Bản án 118/2019/HSPT ngày 20/09/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 118/2019/HSPT NGÀY 20/09/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 20 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 142/2019/TLPT-HS ngày 09 tháng 7 năm 2019 đối với bị cáo Nguyễn Văn V, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HSST ngày 28/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

* Bị cáo kháng cáo: Nguyễn Văn V (tên gọi khác: Không), sinh năm 1979 tại Hải Dương; Quê quán: Thôn H, xã M, huyện N, tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: thị trấn N, huyện N, tỉnh Hải Dương; Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Nguyễn Xuân A, sinh năm 1940 (ông A được chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng ba); con bà: Vương Thị B, sinh năm 1942; vợ là Bùi Thị G, sinh năm 1983; có 03 con, lớn sinh năm 2008, nhỏ năm 2014; Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Tháng 11/2017, bị Công an huyện Nam sách xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc; Bị cáo hiện tại ngoại; Có mặt tại phiên tòa.

* Nguyên đơn dân sự:

- Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương (viết tắt là BHXH Hải Dương). Địa chỉ: đường T, phường B, thành phố H, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Đoàn Thị W - Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền của bà W: Ông Nguyễn Văn H - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra - (vắng mặt, có đơn xin vắng mặt).

- Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc quốc tế P (viết tắt là công ty P);

Địa chỉ: Thị trấn N, huyện N, tỉnh Hải Dương;

Người đại diện theo pháp luật: Ông X - Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Xuân Q - Trưởng phòng Hành chính (vắng mặt).

*Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Chị Nguyễn Thị D, sinh năm 1981;

Địa chỉ: Thôn A, xã C, huyện N, tỉnh Hải Dương.

- Chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1988;

Địa chỉ: Thôn Đ, xã H, huyện N, tỉnh Hải Dương.

- Chị Trần Thị O, sinh năm 1986;

Địa chỉ: thị trấn N, huyện N, tỉnh Hải Dương.

- Chị Lại Thị K, sinh năm 1978;

Địa chỉ: Thôn A, xã C, huyện N, tỉnh Hải Dương.

- Chị Hoàng Thị Kim C, sinh năm 1972;

Địa chỉ: Thôn T, xã H, huyện N, tỉnh Hải Dương.

- Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1980;

Địa chỉ: Thôn M, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương.

- Chị Mạc Thị U, sinh năm 1971;

Địa chỉ: Thôn M, xã Đ, huyện N, tỉnh Hải Dương.

- Chị Lê Thị J, sinh năm 1986;

Địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện N, tỉnh Hải Dương.

- Chị Nguyễn Thị N, sinh năm 1986;

Địa chỉ: Thôn M, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương.

- Ông Nguyễn Xuân E, sinh năm 1966;

Địa chỉ: Thôn Đ, xã H, huyện N, tỉnh Hải Dương. (Đều vắng mặt)

Trong vụ án còn có 02 bị cáo khác là Nguyễn Thị Mai F và Nguyễn Thị Y không có kháng cáo, không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Văn V làm việc từ ngày 01/7/2006 tại Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc quốc tế P (viết tắt là công ty P) là công ty 100% vốn nước ngoài của Trung Quốc. Nhiệm vụ của V được Công ty P giao là nhân viên phòng hành chính nhân sự, phụ trách bảo hiểm của công ty, có trách nhiệm lập danh sách tăng, giảm nhân sự của công ty và danh sách người lao động ốm đau, thai sản để đề nghị Bảo hiểm xã hội (viết tắt là BHXH) tỉnh Hải Dương duyệt, thanh toán chế độ BHXH cho người lao động.

