TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHƠN THÀNH, TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 118/2020/HS-ST NGÀY 23/11/2020 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ
Ngày 23 tháng 11 năm 2020 tại Toà án nhân dân huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 119/2020/HSST ngày 15 tháng 10 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 125/2020/QĐXXST-HS ngày 30/10/2020 đối với bị cáo:
NGUYỄN THÀNH L, sinh năm 1987 tại Thái Bình; tên gọi khác: H, Vũ Văn P; HKTT: tổ 14, phường T, thành phố L, tỉnh Lai Châu; Chỗ ở trước khi bị bắt: tổ 9B, khu phố 2, thị trấn C, huyện C1 , tỉnh Bình Phước; nghề nghiệp: Không; trình độ học vấn:
7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Tiến T1 và bà Trần Thị N; vợ La Thị V; con có 02 người cùng sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: Không. Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/7/2020 đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Chị Nguyễn Thị Phương Đ , sinh năm 1982; Địa chỉ cư trú: Tổ 1, ấp S, xã N1, huyện C1, tỉnh Bình Phước.
2. Chị Nguyễn Thị Thúy H1, sinh năm 1990; Địa chỉ cư trú: Tổ 1, ấp S, xã N1, huyện C1, tỉnh Bình Phước.
3. Chị Nguyễn Thị D , sinh năm 1988; Địa chỉ cư trú: Tổ 1, ấp S, xã N1, huyện C1, tỉnh Bình Phước.
4. Bà Lê Thị X , sinh năm 1952; Địa chỉ cư trú: Tổ 1, ấp S, xã N1, huyện C1, tỉnh Bình Phước.
5. Chị Nguyễn Thị Cẩm T1 , sinh năm 1986; Địa chỉ cư trú: Tổ 1, ấp S, xã N1, huyện C1, tỉnh Bình Phước.
6. Chị Nguyễn Thị Ngọc Q , sinh năm 1982; Địa chỉ cư trú: Tổ 8, ấp 1, xã M1, huyện C1, tỉnh Bình Phước.
7. Anh Nguyễn Thành H2, sinh năm 1977; Địa chỉ cư trú: Tổ 1, ấp S, xã N1, huyện C1, tỉnh Bình Phước.
8. Chị Phan Thị L1, sinh năm 1982; Địa chỉ cư trú: Tổ 4, khu phố T2, thị trấn C, huyện C1, tỉnh Bình Phước.
9. Chị Mai Thanh T3, sinh năm 1979; Địa chỉ cư trú: Tổ 9B, khu phố 2, thị trấn C, huyện C1, tỉnh Bình Phước.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Lợi dụng nhu cầu vay tiền nhanh, không cần làm các thủ tục vay của một số người dân, trong đó chủ yếu là những người kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ để sử dụng trong kinh doanh hoặc phục vụ mục đích tiêu dùng. Từ ngày 15 tháng 7 năm 2017, NGUYỄN THÀNH L đến sinh sống tại khu phố 2, thị trấn Chơn Thành, huyện C1để cho vay tiền góp thu lợi bất chính với số tiền làm vốn khoảng 90.000.000 đồng. L đặt in nhiều tờ rơi có nội dung cho vay trả góp và số điện thoại 0853.658.188 của L trên tờ rơi rồi đi rải, phát tại một số khu vực chợ, đông dân cư; nhằm che giấu lý lịch, L lấy tên là Vũ Văn P hoặc H để giao dịch với người vay.
