TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 119/2019/DS-PT NGÀY 31/10/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GÓP VỐN SẢN XUẤT VÀ MUA BÁN GIỐNG CAO SU
Ngày 31 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 73/2019/DSPT ngày 21 tháng 5 năm 2019 về “Tranh chấp hợp đồng góp vốn sản xuất và mua bán giống cao su”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2019/DS-ST ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện B bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 112/2019/QĐPT-DS ngày 07/8/2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 57/2019/QĐ-PT ngày 19/8/2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 67/2019/QĐ-PT ngày 17/9/2019, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 24/2019/QĐPT-DS ngày 02/10/2019 và Thông báo tiếp tục phiên tòa số 22/TB-TA ngày 21/10/2019; giữa các đương sự:
* Nguyên đơn:
1. Ông Lê Đình C, sinh năm 1965, địa chỉ: Tổ 7, ấp 4, xã A, huyện B, tỉnh Bình Phước (có mặt).
2. Ông Nguyễn Công L, sinh năm: 1948, địa chỉ: Ấp C, xã D, huyện E, tỉnh Bình Dương (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Công L: Luật sư Ngô Quốc C- Văn phòng luật sư Quốc Tế, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước.
* Bị đơn: Ông Trần Văn N, sinh năm 1956, địa chỉ: Tổ 03, ấp 01, xã I, huyện B, tỉnh Bình Phước (có mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của ông N: Ông Trịnh Tiến T, sinh năm 1969, trú tại: Ấp G, xã H, huyện B, tỉnh Bình Phước (Ủy quyền tại phiên tòa ngày 25/9/2019, có mặt).
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Nguyễn Công H, sinh năm: 1988, địa chỉ: Ấp C, xã D, huyện E, tỉnh Bình Dương (có mặt).
2. Bà Phạm Thị D, sinh năm: 1965, địa chỉ: Tổ 7, ấp 4, xã A, huyện B, tỉnh Bình Phước (có mặt).
* Người làm chứng:
1. Ông Trần Cao Q, sinh năm1950, địa chỉ: Ấp 1, xã K, huyện L, tỉnh Bình Dương (xin vắng mặt)
2. Ông Đỗ Thành Đ, sinh năm 1956, địa chỉ: Số 179, tổ 8, ấp 2, xã H, huyện B, tỉnh Bình Phước (xin vắng mặt).
* Người kháng cáo: Bị đơn ông Trần Văn N.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 14 tháng 9 năm 2017, quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn nguyên đơn ông Lê Đình C và ông Nguyễn Công L thống nhất trình bày:
Vào tháng 10 năm 2012, ông Lê Đình C, ông Nguyễn Công L, ông Trần Văn N cùng thỏa thuận thống nhất góp vốn để cùng đầu tư làm vườn trồng ươm giống cao su với số lượng lớn cung cấp bán giống cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển N có trụ sở tại 129 Bà Triệu, thành phố M, tỉnh Kon Tum do ông Lê Đức Th làm Giám đốc đại diện cho công ty này. Việc thỏa thuận không lập văn bản mà chỉ bàn bạc thỏa thuận miệng với nhau, sau này thì ông Lê Đình C, ông Nguyễn Công L, ông Trần Văn N mới tiến hành làm thỏa thuận góp vốn tại“Văn bản xác nhận thỏa thuận góp vốn – chia lãi 3/3” ký ngày 26/01/2016. Việc góp vốn được thực hiện làm nhiều lần, ông N là người giữ vốn để làm, tiền vốn góp ban đầu thì ông C đưa cho ông N là 550.000.000đồng, ông L đưa 60.000.000đồng còn phần của ông N là 100.000.000đồng, tổng cộng là 710.000.000đồng, số tiền này ông N cầm để đi mua cây, vật tư, chuyển xe để đem lên trên Nông trường 5, huyện S, tỉnh KonTum. Việc giao tiền cho ông N thì ông C, ông L và ông N không lập biên bản gì cả. Trong thời gian thực hiện việc trồng vườn ươm thì ông C và ông L cùng trực quản lý công làm, thuê công, chi phí ăn uống và các chi phí phát sinh trong quá trình quản lý vườn ươm theo đó số tiền tôi đã chi phí thêm là 81.600.000 đồng, ông L chi phí thêm 91.292.000đồng. Số tiền chi phí do ông C và ông L bỏ ra thì ông L tiến hành ghi chép. Sau khi bàn giao vườn cây cho công ty N thì mọi giao dịch giao vườn cây và nhận tiền đều do ông N đảm nhận.