Quy trình xét duyệt hưởng chế độ thai sản, sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội: Khi lao động nữ làm việc tại Công ty P có thời gian đóng BHXH ít nhất từ 6 tháng trong một năm trước khi sinh trở lên, đến gặp V báo xin nghỉ sinh con, tháng đó V lập 02 bản danh báo giảm lao động tham gia đóng BHXH và cho công nhân này nghỉ chế độ thai sản, không phải đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian nghỉ. Đến khi người lao động đi làm, V lại lập danh sách báo tăng, người lao động đó tiếp tục đóng BHXH (như trên gọi là báo giảm, tăng). V kí vào mục người lập biểu, sau đó trình Tổng Giám đốc Công ty P kí, đóng dấu xác nhận. V gửi cả 02 bản danh sách giảm này đến BHXH tỉnh Hải Dương để BHXH tỉnh Hải Dương rà soát, kiểm tra, kí duyệt. Khi lao động nữ sinh con nộp cho V 01 giấy khai sinh bản sao có chứng thực, thì hàng tháng V lập 02 bản Danh sách người lao động đề nghị hưởng chế độ thai sản, danh sách này được V kí vào phần người lập rồi trình Kế toán trưởng và Tổng Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn Công ty P kí và đóng dấu. Tiếp đó, V nộp 02 bản danh sách đề nghị này kèm theo các giấy khai sinh bản sao gửi cho BHXH tỉnh Hải Dương. BHXH tỉnh Hải Dương rà soát, kiểm tra, xét duyệt và chuyển lại cho Công ty P 01 bản danh sách người lao động đề nghị hưởng chế độ thai sản và kèm theo 01 bản danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản đã được BHXH tỉnh Hải Dương duyệt. Căn cứ vào số tiền BHXH chế độ thai sản đã duyệt, BHXH tỉnh Hải Dương làm thủ tục chuyển khoản (số tiền) từ tài khoản của BHXH tỉnh Hải Dương mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Hải Dương đến tài khoản của Công ty P mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á chi nhánh Hải Dương. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của Công ty P, V lập danh sách người lao động được thanh toán chi trả tiền BHXH chế độ thai sản, chuyển cho kế toán tiền lương Công ty P để nhập số tài khoản ngân hàng tương ứng của từng người lao động và lập lệnh chuyển tiền, rồi chuyển cho Kế toán ngân hàng Công ty P để lập ủy nhiệm chi với số tiền bằng tổng số tiền ghi trong lệnh chuyển tiền. Sau đó trình Kế toán trưởng và Tổng Giám đốc kí tên, đóng dấu xác nhận. Tiếp đó chuyển cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á chi nhánh Hải Dương làm thủ tục chuyển khoản từ tài khoản của Công ty P mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á chi nhánh Hải Dương, đến tài khoản cá nhân của từng người lao động được hưởng chế độ thai sản, để chi trả tiền BHXH chế độ thai sản.

Do biết được quy trình thanh toán BHXH chế độ thai sản có những sơ hở trong công tác theo dõi, quản lý, xét duyệt. V và một số nữ công nhân của công ty P không sinh con nảy sinh ý định lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền BHXH của BHXH tỉnh Hải Dương. Từ năm 2013 đến tháng 5 năm 2014, có 11 nữ công nhân của công ty P không sinh con nhưng muốn được thanh toán tiền bảo hiểm thai sản (sinh con) đến nhờ V thanh toán khống tiền BHXH chế độ thai sản, V đồng ý làm các thủ tục lập danh sách đề nghị BHXH tỉnh Hải Dương thanh toán tiền BHXH nghỉ chế độ thai sản khống cho 11 công nhân. Cụ thể lần đầu vào tháng 1/2013 đề nghị cho Nguyễn Thị D hưởng số tiền là 11.250.000 đồng. Lần thứ 2 vào tháng 4/2013 đề nghị cho Nguyễn Thị M sinh năm 1986 M được hưởng số tiền là 13.395.000 đồng và Trần Thị O được hưởng số tiền là 13.395.000 đồng. Lần thứ 3 vào tháng 5/2013 đề nghị cho Lại Thị K được hưởng số tiền là 13.957.000 đồng. Lần thứ 4 vào tháng 7/2013 đề nghị cho các nữ công nhân gồm: Hoàng Thị Kim C được hưởng số tiền là 16.388.400 đồng; Nguyễn Thị L được hưởng số tiền là 14.238.000 đồng; Mạc Thị U được hưởng số tiền 14.850.000 đồng. Lần thứ 5 vào tháng 9/2013 đề nghị cho Lê Thị J được hưởng số tiền là 14.438.000 đồng, Nguyễn Thị N, sinh năm 1988 được hưởng số tiền là 15.692.000 đồng. Lần thứ 6 vào tháng 3/2014 đề nghị cho Nguyễn Thị Mai F được hưởng số tiền là 17.415.500 đồng, Nguyễn Thị Y được hưởng số tiền là 17.302.100 đồng.

