Bản án 115/2020/DS-PT ngày 17/06/2020 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, hủy quyết định cá biệt và chia di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 115/2020/DS-PT NGÀY 17/06/2020 VỀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU, HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT VÀ CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 17 tháng 6 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 33/TBTL-TA ngày 14 tháng 12 năm 2018 về “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; hủy quyết định cá biệt và chia di sản thừa kế”, do Bản án dân sự sơ thẩm số 66/2018/DSST ngày 22/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng có kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1021/2020/QĐ-PT ngày 04 tháng 6 năm 2020, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông Phạm Văn L, sinh năm 1963; Địa chỉ: tỉnh Đồng Nai; Địa chỉ liên hệ: thành phố Đà Nẵng; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Lê V, Công ty luật MTV N thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng; địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; có mặt.

* Bị đơn:

1. Ông Phạm Văn L1, sinh năm 1961; Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; Địa chỉ liên hệ thành phố Đà Nẵng; có mặt.

2. Bà Phạm Thị L, sinh năm 1965; Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn B, sinh năm: 1961; địa chỉ: thành phố Đà Nẵng (văn bản ủy quyền ngày 19/01/2019); có mặt.

3. Ông Phạm Văn A, sinh năm 1968; Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Nguyễn Thị T, sinh năm: 1965; địa chỉ: thành phố Đà Nẵng (văn bản ủy quyền ngày 22/01/2019); có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Phạm Văn A: Ông Trần Tuấn L, Công ty luật TNHH 2TV H, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng; địa chỉ: quận T, thành phố Đà Nẵng; có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Phạm Văn P, sinh năm 1969; Địa chỉTP Đà Nẵng; có mặt.

2. Bà Phan Thị Tuyết N, sinh năm 1969; Địa chỉ: TP Đà Nẵng; vắng mặt. mặt.

3. Bà Lê Thị Cộng H, sinh năm: 1968; Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; có

4. Bà Nguyễn Thị T; Địa chỉ: TP Đà Nẵng; có mặt.

5. Phòng Công chứng số 2 thành phố Đà Nẵng; Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; vắng mặt.

6. Ủy ban nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng; Địa chỉ: quận T, TP Đà Nẵng;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Trung N, chức vụ: Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận T, thành phố Đà Nẵng (theo Quyết định số 75474/QĐ-UB ngày 08/5/2018); vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản hoà giải, đại diện cho nguyên đơn trình bày: Nhà và đất đang tranh chấp tại số K338/35 đường H, phường C, quận T, thành phố Đà Nẵng là tài sản riêng bà Nguyễn Thị K theo Trích lục sổ nghiệp chủ nhà ở số: 575 ngày 16/11/1990 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cấp cho bà K. Năm 1998 bà K mất, không để lại di chúc. Chồng bà K là ông Phạm Văn B, sinh năm 1928, chết năm 1976. Ông B và bà K có 07 con chung, trong đó có 02 người đã chết không có vợ, chồng, con. Hiện còn 05 người còn sống là: Ông Phạm Văn L, ông Phạm Văn L1, ông Phạm Văn A, bà Phạm Thị L và ông Phạm Văn P. Ngoài ra, bà K không còn con riêng, con nuôi nào khác. Ngày 17/11/2004 khi khai nhận di sản thừa kế là chỉ có 3 người là ông L1, ông A, bà L chứ không có ông L và ông P. Ngày 14/6/2004 ông L có ký giấy thỏa thuận được Ủy ban nhân dân xã S xác nhận, đề cập đến ngôi nhà 575, thực tế là không có ngôi nhà này và nội dung là theo ông A nói là để thỏa thuận giao cho ông A, ông L1, bà L để thuận tiện cho sinh hoạt điện nước, đóng thuế đất; còn có ghi phần giao sở hữu cho những người trên là do ông A đọc nội dung, ông L ghi với mục đích để làm giấy tờ điện nước.

