TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN IA H’DRAI, TỈNH KON TUM
BẢN ÁN 11/2020/HS-ST NGÀY 24/11/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 24 tháng 11 năm 2020, tại Hội trường xét xử hình sự, Tòa án nhân dân huyện Ia H‟Drai đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 11/2020/TLST-HS ngày 12/10/2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 11/2020/QĐXXST - HS ngày 11 tháng 11 năm 2020 đối với các bị cáo:
1. Võ Minh T. Sinh ngày 30/09/1997 tại G. Nơi ĐKHKTT: Thôn 3, xã N, huyện Đ, tỉnh G. Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Phật giáo; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Võ Mạnh P, sinh năm 1973 và bà Nguyễn Thị Ngọc B, sinh năm 1978; Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 29/06/2020 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
2. Nguyễn Hồng Q. Sinh ngày 20/01/1988 tại K. Nơi ĐKHKTT: Tổ 7, P. Y. P, tỉnh G. Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không. Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Hữu T, sinh năm 1954 và bà Dương Thị K, sinh năm 1957; Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Ngày 31/08/2010 bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”; bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 1.115.000đ; nộp 200.000đ án phí HSST và 200.000đ án phí DSST. Bị cáo đã chấp hành xong hình phạt chính và các nghĩa vụ khác vào năm 2013, đã được xóa án tích nên không bị xem là có tiền án tuy nhiên bị cáo có nhân thân xấu; Bị cáo bắt tạm giam từ ngày 24/06/2020 cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
3. Mai Thanh Đ. Sinh ngày 17/10/1985 tại Đ. Nơi ĐKHKTT: Thôn 1, xã I, huyện I, tỉnh K; Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Mai Thanh B, sinh năm 1960 (đã chết) và bà Ngô Thị N, sinh năm 1962. Có vợ là Nguyễn Thị Hoài T, sinh năm 1992. Có ba con, con lớn nhất sinh năm 2012, nhỏ nhất sinh năm 2020; Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Ngày 14/05/2004 bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng tuyên phạt 07 (bảy) năm tù về tội “Cướp tài sản”. Bị cáo đã chấp hành xong hình phạt chính và các nghĩa vụ khác vào năm 2010, đã được xóa án tích nên không bị xem là có tiền án tuy nhiên bị cáo có nhân thân xấu. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 24/06/2020 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
4. Phạm Tuấn A. Sinh ngày 18/01/1999 tại T. Nơi ĐKHKTT: Thôn I, xã I, huyện I, tỉnh K; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hóa: 08/12; Dân tộc: Thái; Giới tính: Nam. Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Phạm Văn H, sinh năm 1977 và bà Phạm Thị T, (đã chết); Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 25/6/2020 cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
5. Lữ Văn A. Sinh ngày 28/01/1998 tại T. Nơi ĐKHKTT: Thôn I, xã I, huyện I, tỉnh K; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hóa: 09/12; Dân tộc: Thái; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lữ Văn C, sinh năm 1967 và bà Hà Thị H, sinh năm 1972. Có vợ là Bùi Thị Kim C, sinh năm 2002 (chưa đăng ký kết hôn). Có 01 con sinh năm 2020; Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 25/6/2020 cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
6. Lò Văn Hùng. Sinh ngày 02/10/1997 tại T. Nơi ĐKHKTT: Thôn I, xã I, huyện I, tỉnh K; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hóa: 03/12; Dân tộc: Thái; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lò Văn V, sinh năm 1967 và bà Lương Thị L, sinh năm 1972. Có vợ là Phạm Thị H, sinh năm 2001. Có 01 con nhỏ sinh năm 2020; Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 26/6/2020 cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
7. Vi Văn Tùng. Sinh ngày 24/12/1996 tại K. Nơi ĐKHKTT: Thôn TX, xã ĐN, huyện ĐH, tỉnh K; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Thái; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam. Con ông Vi Văn N, sinh năm 1973 và bà Dương Thị K, sinh năm 1976. Có vợ là Y D, sinh năm 2002. Có 01 con sinh năm 2020; Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 25/6/2020 cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
- Người bào chữa cho các bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H và Vi Văn T: Ông Ngô Đức N - Văn phòng Luật sư Ngô Đức Nam thuộc đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai. (Có mặt).
- Bị hại: Ông Bùi Văn Q. Sinh năm 1959. Nơi cư trú: Thôn 2, xã I, huyện I, tỉnh K. (Có mặt).
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Bùi Văn T. Sinh năm 1987. Nơi cư trú: Thôn 2, xã I, huyện Ia, tỉnh K. (Có mặt).
2. Anh Bùi Văn L. Sinh năm 1990. Nơi cư trú: Thôn 2, xã I, huyện Ia, tỉnh K. (Hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đăk Lăk). (Vắng mặt).
3. Bà Nguyễn Thị Thanh T. Sinh năm 1957. Nơi cư trú: Thôn 2, xã I, huyện Ia, tỉnh K. (Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).
4. Bà Nguyễn Thị Ngọc B. Sinh năm 1978 và ông Võ Mạnh P, sinh năm 1973. Nơi cư trú: Thôn 3, xã N, huyện Đ, tỉnh G. (Có mặt).
5. Bà Dương Thị Kh. Sinh năm 1957. Nơi cư trú: Tổ 7, phường Y, thành phố P, tỉnh G. (Có mặt).
6. Ông Vi Văn N. Sinh năm 1973. Nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện Đ, tỉnh K. (Có mặt).
