Bản án 114/2017/HSST ngày 31/10/2017 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 114/2017/HSST NGÀY 31/10/2017 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ

Ngày 31/10/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 106/2017/HSST ngày 27 tháng 6 năm 2017 đối với bị cáo:

Phạm Thị Th: Sinh ngày: 10/01/1982. Tên gọi khác: Không. Nơi đăng ký HKTT: Khối 10, phường H, Th phố V, Nghệ An. Chỗ ở hiện nay: Ngõ 41, đường Hải Thượng Lãn Ông, xã H, Th phố V, tỉnh Nghệ An. Quốc tịch: Việt Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Nghề nghiệp: Buôn bán. Trình độ văn hóa: 12/12. Con ông: Phạm Minh P sinh năm 1953, Con bà: Nguyễn Thị V, sinh năm 1958. Anh chị, em ruột có 2 người, bị cáo là con thứ 2 trong gia đình. Chồng: Ngô Mạnh Hùng, sinh năm: 1980. Có 2 con, con lớn sinh năm 2008; nhỏ sinh năm 2012. Tiền án: Bản án hình sự sơ thẩm số 43/HSST ngày 13/7/2016 của TAND huyện Nghi Lộc xử phạt tiền 25.000.000 đồng về tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Tiền sự: Không. Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú". Có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Chị Nguyễn Thị Th, sinh năm 1983.

Trú quán: Ngõ 41, đường Hải Thượng Lãn Ông, xã H, Th phố V, tỉnh Nghệ An. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Bị cáo Phạm Thị Th bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Ngày 24/4/2017, Phạm Thị Th cùng với Nguyễn Văn Th (là lái xe); Nguyễn Hồng Th, Trần Đình H là hai phụ xe, điều khiển xe ô tô khách, biển kiểm soát Lào: U2 - 7779 vận chuyển hành khách từ huyện D, tỉnh Nghệ An đến tỉnh Xanha Buli, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào. Ngày 25/4/2017, sau khi đến tỉnh Xanha Buli trả khách xong, thông qua người khác giới thiệu Th đã trao đổi qua điện thoại với một người phụ nữ Việt Nam tên H sinh sống tại Lào, chị H đặt vấn đề thuê Th vận chuyển lô hàng 173 kg da Voi được đóng trong 7 bao bì xác rắn và 27 cá thể Rùa, từ tỉnh Xanha Buli, Lào về D, tỉnh Nghệ An với giá cước vận chuyển là 3.000.000 đồng. Ngoài ra Th còn nhận lời vận chuyển gỗ cho anh H, anh D và anh C (quê ở D, tỉnh Nghệ An) từ tỉnh Xanha Buli, Lào về huyện D, tỉnh Nghệ An với giá cước vận chuyển 15.000.000đồng/01 tấn gỗ. Khoảng 03 giờ, ngày 25/4/2017 tại tỉnh Xanha Buli, Lào, Th cho Thỏa và Hải cùng với một số người Lào bốc 5 tấm gỗ, 8 khúc gỗ và 56 thanh gỗ Hương tía, khối lượng 1,6046 m3; 173 kg da Voi; 27 cá thể Rùa lên xe ô tô U2-7779, toàn bộ gỗ Th cho cất dấu trong hầm tự chế phía sau bên trên thùng cốp đuôi xe ô tô U2-7779, da Voi và Rùa, Th cho cất dấu trong khoang chứa hàng phía dưới ghế lái xe ô tô U2-7779, toàn bộ số hàng hóa Th nhận vận chuyển cho chị H, anh H, anh D và anh C từ Xanha Buli, Lào về Việt Nam không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Bốc hàng xong, Nguyễn Văn Th điều khiển xe ô tô biển kiểm soát Lào: U2-7779 cùng Th và hai phụ xe đón khách về Việt Nam, khi đi qua tỉnh Xiêng Khoảng đón thêm 6 khách nữa, lúc này trên xe có Th, lái xe và hai phụ xe còn có 13 người khách đi từ Lào về Nghệ An.