Khi người có nhu cầu vay sẽ liên lạc theo số điện thoại di động trên tờ rơi, L sẽ đến gặp tại địa điểm buôn bán, kinh doanh, hoặc tại nơi ở. Sau khi thỏa thuận và thống nhất về số tiền vay, số ngày góp, số tiền góp, người vay chỉ cần đưa giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình sẽ được vay tiền. Khi vay, hầu hết không làm hợp đồng, chỉ thỏa thuận bằng miệng, một số trường hợp làm giấy vay tiền khi vay lần đầu. Tùy theo nhu cầu vay và khả năng góp tiền của người vay, L đưa ra các gói vay bao gồm: 5.000.000 đồng trả góp trong vòng 30 ngày, mỗi ngày 200.000 đồng; 10.000.000 đồng trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày 400.000 đồng; 10.000.000 đồng trả góp trong 24 ngày, mỗi ngày 500.000 đồng v.v.. với mức lãi suất là 0,667%/ngày. Trong quá trình trả góp, nếu người vay có nhu cầu vay tiền khi đang trả góp thì được vay tiếp (đáo lại), số tiền có thể bằng hoặc cao hơn số tiền đã vay. Tuy nhiên, khi vay tiền, L cộng số tiền góp mà người vay còn nợ và trừ vào khoản tiền vay mới, số tiền còn lại sẽ đưa cho người vay để tiếp tục trả góp theo lần vay mới. Ngoài ra, khi vay tiền một số người vay sẽ phải trả khoản phí vay tương ứng 30.000 đồng đến 50.000 đồng/1.000.000 đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C1đã tiến hành xác minh, làm rõ 06 người vay tiền của L trên địa bàn huyện C1hơn Thành, cụ thể như sau:
Lần thứ nhất:
Chị Nguyễn Thị Phương Đ (trong danh sách thu tiền bị can ghi tên Đ ): ngày 15 tháng 7 năm 2017, chị Đ vay 15.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày,mỗi ngày góp 600.000 đồng. Khi vay tiền chị Đ có viết giấy vay tiền và thế chấp 01 chứng minh nhân dân, 01 sổ hộ khẩu gốc tên Nguyễn Thị Phương Đ (hiện chị Đ đã nhận lại các giấy tờ trên). Đến ngày 31 tháng 10 năm 2017, chị Đ nâng mức vay lên 20.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày. Từ ngày 31 tháng 10 năm 2017 đến ngày 28 tháng 6 năm 2020, chị Đ vay đáo lại 46 lần với cùng số tiền vay và mức góp. Lần vay cuối cùng ngày 28 tháng 6 năm 2020, chị Đ đã trả góp 08 ngày, với tổng số tiền là 6.400.000 đồng, còn nợ 17.600.000 đồng. Như vậy, chị Đ vay tổng cộng 48 lần với tổng số tiền 955.000.000 đồng, tổng số tiền phải trả 1.146.000.000 đồng, chị Đ đã trả 1.128.400.000 đồng, còn nợ 17.600.000 đồng. Ngoài ra, mỗi lần vay chị Đ phải trả khoản phí vay 50.000 đồng/1.000.000 đồng, với tổng số tiền 47.750.000 đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính L thu được khi cho chị Đ vay tiền là 220.301.167 đồng.
Ngoài ra, chị Nguyễn Thị Phương Đ lấy danh nghĩa của một số người thân trong gia đình để vay tiền của L nhiều lần, Đ trực tiếp là người nhận tiền, góp tiền cho Luân, tuy nhiên trên sổ sách theo dõi L ghi tên người vay là người thân của chị Đ , cụ thể:
- Chị Nguyễn Thị Thúy H1 (trong danh sách thu tiền bị can ghi H1 Đ ): vào tháng 11 năm 2017, chị Đ nhờ chị H1 đứng ra vay tiền dùm. Vì vậy, ngày 17 tháng 11 năm 2017, chị H1 viết 01 giấy mượn 10.000.000 đồng, trả trong vòng 30 ngày và thế chấp 01 chứng minh nhân dân và 01 sổ hộ khẩu gốc của gia đình. Sau khi nhận tiền, chị H1 đưa lại cho chị Đ . Từ sau đó, chị Đ là người trả tiền góp cho L và vay đáo lại, tuy nhiên trên sổ sách theo dõi L vẫn ghi tên người vay là chị H1. Qua đối chiếu sổ, chị Đ đã vay 46 lần với tổng số tiền vay là 460.000.000 đồng, số tiền phải trả là 552.000.000 đồng, chị Đ đã trả 540.800.000 đồng, còn nợ 11.200.000 đồng. Ngoài ra, mỗi lần vay tiền chị Đ phải trả phí vay 50.000 đồng/1.000.000 đồng, tổng số tiền là 23.000.000 đồng. Số tiền thu lợi bất chính L đã thu được khi cho chị Đ vay tiền là 105.697.333 đồng.