Trong việc góp vốn thì ông C, ông L và ông N đã thỏa thuận thống nhất đầu tư góp vốn (tổng các chi phí đã bỏ ra, trong đó ngoài phần vốn góp ban đầu ông C, ông L đã đưa cho ông N thì ông C cũng đã chi thêm là 81.600.000 đồng, ông L chi phí thêm 91.292.000đồng và thống nhất lời lãi chia làm 3 phần mỗi người hưởng một phần, còn phần vốn thì hoàn trả lại cho người góp vốn. Sau khi tính toán lại thì số vốn góp từng người đã góp vào để đầu tư vườn cây trồng tum là như sau: ông Nguyễn Công L góp 151.000.000 đồng, ông Lê Đình C góp 631.000.000 đồng, ông Lê Văn Nòng góp 100.000.000đồng. Tổng cộng số vốn đã góp vào để đầu tư là 882.000.000đồng. Trong thời gian kinh doanh là 01 năm thì số tiền thu được từ việc bán cây cho Công ty N là 245.263 cây giống được số tiền là 2.633.011.500đồng, bán cây cho ông Đông tại nông trường số cây là sáu mươi ngàn cây được 150.000.000đồng. Tổng cộng là 2.693.011.000 đồng. Sau khi tính toán thì trừ các khoản chi phí mua sắm vật tư và những chi phí đầu tư do ông N đã chi ra là 1.271.000.000đồng (trong đó đã trả cho tôi Cần được số tiền 550.000.000đồng, trả cho tôi Liêm được số tiền 60.000.000đồng, trả cho ông N số tiền vốn góp 100.000.000đồng, số tiền còn lại thì là những chi phí để thực hiện việc vận chuyển để bán được số tiền trên). Số tiền còn lại là 1.421.410.000đồng thì ông N cất giữ từ khi phía Công ty N trả và ông N là người nhận toàn bộ số tiền bán cây.
Như vậy, ông N còn giữ của ông L số tiền 91.000.000đồng tiền góp vốn ban đầu, ông C số tiền 81.000.000đồng tiền góp vốn ban đầu nên ông C và ông L đề nghị ông N phải trả cho họ khoản tiền này. Đồng thời, số tiền còn lại thì ông L, ông C đã thuê công để làm vườn nhưng ông N không đưa tiền để trả cho họ, số tiền còn nợ là 73.000.000đồng thì sau khi trừ số tiền này thì số tiền còn lại là lãi (lợi nhuận) khi thực hiện việc bán vườn tum thì ông N phải chia cho ông C và ông L theo như thỏa thuận ban đầu đã cam kết thống nhất với nhau, cụ thể là: 1.176.410.000 chia cho 03 phần thì mỗi người sẽ được hưởng là: 392.136.000đồng. Hiện nay ông N đang giữ toàn bộ số tiền này nên ông N phải trả lại cho ông C và ông L.