Việc khai nhận di sản thừa kế cho ông L1, ông A, bà L, ông L hoàn toàn không biết. Nay ông L yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản khai nhận di sản thừa kế ngày 17/11/2004 được lập tại Phòng Công chứng số 2 thành phố Đà Nẵng vô hiệu, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân quận T cấp cho ông Phạm Văn L1, bà Phạm Thị L, ông Phạm Văn A ngày 19/02/2008; đồng thời chia di sản thừa kế của mẹ ông Phạm Văn L để lại là diện tích đất tại số K338/35 đường H, phường C, quận T, thành phố Đà Nẵng theo giấy chứng nhận là 94,5m2, giá trị định giá là 1.804.950.000 đồng, không yêu cầu chia phần xây dựng của ngôi nhà.

- Bị đơn ông Phạm Văn L1 trình bày: Tôi xác nhận nhà và đất đang tranh chấp là di sản thừa kế do mẹ tôi là bà Nguyễn Thị K để lại. Cha mẹ tôi sinh được 07 người con nhưng có 02 người đã chết không có vợ chồng con, hiện còn 05 người còn sống như lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn. Năm 1998, mẹ tôi (Nguyễn Thị K) mất. Khi làm giấy tờ để tôi, A, L đứng tên thì tôi có trao đổi với ông P là thỏa thuận cho 3 anh em đứng tên đại diện, không đồng ý về việc chia di sản thừa kế. Nay ông Phạm Văn L yêu cầu hủy văn bản công chứng, hủy giấy chứng nhận, chia di sản thừa kế thì tôi không đồng ý vì nếu chia di sản thừa kế thì gia đình tôi đông người nên không có chỗ ở, nếu Tòa án có căn cứ thì chia theo quy định của pháp luật.

- Bị đơn, ông Phạm Văn A trình bày: Ngôi nhà đang tranh chấp là tài sản riêng của mẹ tôi bà Nguyễn Thị K để lại. Hiện anh em chúng tôi còn sống 05 người con như lời khai của ông L1. Việc chúng tôi kê khai di sản và đứng tên trên giấy chứng nhận là do có sự đồng ý của ông L và ông P nhường phần ông L và ông P cho ba anh em chúng tôi. Thực tế hiện nay, trên căn nhà này, 3 anh em chúng tôi là tôi, L1, L đang ở cùng gia đình các anh em đang sinh sống và tạm thời phân chia mỗi người sử dụng một phần căn nhà này. Nguyên trước đây ngôi nhà là nhà trệt, mái tole, tường xây, nền xi măng, diện tích là 33,8 m2; sau khi giao thừa kế ba anh em chúng tôi (A, L1, L) tiến hành cơi nới diện tích đất và xây dựng lại nhiều lần, nay có kết cấu như sau: tường xây, mái tole, gác lửng đúc, sàn gỗ, nền gạch hoa, diện tích là 57,3 m2 được Ủy ban nhân dân quận T cấp Giấy chứng nhận số; AM 333764 ngày 19/2/2008 đứng tên Phạm Văn L1, Phạm Thị L, Phạm Văn A.

Về việc ông L cho rằng không cho nhà và đất trên cho 3 anh em chúng tôi mà chỉ giao cho 3 anh em sử dụng để làm hợp đồng điện nước thì tôi không đồng ý, vì ông L đã cho hẳn phần thừa kế của ông L cho 3 anh em chúng tôi.

Về Giấy thỏa thuận ngày 12/3/2004 thì ông Phạm Văn P ký và toàn bộ nội dung trên là tôi ghi và được ông P cùng bà N (vợ ông P) đọc lại, đồng thời chúng tôi có giao cho ông P, bà N số tiền 10.000.000đ là để ông P đồng ý nhường phần thừa kế của ông cho chúng tôi. Do đó, việc ông P cho rằng, ông P không ký giấy thỏa thuận là không đúng.