7. Ông Lữ Văn C. Sinh năm 1967. Nơi cư trú: Thôn I, xã I, huyện I, tỉnh K. (Có mặt).
8. Bà Ngô Thị N. Sinh năm 1964. Nơi cư trú: 146 Lý Thường Kiệt, thị trấn Q, huyện C, tỉnh Đ. (Có mặt).
9. Chị Phạm Thị H. Sinh năm 2001. Nơi cư trú: Thôn 1, xã I, huyện I, tỉnh K.
(Có mặt).
10. Ông Phạm Văn H. Sinh năm 1977. Nơi cư trú: Thôn I, xã I, huyện I, tỉnh K. (Có mặt).
11. Chị Ngân Thị H. Sinh năm 1990. Nơi cư trú Thôn 1, xã I, huyện I, tỉnh K.
(Có mặt).
- Người làm chứng:
1. Chị Vũ Thị G. Sinh năm 1990. Nơi cư trú: Thôn 2, xã I, huyện I, tỉnh K. (Vắng mặt).
2. Chị Lữ Thị M. Sinh năm 1989. Nơi cư trú: Thôn 2, xã I, huyện I, tỉnh K. (Vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 20 giờ 00 phút ngày 12/7/2019, Võ Minh T, sinh năm 1997, trú tại xã N, huyện Đ, tỉnh tỉnh G cùng Nguyễn Hồng Q, sinh năm 1988, trú tại P. Y, Tp. P, tỉnh G và Hoàng Văn L, sinh năm 1987, trú tại xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đ sau khi nhậu cùng nhau xong đã rủ nhau đi uống nước tại quán Cà phê Bảo Châu do vợ chồng ông Bùi Văn Q làm chủ thuộc địa phận thôn 2, xã I, huyện I, tỉnh K. Do ông Q phục vụ nước không đúng ý nên L chê nước của quán dở và giữa hai người xảy ra cự cãi, ông Q nói “mày không uống nước thì mày biến”, nghe vậy thì L đứng dậy và đi về, khi gần ra cổng cả hai có lời qua tiếng lại với nhau nên ông Q đã đi đến đánh vào người L bằng tay, chân. Bà Nguyễn Thị Thanh T (là vợ ông Q) khi thấy sự việc trên thì đã bị sốc và khó thở; thấy thế T, Q đã chạy lại xoa lưng và đỡ bà T ngồi nghỉ sau đó chạy ra can ngăn nhưng cũng bị ông Q và người nhà ông Q đánh. Lúc này, được những người (là khách đang uống cà phê) ở đó can ngăn đồng thời thấy người nhà ông Q đông, có cầm hung khí và bạn mình là L đã ngất xỉu nên T và Q không đánh lại mà dìu L ra xe và đi về. Khi về đến nhà L tại thôn 1, xã I, thấy L lúc này bị sưng to ở đầu và đang hoảng sợ nên T và Q đưa L vào nhà nằm nghỉ rồi cả hai đi sang gian nhà bên cạnh để nghỉ nhưng do bực tức chuyện bị đánh tại nhà ông Q nên T đã gọi điện thoại cho Mai Thanh Đ, sinh năm 1985, trú tại thôn 1, xã I, huyện I kể lại sự việc bị đánh và nhờ Đ giúp đỡ (ý rủ Đ đi đánh nhau). Đ khi đó đang nhậu ở nhà cùng Q và X (không rõ họ tên và địa chỉ cụ thể), nghe T nói Đ hiểu ý là đi đánh nhau và đồng ý giúp Trí sau đó Đ cầm theo 01 dao (rựa) dài khoảng một mét có sẵn ở nhà và điều khiển xe máy chở Q và X đi cùng nhưng không nói là đi đánh nhau và đánh ai. Sau khi gọi điện cho Đ xong, T kể lại chuyện đã gọi Đ cho Q nghe, Q hiểu ý Tr là muốn đi đánh lại nhà ông Q nên cũng đồng ý và đã đi kiếm hung khí để đi đánh nhau và kiếm được một cái xẻng có sẵn ở nhà có cán làm bằng tre dài khoảng 1,2 mét, đường kính khoảng 04cm, lưỡi xẻng bằng kim loại, kích thước 42x24cm.