Để hợp pháp hóa việc các nữ công nhân nghỉ thai sản, không phải đóng BHXH và được BHXH thanh toán tiền bảo hiểm thai sản, V dựa vào hồ sơ thông tin cá nhân của 11 nữ công nhân trên lưu tại công ty và tự đánh máy làm giả 11 Giấy khai sinh bản sao con của 11 công nhân đều ghi trú quán tại xã H, huyện N và người ký giấy khai sinh đã ký Nguyễn Xuân E và người thực hiện đã ký Trần Văn I. Sau đó V đến UBND xã H nhờ ông Nguyễn Xuân E là Chủ tịch UBND xã H ký đóng dấu xác nhận vào các bản sao Giấy khai sinh. V nói dối ông E là cần sao giấy khai sinh để hoàn thiện hồ sơ nhân sự cho các công nhân công ty. Do V là người quen nên Ông E tin và đã ký và đóng dấu vào các bản sao 11 giấy khai sinh cho V. Khi có Giấy khai sinh bản sao, V lập 02 bản danh sách báo giảm lao động tham gia đóng BHXH và cho các công nhân này nghỉ chế độ thai sản. Danh sách này được V kí vào phần người lập rồi trình Kế toán trưởng là bà Phùng Thị T, sau là bà Nguyễn Thị R, Chủ tịch Công đoàn là bà Phạm Thị S và ông X là Tổng Giám đốc Công ty P kí và đóng dấu. Sau đó chuyển các văn bản đó đề nghị BHXH tỉnh Hải Dương duyệt. Các cán bộ phụ trách BHXH tỉnh Hải Dương căn cứ đề nghị của công ty may P, đối chiếu với danh sách người lao động đóng BHXH đủ quy định đã duyệt chi trả tiền BHXH thai sản cho 11 công nhân trên và đã chuyển số tiền này đến tài khoản Ngân hàng của Công ty P.

Cụ thể: Ngày 9/4/2013 Nguyễn Thị D được duyệt 11.250.000 đồng; ngày 6/6/2013 M sinh năm 1986 và O mỗi người được duyệt 13.395.000; ngày 26/6/2013 K được duyệt là 13.957.000đ; ngày 12/8/2013 C được duyệt là 16.388.400 đồng, L được duyệt là 14.238.000 đồng, U được duyệt 14.850.000 đồng; ngày 26/9/2013 J được duyệt 14.438.000 đồng, M sinh năm 1988 được duyệt là 15.692.000 đồng; ngày 24/6/2014 Y được duyệt là 17.302.100 đồng, Nguyễn Thị Mai F được duyệt là 17.415.500 đồng. Tổng cộng là 162.207.600 đồng. Căn cứ vào danh sách được duyệt, V lập danh sách người lao động được chi trả tiền BHXH chế độ thai sản cho 11 công nhân (do nhầm lẫn nên V lập danh sách chi trả Nguyễn Thị Mai F được hưởng số tiền là 16.431.800 đồng, còn 983.700 đồng Công ty P giữ sau đó đã giao nộp số tiền trên cho cơ quan Công an tỉnh Hải Dương). V chuyển danh sách trên cho kế toán tiền lương là bà Phan Thị O để nhập số tài khoản Ngân hàng tương ứng của từng người lao động và lập lệnh chuyển tiền, rồi chuyển cho bà Nguyễn Thị H1 kế toán Ngân hàng Công ty P để lập ủy nhiệm chi kèm theo lệnh chuyển tiền trình Kế toán trưởng và Tổng Giám đốc ký, đóng dấu. Sau đó chuyển cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á chi nhánh Hải Dương làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản của Công ty P sang tài khoản của cá nhân từ công nhân. Để tránh sự phát hiện của BHXH tỉnh và các cơ quan chức năng, sau thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định, V đã lập danh sách lao động tham gia BHXH báo tăng sau thai sản cho 11 công nhân. Thực tế 11 công nhân trên không sinh con, do vậy vẫn làm việc và được Công ty P trả lương hàng tháng nhưng không phải đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian nghỉ sinh con.