Nay ông L yêu cầu hủy văn bản công chứng, hủy giấy chứng nhận và chia thừa kế thì tôi không đồng ý. Trong trường hợp nếu Tòa án có căn cứ phải chia di sản thừa kế thì đề nghị Tòa án xem xét công sức xây dựng ngôi nhà của chúng tôi.

- Bị đơn bà Phạm Thị L trình bày: Tôi thống nhất với ông A về các nội dung sau: Nguồn gốc ngôi nhà, anh chị em, tặng cho nhà, nhà được xây dựng, cơi nới, không đồng ý các yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn L.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Phạm Văn P trình bày: Tôi thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về nguồn gốc ngôi nhà, các con của cha mẹ. Giấy thỏa thuận ngày 12/3/2004 tôi có ký tên là Phạm Văn P nhưng toàn bộ nội dung phía trên là tôi không viết, do ông A viết. Nội dung tôi nghĩ là giao cho ông L1, ông A, bà L đứng tên để tiện làm hợp đồng điện nước, thuận tiện cho sinh hoạt chứ không phải chuyển nhượng phần di sản thừa kế cho ông L1, ông A, bà L. Tờ khai di sản thừa kế ngày 11/10/2004, tại trang 3, dưới những người đồng thừa kế có ký tên thì chữ ký Phạm Văn P số thứ tự 4 không phải do tôi ký. Tôi không yêu cầu giám định chữ ký của tôi.

Tại giấy chứng thực ngày 12/3/2004 do tôi và vợ là bà Phạm Thị Tuyết N có nhận số tiền 10.000.000đ. Đây là tiền thuê nhà do ông A giao cho tôi để tôi phải ra khỏi nhà, nhưng thực chất tôi bị lừa nên mới có nội dung như vậy.

Nay với yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn L, tôi đồng ý hủy văn bản công chứng; hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân quận T cấp cho ông L1, ông A, bà L và yêu cầu chia thừa kế phần đất có diện tích 94,5m2.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Cộng H trình bày: Việc Tòa án chia thừa kế thì căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết, tuy nhiên nếu chia thì đề nghị Tòa án hoàn trả lại phần xây dựng nhà và đất cho vợ chồng tôi.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Nguyễn Thị T trình bày: Ông A có mượn của tôi nhiều lần tiền để tu sửa nhà. Khi mượn có giao bản gốc Giấy chứng nhận nhà đất số: AM 333764. Hiện tôi đang quản lý giấy chứng nhận. Nay tôi chưa có yêu cầu lấy lại số tiền đã cho ông A mượn, hai bên tự thỏa thuận với nhau. Tôi đồng ý trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cho Tòa án giải quyết, nếu phải chia thừa kế.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đại diện Phòng Công chứng số 2 thành phố Đà Nẵng trình bày: Công chứng viên của Phòng Công chứng số 2 thành phố Đà Nẵng đã thực hiện chứng nhận “Văn bản khai nhận di sản thừa kế” số công chứng: 221 ngày 17 tháng 11 năm 2004 đối với di sản thừa kế là nhà và quyền sử dụng đất tại tổ 20 phường C, quận T, thành phố Đà Nẵng do bà Nguyễn Thị K để lại. Các ông bà Phạm Văn L1, Phạm Văn A và Phạm Thị L là những người thừa kế di sản và lập văn bản này. Việc chứng nhận văn bản số: 221 đã được Công chứng viên Phòng Công chứng số 2 thực hiện theo các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu và theo các giấy tờ do người yêu cầu công chứng xuất trình. Công chứng viên Phòng Công chứng số 2 đã tiến hành các thủ tục niêm yết văn bản khai nhận di sản thừa kế trong thời hạn 30 ngày theo đúng quy định tại Điều 52, Điều 53 Nghị định 75/2000/NĐCP ngày 8/12/2000. Sau khi hết thời hạn niêm yết mà không có sự phản hồi của cá nhân, tổ chức nào đối với Văn bản khai nhận di sản thừa kế nêu trên Công chứng viên Phòng Công chứng số 2 đã thực hiện chứng nhận Văn bản khai nhận di sản số: 221 là phù hợp với quy định của pháp luật. Phòng Công chứng số 2 đề nghị không tham gia, vắng mặt trong quá trình đối chất, hòa giải và xét xử vụ án.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, UBND quận T trình bày:

