lý, sử dụng là có căn cứ và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS năm 2015 giữ nguyên Bản án số 05/2017/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện B.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Xét kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị T1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn T2, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] Nguồn gốc đất: Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, trên cơ sở xác minh đối với ông Nguyễn Ngọc T4 sinh năm 1939; ông Nguyễn Văn C sinh năm 1933 và bà Nguyễn Thị H2 sinh năm 1930, là những người sống lâu năm, được sinh ra lớn lên và hiện đang sinh sống tại thôn M, xã V, huyện B, tỉnh Hà Giang (BL số 83 đến BL số 87) đều khẳng định nguồn gốc, diện tích đất đang tranh chấp là do cụ Nguyễn Văn T3 (là ông nội của ông Nguyễn Mạnh T) quản lý, sử dụng từ những năm 1945, đến năm 1981 cụ Tinh giao cho ông T là cháu trai ông quản lý, sử dụng. Như vậy về nguồn gốc, diện tích đất theo nội dung đơn khởi kiện và quá trình xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm xác định nguồn gốc đất là của ông Nguyễn Mạnh T do ông Nguyễn Văn T3 giao quản lý, sử dụng là có căn cứ.
[2] Quá trình quản lý, sử dụng: Diện tích đất 1.799,2m2 đã được Ủy ban nhân dân huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/12/1992 cho người sử dụng là ông Nguyễn Mạnh T. Từ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ ông Nguyễn Mạnh T sử dụng ổn định, liên tục, ngay tình đến năm 2014 mới xảy ra tranh chấp. Quá trình sử dụng đất được bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn T2 thừa nhận tại bản tự khai (BL số 31); Biên bản hòa giải tại Tòa án (BL số 91 - 92). Phần giáp ranh giữa hai hộ, gia đình bà T1 có hào đất rộng khoảng 40cm để phân định ranh giới. Quá trình xem xét, thẩm định tại chỗ bà T1, ông T2 đều khẳng định là do vợ chồng ông T, bà Đ đào vào những năm 1993 - 1994. Như vậy, diện tích đất đang tranh chấp 1.799,2m2 không nằm trong diện tích đất rừng 2,5ha tại thửa số 74 của hộ gia đình bà Nguyễn Thị T1. Mặt khác, Hội đồng xét xử xét thấy quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, trong đó có hộ ông Nguyễn Mạnh T tại thời điểm năm 1992 là đúng quy định của pháp luật.
[3] Về diện tích đất tranh chấp: Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ đã xác định được diện tích đất tranh chấp là 1.799,2m2 thuộc thửa số 189, tờ bản đồ số 11 bản đồ địa chính xã V được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Mạnh T là đất mầu hoàn toàn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Việc bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn T2 cho rằng diện tích 1.799,2m2 nằm trong đất vườn rừng của gia đình bà là không có căn cứ vì diện tích đất vườn rừng 84.854,7m2 của hộ gia đình bà T1, ông T2 thuộc thửa số 74. Mặt khác bà T1, ông T2 cho rằng vợ chồng ông T, bà Đ mượn đất của vợ chồng bà để canh tác từ năm 1993. Quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm bà T1, ông T2 không đưa ra tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp ngoài những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn T2 trả lại cho vợ chồng ông Nguyễn Mạnh T, bà Hoàng Thị Đ diện tích đất mầu đã lấn chiếm là 1.799,2m2 là có căn cứ.
Từ sự phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ pháp luật không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị T1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn T2 về việc không nhất trí trả lại diện tích đất mầu 1.799,2m2 cho ông Nguyễn Mạnh T, bà Hoàng Thị Đ. Giữ nguyên bản án số 05/2017/DS-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện B.
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Hội đồng xét xử xét thấy bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn T2 là người cao tuổi, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án thì bà T1, ông T2 được miễn tiền án phí phúc thẩm dân sự.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308; khoản 9 Điều 26, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, Điều 158 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Căn cứ Điều 184; khoản 3 Điều 221; Điều 224 của Bộ luật dân sự 2015. Căn cứ Điều 24; khoản 1, 2, 5 Điều 48, khoản 1 Điều 49 Luật Đất đai năm 1987. Khoản 2 Điều 5; khoản 2 Điều 97; khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013; Khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 quy định về án phí, lệ phí Tòa án; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Xử:
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị T1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn T2. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 05/2017/DS-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện B.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Mạnh T. Buộc bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn T2 trả lại cho vợ chồng ông Nguyễn Mạnh T, bà Hoàng Thị Đ diện tích đất màu đã lấn chiếm là 1.799,2 m2 tại thửa đất số 189, tờ bản đồ số 11, bản đồ giải thửa xã V. Cụ thể tứ cận thửa đất như sau:
- Phía Đông: Giáp đất rừng bà Nguyễn Thị T1 dài 6,8 + 15,5 + 10,3 + 12,4 + 11,8 + 4,9 + 7,1 + 8m + 10,4m. Ranh giới được xác định là hào đất, phần hào rộng nhất là 0,4m.
- Phía Tây: Giáp đất ông Nguyễn Ngọc T4, ông Hoàng Hồng S, ông Triệu Quốc Tư dài 33m + 19,1m + 9,3m + 2,6m + 9m + 15,5m + 5,2m + 7,4m. Ranh giới được xác định với hộ liền kề là mương nước rộng 0,6m
- Phía Nam: Giáp đất ông Nguyễn Đình Đ2 (vợ là Hoàng Thị H1) dài 29,1m + 9,7m. Ranh giới được xác định có rãnh thoát nước.
- Phía Bắc: Giáp lối đi, được tính từ các điểm D, E dài 15,8m. Ranh giới được xác định là khe đồi, một phần có hào đất rộng 0,6m. (Có sơ đồ thửa đất kèm theo)
Trên đất có 01 ngôi mộ nhưng do không tu bổ nên chỉ còn một phần đất hơi nhô lên và không còn hình dáng của ngôi mộ. Phía đông giáp bờ hào có 05 cây cọ thấp hơn 01m và có 117 cây lâm nghiệp, đường kính khác nhau, cụ thể như sau:
D16 = 01 cây; D26 = 02 cây; D18 = 01 cây; D15 = 03 cây; D8 = 11 cây; D11 = 03 cây; D6 = 12 cây; D9 = 04 cây; D5 = 18 cây; D14 = 02 cây; D4 = 06 cây; D3 = 05 cây; D7 = 10 cây; D12 = 03 cây; D13 = 01 cây; D1- 2 = 35 cây (D ký hiệu là đường kính).
2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn T2 được miễn toàn bộ án phí dân sự có giá ngạch. Trả lại cho ông Nguyễn Mạnh T số tiền tạm ứng án phí 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện B theo biên lai số 03011, ngày 17/11/2016.
3. Về chi phí tố tụng khác: Buộc bà Nguyễn Thị T1 phải trả cho ông Nguyễn Mạnh T số tiền 2.000.000đ (Hai triệu đồng) chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, do ông T đã nộp tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ trong quá trình giải quyết vụ án.
4. Án phí phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn T2 được miễn án phí phúc thẩm dân sự.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 12/2017/DS-PT ngày 26/12/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 12/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/12/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về