TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 120/2018/HS-PT NGÀY 04/04/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 04 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 48/2018/HSPT ngày 05/02/2018 đối với bị cáo Lò Văn C và Thào A Q, về tội “Cố ý gây thương tích”. Do có kháng cáo của các bị cáo Lò Văn C, Thào A Q đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 25/2017/HSST ngày 28/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Họ và tên: Lò Văn C, S ngày 09/5/1999 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Thôn E, xã P, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: S viên; trình độ học vấn: Lớp 12/12; dân tộc: H’Mông; tôn giáo: Tin lành; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Lò Seo V và bà Khoảng Thị M; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại - Có mặt tại phiên tòa.
2. Họ và tên: Thào A Q, S ngày 05/12/1999; tại tỉnh Hà Giang; Nơi cư trú: Thôn E, xã P, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: Lớp 6/12; dân tộc: H’Mông; tôn giáo: Tin lành; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Thào A T (đã chết) và con bà Hầu Thị D; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại - Có mặt tại phiên tòa.
Ngoài ra, trong vụ án này còn có 03 bị cáo nhưng không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.
Những người tham gia tố tụng khác:
- Người bị hại:
1. Anh Và Bá D1, S năm 1992; Vắng mặt.
2. Anh Lý Seo C1, S năm 1997; Vắng mặt.
Cùng trú tại: Thôn A, xã S, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
- Người bào chữa cho bị cáo Lò Văn C: Bà Trần Thị Phương L, S năm 1984 – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Thào A Q: Ông Nguyễn Hữu H, S năm 1970 – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.
- Người phiên dịch tiếng H’Mông: Ông Sùng A P, S năm 1996; trú tại: Làng C, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông; Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 21 giờ ngày 05/7/2017, Lò Văn C điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 47K1-128.18 chở Lý Văn S đi chơi thì gặp Vàng Mỹ C2, Phàn Văn T1, Thào A Q và Thào Văn C3 đang ngồi chơi tại ngã ba gần trạm Phân Trường B, thuộc Công ty Lâm Nghiệp B. Lò Văn C nói mới gặp người lạ vào thôn, nói “Chúng mình chặn đánh bọn họ đi” thì tất cả đồng ý. Lúc đi Q nhặt một cây sắn khô ở bên đường và điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 47K1- 206.11 chở C3 ngồi sau, S điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 47K1-128.18 chở C, còn T1 cầm một cây sắt và điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 47K1- 132.03 chở C2 ngồi sau cầm một con dao. Tất cả đi đến khu vực C, thuộc thôn E, xã P thì giấu xe gần bờ suối rồi đi bộ lên đường ngồi chờ nhóm thanh niên lạ để chặn đánh. Trong lúc đợi, Q vứt cây sắn khô vào bụi cây ven đường thì T1 đưa cây sắt đang cầm trên tay cho Q, còn T1 nhặt một cây tre. Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, T1, Q, C3 và C đứng một chỗ trên đường, C2 đứng ở phía sau. S thấy các bạn cầm hung khí thì không nói gì và đi bộ một mình về hướng thôn E được 15m, thấy ánh đèn của xe mô tô đang từ hướng thôn E đi ra nên núp vào bên đường. T1, Q, C3 chặn xe đi trước để đánh, còn C chặn xe đi sau. Q cầm cây sắt đánh trúng đầu của Và Bá D1. T1 cầm cây tre đánh trúng tay phải của Lý Seo C1 và C3 dùng tay không đánh Lý Seo C1. C dùng tay không định đánh Già Bá C4 và Thò Bá X, nhưng khi C đưa tay lên để đánh thì C4 và X nói đừng đánh em nên C dừng lại. C2 cầm dao đứng gần chỗ đánh nhau nhưng thấy mọi người đánh nên sợ vứt dao vào bên đường rồi đứng tại đó. Đánh xong thì T1, Q, C3, C chạy bộ về hướng thôn E, thấy vậy S cũng bỏ chạy theo còn C3 sợ quá không chạy được nên bị giữ lại. Thò Bá X và Già Bá C4 thấy Và Bá D1 bị thương nên quay xe lại đưa D1, C1 cùng Vàng Mỹ C2 đến thôn E báo Ban tự quản thôn và đưa D1 đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đ.
Tại Bản kết luận pháp y thương tích số: 1001/PY-TgT ngày 11/8/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đ kết luận, Và Bá D1 bị chấn thương, nứt sọ, dập não, tụ máu nội sọ, tỷ lệ thương tích là 30%, vật tác động cứng, tày.
Lý Seo C1 bị thương nhẹ và đã tự nguyện làm đơn từ chối giám định thương tích nên Cơ quan điều tra không đề cập đến thương tích của C1.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 25/2017/HSST ngày 28/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm n khoản 1 Điều 48; Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội khóa 14; khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lò Văn C 03 (Ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69; khoản 1 Điều 74; Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội khóa 14; khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Thào A Q 02 (Hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định hình phạt đối với các bị cáo khác, về trách nhiệm dân sự, xử lý vậtchứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng.