Vì vậy, ông C và ông L yêu cầu ông N phải trả lại cho họ, trong đó trả cho ông Lê Đình C số tiền 473.136.000 đồng, trả cho ông Nguyễn Công L số tiền 483.136.000 đồng tương ứng với lợi nhuận và tiền vốn góp ban đầu còn lại.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay bị đơn ông Trần Văn N trình bày trình bày:
Ông Trần Văn N không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Đình C và ông Nguyễn Công L về yêu cầu ông N phải trả cho ông Lê Đình C số tiền 473.136.000 đồng, trả cho ông Nguyễn Công L số tiền 483.136.000 đồng Vì giữa ông N và ông C, ông L không có thỏa thuận góp vốn, cụ thể vào tháng 10 năm 2012 ông N có ký hợp đồng với công ty N để cung cấp một lượng stum cao su, do số vốn đầu tư nhiều nên ông N có rủ ông C, ông L cùng góp vốn để làm, thì giữa ông N và ông C, ông L có thỏa thuận góp vốn để ươm vườn ươm cao su tại Nông trường 5, huyện S, tỉnh KonTum, theo hình thức đầu tư làm hết bao nhiêu tiền thì chia 3 phần, mỗi người góp một phần. Sau khi thỏa thuận xong thì ông C, ông L lên Nông trường để cùng làm với ông N, vốn ban đầu là do ông N bỏ ra chi phí, ông C, ông L không góp vốn như thỏa thuận nhưng ông C, ông L có lên phụ cùng trông coi công thợ được một khoảng thời gian thì ông C, ông L không tiếp tục phụ làm nữa. Do ông C, ông L không góp vốn nên ông N phải tự đi vay vốn để làm theo tiến độ và ông N có vay của ông C tổng cộng nhiều lần tiền để đầu tư cây giống với số tiền từ năm 2012 – 2013 là 458.140.000đồng (số tiền này đều do vợ ông C đưa cho ông N). Tuy nhiên, số tiền này ông N đã trả cho ông C xong, ông N đã trả cho ông C số tiền 550.000.000đồng, trong đó có tiền ông N vay là 458.140.000đồng, tiền lãi suất và tiền làm công của ông C trong thời gian phụ giúp ông N, ông N trả cho ông L số tiền 60.000.000đồng là tiền công trong thời gian ông L phụ giúp ông N làm vườn ươm giống cao su. Như vậy, ông C và ông L không góp vốn đầu tư nên ông N không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của ông C và ông L
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị D trình bày:
Bà Phạm Thị D (vợ ông Lê Đình C) thống nhất như ý kiến trình bày của chồng bà D là ông Lê Đình C, ngoài ra bà D không trình bày gì thêm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Công H trong quá trình giải quyết vụ án trình bày:
Ông Nguyễn Công H (con ông Nguyễn Công L), ông H được ông Trần Văn N, ông Lê Đình C và ông Nguyễn Công L thuê làm công tư nhân, có nói miệng với nhau, làm chăm sóc cây cao su giống mỗi tháng sẽ trả cho ông H là 4.000.000đồng, thời gian ông H bắt đầu làm việc là từ ngày 01/03/2013 đến ngày 30/9/2013. Tổng thời gian làm việc là 07 tháng với tổng số tiền công là 28.000.000đồng. Nhưng vì lý do ông H là con ông L nên đã nói miệng với ông L là tiền công sau này để làm vốn làm ăn, trong quá trình làm công thì ông H về nhà và được ông N, ông L, ông C gọi đến bàn bạc và nói ở Nông trường còn khoảng 4.000 cây cao su giống do yếu còi nên chưa bán được nên ông C, ông N, ông L thống nhất cho ông H đi gom cây chăm sóc đến cuối năm 2013 thì ông L, ông N, ông C nói sẽ bán giùm ông H và được ông H đồng ý. Tổng số cây bán được là 4.200 cây với số tiền là 46.000.000 đồng nhưng khi bán xong thì ông C, ông N và ông L đã giữ luôn số tiền. Ông H nhiều lần liên hệ với ông N, ông C, ông L trả tiền công và tiền bán cây nhưng đều bị khất lượt, hứa hẹn mà không đưa tiền cho ông H.
Đến ngày 22 tháng 2 năm 2019, ông Nguyễn Công H có đơn yêu cầu rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng góp vốn sản xuất và mua bán giống cao su” với lý do ông H có việc cá nhân ở xa và không có thời gian giải quyết.
Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 06/2019/DS-ST ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện B đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Đình C, ông Nguyễn Công L.
- Buộc ông Trần Văn N có trách nhiệm trả cho ông Lê Đình C số tiền 228.333.333đồng (Hai trăm hai mươi tám triệu ba trăm ba mươi ba ngàn ba trăm ba mươi ba đồng).
- Buộc ông Trần Văn N có trách nhiệm trả cho ông Nguyễn Công L số tiền 228.333.333đồng (Hai trăm hai mươi tám triệu ba trăm ba mươi ba ngàn ba trăm ba mươi ba đồng).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.
