Bản án 11/2021/HS-ST ngày 23/04/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NA RÌ - TỈNH BẮC KẠN

 BẢN ÁN 11/2021/HS-ST NGÀY 23/04/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 23 tháng 4 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 03/2021/TLST- HS, ngày 25 tháng 02 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:07/2021/QĐXXST-HS ngày 09 tháng 4 năm 2021 đối với bị cáo:

Hoàng Văn C, tên gọi khác: Không; sinh ngày 12 tháng 10 năm 1966, tại xã L, huyện N; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn Khu C, xã X, huyện N, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá (học vấn): 07/10; dân tộc: Tày; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn V và bà Lô Thị H (đã chết); bị cáo có vợ là Nguyễn Thị L và 01 con; tiền sự; tiền án: Không; bị cáo tại ngoại (có mặt);

* Người bào chữa cho bị cáo: Bà Đỗ Thị X - Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn (có mặt);

* Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn; địa chỉ: Thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; Người đại diện theo ủy quyền: Bà Hoàng Thị Thu N - Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện N, tỉnh Bắc Kạn (có mặt);

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là người làm chứng:

- Anh Luân Văn G, sinh năm 1971 (có mặt);

- Anh Hoàng Quốc H, sinh năm 1986 (có mặt);

- Anh Luân Văn K; sinh năm 1995 (vắng mặt);

- Anh Hoàng Văn H; sinh năm 1971 (có mặt);

- Chị Hoàng Thị Y; sinh năm 1970 (có mặt);

Đều trú tại: Thôn N, xã D, huyện N, tỉnh Bắc Kạn * Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh Đặng Văn H, sinh năm 1987; trú tại: Thôn L, xã L, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (có mặt);

- Anh Hoàng Văn T, sinh năm 1989; trú tại: Thôn Khu C, xã X, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (có mặt);

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 31/03/2020 Hạt kiểm lâm huyện N, tỉnh Bắc Kạn phối hợp với chính quyền địa phương xã D, huyện N và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N tiến hành tuần tra, kiểm tra tại khu rừng S N thuộc thôn N, xã D, huyện N thì phát hiện vụ việc khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại thửa đất số 107, tờ bản đồ số 02 (theo bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã D năm 2009) và thuộc lô 5, lô 8, khoảnh 7, tiểu khu 224 (theo bản đồ quy hoạch 03 loại rừng xã D năm 2018). Theo quy hoạch, phân loại thì đây là rừng tự nhiên sản xuất, hiện trạng rừng hỗn giao gỗ-vầu, và hiện trạng rừng trồng hồi, chủ quản lý là Hoàng Văn C. Khối lượng gỗ tại hiện trường bị chặt phá trên 30 mét khối (m3), diện tích khoảng 4,0ha.

Ngày 01/04/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N phối hợp với các cơ quan chức năng huyện N, tiến hành khám nghiệm hiện trường để xác định khối lượng gỗ bị chặt hạ và điện tích rừng bị khai thác trái phép. Qua khám nghiệm xác định diện tích rừng bị khai thác trái phép có tổng diện tích là 4,40ha, thuộc rừng tự nhiên là rừng sản xuất và rừng trồng (trong đó diện tích rừng tự nhiên sản xuất là 20,026m2 và diện tích rừng trồng hồi là 20,375m2). Theo bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã D thì diện tích rừng này thuộc thửa đất 107, tờ bản đồ số 2. Theo bản đồ quy hoạch 03 loại rừng xã D năm 2018 thì diện tích rừng này thuộc lô 5, lô 8, khoảnh 7, tiểu khu 224. Kết quả khám nghiệm xác định được tổng khối lượng gỗ tự nhiên bị khai thác trái phép còn tại hiện trường là: 33,824 m3. Trong đó, khối lượng gỗ bị khai thác trái phép trên diện tích 20,026m2 rừng tự nhiên sản xuất là: 20,283 m3 (hai mươi phẩy hai tám ba mét khối) bao gồm gỗ nhóm V là 3,040 m3; nhóm VI là 13,163 m3; nhóm VII là 2,271 m3; nhóm VIII là 1,873 m3. Khối lượng gỗ bị khai thác trái phép trên diện tích 20,375m2 rừng trồng là: 13,541 m3 (mười ba phẩy năm bốn một mét khối) bao gồm, gỗ nhóm V là 2,151 m3; nhóm VI là 9,287 m3; nhóm VII là 1,282 m3; nhóm VIII là 0,821 m3.