- Chị Nguyễn Thị D (trong danh sách thu tiền bị can ghi tên D ): từ ngày 02 tháng 11 năm 2017, chị Đ lấy danh nghĩa của chị D vay L số tiền 20.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 800.000 đồng. Sau đó, chị Đ vay đáo lại 46 lần với cùng số tiền vay và mức góp. Lần vay cuối cùng ngày 28 tháng 6 năm 2020, chị Đ đã trả được 08 ngày với tổng số tiền 6.400.000 đồng, còn nợ 17.600.000 đồng. Như vậy, chị Đ đã lấy danh nghĩa của chị D vay tổng cộng 47 lần với tổng số tiền 940.000.000 đồng, tổng số tiền phải trả là 1.128.000.000 đồng, chị Đ đã trả 1.110.400.000 đồng, còn nợ 17.600.000 đồng. Ngoài ra, mỗi lần vay chị Đ phải trả khoản phí vay 50.000 đồng/1.000.000 đồng, với tổng số tiền 47.000.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền thu lợi bất chính L thu được khi cho chị Đ vay tiền là 216.798.667 đồng.
- Bà Lê Thị X (trong danh sách vay tiền bị can ghi tên X Đ ): từ ngày 10 tháng 11 năm 2017, Đ lấy danh nghĩa bà X là mẹ ruột của Đ vay 5.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 200.000 đồng và đáo lại 01 lần với cùng số tiền vay và mức góp. Từ ngày 10 tháng 12 năm 2017, chị Đ nâng mức vay lên 6.000.000 đồng, trả góp trong 29 ngày, mỗi ngày góp 250.000 đồng, lãi suất 0,718%/ngày và đáo lại. Sau đó, chị Đ vay đáo lại 24 lần với cùng số tiền vay và mức góp. Như vậy, chị Đ lấy danh nghĩa bà X vay tổng cộng 27 lần, với tổng số tiền vay 160.000.000 đồng, tổng số tiền phải trả là 193.250.000 đồng, chị Đ đã trả hết số tiền trên. Ngoài ra, mỗi lần vay tiền chị Đ phải trả phí vay 50.000 đồng/1.000.000 đồng, tổng số tiền là 8.000.000 đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính L đã thu được khi cho chị Đ vay là 38.692.500 đồng.
- Chị Nguyễn Thị Cẩm T1 (trong danh sách vay tiền bị can ghi T1 Đ ): vào ngày 24 tháng 6 năm 2018, chị Đ nhờ chị T1 đứng ra vay 10.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 400.000 đồng, chị Đ là người trả tiền góp cho L và vay đáo lại, tuy nhiên trên sổ sách theo dõi L vẫn ghi tên T1 là người vay. Sau đó, chị Đ vay đáo lại 35 lần với cùng số tiền vay và mức góp. Lần vay cuối cùng ngày 05 tháng 7 năm 2020, chị Đ mới góp được 01 ngày với số tiền 400.000 đồng, còn nợ 11.600.000 đồng. Như vậy, Đ lấy danh nghĩa chị T1 vay tổng cộng 36 lần với tổng số tiền 360.000.000 đồng, tổng số tiền phải trả là 420.000.000 đồng, chị Đ đã trả 408.400.000 đồng, còn nợ 11.600.000 đồng. Ngoài ra, mỗi lần vay chị Đ phải trả khoản phí vay 50.000 đồng/1.000.000 đồng, với tổng số tiền 18.000.000 đồng Tổng số tiền thu lợi bất chính bị can đã thu được khi cho chị Đ vay là 82.286.167 đồng.