Ngày 10/4/2019 và ngày 19/4/2019 bị đơn ông Trần Văn N có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Bị đơn ông N giữ nguyên nội dung kháng cáo.
- Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tại phiên tòa:
Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử, kể từ khi thụ lý vụ án và tại phiên toà, Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn N, hủy một phần bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện B đối với phần xác định lợi nhuận để phân chia lợi nhuận của các bên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Đình C và ông Nguyễn Công L:
[1.1] Về thỏa thuận hợp tác góp vốn làm ăn chung và phân chia lợi nhuận giữa các bên:
[1.1.1] Xét thấy, các bên đương sự trình bày có sự mâu thuẫn về thỏa thuận hợp tác góp vốn làm ăn chung với nhau, cụ thể: Theo các nguyên đơn là ông C và ông L thì vào ngày 30/10/2012 ông N có ký kết với Công ty cổ phần đầu tư phát triển N (sau đây viết tắt là: Công ty N), có trụ sở ở 129 Bà Triệu, thành phố M, tỉnh Kon Tum Hợp đồng kinh tế số 108/HĐKT/2012 về việc ươm giống cao su trồng năm 2013 với nội dung cơ bản là ông N có trách nhiệm ươm giống cao su cho Công ty N theo phương thức khoán gọn, số lượng 300.000 cây với tổng trị giá 3.225.000.000đồng. Do ông N không có đủ tiền để thực hiện hợp đồng nên mời ông C, ông L tham gia cùng làm với ông N. Do đó, ba ông gồm ông C, ông L, ông N có thỏa thuận miệng với nhau về việc cùng hợp tác góp vốn để đầu tư mua giống cây cao su về ươm tại địa điểm xã Morai, huyện S, tỉnh Kon Tum để cho ông N có cây cung cấp cho Công ty N theo hợp đồng số 108. Sau này do ông C và ông L đã góp vốn và công chăm sóc vào vườn cây nhưng ông N không trả lại tiền vốn góp và phân chia lợi nhuận cho ông C, ông L theo thỏa thuận. Do ông N không thực hiện đúng nghĩa vụ phân chia vốn và lãi theo cam kết, để có chứng cứ vào ngày 26/01/2016 ông C, ông L có yêu cầu ba bên cùng lập “Văn bản xác nhận thỏa thuận góp vốn –chia lãi 3/3” với nội dung: vào ngày 31/10/2012 “ba người chúng tôi Trần Văn N, Nguyễn Công L, Lê Đình C có nhận hợp đồng - làm trung - có thi công trung - nhận công trình - cắm bầu - cây giống cao su, vườn ươm cho công ty cổ phần ĐTPT N - TP KonTum: ươm đặt tại đất Nông trường 5 - cung cấp cho nông trường 5…” (bút lục 55). Còn bị đơn ông N thì cho rằng có việc các bên thỏa thuận góp vốn làm ăn chung như ông C, ông L trình bày nhưng đó chỉ là thỏa thuận ban đầu, khi bước vào thực hiện hợp đồng thì ông C, ông L không góp vốn như thỏa thuận mà chỉ lên tỉnh KomTom phụ cùng trông coi công thợ được một thời gian thì không làm nữa, nên không có sự góp vốn làm chung như trình bày của phía nguyên đơn.
[1.1.2] Hội đồng xét xử thấy rằng, các bên trình bày có sự mâu thuẫn như đã nêu trên nhưng căn cứ nội dung“Văn bản xác nhận thỏa thuận góp vốn – chia lãi 3/3” lập ngày 26/01/2016 thể hiện thì có chữ ký và chữ viết họ tên của cả ba người gồm ông C, ông L và ông N phía cuối văn bản. Mặc dù, ông N khẳng định chữ ký và chữ viết Trần Văn N phía dưới văn bản không phải là chữ của ông, nhưng theo Kết luận giám định số 09/2018/GĐ-PC4 ngày 06/02/2018 của Công an tỉnh Bình Phước kết luận chữ viết tên, ký tên “N, Trần Văn N” trong văn bản trên và các mẫu chữ ký tên của ông N là do một người ký ra. Bên cạnh đó, việc cung cấp cây giống cho Công ty N đã được thực hiện xong từ năm 2013 nhưng đến ngày 26/01/2016 các bên mới lập bản thỏa thuận trên, điều này phù hợp với trình bày của các nguyên đơn về việc các ông cho rằng do ông N không thực hiện đúng thỏa thuận thanh toán tiền gốc và phân chia lợi nhuận nên các ông yêu cầu viết bản cam kết để làm căn cứ. Bên cạnh đó, tại Biên bản hòa giải ở Ủy ban nhân dân xã I, ông N cũng thừa nhận có việc làm ăn chung. Vì vậy, có cơ sở khẳng định giữa ông N, ông C và ông L có thỏa thuận về việc góp vốn và phân chia lợi nhuận với nhau.