Trong lúc T và Q đang ở nhà để chuẩn bị đi thì có Lữ Văn A, sinh năm 1998 điều khiển xe máy chở theo Phạm Tuấn A, sinh năm 1999 cùng trú tại thôn I, xã I, huyện I trên đường đi chơi về đã ghé vào nhà L mục đích rủ L đi chơi. Khi đến nhà thì chỉ có Tuấn A đi vào, thấy Q và T thì Tuấn A hỏi “Có L ở nhà không” thì được T và Q chỉ sang bên nhà nơi mà L nằm nghỉ. Ngay sau đó, T điều khiển xe máy chở theo Q cầm xẻng ngồi phía sau đi ra hướng cầu Suối Cát để gặp Đ như đã hẹn trước đó; thấy thế Tuấn A biết là đi đánh nhau nên không qua nhà L nữa mà xuống chỗ Văn A đang đứng đợi sau đó thì cả hai cùng đi theo hai người trên; khi đi đến đoạn nhà Kiều Trinh thuộc Thôn 1, xã Ia Dom thì dừng xe lại mục đích để xem Lò Văn H, (sinh năm 1997, trú tại Thôn I, xã I, huyện I) và Vi Văn T, (sinh năm 1996, trú tại thôn T, xã Đ, huyện Đ, tỉnh K) còn ở đây không vì trước đó có nhậu cùng nhau tại đây nhưng khi dừng lại thì mọi người đã về. Lúc này, Tuấn A xuống xe để tìm và nhặt được 01 (một) gậy (tuýp) sắt dài khoảng 1,2m, đường kính khoảng 3cm và cầm theo để thủ thân nếu như có xảy ra đánh nhau; sau khi cầm tuýp sắt Tuấn A tiếp tục lên xe để Văn A chở đi theo T và Q; đang đi thì gặp H chở T đi cùng chiều. H và T có hỏi Tuấn A “Sao lúc nãy rủ đi chơi game lại không đi mà giờ đi” thì Tuấn A đáp “đi ra đây có đánh nhau”; tò mò và muốn đi xem nên H và T đã đi theo xe Tuấn A, đi được một đoạn thì thấy Tuấn A cầm tuýp sắt thì H và T đã biết rõ là sẽ có đánh nhau nhưng không nói gì, cũng không ngăn cản gì mà vẫn tiếp tục đi theo. Lúc này, do chưa thấy Đ nên T đã dừng xe ở cầu Suối Cát để đợi; thấy T dừng lại thì tất cả cũng dừng theo và đứng cách T và Q khoảng 2-3 m. Thấy các đối tượng không quen biết và có người cầm hung khí đi đến và đứng cùng mình nhưng T và Q không nghi ngờ gì vì trước đó đã thấy nhóm người này đi theo mình khi vừa đi khỏi nhà L nên nghĩ là nhóm bạn của L đi theo để giúp mình; lúc này thấy số lượng đã đủ, có cả hung khí nên T đã gọi điện cho Đ và bảo “đi thôi anh, đủ người rồi”; gọi xong Trí quay sang nói với Q “phải vô nhà ông Q đánh lại chứ không thể để như thế này được”; sau đó thì các đối tượng không ai nói gì nữa và cùng nhau đứng đợi. Khoảng 02 phút sau thì Đ chở Q và X xuống nhưng dừng xe lại cách nhóm của T khoảng 10-15m và vẫy tay; thấy vậy T cũng vẫy tay lại (ý là nhận ra nhau) đồng thời T điều khiển xe chở Q chạy về phía Đ đang đứng, các đối tượng khác cũng điều khiển xe máy chạy theo. Khi gặp Đ thấy Đ cầm theo dao, chở thêm hai người nữa nên T nói với Đ “đánh thì đánh đầu sống thôi” ý là nếu Đ dùng dao để đánh nhau thì chỉ đánh bằng sống dao thôi. Sau đó thì tất cả cùng quay xe và đi đến nhà ông Q.
Khoảng hơn 22 giờ thì các đối tượng đến trước cửa nhà ông Q và tất đều dựng xe ngay trước nhà, T đi tay không, Q cầm theo xẻng, Đ cầm theo dao đi sau T, Q và X đi sau cùng vào từ hướng cổng chính; những người còn lại gồm Tuấn A cầm theo tuýp sắt cùng Văn A, H và T đi vào địa phận nhà ông Q và đứng ở khu vực chòi cà phê; tiếp đó Tuấn A cầm tuýp sắt đi vào đứng gần am thờ nhà ông Q; thấy Tuấn A đi vào nhưng Văn A, H và T không ngăn cản gì mà vẫn đứng ở chòi cà phê.
Khi các đối tượng xông vào đến sân nhà, do nghe trong nhà có người nói là “tụi bay chỉ có mấy người thôi à” cộng với bực tức đã có sẵn, T liền nhặt hai viên đá ngay tại sân nhà và ném vào phía trong nhà ông Q nhưng không trúng ai. Khi đó, có Bùi Văn T, sinh năm 1987 (con trai của ông Bùi Văn Q) cầm theo một thanh sắt vuông có kích thước 2x2cm, dài 123cm chạy từ trong nhà ra và đánh nhau với Q còn ông Q lúc này chạy ra am thờ để tắt đèn; thấy thế T đã chạy lại gốc cây khế gần bếp ở sân nhà và nhặt được một gậy gỗ có chiều dài 70cm, đường kính 4cm và chạy lại để đánh ông Q đúng lúc ông Q vừa bước xuống khỏi khu vực am thờ thì bị T cầm gậy đánh một cái vào đầu trong tư thế đứng đối diện với ông Q, đánh từ trên xuống dưới, từ phải qua trái trúng vào trán bên phải. Bất ngờ bị đánh khiến ông Q bị choáng và chạy vào trong hiên nhà, thấy thế T đuổi theo đánh thêm 02 cái vào lưng ông Q; lúc này ông Q ngồi xuống và lấy hai tay ôm đầu thì T đánh tiếp 01 cái vào vai trái ông Q khiến ông Q bất tỉnh và nằm xuống tại sảnh nhà trong tư thế nằm sấp; thấy ông Q đã bất tỉnh đồng thời lúc này bà T là vợ ông Q chạy ra la hét “chúng nó giết bố mày rồi” nên T đã không đánh nữa nhưng lúc này gạch, đá vẫn được ném liên tục về phía ông Q và khu vực trong nhà ông Q và nhằm về phía T sau khi đánh nhau với Q chạy vào nhà và phía Bùi Văn L (con ông Quang) đang chạy ra khi nghe bà T hét lớn khiến L bị trúng đá gây thương tích ở vùng mặt. Bị ném trúng nhưng do lúc này gạch đá vẫn liên tục được ném về phía ông Q nên L đã lao đến và ôm nhằm che chắn cho ông Q. Lúc này, các đối tượng không ném nữa, T cầm theo gậy chạy ra ngoài theo hướng cổng chính; Q khi đánh nhau với T đã làm rơi lưỡi xẻng và bỏ chạy ra ngoài, thấy thế Đ cũng vứt dao lại nhà ông Q và bỏ chạy cùng T và Q theo hướng cổng chính và gặp Q và X; còn Tuấn A lúc này được Văn A vào và kêu đi về nên đã cùng Văn A chạy ra hướng chòi cà phê nơi các đối tượng đã đứng cùng H và T trước đó. Ngay sau đó, các đối tượng lên xe máy và đi về, trên đường về Tuấn A, Q và T đã vứt hung khí đi còn ông Q được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Ia H‟Drai.