Tổng số tiền chị Nguyễn Thị Phương Đ trực tiếp vay của NGUYỄN THÀNH L và lấy danh nghĩa của người thân vay tiền của L là 2.875.000.000 đồng, tổng số tiền phải trả là 3.439.000.000 đồng, chị Đ đã trả cho L tổng số tiền 3.381.000.000 đồng, còn nợ số tiền 58.000.000 đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính L thu được khi cho chị Đ vay tiền là 663.775.834 đồng.
Lần thứ hai:
- Chị Nguyễn Thị D (trong danh sách thu tiền bị can ghi tên D ): ngày 21 tháng 10 năm 2017, thông qua chị Nguyễn Thị Phương Đ giới thiệu, chị D vay 10.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 400.000 đồng. Khi vay tiền, chị D có làm một giấy biên nhận khi vay tiền ghi số tiền vay là 12.000.000 đồng. Chị D đã trả hết số tiền trên. Ngoài ra, chị D phải trả khoản phí vay 500.000 đồng. Như vậy, số tiền thu lợi bất chính bị can thu được khi cho chị D vay là 2.335.000 đồng.
- Chị Phan Thị Loan (trong danh sách thu tiền bị can ghi tên Loan cà phê): ngày 15 tháng 11 năm 2017, chị Loan vay 5.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 200.000 đồng. Tổng số tiền chị Loan phải trả là 6.000.000 đồng, trong đó tiền gốc 5.000.000 đồng, tiền lãi 1.000.000 đồng. Sau đó, chị Loan vay đáo lại cùng số tiền vay và mức góp. Như vậy, chị Loan vay 02 lần với tổng số tiền 10.000.000 đồng, số tiền phải trả là 12.000.000 đồng, chị Loan đã trả hết số tiền trên. Ngoài ra, quá trình vay chị Loan phải trả khoản phí vay 02 lần tổng cộng 500.000 đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính bị can thu được khi cho chị Loan vay là 2.335.000 đồng.
- Ông Nguyễn Thanh Hòa (trong danh sách thu tiền bị can ghi tên là Hòa): ngày 02 tháng 3 năm 2020, ông Hòa vay 10.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 400.000 đồng. Sau đó, ông Hòa vay đáo lại 01 lần với cùng số tiền vay và mức góp. Đồng thời, ngày 05 tháng 3 năm 2020, ông Hòa cũng vay thêm 01 dây khác với số tiền 10.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 400.000 đồng và đáo lại 01 lần cùng số tiền trên. Ngày 14 tháng 4 năm 2020, ông Hòa vay lên 20.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày 800.000 đồng. Trong quá trình vay, ông Hòa vay đáo lại 03 lần với cùng số tiền vay và mức góp. Lần vay cuối cùng ngày 18 tháng 6 năm 2020, ông Hòa đã trả được 18 ngày với tổng số tiền 14.400.000 đồng, còn nợ 9.600.000 đồng. Như vậy, ông Hòa vay tổng cộng 08 lần với tổng số tiền vay 120.000.000 đồng, tổng số tiền phải trả là 144.000.000 đồng, ông Hòa đã trả 134.400.000 đồng, còn nợ 9.600.000 đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính L thu được khi cho ông Hòa vay tiền là 20.552.000 đồng.