[1.2] Về số tiền vốn góp, thỏa thuận phân chia lợi nhuận của các bên và yêu cầu trả lại số vốn góp, thanh toán lợi nhuận của nguyên đơn ông C, ông L:
[1.2.1] Các đương sự không thống nhất được với nhau số tiền từng bên góp, các nguyên đơn cũng không chứng minh được số tiền ông C đã góp 631.000.000đồng, ông L đã góp 151.000.000đồng như trình bày của mình. Tuy nhiên, căn cứ nội dung tờ ghi chép có tiêu đề “Số tiền này Cần chi đi làm ươm giống cao su cho CTĐTPT N ở Nông trường 5” có thể hiện nội dung:“Tổng cộng tiền đưa bác Nòng đi làm tum năm 2012-2013 là … 458.140.000đ” và dòng chữ viết của ông N phía dưới nội dung trên:
“Gia đình chú Cần đã đưa số tiền trên để đi làm cây giống trên KonTum năm 2012 – 2013” (bút lục 161a) thì có căn cứ xác định ông C có đóng góp cho ông N (thông qua bà D) tổng số tiền là 458.140.000đồng (không phải 451.140.000đồng như cấp sơ thẩm đã nhầm lẫn). Đối với số tiền 60.000.000đồng mà ông L cho rằng ông đã góp cho ông N, mặc dù ông N không thừa nhận đây là tiền ông L góp và cho rằng đây là tiền ông chi trả cho ông L tiền công làm của hai cha con ông L nhưng lại trình bày mâu thuẫn về thời gian làm công và mức tiền chi trả cho cha con ông L (ông L và anh Hòa) đồng thời ông N cũng không có chứng cứ chứng minh cho lời trình bày về số tiền này là đúng nên có cơ sở xác định đây là số tiền ông L đã góp vốn làm ăn chung.
[1.2.2] Xét thấy các nguyên đơn yêu cầu ông N phải trả cho ông C số tiền 473.136.000 đồng, trả cho ông L số tiền 483.136.000 đồng mà các ông cho rằng đây là số tiền ông C, ông L đã đầu tư chi phí (vốn gốc) trong quá trình bỏ công sức chăm sóc vườn cây và tiền lợi nhuận thu được mà ông N chưa thanh toán. Nhưng lời trình bày này của các nguyên đơn không được ông N thừa nhận nên không có căn cứ xác định được ngoài số tiền 458.140.000đồng và số tiền 60.000.000đồng mà ông C, ông L đã góp như nêu trên thì trong số tiền các nguyên đơn khởi kiện có bao nhiêu tiền vốn các ông đã góp.
[1.2.3] Do các bên không chứng minh được chi phí đầu tư cho việc ươm 300.000 cây cao su giống, để có cơ sở xác định chi phí này thông qua đó xác định được số vốn góp của từng bên, Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện xác minh, lấy ý kiến tại ba đơn vị chức năng. Trong đó: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho rằng chi phí trên là 300.000 cây x 12.000đ/cây = 3.600.000.000đồng; Công ty cổ phần cao su Sa Thầy (trụ sở: 308E Phan Đình Phùng, P.Ngô Mây, TP.Kon Tum) chi phí trên trung bình là 300.000 cây x 14.248đồng/cây = 4.274.400.000đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước là 300.000 cây x 19.236đồng/cây = 5.770.800.000đồng. Nếu tính theo giá chi phí của các đơn vị trên thì số tiền mà các bên được thanh toán từ Công ty N sau khi đầu tư ươm giống là thấp hơn chi phí đầu tư. Tuy nhiên, theo thông tin tham khảo trên thị trường thì thực tế các hộ dân tự ươm giống theo thói quen và kinh nghiệm thì chi phí thấp hơn so với chi phí thực hiện ươm giống theo tiêu chuẩn kỹ thuật mà các cơ quan chuyên môn yêu cầu.