Quá trình điều tra xác định được số gỗ (củi) đã bị lấy đi khỏi hiện trường là 15ster tương đương 10,5 m3 (mười phẩy năm mét khối), số củi này được cắt từ các cây gỗ tự nhiên bị cưa hạ trên phần diện tích rừng tự nhiên sản xuất.

Tại Cơ quan điều tra Hoàng Văn C khai nhận: Khoảng thời gian năm 2015 Chế mua thửa đất rừng số 107, tờ bản đồ số 2, có diện tích 106.652,0m2 của ông Hà Văn T, trú tại thôn V, xã Tr, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Khu đất rừng này thuộc thôn N, xã D, huyện N với giá 28.000.000đ (hai mươi tám triệu đồng), ông T và C đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Đến khoảng tháng 11/2019 (âm lịch, C không xác định được chính xác thời gian cụ thể) C có thuê Hoàng Thị H sinh năm 1972, trú tại Thôn N, xã D đi phát quang dây leo, cây bụi rậm tại khu rừng do C mua của ông T. Sau đó bà H rủ thêm, Dương Thị C sinh năm 1966, Hoàng Thị N sinh năm 1962, Luân Thị H sinh năm 1980, Hoàng Thị H1 sinh năm 1960 trú cùng thôn với H, Luân Thị Ch sinh năm 1970, Luân Thị H sinh năm 1967 cùng trú tại thôn Khuổi C, xã D và Lý Thị Th sinh năm 1972, trú tại xã Tr cùng đi phát dây leo, cây bụi rậm tại khu rừng trên. Phát xong C đã trả cho bà H số tiền 5.400.000đ (năm triệu bốn trăm nghìn đồng) và bà H đã trả cho những người tham gia phát cùng mỗi người 600.000đ (sáu trăm nghìn đồng). Đến khoảng tháng 12/2019 (âm lịch) trước tết Nguyên đán 2020 C tiếp tục gọi điện thoại cho Luân Văn G thuê G đi cắt hạ những cây gỗ trong khu rừng thuộc thửa đất số 107, tờ bản đồ số 2 mà C mua với ông Hà Văn T. Do không có máy cưa xăng nên G không đồng ý, sau đó C tiếp tục gọi điện nói với G là C chuẩn bị máy cưa xăng cho, thì G có hỏi C về việc đi cắt đã được cấp phép hay chưa, thì C trả lời giấy tờ khai thác C đã lo hết, nên G đồng ý đi cắt cây thuê cho C.

 Sau đó giữa G và C thỏa thuận thống nhất tiền công C trả cho G mỗi ngày là 200.000đ (hai trăm nghìn đồng). Sau đó C chuẩn bị xăng, dầu và máy cưa xăng cùng với G đi đến khu rừng trên và C là người trực tiếp chỉ những cây gỗ ở trong rừng để G dùng máy cưa xăng cắt hạ các cây gỗ, và cắt trong thời gian 02 ngày cũng trong tháng 12/2019 thì xong, C trả cho G số tiền 400.000đ (bốn trăm nghìn đồng). Đến khoảng giữa tháng 3/2020 (không nhớ ngày cụ thể) C thuê Hoàng Văn H đi cắt cây từ những cây C thuê G đã cắt hạ trước đó thành khúc để mang đi bán. C với H thỏa thuận mỗi Ster gỗ sau khi cắt đem bán H sẽ được nhận 200.000đ (hai trăm nghìn đồng). Đến ngày 18/02/2020 âm lịch (tức ngày 11/3/2020 dương lịch) H có gọi thêm Luân Văn G, Luân Văn K, Hoàng Văn H1 đi hộ Huy cắt cây trong rừng của C để bán.

