Bản án 115/2018/HSPT ngày 10/10/2018 về tội bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 115/2018/HSPT NGÀY 10/10/2018 VỀ TỘI BẮT GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT VÀ CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 10 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 124/2018/TLPT- HS ngày 06 tháng 8 năm 2018 đối với bị cáo Phạm A và đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 18/2018/HSST ngày 22/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Khánh Hòa.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. PHẠM A - Sinh năm 1967 tại Quảng Bình

Nơi cư trú: Tổ dân phố A1, phường A2, thành phố B, tỉnh Khánh Hòa.

Nghề nghiệp: làm biển; Trình độ văn hoá: 4/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Thiên Chúa giáo; Quốc tịch: Việt Nam Con ông: Phạm A3 và bà Mai Thị A4

Vợ: A5, có 8 con, lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 2011.

Tiền án, tiền sự: Không

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên toà.

2. HOÀNG C - Sinh năm 1981 tại Quảng Bình

Nơi cư trú: Tổ dân phố A1, phường A2, thành phố B, tỉnh Khánh Hòa. Nghề nghiệp: làm biển; Trình độ văn hoá: 1/12; Dân tộc: Kinh;

Giới tính: Nam; Tôn giáo: Thiên Chúa giáo; Quốc tịch: Việt Nam

Con ông: Hoàng C1 và bà Mai Thị C2

Vợ: Phạm Thị C3, có 2 con, lớn nhất sinh năm 2010, nhỏ nhất sinh năm 2015. 

Tiền án, tiền sự: Không

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên toà.

3. MAI QUANG D - Sinh năm 1992 tại Khánh Hòa 2017.

Nơi cư trú: Tổ dân phố A1, phường A2, thành phố B, tỉnh Khánh Hòa. Nghề nghiệp: làm biển; Trình độ văn hoá: 3/12; Dân tộc: Kinh;

Giới tính: Nam; Tôn giáo: Thiên Chúa giáo; Quốc tịch: Việt Nam

Con ông: Mai D1 và bà Phạm Thị D2

Vợ: Cao Thị D3, có 2 con, lớn nhất sinh năm 2015, nhỏ nhất sinh năm

Tiền án, tiền sự: Không

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên toà.

* Người bào chữa cho các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D:

Luật sư Hoàng Đ – Công ty Luật TNHH Đ1, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Luật sư có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 23/6/2016, Nguyễn Cao E điều khiển ghe ở vùng biển A2 và có kéo theo một xỏng chèo nhỏ thì vướng vào các lờ (bóng) bẫy cá. Hoàng C nhìn thấy nên nghi E lấy trộm các lờ của mình nên gọi điện thoại cho Phạm A và đi rủ Mai Văn Ê, Nguyễn G, Nguyễn Thành H, Mai Trần I, Nguyễn Quang K, Nguyễn Thế L để bắt trộm. C, Ê , G, H mượn ghe ông Nguyễn M để đi cùng. I, K, L đi ghe của C. Lúc này Phạm A rủ A5, Mai Quang D đến bè nuôi tôm của ông Vu Vương N để mượn ghe. Sau đó D điều khiển ghe ông N chở A, A5 đi bắt E.

Khi D điều khiển ghe đến khu vực cầu dầu số 5 thuộc Vùng O thì đuổi kịp ghe của E. Lúc này, đầu ghe của D điều khiển vướng vào sợi dây kéo của xỏng ghe làm đứt dây và chìm xuống biển. Sau đó D điều khiển ghe áp sát ghe của E. A và D nhảy qua ghe của E dùng tay, chân đánh 3 đến 4 cái trúng vào mặt, lưng và người E. Lúc này G điều khiển ghe chạy đến. C qua ghe E đến dùng tay, chân đánh E nhiều cái vào người và cùng A bắt E đưa qua ghe của ông N. C giữ E, A dùng dây nylon lấy trên ghe trói E vào cột cabin của ghe. Sau đó, D điều khiển ghe chở A, H, A5 đưa E đến bè ông N để trả lại ghe cho ông N và tiếp tục sang ghe của A để đưa E vào bờ. C, I đi ghe của C chạy theo sau. Ê điều khiển ghe của E chở K, L; G điều khiển ghe của ông M quay lại vị trí E thả các lờ xuống biển thì bị lực lượng O bắt giữ.

Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, D điều khiển ghe đến bờ biển thuộc tổ dân phố A1, phường A2. Tại đây, A dùng dây nilong màu đen cột vào đai quần của E, C cầm dây dắt E và cột vào trụ cây lều của người dân ở bờ biển. Sau đó, Nguyễn Văn P là bố của E đến nói C thả E ra thì C mở trói nhưng không thả mà dắt E đi vào trong khu dân cư. Sau đó, có Công an đến thì C thả E ra.