Sau khi 11 công nhân này nhận được tiền, các công nhân này đã đến và chi cho V cụ thể: Nguyễn Thị D, T sinh năm 1988, T sinh năm 1986, O, J, Nguyễn Thị Mai F và Y mỗi người chi cho V 4.000.000đồng; K, C, L, U mỗi người chi cho V 2.000.000đồng. Tổng là 36.000.000đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã thu giữ của V và 11 công nhân và của Công ty P tổng là 162.207.600đồng và 44.165.400 đồng là tiền mà Công ty P và 11 công nhân không đóng BHXH chế độ thai sản cho 11 công nhân và trả cho BHXH tỉnh Hải Dương theo quy định.

Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã tiến hành trưng cầu giám định các mẫu dấu của Công ty P, dấu của BCH Công đoàn công ty P, dấu của UBND xã H, huyện N; các mẫu chữ ký của V, ông H, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kế toán tiền lương, Kế toán Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn của Công ty P đã ký trong các bản giấy khai sinh và các tài liệu liên quan đến danh sách lao động tham gia BHXH tăng, giảm các thủ tục đề nghị BHXH tỉnh thanh toán và chi trả tiền BHXH chế độ thai sản cho 11 công nhân trên.

Tại các bản Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Hải Dương kết luận: Các dấu tròn của UBND xã H và dấu của Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc quốc tế P, dấu chức danh có nội dung Tổng giám đốc X, dấu chức danh của Chủ tịch UBND xã H, dấu của BCH Công đoàn công ty TNHH may mặc quốc tế P trên các tài liệu cần giám định với so sánh là cùng một con dấu đóng ra. Các chữ ký của Nguyễn Văn V, Nguyễn Xuân E, Các chữ ký của Tổng Giám đốc X; các Kế toán trưởng, Kế toán tiền lương, Kế toán Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn của Công ty P ký trên các tài liệu cần giám định với các chữ ký cùng tên trên các tài liệu mẫu so sánh là do cùng một người ký ra.

Các tài liệu xác minh tại UBND xã H xác định 11 công nhân trên gồm: Nguyễn Thị D, Nguyễn Thị M sinh năm 1986, Nguyễn Thị T sinh năm 1988, Trần Thị O, Hoàng Thị Kim C, Nguyễn Thị L, Mạc Thị U, Lê Thị J, Nguyễn Thị Mai F, Nguyễn Thị Y đều không có hộ khẩu thường trú và cư trú tại xã H, huyện N. Các tài liệu xác minh tại UBND các xã T, A, C, N, Đ, thị trấn N huyện Nam Sách, H đều xác định không làm thủ tục cấp và cấp bản sao Giấy khai sinh cho các cháu có họ tên và tên bố mẹ là một trong 11 công nhân trên.