H cùng những người trên cắt cây đã được cắt hạ từ trước đó thành khúc, mỗi khúc dài từ 97 cm đến 100 cm, thời gian cắt trong 04 ngày. Quá trình tham gia cắt cây thành khúc H, G, K thay nhau cầm cưa để cắt, cứ một người cắt thì ba người còn lại thay nhau vận chuyển số gỗ cắt được đến chỗ tập kết ở khu vực khe rừng. Trong 04 ngày thì có 02 buổi do bận việc nên H1 bảo vợ là Hoàng Thi Y thay H1 đi vận chuyển gỗ cùng nhóm G, L, K. Sau khi vận chuyển gỗ đến chân rừng H thuê xe tắc tơ của Đặng Văn H2 chở 03 chuyến với giá 250.000,đ/chuyến đến khu vực Suối Cốc Hắt thuộc thôn Nà Mình tập kết để bán. Sau đó H liên hệ, thỏa thuận và bán số gỗ này cho Hoàng Văn Th tổng cộng 15ster tương đương 10,5 m3 gỗ tròn, với giá 400.000đ/01ster, được số tiền 6.000.000đ (sáu triệu đồng), và Th sử dụng xe ô tô biển kiểm soát 24N - 3791 chở về nhà, sau đó đã sử dụng một phần làm củi đun của gia đình, còn lại đã bán hết cho một người thu mua củi (không rõ họ tên địa chỉ). Sau khi bán số gỗ trên H gọi điện thông báo cho C biết về số gỗ đã bán được và trừ chi phí xăng, dầu để chạy máy là 250.000,đ; tiền công thuê xe tắc tơ là 750.000,đ và tiền công mỗi người đi làm là 750.000đ tổng cộng hết số tiền 4.000.000,đ; H đưa cho C số tiền 2.000.000,đ còn lại.

Tại kết luận định giá tài sản số 09/KLĐGTS ngày 17/6/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện N đã kết luận: 20,283 m3từ nhóm V đến nhóm VIII trong rừng tự nhiên sản xuất và 13,541 m3 gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII trong rừng trồng có tổng giá trị là: 3.382.400đ (Ba triệu ba trăm tám mươi hai nghìn bốn trăm đồng).

Tại kết luận định giá tài sản số 02/KLĐGTS ngày 12/01/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện N đã kết luận: 10,5 m3 từ nhóm V đến nhóm VIII trong rừng tự nhiên sản xuất có giá trị là: 1.050.000đ (một triệu không trăm năm mươi nghìn đồng).

Tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa Hoàng Văn C đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản Cáo trạng truy tố. Anh Luân Văn G cũng thừa nhận được C thuê đi cắt hạ tất cả khối lượng gỗ nêu trên trong 02 ngày để nhận tiền công, trước khi đi khai thác cây cho C anh G đã hỏi C về việc đã được cấp phép khai thác chưa, thì C bảo đã làm thủ tục khai thác gỗ, nên G mới đồng ý đi cắt gỗ cho C. Hoàng Quốc H cũng thừa nhận C thuê H đi cắt các cây gỗ đã bị cưa hạ trước đó để bán củi. Sau khi nhận lời với Chế anh H đã gọi thêm Luân Văn G, Luân Văn K, Hoàng Văn H1 cùng đi làm.

Tại phiên tòa anh H và bị cáo C đều khai nhận trước khi đi cắt các cây đã bị hạ thành các khúc củi cho C, anh H có hỏi C về số cây mà C thuê anh H cắt là của ai và có được phép khai thác không. C đã nói với anh H số cây đã bị cắt hạ là của C và C đã làm thủ tục xin khai thác. Sau đó, anh H cũng nói lại với những người đi làm cùng anh H về việc số cây họ tham gia khai thác làm củi để bán đã được C xin phép khai thác. Mục đích C thuê người chặt hạ, khai thác gỗ là để trồng rừng và tận dụng bán gỗ, củi để phát triển kinh tế gia đình. Lời khai của C và những người được C thuê cắt hạ, khai thác rừng phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập trong quá trình điều tra vụ án, phù hợp với kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn dân sự yêu cầu bị cáo Hoàng Văn C bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Yêu cầu bị cáo và những người có liên quan trong vụ án phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.