Trên cơ sở văn bản khai nhận di sản thừa kế của Tờ khai di sản thừa kế ngày 17/11/2004 thì việc UBND quận T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông L1, ông A và bà L là hoàn toàn đúng với pháp luật. Nay các đương sự yêu cầu hủy giấy chứng nhận trên thì đại diện Ủy ban không đồng ý.

Với nội dung trên, tại bản án dân sự sơ thẩm số 66/2018/DS-ST ngày 22/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định:

Căn cứ Khoản 5 Điều 221; Điều 238 và Điều 620 Bộ luật dân sự. Nghị quyết số: 326/2016-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ về quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí.

1/ Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn L về việc:

Tuyên bố “Văn bản khai nhận di sản thừa kế”, do Phòng Công chứng số 2 thành phố Đà Nẵng chứng thực ngày 17/11/2004 vô hiệu.

- Hủy Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số: AM 33376 do UBND quận T, thành phố Đà Nẵng cấp ngày 19/02/2008, đứng tên các ông, bà: Phạm Văn L1, Phạm Thị L và Phạm Văn A.

- Chia thừa kế nhà đất tại K338/35 H, tổ 10, phường C, thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 25/10/2018 và ngày 29/10/2018, các ông Phạm Văn L1, Phạm Văn P và ông Phạm Văn L kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Ông Phạm Văn L giữ nguyên nội dung kháng cáo và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để xét xử lại, vì ông cho rằng ông chỉ ký giấy thỏa thuận giao quyền cho ông L1, ông A và bà L làm thủ tục điện, nước, chứ ông không ký nhường quyền thừa kế tài sản; mặt khác giấy thỏa thuận trên ông yêu cầu giám định, nhưng Tòa án phúc thẩm không thu thập được hồ sơ gốc nên không giám định được. Ông P giữ nguyên nội dung kháng cáo, yêu cầu hủy án sơ thẩm vì Tờ khai di sản thừa kế ngày 11/10/2004 không phải là chữ ký của ông mà là chữ ký do các bị đơn giả tạo để chiếm đoạt tài sản. Ông L1 vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị hủy án sơ thẩm chia lại thừa kế cho tất cả những người thừa kế.

Luật sư Nguyễn Lê Vũ bảo vệ quyền lợi cho ông L cho rằng tất cả các văn bản khước từ thừa kế của ông L, ông P không đúng với quy định của pháp luật về thời hiệu và trình tự thủ tục; do đó các văn bản trên không có giá trị pháp lý. Mặt khác, chữ ký ghi tên P tại văn bản là Tờ khai thừa kế ngày 11/10/2004 có kết luận giám định không phải là chữ ký của ông P. Ngoài ra, ông L1 là bị đơn một trong 03 người đã được nhận di sản như ông A, bà L, nhưng ông lại kháng cáo theo nguyên đơn yêu cầu chia đều di sản cho 05 anh em. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét và chấp nhận kháng cáo chia thừa kế theo pháp luật cho tất cả 05 anh em ông L.