Ngày 24/12/2017, bị cáo Thào A Q kháng cáo xin hưởng án treo.
Ngày 03/01/2018, bị cáo Lò Văn C kháng cáo xin hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu.
Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015) là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và hậu quả do các bị cáo gây ra. Cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo và tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ nào mới. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lò Văn C và Thào A Q, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm về hình phạt.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Người bào chữa cho bị cáo Lò Văn C là bà Trần Thị Phương L cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm chưa áp dụng Điều 47 BLHS cho bị cáo khi có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS là làm bất lợi cho bị cáo. Mức hình phạt 03 năm tù đối với bị cáo C là quá nghiêm khắc vì cấp sơ thẩm chưa xem xét đến các tình tiết như bị cáo là người dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức pháp luật rất hạn chế, bị cáo còn trẻ nên có tính bồng bột và hiếu thắng. Bị cáo C không trực tiếp gây thương tích cho anh D1, thương tích 30% của anh D1 là nằm ngoài ý chí của bị cáo C. Sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bị cáo đã chủ động tác động và cùng với gia đình đến nhà người bị hại để xin lỗi và tự nguyện bồi thường thiệt hại. Số tiền mà các bị cáo các bị cáo đã bồi thường cho anh D1 là 35.400.000đ, cho anh C1 là 2.600.000đ, trong đó bị cáo C bồi thường 6.040.000đ. Tổng mức bồi thường này là cao hơn so với thiệt hại thực tế của 02 người bị hại. Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lò Văn C, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo để xử bị cáo mức hình phạt nhẹ hơn mức hình phạt của bản án sơ thẩm.Người bào chữa cho bị cáo Thào A Q là ông Nguyễn Hữu H trình bày: Mức hình phạt 02 năm tù đối với bị cáo Q là có phần nghiêm khắc, bị cáo Q có hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm, mẹ bị bệnh nan y và ốm đau thường xuyên, bị cáo là người dân tộc thiểu số và tại thời điểm phạm tội bị cáo chưa thành niên nên nhận thức về pháp luật và xã hội còn hạn chế. Bị cáo Q chỉ là đồng phạm giản đơn, đã chủ động bồi thường cho bị hại, sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, nên đề nghị HĐXX cho bị cáo Q hưởng án treo để thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật nhà nước ta.
Các bị cáo không bào chữa, tranh luận gì với quan điểm của Viện kiểm sát chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý kết luận: Khoảng 21 giờ ngày 05/7/2017, các bị cáo Lò Văn C, Thào A Q, Phàn Văn T1, Thào Văn C3 và Lý Văn S đã vô cớ dùng hung khí đánh anh Và Bá D1 gây thương tích với tỷ lệ 30%. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015) là có căn cứ, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[2] Xét kháng cáo xin được hưởng án treo của các bị cáo Lò Văn C và Thào A Q, HĐXX phúc thẩm nhận thấy:
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Mặc dù không có mâu thuẫn gì nhưng các bị cáo đã vô cớ đánh anh Và Bá D1 với tỷ lệ thương tích là 30% đã thể hiện tính côn đồ của các bị cáo. Trong vụ án, các bị cáo tham gia với vai trò thực hiện hành vi phạm tội khác nhau: Đối với bị cáo Lò Văn C chưa đánh ai và thương tích của bị hại không phải do bị cáo gây ra nhưng bị cáo là người khởi xướng và rủ rê các bị cáo khác cùng thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho anh Và Bá D1, ngoài ra bị cáo còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng xúi giục người chưa thành niên phạm tội theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015; Đối với bị cáo Thào A Q là người thực hiện hành vi phạm tội tích cực nhất, toàn bộ thương tích của bị hại do bị cáo gây ra nên cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt cách ly các bị cáo ra ngoài đời sống xã hội một thời gian là phù hợp với quy định pháp luật. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả xảy ra, nhân thân và vai trò của các bị cáo. Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về hình phạt đối với các bị cáo Lò Văn C và Thào A Q.
[3] Về án phí: Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì các bị cáo thuộc trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo nên được miễn nộp tiền án phí hình sự phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
[1] Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lò Văn C và Thào A Q. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 25/2017/HSST ngày 28/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt đối với các bị cáo Lò Văn C và Thào A Q.
- Áp dụng khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lò Văn C 03 (Ba) năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
- Áp dụng khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 91; khoản 1 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Thào A Q 02 (Hai) năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
[2] Về án phí: Các bị cáo Lò Văn C, Thào A Q được miễn nộp án phí hình sự phúc thẩm.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 120/2018/HS-PT ngày 04/04/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 120/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 04/04/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về