Ngày 29/08/2019 Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và tiến hành điều tra theo thẩm quyền. Ngày 23/06/2020 Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Võ Minh T, Nguyễn Hồng Q, Mai Thanh Đ, Phạm Tuấn A, Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T về tội „Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 BLHS.Tại Cơ quan điều tra Công an huyện Ia H‟Drai, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 106/TgT-TTPY ngày 12/08/2019 của Trung tâm Pháp y tỉnh Kon Tum đã kết luận: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 32%. Vật gây thương tích: Vật tày.
Tại Cáo trạng số 10/CT-VKS ngày 12 tháng 10 năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia H‟Drai đã truy tố các bị cáo Võ Minh T, Nguyễn Hồng Q, Mai Thanh Đ, Phạm Tuấn A, Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết quy định điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo như Cáo trạng và đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt: Bị cáo Võ Minh T từ 32 đến 36 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Hồng Q từ 30 đến 34 tháng tù. Bị cáo Mai Thanh Đ từ 24 đến 29 tháng tù. Bị cáo Phạm Tuấn A từ 24 đến 29 tháng tù. Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H và Vi Văn T mỗi bị cáo từ 06 đến 09 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự: Trước khi mở phiên tòa, các bị cáo đã tác động gia đình bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tài sản bị xâm phạm cho ông Bùi Văn Q với tổng số tiền là 60.000.000 (Sáu mươi triệu) đồng. Bị hại đã nhận đủ số tiền bồi thường, không yêu cầu bồi thường gì thêm. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không yêu cầu gì đối với các bị cáo nên không đề cập.
Về xử lý vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên tịch thu tiêu hủy: 01 (một) dao tự chế, chiều dài 1,14m, cán dao dài 49cm hình tròn, có đường kính 3,2cm, lưỡi cong có chiều dài 65cm, chỗ rộng nhất lưỡi dao là 4,4cm; 01 (một) cây sắt vuông 2x2cm hơi cong có chiều dài 123cm; 01 (một) dao quắm chiều dài 51cm cán bằng le (tre) tròn, 2,5cm, phần lưỡi dài 24cm, cán dài 2,7cm, phần lưỡi chỗ rộng nhất là 3,5cm; 01 (một) lưỡi xẻng có chiều dài 42cm, chiều rộng 24cm làm bằng sắt; 07 (bảy) cục đá không rõ hình dạng từ số 01 đến số 07 có kích thước lần lượt là: (15x12)cm, (14x11)cm, (14x13)cm, (18x9)cm, (12x11)cm, (10x8)cm, (11x8)cm.
Tịch thu sung ngân sách Nhà nước 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA cảm ứng màu đen, đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng bên trong của máy.
Tuyên trả 01 (một) xe máy nhãn hiệu YAMAHA, loại Exciter, màu đen, BKS 82B1-63611, xe đã qua sử dụng cho bị cáo Lò Văn H.
Về án phí: Buộc các bị cáo phải chịu án phí theo quy định.
Các bị cáo Võ Minh T, Nguyễn Hồng Q, Mai Thanh Đ, Phạm Tuấn A đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và nhất trí với ý kiến luận tội của đại diện Viện kiểm sát, không ý kiến tranh luận gì. Trong quá trình điều tra, truy tố các bị cáo đều không bị mớm cung, ép cung hay dùng nhục hình buộc phải nhận tội.
Luật sư Ngô Đức N bào chữa cho ba bị cáo có ý kiến tranh luận như sau: Viện kiểm sát truy tố các bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết quy định điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Vụ án mang tính chất đồng phạm giản đơn nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả. Tuy nhiên, mức độ tham gia của ba bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T là không đáng kể, chỉ tham gia với vai trò giúp sức, không gây thương tích cho ông Bùi Văn Q. Cả ba bị cáo đều phạm tội lần đầu, sau khi xảy ra sự việc đã tích cực tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa hôm nay đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Mặt khác, ba bị cáo đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế. Nguyên nhân xảy ra vụ việc do một phần lỗi của bị hại gây ra trước đó, người bị hại cũng đã đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự để xử phạt ba bị cáo một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn điều luật đối với bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T. Đối với 01 (một) xe máy nhãn hiệu YAMAHA, loại Exciter, màu đen, BKS 82B1-63611, xe đã qua sử dụng của bị cáo Lò Văn H. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, tuyên trả lại cho bị cáo H.