Lần thứ ba:
Chị Nguyễn Thị Ngọc Q (trong danh sách thu tiền bị can ghi tên là Q ): chị Q vay 02 dây, cụ thể:
Dây 1: ngày 11 tháng 12 năm 2018, chị Q vay 5.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 200.000 đồng. Khi vay tiền, chị Q có viết 01 biên nhận và thế chấp 01 chứng minh nhân dân gốc tên chị Q . Tổng số tiền chị Q phải trả là 6.000.000 đồng, trong đó tiền gốc 5.000.000 đồng, tiền lãi 1.000.000 đồng. Quá trình vay, chị Q đáo lại 15 lần cùng số tiền vay và mức góp. Ngày 07 tháng 11 năm 2019, chị Q nâng mức vay lên 10.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 400.000 đồng. Sau đó, chị Q tiếp tục vay đáo lại 08 lần với cùng số tiền vay và mức góp. Hiện chị Q đã trả hết số tiền vay.
Dây 2: ngày 22 tháng 12 năm 2018, chị Q vay 5.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 200.000 đồng. Tổng số tiền chị Q phải trả là 6.000.000 đồng, trong đó tiền gốc 5.000.000 đồng, tiền lãi 1.000.000 đồng. Quá trình vay, chị Q đáo lại 15 lần cùng số tiền vay và mức góp. Hiện chị Q đã trả hết số tiền vay.
Như vậy, chị Q vay 41 lần với tổng số tiền vay là 250.000.000 đồng, tổng số tiền phải trả là 300.000.000 đồng. Chị Q đã trả hết số tiền trên. Ngoài ra, quá trình vay tiền chị Q phải trả khoản phí vay 40.000 đồng/1.000.000 đồng/mỗi lần vay, tổng cộng 10.000.000 đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính bị can thu được khi cho chị Q vay là 55.875.000 đồng.
Lần thứ tư:
Chị Mai Thanh Tuyền (trong danh sách thu tiền bị can ghi tên là Tuyền cơm): ngày 12 tháng 7 năm 2018, chị Tuyền vay 10.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 400.000 đồng. Sau đó, chị Tuyền vay đáo lại 14 lần với cùng số tiền vay và mức góp. Lần vay cuối cùng ngày 06 tháng 3 năm 2020, chị Tuyền mới trả góp được 09 ngày với tổng số tiền 3.600.000 đồng. Như vậy chị Tuyền vay 15 lần với tổng số tiền 150.000.000 đồng, tổng số tiền phải trả là 180.000.000 đồng, chị Tuyền đã trả 171.600.000 đồng, còn nợ 8.400.000 đồng. Ngoài ra, quá trình vay tiền chị Tuyền phải trả khoản phí vay 500.000 đồng/lần, tổng cộng 7.500.000 đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính bị can thu được khi cho chị Tuyền vay tiền là 33.740.500 đồng.
Như vậy, NGUYỄN THÀNH L cho 06 người trên địa bàn huyện C1vay 3.415.000.000 đồng, thu lợi bất chính là 778.613.334 đồng.
Về vật chứng: Quá trình điều tra thu giữ: 08 cuốn sổ, 05 cuốn tập học sinh ghi chép hoạt động cho vay; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo A9 2020, màu X nh, số Imei: 60028040712135; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia 1280, màu đen, số Imei: 355862/01/591930/5 và 177.000 đồng.
Bản cáo trạng số 115/Ctr-VKS ngày 12/10/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện C1hơn Thành, tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo NGUYỄN THÀNH L về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện C1giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố. Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Do đó, Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo NGUYỄN THÀNH L phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và áp dụng khoản 2 Điều 201; điểm i, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, 50 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo NGUYỄN THÀNH L mức án từ 01 năm đến 01 năm 06 tháng tù.
Ngoài ra đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện C1còn đề nghị xử lý vật chứng và các vấn đề khác của vụ án theo qui định của pháp luật.
Tại phiên tòa: Bị cáo NGUYỄN THÀNH L thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như Cáo trạng đã truy tố.
Lời nói sau cùng của bị cáo: xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Tại phiên tòa có một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa. Xét thấy, việc vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên căn cứ vào Điều 292 Bộ luật tố tụng Hình sự, Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử vụ án.