Các tài liệu xác minh tại Công ty P: Lời khai của Tổng Giám đốc công ty P do Ông X đại diện và người đại diện theo ủy quyền của ông X, bà Phùng Thị T (Kế toán trưởng), bà Nguyễn Thị O (Kế toán trưởng thay bà T), bà Phạm Thị S (Chủ tịch công đoàn), bà Nguyễn Thị H1 (Kế toán ngân hàng), bà Phan Thị R (Kế toán tiền lương) đều xác nhận, do tin tưởng V là nhân viên phòng hành chính nhân sự, phụ trách bảo hiểm của công ty có trách nhiệm là phải đảm bảo tính xác thực chính xác đối với các hồ sơ đề nghị thanh toán tiền BHXH chế độ thai sản. Vì vậy sau khi V lập danh sách đề nghị BHXH tỉnh Hải Dương duyệt, thanh toán chế độ BHXH cho người lao động của Công ty P, vì tin V nên đã ký vào các văn bản do V lập và đã thực hiện các bước theo quy trình thanh toán BHXH chế độ thai sản. Không ai biết các các danh sách và giấy khai sinh do V làm là khống và không ai được hưởng lợi. Số tiền 44.165.400 đồng Công ty P và 11 công nhân không đóng BHXH cho 11 công nhân, công ty đã trả cho BHXH tỉnh Hải Dương theo quy định. Đại diện Công ty P đề nghị các cơ quan pháp luật xét xử các bị cáo đúng pháp luật Các tài liệu xác minh tại BHXH tỉnh Hải Dương, bà Nguyễn Thị Minh H và bà Bùi Thị B là cán bộ phòng chế độ của BHXH tỉnh Hải Dương xác nhận: Từ năm 2013 đến tháng 10 năm 2014, BHXH tỉnh Hải Dương đã nhận nhiều hồ sơ trong đó có 11 hồ sơ của nữ công nhân Nguyễn Thị D, Trần Thị O, Hoàng Thị Kim C, Nguyễn Thị L, Mạc Thị U, Lê Thị J, Nguyễn Thị N sinh năm 1986, Nguyễn Thị M sinh năm 1988, Nguyễn Thị Mai F, Nguyễn Thị Y do công ty P đề nghị BHXH tỉnh Hải Dương duyệt, thanh toán chế độ bảo hiểm thai sản cho người lao động của Công ty P. Vì không phát hiện được các Giấy khai sinh trong hồ sơ là giả và tin tưởng thủ tục lập hồ sơ đề nghị BHXH tỉnh Hải Dương duyệt, thanh toán chế độ BHXH cho người lao động của Công ty P là đúng nên đã duyệt cho 11 công nhân trên được hưởng chế độ HBXH thai sản theo quy định. Các cán bộ phòng chế độ của BHXH tỉnh Hải Dương xác nhận không được hưởng lợi trong việc xét duyệt các hồ sơ trên.

Đại diện BHXH tỉnh Hải Dương xác nhận đã được Cơ quan điều tra thu hồi và hoàn trả đủ số tiền mà các bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan chiếm đoạt là 162.207.600 đồng và 44.165.400 đồng là tiền mà Công ty P và 11 công nhân không đóng BHXH cho 11 công nhân. BHXH tỉnh Hải Dương đề nghị xét xử các bị cáo đúng pháp luật.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HSST ngày 28/5/2019, Tòa án nhân dân huyện Nam Sách, Hải Dương căn cứ: Điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s, u khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 38 BLHS đối với Nguyễn Văn Vinh; Điều 58, Khoản 3 Điều 7 BLHS 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đối với bị cáo V. Xử phạt Nguyễn Văn V 30 (ba mươi) tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, bản án còn tuyên hình phạt đối với các bị cáo khác, án phí, quyền kháng cáo của bị cáo.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 06/6/2019, bị cáo Nguyễn Văn V kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị cáo Nguyễn Văn V chỉ kháng cáo xin được hưởng án treo, xuất trình biên lai nộp án phí sơ thẩm và đề nghị HĐXX xem xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo là lao động chính, trụ cột trong gia đình, phải nuôi mẹ già, con nhỏ.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tham gia phiên tòa sau khi phân tích các tình tiết trong vụ án, xác định cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 174 BLHS là đúng pháp luật. Xét kháng cáo của bị cáo thì thấy: Bị cáo phạm tội nhiều lần, nhưng các lần xảy ra đã lâu từ 2013 đến 2014 trước khi có Nghị quyết số 02/2018 quy định về hưởng án treo, nên căn cứ theo Nghị quyết số 01/2013 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn về án treo theo Điều 60 BLHS 1999 là quy định có lợi hơn cho bị cáo và vận dụng hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 về tội gian lận bảo hiểm theo BLHS 2015 đối với bị cáo. Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trước khi phạm tội có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, tại cấp phúc thẩm tự nguyện nộp án phí sơ thẩm, đề nghị HĐXX áp dụng Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo V, sửa án sơ thẩm; Xử phạt bị cáo V 30 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm. Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Bị cáo Nguyễn Văn V kháng cáo trong thời hạn luật định nên kháng cáo hợp lệ.