Các bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H và Vi Văn T thống nhất với ý kiến của người bào chữa và không ý kiến tranh luận gì thêm.
Viện kiểm sát thống nhất với ý kiến bào chữa của cho ba bị cáo của luật sự bào chữa. Đại diện viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo như cáo trạng và quyết định truy tố, không ý kiến đối đáp gì thêm.
Bị hại là ông Bùi Văn Q trình bày tại phiên tòa: Thống nhất với các nội dung trong Cáo trạng và quyết định truy tố. Sự việc xảy ra một phần cũng do lỗi của tôi gây ra trước. Các bị cáo đều đã ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 60.000.000 đồng. Tôi đã nhận đủ số tiền và không yêu cầu bồi thường gì thêm. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều nhất trí với nội dung bản Cáo trạng truy tố đối với các bị cáo và không yêu cầu gì đối với từng bị cáo.
Lời nói sau cùng của các bị cáo:
Võ Minh T: Bị cáo gửi lời xin lỗi tới người bị hại. Mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Nguyễn Hồng Q: Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái. Bị cáo gửi lời xin lỗi tới người bị hại, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Mai Thanh Đ: Bị cáo xin lỗi người bị hại, bị cáo biết hành vi mình là sai. Mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Phạm Tuấn A: Bị cáo gửi lời xin lỗi tới người bị hại. Mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Lữ Văn A: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo còn con nhỏ, bị cáo xin lỗi bị hại, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Lò Văn H: Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái, bị cáo xin lỗi bị hại. Bị cáo có con nhỏ, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm trở về với gia đình.
Vi Văn T: Bị cáo xin lỗi bị hại, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm trở về với gia đình.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của bị cáo, và những người tham gia tố tụng khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên Công an huyện Ia H‟Drai, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên huyện Ia H‟Drai trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Các bị cáo, bị hại, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Tại phiên tòa, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Thanh T, anh Bùi Văn L, người làm chứng là chị Lữ Thị M, chị Vũ Thị G vắng mặt. Xét thấy việc vắng mặt của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng không gây trở ngại cho việc xét xử, họ đã có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc có đầy đủ lời khai trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt họ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
[2] Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận: Vào khoảng 22 giờ ngày 12/07/2019, do bực tức vì trước đó bị ông Bùi Văn Q và Bùi Văn T đánh mình và bạn mình là Nguyễn Hồng Q và Hoàng Văn L khi đi uống cà phê ở quán Bảo Châu thuộc Thôn 2, xã I, huyện I nên Võ Minh T đã cùng với các bị cáo Mai Thanh Đ, Nguyễn Hồng Q, Phạm Tuấn A, Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T đi đánh lại nhà ông Q. Khi đi đến nhà ông Bùi Văn Q tại Thôn 2, xã I, huyện I, các bị cáo T, Q, Đ đi vào từ hướng cổng chính còn các bị cáo Tuấn A, Văn A, H và T đi vào từ hướng chòi cà phê và đứng ở đây sau đó thì Tuấn A cầm tuýp sắt tiến vào khu vực am thờ. Ngay khi xông vào, T đã ném hai viên đá vào nhà ông Q nhưng không trúng ai, sau đó cầm gậy gỗ đánh ông Q vào đầu, lưng và vai trái dẫn đến hậu quả ông Q bị thương với tổng tỉ lệ tổn thương là 32%. Cây gậy bằng gỗ mà bị cáo Võ Minh T sử dụng gây thương tích cho ông Bùi Văn Q bị xem là “hung khí nguy hiểm”. Do đó, tổng hợp hành vi và hậu quả, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận hành vi trên của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, tội phạm và hình phạt quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS, với tình tiết quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự như Cáo trạng số 10/CT-VKS ngày 12 tháng 10 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia H‟Drai, tỉnh Kon Tum truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho ba bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T thống nhất với bản Cáo trạng truy tố đối với các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, vai trò đồng phạm của ba bị cáo trong vụ án là không đáng kể nên đề nghị Hội đồng xét xử xử căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, cũng như xem xét nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của ba bị cáo để xử phạt ba bị cáo một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn điều luật đối với ba bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T. Xét thấy quan điểm của luật sư là phù hợp nên cần được chấp nhận.
[3] Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến sức khoẻ của người khác được pháp luật bảo vệ. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đều đã đủ năng lực hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Mặc dù chỉ vì muốn giải quyết mâu thuẫn cá nhân mà các bị cáo đã tụ tập, dùng hung khí gây thương tích cho bị hại đến 32%. Hành vi phạm tội của các bị cáo, không chỉ trực tiếp xâm phạm sức khỏe của bị hại một cách trái pháp luật mà còn làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội, gây tâm lý hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân. Do đó, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Hội đồng xét xử thấy cần xử phạt các bị cáo với mức án nghiêm khắc tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra, cách ly các bị cáo với đời sống xã hội một thời gian, có như vậy mới đủ điều kiện và thời gian cải tạo, giáo dục đối với các bị cáo và răn đe phòng ngừa tội phạm nói chung trong xã hội.