Luật sư Trần Tuấn Lợi bảo vệ quyền lợi cho ông A cho rằng ông P đã chấp nhận là có nhận 10.000.000đ của ông A, như vậy ông P đã mặc nhiên thừa nhận việc phân chia thừa kế và trên thực tế đã nhường lại phần thừa kế cho ông A, bà L và ông L1. Trên cơ sở các văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế của ông L, ông P thì các cơ quan chức năng mới lập được hồ sơ đầy đủ và đúng trình tự thủ tục phân chia tài sản và cấp Giấy CNQSDĐ cho các bị đơn, nên đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của ông L, ông P.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Hội đồng xét xử phúc thẩm tiến hành đúng quy định về tố tụng; thụ lý giải quyết vụ án dân sự đúng trình tự, thủ tục. Về nội dung, án sơ thẩm chưa trưng cầu giám định chữ ký của ông L và ông P, nay kết quả giám định cấp phúc thẩm không phải chữ ký của ông P, còn chữ ký của ông L chưa thu thập được hồ sơ giám định; chưa thu thập đầy đủ trình tự thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy đinh; do vậy đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của các bên đương sự và của đại diện Viện kiểm sát.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm vắng mặt đại diện UBND quận T và đại diện Phòng công chứng nhà nước số 02, theo đề nghị của các đương sự có mặt và Kiểm sát viên, HĐXX chấp nhận tiếp tục tiến hành phiên tòa.

[2] Về nội dung: Xét về nguồn gốc tài sản các bên tranh chấp, thấy rằng: Nguồn gốc nhà và đất tại tổ 20, phường C, quận T, thành phố Đà Nẵng thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị K do bà K mua lại của vợ chồng ông Trần Công Chơi và bà Phạm Thị Bích L vào năm 1993. Ngôi nhà có kết cấu là nhà trệt, mái tôn, tường xây và phênh tre, nền xi măng, diện tích xây dựng 33,89m2 theo Trích lục Sổ Nghiệp chủ số 575 ngày 16.11.1990 do Sở xây dựng Quảng Nam Đà Nẵng cấp cho vợ chồng ông Chơi và bà L. Bà K đã làm thủ tục và được chỉnh lý biến động đứng tên chủ sở hữu vào ngày 03.4.1993; bà K có chồng là ông Phạm Văn B (ông B chết năm 1976), ông bà sinh được 07 người con gồm: Ông Phạm Văn Thành, sinh năm 1955 (mất năm 1975 không có vợ, con); bà Phạm Thị Lan, sinh năm 1957 (mất năm 1974 không có chồng, con); ông Phạm Văn L1, sinh năm 1961; ông Phạm Văn L, sinh năm 1963; bà Phạm Thị L, sinh năm 1965; ông Phạm Văn A, sinh năm 1968 và ông Phạm Văn P, sinh năm 1969. Năm 1998, bà K chết không để lại di chúc, di sản thừa kế do ông L1, bà L và ông A quản lý và sử dụng.

[3] Xét về quá trình lập thủ tục thừa kế, thì thấy: Ngày 12.3.2004, ông Phạm Văn P lập “Giấy thỏa thuận” có nội dung nhường kỷ phần thừa kế di sản mà ông được hưởng của bà K đối với nhà, đất trên cho ông L1, ông A và bà L có xác nhận của UBND phường B Thuận, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng là nơi thường trú của ông P cùng ngày 12/3/2004. Ngày 14.6.2004, ông Phạm Văn L lập “Giấy thỏa thuận” đồng ý để cho ông L1, ông A và bà L được làm mọi giấy tờ cần thiết để làm thủ tục sở hữu đối với nhà đất tại tổ 20, phường C, quận T, thành phố Đà Nẵng của mẹ để lại, có xác nhận của UBND xã S, huyện T, tỉnh Đồng Nai là nơi thường trú của ông L vào ngày 30/5/2004. Sau khi có các giấy thỏa thuận của ông P, ông L ngày 11.10.2004 ông L1, bà L và ông A lập Tờ khai di sản thừa kế đối với nhà và đất trên, có xác nhận của 03 nhân chứng và của UBND phường C, quận T, thành phố Đà Nẵng vào ngày 12/10/2004. Ngày 17.11.2004, ông L1, bà L và ông A đến phòng Công chứng số 2, thành phố Đà Nẵng lập văn bản khai nhận di sản thừa kế nhà và đất trên của bà K chết để lại cho ông L1, bà L và ông A và được Phòng Công chứng số 2, thành phố Đà Nẵng thực hiện việc chứng thực theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 19.02.2008, UBND quận T cấp Giấy chứng nhận QSD đất và tài sản gắn liền với đất số AM 333764 cho ông Phạm Văn L1, bà Phạm Thị L và ông Phạm Văn A với diện tích đất 94,5m2, diện tích xây dựng 57,3m2. Hiện nay, ngôi nhà cũ do bà K để lại đã hư hỏng nên vợ chồng ông L1, bà L và ông A đã xây dựng ngôi nhà mới hoàn toàn.