Khoảng 8 giờ ngày 26/4/2017, khi xe ô tô U2-7779 về đến cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Th và Th xuống xe làm thủ tục qua cửa khẩu đối với phương tiện và người nhà xe, còn hành khách trên xe tự xuống làm thủ tục thông quan với Bộ đội biên phòng. Khi làm thủ tục với hải quan cửa khẩu Nậm Cắn, Th không khai báo về số hàng hóa cất dấu trong hầm phía dưới thùng cốp đuôi xe và dưới ghế lái. Sau khi làm xong thủ tục thông quan, Nguyễn Văn Th tiếp tục điều khiển xe ô tô tô U2-7779 theo đường quốc lộ 7A về huyện D. Đến khoảng 12 giờ, ngày 26/4/2017, khi xe ô tô do Th điều khiển đang lưu thông trên đường quốc lộ 7A thuộc địa phận xã H, huyện A bị tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT), Công an tỉnh phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Anh Sơn kiểm tra, phát hiện số gỗ được cất dấu trong khoang hầm trong cốp xe, tổ công tác Phòng CSMT đã lập biên bản thu giữ 5 tấm gỗ, 8 khúc gỗ và 41 thanh gỗ, tổng khối lượng 0,3656 m3 và đưa tang vật, phương tiện về Cơ quan điều tra công an Tỉnh để xác minh làm rõ. Đến sáng ngày 27/4/2017 tại Phòng CSMT Công an tỉnh Nghệ An, Phạm Thị Th đã tự nguyện lấy số hàng cất dấu trong hầm tự chế dưới cốp xe ô tô U2- 7779 giao nộp cho Phòng CSMT Công an Tỉnh gồm: 15 thanh gỗ Hương Tía (nhóm 1) tổng khối lượng 1,239 m3; 76 khúc, tấm sản phẩm da động vật màu đen, sần sùi (nghi là sản phẩm da Voi) trọng lượng 173 kg; 27 cá thể Rùa đang sống.

Tại cơ quan điều tra Phạm Thị Th khai nhận: nguồn gốc chiếc xe ô tô BKS Lào: U2 - 7779, Th thuê của chị Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1983 trú xã Diễn Kỷ, huyện D, tỉnh Nghệ An từ cuối năm 2015 để vận chuyển hành khách từ D, tỉnh Nghệ An đi tỉnh Xanha Buli, Lào và ngược lại. Sau khi thuê xe ô tô của chị Thu, Th đã tự ý đưa xe ô tô đến một ga ra ô tô ở huyện D, thuê thợ cơ khí "chế" thêm khoang bỏ hàng ở phía đuôi xe nhằm mục đích ai thuê chở hàng thì để vào đó tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Về số hàng 1,6046 m3 gỗ, 173 kg da Voi và 27 cá thể Rùa của chị H, anh D, anh H và anh C thuê Th vận chuyển từ tỉnh Xanha Buli, Lào về huyện D, tỉnh Nghệ An, anh Th (lái xe), anh H và anh Th1 (phụ xe) không biết đó là hàng hoá của ai, nguồn gốc như thế nào vì Th không nói cho họ biết.

Ngày 05/5/2017, cơ quan CSĐT (PC44) Công an tỉnh Nghệ An trưng cầu Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam yêu cầu giám định 27 cá thể nghi là Rùa; 76 mẫu (khúc) da được lấy từ76 tấm thu giữ của Phạm Thị Th là loài động vật gì? Tình trạng bảo tồn của chúng? Trưng cầu Viện nghiên cứu công nghiệp rừng thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam yêu cầu giám định 15 mẫu thanh gỗ được đánh số thứ tự từ 01A đến15A; 50 mẫu thanh gỗ được đánh số thứ tự từ 01B đến 50B là loài gỗ gì? Có nằm trong nhóm gỗ quý hiếm được ưu tiên bảo vệ không?

Kết luận giám định số 386/STTNSV ngày 18/5/2017 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận: 76 mẫu (khúc) da động vật là loài Voi Châu phi có tên khoa học là Loxodonta aficana. Loài Voi Châu phi Loxodonta aficana thuộc Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán Quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn); 27 cá thể động vật là loài Rùa đất Pilkin có tên khoa học Cyclemys pulchritriata. Loài rùa đất Pilkin Cyclemys pulchritriata là loài động vật hoang dã thông thường.