Vụ án mang tính chất đồng phạm giản đơn, không có sự chuẩn bị từ trước, không có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả.
+ Đối với Võ Minh T: Là người khởi xướng đồng thời là người thực hành tích cực nhất. Bị cáo là người gọi điện cho Đ và rủ rê Đồng đi đánh nhau. Khi thấy các bị cáo Tuấn A, Văn A, H và T đi theo mình đã không ngăn cản và nghi ngờ dù không quen biết gì, khi T dừng lại thì các bị cáo khác cũng dừng theo, khi T chạy lại phía Đồng các bị cáo khác cũng đi theo và khi tới nhà ông Q để đánh nhau các bị cáo khác cũng đi theo, hành động của Trí tác động trực tiếp đến hành động của những người khác và tất cả cùng hướng về mục đích chung là đến nhà ông Q để đánh nhau. Khi vào nhà ông Q, bị cáo là người ném hai viên đá vào nhà ông Q, trực tiếp dùng gậy gỗ gây thương tích cho ông Bùi Văn Q.
+ Đối với Nguyễn Hồng Q: Là người thực hành, dù không trực tiếp gây thương tích ông Quang nhưng đánh nhau với Thắng, ngay khi được T rủ đi đã nhanh chóng tiếp nhận ý chí và chuẩn bị hung khí để đi đánh nhau.
+ Đối với Mai Thanh Đ: Là người giúp sức, mặc dù không đánh nhau hay gây thương tích cho ai nhưng khi được T gọi điện nhờ giúp đỡ, thì Đ đã đồng ý ngay và chuẩn bị hung khí, con người để đi đánh nhau. Sự có mặt của Đ và các đối tượng đi cùng đã tạo động lực, thôi thúc T và Q tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Hồng Q đã từng bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”. Bị cáo Mai Thanh Đ đã từng bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng tuyên phạt 07 (bảy) năm tù về tội “Cướp tài sản”.
Tuy đã được xóa án tích nhưng các bị cáo không lấy đó làm bài học cho bản thân mình, mà vẫn tiếp tục phạm tội nên cần xử phạt các bị cáo một mức án tương xứng để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
+ Đối với Phạm Tuấn A: Là người giúp sức, khi biết rõ các đối tượng chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội, biết rõ tính chất nguy hiểm của hành vi của mình và những người khác nhưng vẫn cố tình thực hiện, chủ động tìm và mang theo hung khí để đi đánh nhau.
+ Đối với Lữ Văn A, Lò Văn H và Vi Văn T: Là người giúp sức nhưng có vai trò không đáng kể. Mặc dù lúc đầu chỉ tò mò muốn đi xem đánh nhau nhưng khi biết rõ các đối tượng sẽ đánh nhau, đã nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi của mình và những người khác, thấy trước hậu quả chung của hành vi phạm tội nhưng không hề ngăn cản mà tự nguyện đi theo. Sự xuất hiện của các bị cáo trực tiếp tác động đến ý thức của những người khác, thúc đẩy những người khác tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Khi đến nhà ông Q, các bị cáo vẫn đi vào địa phận nhà ông Q cùng thời điểm với những người khác để xem đánh nhau mà không có hành động ngăn cản, có ý thức mong muốn hậu quả xảy ra và bỏ mặc hậu quả. Việc các bị cáo không tham gia đánh nhau xuất phát từ việc các bị cáo cho rằng sự việc không liên quan đến mình nhưng vẫn có ý thức sẽ giúp đỡ nếu như Tuấn A xảy ra chuyện. Tuy nhiên, xét thấy vai trò đồng phạm của ba bị cáo trong vụ án là không đáng kể nên Hội đồng xét xử xem xét phân hóa vai trò của các bị cáo để có mức án phù hợp mà vẫn đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
[4] Về tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Các bị cáo đã tích cực tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho người bị hại với tổng số tiền là 60.000.000 đồng (Trong đó gia đình Mai Thanh Đ bồi thường 20 triệu đồng, gia đình Võ Minh T và Nguyễn Hồng Q mỗi gia đình bồi thường 10 triệu đồng, gia đình Phạm Tuấn A, Lữ Văn A, Lò Văn H và Vi Văn T mỗi gia đình bồi thường 5 triệu đồng). Bị hại đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Riêng đối với bị cáo Nguyễn Hồng Q là gia đình chính sách (có bố là Nguyễn Hữu T, bệnh binh với tỷ lệ mất sức lao động là 61%). Ngoài ra, vụ việc xảy ra có một phần lỗi của bị hại. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS nên cần áp dụng đối với các bị cáo.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự.
Các bị cáo được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì vậy, Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Võ Minh T, Nguyễn Hồng Q, Mai Thanh Đ và Phạm Tuấn A để xử phạt các bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề của điều luật cũng đủ tác dụng cải tạo và giáo dục bị cáo, thể hiện chính sách khoan hồng của Pháp luật.