[4] Như vậy, HĐXX xét thấy có căn cứ xác định được vào năm 2004, ông L và ông P đã tự nguyện lập giấy thỏa thuận cho kỷ phần thừa kế mà mình được hưởng cho ông L1, bà L và ông A, các giấy thỏa thuận này có sự xác nhận của UBND phường C và UBND xã S là nơi cư trú của hai ông. Trên cơ sở đó, ông L1, bà L và ông A mới tiến hành các thủ tục kê khai di sản thừa kế và được phòng Công chứng số 2 thành phố Đà Nẵng chứng thực theo đúng trình tự, quy định của pháp luật và việc UBND quận T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đứng tên ông L1, bà L, ông A là đúng quy định. Do đó, yêu cầu chia di sản thừa kế của bà K để lại là QSD 94,5m2 đất; yêu cầu tuyên bố vô hiệu Văn bản khai nhận di sản thừa kế ngày 17.11.2004 tại Phòng công chứng số 2, thành phố Đà Nẵng; yêu cầu hủy Giấy chứng nhận QSD đất và tài sản gắn liền với đất của UBND quận T cấp ngày 19.02.2008 của nguyên đơn không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là đúng pháp luật.

[5] Xét kháng cáo của các ông Phạm Văn L, Phạm Văn P và Phạm Văn L1 yêu cầu hủy án sơ thẩm, vì qua giám định có người giả mạo chữ ký của ông P, thấy rằng: Ngày 22/01/2019 ông L gửi đơn yêu cầu giám định Giấy thỏa thuận cho, nhận, phân chia di sản thừa kế về chữ ký tên L ngày 30/5/2004 có xác nhận của UBND xã S, huyện T, tỉnh Đồng Nai vào ngày 14/6/2004. Ông L yêu cầu giám định chữ ký của ông trong văn bản này (BL 311-312), vì ông cho rằng đây không phải chữ ký của ông. Tuy nhiên tại hồ sơ vụ án không có bản gốc, nên TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan và ông A cho mượn hồ sơ gốc, nhưng các cơ quan trên trả lời không có (Văn bản số 429/CNVPĐKĐĐTK ngày 29/5/2019 của Văn phòng đăng ký đất đai quận T; Biên bản giao nhận chứng cứ ngày 02/10/2019 của Phòng Công chứng số 02 thành phố Đà Nẵng cũng chỉ có bản chính Tờ khai Di sản thừa kế ngày 11/10/2014; Văn bản số 918/UBND-VP ngày 28/5/2019 của UBND quận T). Riêng ông A không có văn bản phản hồi. Ngày 02/10/2019 TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định trưng cầu giám định số 03/2019/QĐ-TCGĐ kèm với văn bản theo yêu cầu của ông L và các văn bản thể hiện chữ ký so sánh của ông L gửi Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng yêu cầu giám định. Ngày 16/10/2019 Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng gửi văn bản số 1019/C09C (DD6) từ chối việc giám định với lý do Văn bản (BL 311-312) do ông L yêu cầu giám định là bản photocopy nên không giám định được. Ngày 02/10/2019 TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định số 4/2019/QĐ-TCGĐ kèm với văn bản theo yêu cầu của ông P và các văn bản thể hiện chữ ký so sánh của ông P gửi Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng yêu cầu giám định. Ngày 15/11/2019 Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng gửi văn bản số 1020/109C9 (DD6) kết luận giám định chữ viết và chữ ký ông P yêu cầu giám định không phải là chữ ký do ông P viết và ký. HĐXX thấy rằng, đối với chữ ký của ông P tại Tờ khai ngày 11/10/2004 theo yêu cầu giám định của ông là không cần thiết, vì ông P đã ký giấy thỏa thuận ngày 12/3/2004 nhường quyền thừa kế lại đã được UBND phường B Thuận, thành phố Đà Nẵng xác nhận ngày 12/3/2004, nên trong Tờ khai ngày 11/10/2004 không nhất thiết phải có chữ ký của ông P, vì vậy mà tại văn bản này UBND phường C cũng chỉ xác nhận chữ ký của ông L1, bà L và ông A chứ không ký xác nhận chữ ký của ông P, vì ông P đã có giấy thỏa thuận đang có hiệu lực.