Đồng thời, tại phiên tòa các nguyên đơn cho rằng vào ngày 08/01/2016, ông N đã tự tay liệt kê các khoản chi phí mà ông N đã chi trong quá trình ươm giống trên tờ giấy có kẻ ô ly với tổng số tiền là 1.542.584.000đồng; mặc dù ông N cho rằng bản liệt kê trên ông chưa ký xác nhận phía dưới do ông chưa kê xong nhưng ông đã thừa nhận toàn bộ những chi tiết kê với tổng số tiền kê 1.542.584.000đồng là do ông viết ra. Do đó, Hội đồng xét xử có căn cứ xác định tổng số tiền vốn góp mà các bên đã bỏ ra để đầu tư mua cây giống, trồng và chăm sóc là 2.060.724.00 đồng, trong đó ông C góp 458.140.000đồng, ông L góp 60.000.000đồng, ông N góp 1.542.584.000đồng.
[1.2.4] Các bên đương sự cũng thừa nhận mặc dù ông N ký hợp đồng cung cấp cho Công ty N 300.000 cây giống nhưng thực tế chỉ cung cấp được cho công ty 245.263 cây giống đủ tiêu chuẩn nên chỉ được thanh toán trên số cây này với tổng số tiền là 2.633.011.000đồng. Các bên cũng thống nhất được số tiền Công ty N hiện còn nợ ông N là 48.000.000 đồng nên số tiền ông N thực nhận của Công ty N là 2.585.011.000 đồng. Như vậy, số tiền lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản tiền gốc mà các bên đã đóng góp là: 2.585.011.000 đồng – 2.060.724.000 đồng = 524.287.000 đồng.
[1.2.5] Do các bên đương sự đều cho rằng các bên có thỏa thuận phương án phân chia lợi nhuận nhưng lại trình bày mâu thuẫn, cụ thể: Nguyên đơn thì cho rằng lợi nhuận được tính theo phương thức: Số tiền thu được sau khi giao cây sẽ trích trả cho số vốn gốc mỗi bên đóng, người nào đóng bao nhiêu vốn gốc sẽ được tính lãi suất theo mức lãi suất ngân hàng quy định khi cho khách hàng vay tiền vào thời điểm các bên thỏa thuận hợp tác làm ăn chung. Sau khi lấy số tiền cây thu về trừ đi tiền gốc và các khoản lãi suất này còn bao nhiêu thì được xác định đó là lợi nhuận và được chia đều cho 03 người. Còn bị đơn không thừa nhận có thỏa thuận này mà cho rằng các bên chỉ thỏa thuận làm đến đâu và chi bao nhiêu tiền thì góp vốn bấy nhiêu, sau đó lợi nhuận chia đều.
[5] Hội đồng xét xử thấy rằng do các bên không thống nhất và thỏa thuận được với nhau về các phương án mà mình trình bày, đồng thời do số vốn góp của các bên là không bằng nhau, nếu chia lợi nhuận thu được cho 03 người như nhau sẽ làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Để bảo đảm tính công bằng, Hội đồng xét xử thấy cần quy số tiền vốn góp của từng bên theo tỷ lệ, theo đó tỷ lệ vốn góp của từng bên được xác định trên tổng số vốn đầu tư 2.060.724.000đồng của tất cả các bên được xác định: Ông C góp 22,23%; ông L góp 2,91%; ông N góp 74,86%. Như vậy, tiền lợi nhuận mà các bên được hưởng tính theo tỷ lệ % vốn góp của từng người cụ thể như sau: Ông C được hưởng 524.287.000đồng x 22,23% = 116.549.002đồng; ông L được hưởng 524.287.000đồng x 2,91% = 15.256.752đồng; ông N được hưởng 524.287.000đồng x 74,86% = 392.481.256đồng.