Vật chứng của vụ án bao gồm:

- 30,783 m3 gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII. Trong đó 10,5 m3 đã lấy đi khỏi hiện trường không thu giữ được. Số còn lại 20,283 m3 đang ở hiện trường được giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý; 01 chiếc máy cưa lốc (máy cưa xăng) vỏ bên ngoài màu vàng cam, trên phần tem bằng kim loại gắn trên thân máy có dòng chữ Husquarna AB Haskvarna SWEDEN, máy cưa cũ đã qua sử dụng; 01 con dao bằng kim loại màu đen dài 41cm, dao cũ đã qua sử dụng; 01 đoạn thước bằng kim loại mỏng, màu trắng có chiều dài 1m, đã qua sử dụng.

Tại bản cáo trạng số: 03/CT-VKS-NR ngày 22/02/2021 Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, truy tố bị cáo Hoàng Văn C về: "Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo theo cáo trạng. Đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Hoàng Văn C phạm "Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản". Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 BLHS xử phạt bị cáo từ 30 đến 36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng; không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo; Về trách nhiệm dân sự ghi nhận sự thỏa thuận giữa đại diện nguyên đơn dân sự và bị cáo về việc bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 3.078.300,đ; Về vật chứng:

tịch thu hóa giá sung quỹ nhà nước số gỗ còn lại tại hiện trường là 20,283 m3; Tịch thu hóa giá sung quỹ nhà nước 01 máy cưa lốc; Tịch thu tiêu hủy 01 con dao và 01 đoạn thức bằng kim loại; Buộc bị cáo C phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ việc bán 10,5 m3 củi là 2.000.000,đ; Tạm giữ số tiền 4.432.400,đ mà bị cáo C đã nộp tại Chi cục thi hành án để đảm bảo thi hành án cho bị cáo; Về án phí: Đề nghị miễn án phí cho bị cáo theo quy định.

Đối với Luân Văn G, Hoàng Quốc H, Luân Văn K, Hoàng Văn H1, Hoàng Thị Y, Đặng Văn H2, Hoàng Văn Th là những người được bị cáo C thuê đi cắt hạ các cây gỗ trên rừng của C; khai thác cây, cắt thành khúc và đem đi bán củi, tham gia vận chuyển củi và mua củi của C, hành vi của những người này không cấu thành tội phạm nên không xem xét, xử lý.

Đối với số gỗ 13,541 m3bị cáo C khai thác trên diện tích rừng sản xuất là rừng trồng Hồi do không đủ khối lượng để xử lý hình sự nên tách ra và chuyển cho Hạt kiểm lâm huyện N xử lý hành chính theo quy định. Do đó, số gỗ 13,541m3 sẽ được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày lời bào chữa: Bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; sự hiểu biết nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng; bị cáo đã thành khẩn khai báo và rất ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Diện tích rừng mà bị cáo thuê người khai thác là rừng sản xuất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bị cáo; Các loại cây mà bị cáo khai thác là cây gỗ tạp, kích thước nhỏ, giá trị kinh tế thấp; Mục đích khai thác các loại cây trên của bị cáo là để có đất trồng rừng và tận dụng bán củi kiếm thu nhập cho gia đình. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét áp dụng mức hình phạt thấp nhất và cho bị cáo được hưởng án treo theo quy định tại Điều 65/BLHS.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra công an huyện Na Rì, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Rì, Kiểm sát viên: Trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; quyết định tố tụng được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử những người tham gia tố tụng không ai khiếu nại về quyết định của Cơ quan, hành vi của người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Về thủ tục tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là người làm chứng Luân Văn K vắng mặt tại phiên tòa nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt. Việc vắng mặt anh K tại phiên tòa không ảnh hướng đến việc giải quyết vụ án. Căn cứ Điều 292, 193 của Bộ luật tố tụng Hình sự Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt anh K là phù hợp quy định của pháp luật.