Riêng đối với các bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T tham gia với vai trò giúp sức không đáng kể. Cả ba bị cáo đều phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự. Mặt khác, ba bị cáo đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, có bị cáo trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế. Do đó, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, cũng như xem xét nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của ba bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy cần áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự để xử phạt một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với các bị cáo Lữ Văn A, Lò Văn H, Vi Văn T để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của Pháp luật mà tích cực cải tạo, trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
[5] Ngoài ra, trong vụ án có đối tượng Hoàng Văn L có bị ông Q đánh và có thương tích tuy nhiên quá trình điều tra, xác minh L đã bỏ đi khỏi địa phương, hiện không xác định được L đang ở đâu nên không có cơ sở điều tra, làm rõ. Đối với vai trò của Hoàng Văn L trong vụ án, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có tại hồ sơ vụ án đã xác định được Hoàng Văn L không phải đồng phạm trong vụ án nên không xem xét xử lý.
Đối với hành vi các đối tượng ném đá làm hư hỏng một số vật dụng trong nhà ông Q nhưng thiệt hại không đáng kể, gia đình ông Q không yêu cầu gì nên không có cơ sở để xử lý. Đối với hành vi của ông Bùi Văn Q: Có dùng tay, chân đánh L, T và Q tuy nhiên chỉ gây thương tích nhẹ, không ai có yêu cầu gì nên không xem xét xử lý.
Đối với hành vi của Bùi Văn T dùng xẻng để đánh nhau với Q nhưng chưa gây thương tích; bản thân các bị cáo không yêu cầu gì nên không có cơ sở xử lý.
Đối với hai đối tượng Q và X có đi cùng Đ, biết rõ Đ mang theo dao để đi đánh nhau nhưng vẫn đồng ý đi; theo diễn biến vụ việc, trên cơ sở các tài liệu chứng cứ đã thu thập đủ cơ sở để xác định hai đối tượng này có xông vào nhà ông Q cùng T, Q, Đ từ hướng cổng chính và là những người đã thực hiện việc ném đá vào nhà ông Q – có đủ căn cứ để xác định hai đối tượng trên là đồng phạm trong vụ án. Tuy nhiên Cơ quan CSĐT chưa xác định được nhân thân, lai lịch các đối tượng nên khi điều tra, xác minh được các đối tượng Q và X sẽ xem xét xử lý sau.
[6] Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra, các bị cáo đã tác động gia đình bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tài sản bị xâm phạm cho ông Bùi Văn Q với tổng số tiền là 60.000.000 (Sáu mươi triệu) đồng. Bị hại đã nhận đủ số tiền bồi thường, không yêu cầu bồi thường gì thêm. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không yêu cầu gì đối với bị cáo nên không xem xét. Riêng đối với anh Bùi Văn L vắng mặt tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tách phần dân sự để giải quyết bằng vụ án dân sự khác khi có yêu cầu.
[7] Về xử lý vật chứng: Đối với 01 (một) dao tự chế, chiều dài 1,14m, cán dao dài 49cm hình tròn, có đường kính 3,2cm, lưỡi cong có chiều dài 65cm, chỗ rộng nhất lưỡi dao là 4,4cm; 01 (một) cây sắt vuông 2x2cm hơi cong có chiều dài 123cm:
01 (một) dao quắm chiều dài 51cm cán bằng le (tre) tròn, 2,5cm, phần lưỡi dài 24cm, cán dài 2,7cm, phần lưỡi chỗ rộng nhất là 3,5cm; 01 (một) lưỡi xẻng có chiều dài 42cm, chiều rộng 24cm làm bằng sắt; 07 (bảy) cục đá không rõ hình dạng từ số 01 đến số 07 có kích thước lần lượt là: (15x12)cm, (14x11)cm, (14x13)cm, (18x9)cm, (12x11)cm, (10x8)cm, (11x8)cm. Đây là công cụ thực hiện hành vi phạm tội, không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy là phù hợp.
Đối với 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA cảm ứng màu đen, đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng bên trong của máy: Là công cụ thực hiện hành vi phạm tội, còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu sung ngân sách Nhà nước.
Đối với 01 (một) xe máy nhãn hiệu YAMAHA, loại Exciter, màu đen, BKS 82B1-63611, xe đã qua sử dụng: Trong vụ án, bị cáo H có chở theo Vi Văn T đến nhà ông Q. Đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội nên cần tịch thu xe máy nhãn hiệu YAMAHA, loại Exciter, màu đen, BKS 82B1-63611 để sung ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, qua điều tra xác minh và tại phiên tòa ngày hôm nay đã xác định được chiếc xe máy biển kiểm soát 82B1-63611 là tài sản chung của bị cáo Lò Văn H và chị Phạm Thị H. Chị H hoàn toàn không biết việc bị cáo Lò Văn H lấy xe để tham gia đánh nhau tại nhà ông Bùi Văn Q. Do đó, cần phải tịch thu 1/2 giá trị của chiếc máy biển kiểm soát 82B1-63611 tại thời điểm phát mãi tài sản để sung vào ngân sách Nhà nước. Hoàn trả lại 1/2 giá trị tài sản còn lại của chiếc xe máy cho chị Phạm Thị H.