[6] Do ông C đã nhận của ông N số tiền 550.000.000đồng nên sau khi khấu trừ tiền vốn 458.140.000đồng ông C đã nhận thì số tiền ông C đã nhận nhiều hơn số tiền vốn góp là 91.860.000đồng, số tiền này được xác định là tiền lợi nhuận ông C đã nhận trước. Do đó, ông N chỉ phải tiếp tục thanh toán cho ông C số tiền 116.549.002đồng – (550.000.000đồng – 458.140.000đồng) = 24.689.002đồng.
[7] Hội đồng xét xử thấy rằng, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào ý kiến trình bày của ông N tại Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã I lập ngày 14/4/2016 về việc ông N thừa nhận ông đã nhận của Công ty N 1.900.000.000đồng, Công ty còn nợ 733.011.000đồng, sau đó ông N lại thừa nhận trong số 733.011.000đồng ông đã nhận của công ty 685.000.000đồng để xác định đây là khoản tiền lợi nhuận và buộc ông N phải trả cho ông C, ông L mỗi người 1/3 số tiền này, tương ứng với 288.333.333đồng/người mà không xem xét đến chi phí đầu tư để thực hiện việc ươm giống là chưa phù hợp.
[8] Do đó, cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như đã phân tích ở trên.
[9] Đối với yêu cầu độc lập của anh Nguyễn Công H, do anh đã rút yêu cầu và Tòa án sơ thẩm đã tuyên đình chỉ giải quyết, các đương sự không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị về phần quyết định này nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[10] Do sửa án sơ thẩm nên án phí dân sự sơ thẩm được tính lại như sau: Ông N phải chịu số tiền 24.689.002đồng + 15.256.752đồng = 39.945.754đồng x 5%= 1.997.287đồng. Ông C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền yêu cầu không được chấp nhận là (473.136.000 đồng- 24.689.002 đồng) x 5%= 22.422.349 đồng; Ông L phải chịu: (483.136.000đồng - 15.256.752đồng) x 5% = 23.393.962đồng.
Tuy nhiên, do ông L, sinh năm 1948 (70 tuổi) và ông N, sinh năm 1956 (63 tuổi) đều là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì ông L, ông N thuộc trường hợp được miễn tiền án phí. Do đó, ông L, ông N được miễn toàn bộ án phí theo quy định.
[11] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là phù hợp với một phần nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận một phần.
[12] Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của ông N được chấp nhận nên ông không phải chịu.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự;
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn N.
Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2019/DS-ST ngày 29/3/2019 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước.
Áp dụng Điều 504; Điều 505 và Điều 507 của Bộ luật dân sự năm 2015;
Căn cứ vào Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Lê Đình C và ông Nguyễn Công L.
- Buộc ông Trần Văn N phải có trách nhiệm trả cho ông Lê Đình C số tiền 24.689.002 đồng và trả cho ông Nguyễn Công L số tiền 15.256.752đồng.
- Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của anh Nguyễn Công H do anh Hòa rút yêu cầu.
- Án phí dân sự sơ thẩm: Ông C phải chịu 22.422.349 đồng được khấu trừ vào số tiền 11.463.480đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0008992 ngày 19/10/2017. Chi cục thi hành án dân sự huyện B hoàn trả cho ông C số tiền 10.958.869đồng.
Ông Nguyễn Công L, ông Trần Văn N được miễn tiền án phí do các ông là người cao tuổi và có yêu cầu được miễn giảm.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện B hoàn trả cho ông L số tiền 11.663.480đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0008989 ngày 19/10/2017; Hoàn trả cho anh Hòa số tiền 1.850.000đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0009293 ngày 26/3/2019.
- Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần Văn N không phải chịu và được hoàn trả số tiền 300.000đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí lệ phí, Tòa án số 0003529 ngày 03/5/2019.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 02 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 119/2019/DS-PT ngày 31/10/2019 về tranh chấp hợp đồng góp vốn sản xuất và mua bán giống cao su
Số hiệu: | 119/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 31/10/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về