[2]. Về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan Điều tra và các tài liệu khác đã được cơ quan điều tra thu thập có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, đủ cơ sở kết luận: Khoảng tháng 12/2019 (âm lịch) trước tết Nguyên đán 2020 Hoàng Văn C thuê Luân Văn G đi cắt hạ những cây gỗ trong khu rừng thuộc thửa đất số 107, tờ bản đồ số 2, thuộc quy hoạch rừng tự nhiên sản xuất. Đến khoảng giữa tháng 3/2020 C thuê Hoàng Văn H đi cắt cây từ những cây C thuê G đã cắt hạ trước đó thành khúc để mang đi bán. Đến ngày 18/02/2020 âm lịch (tức ngày 11/3/2020 dương lịch) H có gọi thêm Luân Văn G, Luân Văn K, Hoàng Văn H1 đi hộ H cắt cây trong rừng của C và đã cắt, bán được 15 ster tương đương 10,5 m3 củi. Việc khai thác gỗ của bị cáo C chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nhưng khi thuê những người đi chặt cây thuê cho mình C lại nói với những người này là đã lo đầy đủ thủ tục xin phép khai thác. Tổng số gỗ bị khai thác trái phép là 30,783 m3, gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII, có giá trị 3.078.300đ (ba triệu không trăm bảy mươi tám nghìn ba trăm đồng). Hành vi của bị cáo Hoàng Văn C đủ yêu tố cấu thành "Tội vi phạm quy về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" quy định tại điểm b khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự. Điều luật có nội dung:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000đ, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a)………….;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 đến 07 năm:

a) ……………;

b). Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIA;…".

[3]. Về nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Ngày 18/01/2021 Chế đã đến Chi cục thi hành án dân sự huyện Na Rì nộp số tiền 4.432.400đ (Bốn triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn bốn trăm đồng) để bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Ngoài ra, bị cáo có bố đẻ là Hoàng Văn V được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì và Huân chương kháng chiến hạng ba, do đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[4]. Đánh giá về quan điểm truy tố, đề nghị của Viện kiểm sát: Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Rì giữ nguyên Quyết định truy tố như nội dung bản Cáo trạng, quan điểm truy tố của Viện kiểm sát là có căn cứ pháp luật. Mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo nằm trong khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố và phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo.

[5]. Đánh giá về quan điểm của người bào chữa cho bị cáo: Quan điểm của người bào chữa của bị cáo khi đánh giá về nhân thân, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Đối với đề nghị cho bị cáo được hưởng mức hình phạt thất nhất là 24 tháng, thử thách 48 tháng, HĐXX thấy rằng mức hình phạt mà người bào chữa đề nghị chưa phù hợp với tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

[6]. Căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, đối chiếu với các quy định của Bộ luật hình sự, HĐXX thấy rằng: Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt; có nơi cư trú rõ ràng; bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; bị cáo có khả năng tự cải tạo và việc không bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù cũng không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nên HĐXX xét thấy không cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, có đủ điều kiện áp dụng Điều 65/BLHS cho bị cáo Hoàng Văn C được hưởng án treo cũng đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Về hình phạt bổ sung: Bị cáo không có nghề nghiệp, thu nhập, bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo là phù hợp với các quy định của pháp luật.

[7]. Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra và tại phiên tòa đại diện nguyên đơn dân sự yêu cầu bị cáo phải bồi thường theo kết luận định giá. Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn dân sự và bị cáo đã tự thỏa thuận được với nhau về phần bồi thường dân sự, theo đó đại diện nguyên đơn dân sự yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về dân sự cho UBND huyện N với tổng số tiền là 3.078.300 đồng. Bị cáo nhất trí với yêu cầu của đại diện nguyên đơn dân sự về số tiền bồi thường. Hội đồng xét xử xét thấy thỏa thuận bồi thường dân sự giữa đại diện nguyên đơn dân sự và bị cáo là tự nguyên, không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên được chấp nhận. HĐXX ghi nhận việc bị cáo đã tự nguyện nộp số tiền 4.432.400,đồng tại Chi cục thi hành án dân sự để đảm bảo bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự.