[6] Quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa hôm nay, ông L tiếp tục yêu cầu ông A phải cung cấp bản gốc giấy thỏa thuận ngày 30/5/2014 để trưng cầu giám định, nhưng ông A không cung cấp. HĐXX xét thấy, quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm ông L không yêu cầu giám định chữ ký của ông tại Giấy thỏa thuận ngày 30/5/2014; tại Tòa án cấp phúc thẩm ông L lại yêu cầu, đây là tình tiết mới cần phải làm rõ, vì việc giám định chữ ký trên văn bản này nếu không phải chữ ký của ông L thì cần phải hủy kết quả cấp Giấy CNQSDĐ là di sản thừa kế cho ông A, bà L và ông L1 để chia lại thừa kế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên Tòa án cấp phúc thẩm đã làm hết trách nhiệm mà các cơ quan liên quan không cung cấp được, còn ông A thì cũng không xuất trình bản gốc để giám định; nên cần phải chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn. Tuy nhiên nếu chia thừa kế ở cấp phúc thẩm thì các bị đơn sẽ mất quyền kháng cáo theo nguyên tắc hai cấp xét xử. Do vậy, HĐXX xét thấy cần hủy bản án sơ thẩm giao hồ sơ về Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo quy định. Trong trường hợp thu thập được Giấy thỏa thuận ngày 30/5/2004 bản gốc có chữ ký của ông L thì giám định và giải quyết vụ án theo kết quả giám định, trường hợp không thu thập được bản gốc trên thì tùy vào kết quả thu thập chứng cứ khác mà giải quyết theo quy định, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

[7] Xét yêu cầu của ông P về việc Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ hành vi giả chữ ký của ông P để chiếm đoạt tài sản. HĐXX thấy rằng theo nhận định ở mục [5] thì chữ ký của ông P tại Tờ khai ngày 11/10/2004 là không cần thiết, vì ông P đã ký giấy ngày 12/3/2004 nhường quyền thừa kế đã được UBND phường xác nhận ngày 12/3/2004, nên trong Tờ khai ngày 11/10/2004 không nhất thiết phải có chữ ký của ông P; do vậy mà không chấp nhận yêu cầu trên của ông P.

[8] Từ những phân tích và nhận định trên đây, xét thấy kháng cáo của các đương sự phù hợp với quan điểm đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa và của HĐXX, nên chấp nhận.

[9] Do kháng cáo được chấp nhận, nên các đương sự không phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

1. Chấp nhận kháng cáo của các ông Phạm Văn L, Phạm Văn P và Phạm Văn L1, hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 66/2018/DSST ngày 22/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Án phí dân sự phúc thẩm: Các ông Phạm Văn L, Phạm Văn P và Phạm Văn L1 không phải nộp. Hoàn lại mỗi ông 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà ông L, ông P và ông L1 đã nộp tạm ứng tại các biên lai thu số 1529, 1530 và 1531 cùng ngày 01/11 /2018 của Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (17/6/2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

611
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 115/2020/DS-PT ngày 17/06/2020 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, hủy quyết định cá biệt và chia di sản thừa kế

Số hiệu:115/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:17/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về