[2]. Về nội dung:
Xét lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với các lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận:
Từ ngày 15 tháng 7 năm 2017 đến ngày 06 tháng 7 năm 2020, bị cáo NGUYỄN THÀNH L lợi dụng nhu cầu của nhiều người dân sinh sống trên địa bàn Chơn Thành cần vay tiền nhanh, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp để sử dụng vào mục đích cá nhân đã 04 lần cho 06 người vay tiền với mức lãi suất 0,667%/ngày, tương đương 20%/tháng, tương ứng 240%/năm, gấp 12 lần mức lãi suất do Bộ luật dân sự quy định là 20%/năm. Tổng số tiền bị cáo đã cho vay là 3.415.000.000 đồng (tính theo số liệu đáo hạn của bị cáo và người vay khai nhận), thu lợi bất chính tổng số tiền 778.613.334 đồng.
Như vậy, hành vi của NGUYỄN THÀNH L đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ đã được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng đến tình tình trật tự, trị an của địa phương. Bị cáo phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp; bị cáo đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Do đó, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện C1hơn Thành, tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là có căn cứ đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
[3]. Về tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
[3.1]. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo nhiều lần thực hiện hành vi cho vay lãi nặng, tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội hơn 100.000.000 đồng nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
[3.2]. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo có nhân thân chưa tiền án, tiền sự; bị cáo là lao động chính của gia đình. Do đó, cần cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
[4]. Về hình phạt bổ sung, theo quy định tại khoản 3 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xét thấy bị cáo là lao động tự do, không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn định. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện C1hơn Thành, tỉnh Bình Phước về tội danh, điều luật áp dụng và mức hình phạt là có căn cứ, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
Từ phân tích trên, cần xử phạt bị cáo mức án đủ nghiêm, cách ly ra khỏi xã hội một thời gian nhằm cải tạo giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
[5]. Về biện pháp tư pháp:
[5.1]. Đối với khoản tiền bị cáo dùng để cho vay được xác định là phương tiện phạm tội nên cần buộc bị cáo nộp sung vào ngân sách Nhà nước là số tiền vốn cho vay lần đầu tiên là 126.000.000 đồng. (Số tiền vốn ban đầu khác với số tiền cho vay khi đáo hạn quay vòng).
[5.2]. Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm là 55.219.000 đồng. Đây là khoản tiền phát sinh từ tội phạm nên cần truy thu buộc bị cáo nộp vào Ngân sách Nhà nước.
[5.3]. Đối với khoản tiền gốc mà những người vay tiền chưa trả cho bị cáo sau khi trừ đi số tiền lãi vượt quy định pháp luật là 20% mà người vay vẫn còn nợ theo quy định của pháp luật thì khoản tiền này buộc truy thu nộp ngân sách nhà nước. Tổng số tiền vay gốc người vay còn chưa trả cho bị cáo là 76.000.000 đồng cụ thể: Nguyễn Thị Phương Đ số tiền 17.600.000 đồng; Nguyễn Thị Thúy H1 số tiền 11.200.000 đồng; Nguyễn Thị D số tiền 17.600.000 đồng; Nguyễn Thị Cẩm T1 số tiền 11.600.000 đồng; Nguyễn Thanh Hòa số tiền 9.600.000 đồng; Mai Thanh Tuyền số tiền 8.400.000 đồng. Tuy nhiên số tiền người vay còn nợ bị cáo ít hơn số tiền bị cáo phải trả cho người vay nên không buộc người vay phải nộp lại ngân sách Nhà nước.