[8]. Xử lý số tiền bị cáo thu lợi bất chính:

- Quá trình điều tra xác định được bị cáo C thuê Hoàng Quốc H và một số người khác khai thác được 15 ster củi, bán được số tiền 6.000.000,đ. Sau khi trừ đi chi phí xăng, dầu, tiền công thuê cắt củi, tiền công vận chuyển. Số tiền còn lại 2.000.000,đ (Hai triệu đồng) anh H đã đưa cho bị cáo C. Đây là số tiền bị cáo thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội, do đó cần buộc bị cáo C nộp lại số tiền 2.000.000,đ để sung quỹ Nhà nước.

- Đối với Luân Văn G, Hoàng Quốc H, Luân Văn K, Hoàng Văn H1, Hoàng Thị Y, Đặng Văn H2 là những người được bị cáo C thuê đi cắt hạ các cây gỗ trên rừng của C; khai thác cây, cắt thành khúc và đem đi bán củi, tham gia vận chuyển củi cho C. Hành vi của những người này không cấu thành tội phạm và cũng không bị xem xét để xử lý hành chính do việc họ làm thuê cho C là vì C cung cấp thông tin không chính xác về việc C được phép khai thác gỗ. Do đó, số tiền công mà những người này được C trả, được nhận từ số tiền bán 15 ster củi không cần thiết phải truy thu sung quỹ Nhà nước là phù hợp với quy định của pháp luật và thể hiện sự khoan hồng, tính nhân văn của pháp luật.

[9]. Về vật chứng:

- Đối với 30,783 m3 gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII. Trong đó 10,5 m3 đã bị lấy đi khỏi hiện trường không thu giữ được. Số gỗ 20,283 m3 còn lại đang ở hiện trường cần phải tịch thu, hóa giá sung quỹ Nhà nước.

- 01 chiếc máy cưa lốc (máy cưa xăng) là công cụ, phương tiện phạm tội vẫn còn giá trị sử dụng cần tịch thu, hóa giá sung quỹ Nhà nước.

- 01 con dao bằng kim loại màu đen và 01 đoạn thước bằng kim loại mỏng, màu trắng là công cụ, phương tiện phạm tội, không có giá trị sử dụng cần tịch thu, tiêu hủy.

- Đối với số tiền 4.432.400,đ bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Na Rì cần tạm giữ để đảm bảo thi hành án cho bị cáo về phần bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự và nộp lại tiền thu lợi bất chính.

[9]. Các vấn đề khác:

- Đối với Luân Văn G là người trực tiếp cắt hạ khối lượng gỗ nêu trên, do trước khi đi khai thác G đã hỏi C về thủ tục được khai thác chưa và C bảo G về thủ tục khai thác C đã lo làm hết. Do vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Na Rì không xem xét xử lý là đúng quy định.

- Đối với Hoàng Quốc H, Luân Văn G, luân Văn K, Hoàng Văn H, Hoàng Thị Y, Đặng Văn H2 là những người trực tiếp cắt, vận chuyển những cây gỗ do C đã thuê G cắt hạ trước đó để đem đi bán tổng khối lượng gỗ là 10,5 m3 củi; Đối với Hoàng Văn Th là người trực tiếp mua 10,5 m3 củi với H, những người này đều được C cung cấp thông tin là số gỗ trên C đã được phép khai thác. Mặt khác, khối lượng gỗ mà các đối tượng này tham gia khai thác, vận chuyển, mua bán không đủ khối lượng để xem xét xử lý hình sự. Do vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Na Rì không xử lý những người này là phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với số gỗ 13,541 m3 bị cáo C khai thác trên diện tích rừng sản xuất là rừng trồng Hồi, do không đủ khối lượng để xử lý hình sự nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Na Rì tách ra và chuyển cho Hạt kiểm lâm huyện N xử lý hành chính theo quy định. Do đó, số gỗ 13,541 m3 sẽ được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính là đúng quy định của pháp luật.