Kết luận giám định số 99/CNR-KHTC ngày 10/5/2017 của Viện nghiên cứu công nghiệp rừng thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam kết luận: Số gỗ thu được đưa đi giám định là loài gỗ Giáng Hương (Giáng Hương trái to) có tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus Kurz. Đây là nhóm gỗ IIA trong "Nhóm II. Thực vật rừng, động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại" tại "Danh mục động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm" ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ.

Kết luận định giá tài sản ngày 31/5/2017 Hội đồng định giá tài sản tỉnh Nghệ An kết luận giá trị các loại tài sản như sau:

+ 1,6046 m3 gỗ Giáng Hương nhóm IIA (69 thanh), trong đó:

- 0,3656 m3 loại nhỏ định hình x 20.000.000đ/ m3 = 7.312.000 đồng;

- 1,244 m3 loại vừa x 70.000.000 đồng/ m3 = 87.080.000 đồng

+ 22 kg Rùa thường (27 cá thể) x 200.000 đồng / kg = 4.400.000đồng;

+ 173 kg Da Voi châu phi (76 tấm) x 700.000 đồng/1kg = 121.000.000đồng.

Bản cáo trạng số 112/VKS - P3 ngày 28 tháng 8 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định truy tố bị cáo Phạm Thị Th về tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ" theo điểm đ khoản 2 điều 190 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 190; điểm p, q khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; Xử phạt bị cáo Phạm Thị Th từ 12 đến 15 tháng tù; không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo vì hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn.

Bị cáo Phạm Thị Th không tranh luận với lời luận tội của Đại diện Viện kiểm sát; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, Bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Th thừa nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng truy tố. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án. Như vậy, có đủ cơ sở kết luận:

Do hám lợi, bị cáo Phạm Thị Th có hành vi vận chuyển trái phép lô hàng 76 khúc, tấm sản phẩm da Voi, châu Phi, trọng lượng 173 kg, cho một người phụ nữ Việt Nam tên H từ tỉnh Xanha Buli, CHDCND Lào về huyện D, tỉnh Nghệ An với giá 3.000.000 (Ba triệu) đồng. Đến 12 giờ, ngày 26/4/2017, Phạm Thị Th bị bắt quả tang khi đang vận chuyển trái phép lô hàng này trên đường quốc lộ 7A thuộc địa phận xã Hoa Sơn, huyện Anh S, Nghệ An.

Căn cứ kết luận giám định số 386/STTNSV ngày 18/5/2017 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận: 76 mẫu (khúc) da động vật là loài Voi Châu phi có tên khoa học là Loxodonta aficana. Loài Voi Châu phi Loxodonta aficana thuộc Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán Quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn). Kết luận định giá tài sản ngày 31/5/2017 Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự UBND tỉnh Nghệ An, giá trị 173 kg da voi Châu phi nói trên là 121.000.000 (Một trăm hai mươi mốt triệu) đồng. Hành vi vận chuyển 173 kg da voi châu Phi từ Lào về Việt Nam của bị cáo Phạm Thị Th đã phạm vào tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ" với tình tiết “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” được quy định tại điểm đ khoản 2 điều 190 Bộ luật hình sự.

Hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, phạm tội rất nghiêm trọng, không những đã xâm phạm đến chế độ quản lý, bảo vệ môi trường; chế độ bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hiện nay đang có nguy cơ tuyệt chủng mà còn ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an, an toàn xã hội, là tác nhân gây mất cân bằng hệ sinh thái. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì mục đích vụ lợi nên đã cố tình thực hiện tội phạm. Do đó cần phải xử phạt nghiêm minh nhằm trừng trị và cải tạo giáo dục bị cáo trở Th người có ích đồng thời răn đe phòng ngừa chung trong xã hội.

Về tình tiết tăng nặng: Ngày 13/7/2016 bị cáo bị TAND huyện Nghi Lộc xử phạt tiền 25.000.000 đồng về tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", chưa được xóa án tích, lần này phạm tội thuộc trường hợp tái phạm là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g, khoản 1 điều 48 Bộ luật hình sự. 