[5.4]. Đối với khoản tiền thu lợi bất chính (là khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm) từ những người vay thì cần buộc bị cáo phải trả lại cho người vay. Do bị cáo phải trả cho người vay khoản tiền thu lợi bất chính nên cần trừ vào khoản tiền gốc các người vay chưa thực hiện, số tiền thu lợi bất chính còn lại cần buộc bị cáo có trách nhiệm trả lại cho người vay. Như vậy khoản tiền lãi vượt mức lãi suất 20%/năm là 616.363.334 đồng, tiền phí khi cho vay là 162.250.000 đồng và số tiền gốc người vay còn nợ bị cáo là 76.000.000 đồng. Sau khi lấy số tiền lãi thu vượt 20% + phí vay - đi số tiền nợ gốc mà người vay chưa trả (nếu có), thì số tiền này bị cáo NGUYỄN THÀNH L phải trả cho những người vay: Tổng số tiền là 702.613.334 đồng, cụ thể: Nguyễn Thị Phương Đ số tiền 202.750.000 đồng; Nguyễn Thị Thúy H1 số tiền 94.497.333 đồng; Nguyễn Thị D số tiền 201.533.667.000 đồng; Lê Thị X số tiền 38.692.500 đồng; Nguyễn Thị Cẩm T1 số tiền 70.686.167 đồng; Phan Thị Loan số tiền 2.335.000 đồng; Nguyễn Thanh Hòa số tiền 10.952.000 đồng; Nguyễn Thị Ngọc Q số tiền 55.875.000 đồng; Mai Thanh Tuyền số tiền 25.340.500 đồng.
[6]. Về vật chứng:
Quá trình điều tra thu giữ: 08 cuốn sổ, 05 cuốn tập học sinh ghi chép hoạt động cho vay kèm theo hồ sơ vụ án.
Đối với 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia 1280, màu đen, số Imei: 355862/01/591930/5 sử dụng vào việc phạm tội nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Đối với số tiền 177.000 đồng bị cáo thu từ quá trình cho vay tiền nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Đối với 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo A9 2020, màu X nh, số Imei: 60028040712135 không liên quan đến vụ án nên cần trả lại cho bị cáo.
[7]. Án phí hình sự sơ thẩm bị cáo phải chịu theo luật định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 201; điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
1. Tuyên bố bị cáo NGUYỄN THÀNH L phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
2. Xử phạt bị cáo NGUYỄN THÀNH L 01 (một) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 07/7/2020.
3. Về các biện pháp tư pháp: Căn cứ Điều 46, 47 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự;
3.1. Tịch thu sung quỹ Nhà nước 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia 1280, màu đen, số Imei: 355862/01/591930/5 và số tiền 177.000 đồng theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 0004858 ngày 12/10/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C1hơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Trả lại cho bị cáo 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo A9 2020, màu X nh, số Imei: 60028040712135 theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 0004858 ngày 12/10/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C1hơn Thành, tỉnh Bình Phước.
3.2. Buộc bị cáo NGUYỄN THÀNH L nộp số tiền 181.219.000 đồng vào quỹ Ngân sách Nhà nước.
3.3. Buộc bị cáo NGUYỄN THÀNH L có trách nhiệm trả lại cho những người vay với tổng số tiền là 702.613.334 đồng, cụ thể: Nguyễn Thị Phương Đ số tiền 202.750.000 đồng; Nguyễn Thị Thúy H1 số tiền 94.497.333 đồng; Nguyễn Thị D số tiền 201.533.667.000 đồng; Lê Thị X số tiền 38.692.500 đồng; Nguyễn Thị Cẩm T1 số tiền 70.686.167 đồng; Phan Thị L1 số tiền 2.335.000 đồng; Nguyễn Thanh H3 số tiền 10.952.000 đồng; Nguyễn Thị Ngọc Q số tiền 55.875.000 đồng; Mai Thanh T2 số tiền 25.340.500 đồng.
4. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng Hình sự; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án Bị cáo NGUYỄN THÀNH L phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
5. Quyền kháng cáo: Bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án được tống đạt hoặc nêm yết hợp lệ.
Bản án 118/2020/HS-ST ngày 23/11/2020 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Số hiệu: | 118/2020/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Chơn Thành - Bình Phước |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/11/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về