Tại Bản kết luận giám dịnh pháp y về thương tích số 256 ngày 26/10/2016 của Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa kết luận tỉ lệ thương tật của Nguyễn Cao E là 12%.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 140 ngày 01/12/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố B kết luận: xỏng chèo làm bằng tre có trít nhựa đường dài 4m, rộng 1m, cao 60cm đã sử dụng trị giá 2.700.000 đồng.

Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2018/HSST ngày 22/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định: Căn cứ khoản 1 Điều 104, khoản 1 Điều 123, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với các bị cáo Phạm A, Hoàng C; khoản 1 Điều 104, điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bi cáo Mai Quang D, xử phạt Phạm A 3 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hợp hình phạt chung buộc bị cáo phải chấp hành cho cả hai tội là 9 tháng tù, thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án; xử phạt Hoàng C 6 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hợp hình phạt chung buộc bị cáo phải chấp hành cho cả hai tội là 1 năm tù, thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án; xử phạt Mai Quang D 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Trong các ngày 5 và 6 tháng 6 năm 2018, các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng) đối với các bị cáo; sửa bản án sơ thẩm, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và cho hưởng án treo đối với các bị cáo có đủ các điều kiện.

Luật sư Hoàng Đ yêu cầu áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với các bị cáo và cho các bị cáo được hưởng án treo hoặc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với các bị cáo.

Tại lời nói sau cùng, các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Về tính hợp pháp của kháng cáo:

Đơn kháng cáo được các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D nộp trực tiếp cho Tòa án nhân dân thành phố B vào các ngày 5, 6/6/2018. Theo quy định tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đơn kháng cáo của các bị cáo là hợp pháp, do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của bị cáo theo trình tự phúc thẩm.

 [2] Về trách nhiệm hình sự của bị cáo:

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D thừa nhận toàn bộ hành vi bị cáo đã thực hiện như nội dung bản án sơ thẩm của

Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Khánh Hòa. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Có đủ cơ sở để xác định rằng, vào ngày 23/6/2016, do nghi ngờ anh Nguyễn Cao E trộm cắp tài sản của mình mà các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D đã có hành vi dùng tay, chân đánh vào cơ thể của người bị hại Nguyễn Cao E gây thương tích với tỷ lệ thương tật là 12%. Bị cáo Phạm A và Hoàng C còn có hành vi bắt, trói anh E vào cabin của ghe đưa vào bờ, sau đó tiếp tục cột người bị hại vào trụ lều của người dân ven biển. Hành vi của các bị cáo Phạm A và Hoàng C được thực hiện trước ngày 01/01/2018, đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999. Hành vi của bị cáo Mai Quang D đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.

 [3] Về nội dung kháng cáo của các bị cáo:

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của người khác, quyền tự do, dân chủ của công dân, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Đối với bị cáo Mai Quang D: Tính đến phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Mai Quang D chưa bồi thường thiệt hại cho người bị hại Nguyễn Cao E, tuy nhiên vì người bị hại từ chối nhận tiền nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả). Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, việc Tòa án cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ nói trên là phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về trách nhiệm dân sự không bị kháng cáo, kháng nghị, tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo Mai Quang D vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với người bị hại. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo xác định cho đến nay bị cáo vẫn chưa bồi thường cho người bị hại vì chưa có điều kiện về kinh tế. Như vậy, bị cáo Mai Quang D chưa giao số tiền bồi thường cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, cũng không chứng minh được việc bị cáo cất giữ số tiền đó để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại, nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy không có căn cứ cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Xem xét các tình tiết giảm nhẹ khác đối với bị cáo Mai Quang D, Hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự là có thiếu sót, nên cấp phúc thẩm áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo. Tuy nhiên,

xét thấy mức hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Mai Quang D là không nặng nên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo.

Đối với các bị cáo Phạm A và Hoàng C, xét thấy: các bị cáo phạm nhiều tội nên không có căn cứ để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo đã nộp số tiền bồi thường thiệt hại cho người bị hại Nguyễn Cao E tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B vào ngày 04/10/2018. Tuy vậy, nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và áp dụng cho các bị cáo tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả), đồng thời mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã tuyên là hoàn toàn tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của các bị cáo.

 [4] Về án phí: Các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

 [5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời gian kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

1/ Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 104; khoản 1 Điều 123; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với các bị cáo Phạm A và Hoàng C;

Xử phạt bị cáo PHẠM A 3 (ba) tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, 6 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành chung cho cả hai tội là 9 (chín) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

Xử phạt bị cáo HOÀNG C 6 (sáu) tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, 6 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành chung cho cả hai tội là 1 (một) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 104; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với bị cáo Mai Quang D;

Xử phạt bị cáo MAI QUANG D 6 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thươngtích”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ  ngày bắt giam thi hành án.

Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

 Các bị cáo Phạm A, Hoàng C và Mai Quang D mỗi bị cáo phải nộp200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

3/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

500
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 115/2018/HSPT ngày 10/10/2018 về tội bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích

Số hiệu:115/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Khánh Hoà
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về