Đối với 01 (một) cậy gậy gỗ có kích thước dài khoảng 60cm-70cm, đường kính 3-4cm là hung khí mà T đã dùng để đánh gây thương tích cho ông Q, sau đó Trí vứt tại tọa độ 14.1505379-1074589729 trên Quốc lộ 14C; 01 cán xẻng bằng tre dài khoảng 1,2m, đường kính 4-5cm mà Q đã sử dụng để đánh nhau với T, sau đó bỏ lại tại tọa độ 141612495-1074605940 trên Quốc lộ 14C; 01 cây tuýp sắt dài khoảng 1,2m, đường kính 3-4cm mà Phạm Tuấn A đã cầm để đi đến nhà ông Q cùng các bị cáo, sau đó vứt đi tại tọa độ 14.1505379-1074589729 trên Quốc lộ 14C: Cơ quan CSĐT đã truy tìm nhưng không thu giữ được. Đối với 01 xe máy của Đ dùng để chở Q và X đi đến nhà ông Bùi Văn Q, đã bị mất; 01 xe máy loại Sirius mà T dùng để chở Q, T chỉ mượn xe từ lán của L và sau đó trả lại, hiện không biết xe của ai và ở đâu nên không thu giữ được; đối với 01 điện thoại mà T đã sử dụng để gọi điện cho Đ rủ đi đánh nhau hiện đã bị mất không thu giữ được nên không xem xét.
Đối với 01 (một) xe máy nhãn hiệu YAMAHA, loại Sirius, BKS 82M1-07160, màu trắng đen, không có yếm, chắn bùn trước bị vỡ, xe cũ mà bị cáo Lữ Văn A dùng làm phương tiện chở Phạm Tuấn A đi đến nhà ông Bùi Văn Qu. Qua điều tra xác minh đã xác định được đây là xe của chị Ngân Thị H cho bị cáo Lữ Văn A mượn. Chị H không biết việc Lữ Văn A dùng vào việc phạm tội nên cơ quan điều tra đã trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp là chị Ngân Thị H là có căn cứ.
[8] Về án phí: Các bị cáo bị kết án nên buộc các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Võ Minh T, Nguyễn Hồng Q, Mai Thanh Đ, Phạm Tuấn A, Lữ Văn A, Lò Văn H và Vi Văn T phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.
2. Về hình phạt:
- Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51: khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Võ Minh T 36 (Ba mươi sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 29/6/2020.
- Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51: khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Hồng Q 34 (Ba mươi bốn) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 24/6/2020.
- Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51: khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Mai Thanh Đ 29 (Hai mươi chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 24/6/2020.
- Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51: khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Phạm Tuấn A 26 (Hai mươi sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 25/6/2020.
- Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51: khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Lữ Văn A 08 (Tám) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 25/6/2020.
- Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51: khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Lò Văn H 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 26/6/2020.
- Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51: khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Vi Văn T 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 25/6/2020.
3.Về xử lý vật chứng: Áp dụng các Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự; Căn cứ Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự tuyên:
Tịch thu tiêu hủy 01 (một) dao tự chế, chiều dài 1,14m, cán dao dài 49cm hình tròn, có đường kính 3,2cm, lưỡi cong có chiều dài 65cm, chỗ rộng nhất lưỡi dao là 4,4cm; 01 (một) cây sắt vuông 2x2cm hơi cong có chiều dài 123cm; 01 (một) dao quắm chiều dài 51cm cán bằng le (tre) tròn, 2,5cm, phần lưỡi dài 24cm, cán dài 2,7cm, phần lưỡi chỗ rộng nhất là 3,5cm; 01 (một) lưỡi xẻng có chiều dài 42cm, chiều rộng 24cm làm bằng sắt; 07 (bảy) cục đá không rõ hình dạng từ số 01 đến số 07 có kích thước lần lượt là: (15x12)cm, (14x11)cm, (14x13)cm, (18x9)cm, (12x11)cm, (10x8)cm, (11x8)cm.
Tịch thu sung ngân sách Nhà nước 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA cảm ứng màu đen, đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng bên trong của máy.
Tịch thu sung ngân sách Nhà nước 1/2 giá trị xe máy nhãn hiệu YAMAHA, loại Exciter, màu đen, BKS 82B1-63611, số máy G3D4E700533, số khung 0610JY672792 tại thời điểm phát mãi tài sản để sung ngân sách Nhà nước. Hoàn trả lại 1/2 giá trị tài sản còn lại tại thời điểm phát mãi cho chị Phạm Thị H.
(Theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 13/10/2020 của Công an huyện Ia H‟Drai với Chi cục thi hành án dân sự huyện Ia H‟Drai).
Lưu trữ theo hồ sơ vụ án 01(một) chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy biển kiểm soát 82B1-63611, nhãn hiệu YAMAHA, loại Exciter, màu đen, số máy G3D4E700533, số khung 0610JY672792 mang tên Lò Văn Hùng, địa chỉ: Thôn 1, xã Ia Dom, huyện Ia H‟Drai, Kon Tum và sẽ chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Ia H‟Drai khi có yêu cầu.
4. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016, của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Buộc các bị cáo Võ Minh T, Nguyễn Hồng Q, Mai Thanh Đ, Phạm Tuấn A, Lữ Văn A, Lò Văn H và Vi Văn T mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
5. Căn cứ các Điều 331, 332, 333 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (24/11/2020) các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền làm đơn kháng cáo bản án để xin xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm. Riêng những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tại xã ( phường) nơi cư trú.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án 11/2020/HS-ST ngày 24/11/2020 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 11/2020/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Ia H'Drai - Kon Tum |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/11/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về