[10]. Về án phí: Bị cáo là người dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí nên cần xem xét miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

 [1]. Tuyên bố: Bị cáo Hoàng Văn C phạm: "Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".

[2].Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự, xử phạt: Hoàng Văn C 30 (ba mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 60 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã X giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

"Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo Luật Thi hành án hình sự."

[3]. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 586, 589 của Bộ luật dân sự. Ghi nhận sự thoả thuận giữa bị cáo và đại diện nguyên đơn dân sự là Uỷ ban nhân dân huyện N. Bị cáo phải bồi thường cho Uỷ ban nhân dân huyện N số tiền 3.078.300 ,đ (Ba triệu không trăm bảy mươi tám nghìn bốn trăm đồng). Xác nhận bị cáo đã nộp số tiền 4.432.400,đ theo biên lai thu số 01077 ngày 18/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Na Rì để đảm bảo cho việc bồi thường.

Việc thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự.

[4]. Buộc nộp lại tiền thu lợi bất chính để sung công quỹ Nhà nước: Áp dụng Điều 46; 47 của Bộ luật Hình sự, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự:

+ Buộc bị cáo Hoàng Văn C phải nộp lại số tiền 2.000.000,đ (Hai triệu đồng) thu lợi bất chính để sung quỹ Nhà nước.

[5]. Về vật chứng: Áp dụng Điều 46, 47 của Bộ luật hình sự, Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự:

- Tịch thu, hóa giá sung quỹ Nhà nước 20,283 m3 gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII còn để tại hiện trường. Giao cho Hạt kiểm lâm huyện N quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tịch thu, hóa giá sung quỹ Nhà nước: 01 chiếc máy cưa lốc (máy cưa xăng) vỏ bên ngoài màu vàng cam, phần lưỡi cưa gắn liền với thân máy, máy cưa dài 1,16m, trên thân máy gắn một tay cầm bằng kim loại, bên ngoài bọc một lớp nhựa cao su màu nâu, trên phần tem bằng kim loại gắn trên thân máy có dòng chữ Husquarna AB Haskvarna SWEDEN, phần lưỡi cưa được bọc một lớp vỏ nhựa màu vàng cam bị rách, vỡ nhiều chỗ, vỏ bọc lưỡi cưa có kích thước 70cm x 12 cm, một đầu vỏ bọc có được bọc lớp nhựa màu xanh có kích thước 14cm x12cm, trên phần vỏ nhựa ghi dòng chữ Husquarna, máy cưa cũ đã qua sử dụng.

- Tịch thu, tiêu hủy: 01 con dao bằng kim loại màu đen dài 41cm, phần chuôi dao bằng gỗ dài 13,5cm, lưỡi dao dài 27,5 cm, bản dao rộng nhất 5,2cm, dao cũ đã qua sử dụng và 01 đoạn thước bằng kim loại mỏng, màu trắng có chiều dài 1mét, một mặt thước được đánh số, một đầu đánh số 00, một đầu đánh số 300 (màu đỏ), đã qua sử dụng. (Số lượng, hiện trạng vật chứng theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 15/3/2021 giữa Công an huyện Na Rì với Chi cục thi hành án dân sự huyện Na Rì).

- Tạm giữ số tiền 4.432.400,đ bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Na Rì theo biên lai thu số 01077 ngày 18/01/2021 để đảm bảo thi hành án cho bị cáo về phần bồi thường thiệt hại và nộp lại tiền thu lợi bất chính.

[6].Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Hoàng Văn C Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiện thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

[7]. Về quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo phần liên quan trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo phần liên quan trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

277
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 11/2021/HS-ST ngày 23/04/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:11/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Na Rì - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về