Tuy nhiên cũng cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo Th khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, tự nguyện mở khoang tự chế ở phần đuôi xe giao nộp toàn bộ số gỗ và 07 bị đựng da voi, 27 cá thể rùa, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ tính chất vụ án. Sau khi phạm tội, bị cáo đã có công trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giúp đỡ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ một nhóm đối tượng có hành vi mua bán sản phẩm động vật quý hiếm và lâm sản từ Lào về Việt Nam; được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An có công văn xác nhận và đề nghị xem xét cho bị cáo Phạm Thị Th được hưởng chính sách pháp luật theo quy định. Đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p, q khoản 1, khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự cần xem xét cho bị cáo để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên cần áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để quyết định cho bị cáo một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt như đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An là phù hợp.

Đối với Nguyễn Văn Th (lái xe), Nguyễn Hồng Th và Trần Đình H (là hai phụ xe) họ là những người được Phạm Thị Th thuê lái xe và phụ xe khách U2 - 7779 chạy tuyến cố định từ huyện D, tỉnh Nghệ An đi tỉnh Xanha Buli, Lào và ngược lại. Vào ngày 26/4/2017 họ không biết được nội dung Phạm Thị Th nhận vận chuyển số hàng hoá gỗ, da Voi và Rùa cho chị H, anh D, anh H và anh C và cũng không biết rõ nguồn gốc số hàng hóa trên có giấy tờ hợp pháp hay không, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự đối với Th1, H và Th nên HĐXX không có cơ sở xem xét.

Đối với tổ công tác cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn: Vào sáng ngày 26/4/2017 các anh Võ Hồng S, Phan Anh T, Nguyễn Thanh T4, Nguyễn Văn Đ, Trần Thị Thu Ph, Tô H, Biện Văn Q (là những người được phân công trong tổ công tác) có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Khi xe khách U2 - 7779 đi từ Lào về Việt Nam đến cửa khẩu Nậm Cắn làm thủ tục thông quan. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải xe khách U2 - 7779 (kiểm tra nóc xe, ghế ngồi của xe, cốp xe) nhưng không phát hiện hàng hoá gì nên cán bộ Hải quan làm thủ tục cho xe nhập cảnh. Mặt khác do Phạm Thị Th cất dấu số hàng hoá gỗ, da Voi và Rùa vào trong khoang hầm tự chế phía dưới sàn xe ô tô, không khai báo với Hải quan nên lực lượng kiểm tra không biết được, do vậy chưa đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người trên. Tuy nhiên đề nghị Cục Hải quan tỉnh Nghệ An có biện pháp nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Đối với người phụ nữ tên H, anh D, anh H và anh C là những người đã thuê Phạm Thị Th vận chuyển hàng hoá gỗ, da Voi và Rùa từ tỉnh Xanha Buli nước CHCDND Lào, về Việt Nam, tuy nhiên theo lời khai của Phạm Thị Th thì Th không biết rõ được địa chỉ cụ thể của những người này nên không có căn cứ để xử lý.

- Về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 1,6046 m3 gỗ Giáng Hương nhóm IIA (69 thanh) và 27 cá thể Rùa thường trọng lượng 22 kg, có giá trị 98.792.000 đồng của Phạm Thị Th, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" theo Điều 154 BLHS nên cơ quan CSĐT (PC44) Công an tỉnh Nghệ An đã lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xử lý hành chính Phạm Thị Th nên HĐXX không xem xét.

Đối với chiếc xe ô tô BKS U2 – 7779 là xe do Phạm Thị Th thuê của chị Nguyễn Thị Thu để chở khách, bị cáo tự ý chế thêm khoang tự chế để chở hàng cấm, việc này chị Thu không biết. Tại phiên tòa, chị Nguyễn Thị Thu không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử miễn xét.

Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 3 Điều 190 Bộ luật hình sự quy định “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”, do đó, bị cáo có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền. Tuy nhiên, theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai tại phiên tòa đều cho thấy gia đình bị cáo hiện tại điều kiện kinh tế khó khăn, bị cáo chưa thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

Về vật chứng: Cơ quan điều tra đã xử lý nên Tòa không xem xét.

Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Phạm Thị Th phạm tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ"

Áp dụng: điểm đ khoản 2 điều 190; điểm p, q khoản 1, khoản 2 điều 46, Điều 47; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Phạm Thị Th 12 (Mười hai) tháng tù. Miễn hình phạt bổ sung là hình phạt tiền cho bị cáo. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án bị cáo Phạm Thị Th phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm

Bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

491
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 114/2017/HSST ngày 31/10/2017 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Số hiệu:114/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:31/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về