[2]. Xét kháng cáo của bị cáo thì thấy: Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong vụ án, phù hợp với lời khai đại diện nguyên đơn dân sự, những người có quyền nghĩa vụ liên quan, của những người làm chứng cũng như các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó có đủ căn cứ kết luận: Từ đầu năm 2013 đến tháng 10/2014, Nguyễn Văn V đã 6 lần lập khống hồ sơ thanh toán tiền bảo hiểm xã hội chế độ thai sản, sinh con cho 11 công nhân của công ty P, chiếm đoạt số tiền 162.207.600đ, V được hưởng lợi số tiền 36.000.000 đ. Với hành vi trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.Về tội danh bị cáo không kháng cáo và Viện kiểm sát nhân dân không kháng nghị.

Xét kháng cáo của bị cáo thì thấy: Cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vị trí vai trò đồng phạm của bị cáo, cũng như áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng thời xem xét các quy định có lợi theo khoản 2 điều 214 BLHS, xử phạt bị cáo V 30 tháng tù là phù hợp. Bị cáo bị xử phạt hành chính vào tháng 11/2017 về hành vi đánh bạc vào thời điểm sau khi phạm tội, không phải là tiền sự.

Tại cấp phúc thẩm xét thấy, bị cáo phạm tội nhiều lần, nhưng các lần xảy ra từ đầu 2013 đến tháng 10/2014, trước khi có Nghị quyết số 02/2018 quy định về hưởng án treo, vì vậy căn cứ theo Nghị quyết số 01/2013 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn về án treo theo Điều 60 BLHS 1999 là quy định có lợi hơn cho bị cáo. Hành vi bị cáo đã thực hiện là hành vi gian lận bảo hiểm vì xảy ra trước khi BLHS 2015 có hiệu lực pháp luật và tội gian lận bảo hiểm là tội mới nên áp dụng BLHS 1999 để xét xử bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cần xem xét các quy định có lợi theo Điều 214 BLHS 2015 về tội gian lận bảo hiểm để xét xử đối với bị cáo; bị cáo thực hiện hành vi các lần cùng loại, liên lục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, đã cộng tổng số tiền chiếm đoạt trong các lần phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng theo tổng số tiền của các lần gây thiệt hại theo hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 về tội gian lận bảo hiểm. Xét trước khi phạm tội bị cáo có nhân thân tốt, chưa từng vi phạm pháp luật, là Đảng viên đảng cộng sản, thành khẩn khai báo; bị cáo phạm tội chiếm đoạt tài sản, nhưng đã khắc phục thiệt hại, tích cực trả lại toàn bộ số tiền được hưởng lợi cho BHXH tỉnh Hải Dương và đã lập công chuộc tội, báo cho Công an huyện Nam Sách bắt giữ đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, được Công an huyện Nam Sách xác nhận. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo đã tự nguyện nộp án phí sơ thẩm, thể hiện sự ăn năn hối cải, ý thức chấp hành pháp luật của bị. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, có công việc ổn định. Nên HĐXX căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo V, như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, sửa án sơ thẩm về phần hình phạt, cho bị cáo V cơ hội được cải tạo được địa phương và ấn định thời gian thử thách, mà không cần thiết bắt bị cáo cải tạo tại trại giam cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo, cho bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

[3]. Về án phí: Kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn V được chấp nhận, nên bị cáo không phải chịu án phí phúc thẩm hình sự theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

[4]. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, HĐXX không xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn V, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HSST, ngày 28/5/2019 của TAND huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương về phần hình phạt của bị cáo Nguyễn Văn V.

2. Căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s, u khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 58, khoản 3 Điều 7, các khoản 1, 2 và 5 Điều 65 của Bộ luật hình sự 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử phạt: bị cáo Nguyễn Văn V 30 (ba mươi) tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời gian thử thách 60 (sáu mươi) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 20/9/2019).

Giao bị cáo Nguyễn Văn V cho Ủy ban nhân dân thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thì thực hiện theo quy định tại điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Án phí: Bị cáo Nguyễn Văn V không phải chịu án phí phúc thẩm hình sự.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án phúc thẩm 20/9/2019./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

620
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 118/2019/HSPT ngày 20/09/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:118/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về